Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

LINH-MỤC NGUYỄN KIM BÍNH - LÊ XUÂN NHUẬN (ViệtVănMới)


Có người ngạc-nhiên tại sao tôi lại bố-trí vào các chức-vụ chỉ-huy dưới quyền của tôi một số sĩ-quan lúc đầu tưởng chỉ bình-thường chứ không hơn gì số khác mà đáng lẽ theo thường-tình thì tôi đã phải chiếu-cố nhiều hơn, nhất là khi tôi trọng-dụng Đại-Úy Nguyễn Công Văn.Nhiều người vốn có ác-cảm với Văn, vì anh khắt-khe với các thuộc-viên của mình và hay chỉ-trích công-tác của nhiều Tỉnh và Quận trong Vùng; nhưng tôi biết rõ lý-do thầm-kín là vì anh hay nói-năng động-chạm đến phía Đạo Phật trong lúc anh là tín-đồ của Đạo Kitô.
<!>
Tôi thì không hề phân-biệt tín-ngưỡng, vả lại nhìn thấy ở anh có những ưu-điểm: tuy đã lớn tuổi mà còn làm việc hăng-say, hiểu-biết sâu-sắc các sáng-kiến mà tôi đề ra, tận-tụy thực-hiện các kế-hoạch công-tác đặc-biệt, theo chiều-hướng mới, đúng ý của tôi.

Văn gốc Quảng-Bình, cùng quê với cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, cư-ngụ trong khu Thanh-Bồ Đức-Lợi, vùng đất hầu như dành riêng, nếu không nói là “tự-trị”, của các đồng-bào Kitô-Giáo ở Đà-Nẵng, là nơi đã từng xảy ra một cuộc xô-xát đẫm máu giữa một số tín-đồ quá-khích thuộc hai đạo khác nhau, mà qua nhiều năm ấn-tượng vẫn còn chưa phai.

Buổi tối hôm đó, tôi vào thăm bạn Trần Xuân Tự, Thiếu-Tá Trung-Tâm-Trưởng Trung-Tâm Huấn-Luyện Cảnh-Sát Sơ-Cấp Vùng I, thuê nhà ở trong vùng này. Anh than với tôi là bị láng-giềng gây sự khi anh gõ mõ tụng kinh. Khi xe tôi ra đến cổng, Nhân-Dân Tự-Vệ chận hỏi, đòi ghi tên-tuổi để trình lên “Cha”. Tôi gọi Văn đến can-thiệp. Nguyễn Công Văn đến ngay, liền nạt đám kia:
– Tụi bay vô-lễ với cả “ông-nội” của tụi bay à?

Tôi chưa kịp cười thì anh đã tiếp:
– Tao là “cha” của tụi bay, mà ông này thì là “cha” của tao, tức là “ông nội” của tụi bay đó!”

Tôi vẫn mong có một cơ-hội nào đặc-biệt cho viên Phó Sở Tác-Vụ [Biệt-Tác & Điệp-Vụ] này trổ tài, nói đúng hơn là đảm-trách và hoàn-thành một công-tác bất-thường nào đó, mà phần quan-trọng nhất, cũng là phần khó-khăn nhất, thì tôi phải cần đến anh, vì chỉ có một mình anh, mới thực-hiện xong.

Và cơ-hội ấy đã đến.

Việc bổ-nhiệm Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ và Trung-Tá Hoàng Thế Khanh làm Tỉnh-Trưởng & Thị-Trưởng và Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Sát Quốc-Gia Tỉnh Thừa-Thiên & Thị-Xã Huế, theo như đề-nghị của tôi, đáng lẽ đã thỏa-mãn được ước-vọng trước mắt của Linh-Mục Nguyễn Kim Bính, giúp ông “hòa dịu” lại với Chính-Quyền địa-phương.

Nhưng, ngược lại, có sẵn công-quyền và công-lực trong tay con chiên của mình, Linh-Mục Nguyễn Kim Bính─người được xem như trái tim và linh-hồn của nhóm Kitô-Giáo cực-đoan Miền Trung─lại thấy đó là cơ-hội để không còn sợ sẽ bị đàn-áp trong các cuộc xuống đường. Ông liền mạnh-dạn tiếp tay với Linh-Mục Trần Hữu Thanh, hoạch-định chương-trình hành-động tiếp theo, dự-định rộng-lớn và đồng-thời─một loạt biểu-tình tuần-hành khắp các Tỉnh+Thị có “Giáo-Dân Tranh-Đấu” trên toàn cõi Việt-Nam Cộng-Hòa.

Khi đã biết chắc quyết-tâm của “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” ─sắp-sửa trở thành biến-cố quan-trọng có ảnh-hưởng xấu cho an-ninh chung─thì Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia một mặt báo-cáo lên Tổng-Thống, một mặt trông-cậy vào nỗ-lực đối-phó của các Tỉnh-Trưởng liên-hệ, nhất là khả-năng duy-trì trật-tự công-cộng của các lực-lượng Cảnh-Sát địa-phương.

Tuy thế, thay vì trước đây─ở Huế mà bị giải-tán là ở các nơi khác cũng sẽ bị trấn-áp tức-thời─thì nay ở Huế không còn bị trở-ngại nữa, là ở các nơi khác trên toàn-quốc cũng sẽ noi theo, tiếp-tục chống-phá chính-quyền. Huế─cái nôi của Miền Trung─sẽ là nơi phát-nguyên của cả một chiến-dịch đại-quy-mô đã được chuẩn-bị sẽ gây biến-loạn, dồn Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu tới đường cùng.

Kinh-nghiệm cho thấy, chỉ trừ trường-hợp vừa rồi tại Tỉnh Thừa-Thiên, dưới thời Đại-Tá Tỉnh-Trưởng Tôn Thất Khiên và Thiếu-Tá Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Liên-Thành, là một ngoại-lệ─đàn-áp cuộc xuống đường/tuần-hành─còn thì các Tỉnh-Trưởng khác thường không tự mình tận-dụng quyền-hành và phương-tiện sẵn có dưới quyền của mình, mà chỉ đòi-hỏi và chờ-đợi Trung-Ương đưa Cảnh-Sát Dã-Chiến từ Sài-Gòn ra trấn dẹp giùm.

Nay mai, nếu sự lộn-xộn xảy ra cùng lúc tại nhiều địa-phương thì lấy đâu ra cho đủ lực-lượng CSDC mà tiếp-viện cho các nơi?

Sự lựa-chọn giản-dị nhất mà ít tốn-kém nhất là Bộ Tư-Lệnh CSQG/Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương chấp-thuận cho tôi tự mình toàn-quyền giải-quyết vấn-đề, mà không cần có nhân-lực, tài-lực, hay vật-lực gì tăng thêm.

Tôi chỉ cần đọc lướt lại vài đoạn trong cuốn an-bum tài-liệu tham-chiếu mà tôi tự mình cập-nhật-hóa và luôn luôn mang theo bên mình như vật phòng-thân, chỉ trong dăm phút là tôi đã có thể phác-họa ra trong đầu óc mình một kế-hoạch hành-động với những biện-pháp áp-dụng trong từng tình-huống biến-chuyển của mỗi giai-đoạn thi-hành.

Đây là cơ-hội để tôi sử-dụng Đại-Úy Nguyễn Công Văn đúng chỗ và đúng lúc nhất.

Tôi cử Thiếu-Tá Ngô Phi Đạm, Chánh Sở Tác-Vụ, làm Trưởng, và Văn làm Phó, một Toán-hai-người đại-diện cho tôi, Giám-Đốc Đặc-Cảnh Vùng I, đến Huế để thi-hành một sứ-mạng đặc-biệt.

Trước hết, Toán Đặc-Mệnh ấy của Vùng, cùng với Chánh Sở Đặc-Cảnh Trương Công Đảm (đã đến thay-thế Thiếu-Tá Trương Công Ân) của Thừa-Thiên/Huế, bí-mật đến gặp điệp-viên sinh-viên Hoàng Kim Khánh, sắp-xếp cho Khánh đứng ra công-khai xác-nhận trước cuộc họp báo, theo đúng sự thật, rằng mình đã được Việt-Cộng kết-nạp, bố-trí cho xâm-nhập vào Ban Lãnh-Đạo Hành-Động Chung của “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” với tư-cách đại-diện tập-thể Sinh-Viên Đại-Học Huế, với chủ-đích là lợi-dụng các cuộc xuống đường sắp tới, do Linh-Mục Nguyễn Kim Bính cầm đầu và có sinh-viên tham-gia, để đột-nhập các công-sở, tấn-công các nhân-viên chính-quyền, phá-hoại các kho tàng và tiện-nghi công-cộng, mở đường cho các đơn-vị đặc-công xung-kích của Việt-Cộng đánh phá tổng-quát hoặc từng phần ngay ở thị-thành.

Then-chốt của lời khai chứng là Khánh tránh né tiết-lộ chi-tiết về Trần Văn Hội và các cán-bộ Việt-Cộng nằm vùng, chỉ mô-tả sơ một vài cá-nhân nào đó như là phần-tử phiến-tặc đã trực-tiếp chỉ-thị và giật dây Khánh hoạt-động, mà luôn luôn ở trong bóng tối và che kín mặt nên anh không thể nhận-diện được; mục-đích là để anh sẽ không bị đồng-bọn trừng-phạt nếu đã làm vỡ tổ-chức.

Đồng-thời, để xác-nhận rằng Khánh quả thật đã bị Việt-Cộng móc nối sai-khiến, Đặc-Cảnh sẽ trích đưa ra các báo-cáo của đường dây Đặc-Nhiệm giám-thị và theo-dõi Khánh, cùng với các tấm ảnh lén chụp Khánh tiếp-xúc với những kẻ lạ mặt trong đêm khuya, các đoạn băng lén ghi-âm những lời đối-thoại của Khánh với các kẻ ấy, biên-bản soát-xét và tịch-thu được trong người Khánh một số tài-liệu gồm có báo-chí, truyền-đơn của Việt-Cộng, cùng với chỉ-thị của cán-bộ chỉ-đạo anh, và báo-cáo viết tay của chính anh định gửi cho chúng trong đó có nhắc lại một số vấn-đề đã được anh báo-cáo nhiều lần trước rồi.

Khánh sẽ bình-tĩnh và rõ-ràng đọc lời khai-thú để Đặc-Cảnh ghi-âm trước, dự-trù khi ra họp báo nếu rủi anh bị khan tiếng, chóng mặt, lời trình-bày thiếu tính thuyết-phục tự-nhiên, thì Ban Tổ-Chức sẽ cho phát cuốn băng ghi-âm này; Khánh sẽ trả lời mọi câu hỏi của cử-tọa, nhất là của giới truyền-thông.

Kế đến, để đề-phòng trường-hợp Hoàng Kim Khánh có thể thay-đổi thái-độ vào phút chót, Toán Đặc-Mệnh cũng làm những việc tương-tự đối với sinh-viên Trần Văn Hội.

Hội được cô-lập để không nghe biết diễn-tiến về phần trình-bày của Khánh. Đến khi nếu Khánh phản-bội chúng tôi trong cuộc họp báo thì Hội sẽ được đưa ra ngay.

Hội có nhiều ưu-thế hơn, nếu được đối-chất với Khánh. Khi đó thì Đặc-Cảnh buộc lòng phải công-khai-hóa hồ-sơ tuyển-dụng Khánh, lời cam-kết cộng-tác cùng một số báo-cáo và những tài-liệu mà anh đã nạp cho Đặc-Cảnh lâu nay; đồng-thời Đặc-Cảnh cũng phải phá vỡ điệp-vụ Trần Văn Hội luôn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng bố-trí cho Hội tránh né tiết-lộ lý-lịch hành-tung của các cán-bộ Việt-Cộng nằm vùng cũng như từ mật-khu lén về, một phần là để bảo-vệ các điệp-vụ khác quan-trọng hơn, vì Đặc-Cảnh cũng đã khống-chế tuyển-dụng được một số trong các cán-bộ ấy rồi; một phần là để giúp Hội khỏi bị Việt-Cộng kết tội nếu làm hại chúng; xem như chỉ một mình Hội bị lộ thì một mình y và số cơ-sở dưới y phải chịu hy-sinh mà thôi.

Ngoài ra, chúng tôi cũng dự-trù chuẩn-bị sẵn ít nhất là một cán-bộ hoặc cơ-sở Việt-Cộng khác, là điệp-viên của Đặc-Cảnh, được cầm chân sẵn, để nếu cả Khánh lẫn Hội đều không đáp-ứng kế-hoạch thì chúng tôi sẽ cần nhờ đến phần-tử này.

Nguyên-tắc phân-phần [ngăn-cách] đã được tuyệt-đối tôn-trọng để Khánh cũng như Hội người này không biết gì về những sắp-xếp của chúng tôi dành cho người kia.

Trước cuộc họp báo, Đặc-Cảnh không cho hai chứng-nhân ấy đi xa ra khỏi tầm kiểm-soát của mình; đến đêm rạng ngày đã định thì cả hai đều được cầm chân mỗi người tại một nhà an-toàn riêng, chờ đến phiên mình.

*
Tuy nhiên, chìa-khóa của vấn-đề không phải chỉ là sự thỏa-thuận hợp-tác của Khánh và Hội, mà trọng-tâm công-tác của Toán Đặc-Nhiệm của Vùng là đạt được thái-độ thân-thiện, sự hợp-tác của Linh-Mục Nguyễn Kim Bính đối với chúng tôi.

Trong bầu không-khí căng-thẳng giữa số “Giáo-Dân Tranh-Đấu” mà Linh-Mục Bính cầm đầu, với Chính-Quyền mà chúng tôi thay mặt, không ai thích-hợp hơn Nguyễn Công Văn trong nhiệm-vụ tiếp-xúc và thuyết-phục ông tham-dự cuộc họp báo này.

Có sự hiện-diện của Linh-Mục Bính thì cuộc họp báo mới thành-công.

Tôi chỉ-thị Thiếu-Tá Ngô Phi Đạm và Đại-Úy Nguyễn Công Văn tổ-chức cuộc họp báo tại Viện Đại-Học Huế, nhất là tại Trường Đại-Học Văn-Khoa ở đại-khách-sạn Morin cũ─là trung-tâm sinh-hoạt của tất cả các Khoa, cũng là trụ-sở của Tổng-Hội Sinh-Viên Huế─mời Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ, tân Tỉnh/Thị-Trưởng địa-phương chủ-tọa, Giáo-sư Lê Thanh Minh Châu, Viện-Trưởng Viện Đại-Học Huế, đồng-chủ-tọa, với quan-khách là hầu hết các nhân-vật tai-mắt đứng đầu Hội-Đồng Tỉnh và Thị-Xã, Tòa Án, các cơ-quan hành-pháp, các đơn-vị quân-sự, Tổng-Hội Sinh-Viên, các trường trung-học, Hội Văn-Nghệ-Sĩ & Ký-Giả, Luật-Sư-Đoàn, Y-Sĩ-Đoàn, Dược-Sĩ-Đoàn, Phòng Thương-Mại, các giáo-hội, các nghiệp-hội, đài phát-thanh, đài truyền-hình, Ty Thông-Tin, v.v...

Trọng-tâm của cuộc họp báo, theo chương-trình phổ-biến bên ngoài thì là tố-cáo cộng-sản xâm-nhập vào các đoàn-thể dân-chúng, nhưng theo nội-dung mà tôi phác-họa cho cặp Đạm+Văn thì là tố-cáo Tổng-Hội Sinh-Viên Đại-Học Huế và nhóm “Giáo-Dân Tranh-Đấu” trong Phong-Trào Chống Tham-Nhũng của Linh-Mục Nguyễn Kim Bính đã bị cộng-sản xâm-nhập vào lợi-dụng.

Họp báo tố-cáo sinh-viên ngay tại Viện Đại-Học của họ, trong lúc “Sinh-Viên Tranh-Đấu” chống Chính-Quyền, mà lại do Ngành Đặc-Cảnh chủ-trì, trong lúc Đặc-Cảnh đã bị sinh-viên tố-cáo là đã bắt cóc khủng-bố sinh-viên, là một việc làm đầy thách-thức.

Nhưng tôi ước-tính là dù cho các sinh-viên hiện-diện có phản-đối ngay tại hội-đường đi nữa thì cuộc họp báo vẫn cứ diễn ra như thường, vì nếu sinh-viên mà bạo-động thì tức là họ trực-tiếp xúc-phạm Chủ-Tọa-Đoàn và quan-khách, những người này tất-nhiên sẽ không phản-đối nếu Cảnh-Sát dùng biện-pháp thích-ứng để ổn-định trật-tự.

Ngoài ra, hệ-quả của cuộc họp báo là đã có một tiền-lệ cho Đặc-Cảnh vào làm việc ngay trong khuôn-viên Viện Đại-Học, và công-khai xác-nhận vị-trí của Viện-Trưởng là nếu không đứng hẳn về phía Chính-Quyền thì cũng là phải đứng giữa, chứ không đứng hẳn về phía sinh-viên, nhất là “Sinh-Viên Tranh-Đấu” như giới này vẫn mong.

Tóm lại, tôi không sợ sinh-viên, song tôi rất ngại Cha Xứ Phú-Cam, họ đạo và là trú-quán lâu đời của dòng họ Ngô Đình. Tố-cáo rằng “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” đã bị cộng-sản lợi-dụng mà nếu không có Linh-Mục Nguyễn Kim Bính hiện-diện thì cuộc họp báo sẽ không có hiệu-quả. Mà mời ông đến dự một cuộc họp báo như thế thì: một là ông sẽ dứt-khoát chối-từ; hai là ông sẽ đến để lớn tiếng phủ-nhận nội-dung của cuộc họp báo, vì ông là một người kiêu-căng, tự cho là mình chống Cộng triệt-để không thể dễ bị cộng-sản đánh lừa, nóng tính, lại mang mối hận đã bị Cảnh-Sát Dã-Chiến của Thiếu-Tá Liên Thành xịt nước đẩy lui kỳ rồi.

Linh-Mục Nguyễn Kim Bính mà phản-đối thì sinh-viên sẽ phản-đối theo, khi đó Cảnh-Sát sẽ không dám hành-động gì, vì Chính-Quyền sở-tại là Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ, Tỉnh+Thị-Trưởng, cùng Trung-Tá Hoàng Thế Khanh, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực, đã là người cùng phía với linh-mục ấy rồi.

Đó là lý-do và mục-đích của việc tôi biệt-đãi Đại-Úy Nguyễn Công Văn từ lâu nay.

*
Tại Huế, Văn đã hành-động đúng theo ý tôi. Anh là tín-hữu của Linh-Mục Bính, lại là dân gốc Quảng-Bình, gần-gũi trong tinh-thần đồng-đảng đồng-đạo đồng-địa với ông, lại là đại-diện chính-thức của Ngành Đặc-Cảnh cấp Vùng, đích-thân đến với ông, tự-nguyện đứng ra giúp ông gỡ rối, trong lúc lâu nay các cơ-quan chính-quyền cấp Tỉnh sở-tại đã xem ông như không có mặt trong địa-phương mình, huống chi cấp Vùng thì ở xa xôi.

Việc đó đã tạo thuận-lợi cho kế-hoạch của tôi.

Thiếu-Tá Ngô Phi Đạm đã nhường cho Đại-Úy Nguyễn Công Văn trình-bày; và Văn đã nhân-danh một Kitô-Hữu, một cựu đảng-viên Đảng Cần-Lao, tiết-lộ với Linh-Mục Bính những gì có thể có hại cho uy-tín của ông, của cả Phong-Trào Chống Tham-Nhũng do ông cầm đầu ở Miền Trung, mà Văn biết được qua các điệp-vụ mà Văn dự phần đảm-trách.

Văn gợi ý là khi ra trình-bày trước cử-tọa Văn sẽ xác-nhận [bịa] rằng chính Linh-Mục Bính đã có báo riêng cho Đặc-Cảnh biết là ông đã đề-cao cảnh-giác và đã có nghi-ngờ Hoàng Kim Khánh ngay từ lần đầu tiên Khánh nhân-danh tập-thể sinh-viên Huế đến tiếp-xúc với ông để bàn về việc công-khai đại-diện sinh-viên Huế tham-gia phối-hợp hoạt-động với Phong-Trào. Lời xác-nhận đó sẽ cứu-vớt danh-dự cho ông, cho Phong-Trào của ông, và còn tăng thêm giá-trị cho cá-nhân ông nữa, khiến ông thấy được thỏa-mãn tự-ái, nên ông đã sốt-sắng nhận lời tham-dự cuộc họp báo của chúng tôi.

Linh-Mục Nguyễn Kim Bính đã nhận lời tham-dự, thì cặp Duệ+Khanh lại càng tích-cực hơn trong việc giúp-đỡ chúng tôi tổ-chức và thực-hiện cuộc họp báo mà tôi thiết-kế và cặp Đạm+Văn phối-hợp với Sở Đặc-Cảnh Tỉnh/Thị Thừa-Thiên–Huế, bây giờ do Trương Công Đảm đứng đầu, chiếu từng chi-tiết mà chấp-hành.

Tôi vẫn ở lại tại trụ-sở Ngành Đặc-Cảnh Vùng I để tiếp-tục điều-hành mọi công-tác khắp Vùng, và dự-trù sẽ chỉ ra Huế khi nào Đạm+Văn gặp trở-ngại. Tất-nhiên tôi cũng tính sẵn những việc nếu cần phải làm liên-quan đến cuộc họp báo nói trên.

Theo nguyên-tắc của Ngành Đặc-Cảnh, mọi công-tác cài-cấy người vào hàng-ngũ Việt-Cộng hoặc móc-nối người của đối-phương làm tay-trong cho ta đều đòi-hỏi nhiều phương-tiện, mà, sau Lý-Tưởng [Tinh-Thần] và Tình-Cảm, thì chủ-yếu là Quyền-Lợi [Tiền].

Các huấn-luyện-viên tình-báo đều có phác-họa cho học-viên thấy là trong các hoạt-động tương-lai mọi viên-chức sẽ được cấp nhiều tiền; các độc-giả, khán-giả của sách báo và phim kịch cũng thấy là các điệp-viên tiêu tiền như nước. Nhưng Ngành Đặc-Cảnh mà hoạt-động chính là tình-báo thì không được Cấp Trên cấp cho một xu nào, nên phải nhờ đến sự tài-trợ của Người Bạn Đồng-Minh.

Mà Người Bạn Đồng-Minh [CIA của Mỹ] thì họ xem điệp-vụ của Đặc-Cảnh do họ tài-trợ như là điệp-vụ của chính họ, và họ chỉ muốn nuôi-dưỡng lâu dài để ở lâu, đi sâu và trèo cao, nên ít khi chịu phá vỡ. Bộ Tư-Lệnh Đặc-Cảnh Trung-Ương cũng như Phủ Đặc-Ủy Trung-Ương Tình-Báo cũng cần có những điệp-vụ chiến-lược, nín thở ở lì trong nội-bộ địch, nên hạn-chế việc phá vỡ. Bản-thân tôi cũng đã suýt bị trọng-phạt khi ra lệnh cho các Tỉnh/Thị thuộc quyền phá vỡ một số điệp-vụ hiện có để phục-vụ cho Kế-Hoạch “An Trung” vào dịp Tết Nguyên-Đán 1975. Vì thế, tôi phải khó-khăn lắm mới thuyết-phục được Bộ Tư-Lệnh Đặc-Cảnh Trung-Ương cũng như các Người Bạn Đồng-Minh liên-quan để họ bằng lòng hy-sinh các điệp-viên Hoàng Kim Khánh và Trần Văn Hội, và thêm một vài cán-bộ Việt-Cộng khác nữa, nếu cần.

Như thế là tôi đã có đủ điều-kiện để bật đèn xanh, một mệnh-lệnh cuối cùng, cho Thiếu-Tá Đạm, Đại-Úy Văn, và Đại-Úy Đảm tiến-hành cuộc họp báo.

Và cuộc họp báo ấy đã được diễn ra tốt đẹp đúng y như tôi dự-kiến, và đã được phổ-biến trên báo-chí, đài phát-thanh và đài phát-hình tại Thủ-Đô Sài-Gòn và khắp các nơi trên toàn-quốc.

(Một thắng-lợi nội-bộ đáng ghi nhận là Sinh-Viên Hoàng Kim Khánh đã thành-thật và linh-động hợp-tác với chúng tôi trong cuộc họp báo ấy, nên Ngành Đặc-Cảnh khỏi phải hé lộ biệt-tác của Sinh-Viên Trần Văn Hội cho nên khỏi phải đốt cháy một số điệp-viên liên-quan.)

Linh-Mục Nguyễn Kim Bính với Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ và Trung-Tá Hoàng Thế Khanh đã nhiệt-thành góp phần to lớn vào cuộc họp báo với mục-đích bảo-vệ thanh-danh của Cha Xứ Kitô-Giáo Phú Cam và Phong-Trào Chống Tham-Nhũng chống chế-độ Nguyễn Văn Thiệu.

Còn Ngành Đặc-Cảnh Vùng I do tôi lãnh-đạo và chỉ-huy, qua Ngô Phi Đạm+Nguyễn Công Văn của Sở Tác-Vụ cấp Vùng và qua Trương Công Đảm của Sở Đặc-Cảnh Thừa-Thiên–Huế, đã làm tròn một sứ-mệnh trọng-đại, theo trách-nhiệm nghề-nghiệp của mình, là chận đứng được âm-mưu của cộng-sản len-lỏi vào giật dây các đoàn-thể dân-nhân, chấm dứt tình-hình hỗn-độn do nhóm sinh-viên hiếu-động thuộc Tổng-Hội Sinh-Viên Huế, là khối đại-học lớn mạnh thứ nhì sau Tổng-Hội Sinh-Viên Sài-Gòn, và nhóm tín-đồ Kitô-Giáo cố-chấp trong Phong-Trào Chống Tham-Nhũng mà trung-tâm phát-khởi biểu-tình là họ đạo Phú-Cam, Huế, gây nên.

Cuộc họp báo của chúng tôi, vào tháng 2 năm 1975, đã dập tắt hết mọi mưu toan của cả Tổng-Hội Sinh-Viên Huế lẫn Phong-Trào Chống Tham-Nhũng và cả Việt-Cộng, mà ý-đồ và nỗ-lực sau cùng của “liên-minh” ấy là tái-phát-động các cuộc xuống đường do Linh-Mục Nguyễn Kim Bính cầm đầu, mà họ tin chắc là từ nay trở đi thì không còn bị Cảnh-Sát đàn-áp nữa: các tỉnh+thành khác, nhất là Thủ-Đô Sài-Gòn, và các địa-phương đông dân Kitô-Giáo cũng như có nhiều sinh-viên, cũng sẽ thừa thắng từ Huế mà xông lên, đồng-loạt gây xáo-trộn khắp toàn-quốc, đưa đến xung-đột đẫm máu giữa nhiều phe phái khác nhau.

Ðó là quyết-tâm trước hết của nhóm các Linh-Mục Trần Hữu Thanh và Nguyễn Kim Bính, mà theo phân-công thì Linh-Mục Bính điều-khiển từ Huế vào các tỉnh Miền Trung, còn Linh-Mục Thanh, ngôn-sứ của chủ-nghĩa “Nhân-Vị”, chủ-tịch “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” ở trung-ương, thì đảm-trách lãnh-đạo hoạt-động tại các phần đất còn lại trong Miền Nam.

Nếu tôi không thực-hiện được lời hứa với Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia, đại-diện Chính-Quyền Trung-Ương, mà để cho các sự-kiện nói trên xảy ra theo ý của các kẻ chủ-trương, thì có thể một Việt-Nam Cộng-Hòa vô-chính-phủ đã tự sụp-đổ sớm hơn đại-nạn vào Tháng Tư Đen 1975.

Chúng tôi đã phục-hồi và duy-trì được trật-tự công-cộng tại hậu-phương, để các chiến-sĩ chống Cộng ở tiền-tuyến an-tâm chiến-đấu, không bị đâm sau lưng, ít nhất thì cũng cho đến tận ngày Cộng-Sản Bắc-Việt Xâm-Lược vi-phạm Hiệp-Định Paris, tiến quân cưỡng-chiếm Miền Nam.

. Bài-viết này đã được phổ-biến trên nhiều báo giấy và báo mạng, rồi in trong cuốn hồi-kí “Về Vùng Chiến-Tuyến” của Lê Xuân Nhuận do nhà Văn Nghệ ở Nam Cali xuất-bản năm 1996, trong lúc Cựu Tổng-Thỗng Nguyễn Văn Thiệu còn sống; mãi đến 2001, 5 năm sau ông mới từ-trần;
. Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng còn sống; mãi đến 2007, 11 năm sau ông mới từ-trần;
. Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây còn sống; mãi đến 2010, 14 năm sau ông mới từ-trần;
. Linh-Mục Trần Hữu Thanh còn sống; mãi đến 2007, 11 năm sau ông mới từ-trần.
Còn Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình thì mãi đến nay vẫn còn tại-thế, làm một chứng-nhân tuyệt-đối cho các bài-viết của Lê Xuân Nhuận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét