Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Bổ sung vitamin D lợi hại thế nào cho cơ thể - Nguyên Thủy


Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGESVitamin D được cho là giúp phòng ngừa mệt mỏi, trầm cảm và thậm chí cả ung thư. Nhưng với những người khỏe mạnh bình thường, bổ sung chất này vào cơ thể liệu có thực sự cần thiết?Ở Bắc bán cầu, thời gian ban ngày ngắn đi khiến người ta quan ngại về tình trạng thiếu ánh sáng mặt trời, đồng nghĩa với nguy cơ thiếu vitamin D. Đối với nhiều người, giải pháp khắc phục là dùng các vitamin bổ sung.<!>
Các vitamin bổ sung vốn đã được quảng cáo có tác dụng gần như thần dược. Vitamin D2 và D3 được bán tại quầy mà không cần bác sĩ kê đơn, và được cho là giúp cải thiện từ khả năng miễn dịch cho đến tình trạng mệt mỏi và yếu cơ, đến đau xương, rồi cả trầm cảm. Hai loại vitamin này cũng được cho là giúp khống chế ung thư và tình trạng lão hóa.
Hơi kỳ lạ là theo nghiên cứu của công ty phân tích thị trường Mintel, một phần ba số người trưởng thành ở Anh bổ sung vitamin, trong đó có vitamin D, vào chế độ ăn uống.
Song, cuộc tranh luận về việc liệu tất cả người trưởng thành có cần bổ sung vitamin D hay không vẫn đang chưa có hồi kết.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng đối với xương, đó là điều hầu như không cần phải bàn cãi. Nó giúp điều tiết calcium và phosphate trong cơ thể chúng ta, cho nên những người thiếu vitamin D được khuyên là phải đặc biệt chú ý khắc phục vấn đề này.
Mà số người thiếu vitamin D có lẽ là nhiều hơn bạn tưởng: một nghiên cứu ước tính rằng khoảng 20% dân số ở Anh thiếu hụt vitamin D trầm trọng.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionMột phần ba số người trưởng thành ở Anh quốc bổ sung vitamin, trong đó có vitamin D, vào chế độ ăn uống
Nhưng một số chuyên gia cho rằng những người khỏe mạnh ở một mức nhất định (hầu hết trong số chúng ta đều đạt mức đó) không cần bổ sung vitamin D. Nói cách khác, họ cho rằng ở những người khỏe mạnh, vitamin D không có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật như người ta vẫn kỳ vọng.
Vậy thực hư thế nào?

Nền tảng căn bản

Mặc dù có tên là vitamin D nhưng thực sự chất này không phải là một loại vitamin.
Nó là một loại hormone kích thích sự hấp thụ calcium trong cơ thể.
Vấn đề ở đây là ngoài một số ít thực phẩm như các loại cá béo, vitamin D hầu như không tồn tại trong các món ăn thông thường. Tuy nhiên, với sự hấp thu ánh nắng có 'tia cực tím B', làn da của con người có thể tự sản sinh ra vitamin D từ một cholesterol thông thường.
Có hai loại vitamin D.
Đầu tiên là vitamin D3, được tìm thấy ở động vật bao gồm cá và da người khi được hấp thu ánh sáng mặt trời. Loại thứ hai là vitamin D2, có nguồn gốc thực phẩm từ thực vật, chẳng hạn như nấm. Các nghiên cứu cho kết quả là D3 hiệu quả hơn, và kết luận của một phân tích tổng hợp năm 2012 cho rằng D3 là lựa chọn ưu tiên để bổ sung.
Ngày nay, Cơ quan Y tế Công cộng xứ Anh (Public Health England - PHE) khuyến cáo mỗi người lớn nên uống bổ sung 10 microgram vào mùa thu và mùa đông, khi mà góc chiếu sáng từ mặt trời tới trái đất khiến nhiều tia UVB bị chặn không xuyên qua được bầu khí quyển.
Chính phủ cũng khuyến cáo rằng những người có nguy cơ thấp hơn ngưỡng vitamin D trung bình, bao gồm cả những người có làn da sẫm màu, nên bổ sung chất này quanh năm.
Các quốc gia khác cũng có các chỉ dẫn tương tự.
Ở Canada, người lớn được khuyên nên uống 15 microgram vitamin D và hai suất sữa hoặc sữa đậu nành có vitamin-D mỗi ngày; Sữa bò và bơ thực vật cũng phải được bổ sung sẵn vitamin D theo luật định.
Ở Mỹ, người lớn cũng được khuyên dùng 15 microgram, trong khi nhiều loại sữa, ngũ cốc ăn sáng, bơ thực vật, sữa chua và nước cam ở nước này cũng được bổ sung sẵn vitamin D..
Những hướng dẫn và việc tăng cường vitamin D vào thực phẩm chủ yếu xuất phát từ nỗ lực chống lại bệnh còi xương vào giữa thế kỷ 20. Chúng ta đều biết rằng mức vitamin D thấp làm giảm lượng calcium trong cơ thể, dẫn đến giảm mật độ xương và có thể gây còi xương, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionVitamin D chỉ có trong một số loại thực phẩm như các loại cá béo, nhiều mỡ
Chúng ta cũng biết rằng lượng vitamin D thấp có thể gây yếu cơ và mệt mỏi.
Một nghiên cứu phát hiện ra rằng những người mệt mỏi thì có lượng vitamin D, và các triệu chứng của họ được cải thiện sau 5 tuần bổ sung vitamin D, trong khi một nghiên cứu nhỏ từ Đại học Newcastle cho thấy vitamin D thấp có thể gây mệt mỏi và các ty thể - là các trung tâm hô hấp, sinh hóa, sản xuất năng lượng trong mọi tế bào - cũng sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn.
Các nghiên cứu về bệnh nhân ung thư đã tìm thấy những hiệu ứng tương tự. Vitamine D cũng có thể giúp tăng cường và điều hòa hệ miễn dịch bằng cách làm sạch vi khuẩn.

Xương yếu

Tuy vitamin D rất quan trọng, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là những người khỏe mạnh, có đủ lượng vitamin D vẫn cần bổ sung. Hãy xem xét một trong những lý do phổ biến nhất để bổ sung: tăng trưởng và duy trì xương.
Các hướng dẫn hiện tại về lượng vitamin D cần bổ sung được đưa ra bởi nghiên cứu liên quan đến người già sống trong nhà dưỡng lão, những người không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời và dễ bị gãy xương và loãng xương hơn so với dân chúng nói chung.
Nhưng Tim Spector, giáo sư dịch tễ học di truyền tại Đại học King's College London, cho rằng những nghiên cứu như vậy là "có thể có thiếu sót".
Đúng là các bằng chứng không chứng tỏ được điều gì rõ ràng. Một phân tích tổng hợp được công bố vào tháng 8/2018 kết luận rằng việc tăng mức vitamin D cho dân chúng nói chung sẽ không làm giảm nguy cơ gãy xương ở những người khỏe mạnh.
Một phân tích tổng hợp từ 81 nghiên cứu cho thấy việc bổ sung vitamin D không ngăn ngừa được tình trạng rạn xương hoặc yếu xương, cũng không cải thiện được mật độ chất khoáng trong xương. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các hướng dẫn sử dụng bổ sung vitamin D cần phải được cập nhật để phản ánh nội dung này.
Nhưng Sarah Leyland, chuyên gia tư vấn về bệnh loãng xương tại Hiệp hội Loãng xương Quốc gia của Anh, nói rằng các chất bổ sung vitamin D có thể hữu ích cho các nhóm người không hề tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionTại một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada và UK, thức ăn như ngũ cốc và sữa đều đã được bổ sung sẵn vitamin D
Theo Hệ thống Y tế Quốc gia của Anh (NHS), mọi người chỉ cần ở ngoài trời trong một thời gian ngắn, để bàn tay và cánh tay trần không bôi kem chống nắng, là đã có đủ vitamin D trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Mười, là những tháng mà ban ngày thường xuyên có ánh nắng mặt trời.
"Chúng ta đều biết rằng những người khỏe mạnh không thể giảm nguy cơ rạn xương bằng cách bổ sung canxi và vitamin D," Leyland nói. "Tuy nhiên, những người có thể không nhận được đủ ánh nắng mặt trời - chẳng hạn như những người thường xuyên ở trong nhà hoặc sống trong chỗ ở có mái che - thì nên bổ sung vitamine D."
Nhưng các nhà nghiên cứu cũng chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về điều đó. Một phân tích tổng hợp kiểm tra việc phòng ngừa rạn xương ở dân chúng, nhà dưỡng lão và bệnh nhân nội trú bệnh viện kết luận rằng chỉ riêng vitamin D với liều lượng và công thức được thử nghiệm cho đến nay không thể ngăn ngừa được tình trạng rạn xương ở những người cao tuổi.
Và có một số bằng chứng cho thấy rằng sử dụng liều cao thậm chí còn có thể dẫn đến làm tăng mức độ rạn xương và yếu xương hơn.
Một nghiên cứu được thực hiện theo hình thức ngẫu nhiên phát hiện ra rằng bổ sung vitamin D liều cao hàng tháng làm tăng 20-30% nguy cơ yếu xương trong số người già so với những người dùng liều thấp.

Vitamin D đối với bệnh tật

Có những nghiên cứu cho kết quả trái ngược nhau về mối liên hệ giữa vitamin D và các bệnh khác, kể cả lão hóa.
Một nghiên cứu kết luận rằng bổ sung vitamin D sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch..
Adrian Martineau, giáo sư về nhiễm trùng đường hô hấp và miễn dịch tại Trường Y khoa và Nha khoa London, thuộc Đại học Queen Mary London, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về ảnh hưởng của vitamin D đối với sức khỏe, phát hiện ra rằng vitamin D đóng vai trò trong việc giảm nhiễm trùng đường hô hấp.
Khi nhóm của ông phân tích dữ liệu thô từ 25 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến 11.000 bệnh nhân từ 14 quốc gia, họ nhận thấy việc uống bổ sung vitamin D hàng ngày hoặc hàng tuần có tác dụng chút ít trong việc giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn và viêm phế quản.
Bài báo nhanh chóng bị chỉ trích mạnh mẽ, nhưng Martineau chỉ ra rằng việc giảm nguy cơ, dù ít ỏi, vẫn là đáng kể và có thể so sánh với hiệu quả mà các biện pháp y tế khác đem lại. Chẳng hạn như để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, bạn chỉ cần cho 33 người vitamin D bổ sung - so với việc tiêm vaccine cúm cho 40 người để phòng ngừa một trường hợp cúm.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionMột lý do phổ biến để bổ sung là làm khoẻ xương, nhưng không có những bằng chứng rõ ràng nào chứng minh điều này
Hãy xem xét việc ngăn ngừa lão hóa. Một bài báo tìm hiểu mối liên hệ giữa vitamin D và tuổi thọ phát hiện ra rằng vitamin D3 có thể giúp cân bằng protein trong cơ thể - là quá trình mà protein được điều tiết trong các tế bào để đảm bảo duy trì tế bào mạnh khỏe.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy D3 cải thiện sự cân bằng protein và làm chậm quá trình lão hóa. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì nồng độ vitamin D thích hợp," các nhà nghiên cứu viết.
Nhưng các nghiên cứu khác thì không khẳng định chắc chắn như vậy. Một phân tích tổng hợp kết luận rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ tác dụng của vitamin D đối với các trường hợp tử vong. Mối liên hệ giữa bệnh tim mạch và vitamin D cũng chưa được nêu ra đúng đắn: mối liên hệ này có thể là bệnh tim dẫn đến tình trạng lượng vitamin D thấp, chứ không phải là ngược lại, thiếu vitamin D gây ra bệnh tim.

Mối tương quan hay mối quan hệ nhân quả?

Đây là một vấn đề mà hầu như nghiên cứu nào xem xét tới mối liên hệ giữa tình trạng thiếu vitamin D với các loại bệnh tật cũng đều đề cập tới.
Ian Reid, giáo sư y khoa tại Đại học Auckland, tin rằng bệnh tật là nguyên nhân gây ra mức vitamin D thấp, bởi khi không cảm thấy khỏe mạnh thì người ta thường ít ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chứ không phải là mức vitamin D thấp gây ra bệnh tật.
"Nếu bạn xem xét bất kỳ nhóm bệnh nhân nào với bất kỳ bệnh gì, nồng độ vitamin D của họ đều thấp hơn so với một người khỏe mạnh. Điều này đã dẫn đến một số giả thuyết rằng vitamin D thấp dẫn đến bệnh tật, nhưng không có bằng chứng để chứng minh điều đó," ông nói.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mức vitamin D cao có liên quan đến nguy cơ thấp về bệnh ung thư đại tràng - nó đóng một vai trò trong việc tạo thành các mạch máu mới và kích thích sự trao đổi tốt hơn giữa các tế bào. Vitamin D cũng được tìm thấy để giúp duy trì mức calcium bình thường trong ruột kết, làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào có nguy cơ ung thư cao.
Các nghiên cứu khác, bao gồm cả nghiên cứu về mối liên hệ giữa vitamin D và các bệnh ung thư gan, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, cho thấy có lý do chính đáng để nghĩ rằng vitamin D thấp đóng một phần trong sự lây lan của các tế bào ung thư.
Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D sau đó có thực sự giúp ngăn chặn ung thư hay không thì câu trả lời là một phân tích tổng hợp gần đây không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy việc bổ sung vitamin D làm giảm nguy cơ ung thư.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionMột số chuyên gia tin rằng những người không khỏe có hàm lượng vitamin D thấp vì họ dành ít thời gian ở ngoài trời hơn, chứ không phải mức độ vitamin D thấp của họ là nguyên nhân gây ra vấn đề sức khỏe
"Điều này giống như một con phố hai chiều, ung thư gây ra thiếu hụt vitamin D bằng cách tác động đến quá trình trao đổi chất, ăn uống và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, và ngược lại thông qua tác dụng của vitamin D trong việc kiềm chế việc sinh sôi nảy nở nhanh chóng của tế bào ung thư. Hai chuyện này không loại trừ lẫn nhau," Martineau nói.

Vitamin D với vấn đề trầm cảm

Một vấn đề khác được xem xét đến là tình trạng rối loạn tình cảm theo mùa (SAD), một loại rối loạn tâm trạng gây ra bởi sự sụt giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời theo mùa. Mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với ánh sáng và SAD đã được biết đến từ lâu. Tuy nhiên, một lần nữa rất khó chứng minh rằng có mối liên hệ trực tiếp với vitamin D.
Các bằng chứng cho thấy có thể giữa vitamin D và chứng rối loạn này có mối quan hệ với nhau, vì vitamin D liên quan đến nồng độ serotonin, là chất đóng vai trò quan trọng đối với việc điều chỉnh tâm trạng, và melatonin, là chất điều chỉnh giấc ngủ của chúng ta.
Nếu một trong hai loại hormon này chỉ đạt mức độ thấp, nó có thể góp phần gây ra các triệu chứng SAD.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, song cơ chế chính xác của vitamin D trong việc thúc đẩy các hormone như thế nào vẫn chưa được xác định rõ.
Một giả thuyết là các thụ thể vitamin D - được tìm thấy ở nhiều phần của não và tập trung ở vùng dưới đồi - là vùng liên quan đến các chế độ sinh học của chúng ta - đóng vai trò kiểm soát mức độ hormone của cơ thể.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vitamin D đóng một vai trò rộng hơn trong sức khỏe tinh thần của chúng ta, từ trầm cảm đến tâm thần phân liệt, cũng như trong phát triển trí não, nhưng đóng vai trò như thế nào thì vẫn còn chưa rõ. Một phân tích tổng hợp được công bố đầu năm nay cho thấy dù cho có sự tương quan giữa mức vitamin D thấp và chứng trầm cảm, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là việc thiếu vitamin D gây ra trầm cảm.
Một lần nữa, có lẽ những người bị trầm cảm thì ngại đi ra ngoài hơn, do đó họ tiếp xúc với ánh mặt trời ít hơn.

Tầm quan trọng của ánh sáng mặt trời

Dẫu chưa đưa ra kết luận gì, nhưng có lẽ các nghiên cứu đã không phản ánh đúng tầm quan trọng của vitamin D. Có lẽ là bởi hầu hết các nghiên cứu đều mới chỉ được thực hiện dựa trên kết quả của việc sử dụng bổ sung vitamin D thay vì xem xét tới tác dụng của ánh nắng mặt trời.
Một số nhà khoa học nói rằng việc bổ sung vitamin D từ các chất tổng hợp không hiệu quả bằng vitamin D hấp thụ trực tiếp từ ánh nắng mặt trời, vì tiến trình cơ thể tạo ra vitamin D từ việc tiếp xúc với ánh nắng và những gì xảy ra trước đó mang lại nhiều lợi ích hơn. Việc nghiên cứu để đi đến kết luận về vấn đề này hiện đang được tiến hành.
Ngay cả như vậy thì hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng việc bổ sung vitamin D cũng có thể có lợi cho những người có mức vitamin D rất thấp.
Martineau cho biết nghiên cứu của ông phát hiện ra rằng những người có hàm lượng vitamin D rất thấp dường như được hưởng lợi nhiều nhất từ việc bổ sung vitamin D nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, tuy nhiên ở những người có mức vitamin D thấp vừa phải thì việc này có tác dụng khiêm tốn hơn nhiều.
Reid cho biết các nghiên cứu của ông cũng cho thấy việc bổ sung vitamin D đem lại những tác dụng tích cực cho những người có mức vitamin D thấp. Tuy nhiên, vì đa phần mọi người đều đạt mức vitamin D cao hơn ngưỡng đó, cho nên việc bổ sung vitamin sẽ không có hiệu quả gì.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionMột số chuyên gia tin rằng vitamin D có hiệu quả nhất khi nó là vitamin tự nhiên hấp thu từ ánh nắng mặt trời, không phải chất bổ sung tổng hợp
Vấn đề là rất khó có thể dự đoán như thế nào là người có có nguy cơ cao nhất thuộc nhóm có mức vitamin D thấp. Như sử gia y khoa Roberta Bivins thuộc Đại học Warwick chỉ ra, lượng vitamin D mà một người dự trữ, đủ để sử dụng qua mùa đông, không chỉ phụ thuộc vào tông màu da và lượng thời gian mà một người thường xuyên ở ngoài trời..
"Việc phải phơi nắng bao nhiêu là đủ trong mùa hè của từng cá nhân phụ thuộc vào cơ địa của từng người, tùy vào sắc tố trong da, lượng chất béo trong cơ thể và tùy vào việc cơ thể người đó tạo ra xương mới nhanh đến mức nào. Nó vô cùng phức tạp," bà nói.
Đó là lý do tại sao cách tốt nhất để xác định xem bạn có thuộc nhóm vitamin D thấp hay không thì không chỉ dựa vào triệu chứng mà cần phải dựa vào kết quả xét nghiệm máu.

Mức độ bổ sung

Tiếp đến là câu hỏi vậy chính xác thì một người cần bổ sung vitamin D ở mức độ nào? Reid nói rằng "không nguy hiểm" khi dùng vitamin D, loại có bán không cần toa đơn của bác sỹ, dưới 25 nanomol mỗi ngày.
Nhưng với các chất bổ sung vitamin D liều cao tới 62,5 microgram mà không được bác sĩ kê đơn thì có những lo ngại về nguy cơ lượng vitamin D vượt quá mức, là lúc mà trong một số trường hợp hiếm gặp có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và ói mửa.
Về lâu dài, một số nghiên cứu cho thấy quá nhiều vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mặc dù các nghiên cứu này không đưa ra kết luận.
Nhưng những người khác lại cho rằng cần nhiều vitamin D hơn nữa.
Vào năm 2012, cố vấn cao cấp về y tế trong chính phủ Anh, bà Sally Davies đã viết thư cho các bác sĩ gia đình, kêu gọi họ đề nghị bổ sung vitamin D cho tất cả các nhóm có nguy cơ thiếu vitamin D, trong đó bà viết rằng có một "tỷ lệ lớn" dân Anh chắc chắn là không đủ vitamin D.
Vào tháng 6/2018, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hệ thống Trao đổi chất thuộc Đại học Birmingham viết rằng cái chết của một em bé bị biến chứng suy tim là do thiếu hụt vitamin D trầm trọng, và các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng của hai bé khác chỉ là "phần nổi của tảng băng" thiếu vitamin D trong số những người có nguy cơ mắc bệnh.
Suma Uday, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường đại học và cũng là đồng tác giả của bài báo, cho biết có tình trạng thiếu hụt vitamin D là vì các chương trình bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh được triển khai yếu kém ở Anh và không được giám sát.
"Ở các trường hợp trẻ sơ sinh mà chúng tôi đề cập tới, sự thiếu hụt xảy ra do việc khuyến cáo bổ sung vitamin D cho các bé đã không được đưa ra, cũng không được theo dõi, giám sát. Tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh trong khoảng thời gian kéo dài có thể sẽ dẫn đến việc thiếu calcium, dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng như co giật và suy tim," cô nói.
Với những kết quả trái chiều như vậy, không có gì gây ngạc nhiên khi trong giới chuyên gia y tế chia rẽ sâu sắc trong cuộc tranh cãi cung cấp bổ sung vitamin D rộng rãi liệu có đem lại lợi ích gì hay không.
Một số người thậm chí còn nói rằng việc cổ suý cho tác dụng bổ sung vitamin D chỉ nhằm khuếch trương cho ngành công nghiệp vitamin trị giá hàng tỷ đô la, và giáo sư Spector còn gọi các thành phần bổ sung vitamin D là 'vitamin giả phục vụ bệnh giả'.
Trong khi cuộc tranh luận vẫn còn đang tiếp diễn thì nhiều chuyên gia đang để ý tới Bệnh viện Brigham và Phụ nữ, một chi nhánh của Trường Y Harvard ở Boston.. Tại đây, các nhà nghiên cứu đang tiến hành một thử nghiệm ngẫu nhiên được chờ đợi từ lâu, VITAL, nhằm tìm hiểu xem việc bổ sung vitamin D và omega 3 có tác dụng tới bệnh ung thư, đột quỵ và bệnh tim ở 25.000 người lớn ra sao.
Người ta hy vọng rằng những kết quả này, dự kiến sẽ công bố vào cuối năm nay, sẽ đưa cuộc tranh luận sớm tới hồi kết thúc. Còn vào lúc này thì việc bổ sung vitamin D, nhất là trong mùa đông, được nhất trí rộng rãi rằng chỉ là việc vô bổ phí tiền..
Có thể bạn sẽ không hấp thụ đủ vitamin D từ chế độ ăn uống trong khoảng thời gian từ bây giờ cho đến mùa xuân tới, nhưng điều đó có tác dụng thế nào thì vẫn là chủ đề đang còn được tranh cãi.

Từ chối trách nhiệm

Nội dung bài viết chỉ nhằm cung cấp thông tin chung chung, không thay thế cho cho các tư vấn về chăm sóc sức khỏe từ bác sỹ hay các chuyên gia y tế. BBC không chịu trách nhiệm về các triệu chứng mà độc giả gặp phải do làm theo các thông tin nêu trong bài, cũng không ủng hộ cho các sản phẩm hay dịch vụ nào được nêu, được tư vấn trên các trang mạng. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ nếu bạn thấy lo ngại về sức khỏe cá nhân.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Have a �� day, 
    Nguyên Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét