Hình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05/2015 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn.REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters/Files
Vào lúc Bắc Kinh không ngần ngại dùng cả lời nói lẫn hành động cụ thể chống lại việc Washington can dự vào tình hình Biển Đông, đang trở nên căng thẳng do các hoạt động bồi đắp và xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành trên các bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa, The Washington Post, một tờ báo có uy tín hàng đầu tại Hoa Kỳ, vào hôm qua đã công khai biểu lộ thái độ bất bình, và lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ phải có phản ứng đáp trả cụ thể trước các hành vi của Bắc Kinh bị tờ báo gọi là « khiêu khích nguy hiểm ».
Nguyên do trực tiếp khiến tờ Washington Post bất bình là sự kiện xẩy ra vào tuần trước, khi một chiếc phi cơ do thám của Mỹ, trong lúc bay trên Biển Đông gần các bãi ngầm ở vùng Trường Sa mà Trung Quốc đang bồi đắp, đã bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo đến 8 lần. Không những thế, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đả kích phía Mỹ, tố cáo một hành vi « vô trách nhiệm và rất nguy hiểm ».
Vấn đề tuy nhiên, theo tờ báo Mỹ, là các hoạt động của Hoa Kỳ hoàn toàn hợp pháp và hợp tình, hợp lý. Chuyến bay của chiếc phi cơ do thám Mỹ nằm trong các nỗ lực của Washington nhằm đánh động dư luận về những hành động khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc, khi cho ồ ạt xây dựng hạ tầng cơ sở tại một khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ.
Theo tác giả bài báo, Trung Quốc đã lấn lướt các láng giềng bằng cách xây dựng nhanh chóng nào là phi đạo, bến cảng, nào là các hạ tầng cơ sở khác tại một trong những vùng biển nhạy cảm nhất Châu Á – với những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo lên nhau. Điểm nguy hại được nhấn mạnh là nguy cơ Trung Quốc tìm cách giới hạn lưu thông trên không và trên biển qua khu vực gần các cơ sở mà họ đang hoàn tất ở Biển Đông.
Đối với The Washington Post, có thể là không thể nào ngăn chặn được các công việc mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, nhưng điều quan trọng là cần phải dứt khoát tố cáo và bác bỏ mưu toan của Trung Quốc muốn hạn chế tự do lưu thông, tại một vùng biển mà họ đòi chủ quyền đến 80% diện tích, dựa theo một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mơ hồ có từ thập niên 1940.
Ở một khu vực là đường qua lại của tàu bè quốc tế, Trung Quốc lại muốn loại tàu thuyền và máy bay quốc tế ra khỏi một vùng rộng 200 hải lý chung quanh các vùng tranh chấp, rộng hơn gấp bội so với 12 hải lý mà Hoa Kỳ công nhận.
Đối với The Washington Post, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thiếu cơ sở chính đáng, nhưng chế độ Tập Cận Bình lại từ chối sự trung gian hòa giải của quốc tế, hay tích cực đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử với các láng giềng. Trung Quốc cũng bác bỏ những phản đối của Mỹ liên quan đến hành động bồi đắp đảo nhân tạo.
Thậm chí, như Hoàn cầu Thời báo đã huênh hoang, Trung Quốc đang trong thế chủ động, và một khi các công trình tại Biển Đông hoàn tất, thì sự can thiệp của Mỹ sẽ trở nên vô nghĩa.
Trong tình đó đó, tờ báo Mỹ cho rằng Hoa Kỳ phải xúc tiến kế hoạch cho phi cơ bay qua khu vực mà Trung Quốc cho là của họ trên Biển Đông, hay cho chiến hạm tiến gần các vùng này. Đó là các biện pháp nhằm cho thấy rõ là Mỹ bác bỏ các đòi hỏi của Trung Quốc.
Mỹ và Nhật đã từng áp dụng chiến thuật tương tự để vô hiệu hóa vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố vào năm 2013 ở Biển Hoa Đông.
Đối với The Washington Post, thái độ cứng rắn của Mỹ sẽ động viên các quốc gia châu Á còn ngần ngại trong việc đoàn kết chống lại các yêu sách chủ quyền và hành vi áp đặt thô bạo của Trung Quốc. Một trong những lợi thế mà Washington có thể khai thác là cho dù rất muốn thiết lập quyền bá chủ trong khu vực, nhưng Trung Quốc vẫn tránh gây xung đột lớn với các nước láng giềng và với Hoa Kỳ. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng phải rút lui chiến thuật khi hành vi hung hăng trên biển của họ đã gặp phải sự kháng cự.
Việt Nam và Ấn Độ ký tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng
Đức Tâm
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar (T) và đồng nhiệm CS Việt Nam Phùng Quang Thanh (P)DR
Nhân chuyến công du Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ngày 25/05/2015, đại diện quân đội hai nước đã ký Tuyên bố chung về Tầm nhìn Quốc phòng nhằm tăng cường quan hệ chiến lược song phương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Tuyên bố chung về Tầm nhìn Quốc phòng giai đoạn 2015-2020, được ký giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh.
Bên cạnh đó, trước sự chứng kiến của hai Bộ trưởng, đại diện lực lượng tuần duyên hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương. Trước đó, Bộ trưởng hai nước đã có các cuộc hội đàm về hợp tác quốc phòng, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bắt đầu công du Ấn Độ từ Chủ nhật, 24/05. Chuyến công du 3 ngày này diễn ra vào lúc Trung Quốc gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo để khẳng định các đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo nguồn tin báo chí, phía Việt Nam mong muốn Ấn Độ huấn luyện các thủy thủ tàu ngầm, trong khi đó, New Delhi muốn bán tên lửa siêu âm Brahmos cho Hà Nội. Tuy nhiên, theo các quan chức Ấn Độ, dự án này chưa hoàn tất.
New Delhi và Hà Nội đã tăng cường quan hệ kinh tế chiến lược trong bối cảnh Ấn Độ đẩy mạnh chính sách « Hướng Đông » và Việt Nam phải đối phó với các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Năm ngoái, hai nước đã có ít nhất ba cuộc viếng thăm trao đổi cấp cao. Tháng 08/2014, Ngoại trưởng Ấn Độ tới Việt Nam. Sang đến tháng 09/2014, Tổng thống Ấn Độ công du Việt Nam và trong dịp này, New Dehli cấp 100 triệu đô la tín dụng để Việt Nam mua các thiết bị quân sự của Ấn Độ. Đến tháng 10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Ấn Độ.
Philippines báo động về việc Trung Quốc xây dụng hải đăng ở Trường Sa
Trọng Nghĩa
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin duyệt hàng quân danh dự tại nhân 117 năm ngày thành lập Hải quân, 25/05/2015.REUTERS/Romeo Ranoco
Ngay sau khi có tin Bắc Kinh bắt đầu cho xây hai ngọn hải đăng trên Đá Châu Viên và Gạc Ma mà Trung Quốc chiếm giữ ở vùng quần đảo Trường Sa, chính quyền Manila vào hôm nay, 27/05/2015, đã lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại.
Theo Bộ Quốc phòng Philippines, các công trình này hoàn toàn có thể được dùng cho mục tiêu quân sự, bất chấp lời biện minh của Trung Quốc, theo đó hải đăng sẽ giúp cho giao thông trên biển an toàn hơn.
Đối với ông Arsenio Andolong, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, cần phải xem xét các công trình này trong toàn bộ các cơ sở được Bắc Kinh xây dựng trên các bãi đá mà họ bồi đắp và mở rộng thành đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa. Và đấy chính là điều khiến Manila e ngại.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc vào hôm qua đã làm lễ động thổ xây dựng hai ngọn hải đăng trên Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma mà Bắc Kinh đã chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1988. Philippines cũng khẳng định chủ quyền trên hai đảo dưới tên gọi Cuarteron Reef và Mabini Reef.
Theo Tân Hoa Xã, hai ngọn hải đăng đó sẽ cao 50 m, có đèn chiếu cỡ lớn với đường kính 4,5 mét, có thể rọi xa đến 22 hải lý.
Thông tin về việc xây dựng hải đăng được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục biện minh cho các công trình xây dựng của họ ở Biển Đông, theo luận điệu là các khu vực đó thuộc chủ quyền Trung Quốc. Cùng lúc, Bắc Kinh cũng công bố chiến lược biển mới của mình, công khai khẳng định tham vọng bành trướng.
Nhà Trắng tái khẳng định " lợi ích an ninh quốc gia " Mỹ tại Biển Đông
Hành động của Trung Quốc đã gây lo ngại tại Hoa Kỳ, với Nhà Trắng hôm qua tái khẳng định quyền lợi quốc gia của Mỹ tại Biển Đông.
Phát biểu với báo chí, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Mỹ Josh Earnest cho biết là Tổng thống Mỹ Barack Obama « thường xuyên đề cập đến tầm quan trọng của tình hình an ninh trên Biển Đông, một vấn đề thiết yếu đối với an ninh quốc gia của Mỹ (và) cũng quan trọng đối với kinh tế toàn cầu khi quyền tự do thông thương qua Biển Đông là điều cần phải được duy trì ».
Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng nhắc lại rằng Washington đã cam kết với các nước trong khu vực là sẽ nỗ lực bảo vệ quyền tự do thông thương đó.
Biển Đông : Quân đội Việt Nam và Philippines giao lưu tại Trường Sa
Trọng Nghĩa
Trên đảo Song Tử Đông, tháng 11 năm 2012.DR
Vào lúc Trung Quốc không ngừng nhe nanh vuốt tại quần đảo Trường Sa, lực lượng Việt Nam và Philippines đồn trú trong khu vực đã tổ chức đấu bóng và cùng nhau hát karaoke, trên một hòn đảo hiện do Philippines kiểm soát. Theo giới quan sát, đây là thêm một dấu hiệu chứng tỏ xu hướng thắt chặt thêm quan hệ an ninh giữa hai quốc gia Đông Nam Á bị Bắc Kinh chèn ép dữ dội nhất tại Biển Đông.
Theo tiết lộ của các giới chức Hải quân cấp cao của Philippines, binh lính hai bên đã thi đấu bóng đá và bóng chuyền trên đảo Song Tử Đông, tên quốc tế là Northeast Cay, tên Philippines là Parola. Đảo này nằm dưới quyền kiểm soát của Manila từ năm 1968, nhưng cũng bị Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền.
Cũng theo nguồn tin trên, vào sáng sớm, một chiếc tàu hải quân của Việt Nam đã chở 60 thủy thủ Việt Nam đến đảo này để giao lưu với 100 lính Philippines đã có mặt trên đảo. Một quan chức hải quân cấp cao của Philippines xin giấu tên xác định là các sinh hoạt thân thiện đó vừa giúp lực lượng đồn trú của cả hai bên thư giãn, vừa « tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước ».
Theo nhận định của hãng tin Anh Reuters, hợp tác đã nở rộ giữa Hà Nội và Manila, kể từ khi hai bên quyết định tạm gác hàng thập kỷ căng thẳng do tranh chấp chủ quyền song phương ở quần đảo Trường Sa, để đối phó với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh, hiện đang đẩy mạnh tiến độ bồi đắp đảo nhân tạo trong khu vực để làm bàn đạp tiến sâu vào khu vực trung tâm của vùng biển Đông Nam Á.
Vào năm ngoái, chính quân đội Philippines đã đến giao lưu với binh lính Việt Nam đồn trú trên đảo Song Tử Tây (Southwest Cay, mà Philippines gọi là Pugad), chỉ cách Song Tử Đông một vài hải lý.
Sau sự kiện đó, chiến hạm Việt Nam cũng đã ghé cảng Manila, trong lúc một đường dây nóng hải quân cũng đã được thành lập, và đã phát huy hiệu quả trong việc giúp đỡ ngư dân hai nước gặp sự cố ngoài biển khơi.
Trong thời gian gần đây, phía quân đội Philippines từng tiết lộ với hãng tin Reuters rằng hai nước đã thảo luận không chính thức với nhau về khả năng tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông. Thế nhưng một quan chức quân sự Việt Nam đã cho biết là ý tưởng đó đã được gợi lên từ lâu, nhưng chưa có gì được quyết định dứt khoát.
Giới ngoại giao và chuyên gia đã lồng quan hệ đối tác mới giữa Hà Nội và Manila vào trong xu thế hình thành một mạng lưới liên minh không chính thức trên toàn châu Á xuất phát từ thái độ quan ngại trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Patrick Cronin, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm về An ninh Mới của Mỹ - Center for a New Americab Security - ở Washington nhận định : « Một trục liên kết Manila-Hà Nội sẽ đặt một rào cản đối với tham vọng của Trung Quốc nhằm kiểm soát hầu hết Biển Đông… Điều đó có thể là sẽ không làm thay đổi ngay lập tức tương quan lực lượng trong khu vực... nhưng sẽ làm nổi cộm vấn đề là các hành động quyết đoán đơn phương của Trung Quốc có nguy cơ đe dọa sư ổn định và thịnh vượng (của khu vực). »
Về quyền kiểm soát của Việt Nam và Philippines trên hai hòn đảo Sông Tử Đông và Song Tử Tây, Reuters vào hôm nay nhắc lại một chuyện gần như là tiếu lâm : Quân đội Philippines đã chiếm đóng đảo Sông Tử Tây cho đến đầu năm 1975. Thế nhưng, lợi dụng cơ hội lực lượng Philippines đồn trú trên đảo này rời nhiệm sở qua vui chơi tại đảo Song Tử Đông lân cận, quân đội miền Nam Việt Nam đã đổ bộ lên chiếm đóng đảo này. Thế là Song Tử Tây nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam từ lúc đó.
Úc chính thức bác quy chế tị nạn của 46 người Việt
Đức Tâm
Thứ trưởng Bộ Di dân và Biên phòng Úc Michael Pezzullo.DR
Theo AP, chính quyền Canberra ngày hôm qua 26/05/2015, đã bác đơn xin tị nạn của 46 thuyền nhân Việt Nam. Những người này bị giam giữ trên một tàu chiến của Úc trong một tháng qua. Ngày 21/04 vừa qua, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã chỉ trích Úc tiến hành thanh lọc thuyền nhân ngay trên tàu ở ngoài khơi.
Vụ việc xẩy ra từ ngày 20/03/2015. Các thuyền nhân Việt Nam đã bị một tàu chiến của Úc áp giải và sau khi tiến hành thanh lọc ngay trên tàu, Canberra đã quyết định đưa 46 thuyền nhân Việt Nam về cảng Vũng Tàu vào ngày 18/04. Vậy điều gì đã xẩy ra trong một tháng qua?
Hôm thứ Hai 25/05, Thứ trưởng Bộ Di dân và Biên phòng Úc, ông Michael Pezzullo đã tiết lộ vụ việc tại Thượng viện. Theo đó, các cuộc thẩm vấn tương đối lâu để có thể khẳng định rằng không có một thuyền nhân nào đáp ứng các điều kiện buộc chính phủ Úc phải thực hiện quyền bảo vệ tị nạn. Mặt khác, Canberra đã có sự bảo đảm của chính quyền Việt Nam là không tiến hành trấn áp những thuyền nhân bị trả về.
Trong tháng Tư, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc Úc thanh lọc thuyền nhân ngay trên biển và cho rằng với cách thức này, đơn xin tị nạn có thể không được cứu xét một cách công bằng.
Chính quyền Canberra thường xuyên huy động hải quân Úc để xua đuổi các tàu chở những người xin tị nạn đến từ Châu Phi, Trung Đông và Châu Á hoặc kéo các thuyền này quay lại Indonesia, điểm xuất phát cuối cùng của các thuyền nhân để tới bờ biển của Úc.
Nhật Bản kết án tù một thuyền trưởng Trung Quốc vì đánh bắt san hô trái phép
Thu Hằng
Tàu Trung Quốc (trái) bị tuần duyên Nhật rượt đuổi gần đảo Miyako. Ảnh tư liệu chụp ngày 02/02/2013.Reuters
Thuyền trưởng một chiếc tàu cá Trung Quốc, hôm nay 27/05/2015, đã bị một tòa án Nhật Bản kết án một năm tù giam và 10 triệu yen (75.000 euro) tiền phạt. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, công dân Trung Quốc này bị buộc tội đánh bắt san hô trái phép trong vùng biển của Nhật Bản.
Ngư phủ Fang Dongbing, 46 tuổi, bị cáo buộc đánh bắt trộm san hô đỏ, vào tháng 12 vừa qua, gần quần đảo Izu, cách thủ đô Tokyo khoảng 600 km về phía nam. Theo cơ quan thông tấn Jiji, ban đầu, biện lý yêu cầu mức án 18 tháng tù và khoản tiền phạt lên tới 15 triệu yen. Đây là án tù giam đầu tiên liên quan tới việc đánh bắt trái phép tính từ cuối năm 2014. Trước đó, tháng 3/2015, một người đánh bắt trái phép khác đã bị kết án nhẹ hơn, 18 tháng tù treo và 3 triệu yen tiền phạt.
Tháng 10/2014, Nhật Bản thống kê hơn 200 tàu Trung Quốc hoạt động trái phép tại khu vực lãnh hải của nước này. Cuối năm 2014, lực lượng tuần duyên Nhật Bản buộc phải báo động về số lượng tàu thuyền Trung Quốc tham gia đánh bắt trộm san hô ngày càng tăng. Số lượng này chỉ giảm dần từ khi Tokyo quyết định tăng gấp ba lần mức tiền phạt đối với các trường hợp đánh bắt trái phép trong vùng biển của Nhật Bản.
San hô đỏ được dùng vào việc sản xuất đồ mỹ nghệ và đồ trang sức. Do rất được ưa chuộng tại Trung Quốc, nên sản phẩm này thường được bán với giá rất cao.
Việc các tàu tuần duyên Nhật Bản truy đuổi các tàu đánh bắt san hô trái phép của Trung Quốc trong vùng biển nước này không gây thêm căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, không có người sinh sống, nằm tại Biển Hoa Đông. Trung Quốc thường xuyên phái tàu tới khu vực tranh chấp này.
Mỹ-Hàn-Nhật đồng thuận gây áp lực với Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân
Đức Tâm
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cùng với các nhà khoa học, kỹ sư và công nhân hoan nghênh thành công của việc thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo mới.REUTERS/KCNA
Hôm nay 27/05/2015, đặc phái viên Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã gặp nhau tại Seoul để thảo luận về hồ sơ hạt nhân của Bắc Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng thông báo bắn thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm và chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.
Cuộc gặp ba bên, Mỹ-Nhật-Hàn kéo dài khoảng ba tiếng. Trong cuộc họp báo sau đó, ông Sung Kim, đặc phái viên Mỹ phụ trách hồ sơ Bắc Triều Tiên cho biết, ba nước đã đạt đồng thuận về tầm quan trọng của việc gia tăng áp lực, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Theo đặc phái viên Hàn Quốc, Hwang Joon Kook, cả ba nước đều nhấn mạnh đến tính chất nghiêm trọng của việc Bắc Triều Tiên bắn thử thành công tên lửa đạn đạo hải đối địa, cho dù thông tin này chưa được kiểm chứng.
Tuy nhiên, trong cuộc họp, Mỹ-Hàn-Nhật vẫn nêu ra khả năng tái khởi động vòng đàm phán sáu bên, vốn rơi vào bế tắc từ năm 2008, để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử. Sau cuộc gặp, đặc phái viên Mỹ và Hàn Quốc sẽ sang Trung Quốc, đồng minh thân cận duy nhất của Bắc Triều Tiên.
Một số chuyên gia cho rằng phải chăng đã đến lúc cần thay đổi chiến lược đối với Bắc Triều Tiên. Mặc dù bị quốc tế trừng phạt và cô lập, nhưng Bình Nhưỡng vẫn không từ bỏ ý định thực hiện tham vọng chế tạo vũ khí nguyên tử.
Bắc Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử nguyên tử trong các năm 2006, 2009, 2013 và vẫn kiên quyết phát triển chương trình tên lửa đạn đạo.
Về quan hệ Mỹ-Hàn Quốc, hôm qua, Washington thông báo là Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Park Geun Hye vào ngày 16/06 tại Nhà Trắng, để tái khẳng định mối quan hệ đối tác vững chắc giữa hai nước, đặc biệt là trong việc đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Theo Nhà Trắng, chuyến công du Mỹ của nguyên thủ Hàn Quốc sẽ nhấn mạnh đến « vai trò quan trọng » của liên minh Washington-Seoul, nhằm bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực.
Nguyên thủ hai nước cũng sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế song phương, hồ sơ môi trường, y tế và an ninh mạng.
Miến Điện : Giới sư sãi cực đoan biểu tình chống người Rohingya
Thu Hằng
Hàng trăm người biểu tình trên đường phố Răngun, Miến Điện ngày 27/05/2015.REUTERS/Aubrey Belford
Tại Miến Điện, các nhà sư mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan biểu tình vào trưa ngày hôm nay 27/05/2015 tại Rangoon, để phản đối chính phủ cứu trợ người nhập cư Rohingya, sau nhiều tuần lênh đênh trên biển, đang gặp nạn ở ngoài khơi Malaysia và Indonesia.
Từ Rangoon, thông tín viên Rémy Favre của RFI, cho biết thêm chi tiết :
« Các nhà sư muốn xua đuổi người Rohingya, giam họ vào các trại tị nạn, ngăn họ quay về Miến Điện và thậm chí không muốn chính phủ Miến Điện cấp quốc tịch cho người Rohingya. Các nhà sư có đầu óc dân tộc chủ nghĩa này cho rằng, thực ra người Rohingya là người Bangladesh muốn xâm chiếm Miến Điện, nơi có đa số dân là Phật giáo và biến nước này thành một quốc gia Hồi giáo. Họ lo ngại chính quyền Miến Điện thay đổi chính sách đối với người Rohingya.
Cho tới nay, Miến Điện dường như vẫn coi người Rohingya là dân nhập cư trái phép và phủ nhận việc ngược đãi người Rohingya ở phía tây nước này. Nhưng từ hai tuần nay, chính phủ đã thay đổi thái độ. Họ công nhận là những người nhập cư đang rất khổ sở, hải quân Miến Điện đã kéo vào bờ một chiếc tàu chở 200 người tị nạn. Đây là lần đầu tiên chính quyền tới cứu vớt trực tiếp những người đang đánh đổi mạng sống để vượt biển.
Thứ Sáu tới, Miến Điện sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực về vấn đề người Rohingya. Các nhà sư cực đoan e ngại chính quyền sẽ có thái độ ôn hòa, xuống giọng và thừa nhận rằng chính những hành động ngược đãi, không cấp quốc tịch và nạn nghèo khổ đã buộc những người Rohingya trốn chạy khỏi Miến Điện ».
Thái Lan : Chính quyền quân sự lại dời ngày bầu cử Quốc hội
Mai Vân
Thủ tướng Thái, Tướng Prayut Chan O Cha tại Quốc hội ngày 21/05/2015.REUTERS/Chaiwat Subprasom
Chính quyền quân sự Thái Lan hôm nay 27/05/2015, thông báo là bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra trước tháng 9/2016. Việc dời lại này gây thất vọng không ít, vì đẩy xa hơn viễn ảnh Thái Lan có lại một chính quyền dân sự.
Theo AFP, trả lời báo chí, phát ngôn viên chính phủ, đại tá Werachon Sukondhaptipak cho biết : « Thủ tướng đánh giá là bầu cử sẽ không diễn ra vào tháng 9 /2016 ». Thông báo được đưa ra sau cuộc tiếp xúc giữa ông Prayut và một phái đoàn đại sứ Liên Hiệp Quốc ở Bangkok.
Khi nắm quyền sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, đương kim Thủ tướng Thái, Tướng Prayut Chan-O-Cha, đã nói là bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 15 tháng. Lịch trình này đã được thay đổi nhiều lần. Giới quân sự cầm quyền cho là cần tiến hành trước một số cải cách, Hiến pháp cũng đang được viết lại.
Gần đây chính quyền Bangkok đã gợi lên thời điểm bầu cử vào giữa năm 2016, nhưng chưa tính đến khả năng đưa ra trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mới mà ông Prayut mong muốn. Thủ tướng Thái khẳng định là Hiến pháp mới sẽ chấm đứt tình trạng tê liệt chính trị kéo dài triền miên ở vương quốc Thái.
Theo dự án này, đối với các cuộc bầu cử tương lai, sẽ có một chế độ đại biểu bầu theo tỉ lệ, tương tự như ở Đức, có lợi cho các đảng phái nhỏ và các liên minh nắm quyền.
Đối với các nhà phân tích, Hiến pháp mới không bảo đảm dân chủ, một số người nhìn thấy là mục tiêu thật sự chính là nhằm loại trừ phe cánh cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra ra khỏi sân khấu chính trị Thái.
Liên quan đến ông Thaksin Shinawatra, Bộ Ngoại giao Thái hôm nay cho biết đã tịch thu hai hộ chiếu của nhân vật này, bị cho là đã có một cuộc trả lời phỏng vấn « tác hại đến an ninh quốc gia ».
Trong thông báo trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao cho biết đã « quyết định hủy bỏ các hộ chiếu số U957441 và Z530117 của Thaksin Shinawatra ». Bộ này giải thích : « Cảnh sát quốc gia đã thấy là một trong những cuộc trả lời phỏng vấn của ông gây hại cho an ninh quốc gia và làm xấu đi hình ảnh Thái Lan ». Tuy nhiên, không thấy nêu nội dung bị quy tội.
Theo AFP, chưa rõ là quyết định của Bộ Ngoại giao Thái Lan tác động đến sự tự do đi lại của ông Thaksin như thế nào, ông còn hộ chiếu nào khác nữa hay không. Vẫn theo hãng tin Pháp, trong thời gian gần đây, ông Thaksin đã trả lời phỏng vấn một số hãng truyền thông quốc tế trong đó có đài Mỹ CNN.
Gần đây nhất là bài trả lời báo chí tại Seoul, ngày 19/05, ngày phiên tòa xét xử cô em Yingluck. Khi ấy, ông Thaksin đã cho là Thái Lan cần một ngành Tư pháp độc lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét