Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Thảm họa hàng hải tồi tệ nhất thế kỷ XX

Lịch sử hàng hải thế giới đã chứng kiến vô số thảm họa chìm tàu khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Thế kỷ thứ XX, mặc dù tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần hạn chế những tai nạn đáng tiếc, nhưng các vụ đắm tàu với con số nạn nhân lên đến hàng ngàn người vẫn xảy ra.

Ngày 20/12/1987, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra với tàu chở khách Dona Paz của Philippines đã trở thành thảm họa hàng hải tồi tệ nhất trong thời bình, khi con số tử nạn lên tới hơn 4.000 người.

Con tàu Dona Paz chìm trong lửa.
Dona Paz là một tàu phà chở khách kích thước lớn, được hãng Onomichi Zosen (Nhật Bản) đóng và hạ thủy vào năm 1963. Tàu có chiều dài 93,1 m, độ rộng sườn ngang 13,6 m, tốc độ di chuyển 18 hải lý/giờ. Theo thiết kế, tàu có thể chuyên chở 1.518 hành khách cùng 66 thành viên thủy thủ đoàn.

Thời kỳ đầu hoạt động tại Nhật Bản, tàu có tên gọi Himeyuri Maru. Đến năm 1975, Công ty hàng hải Sulpicio Lines của Philippines đã quyết định mua lại và đổi tên con tàu này thành Don Sulpicio rồi sau đó là Dona Paz, chuyên phục vụ vận tải hành khách trên hành trình từ đảo Leyte tới thủ đô Manila. Khoảng một tháng trước khi tai nạn xảy ra, Dona Paz được đưa vào xưởng sửa chữa định kỳ. Sau đó, tàu tiếp tục trở lại phục vụ hành khách trên hành trình đã định.
Như mọi chuyến đi khác, vào lúc 6 giờ 30 phút (giờ Philippines) ngày 20/12/1987, Dona Paz bắt đầu khởi hành từ thành phố Tacloban, đảo Leyte để tới Manila, thủ đô Philippines, với trạm dừng ở thành phố Catbalogan, đảo Samar. Theo lịch trình, tàu sẽ tới Manila lúc 4 giờ sáng hôm sau.

Tàu Dona Paz.
Vào khoảng 22 giờ 30 phút, Dona Paz tiến dần đến Dumali Point, một vị trí dọc eo biển Tablas, gần Marinduque. Trong khi phần lớn hành khách đang ngủ thì Dona Paz bất ngờ va chạm mạnh với tàu Vector khi đó đang chở 8.800 thùng dầu thành phẩm cùng các sản phẩm dầu lửa khác, trên hành trình từ Bataan tới Masbate.

Ngay sau khi va chạm, dầu trên tàu Vector bốc cháy và lan sang Dona Paz. Chỉ trong vài phút, ngọn lửa đã bao trùm toàn vùng biển xung quanh. Quá hoảng loạn và bất ngờ, nhiều người đã lao xuống biển và ngay lập tức bị lửa trùm kín. Những hành khách còn lại trên tàu cũng chung số phận khi phải đối mặt với một biển lửa khổng lồ. Chỉ một số ít hành khách may mắn bơi thoát qua biển lửa này. Dona Paz chìm trong khoảng 2 giờ sau đó, còn tàu chở dầu Vector thì chìm trong khoảng 4 giờ.

Theo thông báo của Công ty Sulpicio Line, trong số 1.493 hành khách và 60 thành viên thủy thủ đoàn, chỉ có 26 người được cứu sống, 2 người trong đó là thủy thủ của tàu Vector. Tuy nhiên, những người sống sót lại cho biết có khoảng 3.000 đến 4.000 hành khách lên tàu. Họ đã thấy rất nhiều người phải ngủ dọc hành lang, hoặc chen nhau trên các giường dành cho trẻ em.

Thảm họa Dona Paz làm rúng động đất nước Philippines và thế giới. Một cuộc điều tra được tiến hành sau đó đã cho thấy số người thiệt mạng là 1.749. Đây là tai nạn tàu phà nhiều người thiệt mạng nhất trong lịch sử Philippines. Tổng thống Philippines Corazon Aquino đã phải thốt lên: "một thảm kịch quốc gia có tầm vóc rất đau thương... nỗi buồn của nhân dân Philippines càng đau đớn hơn vì thảm kịch này đã xảy ra khi sắp tới lễ Chúa giáng sinh”.

Cuộc điều tra cũng làm hé lộ nhiều sai phạm trong quản lý và vận hành tàu biển của một số công ty vận tải biển. Tàu chở dầu Vector hoạt động không có giấy phép, còn thủy thủ đoàn của Dona Paz lại đi nghỉ, chỉ để lại một nhân viên tập sự trên đài chỉ huy.

Những ngày sau thảm họa, hàng trăm thân nhân các gia đình nạn nhân đã tụ tập tại công viên Rizal, lên tiếng đòi các chủ tàu phải bồi thường cho các gia đình những nạn nhân không có tên trong danh sách hành khách chính thức, cũng như phải làm bản báo cáo đầy đủ những người bị mất tích.

Đến năm 1999, dựa trên những kết quả điều tra khác nhau, Tòa án Tối cao Philippines chính thức thừa nhận tàu Dona Paz đã chở khoảng 4.000 hành khách. Tòa án cũng ra phán quyết buộc chủ tàu Vector phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.

Cho đến nay, cơ quan chức năng Philippines vẫn không thể xác định được chính xác số người tử vong và cho rằng có thể con số thương vong lớn hơn rất nhiều số lượng được công bố. Ấn bản năm 2008 của Niên giám Thế giới (World Almanac) thì ước tính số người chết trong vụ đắm tàu này là 4.386. Với số người chết lớn như vậy, nhiều người gọi thảm họa Dona Paz là "Titanic của châu Á". Còn Tạp chí Time Magazine gọi là thảm họa hàng hải chết chóc nhất trong thời bình của thế kỷ XX.

Không chỉ là thảm họa đắm tàu có nhiều người thiệt mạng nhất trong thời bình, Dona Paz còn là thảm họa đứng thứ 10 trong danh sách các thảm họa hàng hải kinh hoàng nhất mọi thời đại. Thảm họa này đã để lại nhiều bài học lớn cho nhiều quốc gia trong công tác quản lý và vận hành tàu biển.

Trung tâm Tư liệu (TTXVN)

Không có nhận xét nào: