Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Tin Tong Hop - Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy nhận quyết định thi hành án - RFA

Nhà hoạt động nhân quyền Huỳnh Thục Vy, người bị tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù với cáo buộc "xúc phạm quốc kỳ" vừa bị Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk tống đạt quyết định thi hành án đối với người bị xử án phạt tù được tại ngoại. Theo quyết định này, trong vòng 7 ngày bà Huỳnh Thục Vy phải có mặt ở trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an thị xã Buôn Hồ để chấp hành án, nếu quá thời hạn mà không có mặt, bà Vy sẽ bị áp giải thi hành án. Tuy nhiên đáng lẽ là cô Huỳnh Thục Vy đang có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thuộc diện được hoãn thi hành án.
<!>
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đại diện pháp lý cho bà Huỳnh Thục Vy cho chúng tôi biết vào tối 4/1/2019 về quyết định này:
“Thật ra quyết định đó không sai vì vào thời điểm tòa án xét xử thì đúng là cô Huỳnh Thục Vy đang có thai, nhưng đến thời điểm này thì theo quy định, trong khi bản án ra thì cơ quan thi hành án sẽ yêu cầu thi hành án, họ không rõ tình trạng mang thai của cô Vy có còn giữ nguyên đến thời điểm này hay không. Vì vậy cơ quan thi hành án họ cứ ra văn bản như vậy đã, còn mình là công dân và văn bản đó không bảo đảm quyền lợi của mình thì nình phải báo cho cơ quan thi hành án biết. Nếu cô Vy vẫn vẫn đang có thai thì đương nhiên cô sẽ được hoãn hình phạt”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm rằng ông nghĩ bà Vy sẽ đến và nên đến để chứng minh tình trạng của bản thân.
Xin nhắc lại, sáng 2/11/2018, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Buôn Hồ tống đạt bản Cáo trạng trong đó quyết định truy tố cô Huỳnh Thục Vy với cáo buộc “Xúc phạm Quốc kỳ” theo điều 276 Bộ luật hình sự cũ năm 1999. Bộ Luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam quy định: “Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Đến ngày 30/11/2018, tòa án tại Buôn Hồ, tỉnh Dak Lak tuyên Huỳnh Thục Vy bản án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ theo điều 276 Bộ Luật Hình Sự.
Trước phiên xử một ngày, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế- Amnesty International ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ đối với nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy mà tổ chức này cho là một cáo buộc lố bịch và tấn công vào quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.
Được biết vào thời điểm xử án, bà Huỳnh Thục Vy đang mang thai và có một con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
 
Năm 2018: Tù nhân lương tâm gấp 3,5 lần năm 2017
 
 
Năm 2018 đi qua với con số kỷ lục về tù nhân lương tâm bị bắt. Điều này nói lên bức tranh nhân quyền ở Việt nam chưa bao giờ ảm đạm đến thế. 
Mở đầu năm 2018 là Vũ Hùng. Anh bị bắt ngày 4/1 sau khi vừa rời buổi kỷ niệm sinh nhật Hội giáo chức Chu Văn An về. Buổi họp mặt bị an ninh theo dõi chặt chẽ. Khi ra về, anh bị hai tên côn đồ gây sự rồi đánh. Anh phản ứng thì bị bắt và sau đó bị qui chụp tội danh cố ý gây thương tích. 
Tiếp theo là Đỗ Công Đương. Anh bị bắt ngày 24/1 khi đang quay cảnh cưỡng chế đất ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Anh bị cáo buộc tội danh gây rối trật tự công cộng và tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, tổng hai mức án là 9 năm.
Ngày 9/2, Nguyễn Văn Trường (Thái Nguyên) bị bắt với cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ (đăng bài lên mạng)
Ngày 8/5 là Nguyễn Duy Sơn (Thanh Hóa) nguyên cán bộ quản lý học sinh, sinh viên của Trường Dự bị Đại học Sầm Sơn. Anh bị cáo buộc nói xấu lãnh đạo đảng và nhà nước trên mạng xã hội.
Ngày 27/5, Nguyễn Trung Lĩnh bị bắt sau khi ra lời kêu gọi biểu tình và đăng trên trang facebook cá nhân. Nếu tính cả một lần bị bắt không thành án và 1 lần bị đưa vào trại tâm thần thì đây là lần thứ 3 anh bị bắt.
Ngày 6/6, Nguyễn Hồng Nguyên (Cần Thơ) bị bắt do viết bài “nói xấu lãnh đạo”. Trương Đình Khang cũng ở Cần Thơ bị bắt vào ngày 13/6, khi viết bài “nói xấu lãnh đạo” mới được 1 tuần. 
Ngày 12/6 là Nguyễn Văn Quang (Thanh Hóa) do đăng thông tin được coi là chống phá nhà nước và 14/6 là Trương Hữu Lộc (Tp HCM) do "livestream" kêu gọi biểu tình.
Ngày 5/7, Lê Anh Hùng (Hà Nội) bị bắt sau những nỗ lực tố cáo một số lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và giăng biểu ngữ đòi bắt tổng bí thư đảng CSVN, bí thư thành ủy Hà Nội tại những nơi công cộng.
Ngày 7/7, Tp HCM bắt một lúc 5 người: Trần Long Phi, Thomas Quốc Bảo, hai cha con ông Huỳnh Đức Thịnh (cha), Huỳnh Đức Thanh Bình (con) và ông Michael Nguyễn Phương Minh, công dân Mỹ trong lúc họ đang trên đường về Sài Gòn. 5 người này bị qui kết hoạt động lật đổ chính quyền.
Ngày 29/8, Bình Định bắt Lê Quốc Bình. Anh bị cáo buộc là thành viên đảng Việt Tân mang vũ khí về VN để... khủng bố. Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ vì hình ảnh trên báo chí chỉ là bức ảnh những bộ phận súng hơi và ghép thêm hình anh vào. Không hiểu tại sao công an không có hình ảnh nào khả dĩ hơn để cung cấp cho báo chí.
Ngày 31/8 Bến Tre bắt Nguyễn Ngọc Ánh (quê ở Hà Nội) với cáo buộc làm, tàng trữ tuyên truyền thông tin, tài liệu chống phá Nhà nước. 
Ngày 1/9, Cần Thơ bắt Đoàn Khánh Vinh Quang và Bùi Mạnh Đồng vì đăng thông tin lên mạng. 
Trong mấy ngày đầu tháng 9, Tp HCM bắt 9 người thuộc nhóm Hiến pháp gồm Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng, Đỗ Thế Hoá, Trần Hoàng Lan, Hùng Hưng, Hồ Văn Cương, Trần Phương, Huỳnh Trương Ca và Phạm Thảo với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Sau Phạm Thảo được thả nên còn lại 8 người. 
Lê Minh Thế (Cẩn Thơ) bị bắt ngày 10/10 với cáo buộc Lợi dụng quyền tự do dân chủ. Phương Lê (Kon Tum) và Đặng Thanh (Trà Vinh) chưa rõ bị bắt vào ngày tháng nào.
Đó là những cá nhân hay nhóm lẻ, bị bắt vì những hoạt động trái ý nhà cầm quyền. Con số này của năm 2018 là 30 và có thể bị bỏ sót. 
Nhưng con số làm cho số TNLT tăng đột biến trong năm 2018 là những người bị bắt về hoạt động biểu tình chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng trong những ngày 10 và 11/6.
*Tại Bình Thuận:
Ngày 12/7, Thành phố Phan Thiết kết án 7 người biểu tình đêm 11/6.
Ngày 23/7, Huyện Tuy Phong kết án 10 người biểu tình ngày 10/6 ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.
Ngày 26/9, Huyện Bắc Bình kết án 15 người biểu tình ở xã Phan Rí Thành ngày 11/6.
Ngày 31/10, Tp Phan Thiết kết án 30 người biểu tình chiều tối 10/6.
Ngày 29/11, Huyện Bắc Bình kết án 9 người biểu tình ngày 11/6 ở xã Phan Rí Thành.
Như vậy, chỉ riêng tỉnh Bình Thuận, trong 5 phiên tòa đã kết án 71 người tham gia biểu tình trong 2 ngày 10 và 11/6.
*Tại Đồng Nai: Ngày 30/7, Tp Biên Hòa kết án 20 người biểu tình ngày 10/6.
*Tại Tp HCM: Ngày 8/10/2018, quận 3 kết án bốn thanh niên biểu tình ngày 10/6.
Ngày 17/10, quận Bình Tân kết án 3 công nhân Công ty Pouyuen biểu tình ngày 11/6
*Tại Ninh Thuận: Ngày 22/8, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm kết án 6 người biểu tình vào tối 10/6, rạng sáng 11/6.
*Tại Khánh Hòa: Ngày 18/9, Tp. Nha Trang kết án 2 người tham gia biểu tình ngày 10/6.
Một cuộc biểu tình vô cùng đông đảo, qui tụ mọi thành phần dân chúng nhằm chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng tại Sài Gòn hôm 10/6/2018.
Một cuộc biểu tình vô cùng đông đảo, qui tụ mọi thành phần dân chúng nhằm chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng tại Sài Gòn hôm 10/6/2018.
Con số tham gia các cuộc biểu tình chống Dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng ước tính có thể lên tới con số trăm nghìn người tuy không có tổ chức nào đứng ra kêu gọi mà chỉ là những lời kêu gọi lẻ tẻ của một vài nickname nào đó không có danh tính rõ ràng như thường thấy. Điều này làm cho nhà cầm quyền hoàn toàn bất ngờ. Chính vì vậy, chủ nhật tiếp theo, 17/6, họ đã chủ động dập tắt ngay từ đầu, nhiều cuộc đàn áp, bắt bớ, đánh đập dã man đã xảy ra. Có nhiều người chỉ vì đứng ngoài phố cũng bị bắt mà không hiểu tại sao. Riêng TP HCM, nếu ngày 10/6 có 310 bị bắt thì ngày 17/6 biểu tình không nổ ra được nhưng công an cũng bắt tới 179 người.
Sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân vào các cuộc biểu tình chống Luật đặc khu nói lên thái độ của người dân với chủ quyền của đất nước. Đó là tinh thần “không Trung Quốc” một cách dứt khoát của người Việt Nam. Điều này gây rất nhiều khó khăn trở ngại cho nhà cầm quyền trong việc lựa chọn bạn và đối tác chiến lược toàn diện. Ý đảng, lòng dân khác có một khoảng cách vô cùng lớn trong vấn đề này.
Như vậy, trong đợt biểu tình chống Dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, đã có 106 người ở các tình thành: Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Tp. HCM bị kết án. Trong đó, riêng tỉnh Bình Thuận, con số này đã là 71. Tất cả đều bị quy kết tội danh gây rối trật tự công cộng. Đáng chú ý là trong số tù nhân biểu tình, đa số là thanh niên, có nhiều em còn ở tuổi vị thành niên.
106 án tù (trong đó có 10 án tù treo) không phải là vô ích mà những năm tháng tù đày của họ đã đổi lấy việc nhà cầm quyền hoãn không thời hạn việc thông qua Dự Luật Đặc khu. 
Cộng với 30 người bị bắt ngoài nguyên nhân biểu tình, nâng tổng số tù nhân lương tâm trong năm 2018 lên tới con số 136 người. Đây chưa phải là con số đã chính xác do có thể trường hợp không có thông tin tới cộng đồng, có thể có người bị bắt chưa kết án hoặc gia đình không biết thông tin. Chẳng hạn anh Trần Thanh Phương, thợ may ở Tp HCM đi biểu tình bị công an bắt ngày 1/9, hơn ba tháng sau gia đình vẫn không biết tin tức gì về anh. 
So với 38 người bị bắt năm 2017 thì năm 2018, con số này gấp 3,5 lần.
Năm 2018 cũng là năm đầu tiên có và có rất nhiều người bị bắt vì biểu tình. Điều này nói lên nhà cầm quyền rất sợ tiếng nói đông đảo, đồng lòng của người dân và giải thích tại sao, đảng CSVN hoãn đi hoãn lại việc cho phép Quốc hội ra luật biểu tình. 
NGUYỄN TƯỜNG THỤY - Blog Nguyễn Tường Thụy

 Sự hủ bại của vợ chồng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và các thuộc cấp

Nguyễn Văn Đài – RFA
 


Các hoạt động mang tính chất lợi dụng chức vụ quyền hạn hay tham nhũng khác của các quan chức cộng sản và vợ con thường diễn ra khá kín đáo. Hiếm khi người dân, hay các cơ quan truyền thông có thể biết nếu như không có sự tiết lộ tình cờ hay cố ý của những người trong cuộc.
Trong vụ việc hai xe biển xanh của Bộ công thương vào tận cầu thang máy bay để đón vợ của Trần Tuấn Anh, “Lúc phi cơ vừa hạ cánh, tất cả hành khách kể cả người đi hạng thương gia đều phải đứng nép sang một bên, nhường đường cho bà Thủy Hương bước xuống. Phía dưới cầu thang, ngoài chiếc xe biển xanh chờ sẵn, có cả đội công an dẫn đoàn. Không khí đón bà Hương được ghi nhận hết sức trang nghiêm và kính cẩn”. ban đầu là do hai đại biểu quốc hội tiết lộ cho Báo Người Lao động, rồi sau đó hàng loạt các báo cùng đồng loạt đưa tin.
Ảnh: Người mẫu Thuỷ Hương, vợ bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Ngày 5/1 đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc vội vàng đưa ra công văn của Văn phòng Bộ Công Thương ký ngày 3/1 về việc đón tiễn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Theo công văn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ đi công tác tại TP.HCM từ ngày 3-4/1/2019.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ rời TP.HCM trở lại Hà Nội lúc 17h00 ngày 4/1 trên chuyến bay VN262 của hãng Vietnam Airlines. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng các cơ quan liên quan cho phép cán bộ của Bộ Công Thương được đón Bộ trưởng tại khu vực sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A.
Vẫn theo đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Bộ Công Thương đăng ký 2 xe vào đón Bộ trưởng, trong đó có một xe biển 80B 5645.
Thế nhưng theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, trong 2 ngày 3 và 4/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc tại Hà Nội và tham dự một số sự kiện quan trọng.
Cụ thể, trong ngày 3/1, vào buổi sáng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại trụ sở Bộ này.
Bộ trưởng Công Thương cũng đã có phát biểu tại đây.
Còn trong ngày 4/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục làm việc tại Hà Nội. Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với ông Khammany Inthirath, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào tại trụ sở.
Hai Bộ trưởng đã trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực điện lực.
Buổi chiều 4/1, tại trụ sở Bộ, Trần Tuấn Anh đã dự và trực tiếp trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho  Lê Triệu Dũng, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương).
Quan diễn biến sự việc kể trên chúng ta có thể thấy sự suy thoái về nhân cách, đạo đức, lối sống và sự gian dối giữa các cơ quan, giữa các quan chức với nhau như thế nào trong chế độ cộng sản.
Trần Tuấn Anh mới chỉ là Bộ trưởng công thương mà đã để cho vợ con và thuộc cấp sử dụng xe công bừa bãi, làm công văn gian dối, lừa đảo. Đây chỉ là những việc vừa bị phơi bày, còn trong bóng tối, chúng làm biết bao chuyện phá hoại đất nước mà chưa bị lộ?
Trần Tuấn Anh buộc phải biết về những việc làm của các thuộc cấp và vợ con của y. Tôi cho rằng đây chỉ là lần đầu tiên bị phơi bày ra công luận chứ không phải lần đầu tiên mà họ sử dụng xe công và làm ra các công văn gian dối, lừa đảo.
Chuyện gì sẽ xảy cho quốc gia, dân tộc nếu sắp tới đây Trần Tuấn Anh lên Thủ tướng hay Chủ tịch nước?
Chủ lò Nguyễn Phú Trọng sẽ xử lý vụ này như thế nào khi Trần Tuấn Anh đang là đương kim Bộ trưởng lại đã từng là thái tử của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương?
Người dân Việt Nam còng lưng đóng thuế thì không thể để cho các quan chức cộng sản sử dụng bừa bãi , làm càn, sống sa hoa, hủ bại trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của Nhân dân.
Việt Tin - www.viettin.de/node/381 

Thương Cho Một Thân Phận!

 
Hôm nay tôi đọc được tin trên báo chí nhà nước loan tải 2 cựu thứ trưởng bị đề nghị 3- 12 năm tù mà cảm thấy vô cùng căm phẩn cho một thể chế độc tài.
 
Tôi không bàn đến gốc độ những sai phạm và tình tiết phe nhóm nào... mà tôi so sánh với một bản án về đảng cộng sản kết tội với Chú Lê Đình Lượng mà xót cho một thân phận công dân mà dân tộc này đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong bởi một lũ tay sai cầm quyền.
 
Với những sai phạm khi quyền lực trong tay thì Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân gây ra điều đó không ai phủ nhận, nhưng để gây hậu quả thiệt hại mà báo chí loan tin 1000 tỉ. 1000 tỉ đồng tiền thuế của dân nộp mà chúng nó tưởng như 1 đồng, trước nền kinh tế khó khăn, dân ta còn nghèo, đúng ra chúng nó phải bị bắn tất để làm gương cho kẻ khác, tôi là người không ủng hộ bản án tử hình, nhưng với loại quan chức cộng sản thì bắn càng nhiều tôi càng ủng hộ.
 
Thế mà tội tày trời như vậy, gây kéo lùi một nền kinh tế, đẩy hàng ngàn hộ gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất, lang thang vì vô gia cư, ngủ bờ ngủ bụi khi mỗi dự án của Vũ Nhôm được thông qua, kéo theo đó là cưỡng chế và đàn áp dùi cui, như Vườn Rau Lộc Hưng hiện tại, một lũ ác ôn như thế thì đem ra xử bắn ngàn lần dân càng vui, mặc dù một người không ủng hộ bản án tử hình tôi cũng vui. Ai mà không căm hận chứ?
 
Còn chuyện thanh trừng phe cánh, tranh chấp quyền lực hay đè nhau ra để thịt để cướp của nhau thì tôi không quan tâm, tôi chỉ biết một người công dân như chú Lê Đình Lượng một người dân chưa từng gây thiệt hại 1 ngàn đồng nào từ thuế của dân, chưa từng cưỡng chế nhà dân, chứng từng gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và chính trị.. không những không gây hậu quả nghiêm trọng mà Chú Lượng còn góp ý cho thể chế trong sạch hơn, và bảo vệ người dân đòi quyền lợi của các em học sinh bị nhà trường lạm thu, đòi quyền lợi cho đông bào Miền Trung bị bọn giặc FORMOSA gây hậu quả biển chết mà chế độ đã bảo vệ giặc FORMOSA và bỏ tù chú ấy? Mà bỏ tù mức án vô cùng tàn ác là 20 năm tù giam. Thương cho một thân phận vì yêu nước thương dân bao nhiêu thì..... càng
 
Hỏi ai mà không căm phẩn một chế độ chống lại nhân dân, man di mọi rợ cộng sản????
 

Một thái độ chống “Luật An ninh mạng”

Dưới chế độ CS, hai lý do chính làm cho con người luôn phải sống trong sợ hãi, một là do khủng bố CS và hai là do trình độ nhận thức của người dân chưa được nâng cao đủ để có thể vượt qua sự sợ hãi.
Một câu danh ngôn quen thuộc nhưng không đề tác giả: “Sự sợ hãi luôn gây ảnh hưởng vào dân chúng khi dân chúng thiếu học.” (Fear always works to influence the population, when the population is uneducated.)
Trong hình ảnh có thể có: văn bản
Tiến sĩ Archie Brown, giáo sư chính trị học đại học Oxford, Anh quốc, trong tác phẩm Sự Vươn Lên Và Sụp Đổ Của Chủ Nghĩa Cộng Sản (The Rise And Fall Of Communism) nêu ra 8 lý do khiến chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, trong đó lý do hàng đầu không phải là kinh tế hay quân sự mà là sự thay đổi xã hội (social change). Sự chuyển hóa tri thức là một tiến trình không thể bị ngăn chận bởi bất cứ một cơ chế độc tài nào.
Tại Việt Nam, trong lúc những người muốn đem lại sự thay đổi cần thiết cho đất nước chưa đủ sức chống lại bộ máy khủng bố công an trị của CS, chắc chắn họ sẽ thắng trong mặt trận thứ hai: nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi con người trong xã hội và đất nước.
Những kẻ cai trị bằng nhà tù và tẩy não tại Việt Nam hiện nay dù đui mù câm điếc cũng biết “ngày tàn bạo chúa” sẽ diễn ra theo quy luật xã hội và hình phạt dành cho họ sẽ tương xứng với tội ác mà họ gây ra cho đất nước.
János Kádár, nguyên tổng bí thư đảng CS Hungary và là một kẻ phản quốc theo Liên Sô để tàn sát đồng bào mình sau Cách mạng Hungary 1956. Sau 1960, János Kádár thay đổi đường lối cai trị bằng các chính sách ôn hòa hơn nhưng tội ác do y gây ra không vì thế mà được quên đi. János Kádár chết ngày 6 tháng Bảy, 1989, ba tháng trước khi chế độ CS tại Hungary sụp đổ. Ngày 2 tháng Năm, 2007, mộ của János Kádár đã bị đào lên, nhiều xương cốt kể cả xương sọ của y bị lấy đi và một dòng chữ trích từ một bản nhạc Rock như một bản án được để lại bên cạnh mộ y: “Những kẻ sát nhân và phản bội không nên để nằm yên trong vùng đất thánh 1956-2006”.
Những kẻ sát nhân và phản bội tại Việt Nam nên học kỹ bài học János Kádár để qua đó đọc trước bản án mà dân tộc Việt sẽ dành cho họ.
Như Karl Marx có lần định nghĩa “tự do là thấy được tính tất yếu trong xã hội”, một trong những mục đích của bộ máy tuyên truyền CS là trồng cấy trong nhận thức con người niềm tin vào số phận.
Trong thời kỳ nô lệ tại Mỹ, không phải người nô lệ da đen nào cũng oán ghét, căm thù chủ nô da trắng. Không ít trong số họ chấp nhận cuộc đời nô lệ như số phận an bày. Họ không mơ ước giàu sang phú quý, xe hơi nhà lầu, những thứ họ cho rằng đã nằm ngoài số phận mà chỉ mơ có chiếc giường cũ trong góc vườn để nằm xem trời sao như Clara Davis, một tác giả da đen, kể lại trong hồi ức của bà.
Không ít người Việt cũng thế. Họ chấp nhận cuộc đời như số phận. Mơ ước và nỗ lực của đời họ chỉ để đủ ngày ba bữa cơm ăn, lo cho con học hành để mai mốt kiếm một công ăn việc làm ổn định còn chuyện xe hơi nhà lầu vượt qua số phận dành cho họ. Nhận thức đó cần phải thay đổi và sẽ được thay đổi.
Mục đích của đảng qua cái gọi là “Luật An Ninh Mạng” vừa rồi là để người dân tiếp tục chấp nhận số phận dành cho họ.
Nhưng thực tế sẽ không diễn ra như ý đảng muốn.
Để duy trì quyền cai trị, từ năm 1983, CSVN đã chọn con đường “tự diễn biến” qua các chương trình “đổi mới”. Ánh sáng tin học và luồng gió văn minh qua các kẽ hở “đổi mới” thổi vào Việt Nam. Ngày nay, đứng trước khả năng “tức nước vỡ bờ” đảng không dám và không thể đưa dân tộc trở lại thời kỳ trước năm 1983. Trình độ nhận thức của người dân Việt hôm nay có thể kém hơn so với người dân Nga hay người dân Tiệp năm 1990 nhưng không còn là người dân Việt của giai đoạn 1954.
Khi phê phán xã hội, một người thường có khuynh hướng nhìn vào các mặt tiêu cực. Nhưng đừng quên, cạnh những đám thanh niên nam nữ cởi truồng ngoài phố để mừng một trận đá banh cũng đang có hàng ngàn thanh niên khác đang âm thầm học hỏi và tham gia vào tiến trình cách mạng xã hội trong điều kiện và hoàn cảnh của mình. Một cô giáo dạy học sinh sống theo tinh thần chân thiện mỹ. Một anh đi xe thồ biết dừng lại để hô “đả đảo Trung Quốc xâm lược” với Võ Hồng Ly Võ Hồng Ly. Họ không để lại tên tuổi trên báo, trên đài nhưng chính là những người đang góp phần viết nên chương mới của lịch sử Việt Nam.
Trên con đường đầy gai góc, lấp một miệng hố rộng hay nhặt một cây đinh nhỏ cũng đóng góp vào cách mạng dân chủ. Thái độ chống “luật an ninh mạng” tích cực nhất, vì thế, là coi như nó không có và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức về quyền và trách nhiệm của người dân.
Người Việt dấn thân hiện diện trên khắp các nẻo đường đất nước. Họ không sợ và thậm chí không thèm để ý đến cái gọi là “luật an ninh mạng”. Họ vẫn nói, vẫn viết như đã nói và viết vào ngày 31 tháng 12 năm ngoái. Họ vẫn tiếp tục theo đuổi các dự án đã được phác họa trước ngày 31 tháng 12 năm ngoái.
Cái thúng “an ninh mạng” chẳng thể nào che được mặt trời sự thật sáng ngời trong đôi mắt họ, chẳng thể nào đậy kín được niềm tin vào tương lai rực rỡ trong tâm hồn họ và chẳng thể nào ngăn được bước đi của thời đại họ. Dòng chảy văn minh đang chảy về phía trước và ngày tự do cho quê hương sẽ đến không xa.

Trần Trung Đạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét