Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Giới Thiệu Buổi Sinh Hoạt Văn Nghệ Quy Mô Dành Cho Tuổi Trẻ Trong Mùa Lễ Tạ Ơn và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Nhắc Nhở, Chỉ Còn Chưa Đầy 2 Tuần Nữa: Tiếng Việt Còn, Nước Việt Còn! Trong mục đích lan tỏa và gìn giữ tiếng Việt đến thế hệ trẻ sống ở hải ngoại, vùng Bắc Cali (Vừa vui, vừa học!) -Trân trọng giới thiệu một chương trình văn nghệ đặc sắc quy mô, chuẩn bị công phu cả năm, dành riêng cho giới trẻ, nhất là các em thiếu nhi, trong Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay. Vào cửa, thức ăn nhẹ, nước giải khát, giải thưởng các trò chơi, hoàn toàn miễn phí!
<!>


Năm ngoái buổi Văn nghệ Tạ Ơn này, do VTLV bảo trợ, tại Cà phê Lover, đã thành công rực rỡ, quán không còn một chỗ trống. Tràn ngập lời khen từ Khách tham dự!
Thừa thắng xông lên! năm nay, BTC đã thuê mướn hội trường, lớn hơn gấp 4 lần, hy vọng mới đủ sức chứa!


Khó có chương trình nào dành riêng cho giới trẻ Việt vùng Bắc Cali, hay hơn chương trình này cả! rất nhiều phụ huynh cổ võ tiếp tục! Một năm mới có một lần, các phụ huynh có con em nhỏ, đây là dịp vui, vừa học tiếng Việt, nét đẹp văn hóa Việt, xin đừng bỏ qua!
Xin coi slideshow đính kèm, để ngạc nhiên, khen ngợi, cho những “nghệ sĩ tí hon!” nhưng tài năng không thua gì người lớn! Giới thiệu một số hình ảnh các em tham dự trình diễn, trong buổi “event” chủ đề "Tạ Ơn" năm nay.


Nhớ ngày vui này nhé: Thứ Bảy, ngày 9 tháng 11 năm 2024, từ 2 giờ đến 6 giờ chiều
Tại Yerba Buena High School – Student Union Hall, 1855 Lucretia Ave, San Jose, Ca 95122
Chương trình với trên vài chục tiết mục trình diễn, lôi cuốn, trò chơi nào cũng hay, đặc sắc, chưa bao giờ thấy! chưa bao giờ có. Phải tham dự tận mắt mới tin!
(Quý Ân nhân muốn bảo trợ, hay muốn biết thêm chi tiết, xin theo dõi Flyer đính kèm)


Trân trọng kính mời
Trưởng BTC: Anh Lê Văn Hải

Vài hình ảnh văn nghệ Tạ Ơn năm ngoái, 2023.




Tin Bầu Cử:


Cuối Tuần Qua, Trump Tổ Chức Mít-Tinh Tại Nhà Thi Đấu Madison, Harris Vận Động Cử Tri ở Philadelphia


(Hình AFP / Saul Loeb và Chandan Khanna: Bà Kamala Harris (trái) và ông Donald Trump (phải) đều đang vận động trong những ngày còn lại trước khi nước Mỹ tổ chức tổng tuyển cử hôm 5/11/2024.)
-Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ tổ chức một cuộc mít tinh tại nhà thi đấu đa năng Madison Square Garden ở thành phố New York vào Chủ Nhật (27/10/2024), một sự kiện nổi bật tại một tiểu bang đã ủng hộ một Tổng thống Cộng hòa lần gần nhất là vào năm 1984.
Đối thủ của ông, Phó Tổng thống Kamala Harris, đang bận rộn hoạt động ở Philadelphia, thành phố lớn nhất và là thành trì của đảng Dân chủ tại tiểu bang Pennsylvania, nơi phải giành được chiến thắng, và bà có kế hoạch dừng chân tại một tiệm cắt tóc của người da đen và một nhà hàng của người Puerto Rico để khuyến khích mọi người đi bỏ phiếu.

Phát biểu tại Nhà thờ Christian Compassion vào sáng 27/10, bà Harris không nhắc đến tên ông Trump. "Vào thời điểm này, chúng ta phải đối mặt với một câu hỏi thực sự: chúng ta muốn sống ở một đất nước thuộc loại nào?", bà nói.
Bà Harris sẽ tổ chức một sự kiện nổi bật nữa và sẽ phát biểu ở đó hôm thứ Ba 29/10 tại Quảng trường Quốc gia ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, trong đó, bà sẽ nêu bật sự tương phản giữa bà và ông Trump. Bà Harris có kế hoạch đến thăm mọi tiểu bang chiến trường trong những ngày tới.


Cuộc mít tinh của ông Trump ở quận Manhattan, thành phố New York, hy vọng sẽ dựa vào sức mạnh của các ngôi sao để mang lại sự ủng hộ cho các ứng cử viên tại địa phương chạy đua vào Quốc hội trước cuộc bầu cử hôm 5/11.
Ông Trump, một nhân vật nổi tiếng ở New York trong nhiều thập kỷ, sẽ sử dụng sự kiện tại địa điểm nổi danh này để đưa ra tuyên bố cuối cùng của chiến dịch tranh cử nhằm vào bà Harris.
Ông Trump gần đây nói rằng ông chú trọng tiểu bang New York. Khi ông Ronald Reagan tái đắc cử chức Tổng thống là lần gần đây nhất tiểu bang New York ủng hộ một ứng cử viên Cộng hòa làm Tổng thống; ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đã giành chiến thắng tại tiểu bang này vào năm 2020 với mức chênh 23 điểm phần trăm.
Tỉ phú Mỹ Elon Musk sẽ là một trong những diễn giả chính tại cuộc mít tinh, ban vận động của ông Trump thông báo.

Ông Musk, Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, kiêm chủ sở hữu của mạng xã hội X, đã đi dọc ngang Pennsylvania thay mặt ông Trump và đã tặng 119 triệu Mỹ kim cho nhóm chuyên trách việc chi tiêu ủng hộ ông Trump, nhóm này đang giúp vận động cử tri ở tiểu bang có mức độ cạnh tranh gay gắt nhất.
Các cuộc thăm dò cho thấy hai ứng cử viên đối địch đang bám sát nhau ở các tiểu bang chiến trường sẽ quyết định cuộc bầu cử khi chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Ngày Bầu cử. Hơn 38 triệu lá phiếu đã được bỏ phiếu.
Thời gian qua, ông Trump đã tìm cách gắn bà Harris vào việc chính quyền của ông Biden giải quyết vấn đề nhập cư và kinh tế. Tuần trước, ông Trump đã đưa ra một câu tấn công mới: "Bà ấy đã phá vỡ nó, và tôi hứa với quý vị rằng tôi sẽ sửa chữa nó".
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã đạt kết quả vượt trội so với phần còn lại của thế giới phát triển kể từ cuộc khủng hoảng COVID và thị trường chứng khoán đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay. Nhưng giá thực phẩm, điện nước, gas, xăng dầu, và chi phí nhà ở vẫn cao đã khiến cử tri tức giận, họ tin rằng nền kinh tế đang đi sai hướng.


Chuyện lạ: không được đi bầu, dân Nhật ở Osaka, vẫn tổ chức diễn hành ủng hộ ông Trump!


(Một nhóm các nhà dân chủ ở Osaka, Nhật Bản đã tổ chức diễn hành để ủng hộ ông Trump)
-Không chỉ dân Mỹ quan tâm đến cuộc bầu cử lần này, mà gần như khắp nơi đều ủng hộ và cầu chúc ông Trump trở thành vị tổng thống 47 của nước Mỹ.
Đoàn diễn hành đi một hàng dài với bức tượng mô hình ông Trump và phát thanh qua loa câu nói của ông Trump:
"We make America safe again!
....

and we will make America great again!"
Dân Nhật thật tinh tế, minh định rõ ràng, nước Mỹ phải vững mạnh, và người dẫn đầu cho thế giới.


Hoa Thịnh Ðốn Cáo Buộc Tin Tặc Trung Quốc Can Thiệp Vào Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ


(Ảnh REUTERS - Dado Ruvic, minh họa: Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc can thiệp vào bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2024.)
-Ngày 25/10/2024, Hoa Kỳ thông báo mở điều tra về các vụ tấn công tin học được cho là do Trung Quốc tiến hành. Theo các tiết lộ của báo chí Mỹ, điện thoại của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump và người đứng liên danh, J.D Vance bị nhắm tới. Phía bên đảng Dân chủ, tin tặc Trung Quốc được cho là đã tìm cách "thâm nhập" vào ban vận động tranh cử của Kamala Harris.
Chính quyền Mỹ cho mở điều tra sau những tiết lộ của các báo Washington Post và New York Times. Trong Thông cáo chung, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An Ninh mạng (CISA) của Hoa Kỳ nêu đích danh những toán tin tặc "có liên hệ đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Trump và Vance có lập trường rất cứng rắn với Trung Quốc.

Tập đoàn nhu liệu điện toán Microsoft nói đến "một chiến dịch có phối hợp" có liên hệ đến Trung Quốc, nhằm phát tán thông tin sai lệch nhắm tới cử tri ở một số tiểu bang. Từ Bắc Kinh thông tín viên Cléa Broadhurst của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
"Một chiến dịch phát tán thông tin sai lệch mang tên Taizi flood nhắm vào các cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ, đặc biệt là tại tiểu bang Alabama, Texas và Tennessee. Các toán tin tặc sử dụng hệ thống Bots nhắm vào các chính khách Mỹ bên đảng Cộng hòa có lập trường chống Trung Quốc như Thượng Nghị sĩ Marco Rubio. Nhiều tài khoản giả phổ biến những thông tin mang tính bài người Do Thái, hay tố cáo ông Rubio và nhiều chính khách khác của Hoa Kỳ tham nhũng.

Tập đoàn nhu liệu điện toán Microsoft đã phát giác được các hoạt động này và cho biết chúng có liên hệ với bộ An Ninh Trung Quốc. Cho dù tác động từ chiến dịch tấn công này dường như chỉ có hạn, nhưng điều đó cho thấy Trung Quốc càng lúc càng có khuynh hướng khai thác những căng thẳng chính trị tại Mỹ và muốn lợi dụng những kẽ hở của nền Dân chủ Hoa Kỳ và rất có thể là để gây ảnh hướng với kết quả các cuộc bầu cử sắp tới.
Hình thức can thiệp này để lộ rõ những yếu kém trong lĩnh vực an ninh mạng và có thể tác động đến niềm tin trong công luận về kết quả bầu cử Mỹ. Điều đó cũng cho thấy là các yếu tố ngoại quốc có thể thao túng công luận trên các mạng xã hội, tìm cách gây chia rẽ và tác động đến lá phiếu của cử trị. Đây là một thực tế, dù chưa ảnh hướng nhiều, nhưng có thể trong tương lai sẽ trở thành một mối đe dọa sâu rộng đối với các tiến trình dân chủ"


Tin Quốc Tế Đó Đây
Do Thái Trả Đũa Iran, Oanh Kích Vào Các Cơ Sở Sản Xuất Phi Đạn


(Ảnh REUTERS - do hãng thông tấn Majid Asgaripour/WANA (West Asia News Agency) cung cấp: Toàn cảnh tại thủ đô Tehran của Iran, sau nhiều vụ nổ trong đêm 25 rạng sáng 26/10/2024.)
-Hôm 26/10/2024, quân đội Do Thái thông báo đã tiến hành các cuộc oanh kích vào Iran để trả đũa vụ tấn công ngày 1/10. Đợt oanh kích này chủ yếu nhắm vào các cơ sở sản xuất phi đạn của Iran, nhưng chính quyền Tehran khẳng định những thiệt hại là không đáng kể.
Ngày 1/10 vừa qua, Iran đã bắn khoảng 200 phi đạn vào Do Thái, trong đó có các phi đạn siêu thanh lần đầu tiên được sử dụng. Để trả đũa vụ tấn công đó, hôm nay, theo thông báo của quân đội Do Thái, các phi cơ quân sự của Do Thái đã oanh kích vào "những cơ sở sản xuất các phi đạn mà Iran đã dùng để bắn vào Do Thái từ một năm nay". Quân đội Do Thái cho rằng những phi đạn đó là một "mối đe dọa trực tiếp" đối với các công dân Nhà nước Do Thái. Họ còn cảnh cáo là Iran "sẽ trả một giá rất cao" nếu đáp trả cuộc tấn công hôm 26/10. Đáp lại, Ngoại trưởng Iran tuyên bố Tehran "có quyền tự vệ chính đáng" chiếu theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Từ thủ đô Tehran của Iran, thông tín viên Siavosh Ghazi của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

Chính quyền Iran đã giảm nhẹ tầm mức thiệt hại do cuộc tấn công của Do Thái. Theo một thông cáo chính thức, các cơ sở quân sự ở tỉnh Tehran đã bị oanh kích cũng như các cơ sở ở hai tỉnh Ilam và Khozestan, vùng biên giới giáp Iraq. Bản thông cáo khẳng định hệ thống phòng không của Iran đã bắn chặn các phi đạn Do Thái và tại các cơ sở bị oanh kích, nên thiệt hại không đáng kể.
Trong đêm, người ta đã nghe thấy 5 vụ nổ lớn và tiếng bắn trả của hệ thống phòng không tại vùng Tehran. Nhưng kênh truyền hình nhà nước lại chiếu những hình ảnh xe cộ lưu thông tại Tehran và những người đi đường khi được hỏi đều cho biết cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Mặt khác, sau 2 tiếng đồng hồ tạm ngưng, các chuyến bay đã được mở lại.
Trong những ngày qua, chính quyền Tehran vẫn tuyên bố sẽ tấn công Do Thái một lần nữa nếu lãnh thổ Iran bị oanh kích. Vấn đề là liệu Iran có sẽ thực hiện lời đe dọa đó, hay sẽ quyết định không trả đũa bằng các giảm nhẹ tầm mức thiệt hại do cuộc tấn công của Do Thái lần này.


Tòa Bạch Ốc: Tấn Công Iran Là Hành Động Tự Vệ của Do Thái và Mỹ Đã Được Do Thái Báo Trước


(Hình AP - Manuel Balce Ceneta: Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Tòa Bạch Ốc. Ảnh minh họa chụp ngày 12/9/2024.)
-Ngay sau khi Do Thái oanh kích Iran khiến 2 binh sĩ Iran chết, theo số liệu của Tehran, chính quyền Hoa Kỳ, đồng minh chính của Tel Aviv, đã có phản ứng, xem đó là "hành động tự vệ của Do Thái".
Hoa Thịnh Ðốn hôm 26/10/2024 kêu gọi Tehran ngừng tấn công Do Thái để chấm dứt vòng xoáy bạo lực, tránh làm leo thang xung đột. Từ Miami (tiểu bang Florida, Hoa Kỳ), thông tín viên David Thomson của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
Vài phút sau các cuộc tấn công của Do Thái nhắm vào Iran, Tòa Bạch Ốc đã có phản ứng. Trong một thông cáo ngắn gọn của phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia, Tòa Bạch Ốc cho biết "chúng tôi hiểu rằng các vụ tấn công khoanh vùng của Do Thái nhắm vào Iran là những hành động tự vệ và nhằm đáp trả vụ Iran tấn công Do Thái bằng phi đạn-đạn đạo hôm 01/10".

Hoa Kỳ đã được đồng minh Do Thái báo trước, nhưng Hoa Thịnh Ðốn cũng nói rõ là Mỹ không liên quan đến việc tiến hành các cuộc oanh kích này.
Theo một viên chức Mỹ, các cơ sở hạ tầng năng lượng và cơ sở nguyên tử của Iran đều không nằm trong số các mục tiêu bị tấn công và đây là lằn ranh đỏ mà Hoa Thịnh Ðốn đã vạch ra. Tổng thống Joe Biden đã nói với báo chí Mỹ như vậy. Ông Biden sẽ không ủng hộ các cuộc tấn công vào những cơ sở nguyên tử của Iran và đã đề nghị Do Thái tìm hiểu về các mục tiêu oanh kích khác.

Tương tự như Mỹ, chính quyền Anh hôm nay cũng nhấn mạnh Iran không nên phản ứng đáp trả Do Thái, bởi đó là quyền của Tel Aviv tự vệ trước vụ oanh kích bằng 200 phi đạn của Iran hồi đầu tháng 10. Thủ tướng Anh kêu gọi đôi bên kiềm chế để tránh lại gây leo thang căng thẳng tại Trung Đông. Bộ Ngoại giao Pháp cũng vừa ra thông báo kêu gọi các bên "tránh mọi hành động leo thang và có thể làm trầm trọng hơn tình hình đã rất căng thẳng".
Trong khi đó, chính quyền Ả Rập Saudi, Pakistan và lực lượng Hamas Palestine lên án vụ oanh kích của Do Thái.


Thủ Tướng Do Thái: Đợt Oanh Kích Iran "Mạnh và Chính Xác" Hoàn Thành "Mọi Mục Tiêu"


(Hình AP - HO, do quân đội Do Thái công bố: Phi cơ Do Thái chuẩn bị xuất kích tấn công Iran, ngày 26/10/2024.)
-Một ngày sau chiến dịch oanh tạc các mục tiêu quân sự của Iran, Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu hôm 27/10/2024 tuyên bố là đợt tấn công Iran "mạnh và chính xác" đã hoàn thành "mọi mục tiêu" đề ra.
Hôm 26/10, bất chấp lời kêu gọi tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực Trung Cận Đông, Bộ trưởng An ninh Nội địa Do Thái, Ben Gvir, tuyên bố có "một nghĩa vụ mang tính lịch sử" là chấm dứt mối đe dọa Iran hủy diệt đất nước Do Thái. Bộ trưởng An ninh Nội địa Do Thái, Ben Gvir, hoan nghênh chiến dịch tấn công Iran của quân đội Do Thái vào sáng sớm hôm qua. Trên mạng X, vị Bộ trưởng thuộc phe cực hữu nhấn mạnh "Vụ tấn công Iran có ý nghĩa quan trọng, là cú đòn đầu tiên để gây tổn hại các lợi ích chiến lược của Iran và đây sẽ phải là bước tiếp theo".
Các thông tin chi tiết của Tel Aviv về vụ oanh tạc của quân đội Do Thái tảng sáng hôm 26/10 nhắm vào các địa điểm quân sự của Iran mới chỉ được thông báo nhỏ giọt. Cho đến giờ, công luận mới chỉ biết là Do Thái đã thực hiện 3 đợt tấn công vào các mục tiêu quân sự và chiến dịch oanh kích được đặt tên: Những ngày sám hối. Từ thủ đô Jerusalem của Do Thái, thông tín viên Michel Paul của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
"Bị trì hoãn nhiều lần, đặc biệt là do các kế hoạch tấn công bị Ngũ Giác Đài làm rò rỉ, cuộc tấn công của Do Thái được tiến hành theo một nguyên tắc cơ bản: Đó là làm sao đánh trúng được càng nhiều càng tốt các mục tiêu trên lãnh thổ Iran mà lại không khiến cho Tehran có phản ứng đáp trả.

Dẫu sao thì các viên chức Do Thái cũng tỏ ra rất kín đáo về các mục tiêu mà khoảng 100 oanh tạc cơ của Do Thái, được các phi cơ tiếp liệu bay kèm, đã nhắm tới, cách căn cứ của họ hơn 1.600 cây số. Các phương tiện truyền thông ở đây, trích dẫn các nguồn quân sự xin ẩn danh, giải thích rằng ban đầu lực lượng Không quân Do Thái đã vô hiệu hóa được khoảng 10 hệ thống phi đạn chủ chốt của lực lượng phòng không của Iran, đặc biệt là những hệ thống phòng không S-300 do Nga chế tạo, đặt gần phi trường quốc tế Tehran, và các hệ thống phòng không được Iran khai triển ở Syria và Iraq.
Tổng cộng có khoảng 20 địa điểm đã bị oanh kích trong các đợt tấn công tiếp sau đó, trong đó có một số cơ sở chế tạo phi đạn và drone. Theo các nguồn tin chưa được xác nhận, một trong những vụ oanh tạc nhắm vào Parchin, một căn cứ phi đạn-đạn đạo cách Tehran không xa. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc thử nghiệm liên quan đến chương trình nguyên tử của Iran".
Vẫn theo thông tín viên RFI Michel Paul tại Jerusalem, ngay trong nước, cả chính giới và người dân Do Thái đều đang bị chia rẽ về chiến dịch quân sự đáp trả Iran. Trong khi một số người ủng hộ, xem vụ oanh tạc Iran có tác dụng tích cực, rằng Do Thái cần chứng tỏ sức mạnh với Iran, thì trái lại, một số khác lo ngại Iran đáp trả, làm leo thang xung đột, khiến chiến tranh khó có thể chấm dứt.


Iran Khẳng Định Có Quyền và Có Nghĩa Vụ Đáp Trả Hành Vi Gây Hấn của Do Thái



(Hình AP: Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei trong một cuộc mít tinh tại Tehran ngày 27/10/2024.)
-Một hôm sau khi Iran bị quân đội Do Thái oanh kích nhắm vào các cơ sở sản xuất phi đạn, lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei hôm 27/10/2024, tuyên bố "không được phóng đại mà cũng không được giảm nhẹ" tác hại của vụ tấn công của Do Thái nhắm vào các địa điểm quân sự ở Iran rạng sáng ngày hôm qua 26/10.
Trong khi đó, bất chấp những lời kêu gọi kiềm chế của cộng đồng quốc tế, chính quyền Tehran chiều 26/10 đã lên giọng cứng rắn, khẳng định muốn "tự vệ" trước các "hành vi gây hấn của ngoại quốc". Theo thông tấn xã AFP, lực lượng vũ trang Iran cho biết chỉ có "hệ thống radar" bị hư hại và có 4 sĩ quan Iran thiệt mạng. Từ thủ đô Tehran của Iran, thông tín viên Siaviosh Ghazi của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Iran đã lên giọng cứng rắn, khẳng định họ có quyền và nghĩa vụ đáp trả hành động gây hấn của Do Thái.

Thông cáo này của Bộ Ngoại giao Iran được công bố, cho dù vào buổi sáng thứ Bảy (26/10), Tehran vẫn giữ thái độ khá kiềm chế. Một số viên chức Iran từng khẳng định rằng hệ thống phòng không đã được kích hoạt, đánh chặn thành công phi đạn của Do Thái và thiệt hại chỉ là rất nhỏ.
Trong đêm (thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy), mọi người nghe thấy có 6 vụ nổ mạnh và hỏa lực từ hệ thống phòng không ở vùng Tehran. Nhưng không có thông tin chi tiết nào được đưa ra về các mục tiêu bị nhắm tới. Thế nhưng, truyền hình Nhà nước Iran cho phát đi các hình ảnh xe hơi vẫn chạy trên đường phố ở Tehran và những người đi đường khi được hỏi thì nói là cuộc sống vẫn diễn ra bình thường.
Có một dấu hiệu cho thấy tình hình lắng dịu, đó là đồng rial của Iran đã tăng giá so với đồng Mỹ kim, sau 2 tuần tỉ giá sụt giảm.
Người dân lo ngại Iran có hành động đáp trả cuộc tấn công của Do Thái và dẫn đến các cuộc oanh kích mới của Do Thái, với nguy cơ gây ra một vòng xoáy xung đột nguy hiểm giữa hai nước".


Nga: Nước Gây Chiến ở Ukraine Muốn Làm Trung Gian Cho Xung Đột ở Trung Đông

-Thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) trở thành diễn đàn kêu gọi hòa bình và mở đàm phán ở Ukraine và Cận Đông. Mọi đề xuất đều được Tổng thống Vladimir Putin của Nga, nước gây chiến ở Ukraine, đón nhận "một cách tích cực", nhưng với một điều kiện được ông nêu trong buổi họp báo ngày 24/10/2024, "đàm phán dựa trên thực tế" chiến trường, nơi Nga chiếm 20% lãnh thổ Ukraine.
Nước gây chiến ở Ukraine còn cố trở thành trung gian giải quyết xung đột Trung Đông. Moussa Abou Marzouk, Cố vấn và nhà đàm phán của Hamas đóng tại Qatar, đến Mạc Tư Khoa ngày 23/10 để thảo luận với viên chức Nga về "chấm dứt các cuộc xâm lược và chiến tranh ở Gaza và trong vùng" cũng như nỗ lực của Mạc Tư Khoa để thống nhất "các phe phái Palestine". Còn Tổng thống Mahmoud Abbas, trong bài phát biểu tại cuộc họp BRICS mở rộng, đã mạnh mẽ lên án Do Thái. Đặc phái viên Anissa El Jabri của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Kazan:
"Những lời kêu gọi hòa bình không ngừng được đưa ra tại diễn đàn thượng đỉnh Kazan. Tuyên bố chung nhắc đến rất nhiều cuộc xung đột nhưng các nước thành viên BRICS lại dành những lời kêu gọi cấp bách nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhân danh chính quyền Palestine, ứng viên gia nhập nhóm BRICS từ ngày 27/08, ông Mahmoud Abbas đã đưa ra lời kêu gọi, theo lời dịch của Nga như sau:
"Thời điểm đã tới, chúng ta phải chấm dứt bạo lực, bất công và sự bành trướng hoạt động xâm lược của Do Thái. Do Thái phải chấm dứt hiện diện bất hợp pháp trên các vùng lãnh thổ Palestine và Đông Jerusalem. Nếu không thực hiện như vậy, chúng ta phải sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại họ. Chúng ta cũng phải làm việc và hợp tác với Liên Hiệp Quốc, với các bên quan tâm đến hội nghị quốc tế vì hòa bình. Vì vậy, chúng tôi cũng trông đợi vào sự ủng hộ của BRICS. Nhóm này có ảnh hưởng thực sự trên trường quốc tế và có thể giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh".
Về phần Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres vẫn giữ vững lập trường của Liên Hiệp Quốc yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động thù nghịch ở dải Gaza và một nền hòa bình công bằng ở Ukraine".


Gruzia: Đảng Cầm Quyền Thân Nga Giành Chiến Thắng Trong Cuộc Bầu Cử Quốc hội


(Hình AP - Kostya Manenkov: Thành viên Ủy ban Bầu cử tham gia kiểm phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Tbilisi, thủ đô của Gruzia, ngày 26/10/2024.)
-Ủy ban Bầu cử Trung ương Gruzia hôm 27/10/2024, thông báo đảng Giấc Mơ Gruzia đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội. Về phần mình, phe đối lập bác bỏ kết quả bỏ phiếu và cho rằng có gian lận bầu cử.
Phát biểu trong buổi họp báo, ông Giorgi Kalandarishvili, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử, cho biết đảng cầm quyền đã giành chiến thắng với 54,08% số phiếu bầu, trong khi liên minh gồm bốn phe đối lập thân phương Tây chỉ đạt được 37,58% số phiếu. Đáp lại, phe đối lập cho rằng đây là kết quả gian lận và lên án "sự tiếm quyền và một cuộc đảo chính về Hiến pháp" do đảng cầm quyền thực hiện. Trước đó, Liên Hiệp Âu Châu đã chỉ trích mạnh mẽ các chính sách của đảng này và cảnh báo rằng kết quả cuộc bầu cử sẽ quyết định việc Gruzia có được gia nhập EU hay không. Từ Tbilisi, thông tín viên Régis Genté của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Với 54% số phiếu, theo kết quả chính thức, đảng Giấc Mơ Gruzia đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Họ ăn mừng chiến thắng này với tuyên bố rằng đã nhận được một đa số rõ ràng, dù vẫn còn xa so với mục tiêu 75% mà họ đã đặt ra, cho tới tận chiều qua.

Theo các tuyên bố và các cuộc khảo sát công khai, đảng cầm quyền đã cho biết chỉ có 2 đảng đối lập được lọt vào Quốc hội tương lai. Điều này dự kiến sẽ giúp làm tăng đáng kể số ghế của đảng này tại Quốc hội, theo quy tắc tỷ lệ phiếu bầu.
Nhưng cuối cùng, đảng Giấc Mơ Gruzia sẽ phải chia sẻ ghế với 4 đảng và liên minh đối lập khác. Theo kết quả chính thức, đảng cầm quyền sẽ chiếm khoảng 60% trong tổng số 150 ghế Dân biểu. 40% còn lại sẽ được phân chia giữa các đảng đối lập, tất cả các đảng này đều đã ký vào "hiến chương" ủng hộ Âu Châu do Tổng thống Salomé Zourabichvili đề xuất. Hai trong số 4 phe đối lập từ chối công nhận kết quả này, và cả 4 đảng đều hứa sẽ xuống đường để bảo vệ lá phiếu của mình".


Tài Chánh: Pháp Tạm Thời Không Bị Moody's Hạ Điểm Tín Nhiệm


(Hình REUTERS - Mike Segar/Files: Logo của công ty thẩm định tài chánh Moody's.)
-Hôm 25/10/2024, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's của Mỹ đã tạm thời không hạ điểm tín nhiệm về nợ công đối với nước Pháp, nhưng hạ thấp đánh giá về triển vọng của Pháp.
Cụ thể, Moody's vẫn giữ nguyên hạng tín nhiệm về nợ công của nước Pháp là Aa2, nhưng hạ thấp tín nhiệm triển vọng từ "ổn định" xuống "tiêu cực". Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này cũng không loại trừ khả năng sẽ hạ điểm của nước Pháp trong những tháng tới.
Điểm Aa2 là tương đương với điểm 18/20, cao hơn một điểm so với hạng AA- mà cơ quan khác là Fitch và S&P đã xếp cho nước Pháp.

Trong bản thông cáo, cơ quan Moody's nêu rõ sự thay đổi về đánh giá phản ánh "rủi ro ngày càng tăng do chính phủ Pháp khó có thể thực hiện các biện pháp ngăn chặn thâm hụt ngân sách tăng cao hơn dự kiến". Moody's còn nhận định tình trạng suy thoái tài chánh của Pháp đã "nghiêm trọng hơn dự báo của hãng", trái ngược với các quốc gia được xếp hạng tương tự.
Nợ công của Pháp được dự báo sẽ tăng lên gần 115% GDP vào năm tới, gần gấp đôi so với mục tiêu nợ của Liên Hiệp Âu Châu là 60% GDP. Nợ của Pháp hiện ở mức hơn 3.200 tỉ Euro (3.456 tỉ Mỹ kim), tăng khoảng 1.000 tỉ Euro (1.080 tỉ Mỹ kim) kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron lên nắm quyền vào năm 2017.

Hiện giờ nợ của Pháp vẫn "hấp dẫn" đối với các nhà đầu tư, nhưng lãi suất của nợ công Pháp kể từ nay bằng với lãi suất của những nước như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, những nước bị xem là có nhiều rủi ro hơn.
Quyết định nói trên của Moody's được đưa ra vào lúc Quốc hội Pháp đang thảo luận về nỗ lực tiết kiệm 60 tỉ Mỹ kim trong dự toán ngân sách 2025 nhằm cắt giảm thâm thủng ngân sách xuống còn 5% GDP đồng thời kiểm soát được món nợ công khổng lồ.
Phản ứng về đánh giá của Moody's, trong một văn bản gởi đến hãng tin AFP, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Antoine Armand khẳng định nước Pháp "có đủ tiềm lực kinh tế" và "có khả năng tiến hành các cải tổ sâu rộng".


Đổi Giờ Hè-Đông Vẫn Không Thống Nhất Trong Liên Hiệp Âu Châu


(Hình AP - Michael Probst, minh họa, chụp tại một công viên ở Travemuende, miền Bắc Đức, ngày 26/10/2024.)
-Từ hôm 27/10/2024, nước Pháp và nhiều nước Âu Châu đổi sang giờ mùa Đông (lùi lại 1 tiếng đồng hồ).
Biện pháp đổi từ giờ mùa Hè sang giờ mùa Đông và ngược lại được thực hiện 2 lần một năm, nhằm tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên việc làm này gây nhiều tranh cãi trong Liên Hiệp Âu Châu (EU). Nghị Viện Âu Châu (EP) năm 2019 đã thông qua quyết định bỏ việc đổi giờ, gia hạn đến năm 2021 tất cả các nước thành viên thống nhất áp dụng. Nhưng đến giờ các nước vẫn không thể nhất trí. Thông tín viên Pierre Benazet của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại thủ đô Brussels của Bỉ cho biết thêm thông tin:
Không có gì thay đổi sau 3 năm. Tuy nhiên, một cuộc tham khảo ý kiến dân trong Âu Châu đã cho thấy 80% trong số họ không muốn đổi giờ nữa. Năm 2019, Nghị Viện Âu Châu đã thông qua Nghị quyết hủy bỏ việc đổi giờ. Hơn nữa, việc tiết kiệm năng lượng nhờ đổi giờ cũng không đáng kể. Mặc dù vậy, 27 nước Liên Hiệp Âu Châu vẫn không bỏ được việc đổi giờ. Đó là việc mỗi nước tự chọn, Liên Hiệp Âu Châu chỉ đóng vai trò điều phối thời điểm.

Vấn đề là ở chỗ không ai đồng ý. Các nước bắc Âu thích giữ lại giờ mùa Đông, còn các nước phía Nam thì lại muốn giờ mùa Hè. Như thế không còn là quy định chung để phối hợp giữa các nước mà hiện đại đa số ở trong cùng múi giờ.
Kết cục là vấn đề bị xếp xó. Ban đầu người ta giải thích là vì lý do dịch Covid, sau đó là phải lo phục hồi kinh tế, rồi lý do tình hình Ukraine. Giờ đây, có lẽ người ta lại chờ có cuộc khủng hoảng mới để đổ lỗi cho việc duy trì đổi giờ.
Việc đổi giờ đã bắt đầu ở Pháp từ năm 1916 và bị gián đoạn trong ba thập kỷ (1945-1976). Đến giờ, không có vẻ gì việc đổi giờ sẽ bị bỏ.


Liên Hiệp Âu Châu Trao Giải Sakharov Cho Các Nhà Đối Lập Venezuela

-Hàng năm, Liên Hiệp Âu Châu (EU) trao giải Sakharov nhằm vinh danh những cá nhân, các tổ chức và nhóm đã có những đóng góp đặc biệt trong việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng.
Giải thưởng được thông báo ngày 25/10/2024 đã dành vinh danh hai nhà đối lập Venezuela Maria Corina Machado và Edmundo Gonzalez Urrutia vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền. Đặc phái viên Jean-Jacques Héry của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Strasbourg:
"Khi Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu Roberta Metsola thông báo chính thức tên của những người đoạt giải, tất cả Nghị sĩ trong hội trường đứng dậy vỗ tay. Maria Corina Machado là thủ lĩnh của các lực lượng dân chủ Venezuela và Edmundo Gonzalez Urrutia, ứng viên đối lập với Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng Sáu vừa qua. Ông được Liên Hiệp Âu Châu coi là giành chiến thắng, cho nên ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.

Bà Roberta Metsola phát biểu giải thưởng này ghi công "Một cuộc đấu tranh dũng cảm nhằm tái lập tự do và dân chủ ở Venezuela". Đây cũng là giây phút hân hoan đối với Nghị sĩ Âu Châu người Bồ Đào Nha Sebastiao Bugalho, thuộc đảng Nhân dân Âu Châu và là một trong những người cổ vũ cho việc hai nhà đối lập Venezuela ra tranh cử Tổng thống.
Ông phát biểu: "Một ứng viên đã thắng trong cuộc bầu cử này, đó là Edmundo Gonzalez. Ở đây (Nghị Viện Âu Châu), người ta đã nói như vậy vào tháng trước khi bỏ phiếu một Nghị quyết. Ông ấy đã phải rời bỏ đất nước vì bị chế độ độc tài truy đuổi. Vì vậy chúng ta nợ Edmundo Gonzalez giải thưởng này và hơn hết chúng ta nợ giải thưởng này với tất cả những người dân Venezuela đã dũng cảm ra khỏi nhà và đi bỏ phiếu".
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào thứ Tư 18/12 trong khuôn khổ phiên họp toàn thể ở Strasbourg".


Nam Phi Được Lợi Gì Với BRICS?

-BRICS trở thành câu lạc bộ hấp dẫn cho các nước phương Nam. Là nước đầu tiên được 4 thành viên sáng lập (Ba Tây, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga) kết nạp, Nam Phi được hưởng lợi như nào từ năm 2010? Thông tín viên Claire Bargelès của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Pretoria (thủ đô của Nam Phi) giải thích:
"Theo quan điểm của chính phủ Nam Phi, diễn đàn BRICS tạo thêm một nền tảng lựa chọn để yêu cầu một trật tự thế giới mới, công bằng hơn. Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng muốn thấy trao đổi thương mại được hưởng lợi nhiều hơn từ việc là thành viên của nhóm này.
Ông phát biểu: "Chúng tôi có một lĩnh vực tài chánh hiện đại, cơ sở hạ tầng hạng nhất và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các nước thành viên khác của BRICS tham gia vào sự phát triển tăng trưởng ở Nam Phi cũng như ở phần còn lại của Phi Châu".

Tuy nhiên, cho đến nay, chủ yếu là trao đổi thương mại song phương với Trung Quốc tăng lên đáng kể, như nhận định của nhà nghiên cứu Arina Muresan tại Viện Đối thoại Toàn cầu (IGD): "Thương mại với Nga và Ba Tây ít nhiều bị đình trệ và với Ấn Độ thì tăng nhẹ nhưng rất ít so với trao đổi thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, xét về những đóng góp hữu hình, về những gì BRICS mang lại cho Nam Phi, chúng ta mới chỉ thu được những lợi ích nhỏ. Nhưng xét về những đóng góp mang tính biểu tượng hơn, đất nước đã được chú ý trên trường quốc tế. Có thể coi chủ yếu nhờ vào việc Nam Phi tham gia BRICS.
Pretoria cũng có thể hưởng lợi từ các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Mới (NBD) của BRICS kể từ khi thành lập vào năm 2014".


Drone của Nga Tấn Công Tòa Nhà Chung Cư ở Kyiv Làm Một Người Chết


(Hình REUTERS: Một tòa nhà chung cư bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga, tại Kyiv, thủ đô của Ukraine, ngày 26/10/2024.)
-Một máy bay không người lái (drone) của Nga tấn công một tòa nhà chung cư cao tầng ở thủ đô Kyiv của Ukraine vào tối thứ Sáu (25/10/2024), gây ra hỏa hoạn ở các tầng trên cùng và làm một người thiệt mạng và năm người bị thương, nhà chức trách cho biết.
Serhiy Popko, người đứng đầu chính quyền quân sự của thủ đô, cho biết hơn 100 cư dân đã được di tản khỏi tòa nhà cao tầng ở quận Solomyanskyi, nằm về phía Tây trung tâm thành phố.
Các đơn vị phòng không đã hành động trong lúc có báo động không tập kéo dài một giờ và hai giờ sau, một báo động mới được ban bố trong thành phố cho biết có drone đang bay đến.
"Các căn phòng từ tầng 17 đến tầng 21 bị hư hại trong tòa nhà chung cư ở quận Solomyanskyi", ông Popko viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram. "Các căn phòng bốc cháy ở tầng 20".

Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết một em gái tuổi vị thành niên đã chết. Một trong năm người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện và một lều sơ cứu đã được dựng lên tại hiện trường.
Cơ quan dịch vụ khẩn cấp cho biết đám cháy đã được kiểm soát. Các bức ảnh và video được đăng trên trang web của họ cho thấy lính cứu hỏa sử dụng cần cẩu dài để dập tắt đám cháy.
Ông Popko cũng cho biết các mảnh vỡ của drone rơi xuống một khoảng đất trống ở quận Shevchenkivskyi ở trung tâm. Không có thương vong nào được báo cáo.


Nga-Ukraine Trao Đổi Danh Sách Các Tù Nhân Cho Đến Nay Vẫn Bị Xem Là Mất Tích


(Ảnh AFP / Handout - tư liệu: Đợt trao đổi tù binh Ukraine-Nga ngày 31/01/2024.)
-Tại Ukraine, hàng ngàn gia đình binh lính và thường dân tại các vùng bị Nga chiếm đóng đang có hy vọng tìm lại được người thân.
Danh sách các tù nhân Ukraine bị Nga giam giữ, những người cho đến nay vẫn bị xem là mất tích, đã được Nga trao cho ủy viên Nhân quyền Ukraine Dmytro Lubinets, thông qua trung gian của Qatar. Kyiv đang muốn đẩy nhanh tiến trình trao đổi tù nhân với Mạc Tư Khoa. Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Sau chuyến thăm Qatar, ủy viên Nhân quyền Dmytro Lubinets thông báo rằng việc quốc gia vùng Vịnh làm trung gian cho Kyiv và Mạc Tư Khoa đã giúp ông nhận được danh sách tên các tù nhân Ukraine cho đến nay vẫn bị xem là mất tích.

Đây là một bước tiến, trong khi hàng ngàn gia đình vẫn đang ngóng chờ tin tức về người thân mà nhiều khi họ không có thông tin gì từ nhiều năm nay. Theo ước tính, số người mất tích, cả thường dân và binh lính, kể từ khi bắt đầu chiến tranh đến nay là khoảng 55.000 người. Mặc dù chưa biết con số người có tên trong danh sách này và tình trạng sức khỏe của họ, nhưng mọi người được Dmytro Lubinets cho biết rằng ông đã trở về Ukraine với những lá thư của tù nhân gửi cho gia đình họ.
Về tình hình nhân đạo, hàng ngàn binh sĩ Ukraine hiện đang trong tay Mạc Tư Khoa đang chịu cảnh vô cùng bấp bênh, trong các nhà tù ở Nga, đàn ông và phụ nữ bị tra tấn, bị bỏ đói và bị giam giữ trong điều kiện mất vệ sinh. Đây cũng là lý do tại sao việc thúc đẩy trao đổi tù nhân đã được thảo luận ở Qatar, nước đóng vai trò trung gian hòa giải, đặc biệt là về việc hỗ trợ hồi hương trẻ em Ukraine đã bị đưa ra khỏi nước và bị giam giữ bất hợp pháp ở Nga".

Một vụ oanh kích bằng phi đạn của Nga vào thành phố Dnipro, miền Trung-Đông Ukraine, khuya hôm 25/10/2024 đã khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có một em nhỏ. Ngoài ra, còn có 20 người bị thương, trong đó có một số thiếu niên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tố cáo "những kẻ sát nhân người Nga". Trên Telegram, thống đốc vùng, ông Serguiï Lyssak, cho biết vụ oanh kích của Nga bằng phi đạn đã làm một số ngôi nhà, chung cư, các tòa nhà của một bệnh viện bị hư hại.
Còn tại vùng thủ đô Kyiv, theo thông tấn xã AFP, đêm qua các vụ oanh kích của Nga cũng khiến 1 phụ nữ thiệt mạng và làm bị thương một thiếu niên. Trước đó, vào buổi tối, một drone của Nga phóng tới một tòa nhà cao tầng ở Kyiv, gây hỏa hoạn khiến 1 thiếu niên thiệt mạng và 6 người khác bị thương. Theo chính quyền quân sự vùng Kyiv, đây là vụ oanh kích Kyiv lần thứ 16 trong tháng 10/2024.


Nam Hàn Trình Bày Trước NATO Về Sự Hiện Diện của Binh Lính Bắc Hàn tại Nga


(Hình AP / Ng Han Guan - tư liệu, minh họa: Binh sĩ Bắc Hàn trong cuộc diễu binh kỷ niệm một 100 năm sinh nhật người sáng lập chế độ Kim Nhật Thành, ngày 5/4/2012, tại thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn.)
-Ngày 28/10/2024, một phái đoàn bao gồm các đại diện thuộc cơ quan tình báo Nam Hàn cùng các viên chức quân sự cấp cao và các nhà ngoại giao sẽ tới trụ sở của Tổ chức Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) để trình bày các thông tin thu thập được về sự hiện diện của binh lính Cộng sản Bắc Hàn tại Nga.
Phái đoàn Nam Hàn cũng có thể sẽ thảo luận về các biện pháp hỗ trợ cho Kyiv, chẳng hạn như khai triển một đơn vị giám sát. Theo Yonhap News, đơn vị này sẽ cho phép nghiên cứu và phân tích về mặt chiến thuật cũng như tổ chức quân sự của các lực lượng Bắc Hàn. Các chuyên gia về chiến tranh tâm lý của Nam Hàn cũng có thể sẽ tham gia vào đội ngũ này trong nỗ lực kêu gọi binh sĩ Bắc Hàn đầu hàng.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh có các thông tin cho rằng quân đội Bình Nhưỡng đang được khai triển ồ ạt tại khu vực Kursk, phía Tây-Nam nước Nga, nơi quân đội Ukraine chiếm đóng từ tháng 8. Tuy nhiên, nhìn từ phía Trung Quốc, đồng minh của cả Bắc Hàn và Nga, thì sự hiện diện quân sự này đưa Bắc Kinh vào tình thế khó xử. Từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, thông tín viên Cléa Broadhurst của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích cụ thể:
"Trung Quốc đang trong tình thế nhạy cảm trước những thông tin về việc Bắc Hàn gửi quân đến Ukraine. Dù các nguồn tin phương Tây và Nam Hàn đều xác nhận rằng Trung Quốc biết về quyết định này, nhưng Bắc Kinh vẫn phủ nhận. Nước này cho biết giữ lập trường trung lập và kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, nhằm tránh bị coi là can dự trực tiếp.
Trung Quốc ủng hộ Nga, đồng minh chiến lược của họ, nhưng vẫn luôn giữ giới hạn không trực tiếp tham gia quân sự. Trung Quốc cố gắng tận dụng mối quan hệ đồng minh này đồng thời bảo vệ các quan hệ kinh tế với Mỹ và Âu Châu. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện lập trường ủng hộ an ninh toàn cầu nhưng không cô lập Mạc Tư Khoa.

Sự hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Hàn có thể bao gồm cả việc chuyển giao kỹ thuật nhạy cảm, như phi đạn và tàu ngầm. Bị áp lực, Mạc Tư Khoa có thể chấp nhận chia sẻ những tiến bộ này với Bình Nhưỡng, nhằm giúp tăng cường năng lực quân sự của Bắc Hàn và gây mất ổn định trong khu vực. Điều này khiến Trung Quốc lo ngại vì nước này muốn tìm cách hạn chế căng thẳng quanh bán đảo Triều Tiên.
Vì vậy, Bắc Kinh phải cố gắng giữ vị thế cân bằng một cách tế nhị để bảo vệ lợi ích kinh tế và chiến lược của mình đồng thời tránh bị cô lập về mặt ngoại giao".


Trung Quốc "Thanh Lọc" Mạng Internet

-Trung Quốc muốn làm trong sáng ngôn ngữ trên mạng xã hội, kể cả những ẩn ý, từ mượn để lách kiểm duyệt. Gần đây, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), hợp tác với Bộ Giáo dục, thông báo khai triển một chiến dịch đặc biệt mang tên "Làm rõ và quản lý việc sử dụng ngôn ngữ trực tuyến".
Thông tín viên Cléa Broadhust của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Bắc Kinh:
"Chiến dịch khuyến khích việc sử dụng tiếng Quan Thoại chính xác và hạn chế sự phổ biến các phương ngữ và tiếng lóng trên internet, bị coi là có hại cho các chuẩn mực ngôn ngữ. Chiến dịch nhằm mục đích giảm sử dụng cách chơi chữ và những cụm từ mới thường được sử dụng để tránh kiểm duyệt.
Ví dụ: chế độ độc tài, dù ở bất kỳ nơi nào, cũng trở thành "chủ nghĩa tập trung dân chủ", việc cắt giảm tài trợ là "kinh tế và hiệu quả", thất nghiệp trở thành "việc làm linh hoạt" và khủng hoảng chính trị là "những bước ngoặt thăm dò".

Quy chế này chủ yếu là nhằm tìm cách ngăn chặn việc phổ biến các thuật ngữ nhạy cảm về chính trị, liên quan đến những chỉ trích chính phủ, chủ nghĩa xét lại lịch sử hoặc các chủ đề nhạy cảm như Đài Loan, Hồng Kông và nhân quyền.
Chiến dịch này cũng nhắm đến thanh niên, có nhiều khả năng sử dụng tiếng lóng trực tuyến hơn, điều mà chính phủ coi là mối đe dọa đối với bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống của Trung Quốc. Mục tiêu là tạo ra một môi trường trực tuyến "tích cực" và "lành mạnh" hơn.
Các nền tảng như WeChat, Weibo và Douyin phải giám sát và lọc nội dung để bảo đảm tuân thủ các quy tắc ngôn ngữ này…. Và các cơ quan chức năng được khuyến khích tập trung vào việc làm sạch thông tin ngôn ngữ bị coi là bất thường và thiếu văn minh, đồng thời thực thi nghiêm ngặt nhiệm vụ cải chính".


Quân Đội Trung Quốc Tập Trận Quanh Đảo Đài Loan Sau Khi Hoa Kỳ Thông Báo Thương Vụ 2 Tỉ Mỹ Kim Vũ Khí Cho Đài Bắc


(Hình AFP / I-Hwa Cheng: Tổng thống Đài Loan, Lại Thanh Đức thăm một đơn vị phòng không sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận xung quanh đảo, ngày 18/10/2024.)
-Trung Quốc đã khai triển nhiều chiến đấu cơ và drone tham gia cuộc tập trận chung chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu xung quanh đảo Đài Loan vào Chủ Nhật (27/10/2024). Đài Bắc hôm 27/10 loan tin như trên, sau khi chính quyền Hoa Kỳ hôm 25/10 thông báo đã thông qua thương vụ bán vũ khí với tổng trị giá lên đến gần 2 tỉ Mỹ kim cho Đài Loan.
Trong số các vũ khí bán cho Đài Loan mà Hoa Thịnh Ðốn thông qua lần này có các hệ thống phi đạn địa-đối-không với tổng trị giá hơn 1,16 tỉ Mỹ kim và các hệ thống radar trị giá 828 triệu Mỹ kim. Thương vụ này đang chờ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Theo thông tấn xã AFP, Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 27/10 cho biết đã phát giác 19 máy bay của Trung Quốc, gồm 19 chiến đấu cơ và drone, gần đảo Đài Loan trong vòng gần 4 tiếng đồng hồ. Các phi cơ này được xem là do Bắc Kinh điều đến để tham gia "cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu chung" với các chiến hạm của Trung Quốc. Đây là cuộc tuần tra thứ ba của quân đội Trung Quốc mà Bộ Quốc phòng Đài Loan ghi nhận trong tháng 10/2024.

Bộ Quốc phòng Đài Loan đang theo dõi chặt chẽ tình hình với các hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát chung; khai triển máy bay, chiến hạm và hệ thống phi đạn trên mặt đất để sẵn sàng ứng phó.
Sự việc diễn ra một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Bắc Kinh tuyên bố thương vụ mới của Mỹ bán vũ khí cho Đài Bắc "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định" ở eo biển Đài Loan. Trong thông cáo, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh lên án mạnh mẽ và đã gửi công hàm phản đối chính thức đến Hoa Kỳ. Bắc Kinh cũng nói thêm là "sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia".
Xin nhắc lại, Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và phải được thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Từ một tuần nay, Bắc Kinh không ngừng gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Bắc, với các cuộc diễn tập quân sự bao vây đảo Đài Loan, tập trận bắn đạn thật và cho hàng không mẫu hạm đi qua eo biển Đài Loan.


Nhật Bản: Giới Trẻ Thờ Ơ Với Cuộc Bầu Cử Quốc hội Trước Thời Hạn


(Hình AP - Eugene Hoshiko: Bên ngoài một địa điểm bầu cử Hạ viện Nhật Bản, thủ đô Tokyo, ngày 23/10/2024.)
-Hôm 27/10/2024, cử tri Nhật Bản được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu Hạ viện trước thời hạn.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đảng Dân chủ Tự Do (DPL) cầm quyền hầu như liên tục từ năm 1955, đang có dấu hiệu suy yếu do các vụ bê bối trong nội bộ và đất nước bị lạm phát và có nguy cơ bị mất đa số. Tuy nhiên phần đông cử tri Nhật, đặc biệt giới trẻ không quan tâm đến những thách thức của giới lãnh đạo chính trị, không muốn tham gia bầu cử. Thông tín viên Bruno Duval của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Tokyo ghi nhận qua phóng sự:
Ở kỳ bầu cử Quốc hội trước cách nay ba năm, 6 trên 10 thanh niên Nhật Bản không đi bỏ phiếu, tức là nhiều hơn cả tỷ lệ cử tri vắng mặt trong tống thể các độ tuổi là 45%.

Những sinh viên ở Tokyo này cũng vậy, họ không định đi bỏ phiếu.
Một nữ sinh viên cho biết: "Tôi không bao giờ thấy bố mẹ tôi đi bỏ phiếu, có lẽ tôi không đi thì cũng không có vấn đề gì".
Một nam thanh niên: "Tôi có thể sẽ đi bỏ phiếu nếu có thể thực hiện bằng một cái bấm qua máy điện toán hay điện thoại thông minh của tôi. Nhưng phải xếp hàng trước phòng bỏ phiếu thì không".
Một người khác: "Đi bầu để làm gì? Vẫn là đảng đó nắm quyền… và chắc chắn chẳng bao giờ thay đổi!"
Một sinh viên khác nói thêm: "Dẫu sao thì các chính trị gia của chúng tôi đâu có để ý đến giới trẻ, họ chỉ quan tâm đến người già thôi".
Gần 1/3 dân Nhật ở độ tuổi từ 65 trở nên. Các cử tri ở lứa tuổi này ít vắng mặt và luôn là ưu tiên số 1 của các lãnh đạo Nhật. Giới trẻ không được qua tâm, ví dụ, tại Nhật Bản, chi phí cho giáo dục chỉ chiếm 8% chi tiêu công.Ở các nước công nghiệp khác tỷ lệ này trung bình là 12%.
Tầng lớp chính trị Nhật cũng khá cao tuổi. Một yếu tố không kích thích giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ, đi bỏ phiếu, đó là giới chính trị Nhật chiếm chủ yếu là nam giới. Có tới 90% Dân biểu mãn nhiệm, cũng như các Bộ trưởng, là nam giới.
Và 3/4 ứng viên của kỳ bầu cử này cũng là đàn ông.


Ít Nhất 126 Người Chết và Mất Tích Trong Lũ Lụt và Lở Đất Lớn ở Phi Luật Tân


(Hình AP: Bức ảnh do Văn phòng Truyền thông Tổng thống Malacanang cung cấp cho thấy nhà cửa bị hư hại do Bão nhiệt đới Trami gây ra ở Laguna de Bay, tỉnh Laguna, Phi Luật Tân, ngày 25 tháng 10 năm 2024.)
-Số người chết và mất tích trong lũ lụt và sạt lở đất lớn do Bão nhiệt đới Trami gây ra ở Phi Luật Tân lên tới gần 130 người và Tổng thống nước này nói hôm thứ Bảy (26/10/2024) rằng nhiều khu vực vẫn bị cô lập với những người cần được giải cứu.
Trami quét qua vùng Tây-Bắc Phi Luật Tân vào ngày thứ Sáu, khiến ít nhất 85 người chết và 41 người khác mất tích trong một trong những cơn bão gây chết chóc và tàn phá nhất ở quần đảo này tính đến thời điểm này trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa của chính phủ cho biết. Số người chết dự kiến sẽ tăng lên khi có báo cáo từ các khu vực trước đây bị cô lập.
Tổng thống Ferdinand Marcos, đi thị sát một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở phía Đông-Nam Manila vào ngày thứ Bảy, cho biết lượng mưa lớn bất thường do cơn bão đổ xuống – bao gồm ở một số khu vực có lượng mưa chỉ trong 24 tiếng đồng hồ bằng một đến hai tháng – đã vượt quá khả năng kiểm soát lũ lụt ở các tỉnh bị Trami tàn phá.

"Nước quá nhiều", ông Marcos nói với các phóng viên.
"Chúng ta vẫn chưa hoàn tất công tác cấp cứu", ông nói. "Vấn đề của chúng ta ở đây là vẫn còn nhiều khu vực bị ngập lụt và ngay cả xe vận tải lớn cũng không tiếp cận được".
Tổng thống nói chính quyền của ông sẽ lên kế hoạch bắt đầu thực hiện một dự án kiểm soát lũ lụt lớn có thể ứng phó với các mối đe dọa chưa từng có do biến đổi khí hậu gây ra.
Cơ quan chính phủ cho biết có hơn 5 triệu người nằm trên đường đi của cơn bão, bao gồm gần nửa triệu người chủ yếu chạy đến tá túc ở hơn 6.300 nơi trú ẩn khẩn cấp ở một số tỉnh.
Trong một cuộc họp Nội các khẩn cấp, ông Marcos nêu lên lo ngại về các báo cáo của cơ quan dự báo thời tiết của chính phủ rằng cơn bão có thể quay đầu vào tuần sau khi bị gió áp suất cao ở Biển Đông đẩy ngược trở lại.
Cơn bão được dự báo sẽ ập vào Việt Nam vào cuối tuần nếu nó không đổi hướng.


Nam Dương Đang Bước Vào Thời Kỳ Quyền Lực Cứng Rắn và Chính Trị Gia Tộc?

-Ngày 20/10, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, 73 tuổi, đã chính thức nhậm chức Tổng thống Nam Dương, quốc gia có 280 triệu dân với đa số là người Hồi giáo. Thắng lợi bầu cử với số phiếu 58,6% của ông Prabowo xác lập tính gia tộc, "truyền ngôi" trong chính trị Nam Dương.
Thông tín viên Nguyễn Giang của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ thủ đô Đài Bắc của Đài Loan:
"Để lập được một liên minh có sức nặng ra tranh cử, ông Prabowo đã có cú lựa chọn ngoạn mục là nhận ông Gibran Raka, con trai của Tổng thống từ nhiệm Joko Widodo (tức Jokowi) làm ứng viên Phó Tổng thống.
Tòa Hiến pháp Nam Dương năm 2023 đã hạ tuổi cần thiết để một chính trị gia có thể ra tranh cử Phó Tổng thống từ 40 xuống 36, giúp cho Gibran đạt tiêu chuẩn. Chánh án phiên tòa, ông Anwar Usman là em rể của Tổng thống Jokowi. Bản thân ông Prabowo là con rể của cố Tổng thống, nhà độc tài Suharto trước 1989 và nữ Chủ tịch Quốc hội, Puan Maharani, là con gái nữ cựu Tổng thống Megawati và là cháu ngoại cố Tổng thống Sukarno.

Điều gây ra lo ngại về di sản "dân chủ thụt lùi" sau 10 năm ông Jokowi cầm quyền còn là xu thế để cho quân đội quay trở lại nắm các chức vụ dân sự và việc nhà nước kiểm soát báo chí mạnh hơn.
Chính phủ Nam Dương đã phục hồi một số luật cũ từ năm 1945 và thời kỳ "Kỷ cương Mới" (New Order) dưới quyền ông Suharto, để cho phép chừng 400 tướng tá được biệt phái sang nắm các chức vụ dân sự gồm cả ngành tòa án. Mới nhất đây, chức tân Bộ trưởng Ngoại giao được trao cho ông Sugiono, một cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Kopassus khét tiếng.
Một luật khác có hiệu lực từ 2026 hạn chế quyền của bất cứ ai chỉ trích Nhà nước và một luật về truyền thông đang được thảo luận dự kiến sẽ cấm nhà báo mở các phóng sự điều tra.
Trước khi nhậm chức, ông Prabowo đã sang Mạc Tư Khoa thăm ông Putin và chọn Nga như một chân của kiềng ba chân, bên cạnh hợp tác kinh tế với Trung Quốc và quan hệ an ninh với Hoa Kỳ. Những năm tới Jakarta sẽ ưu tiên quan hệ với các nước lớn, có sức mạnh tài chánh hoặc quân sự, chứ không còn giữ vị thế đàn anh trong ASEAN để nâng đỡ các nước nhỏ và yếu như Nam Dương đã làm trong Phong trào Không liên kết sau Ðệ nhị Thế chiến".


Cơ Quan Phi Đạn của Mỹ Thu Hẹp Kế Hoạch Phòng Thủ ở Guam


(Ảnh chụp màn hình.)
-Một hệ thống phòng thủ phi đạn trị giá hàng tỉ Mỹ kim được đề xuất cho Guam được giảm xuống còn 16 địa điểm trên đảo từ 22 địa điểm ban đầu, Cơ quan Phòng thủ Phi đạn Hoa Kỳ cho biết trong một bản Dự thảo tuyên bố về tác động môi trường vào ngày thứ Sáu (25/10/2024).
Dự án được thiết kế để tạo ra sự bảo vệ "360 độ" cho lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng phi đạn và trên không dưới mọi hình thức, cơ quan này cho biết. Các kế hoạch bao gồm tích hợp SM-6 của Raytheon, SM-3 Block IIA, THAAD của Lockheed Martin, và Patriot PAC-3, vốn sử dụng các cấu phần từ cả hai công ty này, trong khoảng 10 năm.
Nghiên cứu tác động môi trường, bắt đầu vào năm 2023 và bao gồm giai đoạn lấy ý kiến công chúng trong năm nay, đề xuất "khai triển, vận hành, và bảo trì kết hợp các cấu phần tích hợp cho phòng thủ phi đạn và phòng không được bố trí tại 16 địa điểm" trên đảo. Báo cáo không nêu lý do tại sao số lượng địa điểm bị cắt giảm.

Tất cả 16 địa điểm còn lại đều nằm trên tài sản quân sự của Mỹ
Dự án này hệ trọng đối với Mỹ và các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì nó cung cấp một trung tâm hậu cần cách xa bờ biển của Mỹ - Guam gần Trung Quốc hơn Hawaii.
Kho phi đạn-đạn đạo chính quy khổng lồ của Trung Quốc bao gồm DF-26, với tầm bắn ước tính khoảng 4.000 cây số, cũng có thể mang đầu đạn nguyên tử và đầu đạn chống hạm. Các loại vũ khí mới hơn đang được phát triển, chẳng hạn như phương tiện lướt siêu thanh DF-27, đang thu hút sự chú ý ngày càng nhiều từ các nhà hoạch định quân sự của Mỹ.
"Đó là một căn cứ hoạt động tiền phương cho máy bay ném bom tầm xa và là một cảng cho tàu thuyền, để các tàu Hải quân có thể ra khơi từ đó", Peter Layton, một chuyên gia quốc phòng và hàng không tại Viện Griffith Á Châu ở Úc Ðại Lợi nói. "Chắc chắn những địa điểm ở Nhật Bản và Phi Luật Tân gần hơn nhiều (so với Trung Quốc)... nhưng dễ nằm trong tầm ngắm hơn nhiều".
Sẽ có các cuộc họp công khai tại Guam vào tháng sau để thảo luận về báo cáo ngày thứ Sáu, theo tuyên bố của Cơ quan Phòng thủ Phi đạn Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét