Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :28/10/2024 - Nam Giang


Bầu cử Mỹ : 20.000 người ủng hộ Trump ở New York Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris tiếp tục vận động cử tri ngày 27/10/2024. Tại Pennsylvania, một trong bảy bang "dao động" (swing states), ứng cử viên Dân Chủ đến nhiều nơi ở thành phố Philadelphia với hy vọng nhận được tối đa số phiếu trong bối cảnh các cuộc thăm dò dự báo tỉ lệ sít sao giữa hai đối thủ.Ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump vận động tranh cử tại Madison Square Garden ở New York, Hoa Kỳ, ngày 27/10/2024. © Julia Demaree Nikhinson / AP - Thu Hằng
<!>
Trong khi đó, ứng viên Cộng Hòa Donald Trump muốn gây ấn tượng 9 ngày trước cuộc bầu cử khi tập hợp 20.000 người ủng hộ ở Madison Square Garden, New York, nơi vẫn thường bầu cho đảng Dân Chủ.

Ứng viên Cộng Hòa muốn nhấn chìm New York trong sắc đỏ của chiếc mũ MAGA (Make America Great Again), như ghi nhận của thông tín viên RFI Carrie Nooten trong phóng sự sau đây:

« Donald Trump sẽ sửa chữa tất cả » : Đó là lời hứa được ghi trên hàng trăm tấm biển giương lên trong nhà thi đấu Madison Square Garden. Những người ủng hộ MAGA nhiệt liệt hoan nghênh ứng cử viên của họ và liệt kê mọi thứ đã bị chính quyền Biden-Harris « phá hoại » : trước tiên là vật giá leo thang, bởi vì lạm phát, cho dù đã giảm mạnh trong những tháng gần đây, vẫn còn ở mức quá cao đối với cử tri. Tiếp đến là vấn đề nhập cư.

Ông Trump phát biểu : « Tôi sẽ tái lập đường biên giới của chúng ta. Chưa bao giờ vấn đề biên giới lại tồi tệ như vậy. Còn nghiêm trọng hơn cả lạm phát. Còn nghiêm trọng hơn cả kinh tế. Đó là những gì họ làm cho đất nước chúng ta ».

Donald Trump, cùng với những ngôi sao Elon Musk, Carlson Tucker… đến ủng hộ ông, kịch liệt bài bác năng lực của bà Kamala Harris. Cuối cùng, cựu tổng thống Mỹ nhắc đi nhắc lại với những người ủng hộ rằng chiến thắng nằm trong tầm tay khi giản lược kết quả các cuộc thăm dò dư luận.

Ông khẳng định : « Chúng ta dẫn đầu ở tất cả các bang quan trọng. Nhưng chỉ có kết quả chung cuộc mới được tính. Chín ngày nữa, chúng ta sẽ đánh bại Kamala Harris, chiếm lại ngôi Nhà Trắng tuyệt vời và trả lại sự vĩ đại cho nước Mỹ. Và điều đó sẽ nhanh đến thôi ! »

Hai ứng viên tiếp tục cuộc vận động ở bảy bang « dao động ». Ngay hôm nay, 28/10, ông Donald Trump sẽ đến Atlanta, bang Georgia, nơi mà ông đã thất bại năm 2020. Còn đối thủ Kamala Harris đến Michigan với hy vọng thuyết phục cộng đồng Ả Rập bất bình vì Mỹ ủng hộ Israel trong các cuộc chiến ở dải Gaza và Liban.

Tổng thống Pháp Macron công du Maroc để hòa giải với quốc vương Mohammed VI

Pháp và Maroc quyết tâm cải thiện quan hệ song phương, bị khủng hoảng từ nhiều năm qua. Ngày 28/10/2024, tổng thống Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du Maroc ba ngày theo lời mời của quốc vương Mohammed VI nhằm « hướng đến tham vọng mới cho 30 năm tới » trong mối quan hệ Pháp-Maroc, theo điện Elysée.


Ảnh tư liệu : Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và quốc vương Maroc Mohammed VI sau khi khánh thành tuyến đường sắt cao tốc tại ga tàu hỏa Rabat, Maroc, ngày 15/11/2018. © Christophe Archambault / AP
Thu Hằng
Tổng thống Pháp được đích thân quốc vương Maroc đón tại sân bay cùng với nghi thức bắn 21 phát đại bác. Hai nguyên thủ quốc gia sau đó đến Hoàng cung, nơi diễn ra cuộc đối thoại đầu tiên trong ba ngày công du. Pháp đặt tầm quan trọng vào chuyến công du « hòa giải », tháp tùng tổng thống Macron có đến 9 thành viên chính phủ và đại diện của 50 doanh nghiệp. Nhiều dự án, hợp đồng lớn về kinh tế, nông nghiệp, môi trường, giáo dục, văn hóa… sẽ được ký kết nhân dịp này, cho thấy hai nước quyết tâm sang trang mới sau nhiều tháng khủng hoảng.

Thông tín viên RFI François Hume-Ferkatadji tại Casablanca cho biết thêm :

« Đã 6 năm tổng thống Pháp Emmanuel Macron không được tiếp đón ở Maroc. Năm 2018, cùng với quốc vương Maroc, ông đã khánh thành tuyến đường sắt cao tốc Tanger-Casablanca. Sau đó, mối quan hệ giữa hai nước dần trở nên xấu đi. Trước tiên là vào năm 2021, khi Pháp quyết định giảm một nửa số thị thực nhập cảnh cấp cho công dân Maroc, với lý do là thiếu hợp tác tư pháp.

Tiếp theo, do những chỉ trích của Nghị Viện Châu Âu về tự do ngôn luận ở Maroc, chính quyền Rabat đã để trống ghế đại sứ Maroc ở Pháp từ tháng 01 đến tháng 10/2023. Mối quan hệ song phương càng không được cải thiện khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron « trực tiếp ngỏ lời với người dân Maroc » trong một đoạn video đăng ngày 09/09/2023. Rabat coi đây là một sự vi phạm nghi thức ngoại giao.

Cuối cùng, Maroc hy vọng thấy Pháp có lập trường rõ ràng hơn về một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với vương quốc này, đó là Tây Sahara. Một bức thư được gửi đến quốc vương Maroc vào tháng 07 vừa qua đã làm thay đổi thế cờ. Trong thư, tổng thống Pháp khẳng định là coi « hiện tại và tương lai của Tây Sahara nằm trong khuôn khổ chủ quyền của Maroc ».

Sự ủng hộ của Paris đối với kế hoạch của Maroc về tự trị cho vùng Tây Sahara đã giúp xác định lại quan hệ song phương, trong khi các mối liên hệ mạnh mẽ vẫn kết nối hai nước : khoảng 850.000 người Maroc đang sống ở Pháp và ít nhất 53.000 người Pháp sống ở Maroc ».

Bình Nhưỡng cáo buộc drone Hàn Quốc xâm phạm chủ quyền Bắc Triều Tiên

Ngày 28/10/2024, Bắc Triều Tiên khẳng định đã chứng minh được là quân đội Hàn Quốc điều drone bay bên trên thủ đô Bình Nhưỡng, thả truyền đơn vào đầu tháng 10 và như vậy đã xâm phạm chủ quyền Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng nhiều lần cáo buộc Seoul điều drone xâm phạm không phận miền bắc, còn Seoul một mực bác bỏ.


Ảnh minh họa : Các drone của quân đội Hàn Quốc được triển khai trong một cuộc tập trận chung với Mỹ tại trung tâm huấn luyện ở Pocheon, Hàn Quốc, ngày 25/05/2023. AP - Ahn Young-joon
Thu Hằng
Theo cơ quan thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA, được AFP trích dẫn, bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên đã kiểm soát được một « drone thù địch » và xác của drone này được tìm thấy ở khu vực Bình Nhưỡng. Kết quả phân tích « đã chứng minh rằng chiếc drone thuộc các băng đảng xã hội đen của quân đội (Hàn Quốc) (...) thâm nhập vào thủ đô » Bắc Triều Tiên trong đêm 08-09/10, sau khi xuất phát từ đảo Baengnyeong, phía tây Hàn Quốc. Tính theo đường chim bay, đảo Baengnyeong nằm gần Bình Nhưỡng hơn là Seoul.

Đối với Bình Nhưỡng, sự xâm phạm chủ quyền này là một « hành động khiêu khích liều lĩnh, mang động cơ chính trị và quân sự ». Nếu để tái diễn, Hàn Quốc « sẽ vĩnh viễn biến mất vì đòn phản công không thương tiếc » của Bắc Triều Tiên. Phía quân đội Hàn Quốc cũng đe dọa ngược lại là chế độ miền Bắc sẽ đến « ngày tàn » nếu xâm phạm an ninh của người dân miền Nam.

Theo Yonhap, ngày 28/10, trong buổi họp báo thường kỳ của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, phát ngôn viên Lee Sung Jun nhắc lại cáo buộc của Bình Nhưỡng là « vô căn cứ », đồng thời nhấn mạnh « Bắc Triều Tiên đã đe dọa an ninh của chúng ta (Hàn Quốc) bằng cách điều drone vào không phận (của Hàn Quốc) hơn 12 lần trong 10 năm qua. Tuyên bố đơn phương của họ là vô liêm sỉ ».

Báo Hồng Kông: Hải quân Trung Quốc vừa tập trận tại Biển Đông

Báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) dẫn lại một nguồn tin trên mạng xã hội Trung Quốc hôm qua, 27/10/2024, cho biết Hải quân Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc tập trận tại Biển Đông, nhằm tăng cường khả năng tác chiến.


Ảnh minh họa : Tàu khu trục Hoài Nam khai hỏa trong buổi tập luyện của hạm đội 42 thuộc hải quân Trung Quốc (PLA) tại một địa điểm không xác định, ngày 21/02/2023. AP - Xu Taotao
Trọng Thành
Bài viết trên mạng xã hội Trung Quốc, được SCMP dẫn lại, cho biết một đội tàu chiến thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ « đã tiến hành huấn luyện và đánh giá toàn diện về khả năng phòng không và đánh chặn tên lửa, tấn công tàu đối phương và kiểm soát thiệt hại của tàu ».

Vẫn theo nguồn tin này, cuộc diễn tập « đã tạo ra một môi trường thực tế với các tình huống năng động và các nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng mức độ khó khăn của cuộc trắc nghiệm ». Hải quân Trung Quốc không nêu địa điểm hoặc thời gian, mà chỉ nói chung chung là cuộc diễn tập đã được tiến hành « vào cuối mùa thu ».

Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Phillipines trong những tháng gần đây tại nhiều khu vực quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh khẳng định sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ « chủ quyền ». Trong hoàn cảnh hiện tại, Philippienes và các đồng minh phương Tây lo ngại trước hết việc Trung Quốc gia tăng các biện pháp gọi là « vùng xám » của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.

Ngày 19/10/2024, bộ trưởng Quốc Phòng các nước thành viên G7 (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Đức, Ý và Canada), họp tại Napoli, lần đầu tiên ra tuyên bố chung, lên án « Trung Quốc liên tục cản trở quyền tự do hàng hải, quân sự hóa các thực thể tranh chấp và tiến hành nhiều hoạt động cưỡng ép và đe dọa, cũng như để các tàu Hải cảnh và dân quân biển hoạt động một cách nguy hiểm ở Biển Đông ».

Tuyên bố chung của các lãnh đạo quốc phòng khối G7 nhấn mạnh là các đòi hỏi mở rộng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không dựa trên căn cứ pháp lý nào, và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc ngày 12/07/2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần trọn Biển Đông là kết luận « có tính ràng buộc về mặt pháp lý ».

Bầu cử Gruzia: OSCE tố cáo ‘‘gian lận’’, Mỹ và Liên Âu kêu gọi điều tra

Tuyên bố giành chiến thắng của đảng cầm quyền thân Nga, hôm qua, 27/10/2024, trong cuộc bầu cử Quốc Hội Gruzia, bị phản đối mạnh mẽ. Mỹ và Liên Âu kêu gọi điều tra. Đối lập chuẩn bị cuộc tập hợp lớn đầu tiên để lên án bầu cử gian lận vào tối nay, 28/10/2024.


Các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) họp về cuộc bầu cử Quốc Hội Gruzia ở Tbilisi, ngày 27/10/2024. REUTERS - Irakli Gedenidze
Trọng Thành
Theo AFP, tối hôm qua chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, kêu gọi cơ quan phụ trách bầu cử Gruzia « điều tra nhanh chóng, minh bạch và độc lập » về « những điều bất hợp lệ » trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 27/10. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ra thông báo ủng hộ kêu gọi « điều tra kỹ lưỡng » về tất cả các thông tin, của các quan sát viên quốc tế và địa phương, liên quan đến cáo buộc vi phạm luật.

Tổng thống Gruzia Salomé Zourabichvili, người mà đảng cầm quyền đang tìm cách phế truất, tố cáo cuộc bầu cử « hoàn toàn bị thao túng », và Gruzia là nạn nhân của « một chiến dịch đặc biệt của Nga ». Tối hôm qua, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã công bố bản báo cáo về diễn biến cuộc bầu cử Quốc Hội Gruzia. Thông tín viên Régis Genté tường trình từ Tbilisi :

« Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã đưa ra một kết luận nghiêm khắc sau khi kết thúc nhiệm vụ quan sát bầu cử. Cơ quan này đã triển khai 529 quan sát viên quốc tế. Theo OSCE, cuộc bầu cử này ‘‘bị hủy hoại bởi những điều kiện cạnh tranh không bình đẳng, áp lực và căng thẳng’’.

Báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cũng cho biết chi tiết về tình trạng “mua phiếu bầu”, “bầu không khí gây áp lực và đe dọa khắp nơi’’ nhắm vào cử tri, vi phạm “tính không thiên vị của các định chế Nhà nước”. Tất cả các yếu tố này “phá vỡ niềm tin vào kết quả bầu cử” theo OSCE.

Kết luận của OSCE làm suy yếu luận điệu tuyên truyền của giới cầm quyền, đang nóng lòng muốn dư luận thừa nhận kết quả bầu cử. Đây cũng là nỗ lực của một số lãnh đạo nước ngoài – đồng minh với chính quyền Gruzia, trong đó có thủ tướng Hungary Viktor Orban, dự kiến có mặt ở Tbilisi vào tối nay, thứ Hai 28/10.

Đối với phe đối lập Gruzia, tuyên bố của OSCE có ý nghĩa rất lớn. Tối Chủ nhật, hôm qua, tổng thống Salomé Zourabichvili khẳng định bà sẽ không công nhận kết quả bầu cử. Phe đối lập, trong đó có một số lãnh đạo tố cáo cuộc bầu cử “bị đánh cắp”, đã thông báo tổ chức một cuộc tập hợp lớn đầu tiên vào tối nay. »

Lãnh đạo đảng cầm quyền trấn an: Gruzia sẽ gia nhập EU

Thủ tướng Irakli Kobakhidze hôm nay trấn an là đảng cầm quyền không từ bỏ mục tiêu Gruzia gia nhập Liên Âu (EU), và cam kết sẽ « khởi động lại đối thoại » với Bruxelles, và « mọi cam kết sẽ được thực thi để Gruzia hoàn toàn hội nhập với Liên Âu từ đây đến 2030 ».

Xin nhắc lại là, cuối tháng 05/2024, bất chấp các cảnh báo của Liên Hiệp Châu Âu và của Hoa Kỳ, Quốc Hội do đảng Giấc mơ Gruzia kiểm soát, đã thông qua luật « về ảnh hưởng của nước ngoài », bộ luật bị tố cáo theo mô hình Nga, tạo điều kiện cho nhà cầm quyền đàn áp đối lập và xã hội dân sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét