Tiếp theo vụ Nga đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông tại Salisbury, Anh Quốc hôm 4 tháng Ba vừa qua, theo chân Anh, trên 20 quốc gia Tây Phương, kể cả Úc Đại Lợi, đã đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Tổng cộng có trên 130 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất. Riêng Hoa Kỳ là nước tống cổ tới 60 nhà ngoài giao Nga, cũng quyết định đóng cửa tòa Tổng lãnh sự Nga tại Thành phố Seatlle, Tiểu bang Washington là nơi có một căn cứ hải quân Mỹ và tổng hành dinh của hãng chế tạo máy bay Boeing. Trong lịch sử thế giới, đây là đòn ngoại giao nặng ký nhất giáng xuống một quốc gia.<!>
Sự việc đã xảy ra có lẽ ngoài dự đoán và tính toán của Tổng thống Vladimir Putin. Vào giữa lúc ông ăn mừng chiến thắng bầu cử hôm Chủ nhật 18 tháng Ba vừa qua và chuẩn bị đăng quang như một nga hoàng của thời đại, thì đây cũng chính là lúc ông tự dồn mình vào bước đường cùng.
Một tính toán sai lầm với Anh Quốc
Vụ Nga đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái ông không phải là vụ đầu tiên xảy ra trên đất Anh. Dạo tháng Mười Một năm 2006, một cựu sĩ quan của Cơ quan Tình báo Nga FSB đang tỵ nạn tại Anh là ông Alexander Litvinenko đã bị đầu độc bằng chất Polonium. Được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng ông Litvinenko đã qua đời 3 tuần sau đó. Cuộc điều tra do Sở Tình Báo Anh Scotland Yard thực hiện đã tìm ra được ít nhất 5 thủ phạm người Nga có dính líu tới vụ đầu độc. Chính phủ Anh đã yêu cầu Nga cho dẫn độ 5 người này đến Anh để được xét xử. Nhưng Nga nói rằng người Nga chỉ có thể bị xét xử tại Nga chứ không thể tại bất cứ nước nào khác. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước có căng thẳng nhưng không có bất cứ một nhà ngoại giao nào của Nga đã bị trục xuất.
Vụ đầu độc ông Skripal và con gái ông đã xảy ra vào lúc Anh quốc đang chuẩn bị thực hiện cuộc “Brexit”, tức rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu. Dưới cái nhìn của Nga, có thể đây là lúc thế ngoại giao của Anh đang yếu kém và ra tay hành động vào lúc này là thuận tiện nhất. Ngoài ra, vụ đầu độc cũng được tính toán vào giữa cao điểm của cuộc bầu cử tổng thống tại nga. Có thể Nga cho rằng thế giới sẽ nghĩ rằng họ không dại gì thực hiện một hành động điên rồ như thế. Đại đa số cử tri Nga cũng nghĩ như vậy.
Nhưng không ngờ một người mưu kế “quỷ khốc thần sầu” như ông Putin lại đi một nước cờ non nớt như thế. Chỉ một thời gian ngắn sau khi xảy ra vụ đầu độc, các cơ quan điều tra của Anh đều trưng ra đủ bằng chứng cho thấy chỉ có Nga mới là nước chủ mưu vụ đầu độc. Dĩ nhiên, như thường lệ, Nga vẫn giữ nguyên cái thói chối quanh chối quẩn của thời Liên Xô. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nói rằng đổ vạ cho Nga là “một màn xiếc” và là “một điều phi lý”. Riêng Tổng thống Putin lập luận rằng Nga không có bất cứ lý do gì để làm một hành động điên rồ như thế trước ngày bầu cử và nhất là Giải Túc Cầu Thế Giới sẽ diễn ra tại Nga vào tháng Sáu tới đây. Ngoài ra, những lời tuyên bố của Nga cũng đầy mâu thuẫn. Nga nói rằng mình đã phá hủy kho vũ khí hóa học và không hề có loại vũ khí có tên mật mã là Novichok, tức loại khí độc được sử dụng trong vụ đầu độc. Một nhà khoa học hàng đầu của Nga còn chối bai bải rằng Nga “không hề có bất cứ chương trình chế tạo vũ khí hóa học nào có tên là Novichok”. Chối mãi không đi tới đâu, Nga lại đưa ra “thuyết âm mưu” theo đó có người đầu độc Skripal là để tẩy chay Giải Túc Cầu Thế Giới tại Nga và một số nước như Anh, Slovakia, Tiệp Khắc, Thụy Điển hay ngay cả Hoa Kỳ là những nước bịa ra chuyện này để hạ uy tín của Nga.
Nga đã tính sai nước cờ trong vụ đầu độc này. Một nước Anh chuẩn bị ra khỏi khối Liên Hiệp Anh lại được các nước đồng minh và thế giới ủng hộ hơn bao giờ hết. Có lẽ chính Anh Quốc cũng không ngờ rằng những nước không là thành viên của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương NATO như Phần Lan và những nước không nằm trong khối Liên Âu như Albania cũng như ngay cả những nước có quan hệ thân thiết với Nga như Hung Gia Lợi lại hậu thuẫn Anh Quốc bằng việc tham gia trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump không bao giờ dám đụng đến cá nhân ông Putin, sự kiện Hoa Kỳ dẫn đầu về con số các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất lại càng cho thấy thế giới đang đứng đàng sau Anh Quốc.
Bất chiến tự nhiên thành. Không phải tốn một giọt nước miếng, Anh đã lập được một thành tích ngoại giao đáng kể qua chiến dịch trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược
Trong các nước tham gia ủng hộ Anh Quốc trong việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Hoa Kỳ là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất. Tổng thống Trump đã tạo ra một ngạc nhiên lý thú cho thế giới. Từ trước tới nay, lúc nào ông cũng im re trước các hành vi ngang ngược của ông Putin. Nếu có lên tiếng thì cũng chỉ để ca ngợi và chúc mừng nhà độc tài này mà thôi. Vậy mà trong đòn ngoại giao đánh vào Nga, xem ra ông đã tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết. Nhiều tiếng nói đối lập, ngay cả trong Đảng Cộng Hòa, đã chỉ trích việc ông gọi điện thoại chúc mừng ông Putin khi ông này tiếp tục một nhiệm kỳ tổng thống 6 năm nữa bằng một cuộc bầu cử mà thế giới tự do chỉ có thể xem là một trò hề. Nhưng hành động trục xuất các nhà ngoại giao Nga và ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Nga tại Seattle do ông chủ xướng đã được mọi phía nhiệt liệt hoan nghênh. Có thể đây là yếu tố giúp cho sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông tăng thêm 4 điểm theo cuộc thăm dò mới đây của đài truyền hình CNN.
Theo một số phân tích gia, việc Tổng thống Trump bất thần tỏ ra cứng rắn với Nga cho thấy Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược đối với Nga và sở dĩ có sự xoay chiều như thế là do hai nhân vật diều hâu nổi tiếng mà ông vừa mới đưa vào nội các của ông. Trước hết là ông Mike Pompeo, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương CIA của Hoa Kỳ. Ông này đã được ông Trump bổ nhiệm lên thay thế Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ông Tillerson đã bị cách chức một cách nhục nhã qua một cái “tuýt” của Tổng thống Trump. Tổng thống Trump đã giải thích rằng sở dĩ ông Tillerson phải ra đi vì giữa hai người có quá nhiều “khác biệt” không thể dung hòa được. Trong khi Tổng thống Trump có đường lối cứng rắn đối với một số nước côn đồ như Bắc Hàn thì ông Tillerson lại mải đi tìm một giải pháp ngoại giao. Tân Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo có thể là người “gọi dạ bảo vâng” của Tổng thống Trump.
Nhân vật thứ hai mà người ta tin là người đứng đàng sau quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga của Tổng thống Trump là ông John Bolton, người sẽ lên thay thế tướng H.R. McMaster trong vai trò cố vấn an ninh quốc gia. Đã từng là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush, ông Bolton luôn tỏ rõ lập trường cứng rắn đối với Nga. Là người đã và đang tiếp tục biện hộ cho việc Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq hồi năm 2003, ông Bolton cũng đã kêu gọi dùng bom nguyên tử tấn công Iran và Bắc Hàn. Riêng với Nga, ông Bolton đã tỏ rõ một lập trường mà nhiều người cho là rất diều hâu. Về vụ Nga đầu độc cựu điệp viên Skripal, ông lên tiếng trên Đài Fox News rằng “đây là một hành động không thể chấp nhận được”. Ông ca ngợi việc Chính phủ Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga là một “việc làm đúng đắn” và đòi hỏi phải có một sự trả đũa mạnh hơn. Tổng thống Trump quả đã tỏ ra mạnh tay hơn bất cứ nước nào trong việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Người vừa được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia cũng đã từng cảnh cáo Tổng thống Trump về những nguy hiểm khi thương lượng với Nga dạo tháng Bảy năm 2017, sau khi ông gặp Tổng thống Putin lần đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh khối G-20. Với tân cố vấn an ninh quốc gia, những nước như “Nga, Trung Cộng, Syria, Iran, Bắc Hàn” đều là những chế độ dối trá. Riêng về Nga, ông viết trên báo The Telegraph rằng việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ là “một hành động tuyên chiến thật sự và là một hành động mà Hoa Thịnh Đốn sẽ không bao giờ tha thứ”.
Bóng ma của cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu của Mỹ và sự thông đồng giữa Nga và ban vận động bầu cử của ông Trump có thể vẫn đang tiếp tục ám ảnh ông. Nhưng với việc Hoa Kỳ bất thần tham gia vào chiến dịch trục xuất các nhà ngoại giao Nga, ít ra trong lúc này Hoa Kỳ đã tỏ rõ lập trường cứng rắn với Nga.
Nga hoàng trên bước đường cùng
Thách thức cả cộng đồng thế giới với không biết bao nhiêu hành động ngang ngược, nhất là dùng đội quân tin tặc để chen vào các cuộc bầu cử tại các nước khác, lại được sự ủng hộ của dân chúng Nga trong cuộc bầu cử ngày 18 tháng Ba vừa qua, Tổng thống Putin dường như cho thấy ông muốn mở lại Chiến Tranh Lạnh như thời Liên Xô. Nhưng có lẽ ông quên mất rằng Nga hiện nay không có được sức mạnh và nhất là nhiều đồng minh như thời mồ ma Liên Xô.
Về kinh tế, Nga còn thua kém cả Gia Nã Đại. Về quân sự, toàn bộ ngân sách quốc phòng của Nga không bằng một số tiền còm mà Tổng thống Trump muốn Quốc hội Mỹ cho phép đổ thêm vào ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ. Về liên minh quân sự, Nga cũng chẳng có được một lực lượng đồng minh như NATO. Đồng minh hiện nay của Nga chỉ là một số nước nghèo nàn hay kiệt quệ như Venezuela, Cuba, Sudan, Bắc Hàn, Syria và Serbia. Thỉnh thoảng Nga cũng đạt được một vài thỏa hiệp với Trung Cộng, nhưng chỉ có lợi cho quốc gia cộng sản này mà thôi.
Muốn được thế giới xem như một trong những lãnh tụ hàng đầu thế giới, muốn đưa nước Nga trở lại thời Liên Xô, nhưng ông Putin lại không biết nhìn xa và cân nhắc đủ để thấy trước những hậu quả của các hành động điên rồ của ông.
Trước hết là những hành động liều lĩnh của ông tại Ukraine. Năm 2014, trước những cuộc biểu tình dẫn đến việc truất phế Tổng thống Viktor Yanukovych, ông đã ra lệnh cho quân đội Nga ra tay hành động và chiếm lấy vùng Crimea. Nhưng chính hành động này lại thúc đẩy người dân Ukraine nghiêng hẳn về phía các nước Tây Phương. Ukraine chưa gia nhập vào NATO hay Liên Âu, nhưng người dân nước này vẫn xem Nga là một kẻ thù. Đó là chưa kể đến hậu quả mà Nga phải gánh lấy là chịu sự trừng phạt kinh tế của Âu Châu và Hoa Kỳ. Từ giữa 2004 đến 2015, tổng sản lượng quốc gia của Nga sụt mất đến 35 phần trăm.
Quan hệ giữa Nga và các nước cựu cộng hòa Liên Xô cũng ngày càng xấu hơn. Các quốc gia Vùng Vịnh Baltic như Lituania, Latvia và Estonia đã ngả sang Tây Phương từ lâu rồi. NATO đã đưa quân đến trú đóng tại các nước này. Còn Azerbaijan và các Cộng hòa Trung Á khác thì lại thích đi với một Trung Cộng đang lên hơn là chạy theo một nước Nga ngày càng tàn lụi. Chỉ còn lại có chút Syria, đối tác duy nhất đáng tin cậy của Nga tại Trung Đông. Nhưng lún sâu vào Trung Đông là một điều không tốt đối với một nền kinh tế ngày càng lụn bại vốn đã chi tiêu quá nhiều cho ngân sách quốc phòng.
Nhưng trong các hành động điên rồ của Putin, tệ hại nhất vẫn là can thiệp vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Cứ thử cho rằng ông đã thành công trong việc đưa ông trùm bất động sản Trump lên làm tổng thống Mỹ đi nữa, Nga hiện đang được gì, nhất là khi Tổng thống Trump đã tỏ ra mạnh tay hơn ai hết trong việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Kinh tế Nga dựa vào việc xuất cảng dầu lửa. Cách đây 10 năm, giá một thùng dầu thô lên đến 147 Mỹ kim. Cuộc sống của người dân Nga được nâng cao. Nay giá dầu thô giảm xuống còn một nửa. Nếu 80 phần trăm kim ngạch xuất cảng của Nga tùy thuộc vào dầu lửa và khí đốt thì dĩ nhiên, kinh tế Nga khó ngóc đầu dậy nổi. Còn muốn biến Nga thành một thứ thung lũng Silicon Valley của Hoa Kỳ chăng? Chất xám của Nga đã chảy ra nước ngoài hết cả rồi. Ai mà chẳng muốn đi tìm một cuộc sống ấm no và tự do?
Trong số ngày 1 tháng Tư này, ký giả Mikhail Zigar của tuần báo Time có ghi lại một sự kiện đầy ý nghĩa: trong một phiên họp nội các, một bộ trưởng đã hỏi thẳng ông Putin: “Thưa ngài, điều gì sẽ xảy ra cho tôi sau ngày 18 tháng Ba”, tức sau ngày bầu cử? Tổng thống Putin mỉm cười trả lời: “Ngay cả tôi còn không biết điều gì sẽ xảy ra cho tôi sau ngày 18 tháng Ba”. Nga hoàng Putin có thể ăn mừng chiến thắng sau ngày bầu cử. Nhưng trước mặt ông và nước Nga có lẽ chỉ có một chân trời mờ mịt và u ám.
Đoàn Thi
Tổng thống Putin đã chán làm "Sa Hoàng"?
Tổng thống Putin đã chán làm "Sa Hoàng"?. Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời phát biểu của Tổng thống Nga tại diễn đàn kinh tế ở St Petersburg: “Theo hiến pháp, không cá nhân nào có thể giữ vị trí Tổng thống hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp… Tôi tuân thủ theo quy định này”.
andy
Kênh RT (Nga) cho biết ông Putin từng phục vụ 2 nhiệm kỳ Tổng thống từ năm 2000-2008. Trong khoảng thời gian từ 2008-2012, ông Putin giữ vai trò Thủ tướng Nga. Sau đó, ông Putin thắng cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 trong năm 2012.
Trong tháng 3 vừa qua, với tư cách một ứng cử viên tự do, ông Putin đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống với số phiếu ủng hộ ấn tượng là hơn 75%. Nhiệm kỳ hiện nay của ông sẽ kết thúc vào năm 2024.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 26/5, Tổng thống Putin đã chỉ trích cuộc điều tra của Mỹ với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016.
Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Tôi hy vọng một ngày nào đó điều này sẽ kết thúc và mục đích cần thiết cho việc phát triển mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ được ưu tiên”.
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt nhắm vào nước Nga. Trước đó, Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga vào ngày 22/5 đã thông qua một đạo luật nhằm đáp trả những lệnh trừng phạt do Mỹ và “các quốc gia không thân thiện” áp đặt đối với Moskva.
Hãng tin Sputnik (Nga) cho biết nội dung chính của đạo luật này là bảo vệ chủ quyền của Nga khỏi các “hành động không thân thiện” của Mỹ cùng các quốc gia đồng minh của Washington, cụ thể là lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị nhắm vào Moskva.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét