Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

KHÉP LẠI NÚI RỪNG - Tùy bút Như Thương


"Con coi chừng em, mẹ đi ..." chỉ nói vỏn vẹn ngần ấy chữ trong nước mắt rồi mẹ tôi quảy gánh đi! Một gánh tình đầy ăm ắp, trông sao quá luộm thuộm thế này nhỉ!?  Dáng người khệ nệ ôm, tay xách, tay mang, khuôn mặt khắc khổ của lo toan bỗng trở nên già nua tột cùng chắc cũng động lòng Trời? Hai cái bao bố tời, một chiếc thùng giấy, hai giỏ đệm xách tay... thế mà Mẹ tôi đếm đi đếm lại không biết bao nhiêu lần trước khi rời ngôi nhà! Duy nhất chỉ có mình Mẹ tôi biết trong ấy đựng những gì… 

Những chiếc bánh nướng nhỏ, được gói vuông vức bằng những miếng nylon không đều nhau, lại được gói trong những trang báo nhật trình kỹ lưỡng, rồi cột thun kỹ càng. Những miếng thịt vuông vức trong một hủ nhựa đầy nước mắm và những quả trứng luộc nổi lều bều. Tất cả được gài chặt xuống với nước mắm mặn, lại những miếng nylon và nắp đậy buộc thun... Nén hết nỗi lòng chắt chiu trong mặn mà... 
   
Những con ruốc rang vàng thơm tóp mỡ, muối, đường và lẫn cả những giọt nước mắt âm thầm rơi trong đêm được nén trong những chai nhựa với kích thước khác nhau, thế là thành một khối ruốc tùy theo hình dạng của cái chai! Tình Yêu năm tháng đã ươm vàng con ruốc, con tim người Vợ... để mong được vừa khẩu vị Chồng như ngày xưa... 
   
Năm bảy món ăn khác được chia đều từ một con gà! Bao nhiêu món ngon vật lạ mà thuở nào Vua ngự thiện chắc cũng không bằng dăm ba miếng gà của món Ragout, Cà ri, Rô Ti, gà kho sả ớt ... Người Vợ dường như mải mê săm soi với chia phần đã quên rằng người Chồng bây giờ không còn đầy đủ răng để có thể gặm xương gà một cách ngon lành được! Thế nhưng, người Vợ đã chăm chút tỉ mỉ từng muỗng muối, gia vị như một người đang trổ tài nấu ăn trong tháng ngày mới về làm vợ. 
   
Những trang thư lại được lén lút mở ra đọc lại trong đêm khuya dưới ánh đèn dầu leo lét... "Em làm cho anh món... Em mua cho anh cái này... đừng mua nhiều lắm, tốn tiền..." Trái tim tình thổn thức của ngày xưa khi hai người yêu nhau bây giờ cũng thổn thức vì phân chia đôi ngã. Người Vợ lặng lẽ làm hết tất cả những dặn dò trong những lá thư của một năm, hai năm trước từ những địa chỉ xa xăm và xa lạ nghe đâu tận miền Bắc. Cái sắt son thủy chung tự thuở nào...

Thêm chút trà, chút cafe trong tận cùng nỗi nhớ, chắt chiu từng dúm trà ngon của bạn bè gởi quà biếu người tù tội, mỗi vị trà của từng người khác nhau thì không thể để chung với nhau một gói được ... như những ngõ ngách trong ngăn tim Yêu Chồng vậy. Gói nhè nhẹ kẻo những lá trà khô sẽ vụn vặt, mất đi cái cong queo khô quắm của đọt trà non là tinh túy của một ly trà ngon như sở thích của Chồng. Gói hết yêu thương của một người gởi đến một người xa vạn dặm dẫu hương trà không là vị thuốc hồi sinh cứu tử người Chồng trong cơn đói nghiệt ngã, nhưng "gô" trà sẽ hiện ra bóng người Vợ tần tảo như tích xưa Nàng hiện ra trong đáy cốc tình... 
   
Chút cafe của bằng hữu gởi nhau - rồi sẽ được pha bằng nước suối, nước sông lạ lẫm và lạnh ngắt tình người... Thôi thì ấm lòng người phương Nam lưu lạc đất Bắc như san xẻ, chia sớt và an ủi người bị lưu đày. Gói hết hương thơm bằng hữu ấy trong hành lý để nhỡ mai kia lội qua sông rộng, đầm mình dưới lũng sâu sẽ không làm ướt những tấm chân tình quý giá trao tặng . Hỡi nguồn nước từ núi cao, xin hãy xuôi giòng về với người khốn khó trong tù đày, để giòng nước trong sẽ nuôi dưỡng tấm thân ngày càng lụn bại, để ngụm trà thơm sẽ đem lại chút hạnh phúc thâm tình chồng vợ, chút ân nghĩa bạn bè phương xa... Đừng để giếng cạn khơi giòng chắt chiu miếng nước đục ngầu mà đau lòng ngụm trà buồn canh khuya. Hỡi sắt se của núi rừng Việt Bắc, xin hãy dừng lại cái khắc nghiệt của thời tiết như chút lòng nhân ban cho người trong lao lý khi hai tay gầy gò ôm "gô" nước trà nóng, miếng cafe ấm bỗng dưng trở lạnh vội vàng theo cơn rét buốt người . Ánh lửa tù có đem lại niềm hy vọng cho ngày thoát cùm gông không hay sẽ dần tàn theo đóm lửa nhỏ từ những thanh củi lượm mót góp nhặt?  
   
Đây tấm áo may cho Chồng, từng đường kim mũi chỉ thâu đêm - nhớ lại hình bóng ngày Chồng ra đi, kích thước rộng hẹp từ vòng cổ, vai ngang, chiều dài thân áo và cả vòng tay từng đêm mặn nồng phu phụ ... Vải xưa mềm lòng cậu bé năm xưa măn vú mẹ, đã kết nguyền trăm năm với tà áo cô dâu; bẵng bao nhiêu năm theo gót Chồng, nay gót Vợ lặn lội vượt núi đồi nghìn trùng đem manh áo thô giữ ấm thân Chồng ... 
   
Đường may có lẽ vụng về khi tuổi người Vợ không còn đôi mươi như xưa nữa, mắt nhá nhem cố chắp lại cho khít khao như đem ấm lạnh đến người sống trong núi đá nghìn trùng. Người Vợ vẫn còn những mấy mươi năm trong lời nguyện ước "Trăm Năm Giai Ngẫu" thuở nào, thế thì từng mũi kim đâm xé lòng để nguyện cầu người Chồng còn sống sót đợi ngày về đoàn tụ sẽ thấu được tấm lòng Ơn Trên chăng? 
   
Năm trước - lần đầu tiên gặp lại người Chồng - sau một tháng trời tìm được tông tích Chồng qua một địa chỉ như là ẩn cốc (!) nơi rừng sâu, người Vợ thảng thốt khi nhìn thấy bộ quần áo rách bươm, vá víu của bộ đồ ngày ra đi, đến nỗi không còn nhận ra được đó chính là bộ đồ mình đã may ! Kim đâu, chỉ đâu Chồng vá áo? Trong bao cát ... Cây kim của người tù như là một dụng cụ của người tiền sử - chỉ cần đâm thủng một miếng vải thì được gọi là kim! Người xưa có câu ví von rằng: Có công mài sắt, có ngày nên kim. Quả đúng như vậy trong những trại tù ! Họ đã mài sắt thành kim để khâu khíu lại những mảnh vải mục rách đã từng ngâm bùn, ngâm nước ướt rồi khô thành quần áo. Gọi là quần áo chứ không có một danh từ nào để đặt cho "những cái quần, cái ảo" ấy, vì hễ miếng vải nào được phủ lên thân người thì được gọi là "quần áo" rồi! Càng nhiều vải để đắp lên thì càng đỡ lạnh, chỉ đỡ lạnh thôi chứ chưa được gọi là ấm đâu vì mặc vào rồi để trầm mình xuống nước lạnh thì làm sao mà ấm, thế nhưng trong đầu vẫn nghĩ "mình có áo", nhỡ ướt rồi sẽ phơi khô được! 
   
Lần ấy, người Vợ hỏi Chồng trong nghẹn ngào: “Anh lạnh không?“ Nghe đắng lòng. Nghe cạn cùng thống khổ. Nghe xa xót trong âm vang uất nghẹn. Và câu hỏi được trả lời bằng cái nắm tay len lén dưới gầm bàn ... Mặt gỗ của bàn có lẽ cũng thấm đẫm nước mắt bao lần rồi, tay Chồng, tay Vợ có lẽ Đất Trời cũng chạnh lòng xót thương ... Lạy Trời cho lòng người đừng thành gỗ đá, nhưng gỗ đá nơi trại tù không còn là gỗ đá nữa, mà đã hóa thân thành người rồi, biết khóc, biết buồn, biết chia sẻ những giọt nước mắt oan khiên. 
   
Ngày "thăm nuôi" người Chồng sao bỗng cạn lời và vỏn vẹn một chữ "EM", để mãi sau mới nói được câu nói đầu tiên "Em mệt không?" Và câu nói thứ hai là "Anh mặc lại chiếc áo ngày anh ra đi, dẫu nó đã trở thành một manh áo rách như thế này..." . Người Vợ vẫn chưa nói được gì sau hai câu nói của người Chồng, chỉ cúi mặt khóc, rồi lấy tay chùi nước mắt vội vàng (vì có kẻ canh giữ tù ở hai bên đầu góc bàn "ngăn cấm" dòng lệ rơi !) . 
   
Không có vai kề vai, không còn những nụ cười hạnh phúc, không thấy những ánh mắt âu yếm của vợ chồng và cũng chẳng nghe được lời nói nào như đã định trước khi người Vợ bước chân vạn dặm đường xa đi thăm chồng trong "tù cải tạo" được thốt ra!  
   
Bao nhiêu điều suy nghĩ dằn vặt canh thâu, bao nhiêu lo lắng cho sự sống chết của người bạn đời, phải nói là vạn cái bao nhiêu quẩn quanh với năm tháng vắng bóng Chồng đã bỗng nhiên trở thành vô ngôn ... để câu nói đầu tiên của người Vợ lại là: "Anh có bệnh không?"
Từ đâu trong tâm khảm đã hình thành câu nói ấy, phải chăng là nỗi ám ảnh những căn bệnh nơi rừng thiêng nước độc sẽ lấy đi mạng sống người Chồng được kể lại truyền miệng của những người cùng khổ - những người phụ nữ mà người đời vinh danh là "Cái Cò" cùng đi trên một quãng đường "tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội ..." để thăm Chồng ? 
   
Hai bàn tay gân guốc, khô đét, đen sạm của người Vợ cứ mãi sờ, nắn, thoa hai cánh tay Chồng qua mảnh áo một tay dài, một tay rách cụt nửa chừng ... "Tay chân Anh có đau chỗ nào không?" Như một bi kịch đầy nước mắt, đôi mắt người Chồng nhoà lệ theo đôi mắt người Vợ, theo từng câu nói của mệnh số dâu bể đổi thay ... Không phải là màn kịch trên sân khấu mà là sự thật trước mắt mọi người - nơi chốn mà lẫn lộn người với nhân tính và người vô nhân tính! Không được khóc - một ngôn ngữ của Sa tăng dưới tầng địa ngục bỗng dưng trồi lên mặt đất và được lập lại như một điệp ngữ thể hiện oai quyền! 
   
Và từ lúc ấy trở đi, người Vợ và người Chồng dừng ngấn lệ đoanh tròng. Nuốt lệ vào lòng. Nuốt hận vào tim! Vì họ cần phải sống dẫu cả hai đang rướm máu dưới chân Thánh Giá của quân dữ ...  
   
Một chiếc áo len không cổ, không tay và một chiếc nón đan phủ gáy cũng là những món vượt đèo, vượt muôn ngàn cách trở đến đây. Chỉ mặc cho ấm cái ngực, chỉ phủ cho ấm đỉnh đầu- đó là hai điều suy nghĩ của người Vợ dành cho Chồng. Đơn giản không? Thưa không ạ... Vì người Vợ đã trằn trọc từng đêm, rồi khóc khi không biết chồng mình phải làm cách nào để chịu được cái lạnh của núi rừng sâu thẳm. Xưa, đan áo len cho tình trong ngọt ngào, diễm phúc; nay, từng mũi kim đan là gói ghém bấy nhiêu tình nghĩa phu thê trong nghẹn ngào. Đan xong lại cân xem nặng bao nhiêu vì "người tù" đâu có được nhận quà với số lượng tự do. Cân hết ân tình nặng tợ thiên kim ấy... cũng đành thôi! "Anh mặc vào đi để họ không nói anh đã nhận được nhiều "quà" quá và họ lấy bớt thức ăn của anh!" 
   
Chừng ấy thời gian nhìn nhau, ngần ấy giây phút trong lệ đổ, bấy nhiêu câu nói được nói ra trong nghẹn ngào đã tiêu hết "những thời gian gặp mặt ". Chỉ còn 5 phút nữa - mệnh lệnh thoát ra từ cai ngục đã như một vết chém phụp trong khoảnh khắc ân huệ của “tù nhân” và gia đình - để dấu ngoặc kép nơi đây cũng bằng thừa vì ai là tù nhân nơi ấy ? Không ai là tù nhân - như định nghĩa của tù nhân là một người phạm tội. Ai là cai ngục chốn này? Tất cả những dãy núi hoang trùng trùng điệp điệp, những ngọn đồi tiếp nối những ngọn đồi, những cánh rừng già dường như chưa từng có bước chân người đến, những loại cây cỏ chưa bao giờ thấy được, nhưng có thể làm chết người vì ngộ độc khi đói ăn, những con sông cạn sâu chỉ có Trời biết, dòng suối chảy xiết dâng ngập đến cổ và lạnh ngắt làm run rẩy thân tù ... và những con người lạnh như viên đạn giết người! 
Cái đòn gánh xiên hai bao tải, hai cái túi đệm xách bây giờ bỗng nằm chơ vơ dưới nền đất khi mọi thứ được phơi bày ra dưới ánh mặt trời cú vọ: hủ lọ, gói to, gói nhỏ của thức ăn, quần áo, thuốc men và hai khuôn mặt hốc hác, thất thần, mắt đỏ hoe đợi một lời phán của ngạ quỷ "Hết giờ thăm nuôi !" 
   
Chính trong giây phút nghe câu nói điếng người ấy, người Vợ bỗng dưng hốt hoảng tột cùng... Chồng mình sẽ biến mất trước mắt của mình... có thể sẽ không bao giờ được gặp lại sau khi nhìn dáng Chồng đi chầm chậm, không dám ngoái đầu nhìn lại, rồi khuất dần sau lán trại. Người Chồng không còn nói được gì nữa, vói tay xoa nhẹ trên hai đầu vai của Vợ, rồi lặng lẽ quảy gánh lầm lũi bước đi ... Bóng chiều nhòa nhạt và trời bắt đầu sẫm tối . Mọi người đi "thăm nuôi" lại hối hả quay ngược lại quãng đường mình đã đi qua cho kịp nghỉ đêm ở một góc nhà trọ, góc rừng thưa nào đó ... 
   
Người Mẹ bây giờ mới ôm choàng đứa con trai đi theo mình vào lòng và khóc òa lên ...
Từ lúc bước chân ra khỏi nhà và nói vói lại một câu: "Con coi chừng em, Mẹ đi ...", tôi chỉ biết Mẹ tôi đi thăm Ba tôi thôi, chứ không biết đi đâu cả ngoài hai chữ "Tận Bắc!" Đi bao nhiêu ngày cũng không biết, có về hay không tôi cũng không nghe Mẹ tôi nói nữa.. Cái khờ khạo của một đứa con nít, dẫu làm chị một bầy em 7 đứa thiệt ngốc nghếch làm sao... Nhưng tôi biết sợ Mẹ tôi không về hay chết dọc đường! Rồi chợt nghĩ nếu Mẹ không về thì tôi cho em tôi uống thuốc rầy chết hết cùng lượt! 
   
Mỗi năm "câu nói khép cửa" ấy của Mẹ tôi lại trở về theo định kỳ vào thời gian gần Tết . Bước đi dặn dò con muôn ngàn chuyện: Coi chừng em chết đuối dưới kinh rạch, đừng để em lùa vịt chạy đồng quá xa, buổi chiều nhớ cột cửa cẩn thận - đến đây thì tôi phải mở ngoặc một chút cho cái chữ "cột cửa". Nhà lá ở quê thì cánh cửa được làm bằng lá chằm có nẹp bằng khung, tối đến chỉ cần cột cái nẹp ấy vào góc cột nhà với một sợi dây dừa là đóng cửa! 
   
Mỗi lần Mẹ đi hay Mẹ về... đều như một người đàn bà nào rất đỗi khác lạ. Cái khác lạ của thất hồn, thất thần, tâm trí đâu đâu, ốm thêm và thức khuya nhiều thêm, để rồi dẫu có quay lại với cuộc sống thường nhật, dường như người vẫn còn để hồn nơi núi rừng Việt Bắc với ba tôi. Lạ một điều là Mẹ tôi không nhuốm bệnh bao giờ!!! Cái sức mạnh thiêng liêng của Tình Mẫu Tử và Tình Chồng Vợ đã vực một thể xác gầy còm đứng vững để chống chèo với bão táp cho tay nách 8 đứa con và người chồng trong tù ngục. Rồi ngày qua ngày, tuần lễ này đến tuần lễ khác, tháng năm qua dần với những lo toan cơm áo và thấm thoát 13 năm trôi qua với những ngày tháng nuôi chồng như một thời khóa biểu cố định, vì vậy, nếu cận Tết rồi mà Mẹ tôi nhìn lại góc nhà - nơi để hai cái bao tải định mệnh - chỉ lưng lửng bao thì giống như Mẹ tôi hao gầy thêm, xoay đi xoay lại chỉ muốn cắt xén đầu này, đầu nọ để có tiền mua quà để dành cho Ba tôi . Ăn gì, mặc gì ở nhà qua loa và qua bữa rồi cũng xong, cây cỏ ngoài vườn, ngoài ruộng, con cá ngoài sông lạch rồi sẽ lớn dần cho cái ăn... Bao nhiêu món ngon - chỉ là dăm ba miếng thịt không có mỡ, thì đã là ngon lắm rồi - cất dành lại cho vào hủ mắm, từng con cá của vó lưới được chừng gang tay là nỗi mừng hiện ra trên ánh mắt Mẹ... Này phần cho Chồng, này phần cho con - còn Mẹ là phần Vui ! 
   
Khi Mẹ tôi đi Bắc lần thứ nhất, tôi ngơ ngác lắm... đến lần thứ hai thì chợt hiểu ra điều gì trong trách nhiệm của người chị cả ở nhà chăn bầy em! Đến những lần sau thì muốn đi theo Mẹ, nhưng rồi vẫn nghe lại câu nói quen thuộc: "Con coi chừng em, Mẹ đi..." và từ đấy tôi khóc khi chợt hiểu tận tường nếu điều gì xảy ra cho Ba tôi và cho Mẹ tôi dẫu bấy giờ không còn là thời của chiến tranh tên bay lạc đạn nữa. 
   
Ba vắng nhà, Mẹ tôi làm Mẹ và không có Mẹ ở nhà, tôi là Mẹ của bầy em! Nhưng đêm về thì tôi rất sợ ... cái sợ vô hình của một người chị gái có những đứa em gái trong nhà mà không có Ba Mẹ thật giàu tưởng tượng. Giữa chốn đồng không mông quạnh, lỡ một người đàn ông nào đó đạp cánh cửa lá chằm để vào nhà thì quả thật là tôi chỉ biết khóc ! Rồi em bệnh, rồi nắng mưa ngoài ruộng, bên đồng cạn, đồng sâu, tất cả đã làm tôi trở thành người thức khuya đến mòn mỏi rồi mới ngủ - chỉ để canh cửa không cho ai lẻn vào giữa khuya ! Năm ấy tôi đã 19 tuổi đầu rồi sao mà còn khờ đến vậy!? Độ tuổi ấy tôi không còn ham chơi nữa, không có mơ ước nào hơn là được có Mẹ ở bên cạnh để tôi không thấp thỏm lo sợ từng đêm trong suốt hơn tháng trời Mẹ tôi đi "thăm nuôi" Ba tôi. 
   
Tuy nói thế, nhưng tôi cũng "gan lì" trong một việc lắm ngộ nghĩnh: Đi chứng giấy "Thăm nuôi học tập cải tạo"! Cái chuỗi từ ngữ ấy lạ lẫm làm sao, nhưng nó là niềm vui của Mẹ Con tôi. "Tờ giấy phép" ấy ban đầu là một cực hình cho tôi khi phải thức dậy khuya lúc 3 giờ sáng, đi bộ hay đạp xe đạp lọc cọc qua hết mấy mảnh vườn trên những con đường mòn len lỏi bên những bờ ao, gốc chuối để đến văn phòng Xã . Người ta ký giấy phép cho Vợ đi thăm Chồng! Chuyện lạ trên thế gian nhưng đã xảy ra như chuyện bình thường. Đôi khi trăng còn treo lơ lửng giữa màn trời trong nửa đêm về sáng là tôi đã phải đi rồi vì bọn xã chỉ làm việc đúng 15 phút, không giờ giấc cố định, chúng chỉ ngồi chò hõ trên cái băng ghế gỗ hay ngồi tán dóc ngoài bụi chuối, lận con dấu trong túi ... Tôi mà không đi sớm thì sẽ thấy cái nhà trống không và phải đội nắng về nhà để ngày mai đi tiếp cho đến bao giờ có được mảnh giấy phép tắc ấy trong tay . Đó là phân nửa đoạn đường của người Nam thăm tù Bắc, vì nếu không có mảnh giấy ấy thì sẽ không ai mở cửa "địa ngục" cho mình vào! 
   
Gánh đời, gánh tình trong một nỗi lòng quạnh hiu thế mà Mẹ tôi đã rất vững vàng, can đảm nữa là khác. Người phương Nam, kẻ trời Bắc - lẻ đôi én nhạn thế nhưng nét xuân sắc thuở xưa vẫn còn - Mẹ tôi rất đẹp, nước da đen ngăm đen và hai má lúm đồng tiền đã làm Ba tôi thua cuộc! Bắt đầu từ cuộc phân ly, Mẹ tôi đã xếp lại những màu áo xưa một thời... Rồi 5 năm trôi đi, 10 năm thoắt đã bạc trắng tóc xanh thuở nào . Đôi lúc tôi đã tự hỏi chữ thủy chung bắt đầu từ đâu trong ý nghĩ của Mẹ tôi để người vẫn còn giữ một kiểu tóc kể từ ngày lấy chồng vì người chồng yêu thích kiểu tóc ấy mãi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Phải chăng bắt đầu từ một lời nguyền của duyên nợ trăm năm hay vì đàn con khờ dại? Để từ đó mỗi lần cần "chứng giấy" trên xã, Mẹ tôi đứng đợi tôi ngoài bụi chuối, chứ không đi vào tận trong văn phòng xã, nơi có những người đàn ông của kẻ địch trạc tuổi Ba tôi ! Lúc ấy, tôi còn chưa hiểu điều ấy, nhưng chỉ thắc mắc tại sao, hai Mẹ con phải cùng đi với nhau, thay vì một mình Mẹ tôi đi là đủ rồi... Mãi khi lớn lên một chút thì tôi mới hiểu ra ẩn ý của Mẹ... ở đời ai biết được chữ "ngờ" , nên chẳng bao giờ lòng mình không an tâm mà lại bước chân vào! Trên bước đường vạn dặm ra Bắc cũng vậy, lúc nào cũng có một đứa em trai của tôi đi theo cùng. Khổ cực nhất là thời gian đi buôn tuyến đường dài... buôn lậu gạo, đường... cũng lại dắt theo đứa con trai lớn nhất của Mẹ! Chữ sắc hương của một thời hương sắc dẫu đã tàn phai, nhưng vẫn còn nét chấm phá của nhan sắc đâu đấy... 
   
Rồi nhan sắc ấy lầm lũi giữa dòng đời trong những buổi chợ sớm trưa, những sớm mai qua bắc trên giòng sông đầy lục bình... nổi trôi bềnh bồng, những chiều hoàng hôn tắt nắng vội vã về với bầy con, Mẹ tôi đã hóa thân thành một Cái Cò lặn lội. Gánh gạo trong Ca dao tích xưa nay đã thành hiện thực. Để nuôi con - Mẹ tôi đã tảo tần buôn bán, bán tất cả những món gì được bày bán giữa chợ: Từ những con cá vó lưới, xúc tép, xúc mòng, dăm ba mớ rau xanh non mởn trong vườn nhà người, bó lá dừa, bó lá chuối khô, đến gánh cơm tấm, gánh xôi... Cái bếp trong nhà đã trở thành "giang san" của người chị cả đóng vai người Mẹ và Mẹ tôi đã lăn lộn với cái bếp ngoài chợ ! Nồi niêu, soong chảo, củi, lửa, chén, tô, đũa từ trong bếp nhà đi theo cái đòn gánh với Mẹ tôi từ tờ mờ sáng đến khi chiều tắt nắng mới về ... 
   
Bao nhiêu mưa nắng tháng ngày đã làm phai nụ hương ấy - cũng đành ! Nét mày vòng nguyệt của phấn son nay đã chìm theo mệnh nước, thay vào đấy là dấu chân chim bắt đầu hằn lên khóe mắt . Bao nhiêu vụng về trong những bữa chợ đắt, ế hàng rồi cũng qua đi... chỉ còn lại tấm lòng vô biên của người Mẹ "Chạy Chợ Nuôi Con"! Mẹ tôi bán món gì, chúng tôi được ăn món ấy, có khi là dĩa cơm tấm nóng hổi đầu tiên, lắm lúc lại là miếng xôi khô khốc cuối cùng . Con nít mà, rồi cũng quên đi miếng ăn trong cái tuổi ngây thơ ấy! Gót chân hồng của thời con gái Mẹ tôi đã nứt nẻ lằn ngang dọc, bàn tay khô sạm nắng - Tình Mẫu Tử cao vời quá, biết nói sao cho vừa, không ngôn từ nào đủ diễn đạt, chỉ có Trái Tim luân lưu giòng máu ấm sẽ bày tỏ được điều ấy chăng... để tôi có cảm tưởng rằng Mẹ tôi là người buông bắt kế sinh nhai thật tuyệt vời Tựa như mỗi ngày trong đầu Mẹ tôi chỉ nghĩ đến việc: Làm sao có đủ tiền nuôi con !? Lũ con dại quá, chỉ biết ngồi nhà ngoan ngoãn chứ không phụ với Mẹ một tay được, đứa nhỏ nhất chỉ mới 6 tuổi mà, biết làm sao hơn? Có lẽ đã có những giọt nước mắt thầm trong những buổi chợ chiều ế ẩm, trong những lần gánh về nhà "số tiền lời hàng họ còn lại trong phần cơm ế" hay biết đâu những nỗi vui ngập tràn khi được trở về nhà sớm với con vì bán đắt. Bán hết hàng - xong gánh nợ trần ai của một ngày là Mẹ tôi quay về lại mái ấm của lũ chim há mỏ chờ mồi! 
   
Ngày rồi qua, đêm về, cõi lòng vọng phu trong đêm trường lặng lẽ ngóng trông, hy vọng, khẩn cầu Ơn Trên mọi điều bình an cho Chồng. Anh sẽ phải về với Mẹ Con em vì em cần anh, con cần anh - xin hãy ráng sống để còn có Ngày Trở Về ... Xin hãy vì Con, vì Em ... Em chỉ có thể thay anh, một điểm tựa vững chắc, một chốc lát thôi, chứ em không thể làm Ba thay anh mãi mãi được ! Một chốc lát ấy đã là 13 năm trường ... ai có ngờ đâu ... Nếu ngày Ba tôi ra đi dặn rằng: Ba tôi đi chốc lát về thì chắc là lòng tôi sẽ nghĩ như thể là dăm ba bữa Ba tôi đi hành quân theo mấy bác, mấy chú trên đoàn công voa bụi mù trời ! 
   
Chuyện xưa, Người Vợ Vọng Phu hóa đá với núi non, tô điểm thêm cho giang sơn gấm vóc và minh họa nên câu thủy chung vẹn nguyền; chuyện nay, biết bao nhiêu tấm lòng Vọng Phu khi tàn cuộc binh đao ? Phải chăng người phụ nữ là người mà Thượng Đế ban cho một đặc ân như là thiên chức - sinh những đứa con trai cho xã hội, dâng hiến con mình cho nước non trong thời chiến chinh, rồi ngóng Chồng, ngóng Con trở về suốt hết một quãng đời xuân sắc ? Dường như điều bất công ấy chỉ có thể trao cho phận liễu yếu gánh vác? Bởi vì họ chịu đựng hai chữ "Gánh Gồng" bằng trái tim của riêng mình. 
   
Mẹ tôi đã "làm Ba", làm người kiếm tiền ngoài xã hội nuôi gia đình như ngày Ba tôi còn ở nhà. Tấm áo, miếng bánh cho con đã là niềm vui hàng ngày của Mẹ tôi khi nhìn thấy chúng tôi xúm xít nhau khen ngon đáo để - thời buổi miếng thịt nạc chút mỡ còn sót lại bên cạnh cọng sườn heo già hay cái đầu tôm xuất khẩu không được đã là những món ăn thèm thuồng của lũ trẻ! Tôi biết Mẹ tôi khóc khi ngồi ướp thịt sườn nướng cho khách bên gánh cơm tấm, vì trong lòng nghĩ con mình gặm xương sườn mà chúng còn mừng đến chừng đó ... nên Mẹ đã ướp gia vị cho những cọng sườn thật ngon tuyệt. Thơm và quyến rũ như thịt sườn thật sự ! Chúng tôi mút mút cái mằn mặn của muối đường, hành tiêu bám cọng sườn rồi lùa cơm ngon lành ...Còn Mẹ tôi ăn gì ấy hả? Miếng cơm cháy dưới đáy nồi cơm tấm trước khi quảy gánh về nhà ... Mẹ ăn cơm no rồi, các con ăn đi! Một chữ NO đoạn trường, Mẹ ơi .... 
   
Ngày mưa, chiếc nón lá và manh áo tơi sũng nước, nhưng gánh cơm ráo hoảnh, rồi Mẹ đặt gánh xuống lề đường khấn Trời "Xin cơn mưa nguôi tạnh cho con bán hết gánh cơm nuôi con". Ngày nắng, lại lạy Trời cho ông bớt nắng để miếng thịt nướng của Mẹ không khô - Trời cũng chiều lòng Mẹ vô cùng, khách ghé ăn cơm sáng điểm tâm, rồi mua về cho cơm trưa vì thương Mẹ, thương bóng nắng trên đỉnh đầu Mẹ, thương giọt mưa trút xuống bàn ghế khách ngồi ăn và Mẹ vội vàng lau khô vì sợ khách bỏ đi (chứ ai lại ăn cơm tấm cho hai buổi như thế bao giờ!) . Nụ cười má lúm đồng tiền của ngày xưa thời con gái và của một thời làm vợ nay trao lại cho người đời thay cho lời cám ơn khi nhận tiền từ khách mua cơm.  
   
Ngồi trên bàn ghế với gánh cơm xong Mẹ tôi lại có lúc ngồi bệt dưới đất với từng chiếc bánh bông lan làm tại chợ! Thế là cà ràng, ông Táo, than và khuôn bánh lại bôn ba theo mệnh người. Chiếc bánh vàng ươm hay khét lẹt là tất cả nỗi buồn vui hàng ngày của Mẹ con tôi - nhất là những lúc khách mua đến đặt hàng cho quả bánh cưới vào độ cuối năm. Một quả bánh cưới ở nhà quê có thể sắp chừng chục bánh thuẫn hay 40 bánh bông lan nho nhỏ. Họ đến đặt quả bánh rồi quày ra chợ đi mua sắm và trở lại nhận quả. Bao nhiêu ngày tốt lành trong tháng Mẹ tôi đều lật lịch Tam Tông Miếu xem trước cả ! Bao nhiêu đám hỏi, đám cưới trong vùng Mẹ tôi đều đoán trúng phóc. "Hôm nay sẽ bán đắt" và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng tươm tất để chạy đua với những con đò sang sông từ khách hàng đặt quả bánh. Đò chạy là khách chạy theo đò và Mẹ con tôi chạy theo khách để hối "ông Táo" nướng bánh cho giỏi! Tội nghiệp ông Táo bằng than chứ đâu phải bằng điện đâu mà hối... và cũng thấy thương cho hai cánh tay đánh trứng, bỏ đường, bỏ bột cho khéo từ 5 giờ sáng đến chiều tối. Thời ấy, chiếc máy đánh trứng là một món hàng xa xỉ phẩm, nên người làm bánh đều làm bằng tay hết cả.  
   
Một đứa con gái như tôi chỉ giỏi nhảy dây, nhảy cò cò, chơi u mọi... thì chuyện làm bánh nghe như "huyền thoại"! Ấy thế mà, tôi là người đánh trứng và Mẹ tôi là người nướng bánh đấy. Mỗi ngày đánh chừng 200 cái trứng vịt, ông Táo cũng phát sợ cho cái lò nóng hực than từ sáng sớm đến khi Mẹ con tôi dọn hàng. Con gái người ta "17 tuổi bẻ gãy sừng trâu" ở đâu không biết, còn ở tuổi 17 của tôi đánh nổi được chừng ấy trứng đã là một kỳ công hiển hách lắm rồi. Miếng cơm, manh áo và nhất là tình thương Mẹ đã dạy tôi biết phải làm sao để phụ Mẹ - biết cách chọn trứng mới qua cách nhìn trứng dưới ánh sáng mặt trời và mua trứng to qua nắm tay của tôi, chọn bột mì xốp (nắm một nắm bột trong tay, rồi buông ra bất ngờ, nếu bột rơi lả tả xuống là bột tốt, còn bột dẻ dặt hay dính lại trong tay là bột bị pha bột xấu), nhen lửa than sao cho nhanh và vừa đủ một khuôn bánh! Nói dễ đấy, nhưng làm thì như thể là làm bài thi trong trường học! Tôi đã rời trường học để bước xuống trường đời (chứ không phải bước ra trường đời), nên mọi thứ đều học nên từ thất bại mà thành - dẫu sao bên cạnh tôi, tôi còn có Mẹ trong lăn lộn giữa cơm áo chợ đời.  
   
Nơi người một phụ nữ luống tuổi, làn da nơi cổ và bàn tay xác định được nét thời gian đi qua cuộc đời người phụ nữ ấy - hai điều này không thể dấu hay xóa đi bằng mỹ phẩm được, dấu chân chim nơi đuôi mắt thì mỹ phẩm có thể xóa đi chút đỉnh). Bàn tay của Mẹ tôi hằn rõ nét nhất với những đường gân của bưng, xách, gánh, gồng khi da tay đã được "nung" dần với nhiệt độ nóng mỗi ngày một chút, từ bữa cơm cho hạnh phúc gia đình đến việc buôn gánh bán bưng, mọi thứ của cái trần trụi nắng mưa. Xưa trong dòng sữa ấm của Mẹ, Mẹ ôm con và cho con bú no đủ rồi con khôn lớn; nay giữa giòng đời, Mẹ ôm con dại bằng hai bàn tay gân guốc, đen sạm ấy cho con trẻ cảm thấy yên lòng "Có Mẹ bên con".  
   
Mấy Mẹ con tôi lặng lẽ sống bên mái nhà tranh giữa đồng không mông quạnh, quanh quẩn với dòng kinh nước lớn nước ròng, cái lặng lẽ đến độ không cần biết đến ngày tháng, mà chỉ biết mặt trời mọc lặn. Chị em tôi quên bẵng đi cái thời khoá biểu của ngày hai buổi cắp sách đến trường, thay vào đó là thời khoá biểu của mùa lúa trổ đòng đòng, lúa chín và mùa gặt. Nhà quê - đó là một danh từ mỹ miều trong sách vở, nhưng thực tế lại là những ngày nắng đổ trên lưng áo người suốt từ sáng sớm đến sẫm tối. Ngày tháng chạy chợ xen lẫn với công việc đồng áng đã biến cái gia đình nhỏ của chúng tôi thành những dân quê chính cống! Đầu đội nón lá rách, chân trần với màu vàng quánh của nước phèn đóng bợn móng chân, kẻ chân. Cái "đài các” học trò thuở xưa chắc cũng ngẩn ngơ cho điều dâu bể đổi thay ấy?! Dĩ nhiên là tôi nhớ chữ nghĩa trường lớp thầy bạn lắm chứ vì mới hôm trước làm học trò, hôm sau đã quẳng sách vở vào góc nhà; buổi sáng thay vì cắp sách đến trường, nay quảy gánh hàng ra chợ hay gánh mạ ra đồng cho thợ cấy ...cái ngồi lãng mạn ngắm cánh đồng mạ xanh rờn bước ra từ trong sách vở hoá thành cái ngã lưng cho đỡ mệt trên bờ đê ruộng mạ, còn tâm trí đâu mà "thưởng ngoạn" làn gió khẽ đùa với sóng mạ nữa!  
   
Màu áo trắng học trò đã hoá áo vải nâu đồng ruộng với chân lấm tay bùn... tôi đã khóc thầm trong mỗi lần nhớ đến ngày tựu trường vào tháng 9 có mưa bay lất phất, thế là tôi đi tìm lại sách vở xưa qua những buổi tối dạy học cho em - 7 đứa học trò trong tay người chị cả đã làm tôi bối rối khi chợt nghĩ không biết dạy chúng nó cái gì để đừng bị dốt chữ!!! Tôi vừa xong Tú tài II năm trước đó, thế nhưng tôi chỉ làm học trò chứ có bao giờ biết làm cô giáo thế nào đâu! Thế mà Mẹ tôi bảo: Con dạy em học đi kẻo chúng nó dốt, thằng nhỏ nhất 8 tuổi chưa viết được một câu tiếng Việt nên thân nữa đấy! Ừ thì tôi thay Mẹ tôi dạy em học: Tất cả đều phải học hai môn "tập viết" và toán cộng trừ nhân chia! Bao nhiêu bài học thuộc lòng của Kim văn, Cổ văn mà tôi nhớ lõm bõm đều được tôi đọc thành chính tả cho lũ nhóc. Có ai biết tôi nhớ không đúng đâu ... Mấy đứa em viết xong thì lại học thuộc lòng và trả bài cho tôi - những bài văn của quyển sách Tâm Hồn Cao Thượng, của nhà văn Thanh Tịnh, những đoạn văn của Tự Lực văn đoàn đã thành giáo án của tôi. Mẹ tôi giao toàn quyền cho tôi dạy chữ cho các em và oai nghiêm như Ba tôi dạy con trong 4 năm ở cái chòi lá nhà quê ấy, để mãi mấy chục năm sau tức là bây giờ, lũ em tôi vẫn còn thuộc những bài tập viết hàng đêm bên cái đèn hột vịt leo lét dẫu đứa em út của tôi khi rời trường mà đi chỉ mới học lớp Tư thì làm sao hiểu được cái hồn của đoạn văn "Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy, tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này, tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học... TÔI ĐI HỌC của THANH TỊNH." 
   
Sách vở, chữ nghĩa và bổn phận làm cô giáo bất đắc dĩ của tôi đã làm tôi nguôi ngoai nỗi nhớ học trò, nỗi hốt hoảng khi rời xa trường lớp và nỗi kinh hoàng khi rời xa thành phố khi chạy loạn. Lắm lúc mông lung ngó trời đêm muôn vàn ánh sao ngoài đồng qua phên vách lá, nhìn lại bầy em vô tư, nhăn nhíu mày, bặm môi làm một bài toán chia mà tôi nghẹn ngào - tuổi của em đâu phải học dưới ánh đèn mù mờ của đèn dầu như thế này đâu, em phải được vui chơi bên bạn bè và khoanh tay ngoan ngoãn trả bài trong lớp học với thầy cô. Cóc nhái ễnh ương kêu ồm ộp ngoài kia bỗng dưng trở thành bạn bè thân quen hàng đêm của chúng nó, để mỗi lần nghe cóc nhái kêu là đám em tôi biết đến "giờ vào học"!!! Ôi tiếng trống trường thiêng liêng của tuổi học trò ngây ngô đã biến mất trong tâm hồn non dại của chúng một cách tội tình. Những ngón tay bắn bi, những bàn tay lúi húi với chuyện đá dế trong chiếc hộp quẹt, những bàn tay loay hoay với đũa banh chuyền giờ thì ngày làm cỏ ruộng, bưng thúng vê lúa, đêm lại mím môi giữ chặt chiếc cây bút Bi nắn nót chép lời dạy làm người, viết câu học chuyện hay lẽ phải... Tôi bỗng thấy mình "lớn ra", nhưng lại lo thêm vì không biết dạy hết những bài văn, thơ mà tôi thuộc từ những năm học Trung học rồi thì dạy cái gì nữa ?! Riêng lũ nhỏ thì lại thích học hơn vì học đỡ cực hơn làm ruộng... Tôi đã "ban lệnh": Ban ngày 3 đứa nhỏ nhất nếu không muốn ra ruộng, thì ngồi học! Chúng nó nhanh nhẩu chịu học vì học còn có thì giờ "nghỉ giải lao", còn đứng đội nắng, đội mưa ngoài đồng thì hết được chạy rong.  
   
Quả thật, đến lúc tôi không còn bài nào để đọc chính tả cho lũ em nữa thật rồi... tôi bèn quay qua những gánh ve chai (!) để mua lại sách cũ hay nói đúng hơn là mượn sách của những người bán ve chai trong buổi chợ tan tầm. Những ngày tháng ấy đồng tiền như là của gia bảo, ít ai dám cầm tiền ra mua món gì ngoại trừ những món thật cần thiết. Tôi bèn năn nỉ những bà bán ve chai cho tôi mượn sách - chỉ một cuốn cho từng ngày - đọc xong cuốn ấy thì đổi cuốn khác! Mượn về tôi chép lại những bài hay, những đoạn văn tôi thích để dạy em. Sách thánh hiền nằm ngổn ngang trong đôi quang gánh bằng kẽm thong dong khắp phố chợ, kể cả những quyển sách bìa gáy vàng hay chữ ký đề tặng của những bậc thức giả! Chắc tác giả mà thấy được thì nghẹn ngào lắm! Tôi ngấu nghiến đọc chữ người xưa mà có một thời tôi đã đọc qua, nay nhìn lại "cố nhân" mà tức tưởi cho cái tủ sách yêu quý của tôi đã tan tành theo chiến cuộc - tiền mua sách là tiền lì xì của tôi vào những ngày Tết từ thuở tôi học lớp Đệ Ngũ, những 4 năm gần gũi với đam mê sách... Nỗi buồn của tôi thật sâu thẳm vì lòng tôi chạnh nghĩ chắc là mình không bao giờ còn được cắp sách đến trường nữa rồi, rồi Ba Mẹ tôi sẽ Bắc Nam chia lìa và quay cuồng mãi trong cơm áo như thế này sao, rồi lũ nhóc chúng tôi lại miệt mài với ruộng, vườn, kinh rạch, giòng sông nước lớn nước ròng mãi à ?! Ý tưởng tôi ít nhất muốn thoát ra vòng lẩn quẩn ấy vì tôi đang bắt đầu biết mơ ước cho tuổi thanh xuân của tôi - những áng mây thiên thanh kỳ diệu của tuổi mới lớn lúc nào cũng đầy tưởng tượng như ống kính vạn hoa và từ đó cuộc sống của riêng tôi đắm mình lại với mớ sách ngọc trong gánh ve chai dạo rong khắp nơi để tôi chỉ nhìn thoáng qua đôi gánh là tôi biết loại sách gì tôi cần dẫu chỉ nhìn qua gáy sách từ xa! 20, 30 năm thậm chí có những sách quý của trăm năm trước nay cũng trong cơn lốc xoáy của bão đời loạn ly huống hồ gì cuộc đời nhỏ bé của tôi. Thôi thì dừng lại chốc lát để nhìn lại kiến thức từ sách vở mà mình đã học được để thực hành, để vực chính mình đứng dậy trong cơn dâu bể này. Và mỗi ngày tôi nói chuyện với sách vở thay vì nói chuyện với sông nước, bờ mương, bờ ruộng, bầy vịt, đồng lúa lặng câm. Cái tuổi mộng mơ của tôi đã đi qua như thế đấy, thật đơn giản nhưng lòng chẳng bình an chút nào. Dòng phù sa rồi có lúc sẽ lắng và tắp vào bờ bên bồi, còn ý nghĩ trong tôi dường như không lắng lại được như thế mà nó dừng lại bên bờ lở làm khuyết dần khuyết mòn những năm tháng tròn trịa ước mơ . Một mái gia đình sum họp bình thường, một môi trường thầy bạn quen thuộc, một tương lai ăm ắp nỗi náo nức, rộn ràng bỗng dưng bay bổng lên trời... Tôi bị chôn chân dưới mảnh đất phèn vàng quánh ngoài những ô ruộng vuông xanh mướt để màu lúa chín là nguồn hạnh phúc của những người làm ruộng lại là nỗi ám ảnh khôn nguôi cho tôi "Tôi không thể ở chốn này mãi mãi!" Có lẽ Ba tôi cũng đã nghĩ một điều như vậy "Tôi không thể sống ở núi rừng biệt tăm thế này cho đến khi tôi nằm xuống!" 
   
Chiếc áo của người vợ hiền và đảm đang chỉ là chiếc áo sờn vai, cũ và phai sắc màu, nhưng chính chiếc áo ấy của Mẹ tôi đã từng chia sớt với Chồng trong manh áo tả tơi rách nát của vòng "tù tội". Chiếc đòn gánh của thúng xôi, gánh lúa vì mưu kế sinh nhai đã từng nhớ đến những cây đòn tre, thuồng luồng làm đòn gánh "quà thức ăn" đi vào cổng trại tù. Những món quà trao nhau trong những giây phút hội ngộ đầy nước mắt là chiếc lược nhôm chải tóc hay những hộp gỗ đẽo gọt bằng tay theo năm tháng có khắc tên Ba Mẹ tôi. Không có nỗi nhớ nào đau khổ cho bằng nỗi nhớ trong xa cách nghìn trùng. Những lá thư của lũ con được Mẹ đọc cho viết sau thời gian vất vả với cây lúa, ngọn cỏ trong vườn, mương sình, bầy vịt chạy rong được dấm dúi trao tay như liều thuốc hồi sinh cho người tận cùng tuyệt vọng, khốn khổ. Hạt muối, gói đường, miếng thịt, miếng ruốc... dấu diếm tận mãi bìa rừng thăm thẳm những 13 nằm ròng rã! Thế nhưng không một ai đã bó tay đầu hàng cho sự nghiệt ngã ấy, bởi vì ngày ra đi là một điều nghịch lý, oan khuất, nên mọi người đã ráng bơi ngược dòng trong cơn sóng dữ để có ngày nhìn lại nhau trong buổi đoàn viên. Cái sức mạnh nào đã làm nên điều ấy thì chỉ có Thượng Đế biết, nhưng cái tia mỏng manh hội ngộ chưa bao giờ tắt ngúm trong lòng Ba tôi và có lẽ trong lòng tất cả những "người tù cải tạo". Nó ngấm ngầm và bùng sáng lên như con cúi của ruộng đồng, chỉ cần một hơi thổi là phừng lên ngọn đuốc trong đêm. 
   
Ly trà ấm đã lắng lại giọt thanh tao như năm tháng đời người qua đi, còn lại là tấm lòng của thủy chung son sắt, tấm lòng Cái Cò Lặn Lội, tấm lòng Mẹ gà ôm đàn gà con núp dưới cánh Mẹ trong mưa bão... Con cảm phục Ba đã vượt qua để sống sót trở về từ những địa danh của núi rừng Việt Bắc. Con cảm tạ ơn Mẹ đã sống còn và vượt cạn cùng Ba để cưu mang đàn con dại trong đôi bàn tay gầy guộc, xương xẩu của Mẹ... Ngày rời chốn tù ngục ấy, Ba đã khép lại núi rừng vĩnh viễn, không còn cánh cổng nào để Mẹ khóc khi rời xa Ba khi người quay lưng đi mà khóc thầm.  
   
Hỡi rừng thiêng nước độc, xin trả lại núi rừng những giọt nước mắt khổ đau của kiếp tù cũng như xin nguyện cầu muôn vàn số phận người không may đã không còn đường rời xa chốn ấy, sẽ theo mây trời về lại chốn cũ lúc ra đi mà đoàn tụ với những người thân thương.
Như Thương 
(Viết cho một phần đời Mẹ trong ngày tháng của những năm 75-79)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét