- An! An! -Tiếng gọi vừa dứt, một bàn tay nắm chặt cánh tay tôi lôi tôi đi. Tôi mở to mắt nhìn người đàn bà này. Tôi càng nhìn vẻ mặt hốt hoảng của mợ Du tôi càng hồi hộp và nóng lòng chờ một câu nói của mợ ta. Đến đầu phố mợ mới dừng lại, ghé miệng vào tai tôi: - Thằng em Dũng đâu hở con? Con đi tìm nó cho mợ. Con bảo nhỏ thằng em Dũng chứ! Nếu nó ở trong nhà thì con chờ nó ra ngoài đường rồi hãy gọi. Đoạn mợ ta đẩy mạnh tôi:- Mau lên con! Mợ đứng chờ con và em Dũng ở bên đường ông Hào đấy! Mợ Du! Mợ Du! Một người đàn bà mà hiện giờ tôi còn nhớ từng nét mặt, tiếng nói.
Mợ có một gương mặt trắng mát, gò má hơi cao, mắt có quầng thâm và lúc nào cũng ướt át, lờ đờ. Tiếng nói của mợ nhẹ và ấm. Mợ đã là người bạn buôn bán thân nhất của mẹ tôi. Nhưng từ ngày mợ bỏ cậu Du, tôi ít thấy mẹ tôi chuyện trò với mợ, cho đến ngày nghe đâu mợ vào Vinh cùng với một người thợ may tây rồi đẻ con với người ấy.
Mợ Du bỏ chồng! Mợ Du phải bỏ chồng vì bị mẹ chồng và em chồng bắt được quả tang tình tự với anh thợ may trai trẻ, có duyên, làm cho nhà mợ! Tôi đã không hiểu tại sao mợ Du đã có con lớn lại bậy bạ như thế. Và, như những người lớn, tôi đã ghét và khinh mợ mỗi khi nghe nhắc đến mợ với cái tội không thể tha thứ ấy. Nhưng sau một đêm kia, đối với mợ Du tôi bỗng đổi ra thành lòng thương và mến. Rồi từ đêm ấy trở đi, tôi căm tức vô cùng trước những kẻ bêu riếu mợ hay ra vẻ ghê tởm thằng Dũng con mợ.Đêm ấy là một đêm trăng và tôi không nhớ về tháng tám hay tháng chín, chỉ nhớ là một đêm trăng sáng lắm. Mợ Du cũng bỗng nhiên hiện ra trước mặt tôi và nắm chắc cánh tay tôi:
- An! An! Con giúp mợ việc này rồi mợ cho một xu nhé.
Tôi chau mày lại nhìn người đàn bà đã vắng mặt ở phố tôi và không biết đi đâu đã sáu bảy tháng nay:
- Tôi chịu thôi! Mợ nhờ đứa nào thì nhờ.
Mợ Du giọng ngọt ngào van lơn:
- Con chịu khó một chút mà! Chóng ngoan! Đây mợ cho con hai hào đây.
Đồng hào đôi sáng loáng dúi vào tay tôi có ngay một hiệu lực rất mạnh. Tôi không còn thấy khó chịu vì sự nhờ vả của mợ, và tôi như không còn nghĩ đến cái tai tiếng không ra gì của mợ khiến mợ trở nên một người chịu đựng sự khinh bỉ và nguyền rủa của cả các gia đình. Tôi vẫn làm ra bộ khó khăn, nhìn mợ bằng cặp mắt do dự. Mợ Du liền kéo tôi vào một hàng hiên.
Mợ nói nhỏ, giọng càng run run:- Con vào nhà rủ thằng em Dũng ra đường chơi với mợ. Con đừng cho ai biết! Và con rủ nó sang gốc ổi vườn ông Hào đằng đầu phố ấy.
Tuy nhỏ tuổi, nhưng chỉ nghe mợ Du nói ngần ấy câu, tôi nhận thấy ngay tại sao có sự gặp mặt vụng trộm giữa hai mẹ con này, và tôi cảm thấy rõ ràng sự lo lắng và đau khổ của một người đàn bà bị đuổi ra khỏi cửa một gia đình nay lẩn lút trở về để được thăm nom con giây phút.
- Ừ, con, - tôi đổi tiếng xưng hô - con đi gọi thằng Dũng cho mợ, nhưng nhỡ nó đương đọc sách cho cậu nó nghe trong khi cậu nó hút thuốc phiện thì sao?Mợ Du chớp chớp mắt rồi lờ đờ nhìn về một cửa hàng đã đóng cửa. Trong bóng tối giữa hàng hiên, cặp mắt mợ Du bỗng long lanh như hai viên ngọc:
- Thì con chịu khó ngồi bên nó rồi thừa cơ bấm nó rồi bảo nhỏ nó ra ngoài.
Tôi liền gật đầu, chạy vút đi.
May quá, tôi vừa tới cửa nhà cậu Du thì thằng Dũng ở trong nhà đâm bổ ra gọi hàng mía. Nó không để tôi nói thêm với nó một nhời, chạy theo tôi ngay và luôn luôn bắt tôi đưa xem đồng hào đôi mới.
Chúng tôi vừa mới đến cổng vườn nhà ông Hào, mợ Du ở một bụi râm bụt lao sầm ra, ôm chặt lấy thằng Dũng vừa nức nở kêu tên Dũng:
- Dũng! Dũng! Dũng con ơi!
Mợ bế xốc Dũng lên, đẩy cánh cổng chạy vào trong cùng vườn. Tôi theo vào. Mợ Du đặt Dũng xuống đất, mợ quỳ hẳn đầu gối, hai tay choàng lấy người Dũng. Vẫn cái giọng nghẹn ngào ấy:
- Dũng! Dũng! Dũng có nhớ mợ không! Bà có đánh Dũng không? Cậu có bênh Dũng không? Dũng có nhớ mợ không? Có thương mợ không?
Dũng không đáp, ngả đầu vào vai mẹ mếu máo:
- Hự! Hự... mợ về nhà với con cơ...
Mợ Du hôn hít vào má, vào trán, vào cằm Dũng rồi khóc nức nở:
- Giời ơi! Giời ơi! Mợ chết mất! Dũng ơi! Dũng ơi!
Ánh trăng vằng vặc đã gội tràn trề xuống hai gương mặt đầm đìa nước mắt áp lên nhau và hai mái tóc ngắn dài trộn lẫn với nhau. Hương hoa cau và hoa lý sáng và ấm đã xao xuyến lên bởi những tiếng khóc dồn dập vỡ lở ở một góc vườn, rì rì tiếng dế. Tôi dần thấy nghẹn ở cổ. Tôi phải bưng lấy mặt và quay đi chỗ khác: "Mợ ơi! Mợ ơi!"
Đằng kia Dũng cũng: "Mợ ơi! Mợ ơi!"
Tiếng khóc của Dũng và cả chính tiếng khóc của tôi càng xé lòng tôi ra.
Chợt mợ Du đứng vùng lên, hất mạnh mớ tóc xõa ra đằng sau.
Thoáng cái, mắt mợ quắc lên sáng ngời và gương mặt trắng mát của mợ tái hẳn đi. Mợ cắn chặt môi dưới, lắc mạnh đầu luôn mấy cái. Ánh trăng càng chảy cuồn cuộn trong những đợt tóc đen ánh trở nên hung dài chấm gót của mợ Dũng.Mắt người mẹ khốn nạn, mắt đứa con đày đọa và mắt tôi đắm vào nhau không biết trong bao nhiêu phút, yên lặng và tê mê...
Một lúc sau, mợ Dũng dắt Dũng ra ngoài vườn. Tôi chực chạy ra hè trước, mợ vội chạy theo, kéo tôi lại. Mợ, một tay nắm tay Dũng, một tay xoa đầu tôi, giọng khàn khàn và vẫn nghẹn ngào:
- An và em Dũng về nhà nhé. Mấy hôm nữa mợ lại về. Mợ đã dặn ông Hào rồi đấy, An và Dũng muốn thức ăn gì thì ăn.
Nói đoạn, mợ cúi xuống lại hôn hít vào trán, vào má vào cổ, vào gáy Dũng. Toàn thân tôi lại rung chuyển trước sự quyến luyến này. Nhìn sự chia lìa đau xót của hai mẹ con Dũng, tôi đã có cảm tưởng chính tôi là Dũng và tôi đã có ý muốn ôm ghì lấy mợ Du, ôm ghì mãi mãi, ôm ghì lấy rồi dù bị chết cũng cam tâm...
Từ đấy trở đi, mỗi lần mợ Du ở Vinh về là tôi đi gọi Dũng. Tôi không còn nhớ rõ là tôi đã gọi Dũng tất cả bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng trong một thời gian khá dài - hơn ba năm - lần nào sự gặp gỡ của hai mẹ con Dũng cũng làm tôi sung sướng, và lần nào sự chia lìa của mẹ con Dũng cũng thấm cả nước mắt tôi và làm tôi bùi ngùi trong sự thương tiếc mênh mông như cái bàng bạc của đêm thu đầy trăng.
...Bẵng đi 17, 18 năm tôi không một lần nào gặp Dũng và người mẹ của Dũng đã một thời kỳ từng tai tiếng. Dũng, tôi gần quên hẳn. Vả lại, dẫu chúng tôi có gặp mặt nhau, tôi cũng khó nhận ra Dũng sau bao năm đằng đẵng có thể là một nửa đời người non yếu này. Nhưng, tôi đã được gặp mợ Du. Thì đó lại là lần cuối cùng, cuối cùng của cả một đời tắt mãi mãi và cuối cùng của những dòng chữ viết về một người.
Ấn tượng của cái kỷ niệm này không bát ngát bàng bạc như xưa kia nó hằn với tâm hồn tôi trong cái đêm trăng sáng, hương hoa cau, hoa lý ngát không khí. Trưa hôm ấy nắng, ánh nắng vàng rực, các vật ngoài trời đều chói lòa trong những tiếng rào rào của ánh sáng bị gió thổi cuồn cuộn như sóng.Sau đấy, nhất là giờ đây, bất cứ một hình sắc gì của mợ Du trong cái cảnh buổi ấy đều ngùn ngụt trước mặt tôi qua một thứ lửa tê tái tỏa ra cả ở trong da thịt tôi.
Lúc đó vào khoảng hai giờ, hầu hết những người đi làm đã đến sở mình. Ngoài phố, những ngã ba, ngã tư, sự ồn ào trào lên chỉ ở từng khu và cảnh tấp nập không lầm lụi, rối loạn như trưa nay. Nắng trong dần đi. Sắc xanh pha-lê trên cao bao la thêm. Nhưng cảnh xuân ở thành thị vẫn không rõ rệt tươi tốt bằng ở nhà quê với những cánh đồng lúa, những đình chùa,những con đường đất nổi lên nhịp nhàng dưới vùng trời khoáng đãng và, với tiếng cười nói, hỏi gọi của người ta cứ vang vang trong gió. Đây vẻ xuân ăn chơi, vui quên chỉ còn sót lại ở mấy phố ta trong những nhà cửa vôi mới quét lại hớn hở lên vì nắng, trong mấy hiệu tạp hóa và trong những đám súc sắc, xóc đĩa (1) đương họp lén lút với những đám trẻ con bẩn thỉu mà tôi, thằng bé An xưa kia, hễ có tiền là sống chết cũng sục vào.Tôi đương viết tập cho một đứa cháu thì thấy có tiếng súc sắc, và đứa cháu tôi không nhìn trộm ra ngoài nữa mà chạy hẳn ra. Bà ở chung nhà với tôi, đi vào, lắc đầu:
- Thế mà chết rồi!...
Trước nét mặt nhăn nhó chỉ có vẻ buồn cười của bà ta, tôi bật lên hỏi:
- Thưa bà ai thế? Sao thế?
Bà ta càng làm ra bộ ảo não:
- Cái người mới đến ở nhờ bà cụ Ký bên kia, bán quà ở gần rạp hát và đầu ngõ ấy mà.
Tôi vẫn không thể nhớ ra là ai. Thấy tôi băn khoăn, bà ta vừa gắt vừa cười:
- Cái người một hôm cậu bảo tôi gọi lại mua chuối ấy. Tôi gọi ba bốn lượt, nhưng chị ta cứ đi lùi lũi làm cậu tức mình, đến tối chị ta rao bán, cậu không mua mà cho các cháu đi mua hàng khác.
Tôi "à" lên một tiếng, gật gật đầu. Bà nọ cho thế là đã thỏa cái công việc tò mò của mình và làm trọn cái sự cổ động lòng thương xót một kẻ xấu số rồi, lại ngồi xuống vừa chẻ củi chan chát vừa quát tháo chỉ bảo người nhà. Xong hai trang viết tập cho đứa cháu, tôi giở sách ra đọc tiếp. Một dòng, hai dòng... năm dòng, mười dòng... rồi hết một trang, sang trang bên. Những chữ in nhỏ ấy trước còn từ từ đi vào tâm trí tôi, hơi chập chờn, lộn xộn với những nghĩa không đằm thắm mấy. Sau, tôi càng trấn tĩnh bao nhiêu, chú hết cảm tưởng vào những hình ảnh, những tình tứ trong truyện, thì chỉ thấy đầu óc càng bừng bừng. Tất cả những cái tôi đọc để nghiền ngẫm chỉ là một sự rối loạn khô khan. Tôi đành phải để sách xuống, mắt lim dim, chân tay duỗi mềm mại, mặc bất cứ cái gì đến trong tâm trí. Nhưng câu nói trên của bà cùng nhà với tôi bỗng trở lại bên tai tôi rành mạch từng tiếng. Theo liền những tiếng thì thầm này, một dáng người co ro, những mảng quần áo vá víu và một mẹt quà lèo tèo hiện ra, mờ mờ, lành lạnh. Tôi thấy lòng nao nao và sau thì khó chịu vì sự vơ vẩn này. Tôi cau mày, định cầm sách lên đọc nốt để còn làm mấy việc khác.
Một người ở nhờ ở vả, chết đột nhiên và cô độc không ai thân thích ma chay,một người khốn nạn như thế nhan nhản ra muốn xem lúc nào chả có. Đằng sau nhà tôi, trong những xóm nhà lá của những đám người tha phương cầu thực kia, (3) thường thường lại nổi lên những tiếng khóc lóc, rên rỉ về sự chết chóc, mà người chết tuy không một thân một mình nhưng cũng chỉ được đến cỗ ván mỏng, bát cơm, quả trứng, vài thẻ nhang, và bốn người khiêng đi vùn vụt như chạy trốn, họ chuyên sống với cái nghề này và uống rượu...
Tôi đã nghĩ như thế. Tâm trí tôi dần trở nên sáng sủa, tỉnh táo. Đọc hết cuốn sách, tôi ra đi thong thả ngoài sân, khoan khoái lâng lâng.
Bọn người chuyện trò vang vang, ra vào nhà có người đàn bà chết đã ngớt. Bà cụ chủ nhà mượn được cái mành bèn che chắn ngay lấy chỗ người chết nằm. Trời vẫn nắng to. Sau bức mành lọc nhẹ đi, làn ánh sáng vàng rực, cái chõng và thi hài chăm chú trông lại rõ hơn. Tôi thấy cả những đợt khói lừ lừ tản ra trên đầu người chết và những đốm lửa nhang rung rung khi gió nổi lên thổi tan tác những mảnh nắng ở ngoài trời và loạn xạ những cát bụi trong cái khoảng màu che cho người chết. Không tiếng kèn tỉ tê, không tiếng khóc kể lể rên rỉ, không nồng mùi bồ kết đốt với mùn cưa, cái tử khí đây kia thăm thẳm, chứa đầy những độc ác, như của một nơi mà các người chung quanh không còn ai sống...
Bất giác, tôi sang sân vào nhà bà cụ. Thoạt thấy tôi, bà cụ, và mấy người đàn bà sang hỏi thăm, ra đón:
- Cậu sang chơi. Đấy! Cậu xem có khổ không, nhà chị ta đã sắp thúng định đi chợ mua thêm hàng, nhưng ra khỏi cửa lại về nằm lịm đi một lúc thế mà đã chết rồi. Tôi chẳng là họ hàng gì mà phải làm ma đấy. Các bà ấy cứ trách tôi dễ dãi quá, nhưng thôi, mình cứ ăn ở cho hết cái tình cái nghĩa đối với những kẻ bơ vơ, khốn khổ còn thì mặc giời kiêng cho.
Thấy tôi chăm chú nghe, bà lại kể lể tiếp, giọng rất trơn tru, nào người đàn bà nọ nói không có chồng con gì cả, nào đi buôn bán mãi Vàng Danh, Cẩm Phả về ốm yếu quá định về đây lần hồi, nào bà cụ thương tình cho ở nhờ hẳn một nửa gian, giường chiếu, bát đĩa của bà cụ tha hồ dùng, nào bao người năn nỉ thuê nhà bà cụ không được vì các con cái bà cụ đi làm xa, bà cụ chỉ cần có người sạch sẽ chịu khó và hiền lành bầu bạn với cụ và các cháu bé của cụ cho vui thôi.
Bà cụ sai cháu rải chiếu cạp điều (3) ra trường kỷ và rót nước thân mời tôi. Chè hột có gừng, ủ trong bình, tuy còn nóng sôi nhưng tôi vẫn thấy lờ lợ. Tôi chỉ nhấp qua rồi sau một lúc yên lặng, đứng dậy đến chỗ người chết nằm. Bà cụ lại bỏ khách đi theo tôi. Khi chúng tôi đứng sát cái chõng, bà cụ trỏ vào người chết:- Chị ta chỉ có mấy cái quần áo mặc theo đi ấy là lành lặn thôi, còn mấy cái kia rách mướp mườn mượp tôi còn để đấy mà cũng chẳng ai muốn lấy cả. Một bà trong ngõ phải mua lại cái chăn của phu xe gán ngoài hàng cơm để liệm với cái chiếu của tôi. Sáng mai một bà cho cỗ ván nữa là xong.
Để chứng thực sự ngay thẳng và lòng ăn ở khác thường của mình, bà cụ kéo ở xó cửa đằng kia ra một cái thúng. Bà cụ lật vỉ buồm lên, chìa ra trước mặt tôi từng cái xống áo cũ rách một. Chợt bà kêu lên, qua gọi đứa cháu gái lớn:
- Khổ quá mày ơi! Những thứ chuối chăn, kẹo bỏng kia mày còn để đây làm gì! Cho người ta không lấy thì vứt đi chứ!
Cả tôi cũng phải cau mày lại trước những quả chuối đã đen nhũn, lấm tấm những lỗ ngó ngoáy và những kẹo vừng, bỏng bắp ướt át, kiến bâu chi chít. Những đồ hàng cuối cùng của người đàn bà! Nếu y bán rẻ đi thế nào chả hết. Nhưng đời nào y chịu lỗ vào cái vốn nghèo ngặt sống còn của mình. Chẳng phải y, bất kỳ người đầu đường cuối chợ buôn thúng bán bưng nào cũng thế hết, trong sự làm ăn bát cơm đổi bằng bát mồ hôi của mình. Và đến phút hấp hối, người đàn bà nọ vẫn không thể tin được mình chết ở cái buổi sáng tưng bừng hôm ấy, phố xá tấp nập, đâu đâu cũng ồn ào đầy những hình ảnh của sự cố gắng, mải miết để được sống, ai mà không bíu lấy sự tin tưởng tốt đẹp?!
Những người trong xóm đi chợ đã lác đác về. Họ đi từng tốp, chuyện ríu rít, rủ nhau tối nay tắm rửa sạch sẽ để đi lễ đền, lễ chùa. Xuyên qua bọn họ, những người gánh nước làm nhớp nháp thêm cái lối vào xóm chật hẹp, mấp mô tách ra hàng mười ngõ. Bên trong ở những vườn rau diếp, rau cải, sà lách, và những vườn trồng hoa bán trên phố tây, những thùng tưới cứ rào rào đưa trên những luống đất nhỏ tơi, kín sắc xanh mượt và những sắc hồng tím, vàng, nhung, trắng, tươi mọng... Nắng và gió tỏa ra lênh láng, ánh sáng trong suốt reo lên trên những cây cỏ nẩy nở như thổi.Đứng ở trong này, tôi đã thấy lòng run run. Tôi nghĩ đến cái giây vừa thở hắt ra, vừa quằn quại của một con người cách tôi không đầy chục thước mà tôi và cả mọi kẻ chung quanh đều không hay biết. Tâm trí tôi lắng sâu hơn nữa. Tôi nghĩ đến cả cái kiếp người kia chắc chỉ toàn những sự đày đọa, cái kiếp làm thân đàn bà không chồng con, không thân thích, đâu có kẻ thân mến là quê hương, gia đình mình, và tất cả sự no ấm chỉ trông cậy vào sức mình, sự chịu khó của mình.
Tôi hồi hộp nhắc cái vuông khăn tay dòng dọc đỏ phủ mặt người đàn bà lên. Tôi lặng đi, tê tái nhìn cái bộ xương hốc hác, gồ ghề, xám xịt. Thay cho gối, tóc y cuốn thành một mớ đầy, vẫn còn đen nhánh, giá cắt đi làm một cái đuôi gà thì phải dài, óng ả lắm.
- Cậu này! Cậu xem cái giấy gì và hình gì thế này?
- Vâng! Vâng!
Tôi phải quay lại với bà cụ. Tôi vội vàng đón lấy mấy tờ giấy đã nhầu nát, nhòe nhoẹt và tấm hình nhỏ tí bà cụ đưa cho. Không!... Không!... không phải là những miếng giấy vứt đi, mà là bốn bức thư.Bức, chữ viết ngòng ngoèo, bức đã thẳng dòng, bức đã có những câu chấm gẫy gọn và những dấu chấm than và bức, chữ lại nguệch ngoạc, nhưng rắn rỏi và lời lẽ gay gắt như trong một bài báo tranh biện. Tất cả, dưới đều ký tên Dũng, từ những nét ngây ngô trở nên những nét sắc trơn. Tôi đã suýt kêu lên nhưng cổ họng nghẹn hẳn. Tôi giơ hẳn tấm hình ra ngoài cửa xem.Tấm ảnh chụp hai mẹ con kia rõ ràng là mợ Du và thằng Dũng. Người mẹ ấy đôi mắt vẫn sáng, và cái sống mũi dọc dừa, cái cằm thon trong gương mặt vẫn đầy tươi trẻ, tinh anh. Còn thằng nhỏ thì bế nâng lên trước mặt người mẹ, một tay y bịt lấy rốn nó, mặt hơi cúi xuống với nó nhưng mắt vẫn ngước lên như trỏ cái sự vật đằng trước, cặp mắt bỡ ngỡ của nó cho nó cười thêm. Dưới tấm ảnh mà tôi không thể nào lầm lẫn được ấy lại còn có thêm dòng chữ này:
- Kỷ niệm ngày con Dũng của mợ lên hai nhưng mới được tám tháng.
Và ở một góc có hai dòng chữ nhỏ như kim:
- Dũng ơi! Con của mẹ ơi! Biết đến bao giờ mẹ mới được gặp con?!
° ° °
Mợ Du đã chết rồi?! Người mẹ khốn nạn kia bị người chồng sau tình phụ, hay vì y chết, mợ sa sút và cho mình đã phạm một trọng tội, mợ đành sống lén lút, để khỏi dây dính đến Dũng? Hay mợ đã tìm đến Dũng nhưng không được nhìn nhận? Hay Dũng chết rồi? Hay những giấy má, hình ảnh kia chỉ là của người đàn bà chết bắt được?!
Tôi đã nhiều lúc tự hỏi nhưng chỉ thấy thêm rằng chắc chắn mợ Du đã chết và những cảm tưởng về mợ chỉ càng thấm thía, tê tái trong tâm hồn tôi, thằng bé An xưa kia không còn những dòng nước mắt tràn trề để khóc nữa.
Nguyên Hồng
1) Súc sắc, xóc đĩa: hai hình thức cờ bạc, đỏ đen (súc sắc: gieo những quân súc sắc bằng xương. Xóc đĩa: úp bát xuống đĩa xóc những đồng tiền hai mặt sấp ngửa.
2) Chiếu cạp điều: chiếu cạp vải đỏ chung quanh - chiếu sang, quý.
3) Tha phương cầu thực: kiếm ăn nơi đất khách quê người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét