Nhân đọc mục nhắn tin trong webside “ Ba Cây Trúc ”, được biết, gia đình cố đại úy Dương Đức Hạnh, sau 35 năm tìm kiếm, đã biết đích xác địa điểm nơi trực thăng của cố đại úy Hạnh bị lâm nạn. Trực thăng trong phi vụ yểm trợ hành quân tái chiếm Bamêthuột đã bị trúng hỏa tiễn SA7 và đã bị nổ tung trên vòm trời Bamêthuột ngày 16 tháng 3 năm 1975. Phi hành đoàn gồm bốn người đã hi sinh vì tổ quốc. Thi thể của phi hành đoàn đã được dân địa phương chôn cất qua loa bên cạnh các mảnh vụn của trực thăng. Gia đình đại úy Hạnh muốn thông báo và kính mời thân nhân và thân hửu của phi hành đoàn cùng lên Bamêthuột làm lễ cầu siêu và cải táng ngôi mộ cho đại úy Hạnh và phi đoàn vào dịp trung tuần tháng bảy năm 2010.
Nhắc đến Hạnh lòng tôi cũng bâng khuâng, muốn viết một cái gì về Hạnh dẫu cho rằng chưa bao giờ viết được một mẩu chuyện dài. Tôi không biết nhiều về gia đình Hạnh, chỉ quen và chơi thân với Hạnh từ đầu năm 1974, khi Hạnh đã là trung úy phi công mới được thuyên chuyễn về Phi Đoàn Trực Thăng 219 đồn trú tại Nha Trang. Tôi quen Hạnh qua Thạnh. Có lẻ cũng nên nói về Thạnh một tí cho câu chuyện thêm đậm đà.
Thạnh là bạn lối xóm của tôi, tôi quen Thạnh qua một người bạn khác. Bạn tôi học cùng lớp với anh của Thạnh, nhưng thay vì chơi với thằng anh, lại hay chuyện trò với thằng em. Nhưng rồi, bạn tôi đậu tú tài và tình nguyện vào trường Bộ Binh Thủ Đức, theo đuổi đời binh nghiệp còn tôi vào Saigon học đại học. Thạnh ở lại Nha Trang một mình.
Tôi học đại học vài năm, lận đận thi cử rồi cũng vào Thủ Đức. Khi ra trường tôi trở về Nha Trang nhận nhiệm sở thuộc Sở Động viên số 2 thì bạn bè cũ không còn ai. Chỉ có Thạnh đang làm trưởng ban hành chánh của Trung Tâm Trợ Huấn Cụ, một đơn vị quân sự nhỏ chuyên cung cấp vật liệu huấn luyện cho trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Thạnh lúc này đã chửng chạc, ăn nói khôn ngoan, được sự tín nhiệm của chỉ huy trưởng, nên dù không mang cấp bực, vẫn có thể đi lại tự do trong giờ làm việc. Tôi làm trưởng ban Hoãn Dịch, cấp giấy hoãn dịch cho dân chúng vùng 2. Công việc ngập đầu, nhưng bù lại, được du di trong vấn đề trực gác, nên cũng có thể đi uống cà phê, nghe nhạc cùng bạn bè mỗi đêm.
Đời sống ở Nha Trang thật nhẹ nhàng thoái mái, thành phố thơ mộng , dân chúng hiền hòa. Có thể nói Nha Trang là thành phố không chiến tranh. Nha Trang nhờ có các quân trường vây quanh, nên ngoại ô được kiểm soát chặt chẽ, tăng phần an ninh cho thành phố. Nhờ vậy mà Tết Mậu Thân năm 1968, Việt cộng tổng tấn công miền Nam, nhiều thành phố bị chiếm đóng vài ngày, nhưng không một đặc công nào lọt vào được Nha Trang. Suốt mười mấy năm qua, không một viên đạn pháo kích bắn vào thành phố khiến người dân phải giựt mình thức giấc. Nha Trang không có cảnh các binh sĩ với súng ống bừa bãi ngồi ăn uống trong các hàng quán. Nha Trang chỉ có các chàng trai hào hùng với alfa sáng chói dạo phố bên các thiếu nữ áo dài thướt tha hoặc áo đầm đủ màu mổi cuối tuần. Người dân Nha Trang chỉ cảm nhận được chiến tranh khi gia đình họ có người thân giã từ lên đường nhập ngũ, hoặc khi nhận được giấy báo tử từ các vùng chiến thuật gởi về rồi vật vã bên quan tài người thân được phủ màu cờ. Ngoài ra Nha Trang vẫn yên bình, hàng ngày sóng biễn vổ rì rào, mùa đông sóng cũng không gầm gừ gào thét dữ dội.
Tôi và Thạnh đều ở gần gia đình, chúng tôi có nhiều bạn bè và em gái hậu phương. Hậu phương đây là em gái của những người bạn và bạn gái của những người em trong nhà. Chúng tôi như cặp bài trùng, đi đâu cũng có nhau. Tôi ít nói, Thạnh là cái miệng của tôi, tôi là cái bức bình phong của Thạnh. Thạnh có đặc điểm là dể bắt chuyện làm quen với mọi người. Ăn nói nhỏ nhẹ, đến đâu cũng dễ gây cảm tình, các cô cũng thích, người lớn cũng ưa. Thạnh rất tốt với bạn bè. Các bạn học ngày xưa, dù chỉ quen sơ, nay gặp lại cũng trở thành thân thiết. Nhất là các bạn về nghỉ phép, Thạnh luôn luôn giúp đở, tìm phương tiện máy bay quân sự cho trở về đơn vị đúng ngày. Hạnh có lẽ cũng chỉ là bạn cùng trường với Thạnh, nhưng khi gặp lại đã thấy tương đắc, thân thiết.
Trước nhà Thạnh có vườn cây xinh xắn, được cho mướn để làm quán cà phê ngoài trời ban đêm. Do đó, chúng tôi dùng nhà Thạnh làm nơi tụ họp. Dưới mái hiên nhà, có ghế xích đu, bàn và mấy cái ghế nhỏ, đủ để chúng tôi ngồi chơi, nghe nhạc, và chuyện trò, mà không làm phiền ai cả. Dương Đức Hạnh cũng hay ghé qua đây. Nhà Thạnh nằm trên đường về nhà của Hạnh, nên mỗi lần chạy ngang, thấy bóng chúng tôi là tạt vô ngồi tán dóc. Hạnh cao lớn đẹp trai, hào hoa với bộ đồ bay hai mai vàng trên vai. Hạnh thích nói chuyện tiếu lâm, ưa kể chuyện học bay bên Mỹ, chuyện các cô gái tóc vàng mắt xanh….
Nghe nói, lúc nhỏ Hạnh cũng ưa nghịch và rất tốt với bạn bè. Trước sân nhà Hạnh có trồng một cây mận vừa sai trái vừa ngon ngọt. Ba của Hạnh rất quí cây mận, chăm sóc rất kỹ lưỡng. Khi trái sắp chín, ngoài việc ông tự mình bọc giấy báo quanh chùm mận để dơi khỏi ăn, ông còn lo canh lũ trẻ con hàng xóm lén qua hái trộm. Tuy nhiên, Hạnh vẫn lén hái mận, mang cho bạn bè thưởng thức. Lưu là bạn thân nhất của Hạnh, được hưởng nhiều hương hoa nhất.
Đậu tú tài xong, Hạnh tình nguyện vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường Hạnh được bổ nhiệm về Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và được chỉ định làm Trung đội trưởng của một đơn vị tiền phương. Trong một cuộc hành quân chạm địch, Hạnh theo lệnh của Đại đội tiến quân, nhưng một trung sĩ đã không nghe lệnh, còn làm lộ mục tiêu cho địch. Hạnh buộc lòng phải bắn anh ta để giử vững kỷ luật Quân đội. Sau cuộc hành quân, trung đội không bị tổn thất nhiều. Người trung sĩ chỉ bị trúng đạn nơi bắp chân, không trầm trọng. Tuy nhiên, vì vấn đề tãi thương khó khăn, máu ra quá nhiều nên anh ta đã kiệt sức trước khi vào bệnh viện. Khi về đơn vị, thay vì được gắn huy chương, Hạnh bị Quân cảnh Tư pháp điều tra qui trách nhiệm về cái chết của viên trung sĩ và bị đưa ra Tòa án Mặt trận xét xử.
Sau nhiều tháng điều tra,ra toà Hạnh được trắng án và được phục hồi cấp bậc cũ. Nhân lúc đó binh chủng Không Quân đang bành trướng, cần nhiều phi công trực thăng. Hạnh xin chuyển ngành và được trúng tuyển. Hạnh được huấn luyện tại Mỹ, sau đó về phục vụ phi đoàn trực thăng tại Phù Cát. Đến năm 1974, Hạnh thuyên chuyễn về Phi Đoàn Trực Thăng 219 tại Nha Trang. Là sĩ quan xuất thân từ bộ binh, Hạnh thông cảm nổi bồn chồn của binh sĩ mỗi khi chờ đợi yểm trợ hoặc di tãn, nên lúc nào anh cũng nhanh nhẹn trong các phi vụ trách nhiệm.
Về Nha Trang, mặc dầu có nhiều bạn trong phi đoàn nhưng Hạnh thích một không khí thay đổi. Nên khi gặp lại Thạnh là bạn lúc niên thiếu, Hạnh rất mừng. Từ đó sau các phi vụ, Hạnh thường hay tạt qua nhà Thạnh. Nơi đó, chúng tôi có lắm chuyện vui để tạm quên chiến tranh khốc liệt mà chúng tôi đang tham dự.
Nhà Thạnh ở trên đường các em nữ sinh đi học. Nên mỗi buổi chiều chúng tôi hay đứng dưới bóng cây trong hàng rào, nhìn các em đi học về. Hạnh phúc nhất là lúc mới tựu trường, nhìn các em còn ngây thơ, nói bâng quơ một câu gì đó, các em đỏ mặt, cúi đầu rảo bước.
Một buổi chiều đầu tháng chín năm 1974, trời bổng dưng muốn mưa. Cơn mưa đầu mùa khiến các em nữ sinh không kịp chuẫn bị, phải hấp tấp lo rảo bước về nhà. Một nhóm bốn cô nữ sinh áo trắng đi ngang qua nhà Thạnh thì trời mưa nặng hạt, thấy nhà có mái hiên, quán cà phê chưa mở cửa, các cô vội chạy vào tránh mưa. Thấy cô nào cũng cao ráo xinh xắn, Thạnh trổ tài làm quen. Mới đầu các cô còn dè dặt, e ngại. Sau thấy Thạnh ăn nói nhẹ nhàng, lại là chủ nhà, nên các cô dần dần cũng tự nhiên hơn.
Các cô cho biết họ là sinh viên năm thứ 2 trường Sư phạm hai năm vừa mới mở năm ngoái. Vì trường chưa có lớp học, nên phải mượn tạm dãy nhà tôn của trường Nữ Trung Học Nha Trang. Do đó, các cô cũng thường thấy chúng tôi ở ngoài sân, cười đùa vui vẽ, các cô cũng có thiện cảm nhưng chưa có dịp làm quen. Chúng tôi nói chuyện bắt đầu cởi mở thì Hạnh lái xe honda vào. Hạnh vừa đi bay về, bộ đồ pilot lấm tấm những hạt mưa trông đượm nét phong sương. Thạnh lại có dịp giới thiệu từng người. Các cô hỏi Hạnh về tình hình chiến sự. Các cô cũng đã lớn, đã biết suy nghĩ về hiện tình đất nước, lo lắng không biết khi ra trường tương lai sẽ ra sao. Từ đó, chúng tôi chơi thân với nhóm nữ sinh sư phạm. Không cần chờ trời đổ mưa, các cô cũng ghé nhà Thạnh mổi khi thấy bóng chúng tôi. Hạnh cũng hay ghé chơi với chúng tôi thường xuyên hơn.
Trong nhóm nữ sinh sư phạm, ai cũng xinh đẹp duyên dáng, nhưng Nga nổi bật nhất, Nga vừa cao ráo xinh đẹp, vừa dạn dĩ cởi mở, xứng đáng là con chim đầu đàn. Xét bề ngoài, tôi thân với Nga nhất. Tôi chỉ có thể nói chuyện tự nhiên với Nga, còn các cô khác, thì dè dặt ấp úng. Có lẽ tại Nga cao hơn tôi cả một cái đầu nên tôi không có lý do gì để mà động lòng nghĩ vớ vẫn. Nga cũng rất tế nhị, nên hay chuyện trò và quan tâm đến tôi.
Nga có hai chị em, cha Bắc, mẹ Nam. Ba của Nga là thượng sĩ, phục vụ ở Tòa Án Quân Sự Nha Trang. Mẹ Nga không hiểu vì lý do gì, đã bỏ vào Saigon từ nhiều năm trước, để cho ba Nga trở thành gà trống nuôi con, hay đúng hơn, để cho Nga sớm trở thành bà nội trợ lo lắng cho cả gia đình. Ba Nga làm ở tòa án quân sự, là nhân viên của bạn tôi. Do đó, tôi cũng được nễ nang đôi chút, có thể đến nhà Nga chơi ban đêm mà không bị phiền hà khó chịu. Nga xem tôi như người anh để tâm sự. Đôi khi Nga cũng xem tôi như cậu em trai khờ khạo, cần phải quan tâm nhiều:
- Cái anh này hiền quá, làm sao có được đào? Thôi để em làm mai cho.
Thế là Nga bắt ngay cô bạn cùng nhóm, vừa dể thương ít nói, gần nhà tôi, ra giới thiệu liền.
- Em giới thiệu Thủy cho anh đó, ráng lên, đừng làm em mất mặt.
Mỗi tuần, Nga nhờ tôi mang cuốn sách lại nhà trao tận tay cho Thủy, hay nhờ Thủy mang gói quà gì đó cho tôi.
- Anh ráng mà nói chuyện tay đôi với Thủy ít nhất 15 phút, đừng trao sách rồi bỏ về ngay thì quê lắm đó.
Tình bạn của tôi và Thủy nhờ thế mà có tiến triễn khả quan, nhưng chưa đến giai đoạn cặp kè đi chơi riêng. Nếu Nha Trang không bị mất quá sớm, có lẽ giờ đây tôi cũng có được một chút gì để thương để nhớ.
Nga có quá nhiều tâm sự, không biết ngỏ cùng ai. Mẹ đi vắng, cha cũng lặng lẽ từ ngày thiếu bóng mẹ. Nga vui chơi hồn nhiên với bạn bè là để che đậy niềm u uất nào đó. Nga và Hạnh đã phải lòng nhau kể từ khi bốn mắt nhìn nhau của ngày đầu gặp gỡ. Họ đã từng cặp kè để nói chuyện riêng tư. Tuy nhiên, trong Nga, Nga vẫn thấy có một niềm ray rứt. Nga thích cái dáng dấp hào hoa của Hạnh, thương cái vẻ phong sương của Hạnh, nhớ từng cử chỉ ân cần săn sóc của Hạnh. Bên Hạnh, Nga như com chim nhỏ bé, quên hẳn mình là cô giáo sắp ra trường, là trưởng nhóm tinh nghịch nhất lớp. Nhưng không hiểu có một cái gì đó, khiến con tim của Nga chưa dành hết cho Hạnh.
Nga đã có bạn trai. Hai người quen nhau và chơi thân với nhau từ nhỏ đến lớn. Hai gia đình cũng rất thân thiết. Tuy không nói ra, nhưng họ đã ngầm chấp nhận cuộc tình đầy hứa hẹn của hai trẻ. Rất tiếc, khi vào Saigon học đại học, chàng trai đã bị thu hút bời một hình bóng cô sinh viên nào đó. Chàng bắt đầu lơ là Nga, thư từ thưa thớt, lời lẽ nhạt nhẽo. Hè về, cũng không còn săn đón như xưa. Nhưng khi hai gia đình gặp nhau thì chàng lại vồn vã, khiến ba má chàng yên tâm như không có chuyện gì xãy ra. Cái khổ ở đây là không biết vì lý do gì mà chàng không dám dứt khoát, nói thẳng cho gia đình biết, cho Nga biết, để cho Nga mang nỗi khổ một mình.
Mỗi khi gặp Hạnh, đi chơi với Hạnh, nhìn cái hào hùng của Hạnh, lòng Nga thấy tươi tắn hẳn lên, quên đi cái anh chàng dẻo miệng. Nhưng khi về một mình, thì tâm tư lại ray rứt khó quên được mối tình thủa học trò vụng dại. Dĩ nhiên là Hạnh cũng biết Nga đang ôm ấp mối tình đó nhưng không phải qua tôi, mà do Nga thổ lộ với Hạnh. Cô gái này muốn sống thực với lòng mình chứ không muốn bắt cá hai tay. Do đó, Hạnh càng thương Nga hơn, càng quyết tâm gần gủi và chinh phục Nga nhiều hơn.
Hạnh, khi van lơn, khi phân tích cặn kẻ để cho Nga trở về với thực tế. Cuối cùng, Hạnh không còn kiên nhẫn chờ đợi Nga nữa. Anh đã hẹn Nga trong vòng hai tuần phải quyết định tình cảm của mình. Trong thời gian này Hạnh sẽ không gặp Nga để cho Nga yên tĩnh hiểu rỏ lòng mình hơn.
Một hôm, khoảng đầu tháng 3 năm 1975, Nga đến nhà tìm tôi và hỏi ngay :
- Anh có hay gặp anh Hạnh không? Lúc này em thấy ảnh buồn buồn và như không muốn gặp em nữa.
- Anh mới gặp Hạnh hôm qua, nhưng lúc này không gặp nhau thường.
- Tối mai em cần gặp anh, nói chuyện riêng, anh đến xin phép ba em cho em đến nhà anh dư sinh nhật của cháu gái anh.
Dĩ nhiên tôi có chút ít uy tín với ba của Nga, nhưng nói dối để xin phép cho Nga đi chơi thì ngượng quá, nhất là thời buổi này nữa, đâu có ai muốn làm party gì đâu. Thấy tôi dùng dằng, Nga bực mình khó chịu:
- Cái anh này nhát quá, có chút xíu vậy mà cũng không dám thì làm sao làm nên đại sự.
Chiều hôm sau, tôi đến nhà xin phép ba Nga cho mời Nga đến dự sinh nhật của cháu gái. Nga cũng đã gói sẳn qùa cho bé, nhưng ba Nga không cho phép với lý do thời buổi này bất ổn, con gái không nên ra đường ban đêm, có gì thì ngồi nhà chơi cũng được. Nga buồn thiu vì tôi không thuyết phục được ba. Tôi cũng không có lý do gì để ở lại lâu, vì còn phải về để kịp dự sinh nhật. Tôi ghé nhà Thạnh cho Thạnh biết tình hình, có ý chờ Hạnh nhưng Hạnh không đến, đành nhờ Thạnh nhắn với bạn bè là Nga muốn gặp Hạnh.
Hai hôm sau, Nga lại đến nhà tìm tôi, tay cầm xấp thư dầy cộm:
- Đêm kia em không ngũ, đêm qua em phải thức suốt đêm để viết cho xong bức thư nầy. Hôm trước em muốn gặp anh để nhờ anh giãi quyết cái uấn khúc trong lòng thôi. Nhưng bây giờ thì em thông suốt cả rồi. Em quyết định dứt bỏ mối tình củ để hoàn toàn yêu anh Hạnh và chỉ anh Hạnh mà thôi. Em phải biết quí hiện tại, quí tình yêu đang chớm nở. Anh đưa giúp em bức thư này cho anh Hạnh.
- Anh đã nhờ anh Thạnh nhắn anh Hạnh là Nga cần gặp anh Hạnh gấp.
- Không cần đâu anh, chưa đến ngày hẹn ảnh không gặp em đâu. Nhưng đọc thư em rồi chắc ảnh sẽ nghĩ khác. Thú thật, lúc này lòng em cũng bồn chồn lo lo, anh đưa gấp thư giùm em.
Tôi cầm bức thư tới nhà Thạnh mà lòng hí hững, thế là một cuộc tình sắp nở hoa. Tôi nói úp úp mở mở với Thạnh để cùng nhau chờ Hạnh, chúc mừng cho Hạnh, nhưng đêm đó Hạnh không tới. Đêm hôm sau Hạnh cũng không đến. Thạnh và tôi bắt đầu sốt ruột. Muốn đi tìm Hạnh mà chẵng biết tìm đâu. Hạnh chỉ đến chơi với chúng tôi, chứ chưa bao giờ chúng tôi đến nhà Hạnh. Chỉ có một cách duy nhất là nhắn bạn bè để Hạnh tìm đến chúng tôi. Thêm một đêm chờ đợi nữa, vẫn không thấy Hạnh đến.
Hôm sau, sáng ngày 16 tháng 3 năm 1975, chúng tôi nghe tin một trực thăng của Phi Đoàn 219 bị trúng hỏa tiễn SA7 của việt cộng nổ tung trên vòm trời Bamêthuột. Đến chiều mới biết là phi cơ của Hạnh. Hạnh và phi hành đoàn đã lâm nạn. Thật ra phi vụ yễm trợ này không phải là nhiệm vụ của Hạnh. Hạnh đã tình nguyện đi thay cho người bạn bận việc gia đình muốn xin nghỉ phép. Cả tuần nay mặt Hạnh rầu rầu, chẵng nói chẵng rằng, nhìn thời khóa biểu, chờ đến phiên mình là xách đồ ra sân. Có lẽ Hạnh đang buồn phiền và ân hận đã gởi tối hậu thư cho Nga, để rồi chỉ một mình thương nhớ mà không dám gặp mặt người yêu. Bay trên không, nghe đạn nổ, cũng là một cách giãi quyết vấn đề. Phi vụ yễm trợ của Hạnh cũng không nguy hiễm gì lắm. Trực thăng tãi quân xuống phi trường, rồi bay trở về căn cứ. Trực Thăng của Hạnh vừa tãi quân xong, cất cánh để quay trở về đơn vị. Xui thay, một hỏa tiễn tầm nhiệt bắn lên, trực thăng của Hạnh nổ tung trước sự chứng kiến của bạn bè, trong đó có trung úy Anh, hiện đang ở Colorado, USA.
Đêm đó, Thạnh và tôi tới nhà Nga. Nga vẫn theo dỏi tin chiến sự hàng ngày và đã biết, hai mắt đỏ hoe, ngồi bên tôi khóc sụt sùi. Nga không nói gì, không một lời than trách. Mãi đến khi chúng tôi từ giã ra về, Nga cũng không hỏi để lấy lại xấp thư. Chiều hôm sau chúng tôi đến chia buồn cùng gia đình Hạnh. Phòng khách không thay đổi, không khí ảm đạm nhưng không quá bi quan. Bởi vì đơn vị đã thông báo với gia đình Hạnh, trực thăng của Hạnh bị lâm nạn, phi hành đoàn mất tích, công cuộc tìm kiếm đang tiếp diễn, kết quả sẽ thông báo sau. Tuy nhiên, tình hình chiến sự mỗi lúc một khốc liệt, Pleiku bỏ ngỏ, Bamêthuột không cần tái chiếm, quân dân bỏ chạy hỗn loạn, đâu còn ai nghĩ đến việc đi tìm người lâm nạn.
Vài hôm sau, chúng tôi lại gặp nhau tại nhà Thạnh. Thạnh và các bạn muốn tôi đem bức thư của Nga ra đọc, xem Nga đã nói gì. Nhưng tôi không nghĩ như vậy, tôi vẫn trân trọng cuộc tình của Nga. Bức thư chỉ có thể giử lại chờ ngày trở về của Hạnh, dù rất là mong manh. Hay tốt hơn, chờ dịp thuận tiện trao trả lại cho Nga để Nga tự quyết định cuộc tình của mình.
Nha Trang giờ đây tình hình không mấy khả quan, mọi người đều hoang mang khi làn sóng dân di tãn khắp nơi đổ về. Chỉ có tôi và Thạnh gần nhà nên gặp nhau mỗi ngày, các bạn khác thì từ từ vắng bóng. Gia đình các chị tôi đã lần lược theo máy bay Air Việt Nam vào Saigon. Riêng hai bà chị vì công vụ nên sẽ từ từ đi sau. Ngày 28 tháng 3 năm 1975, tôi đưa hai chị tôi vào phi trường để đáp chuyến bay Air Việt Nam cuối cùng vào Saigon. Về nhà lòng nhẹ nhỏm, nếu có chuyện gì thì một mình theo đơn vị cũng xong. Chiều hôm đó, bạn bè lại tụ về, có cả Nga và Thủy ghé chơi nữa. Thôi thì, trong nhà có đầy thức ăn nấu sẵn dành cho tôi ăn vài ba ngày, thêm chai rượu mạnh chưng trong tủ kiến, lấy hết ra làm buổi tiệc họp mặt cuối cùng. Chúng tôi đang cười cười nói nói, đang bày biện thức ăn lên bàn, thì hai bà chị lò dò xách đồ vô nhà. Thấy chúng tôi đang chén tạc chén thù, chị Lan la giọng oang oang:
- Mất nước đến nơi rồi mà tụi bay còn lo ăn với uống …
Chị cho hay là phi trường đã hỗn loạn. Phi cơ vừa dừng là mọi người đều ùn ùn chạy ra phi đạo, khiến phi công hoãng sợ, cất cánh bay luôn. Chờ mãi không thấy có chuyến bay khác, hai chị đành lũi thũi ra về. Ra tới cổng, lính gác khuyên các chị nên ở lại, may ra có phi cơ khác tới chở đi. Nếu về nhà, thì ngày mai không cách chi trở vô được. Nhưng các chị tôi không nghe, cứ đòi về. Có lẽ chị Thương đã quen biết với một phi công trực thăng, ngày mai anh ta đón gia đình đi, sẽ đón hai chị đi luôn. Các bạn tôi thấy tình hình quá bi quan, chẵng còn thiết ăn uống, vội từ giã ra về. Hôm sau, quả như người lính gác đã nói, tôi mượn xe jeep của đơn vị để đưa hai chị vào phi trường, nhưng không cách chi vào được, đành phải đưa hai chị về sở làm của chị Thương. Đó cũng là điểm hẹn để anh chàng phi công tới đón. Tôi về sở, trả xe jeep, lấy xe honda chạy vòng vòng, nghe ngóng tình hình. Chạy qua cỗng trại Phi Long, thấy chị em Nga trên xe pick-up, theo đoàn xe chờ vào cỗng. Tôi chạy đậu bên xe Nga, anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, Nga nói:
- Tụi em có ông anh họ không quân xin cho vào Saigon chung với gia đình ảnh. Ba em nhất quyết không đi, có lẽ vẫn còn giận má em. Hay là anh lên đi với tụi em đi, cảnh hỗn loạn chắc họ không xét giấy tờ đâu.
Tôi lắc đầu cười:
- Không được đâu, anh còn phải về sở chờ lệnh.
- Thôi anh ở lại bình an. Nếu vào Saigon được anh nhớ kiếm em, nhà dì em ở hẻm Chí Hòa cũng dễ tìm lắm.
Nga cúi xuống, tìm tờ giấy ghi vội địa chị cho tôi, dặn lại:
- Anh nhớ đến tìm em. Cho em gởi lời thăm anh Thạnh.
Giã từ chị em Nga, tôi trở về sở làm. Lính gác vẫn còn, nhưng không khí có vẽ khác thường. Anh lính cho hay là Trung tá Chỉ huy trưỡng đã ra lệnh tan hàng. Mọi người có thể về nhà thu xếp gia đình và tự lo liệu lấy. Gia đình của Trung tá Sâm và Trung tá Huynh đã vào tòa lãnh sự Mỹ để được đưa vào Saigon. Thiếu tá Tấn ở lại, đang ở kho tiếp liệu để nhận lại súng đạn của anh em binh sĩ. Xăng ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy, đây là món quà độc nhất và cuối cùng đơn vị có thể tặng cho anh em.
Giờ đây, tôi mới hoãng hốt thưc sự. Đơn vị tan hàng, tôi biết chạy đi đâu bây giờ? Tôi vội quay đầu xe, chạy một mạch ra khỏi cổng trại, không kịp vào văn phòng lấy vài thứ cấn thiết, cũng không kịp chạy vào giã từ thiếu tá Tấn. Tôi chạy về nhà, mặc thêm bộ đồ dân sự bên trong, xách vội túi quần áo để sẵn, lên xe honda chạy vòng vòng, không biết phải đi đâu. Tôi chạy đến nhà Thạnh, Thạnh đi vắng, đến sở làm của Thạnh, sở trống trơn. Chạy ra phố Phan Bội Châu, các nhà quen thân đều cửa đóng then cài. Thì ra ai cũng có kế hoạch di tãn, chỉ một mình tôi ngu ngơ chờ tử thủ với đơn vị. Buồn tình, tôi chạy dọc theo đường biển Duy Tân. May thay, tôi gặp được cậu em sinh viên sĩ quan hải quân, đang cùng bạn chạy honda về nhìn thành phố Nha Trang lần cuối. Hải cho biết tối nay sẽ có tàu hải quân vào đưa sinh viên sĩ quan và gia đinh hải quân về Saigon, bảo tôi cứ xuống căn cứ Hải Quân, sẽ có cách theo vào Saigon. Tôi vội đến sở làm của chị Thương, hai chị vẫn còn ngồi đó, mòn mỏi chờ đợi anh phi công. Chúng tôi bàn bạc với nhau và quyết định chở nhau trên honda, chạy về phía căn cứ Hải Quân. Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân giờ đây chật ních người, mặt mày hớt hãi. Cứu cánh cuối cùng của mọi người là chiếc tàu hải quân tối nay, liệu tàu có đủ lớn để chứa hàng ngàn người không? Hay lại chen chúc tranh dành nhau lên tàu như ở Đà Nẵng. Đến chiều, tôi gặp lại Hải, Hải đưa tôi bộ đồ hải quân, bảo tôi cứ trà trộn theo đám sinh viên sĩ quan sẽ lên được tàu. Các chị tôi cũng đồng ý như vậy:
- Em là sĩ quan, nếu bị bắt thì khổ lắm, các chị là đàn bà, nếu bị kẹt lại, cũng không sao.
Tôi mặc bộ đồ hải quân, chờ đến khuya, giã từ các chị, theo đoàn hải quân đi bộ lên cầu đá. Tàu cặp dọc theo bờ không có cầu tàu. Muốn lên tàu phải có người bên hông tàu nắm tay cho nhảy qua. Tôi nhờ mặc đồ hải quân, nên được lính kéo nhảy qua dễ dàng. Lên được tàu rồi, tìm một chổ dựa lưng mới hoàn hồn, không biết hai chị giờ đây ra sao? Làm thế nào mà vừa xách đồ, vừa đi bộ hàng mấy cây số từ căn cứ Hải Quân, qua đồi núi của Cầu Đá để đến bến tàu? Tôi lại nghĩ đến thành phố Nha Trang, nghe nói, hồi chiều thả tù, tù chạy khắp phố, cướp bóc, hôi của. Lại nghe nói có một chiếc máy bay phản lực A37, không biết viên phi công nhận lệnh từ đâu, đã nhào xuống bắn phá, bỏ bom nhầm khu cư xá sĩ quan, khiến cho nhiều người chết và bị thương. Ôi Nha Trang của tôi, Nha Trang thành phố hiền hoà, nay đã bị bom đạn tàn phá, mà lại bom đạn của phe ta mới khổ chứ. Dân Nha Trang bây giờ không phải chỉ có cảm nhận chiến tranh, mà đã là nạn nhân của chiến tranh, với cảnh cửa nát nhà tan, phải bỏ nhà bỏ của chạy lấy thân mình.
Tàu từ từ rời bến, để lại đám đông đang kêu la inh ỏi, đến trưa hôm sau thì tới Cát Lái. Mọi người rời tàu để ra cổng trại. Quân cảnh xét qua loa từng người rồi cho ra ngoài tự tìm phương tiện về nhà. Đến chiều tôi về đến nhà anh Duyên với tâm trạng buồn phiền và lo lắng cho các chị. Đến tối thì chị Lan bước vào nhà, mặt mày xơ xác, mới tới cửa là đã khóc lên:
- Con Thương rớt xuống biễn, chắc chết rồi .
Không hiểu nhờ sức mạnh nào mà hai bà chị của tôi cũng dìu dắt nhau đi bộ đến được bến tàu. Chị Lan được kéo qua tàu trước. Chị Thương vì đang có bầu, lại xách đồ nặng, nên đã bị tuột tay và rớt xuống biễn. Chị Lan nhìn em, chỉ biết khóc, vì đã lên tàu rồi, không thể nào trở lại vào bờ để tìm kiếm em. Tuy nhiên, ba ngày sau, trong lúc cả nhà đang làm lễ cầu an cho chị Thương, thì có tin tức của chị từ Phú Quốc, cho biết vài ngày nữa sẽ về tới Saigon. Chị bị rớt xuống biễn, nhưng nhờ bên dưới có nhiều túi xách nên không bị chìm. Nằm lêu bêu trên mặt nước, đến sáng hôm sau được người ta vớt lên, nhờ vậy mẹ tròn con vuông, túi xách của chị với tiền và nữ trang cũng không bị mất. Thất thểu đang tìm người đưa về nhà thì nghe tin có tàu Đại Hàn vào cứu vớt những người còn sót lại. Tàu Đại Hàn đã đưa mọi người ra Phú Quốc để thanh lọc. Chị đang có bầu, lại là công chức cao cấp nên được ưu tiên cho về Saigon sớm. Gia đình hai vị Trung tá Chỉ huy trưỡng của tôi cũng được Mỹ đưa ra tàu Đại Hàn này, 2 tuần lễ sau mới về tới Saigon.
Tôi nghỉ ngơi vài ngày rồi đi trình diện Tổng Nha Nhân lực. Được nghỉ thêm vài ngày để thu xếp gia đình và chờ sự vụ lệnh đi Cần Thơ. Tôi đến Quân Vận Saigon xin phương tiện di chuyển. Gặp người bạn cùng khóa Thủ Đức, anh lấy sự vụ lệnh đóng dấu “Không có phương tiện’’ trao lại tôi và nói nhỏ:
- Bạn khỏi cần tới trình diện nữa. Lo tìm đường mà đi đi.
Thạnh cũng vào được Saigon. Hôm đó Thạnh gặp người bạn, nói là có ghe, Thạnh theo anh ta luôn, không kịp về đưa các em cùng đi. Nhà anh tôi và anh Thạnh đều có điện thoại quân sự nên chúng tôi thỉnh thoãng cũng gọi nhau hỏi thăm tin tức. Tôi rủ Thạnh đi thăm Nga. Chúng tôi đến khu hẻm Chí Hòa, tìm nhà Nga cũng không khó khăn lắm. May mắn chiều hôm đó Nga có ở nhà. Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, kể cho nhau nghe chuyện vượt thoát khỏi Nha Trang. Nga trách đùa tôi :
- Hôm đó anh nghe lời theo em là được rồi, lên máy bay dể dàng, đâu có ai xét giấy tờ đâu.
- Thì các anh đã có mặt ở đây rồi, đường nào cũng về đến Saigon mà.
- Bây giờ các anh có tính gì không, em thấy người ta lo giấy tờ đi Mỹ quá trời.
- Anh Thạnh có cô ở Canada xin bảo lảnh cho đi Canada nhưng không biết bao giờ tòa đại sứ Canada mới xét đến. Anh đang chờ phương tiện đi Cần Thơ nhận nhiệm sở mới. Còn Nga thì sao?
- Tụi em chắc không đi đâu hết, ngoại em bảo nếu có chuyện gì thì về Gò Công ngoại em nuôi. Ngoại là mẹ chiến sĩ nên khỏi phải lo gì hết.
Hàn huyên một hồi, cũng đến lúc chia tay. Trước khi giã từ, tôi lấy xấp thư trao trả lại cho Nga, ấp úng một vài câu xin lỗi. Nga cầm thư áp vào ngực, rươm rướm :
- Em sẽ giử mãi trong tim. Thời buổi này chắc mình khó gặp nhau nữa, các anh giữ gìn sức khoẻ.
Tình hình Saigon cuối tháng 4 năm 1975 thật là giao động. Với sự vụ lệnh trong tay, tôi có thể đi khắp Saigon mà không sợ quân cảnh chận xét. Tôi cũng thử tìm đường đi Cần Thơ nhưng không tìm được phương tiện. Đêm 29 tháng 4, tôi cùng với Nhung và chị Lan theo gia đình anh Duyên ra bến Bạch Đằng theo đoàn người di tãn trên các tàu Hải Quân mà chẵng biết sẽ đi về đâu. Thạnh, trưa ngày 30 tháng 4 cũng đến được bến Bạch Đằng và lên được chiếc tàu Hải Quân đang nằm ụ chờ sữa chữa. Trên tàu có nhiều tướng tá trong nộị các của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đang thành lập. Các vị này đã vở mộng và lo chạy thoát thân khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Có thể nói đây là chuyến tàu lịch sử. Tàu chưa sữa xong, đã vội chạy, phải chạy lùi từ từ rời bến Bạch Đằng để tránh tai mắt của bộ đội việt cộng vừa chân ướt chân ráo tiến vào Saigon. Nhờ vậy đã cứu thoát được nhiều gia đình sĩ quan, binh sĩ và dân chính không chấp nhận chế độ Cộng sản.
Thạnh và tôi gặp nhau tại đảo Guam. Thạnh được phái đoàn Canada phỏng vấn, cho đi Canada ngay. Tôi được bảo trợ về New York, sau đó dọn qua California sống một đời bình an bằng nghề điện tử. Mấy năm đầu, Thạnh và tôi cố ý dọ hỏi bạn bè tìm Nga ở Mỹ, Canada và các trại tị nạn, nhưng không có tin tức gì. Về sau, khi Việt Nam đã thông thương dễ dàng, chúng tôi dọ hỏi tận Nha Trang. Các bạn trong nhóm của Nga nay đã là cô giáo của trường Nữ Trung Học Nha Trang. Thủy dạy việt văn và đã có chồng con. Thủy cho biết họ đã mất liên lạc với Nga kể từ ngày Nha Trang bỏ ngỏ.
Giờ đây đã 35 năm qua, 35 năm dài với bao vật đổi sao dời. 35 năm Hạnh cô đơn trong lòng đất lạnh. 35 năm Nga sống lưu lạc ở phương trời nào đó. Giờ đây gia đình Hạnh đã tìm được nơi thất lạc của Hạnh. Giờ đây Hạnh đã được đoàn tụ với gia đình, đã có mồ yên mã đẹp. Riêng Nga vẫn biệt vô âm tín. Nhưng thôi, cũng không nên khơi lại niềm đau trong lòng người thiếu nữ đáng thương đó. Chỉ mong rằng chị em Nga, trong những ngày đầu mất nước, được bình yên trong sự thương yêu đùm bọc của bà ngoại. Ngoại là mẹ chiến sĩ của chế độ mới nên đời sống chắc không khó khăn lắm. Mong vậy thay!
Duy Sam
Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét