Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Noel nơi biệt giam - NGUYỄN QUANG

Đêm hôm ấy, đúng thật là một đêm Giáng Sinh nơi hang lừa máng cỏ, sương lạnh như hằng đêm vào mùa đông đổ xuống hắt vào khung cửa gió, các tù nhân không thể nằm với sự lạnh buốt, từng đợt sương gió đánh tạc vào như từng cơn gió tuyết thổi vào người... với củ khoai mì nhai hoài đến sợi gân tim của nó cũng nhai nốt và cảm thấy ngọt ngào làm sao.
Một tù nhân hình sự la toáng lên vì quá lạnh, quá rét, quá đói khiến y không thể chịu nổi. Có tiếng từ phòng bên cạnh động viên y “hãy cố lên, vì ngoài trời dù lạnh vẫn còn nhiều sao lấp lánh thật tuyệt vời, chúng ta có quyền hy vọng...”Nhưng tù nhân đang than vãn lại đáp một cách gọn lỏn, “Những đêm vui nhộn mà trời sáng như thế nầy không có lợi cho ăn trộm.”
<!>
Mọi người im lặng. Một người khác thêm vào “Không có lợi cho du kích nữa…”
Ngoài trời qua khung cửa gió nhiều sao lấp lánh thật tuyệt vời như đang tưng bừng mừng vui Chúa giáng trần mở ra Sự khởi đầu mới, song nơi đây các tù nhân đa số là tù đào thoát bị bắt lại, phần lớn họ đã mang bản án cao từ hai chục năm đến chung thân, nên tù nhân nào cũng hát vang mừng Chúa Giáng Sinh, xem đây như lần cuối cùng vì chắc chắn họ phải lãnh bản án cao nhất là tử hình khi ra tòa.
Tiếng “Cao cung lên... khúc nhạc Thiên Thần xuống...,” cùng lời hô vang các câu khẩu hiệ
u đòi dân chủ, nhân quyền... Các bạn tù nầy, họ rất trẻ hầu hết chưa đến tuổi ba mươi, học vấn chỉ ở bậc trung học, những khái niệm về tự do, dân quyền đối với họ thật cao xa nhưng họ đấu tranh cho con người vì sự hạnh phúc, những dân oan, người nghèo như bố mẹ, anh em, bà con nơi quê xứ bất hạnh của họ. Họ đáng được hưởng những gì khi sinh ra làm người như ít ra có cuộc sống không bị quấy rầy tại địa phương, những nông dân chân chất nhưng luôn bị sách nhiễu.

Các tử tù bị bắn ngay sau phiên toà lưu động xét xử, họ là những người gốc miền Trung và nổi dậy cũng tại nơi đây. Trước cái chết các tù nhân trẻ nói giọng rặc địa phương nầy đều rất hiên ngang, thanh thản... Không ai kêu xin. Họ khí khái, dũng cảm. Không thấy ai hô hào học thuyết, tuyên xưng lãnh tụ nào cả. Và đội hành quyết, ngay cả tên trưởng trại, chánh án cũng xuất thân tại địa phương này. Họ từ miền Bắc tập kết trước đây, hay từ rừng chiến khu trở về.

Các bạn tù trẻ được giáo dục theo truyền thống yêu nước, thương nòi từ một đảng uy tín Đại Việt với lãnh tụ Trương Tử Anh. Qua các song thông gió bên trên cửa chính ra vào mỗi phòng, các tù nhân thường đứng lên dù chân đang bị cùm để vừa tập thể dục vừa quan sát ra bên ngoài. Nhà kỷ luật của trại giam nầy không giống các trại tập trung khác, chung quanh thay vì bằng tường kín, nó gồm toàn các hàng rào kẽm gai bủa kín trong ngoài, giữa các lớp hàng rào đều có một đường mòn nhỏ chừng nửa mét thả gai xương rồng mọc phủ bên trong và hằng ngày các tù được bố trí công tác nhẹ, họ chui vào đó để dọn vệ sinh, làm cỏ, quét dọn... Nhà giam kiểu này giống như chuồng nhốt thú dữ, ngay cả bên trên cũng bao lưới kẽm gai chằng chịt và căn chòi nhỏ với bàn cùm chỉ là chỗ cho thú dữ ẩn thân. 

Chuyện đánh đập xảy ra thường xuyên, các tù nhân hoặc nằm ngồi co ro bất động, hai khuỷ tay ôm sát vào người hầu tránh những cú đá ngang hông, nhiều khi cả bản súng đập nát trên lưng là chuyện bình thường. Và mỗi lần bị trận đòn như thế phải gần đến ba ngày sau, các tù nhân mới may ra nhai khoai mì thấy ngọt trở lại, trước đó liền mấy ngày đều là vị đắng của lưỡi, còn các cơ trong cơ thể như đều muốn co rút lại hết đàn hồi, không còn cử động được nữa, xương hàm như hết khả năng vận động.

Hình ảnh chiếc cổng trại giam trong bóng khuất của sáng chiều, lao động khổ sai cật lực suốt ngày đến đêm trong giấc ngủ chập chờn đầy ám ảnh kinh dị, nhất là từ những cơn đói rung dây thần kinh não, nó giựt giựt trong đầu, rồi một ngày nào đó cánh cổng kia cũng biến mất đến lụi tàn như nó đã từng bị nước cuốn trôi và xây lại, những tù nhân đang di chuyển về những trại xa hơn, địa thế hiểm trở khắc nghiệt hơn, đối đầu với cái chết cận kề hơn, nhưng chiếc cổng trại vẫn in hình những người Anh hùng như Lý Tống về sự khôn ngoan và thông minh khi trốn trại, Lm Nguyễn Huy Chương - người đầu tiên lập hội Cựu tù nhân ngay trong tù, nhà báo Vũ Ánh ra báo ngay trong nhà giam với khổ báo bằng hai lóng tay, Hòa thượng Thích Thiện Minh đứng lên giữa Hội trường trong một cuộc hội thảo và kêu gọi bỏ ngay điều 4 Hiến Pháp, tù nhân trẻ Trần Minh Tuấn lãnh đạo nhóm bạn trẻ liên tục đấu tranh cải thiện chế độ lao tù, nụ cười lạc quan và hiên ngang của Lm Nguyễn Văn Vàng sau ba năm kiên giam và chết rũ trong biệt giam, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế chỉ thẳng vào mặt một Trung tướng Công an khi vào thăm trại giam “Hãy cút đi, thuế của dân các anh dùng làm gì khi chế độ giam giữ như thế này?”, Lm Nguyễn Công Đoan, SJ, bác ái hết lòng và vô cùng can đảm với Lm Lê Thanh Quế, Dòng Tên, kêu gọi mang mười bốn ủy viên Bộ Chính Trị ra xét xử về tội chống nhân loại và cao cả với các bạn tù bất khuất Phú Yên như linh hồn sẽ còn mãi đâu đây. 

Tất cả không chỉ là sự bất khuất thông minh can đảm của một con người trong sự mưu sinh thoát hiểm vốn đồng loại đều có, nhưng thực hiện được ước mơ trong hoàn cảnh này cho một Nước Việt Mới Tự Do, Dân Chủ, nhân quyền được tôn trọng, quả là xưa nay hiếm!

Các trại giam thường nằm bên một dòng sông và theo triết gia Hy Lạp Heraclitos: “Không có gì im lặng như dòng sông nhưng cũng không có gì biến đổi như một dòng sông.” Với khu tử hình hay biệt giam cũng vậy, đêm nào cũng là đêm Giáng Sinh và Phục Sinh thật sinh động vì ai cũng có niềm hy vọng mạnh mẽ mới có thể vượt qua cái chết. 
-
* Trích đoạn từ tác phẩm Chiến tranh & Hòa bình VN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét