Từ ngày sinh ra cho tới bây giờ, thủy chung tôi và núi rừng vẫn là bè bạn. Thuở còn có nhau, ban ngày chúng tôi vẫn thường gặp nhau, đi lại thăm hỏi nhau, gối tay, gác chân lên bụng nhau. Ban đêm tôi ngủ, núi rừng thì muôn đời thức trắng. ![]()
Thập niên 1940, buổi sáng mở cửa ra thấy rừng, thấy núi vẫn còn nguyên sơ. Hoang dã mà hiền hòa, xa xôi mà gần gũi. Thuở ấy cho tới lớn lên sau này, rừng núi đã dạy và ban cho tôi nhiều điều. Từ đời xưa người Thượng đã có văn hóa. Mà văn hóa theo tự điển Pháp Việt tôi học hồi nhỏ có nghĩa là vun trồng (nay chỉ còn nhớ độc một chữ culture để làm mắm).Tiếng Latin nghĩa gốc của chữ văn hóa là sự trồng trọt, chăn nuôi, cầy cấy. Nói rõ ra từ xưa một cụm thiên nhiên hoang dã của đại ngàn đã được con người thuần hóa mà biến thành văn hóa. Điều đó chứng tỏ văn hóa không phải tự nhiên mà có, mà có từ cộng đồng làng qua bao thế hệ đã vun trồng nên. Ngày nay văn hóa bao quát hơn gồm cả văn học, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, đời sống v.v... Nói đến văn hóa Cao Nguyên miền Thượng là nói đến cồng, chiêng, trống, khèn, khố, yêng, đua voi, lễ hội, dân ca, các điệu múa dân tộc, cả sử thi, trường ca Đam San, Đam Noi, Khinh Dú, Xing Nhã, Dông Dư... là những thiên anh hùng ca, một loại văn hóa được thiết lập trên cơ bản triết lý sáng tạo bởi một nhóm người dầy công qua từng đời sống mà thành - thật giản di, mộc mạc, thật kỳ lạ nhưng hào hùng. Ngoài ra, rừng núi còn cho tôi thịt và cây ăn trái. Rừng cho tôi cái nai, cái hoẵng. Núi cho cào cào, châu chấu, dế. Và đất cho tôi bầu.
![]() (Cu Tèo, cháu ngoại Sơn Râu lúc 4 tuổi.)
Bầu là một loại thực vật có nhiều hình dáng khác nhau. Bầu dài hoặc tròn hoặc bầu thắt eo, còn gọi là bầu nậm, bầu hồ lô. Người Kinh trồng bầu để ăn chớ không dùng bầu nậm để đựng nước như người Thượng. Hồi nhỏ theo ba má vô buôn làng thấy người Thượng uống nước đựng trong những trái bầu thắt eo, vỏ lên nước đen xì làm con mắt trẻ con như tôi vừa ngạc nhiên, vừa tò mò thích thú. Về sau mới biết: đợi bầu già, thắt eo mới hái xuống cắt bỏ cuốn và một phần đầu rồi đem phơi nắng cho khô lớp thịt bên trong, xong móc hết ruột ra cho thật sạch, đem hơ lửa, lăn đều cho đến khi vỏ bầu đen kịn là ta có thể dùng đựng nước, đựng rượu. Nắp bầu thì lấy lá chuối khô cuốn tròn thật chặt, thật gọn, cắm vào miệng trái bầu, đố hạt bụi nào chui lọt vô. Đó là một trong hàng trăm thứ "gia dụng" thô sơ của núi rừng. Có lẽ vì nhà quê không hiểu biết nhiều về dân ca miền Thượng, nên tôi không nghe họ hoặc người nào hát về bầu bí ngoài ca dao tục ngữ của ông bà ta truyền tụng:
- Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
- Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
- Ở bầu thì tròn. Ở ống thì dài
![]()
Tôi sinh ra ở núi ở rừng, lớn lên dưới hình thù một người lính, tôi đi vào chiến trường cũng ở rừng ở núi. Tôi nhớ hoài có lần sau trận đánh vào mùa khô, tất cả những bình toong của các đồng đội còn sống sót đều cạn nước, trừ trái bầu nậm nhỏ xíu của anh khinh binh Êđê còn sót lại vài ngụm. Định bụng mỗi người... liếm một chút nước trên nắp bầu cho đỡ khát để lấy sức vượt tới điểm hẹn cho kịp giờ thì trời mưa. Sự trung thực của Núi và lòng từ bi của Rừng in đậm nét ở những giọt mưa lúc chúng tôi gần như kiệt quệ.
![]() ![]() ![]() (Lão Hư được tặng 1 trái bầu khô và 1 tấm hình giàn bầu, 2011.)
Rồi một buổi trưa hè nắng đẹp (2011) nơi quê người, bạn hiền Sơn Đặng (tức Sơn Râu) réo vợ chồng tôi ghé nhà ăn nhậu. "Nhớ đi cửa hông ra phía sau nhà nghe, bạn già". Sơn Râu dặn rồi thòng thêm: "Mấy ông bạn lính ngày xưa muốn gặp lại anh đó". Nhà bạn hiền nằm thoai thoải trên một con dốc dẫn xuống rừng cây khá thơ mộng. Vừa lui cui bước lên mấy bực tam cấp sau hè, nhìn lên chưa kịp bắt tay "các bạn lính ngày xưa" tôi đã sửng sốt: giàn bầu! Dưới giàn bầu um tùm xanh lá gần trăm trái bầu hồ lô to có, nhỏ có, đang kỳ con gái thắt eo, no tròn, mập ú treo lủng lẳng trên giàn đến là sướng mắt! Giàn được dựng bằng những thanh gỗ chắc nịch, bắt góc, dọc, ngang rất công phu bài bản.
![]() (Từ trái: Diễm Hương & a xổng - Chí Đức, Chị Liễu & Bùi Bảo Sơn, Mai Đằng, Phan Hạnh, Kiều Phong - Toronto.) ![]() ![]() ![]() (Từ trái: Mai Đằng, Phan Hạnh, Kiều Phong, Mỹ Hân & Sê Chi Lạ - Sa Chi Lệ, Sơn Râu, Diễm Hương, Bùi Bảo Sơn, Phan Ni Tấn & "cây đàn", "bề trên" Sơn Râu)
Người ta nói càng về chiều nỗi nhớ quá khứ càng mặn nồng hơn bao giờ. Tôi cũng không thoát khỏi tâm trạng này, cho nên hay lẩn thẩn thả hồn lội về thời quá vãng mù xa. Trong giây phút trầm tư đó, tôi cảm thấy lòng ngập nhớ nhung và khao khát được trở về; hồn nhiên, thơ thới, thong dong mà trở về như thể đất nước vẫn còn đó, núi rừng và bầu bí của tôi vẫn còn đó.
Lão Hư - Phan Ni Tấn.
|
From: "nguyenthhoang@yahoo.ca"< tiengque@yahoogroups.com> Date: June 7, 2014 at 8:10:20 AM EDT
Thì ra Lão Hư nhìn thấy giàn bầu ở giữa thành phố của Sơn Râu đầy trái đẹp quá nên liên tưởng đến món canh bầu nấu tép và bình nước của người lính sắc tộc Êđê ngày trước ở quê nhà rồi viết tùy bút Bầu Ở Rừng rất đằm thắm này.
Phải công nhận, giàn bầu của bậu Sơn Râu quá đẹp, đẹp nhất trong cộng đồng người Việt hải ngoại không chừng. Muốn kiểm chứng điều này cũng không khó. Hãy đăng tấm hình giàn bầu của bác Sơn Râu lên FB có kèm rõ gốc tích, xong kêu gọi, thách ai thấy giàn bầu nào đẹp hơn thì hãy đăng lên để thi tuyển.
Tôi nhờ ông bạn Gút Gồ tìm thì thấy tấm hình giàn bầu nậm này, được cho là ở vùng thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng - VN, tuy sum suê nhiều trái nhưng không đẹp bằng giàn bầu của Sơn Râu Toronto. Tôi lấy làm hãnh diện nói lên điều này. Dô! :)
![]()
Lão Hư viết: "Có điều lạ là dòm những "tác phẩm bầu", rồi dòm cái tướng của bạn hiền, "bí danh" Sơn Ròm, Sơn Râu, Sơn Nhậu hay Sơn gì đi chăng nữa, trước sau tôi vẫn thấy bạn tôi chẳng có chút chi thuộc về... "con người của nghệ thuật" cả, cũng chẳng có một thoáng tâm hồn nghệ sĩ nào trùm lên cái thể tướng lều khều, ốm nhom ốm nhách của bạn hết."
Câu văn trên mới đọc qua tưởng là chê (tiêu cực) nhưng thật ra là khen, thán phục hết mình đó nhen. Thấy vậy mà hổng phải vậy; một con người với hình tướng bề ngoài không nghệ sĩ, nghệ thuật (thì cứ tạm cho rằng ốm nhom ốm nhách là không nghệ thuật) nhưng có hồn thơ lai láng và có óc nghệ thuật tạo được một giàn bầu kỷ lục đẹp!
Phan Hạnh - Hoàng Chiêu Ấn
|
Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Nhìn Ra Bốn Phương
Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015
BẦU Ở RỪNG Tùy bút Lão Hư - Phan Ni Tấn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét