Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024

THỜI GIAN ƠI! HÃY NGỪNG LẠI. - Xuân An – Cao Hoài Sơn

Con đường làng bằng đất trước nhà hôm nay sao lặng ngắt, có phải vì sắp xa nó để ra đi vào chốn ngàn trùng nên tôi có cái cảm giác này. Trên con đường này, bao năm qua tôi cùng đám bạn bè trong xóm đã nô đùa vui chơi với những kỷ niệm khó quên. Cái nắng buổi trưa hừng hực như bốc lửa, ngọn gió nhẹ từ con sông Lũy trước mặt mang đầy hơi ẩm của nước, cũng không xoa dịu nỗi oi bức. Hai bên bờ sông rợp bóng hàng tre già khẻ lay động, không gian như lắng đọng, tôi nghe từng hơi thở của mình. Ngày mai này tôi đi vào Phan Thiết để trình diện nhập ngũ. Lòng tôi có lưu luyến và chút bồn chồn vì không biết sau khi ra trường mình có về được quê hương này hay là trôi giạt về nơi nào đó trên mọi miền đất nước. 
<!>
Nhìn về hướng trụ sở thôn đã bị VC đốt cháy chỉ con trơ bốn bức tường gạch loang lỗ, tôi còn nhớ trong ngày Tết năm Mậu Thân, hình ảnh những người lính Nghĩa Quân đã ngã gục trên con đường làng này gần cạnh trụ sở, và vùng trời Sông Mao phía sau nhà đã cháy sáng rực với những tiếng nổ long trời vì kho đạn bị Đặc Công CS đốt cháy. Người trai trong thời loạn ly phải chấp nhận hy sinh để bảo vệ đất nước chống lại giặc thù Cộng sản, nhưng mà tôi vẫn cứ lưu luyến trong giây phút sắp chia tay…

Tôi lên đường nhập ngũ vào tháng 9 năm 1968, lúc này đường sá vào Phan Thiết còn bị VC đấp mô đoạn Cây Táo, cắt đứt con đường QL1 nên tôi phải xuống Phan Rí Cửa đi bằng ghe. Con thuyền mang tên Ánh Hồng đầy ắp người nặng nề trườn mình trên con sóng lớn chậm chạp tiến về phía trước trong bóng đêm. Gió lạnh của biển làm tôi không sao ngủ được, để quên thời gian tôi tìm các sao trời mà tôi biết tên. Con thuyền chuyển mình phát ra tiếng kẻo kẹt, tiếng máy nổ đều đều với mùi hăng hắc của dầu và khói tàu, may mà tôi không say sóng nên ngồi co ro trong chiếc áo lạnh trên ca bin nhìn ra bóng đêm. Đến khuya thì thuyền cập vào Bến Cá Cồn Chà Phan Thiết, tôi lầm lũi trên đường phố vắng đi về nhà trọ. Sáng hôm sau tôi lên Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ Đinh Công Tráng gần Sân Vận Động trình diện làm thủ tục nhập ngũ. Hàng ngày tôi cứ đi đi về về vì không có chuyến bay để đưa toán chúng tôi gồm 12 người học khóa Sĩ Quan Trường Bộ Binh Thủ Đức và vài trăm binh sĩ ra Trung Tâm II Nhập Ngũ Nha Trang để lập thủ tục đi quân trường. Vì lúc này đường từ Phan Rí Cửa ra Phan Rang cũng bị VC chận ngay xã Vĩnh Hảo nên không đi bằng xe được. Lúc này còn độc thân vui tính nên không vướng bận, một mình cứ sáng đi trưa về nhà trọ ăn cơm, mãi 10 ngày sau mới có chuyến bay. Chúng tôi được chở lên Phi trường Phan Thiết bằng xe, sau đó những chiếc Caribou chở vào tập trung tại phi trường Bình Tuy và đến 2 giờ trưa mới có một chuyến C130 đáp xuống chở hết chúng tôi ra phi trường Nha Trang. Sau đó chúng tôi được xe chở về Trung Tâm II nhập ngũ tại Thành Nha Trang. Cuộc đời quân ngũ bắt đầu từ đây và mới biết thế nào là cơm chảo của lính. Tại đây làm thủ tục để vào quân trường, toán chúng tôi được sắp xếp thụ huấn khóa 1/69 SQTB Thủ Đức.

Nhưng cũng lại chờ với đợi và đến chừng được chở vào Trung Tâm III SàiGòn thì đã trễ khóa nên chúng tôi lại phải chờ với đợi tại Trại Nguyễn Tri Phương khoảng 1 tuần để nhận lãnh quân trang quân dụng. Lần đầu tiên mặc bộ đồ lính rộng thùng thình, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười, tại đây chúng tôi cởi đồ ra đổi tại chỗ bù tiền may cho những anh lính đã sửa những bộ đồ may sẵn, hàng ngày không biết làm gì nên cùng 2 thằng bạn mới kết giao la cà các quán ăn uống vài chai bia ngắm nhìn cái vui của thiên hạ.

Và sau cùng cũng được tới Trung Tâm Huấn Luyện QuangTrung tại GòVấp để thụ huấn khóa 2/69 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Chỉ huy Trưởng Quân trường là Chuẩn tướng Lê Tài Triễn. Chúng tôi thuộc Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng, Đại đội 1, tại đây tôi gặp lại những thằng bạn học cùng lớp như Nguyễn Việt Hùng, Thành B, cũng đang học khóa 1/69 trước tôi nên thật vui mừng. Sau tết Mậu Thân, miền Nam Tổng Động Viên thanh niên nhập ngũ rất đông, khóa tôi có tới hơn ngàn người SVSQ. Tôi còn nhớ anh đại diện khóa sinh là anh Lê Xuân Soạn, một viên chức làm trong phủ Thủ Tướng và anh Quản ca Trần Văn Hóa có vóc dáng tròn mập rất vui tính, anh có biệt tài giả giọng cụ Trần Văn Hương đọc diễn văn cười muốn chết. Năm đó chúng tôi ăn Tết tại Quang Trung, anh em bạn bè rủ vào quán nhậu vài chai để chúc mừng năm mới. Cuộc đời gió bụi ba tháng quân trường giai đoạn I đã mài dũa một thư sinh trắng trẻo như tôi trở thành đen sạm vì nắng gió và thao luyện ở quân trường, chúng tôi được đào tạo thành một Tiểu đội trưởng với những bài học căn bản từ bắn các loại súng đến hành quân đội hình tiểu đội và nhảy trực thăng vận... và bài ca “Đường Ra Biên Ải” được chọn làm bài ca cho Tiểu đoàn, riêng Đại đội tôi thường hát bài “Lục Quân Hành Khúc”. Đường trường xa muôn vó câu bay chập chùng, vì ngày nào cũng ăn cá mối dưa leo nên chúng tôi đã sửa lời:

Đường trường xa, con chó nó tha con mèo
Xa nhìn... thấp thoáng trong mây
Ví dầu... cá mối chưng tương
Buổi sáng... ăn bánh mì đường
Buổi chiều... ăn cơm với tương
Muôn đời... Lục Quân Việt Nam

Một điều đáng nhớ ở đây là học chung với những Tiểu đoàn khóa sinh binh sĩ vì thế trung tâm lên tới 10 ngàn người thật đông đảo, nên có phần lộn xộn. Nhà ngủ của Đại đội trong những dãy nhà ngói dài to lớn, mỗi Đại đội có tới 250 người, xung quanh sân là những cây bã đậu râm mát và giao thông hào. Ngoài việc học tập ngoài bãi tập, khi về trại mỗi Tiểu đội được phân chia một đoạn giao thông hào để chà láng. Đây quả thực là một công việc mất nhiều thì giờ nên chúng tôi đã bỏ tiền ra lén mua xi măng, trộn với đất bùn trét con mương một lần cho thật đẹp, nhiều hôm cả Tiểu đội phải lặn hụp dưới mương tới 10 giờ đêm để trét chà láng mương. Trong 3 tháng thụ huấn ở đây tôi được anh em trong Tiểu đội bầu làm Tiểu đội trưởng vĩnh viễn và 2 lần được Sĩ quan cán bộ Đại đội chỉ định nắm Trung đội Trưởng Tuần Sự SVSQ.

Sau 3 tháng thụ huấn, đa số được đưa về Trường BB Thủ Đức để tiếp tục thụ huấn giai đoạn II, riêng hơn 100 anh em trong đó có tôi còn ở lại để lên phi trường Tân Sơn Nhứt khám sức khỏe để xin làm lính tàu bay lái Trực thăng. Sau một tuần lễ khám sức khỏe, cái gì cũng tốt nhưng về mắt thì không biết tại sao không phân biệt được vật xa với gần. Vị Thiếu tá Bác sĩ ông ta rất muốn nhận tôi nên kêu tôi cho làm xét nghiệm lại lần chót nhưng cũng không qua được. Ông ta bắt tay tôi và giải thích, mắt của em không phân biệt được độ xa gần, nếu em lái chiếc Trực thăng đáp xuống cánh rừng mà cây trước và sau rất gần em không phân biệt được, cánh quạt trực thăng sẽ chém vào thân cây gây chết người. Thôi thì em về lại Thủ Đức đi bộ binh và chúc em may mắn.

Không đi được lính tàu bay cũng có buồn đôi chút, nhưng có lẽ số phận đã an bài như thế thôi thì đành chấp nhận vậy. Nhưng mà cho tới bây giờ mắt tôi vẫn sáng như còn thanh niên, đọc sách khỏi đeo kính, trong khi mấy thằng bạn được chọn lái máy bay thằng nào cũng đeo kính, nghĩ không biết tại sao, hay là số tôi phải đi bộ binh.

Khi đoàn xe chở chúng tôi vào đến Vũ Đình Trường thì mấy vị Huynh trưởng đã đón sẵn từ lúc nào, hình như các vị có ác cảm với đám mơ lái tàu bay này hay sao đó mà dần cho chúng tôi một trận nổ đom đóm mắt. Với trang bị đầy đủ Sac marine trên vai, nón sắt nặng mấy chục ký, chạy xung quanh Vũ Đình Trường cho đến khi nào rụng lả tả như lá mùa thu mới chịu thôi và dẫn đi phân phối các Đại đội. Tôi thuộc Đại đội 31 Tiểu đoàn 3 nằm trong dãy nhà ngói, sàn lót gạch bông láng bóng sang nhất của Quân trường, đối diện với BCH Liên đoàn khóa sinh, rất gần Vũ Đình Trường, cũng vì nơi ở là ngôi nhà làm kiểu mẫu cho nên chúng tôi rất khổ sở. Phái đoàn nào tới thăm trường cũng đến đây trước nhất, vì thế giường drap phải sạch sẽ thẳng tắp, đệm giường được lồng trong một khung gỗ gọi là “giường thờ” và Sac marine cũng được cho vào khung gỗ vuông vức gọi là “tủ thờ” mỗi người chúng tôi phải có 2 đôi giày, một đôi để làm kiểng đánh xi láng bóng đến nỗi con ruồi đậu lên cũng trợt chân, một đôi để mang đi phép thì giấu kỹ. Cả hơn 6 tháng tạiđây tôi chỉ dám leo lên giường nằm ở mấy ngày cuối vì các bạn tôi đã đi Chiến Dịch cả tháng ở các địa phương gần đó. Vì được có dáng vóc cao ráo sáng sủa nên tôi được chọn vào trong toán Quốc Quân Kỳ cho Quân Trường, hàng ngày chúng tôi phải tập luyện để chờ ngày làm lễ mãn khóa khi ra trường và nếu có Lễ lộc gì trong thời gian này, toán chúng tôi đều phải đảm nhận nên được miễn đi chiến dịch. Không biết đây là hên hay xui, vì mất một dịp để đi cho biết thêm nhiều chỗ, và nghe các anh em về kể lại cũng có những vùng rất nguy hiểm, các anh phải làm công tác Chiến tranh Chính Trị tại những vùng thôn quê đầy VC, may mà tất cả trở về đều an toàn.

Chuyện quân trường khổ sở và gian truân thì ai cũng biết rồi, ngày thì đi học, đường ra bãi tập phải qua cầu Bến Nọc quen thuộc, tôi thường cầm cờ Đại đội đi hàng đầu và được 1 tuần làm Tuần Sự Đại Đội Trưởng và Trung Đội Trưởng... Tối đến bung ra gác bảo vệ vòng đai Quân trường, ít có ngày nào được nằm nhà, có một việc mà tôi nhớ mãi không bao giờ quên đó là buổi ăn đầu tiên tại quân trường này. Khi toán lính tàu bay được huynh trưởng hướng dẫn vào nhà ăn, sau khi đã ngồi vào vị trí, 2 vị huynh trưởng sau khi nói câu “Mời các anh dùng cơm” đã ăn nhanh như chuẩn bị đi ăn cướp, chúng tôi ngồi nhìn nháy mắt nhau cười, chừng 10 phút sau, 2 vị bỏ đũa xuống bàn ăn và đứng dậy hô “tất cả đứng dậy” trong khi chúng tôi chưa ăn được gì vì vừa mới bị dần ngoài Vũ Đình Trường chưa lại sức.

Hôm đó đành phải chịu đói, đến hôm sau đã có kinh nghiệm nên khi nghe huynh trưởng mời “Mời các anh dùng cơm” trong khi miệng chúng tôi đáp trả “Mời huynh trưởng dùng cơm” và ăn như gió cuốn, mây trôi không thua các huymh trưởng. May cho toán Quốc Quân Kỳ ít phải đi gác vì còn phải tập luyện cho những ngày Lễ. Sau khi lên Đại Giảng Đường tập xong thì chúng tôi kéo ra khu gia binh làm một vài chai bia với hột vịt lộn lấy lại sức. Có hôm làm biếng nằm nhà thì có các anh lính trong khu gia binh đột nhập và tận phòng bán. Uống bia lén nó đã làm sao ấy, chỉ tội cho mấy bạn đang canh gác nơi vành đai. Một kỷ niệm nữa cũng vui là bà già của tôi từ Chợ Lầu mò vào thăm tôi nhưng không phải ngày cuối tuần tại khu thăm nuôi, may mà Đại úy Tiến Đại đội trưởng khóa sinh thông cảm cho tôi 1 giờ chạy ra nói với bà già, ngày Chúa Nhật tới lên thăm vì còn đang thời kỳ huấn nhục chưa ra Sài Gòn được. Tôi phải chạy với tốc độ cao mới kịp thời gian ra cổng trường xa hơn cả km và chỉ nói được câu “Má! Chúa Nhật này lên thăm” và chạy quay trở vào lớp học cho kịp giờ. Còn chuyện phạt hít đất thì như cơm bữa, một lần cả Đại đội bị phạt dã chiến vì thấy một em bán hàng trong câu lạc bộ cỡi xe Honda té trước Đại đội trong lúc chúng tôi chuẩn bị tập hợp nên không ai chạy ra đỡ cô gái lên. Sau này trong các ngày đi phép ra Sài Gòn chơi, vì không có bạn gái nên cùng mấy chàng độc thân dạo phố Sài Gòn, con đường Nguyễn Huệ như quen thuộc, đôi khi cũng ghé thăm nhà bà con.

Chuyện được chọn vào làm trong toán Quốc Quân Kỳ cũng là cái hay vì học được cơ bản thao diễn nhiều hơn những bạn đồng khóa. Chúng tôi được Đại úy Cự một Sĩ Quan Cán bộ của Tiểu đoàn Khóa sinh, tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt hướng dẫn về cơ bản thao diễn. Để chuẩn bị cho ngày Lễ ra trường, toán chúng tôi còn được tập một điệu múa súng theo điệu nhạc của bài hát nổi tiếng Cầu Sông Kwai do ban nhạc của trường Bộ Binh trình diễn và thu vào máy thu băng để chúng tôi tập dợt hàng ngày, để trình diễn mở màn trong đêm văn nghệ cuối khóa có Chỉ Huy Trưởng trường là Thiếu tướng Lâm Quang Thơ tham dự, và có mời một số ca sĩ nổi danh ở Sài Gòn vào biểu diễn như ca sĩ Khánh Ly, và đoàn vũ công rất nổi tiếng thời đó. Với tất cả một trăm mấy chục thế múa súng, chỉ cần một trong 8 người chậm một nhịp thì sẽ gây ra tai nạn ngay. Trong đó có 2 thế rất nguy hiểm là thế 2 người trao súng cho nhau ở khoảng cách 2 m, với tư thế này cây súng Garant M1 nặng mấy ký, đầu có gắn lưỡi lê dài mạ kền sáng loáng dưới ánh đèn, mà tay lại mang găng tay trơn trợt thì lúc trao súng cho nhau là một điều khó khăn. Thế thứ hai nguy hiểm không kém là quăng súng cho đảo lộn lên trời sao cho mũi súng có gắn lưỡi lê lao xuống nằm gọn trong tay và kế tiếp phải múa súng trong điệu nhạc là một điều không dễ, vì khi quăng súng lên trần nhà tiệp màu với cây súng và ánh lưỡi lê mạ kền lóe lên dưới ánh đèn sáng, chỉ bắt được mũi súng là do dày công luyện tập. Trước đó chúng tôi được cảnh cáo nếu trong buổi trình diễn có gì sơ suất thì cho hết cả toán vào nhà đá. Trong toán 8 người có anh Nghiêm hơi lớn tuổi thành ra chậm chạp, chúng tôi rất lo cho anh làm hư chuyện. May mà đến ngày trình diễn mọi việc được suôn sẻ, và là lần đầu tiên thằng nhà quê như tôi được tham dự một buổi văn nghệ có nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn, như Khánh Ly. Sau đó Toán Quốc Quân Kỳ chúng tôi ra Nghĩa Dũng Đài để làm lễ rồi mới được về ngủ.

Sáng hôm sau đêm văn nghệ, toàn bộ hơn ngàn khóa sinh mặc đồ Đại lễ tập hợp trước khán đài Vũ Đình Trường để chuẩn bị làm lễ tốt nghiệp. Toán Quốc Quân Kỳ chúng tôi đứng đối diện với khán đài có ông Tướng Lâm Quang Thơ Chỉ Huy Trưởng trường chủ tọa và rất đông thân nhân của khóa sinh đến tham dự. Trời nắng như đổ lửa, trong bộ đồ đại lễ nóng bức mà chúng tôi chỉ được đứng trong tư thế nghiêm suốt mấy tiếng đồng hồ thì làm sao chịu nỗi, trong khi ông tướng đọc bài diễn văn tràng giang đại hải. Anh bạn Nghiêm của tôi mồ hôi dầm dề đứng kế bên đang bắt đầu thở dốc và mặt tái đi. Anh nói nhỏ, tôi sắp ngã đây, anh lại đang cầm cờ quốc gia mà ngã đổ cờ thì có nước chết. Tôi nhanh trí thò tay qua nắm giữ cây cờ đứng thẳng trong lúc anh buông tay té xuống đất. Hai anh bạn trong hàng chạy ra khiêng anh ra phía sau hàng quân, và anh dự bị trong toán chạy ra nhanh chóng thay thế, không thì đổ nợ.

Chừng ấy ông tướng mới kết thúc bài diễn văn dài vô tận. Khóa Sinh quỳ xuống tuyên thệ và khi đứng lên đã là các Tân Sĩ Quan của QL/VNCH, vị Tân Sĩ Quan thủ khoa bắn cung bốn phía để nói lên chí tang bồng hồ thỉ của nam nhi. Buổi lễ tốt nghiệp kết thúc trong buổi trời nắng nóng thật đẹp, và chúng tôi bàn giao cờ cho toán Quốc Quân Kỳ đàn em kế tiếp mà chúng tôi đã huấn luyện từ cả tháng trước đây.

Chiều hôm đó chúng tôi lên Đại Giảng Đường để nhận nhiệm sở, tôi chọn về tỉnh Bình Thuận vì đó là quê hương của tôi, cùng về với tôi có thêm 11 anh bạn nữa, đa số cũng là người Bình Thuận riêng chỉ có Chuẩn úy Trương Minh Chí là người Sài Gòn và Ch/úy Trần Thi là người Cam Ranh.

Thăm lại phố phường Sài Gòn và từ giã bà con trong một ngày, hôm sao tôi về lại Phan Thiết bằng Air Việt Nam vì đường bị cắt đứt tại Rừng Lá, Long Khánh. Mới đi mấy tháng mà tôi nhớ nhà vô cùng, tôi ước gì được gặp người thân ngay, may mà tôi chọn được về Bình Thuận khỏi phải tác chiến nơi xa. Đồng ý nơi nào cũng đánh giặc, nhưng chiến đấu nơi quê nhà, mình sẽ có lợi thế hơn vì biết rất rõ địa hình và sẽ thu thập được nhiều tin tức về địch trong bà con mình cung cấp. Nửa tháng phép trôi qua thật nhanh, tôi về nhà tại Chợ Lầu cũng không dám ngủ ở đó, tối phải đi xuống Phan Rí Cửa ngủ, và QL1 cũng còn bị cắt nơi Cây Táo nên tôi lại phải đi bằng ghe vào Tiểu Khu trình diện để nhận nhiệm sở, và người chúng tôi trình diện là Trung tá Mai Lang Luông, Tham Mưu Trưởng Tiểu khu, và Đại tá Ngô Tấn Nghĩa mới về nhậm chức Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng/Tiểu khu Bình Thuận.

Tôi và Nguyễn Lâm người Hiệp Hòa, bây giờ là xã Hồng Thái, bắt thăm trúng Liên Đội 2/10 ĐP, anh Trương Minh Chí trúng LĐ2/8 ĐP và Trần Thi trúng LĐ2/8 ĐP, anh Mạnh thì về Yếu Khu Lương Sơn. Tôi hoán đổi cho anh Thi để về LĐ 2/8 ĐP BCH đang đóng ở Yếu Khu PRC cho gần nhà, còn anh Thi về LĐ/2/10 ĐP, BCH đóng tại cầu Đại Hòa, Tuy Phong cho gần nhà anh ở Cam Ranh. Ông Trung tá Luông nhìn anh bạn Trần Thi của tôi chăm chú và nói: “Suy nghĩ chắc chưa, đã ký hoán đổi rồi thì không cho đổi nữa”. Sau này chúng tôi mới biết, con nai tơ nào mới về Tuy Phong đều cho đi thử lửa ở La Gàn, tay nào tốt số thì ở 3 tháng là phải chạy vào Đoàn Mạnh Hoạch nằm vì bệnh sốt rét. Quả như vậy Chuẩn úy Lâm và Thi ra trấn thủ đồn La Gàn sau vài tháng thì 2 anh bị sốt rét nặng, anh Thi xém chết còn anh Lâm bị thương vì quả đạn B40 của VC nên được giải ngũ. 2 năm sau, khi làm trưởng toán thực tập cho Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức đi Chiến Dịch, tôi gặp lại anh Thi đang làm Sĩ Quan Phụ tá Ban 5 CTCT cho Trung úy Lê Văn Biên tại Chi Khu Tuy Phong, tôi mới biết cuộc đời trôi nổi của anh.

Ngày về trình diện tại BCH/LĐ/2/8 ĐP tại PRC, lúc này Đại úy Võ Minh Vỵ đang nắm Liên Đội Trưởng, ông cho tôi và Trương Minh Chí về Đại Đội 730/ĐPQ đang đóng tại Hội Tâm (Duồng), đây là một Đại Đội được đồng hóa từ Biệt Kích Mỹ Lương Sơn nên thành tích chiến đấu khá cao, sau này đầu năm 1974 tôi về lại nắm Đại Đội Trưởng ĐĐ 4/229/ĐP tức là ĐĐ 730/ĐPQ này. Cả ngày nhìn ra dốc Hội Long gió cát, buồn quá, vả lại Trung úy Thanh Đại Đội Trưởng cũng không có mặt, ông giao cho Chuẩn úy Sáu XLTV, nên không giao cho chúng tôi Trung Đội nào cả, tôi mới về xin Đại úy Vỵ LĐT cho thuyên chuyển về Đại Đội 118/ĐPQ đang đóng ở Phan Lý Chàm và hoạt động vùng Chợ Lầu cho gần nhà. Thật tình mà nói lúc này tôi chưa biết chỗ nào VC hoạt động nhiều ít ra sao cả. Cũng nên nói Đại úy Võ Minh Vỵ là một Sĩ Quan Nhảy Dù nên về chỉ huy ông ta rất giỏi và người cùng quê, tôi coi anh như là một anh hai đáng kính, ông ta là con rể của thầy Hiệu Trưởng Trương Minh Huệ, trường TH/ Bán Công PRC.

Từ khi về Đại Đội 118/ĐPQ, lúc bấy giờ Trung úy Nguyễn Văn Ngư (sau lên Đại úy) làm Đại Đội Trưởng, ông ta người Chàm ở Hựu An, PLC, là một Sĩ quan dầy dạn chiến trường, rất hiền từ nên rất được lòng anh em trong đơn vị, cùng lứa với Đại úy Thông Ngộ và Đặng Phiên học trên tôi hai lớp. Sau này khi ở tù CS tại Hàm Trí anh vượt trại cùng lúc với anh Trần Hữu Thân, anh không chịu đi sang Thái Lan, chỉ muốn về Đồng Trên giả làm Thầy Chang làm ruộng, nuôi vợ con vì anh rất yêu thương vợ anh, người Việt. Đến năm 1981 vì bị tố cáo của bọn chỉ điểm anh bị bắt về nhốt tại lô cốt Công An huyện Bắc Bình (Chi Khu Hải Ninh xưa), qua lỗ châu mai anh nhìn ra tôi khi tôi đi trình diện hàng tháng tại Công an huyện nên kêu tôi. Mừng quá được gặp lại anh còn sống, trong túi tôi còn có gói thuốc và cái diêm quẹt nên tôi lén cho anh. Sau này qua nhiều khổ cực đắng cay anh cũng qua được Mỹ theo diện HO, và định cư ở Washington DC. Trung úy Ngư cho tôi nắm Trung Đội Trưởng TĐ2, có lúc thì Tr/đội Vũ khí nặng. Vùng này VC xâm nhập hàng đêm nên chúng tôi đánh nhau mệt nghỉ. Thật tình mà nói nếu muốn đánh nhau thì cứ mò lên Xuân Quang là có đồ chơi, nhưng kẹt cái VC nó cấp Tiểu Đoàn trở lên, mình thì cấp Đại Đội nên không chọi thẳng được, phải chơi bằng phục kích, đánh nhanh rút lẹ. Hơn một năm rưỡi ở đây Đại đội đã đụng không biết bao nhiêu trận lớn nhỏ, mà đa số là Trung đội tôi gặp địch nhiều nhất, lấy rất nhiều vũ khí của VC. Chiến tích lớn nhất là trận phục kích tại Mả ông Bái Gia, Hiệp Thành, diệt gọn Trung đội nữ Du kích mang tên Hồng Thái VC. Tôi được một Anh dũng Bội tinh ngôi sao đồng và một Chiến Thương Bội Tinh cho những ngày gian khổ đó.

Một hôm tôi gặp Đại úy Nguyễn Đình Thụy cùng Thiếu úy Nguyễn Cầu trên QL1 ở Chợ Lầu, ông mới về nhậm chức Liên Đội Trưởng LĐ/2/8/ĐP thế Đại úy Vỵ ra làm Chi Khu Phó CK/ Tuy Phong. Đại úy Thụy nói Liên Đội còn đang thiếu Trưởng Ban 5 (CTCT), anh thấy mày coi cũng sáng sủa ăn nói cũng được, Phòng 5/TK kêu gởi người đi học khóa Căn Bản CTCT Đà Lạt, ngày mai anh gọi về đi học. Thật tình trong bụng tôi rất mừng vì đánh nhau hoài cũng thấm mệt, nay được lên Đà Lạt nghỉ mát 3 tháng thì còn gì bằng. Tôi vừa đúng lúc lên Thiếu úy và thật tình Trung úy Ngư và anh em người Chàm trong Đại Đội 118/ĐPQ rất mến tôi, dầu gì thì Hựu An và Chợ lầu chỉ cách nhau một con đường, nên anh em coi tôi như người trong làng của họ nên rất tin tưởng, không muốn cho tôi đi, kêu tôi ở lại làm Đại Đội Phó thay thế Trung úy Mới về làm Ban 3 Chi Khu Tuy Phong, nhưng Đà Lạt mộng mơ lôi cuốn quá và dịp may ngàn vàng đến với tôi nên tôi cương quyết ra đi.

Sau 3 tháng thụ huấn tôi về trình diện BCH/ Liên Đội/2/8/ĐP đóng tại Yếu Khu Phan Rí Cửa và được bổ nhiệm làm Trưởng Ban 5 LĐ2/8/ĐP. Đại úy Nguyễn Đình Thụy là một người hiền lành, dễ dãi, ông ta rất tin tưởng tôi vì ông đã biết tôi có thành tích chiến đấu khi ở Đại đội 118/ĐPQ nên ông ta chỉ định tôi kiêm nhiệm chức Phân Chi Khu Trưởng PRC, trực tiếp nắm 7 Trung Đội Nghĩa Quân và lực lượng NDTV ở đây. Cho đến đầu năm 1972 vì tình hình chiến sự trên cả nước bước vào một thế trận mới nên phải tổ chức lại các Liên Đội ĐPQ cho phù hợp, LĐ/2/8/ĐP được cải biên thành Tiểu Đoàn 229/ĐP và Đại úy Nguyễn Hữu Tiến (lên Thiếu tá năm 1973) về làm Tiểu Đoàn Trưởng thay Đại úy Nguyễn Đình Thụy về làm Thanh Tra Tiểu Khu.

Lại một khúc quanh trong đời binh nghiệp đến với tôi, ngay ngày đầu Đại úy Tiến nhậm chức TĐT/229/ĐP thì Đại úy Mai Vi Thành TĐT/202/ĐP ghé lại BCH/TĐ mang theo Chuẩn úy Chúc, vừa học xong khóa Căn bản CTCT Đà Lạt về đem gởi cho Thiếu tá Tiến cho làm Trưởng Ban 5/ TĐ, thật là khó xử cho ông ta, nên Đại úy Tiến kêu tôi lại đề nghị: “Anh thấy mày có năng khiếu đánh đấm, lại đang nắm Liên Đội Trưởng Nghĩa Quân, thôi thì mày nhường cho thằng Chúc nó làm Trưởng Ban 5 còn mày lên nắm Đại Đội Trưởng ĐĐ/Chỉ Huy Yểm Trợ TĐ”. Tôi mới hỏi lại chứ còn Đại úy Minh giữ chức vụ gì? Thôi thì tôi làm Đại Đội Phó cho ông Minh cũng được, tôi hứa là sẽ thế ổng điều hành tốt ĐĐ/CHYT. Đại úy Tiến vui vẻ đồng ý, vả lại tôi cũng đang chán cho cái chức Trưởng ban 5 không có việc gì làm và thật sự không có lính trong tay.

Năm 1972 Cộng sản BV và tay sai MTGPMN tiến hành đánh phá ác liệt khắp mọi nơi, trước tình hình này Đại úy TĐT Nguyễn Hữu Tiến bổ nhiệm tôi làm Đại Đội Trưởng ĐĐ/ Nghĩa Quân PRC trấn đóng Lâm Lộc bảo vệ sườn phía tây cho Yếu Khu PRC. Hàng đêm tôi cho quân rải mìn Claymore tự động khắp các con đường nghi ngờ địch có thể xâm nhập. VC không dám mò về Lâm Lộc trong mấy tháng liền, trong một lần cố gắng mò về gặp Trung đội Nghĩa Quân giao tranh trong xóm, địch tháo chạy và làm 1 Nghĩa quân bị thương. Sau đó Tiểu đoàn di chuyển lên Sông Mao, đóng tại căn cứ cũ của Trung Đoàn 44/SĐ23/BB đã di chuyển lên cao nguyên Trung phần, và làm lực lượng trừ bị cho Tiểu khu trách nhiệm quét sạch vùng Bá Ghe, Đồng Trên, căn cứ địa của VC. Tôi được bổ nhiệm làm Sĩ Quan Hành Quân Tiểu Đoàn (Trưởng Ban 3).

Hàng năm Tiểu đoàn tăng phái vào nam Bình Thuận bảo vệ vùng Tân An, Tân Điền có lúc tại Bình An. Tại đây Tiểu đoàn đã nhiều lần đụng độ với địch tại Tân Điền, giết chết VC vô số, khi rút đi vội vã chúng đã chôn mười mấy xác đồng bọn trong một gò hoang giữa ruộng. Trận đánh tiêu biểu của Tiểu đoàn 229/ĐP là trận đánh vào đồn Tân Nông vào ngày 28/3/1973 Hiệp định Ba Lê. Cộng Quân đã vi phạm HĐ xua quân chiếm cứ đồn Tân Nông, một đồn cũ có từ thời Pháp và được Mỹ tu bổ lại, nằm cách Tân Điền về hướng núi khoảng 2km, bên ta bỏ hoang vì không đủ quân trấn giữ. Trận này TĐ đã toàn thắng, tịch thu vô số vũ khí của VC trong đó có 2 khẩu cối 82 ly và 2 khẩu 57 ly không giật. Sau đó tôi được bổ nhiệm làm Đại Đội Trưởng Đại đội 4, TĐ229/ĐP vào đầu năm 1974 cho đến ngày tàn cuộc. Trong thời gian này Cộng quân nhiều lần phục hận, chúng tổ chức tấn công vào Đại Đội khi đóng quân tại Bình An trên tỉnh lộ 8 Phan Thiết Ma Lâm nhưng chúng chỉ nhận lãnh thất bại, Đại đội có một Hạ sĩ xạ thủ đại liên M60 bị thiệt mạng vì Bích kích pháo 82 ly của địch, trong khi địch bị tổn thất nặng nề.

Cuộc đời lính chiến cứ nay đây mai đó, có lúc đóng quân vùng Cây Táo, hàng ngày nhìn ra con đường sắt bị VC cho trâu kéo nằm cong queo bên cánh rừng vắng ngắt bóng người, nhìn xe cộ ngược xuôi trên Quốc lộ 1 làm niềm vui, nhưng VC cũng không tha, chúng đánh phá liên tục. Có những lúc đóng quân trên đỉnh Tà Mô heo hút, một mình ngắm núi rừng Trường Sơn cô tịch. Những lúc đóng quân dọc con mương nước gần đập Cà Giây, giữa trưa hè oi bức của nắng hạ Sông Mao. Có những lúc tôi có một ước mơ là thời gian ơi! hãy ngừng lại để cho tôi được sống những ngày bình yên.

Tháng 4/1975, Tiểu đoàn 229/ĐP đang bảo vệ đồng bào Quảng Ngãi di cư vào xã Nghĩa Thuận bên đập Đồng Mới thì được lệnh di chuyển vào bảo vệ cho Nam Bình Thuận vì lúc này CSBV đang trên đường tiến quân vào Nam. Cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc, trong lúc Tiểu đoàn đã lui binh vào Phước Tuy Vũng Tàu. Đến lúc này niềm ước mơ duy nhất của tôi là thời gian ơi! Mi hãy dừng lại để cho quân thù đừng xâm hại quê hương. Cuộc đời người lính chiến VNCH được định mệnh an bài, sau bao khổ lụy trong lao tù Cộng sản mới được thoát kiếp làm người. Giờ đây được sống trong bầu trời tự do, chúng tôi càng trân quý những hy sinh cao cả của những người Chiến sĩ VNCH đã đổ ra để bảo vệ cho quê hương, cho tự do. Bao giờ quê hương cũng đẹp trong trái tim người lính trận năm xưa. Mặc dù nay đã già nua vì tuổi đời chồng chất, nhưng đêm đêm vẫn thao thức nhớ về quê hương mình vì nó vẫn còn đang rên xiết dưới bạo quyền CộngSản.

Xuân An – Cao Hoài Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét