Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

Nỗi Đau Ngày Hôm Qua - DL Bui

Một 
Thím tôi góc Huế, mang họ hoàng tộc và có học thức. Đối với chú tôi, thím tôi là một người đàn bà Huế điển hình, một người vợ thật tuyệt vời. Nhưng tôi thấy thím tôi chỉ là người phụ nữ nghiêm khắc, đôi khi câu nệ lễ nghi một cách thái quá và nói chuyện bằng giọng Huế rất khó nghe. Nhân dịp cô cháu gái của thím tôi từ Huế vào chơi, thím tôi nhờ tôi đưa cô cháu gái đi thăm vài nơi trong thành phố. Chuyến đi đối với tôi là một thảm họa. Cô cháu gái đúng là một bản sao của thím tôi, đã vậy còn lạnh lùng, khô khan. Buổi chiều khi đưa cô cháu gái trở về nhà chú thím, tôi quay lưng đi mà không hề nói một lời từ biệt với cô ta. Suốt những năm bậc trung học, tôi học hành vô cùng bết bát. Hầu như hàng năm, nhà trường phải nhiều lần gửi giấy mời ba mẹ tôi đến để nghe khuyến cáo về những sai phạm của tôi. Đối với mẹ tôi thì tôi chỉ là đứa ham chơi, lười học. Nhưng với ba tôi, tôi là đứa con lêu lổng đến gần như là bỏ đi.
<!>
 Mười tám tuổi, tôi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng tôi không có ý định thi vào đại học. Tôi tự biết, có thi vào đại học tôi cũng không thể đậu nỗi với học lực và trình độ của tôi. Tôi bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ của mẹ tôi, lờ đi những lời răn đe của ba tôi và của mấy ông anh, một mực nói tôi cần phải để ra một khoảng thời gian để đi du lịch, để trải nghiệm cuộc sống. Tôi không nói suông để trốn tránh việc phải học thi vào đại học. Tôi lên kế hoạch đi từ nam ra bắc bằng tàu hỏa, dự định sẽ dừng lại ở những thành phố lớn và nhỏ, thăm cảnh đẹp, thưởng thức những món ăn đặc sản và ghi chép lại tất cả trong nhật ký hành trình của tôi. Một chuyến đi mang đầy vẽ phiêu lưu và hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị, nhưng ba tôi cho đấy chỉ là những ngày tháng phí phạm không nên có trong đời tôi. Ngày tôi đi, ba tôi không muốn nhìn mặt tôi. 

Mẹ tôi thì khác, đưa tôi đến tận sân ga cùng hàng trăm lời dặng dò mà tôi nghe đến gần như thuột lòng. Những chặng đầu trong chuyến đi, mọi thứ diễn ra như tôi đã dự định. Tôi dừng lại vài ngày ở những thành phố lớn hay chỉ qua một đêm ở thành phố nhỏ, rồi lấy vé tàu đi ngay vào sáng hôm sau. Tôi ghi chép cẩn thận vào cuốn nhật ký hành trình của tôi, ngay cả những chi tiết thật vụn vặt. Nhưng đến Nha Trang thì một tai nạn xảy ra cho tôi. Ngay buổi chiều khi vừa đến nơi, tôi vào một quán đèn mờ, nghe lời mấy cô bồi rượu xinh như mộng uống hơi quá chén và sau đó là tôi bị lột sạch mọi thứ, kể cả chiếc nhẫn vàng mẹ tôi bắt tôi phải đeo trên tay để phòng khi hửu sự. Thứ duy nhất tôi còn là thẻ chứng minh và một ít tiền lẻ sót lại trong ba lô. Không tiền để thuê phòng khách sạn nên đêm ấy tôi phải ngủ lây lất cùng đám người lỡ tàu trong nhà ga Nha Trang. Với số tiền còn sót lại, sáng hôm sau tôi có thể mua vé tàu để trở về Sài Gòn nhưng lòng tự ái của tôi không cho phép. Tôi gọi điện về nhà để cầu cứu với mẹ tôi. Cuối cùng mẹ tôi thu xếp chuyển tiền cho tôi qua một người bà con của thím tôi ở Huế. Vậy là tôi tức khắc mua vé tàu đi Huế. 

Đến Huế tôi chẳng còn đồng nào trong túi. Tôi ra quầy vé, năn nỉ cô nhân viên gọi điện cho người bà con của thím tôi, báo tin tôi đã đến và sẽ đợi trước sân ga. Tôi ngồi lóng ngóng đợi và phải đến hai giờ sau mới có người ra ga gặp tôi. Khi chiếc taxi đậu xịch trước cửa nhà ga, một cô gái ra khỏi xe và tôi nhận ra ngay chính là cô cháu gái của thím tôi, Cẩm Tú. Đương nhiên tôi không thể quên chuyến đi thảm họa cách đây hơn nữa năm khi thím tôi nhờ tôi đưa Cẩm Tú đi chơi vài nơi trong thành phố. Và tôi nghỉ Cẩm Tú cũng vậy, không dễ gì quên. Cẩm Tú trao cho tôi một phong bì dầy cộp, nói đây là số tiền mẹ tôi nhờ chuyển lại cho tôi. Nói xong Cẩm Tú lạnh lùng quay lưng trở ra xe taxi. Nhưng trước khi chiếc taxi lăn bánh, một cô gái tóc ngắn với áo màu sặc sỡ nhảy ra khỏi xe. Cô gái chạy đến trước mặt tôi cười thật tươi và nói bằng giọng Huế thật dễ thương, chứ không khó nghe như Cẩm Tú: - Em tên Ngọc Trâm. 

 Mùa hè đáng nhớ nhất trong đời tôi là mùa hè ở Huế năm tôi mười tám tuổi. Sau những cơn mưa hè, Huế hiện ra tươi mát, rực rỡ với màu hoa phượng đỏ thắm bên đường, bên chợ và ven bờ sông Hương. Tôi đã ở lại Huế suốt mùa hè năm ấy, cùng Ngọc Trâm quấn quýt bên nhau trong những lần hẹn hò lén lút. Ngọc Trâm mười sáu, có ánh mắt trong veo và nụ cười rạng rỡ. Ngay buổi hẹn đầu, Ngọc Trâm đã nắm tay tôi. Lần hẹn thứ nhì ở một công viên vắng vẻ, tôi ôm Ngọc Trâm vào lòng, theo sau là nụ hôn môi ngọt lịm. Ngọc Trâm nhìn tôi, nói là nụ hôn đầu. Lần hẹn thứ ba trong căn phòng trọ ộp ẹp tôi thuê ở Gia Hội, Ngọc Trâm trao đời con gái cho tôi. Vẫn với ánh mắt trong veo, Ngọc Trâm nói là sẽ không có gì để ân hận. Những lần đi ra ngoài gặp tôi, Ngọc Trâm phải viện cớ vào thư viện để học hay nhờ chị của Ngọc Trâm là Cẩm Tú, nói dối với gia đình Ngọc Trâm đi chơi với những cô bạn gái cùng lớp. Hai đứa hẹn gặp nhau ở một nơi nào đó đủ xa để không một người thân nào của Ngọc Trâm bắt gặp. Ngọc Trâm hồn nhiên và nhí nhảnh. Tôi thì không hề lo nghĩ xa xôi, sống sôi nổi từng phút từng giây bên Ngọc Trâm. Chưa bao giờ tôi nói yêu Ngọc Trâm và Ngọc Trâm cũng vậy, chưa bao giờ Ngọc Trâm nói yêu tôi. Ngay cả những lời tán tỉnh tình tứ giữa tôi và Ngọc Trâm cũng không hề có và cũng chẳng cần đến. Ngọc Trâm và tôi, đã như cuốn vào nhau ngay lần đầu gặp mặt. 

Nhưng rồi mùa hè cũng phải hết. Ngọc Trâm bước vào một năm học mới, còn tôi sẽ đi tiếp tục cuộc hành trình như đã dự định. Ngày tôi rời Huế, Ngọc Trâm ra ga tiễn tôi. Ngọc Trâm không tỏ ra bịn rịn lúc chia tay, còn tôi thì không có một lời hứa hẹn nào cho Ngọc Trâm. Đến lúc tàu hụ còi, tôi xách ba lô leo lên toa tàu, Ngọc Trâm đứng lại dưới sân ga, vẫy tay với tôi khi đoàn tàu chuyển bánh. Tôi thoáng thấy một chút bồi hồi khi phải xa Ngọc Trâm, nhưng rồi mau chóng khỏa lấp bởi niềm háo hức được đến những nơi mới lạ trong chuyến đi trước mắt. Đôi lúc trong một khoảnh khắc thoáng qua nào đó trong cuộc hành trình, tôi nhớ đến Ngọc Trâm, muốn nghe lại giọng Huế nhẹ nhàn và trong trẻo của Ngọc Trâm, muốn trở lại Huế để được nhìn thấy Ngọc Trâm thêm một lần nữa. Nhưng rồi lại thôi. Tôi muốn để cho tất cả trôi qua thật bình thản, Ngọc Trâm và mùa hè rực rỡ hoa phượng chỉ còn lại trong ký ức như một kỷ niệm đẹp của thời mới lớn. Tôi hãy còn quá trẻ để nghỉ đến chuyện nắm lấy tương lai, đến chuyện định đoạt cho cuộc đời của mình mai sau. Có lẽ Ngọc Trâm cũng cùng một suy nghĩ như tôi. Sau khi rời Huế, tôi dán tấm hình duy nhất của Ngọc Trâm đã tặng cho tôi vào cuốn nhật ký hành trình. Từ đó về sau tôi không viết thêm một dòng nào nữa. 

 Cuộc hành trình của tôi kéo dài thêm sáu tháng. Số tiền tôi nhận được ở Huế thực sự không đủ cho tôi chi tiêu nên tôi phải làm qua đủ thứ việc để kiếm tiền. Tôi khuân vác ở bến cảng, nhặt than ở hầm mỏ, làm phụ hồ hay bất cứ một việc gì đó, không ngại nặng nhọc. Tôi không chỉ dừng lại ở mỗi nơi vài ngày như trước kia mà sống và trải nghiệm, có khi đến hằng tháng ở những nơi tôi cảm thấy thích. Khi thấy xa nhà đã đủ lâu và cảm thấy nhớ mẹ tôi, tôi quay về Sài Gòn trong chuyến bay cuối cùng trong ngày, ngay trước đêm Giáng Sinh. Tôi háo hức khi trở lại ngôi nhà thân thuộc và sẽ gặp lại mẹ tôi, sẽ kể cho mẹ tôi nghe những chặng đường tôi đã đi qua. Tôi đẩy cửa bước vào nhà, giữa phòng khách là cây thông rực rỡ ánh đèn màu nhấp nhấy, không khí vui nhộn trong tiếng nhạc và chừng như mọi người đang chuẩn bị cho bữa ăn thịnh soạn đêm Giáng Sinh. Nhưng thay vì mừng vui, mẹ tôi chỉ đứng lặng nhìn tôi. Thím tôi từ sau nhà đi ra, với vẽ nghiêm nghị mà tôi chưa từng thấy bao giờ, nhìn tôi và nói gằn từng tiếng: - Ngọc Trâm hắn chết rồi! Khi tôi tỏ ra sửng sốt, thím tôi chua chát nói thêm: - Mi bỏ đi biền biệt, không thư không từ thì biết chi mô! Trâm có thai hơn ba tháng. Đến lúc gia đình biết được, hắn uống thuốc ngủ tự tử! Mi vừa lòng chưa? Mẹ mẹ tôi bật khóc. 

Tôi đứng lặng người. Sự có mặt của tôi mang đến một bầu không khí thật ảm đạm trong bữa tiệc đêm Giáng Sinh. Các anh và chị tôi dù đã cố gắng để làm ra vẻ tự nhiên nhưng vẫn không giấu được nổi thất vọng dành cho tôi vì thấy tôi vẫn điềm nhiên ăn uống, thay vì khổ tâm, thay vì đau buồn trước cái chết của Ngọc Trâm. Những ngày sau đó, các anh và chị tôi gần như tránh nói chuyện với tôi, trong khi ba tôi xem như tôi không hề có mặt trong nhà, chạm mặt tôi là ông nhìn đi chỗ khác. Ở tuổi mười tám, có thể tôi chưa thấy được cái chết của Ngọc Trâm và đứa con chưa chào đời là một mất mát to lớn như thế nào trong đời tôi, nhưng không vì thế mà tôi không thấy hụt hẫng và không cảm thấy ray rức vì tôi đã gián tiếp gây ra cái chết ấy. Tôi không biết những người lớn trong gia đình, ba tôi, mẹ tôi, chú thím và các anh chị tôi muốn tôi phải tỏ ra ăn năn sám hối như thế nào, hay phải làm gì để chuộc lại lỗi lầm của tôi trước cái chết của Ngọc Trâm! Tôi đã không dám đụng tay đến cuốn nhật ký hành trình của tôi, sợ mở ra sẽ thấy lại tấm hình của Ngọc Trâm với ánh mắt trong veo và nụ cười tươi tắn. Tôi dùng dây vải cột chặt quyển nhật ký lại và giấu vào đáy ngăn kéo bàn viết của tôi. Nhiều đêm tôi ngồi lặng lẽ hằng giờ bên bàn viết, đối diện với một sự thật mà tôi không thể chối bỏ, Ngọc Trâm đã chết, lỗi do tôi. Tôi đã sống trong nỗi niềm ray rức hằng đêm, như vậy chưa đủ hay sao? Trong nỗi hụt hẫng, ray rức và thái độ xa lánh của những người thân, tôi chọn lối sống buông xuôi.

 Ngày ngày tôi không biết làm gì hơn là la cà vào quán rượu hay vào vũ trường vào buổi chiều tối, uống rượu, nghe ca nhạc, nhảy nhót với đám gái nhảy đến quá nửa đêm mới trở về nhà. Đôi khi mẹ tôi thức, chờ tôi đến tận nửa đêm và không nói gì cả, chỉ nhìn tôi với ánh mắt thật xót xa. Tôi biết như thế là làm cho mẹ tôi lo lắng và đau buồn, nhưng tôi không thể làm gì khác hơn được, vẫn đêm đêm đến vũ trường. Cho đến một hôm, khi tôi chếnh choáng bước vào nhà, mẹ tôi nói trong làn nước mắt: - Con ơi! Trâm nó chết rồi, bây giờ con muốn mẹ cũng phải chết nữa hay sao?Hôm sau tôi thay đổi lối sống. Tôi đi tìm việc khắp nơi, cuối cùng được nhận vào làm công nhân trong hảng sản xuất đồ nhựa. Ngày ngày tôi lặng lẽ thức dậy từ sớm, bới một phần cơm để mang đi làm. Buổi chiều tôi về nhà, đôi lúc rất trễ vì phải làm thêm giờ, lặng lẽ ăn phần cơm mẹ tôi đã dành lại cho tôi rồi rút vào phòng của tôi. Những ngày tháng ấy, tôi sống như một chiếc bóng, lặng lẽ và âm thầm. Các anh chị không ai hỏi han đến tôi và tôi cũng muốn như vậy. Tôi muốn được để yên để có một cuộc sống như tôi muốn. Những mùa Giáng Sinh đến, với cây thông trang hoàng rực rỡ giữa phòng khách, với những buổi tiệc rượu thịnh soạn chiêu đãi khách khứa của ba tôi, với những món quà quí giá được mọi người trao tay nhau vào giữa đêm Giáng Sinh. Nhưng tôi bỏ mặc những thứ ấy, cây thông, tiệc rượu, quà cáp. Đối với tôi, đêm Giáng Sinh là đêm tôi biết được Ngọc Trâm không còn trên cõi đời nầy nữa. Mùa Giáng Sinh đi qua, tôi dửng dưng mang cây thông ra bải rác và cũng chẳng còn nhớ đã bao nhiêu lần như thế. 

Hai 
Tôi gặp Cẩm Tú thật tình cờ trong một quán ăn trưa tôi vẫn thường đến vào ngày cuối tuần. Cẩm Tú nhìn tôi, rồi cười thật tươi: - Lâu chưa tề! Tôi ngập ngừng đáp lại: - Đã lâu không gặp. Cẩm Tú vẫn khỏe chứ? Cẩm Tú có vẻ bận việc, vội vã mở ví lấy tấm danh thiếp đưa tận tay tôi: - Nhớ gọi cho Cẩm Tú hỉ! Khi về nhà, tôi ném tấm danh thiếp của Cẩm Tú vào góc bàn. Bữa cơm chiều tôi không muốn ăn, nằm lỳ trong phòng. Qua khỏi giờ cơm chiều mẹ tôi gõ cửa phòng, hỏi tôi đã xảy ra chuyện gì. Tôi cho mẹ tôi biết trưa hôm nay tôi đã tình cờ gặp Cẩm Tú. Ngay khi biết tin Ngọc Trâm chết, mẹ và chị gái tôi đã tức khắc đi Huế để gặp gia đình của Ngọc Trâm. Nhưng gia đình của Ngọc Trâm cự tuyệt không tiếp mẹ tôi, chỉ có Cẩm Tú là chị của Ngọc Trâm ra gặp mặt. Từ đó về sau, gia đình tôi không còn thêm một lần gặp gỡ nào nữa với gia đình của Ngọc Trâm. Gia đình tôi xem như còn nợ gia đình Ngọc Trâm một lời tạ lỗi. Người gọi điện mời Cẩm Tú đến nhà dùng cơm vào chiều chúa nhật là mẹ tôi. Mẹ tôi bắt tôi phải đến đón Cẩm Tú, dù Cẩm Tú chỉ muốn tự mình đến nhà tôi. Từ trưa, mẹ tôi đích thân vào bếp để làm thức ăn chứ không giao cho người giúp việc như những buổi tiệc chiêu đãi khách khứa của ba tôi. Mẹ tôi nói và cười như đã lâu mới được một ngày vui như vậy. Mẹ tôi xắp xếp để chiều hôm ấy mọi người trong nhà đều đi vắng. Bữa ăn chiều chỉ có ba người, mẹ tôi, Cẩm Tú và tôi, cùng ngồi vào bàn ăn ở hiên nhà. Trong bữa ăn tôi nói rất ít, nhưng không vì thế làm cho không khí trở nên buồn tẻ. Có sự thân tình giữa mẹ tôi và Cẩm Tú trong những câu chuyện lớn nhỏ được kể ra trong bữa ăn..

 Cẩm Tú vào Sài Gòn học ngành dược, ra trường và làm cho một công ty dược phẩm danh tiếng. Khi mẹ tôi hỏi vì sao Cẩm Tú chưa lập gia đình, Cẩm Tú chỉ lắc đầu cười, nói vì bận học và vì công việc. Thời gian qua thật mau, vậy là sáu năm. Cẩm Tú đã bỏ đi vẽ lạnh lùng, khô khan, không còn là cô gái nói giọng Huế thật khó nghe như lần đầu tôi gặp gỡ. Cẩm Tú cởi mở hơn, giọng Huế cũng nhẹ nhàn hơn và dễ thương hơn. Tuy vậy, tôi không hề có ý định gặp lại Cẩm Tú sau bữa ăn gia đình ấy. Một hôm mẹ tôi nói Cẩm Tú gọi điện nhưng không gặp được tôi, có ý mời tôi đi dự sinh nhật một người bạn gái của Cẩm Tú. Tôi không muốn đi nhưng nhìn ánh mắt của mẹ tôi, tôi nhận lời. o Trong buổi tiệc sinh nhật của người bạn gái, Cẩm Tú mặc bộ đầm bó sát người, tóc bới cao thật trang nhã. Vây quanh Cẩm Tú là những người đàn ông ăn mặc lịch lãm, ân cần săn đón. Tôi lách mình bước đến chào Cẩm Tú. Cẩm Tú nắm tay tôi, giới thiệu với những người đàn ông đang vây quanh mình: - Duy Lộc, bạn của Cẩm Tú. Trước những ánh mắt tò mò lẫn chút soi mói của những người đàn ông lịch lãm, tôi thấy không cần phải nán lại để xã giao với một ai.

 Tôi gật đầu chào mọi người rồi quay đi tìm một bàn còn tróng chổ để ngồi. Ngồi cùng bàn với tôi là một cô gái trẻ, rất nhí nhảnh. Khi nhạc trổi lên, cô gái quay sang tôi hỏi: - Ra sàng với em nhá? Tôi lắc đầu: - Không biết nhảy! Cô gái nhìn tôi cười khúc khích rồi quay qua nhận lời mời ra sàng nhảy từ một gã trai trẻ. Tôi một mình ngồi lại, cầm ly rượu uống một hơi đến cạn. Bàn bên kia, một người đàn ông lịch sự nắm tay Cẩm Tú đưa ra sàng nhảy trong khi những người đàn ông còn lại dỏi mắt nhìn theo. Một trong số những người đàn ông đang vây quanh Cẩm Tú, có vẻ đã bỏ cuộc, lừng khừng đứng lên rồi tiến về phía tôi, tay cầm chai rượu. Gã nhìn bộ đồ tềnh toàn tôi đang mặt trên người, hỏi trống không: - Nghề nghiệp gì thế? Tôi trả lời cộc lốc: - Công nhân xưởng nhựa! Gã kéo ghế ngồi xuống cạnh tôi, vẫn với lối nói trống không: - Phải là giám đốc! Kỹ sư đây còn chưa nắm được tay người đẹp, công nhân thì ra thớ gì! Gã cười khùng khục, rồi rót rượu vào ly của gã và của tôi. Tôi cầm ly rượu uống một hơi đến cạn. Gã kỹ sư thất tình cũng không kém cạnh, nóc một hơi cạn ly như tôi. Những bản nhạc tiếp nối nhau, gã kỹ sư ngồi bên cạnh tôi không ngừng dỏi mắt nhìn theo bóng dáng của Cẩm Tú, thoáng ẩn hiện trên sàng nhảy cùng với những người đàn ông lịch lãm. Sau mỗi bản nhạc, gã rót rượu vào ly của gã và của tôi, rồi cả hai không ai nói một lời, uống cạn ly của mình. Sau khi uống hết ly rượu thứ tư, tôi đứng lên đi về bàn của Cẩm Tú. Khi tôi nắm tay Cẩm Tú với ý định mời ra sàng nhảy, người đàn ông ngồi cạnh bên Cẩm Tú chặn tay tôi lại. Bằng một giọng thật trịnh trọng, hắn nói: - Cẩm Tú đã đồng ý đâu nào! Nói xong, hắn nghênh gương mặt choắt của hắn với cặp kín cận dầy cộp để nhìn tôi, trong khi tay hắn giữ lấy tay Cẩm Tú như muốn chứng tỏ hắn có quyền hành xử như thế. Tôi không cần biết hắn là giám đốc hay là gì của Cẩm Tú, gở tay hắn ra khỏi tay Cẩm Tú. Rồi không nói một lời, tôi nắm tay Cẩm Tú lôi ra sàng nhảy trước những cặp mắt kinh ngạc đến ngỡ ngàng của đám đàn ông lịch lãm.

 Bản nhạc điệu rumba thật buồn, buồn vô hạn, khắc khoải trong nỗi nhớ chia lìa của kẻ đang yêu. Tôi cầm tay Cẩm Tú, bàn tay ấm, mềm mại, đưa đi trong những bước rumba buồn bã vô hạn ấy. Cẩm Tú tóc búi cao, cổ trắng mịn, nép sát vào người tôi. Mùi nước hoa của Cẩm Tú thoang thoảng, dịu dàng và quyến rủ. Trong cơn ngà say, tôi nhìn Cẩm Tú thật gần và thật lâu. So với Ngọc Trâm hồn nhiên và tươi trẻ, Cẩm Tú đẹp rực rỡ và trọn vẹn! 
 Đám cưới của tôi và Cẩm Tú là điều mong đợi của rất nhiều người, nhất là mẹ tôi. Những ngày tháng tôi sống lầm lủi như một chiếc bóng trong gia đình đã chấm dứt. Ba tôi bỏ đi vẽ lạnh lùng nghiêm khắc, trao một xưởng may nhỏ cho tôi trông coi. Các anh và chị tôi tận tình giúp tôi bài trí căn nhà mới mua, quà cưới của gia đình dành cho tôi và Cẩm Tú. Ba mẹ của Cẩm Tú từ Huế vào Sài Gòn một tuần trước lễ cưới và mẹ tôi xem như đã gở được mối oan nghiệt giữa hai gia đình. Nhưng có một điều, cái tên Ngọc Trâm tuyệt nhiên không bao giờ được nhắc đến giữa hai gia đình. Mọi người xem như Ngọc Trâm chưa bao giờ hiện hữu. Sau ngày cưới tôi về căn nhà mới với Cẩm Tú. Căn phòng của tôi giờ để không, khóa cửa lại. Cuốn nhật ký hành trình của tôi, tôi vẫn để nó dưới đáy ngăn kéo bàn viết chứ không mang theo sang nhà mới. Sống bên tôi, Cẩm Tú là người vợ giỏi giang trong nhiều việc. Cẩm Tú đã giúp tôi rất nhiều trong việc điều hành xưởng may. Cẩm Tú tìm rất nhiều tài liệu về kỹ năng điều hành xí nghiệp và bắt tôi phải đọc mỗi tối. Cũng từ đó, tôi có thói quen đọc sách vào những buổi chiều tối thay vì ngồi xem ca nhạc vu vơ trên vô tuyến. Một năm sau, ba tôi trao thêm quyền điều hành xưởng dệt thảm cho tôi. Ông thấy an tâm khi có Cẩm Tú bên cạnh tôi. Tôi phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn trước. Những buổi chiều muộn tôi trở về nhà mệt mỏi, Cẩm Tú đến quàng đôi tay trần mát dịu vào cổ tôi, thủ thỉ nói: - Em yêu anh. Anh có biết không? o

 Ngay sau khi Cẩm Tú sinh đứa con gái đầu lòng, ba tôi bị tai biến mạch máu não. Tuy qua được cơn nguy kịck nhưng ba tôi phải ngồi xe lăn. Từ bệnh viện trở về, ba tôi gọi tất cả anh chị và tôi đến nhà cho ông nói chuyện. Bằng giọng nói mệt nhọc và dứt khoảng, ba tôi cho mọi người biết ông đã làm giấy ủy quyền cho tôi thay ông trong mọi việc kinh doanh của gia đình. Đúng là một bất ngờ cho tất cả mọi người, nhất là tôi. Tôi muốn từ chối nhưng tôi nghĩ ba tôi đã chọn tôi chứ không phải người anh lớn để ủy quyền thì phải có lý do của riêng ông. Bấy lâu nay tôi chỉ quen với việc quản lý hai cơ xưởng may gia công và dệt thảm. Nhận sự ủy quyền của ba tôi để điều hành tất cả mọi việc kinh doanh của gia đình là quá sức của tôi. Có những buổi hợp ba tôi không đến được, chỉ một mình tôi đến dự và dù ba tôi có dặn dò chỉ bảo, nhưng tôi không phải là ba tôi, không đủ sức thuyết phục hay quyền biến để thương lượng với đối tác. Tôi còn biết thêm một điều mà bấy lâu tôi không biết, công việc kinh doanh của gia đình tôi trong hai năm qua không được thuận lợi. Những khoảng đầu tư vào bất động sản bị trì trệ, lỗ lã và những món nợ vay ngân hàng ngày càng lớn ra. Khi biết được ngân hàng đưa ra thời hạn chỉ vỏn vẹn ba tháng để thanh toán một khoảng nợ rất lớn, ba tôi lên cơn đau tim, bị đột quỵ ngay sau đó. Sau năm ngày hôn mê, ba tôi hồi tỉnh nhưng ông phải nằm liệt giường trong bệnh viện, tinh thần suy sụp hẳn. Nguy cơ gia đình tôi bị phá sản đã ngay trước mắt. Chính lúc nầy Cẩm Tú đưa ra một giải pháp. Để có tiền trả món nợ rất lớn của ngân hàng, cần phải bán căn nhà của ba mẹ tôi và cơ xưởng dệt thảm. Đồng thời gia đình Cẩm Tú sẽ thương lượng để mua lại những bất động sản đầu tư đang bị lỗ lã của gia đình tôi. Trong buổi hợp mặt, tất cả anh chị tôi đều đồng ý giải pháp của Cẩm Tú đã đưa ra. Mọi người trong gia đình tôi đều thấy như vậy là mất mát rất lớn, nhất là mất đi căn nhà của ba mẹ mà chúng tôi đã từng sống từ lúc tuổi nhỏ cho đến khi trưởng thành, nhưng xem ra không còn cách nào khác hơn.

 Ba tháng sau tôi vào bệnh viện để cho ba tôi biết món nợ ngân hàng đã trả xong nhưng phải bán đi phần lớn tài sản của gia đình và dĩ nhiên là có sự giúp đỡ rất lớn của gia đình Cẩm Tú. Ba tôi nghe xong, môi mấp máy như có điều muốn nói. Tôi ghé người sát vào để nghe cho rỏ hơn nhưng chỉ nghe được những tiếng phều phào vô nghĩa. Nhưng ngay lúc ấy, tôi cảm thấy được bàn tay run rẩy của ba tôi đang đặt nhẹ trên lưng tôi, rồi ông cố rướn lên, hôn vào má tôi. Từ ngày tôi khôn lớn biết suy nghĩ, đây là lần đầu tiên ba tôi bày tỏ sự trìu mến và thương yêu dành cho tôi, một đứa con lêu lổng đến gần như là bỏ đi như ba tôi vẫn thường nói. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng. Ngày hôm sau, ba tôi mất! 

 Ba 
Tôi không giàu có lắm, chỉ làm chủ một cơ xưởng may nhỏ với mười nhân công, là phần tài sản mẹ tôi chia lại cho tôi sau khi ba tôi mất. Bên cạnh tôi là Cẩm Tú, một người vợ xinh đẹp, có học thức và biết cách chiều chồng. Những người đàn ông thành đạt hơn tôi rất nhiều, giàu có hơn tôi rất nhiều, vừa phải ngưỡng mộ, vừa phải ganh tị khi thấy Cẩm Tú sánh bước bên tôi trong những buổi dạ tiệc sang trọng. Mọi người, kể cả mẹ tôi đều cho rằng tôi có một cuộc sống rất hạnh phúc. Căn nhà của ba mẹ tôi bán đi, tôi không lấy theo thứ gì ngoài một vài món đồ của những ngày tôi còn nhỏ dại. Một ít truyện tranh, vài xấp hình chụp chung với bạn bè và gia đình, tất cả xếp gọn vào thùng gỗ nhỏ. Riêng cuốn nhật ký hành trình, tôi cẩn thận gói nó lại bằng tấm vải dầu và đặt nó ở đáy thùng. Tôi mang thùng gỗ về nhà, để nó ở ngăn cuối tủ sách của tôi. Nhiều đêm tôi thức khuya để đọc sách, nhìn vào ngăn cuối tủ sách, thấy chiếc thùng gỗ nằm im lìm, gìn giữ những kỹ vật ghi dấu một khoảng đời đã qua của tôi.

 Mười năm trôi qua nhưng chưa bao giờ tôi trở lại Huế, dù đi cùng với Cẩm Tú để thăm gia đình bên vợ. Tôi sợ trở lại Huế như sợ phải giở lại cuốn nhật ký hành trình của tôi. Tôi sợ phải đi ngang qua Gia Hội nơi tôi đã thuê phòng để trọ suốt mùa hè năm ấy. Tôi sợ phải bước vào căn nhà cổ kính hai tầng của gia đình Cẩm Tú mà trước kia tôi chỉ dám đứng nhìn từ xa. Căn nhà cổ kính ấy, cửa sổ bên phải lầu hai là nơi Ngọc Trâm vẫy tay từ biệt khi tôi đưa Ngọc Trâm về sau những lần hẹn hò lén lút. Ngọc Trâm đi trước, tôi đi một khoảng xa phía sau cho đến lúc Ngọc Trâm vào nhà, tôi giả như một kẻ bộ hành đang tình cờ đứng bên kia đường, nhìn vu vơ cho đến khi thấy được chiếc khăn tay của Ngọc Trâm vẩy nhè nhẹ sau khung cửa, tôi mới lặng lẽ bước đi. Nhưng cũng có một thoáng nào đó, trong nỗi tiếc nuối mông lung, tôi muốn trở lại Huế với một bộ dạng nhầu nhỉnh, đứng đợi hằng giờ trước cửa sân ga và dù biết rằng sẽ chẳng có đứa con gái nào với mái tóc ngắn và nụ cười thật tươi, chạy đến trước mặt tôi. Nhưng tôi sẽ đứng đấy để chờ đợi, chờ đợi trong tuyệt vọng, chờ đợi trong mỏi mòn. Mọi người, kể cả mẹ tôi không biết rằng trong cuộc sống rất hạnh phúc của tôi, tôi không thể nào quên được Ngọc Trâm và luôn ray rức về cái chết của Ngọc Trâm. 

 Cẩm Tú sinh thêm đứa con trai. Đến lúc đứa con trai được hai tuổi, chúng tôi dọn đến một căn nhà lớn hơn. Phải mất hơn một tuần lễ để tôi và Cẩm Tú thu xếp mọi thứ mang từ căn nhà cũ vào đúng nơi đúng chổ trong căn nhà mới. Căn nhà mới khang trang và rộng rãi, có bốn phòng ngủ và một phòng đọc sách. Chiếc thùng gỗ của tôi bây giờ thêm một vài món đồ của đứa con gái, vẫn được để ở ngăn cuối tủ sách của tôi. Một buổi chiều đi làm về, tôi thấy Cẩm Tú có vẻ đăm chiêu. Tôi hỏi đã xảy ra việc gì nhưng Cẩm Tú không trả lời, chỉ quay lưng đi. Một thoáng sau Cẩm Tú trở lại, trên tay là quyển nhật ký hành trình của tôi, giây vải cột nhật ký đã bị tháo tung ra. Tôi thấy thật sửng sờ, tôi không bao giờ nghĩ Cẩm Tú có thể lục lọi và soi mói vào những thứ xem như là riêng tư của tôi. Tôi định lấy lại cuốn nhật ký thì Cẩm Tú giữ chặt lấy nó và nói lớn tiếng: - Tại sao anh phải gói ghém cẩn thận và giấu tận đáy rương? Tôi đưa tay về phía Cẩm Tú: - Trả lại cho anh! Cẩm Tú lắc đầu, rồi ngay trước mắt tôi, Cẩm Tú mở quyển nhật ký ra và xé nát từng trang viết, cho đến trang viết cuối cùng có hình của Ngọc Trâm cũng bị xé nát. Tôi bàn hoàn nhìn từng mảng vụng hình của Ngọc Trâm rơi xuống sàng nhà trong khi Cẩm Tú hét lớn: - Bao năm rồi mà anh vẫn không quên được nó sao? Tối hôm ấy Cẩm Tú ngủ một mình, cửa phòng ngủ khóa chặt. Tôi qua phòng đứa con trai để ngủ qua đêm ấy. Sáng hôm sau tôi thức sớm và đi làm sớm hơn thường lệ để tránh mặt Cẩm Tú. Buổi chiều sau khi rời xưởng may, tôi vào quán rượu, ngồi nghe nhạc và uống rượu cho đến mười giờ đêm mới về nhà. Tôi thấy Cẩm Tú ngồi trong phòng khách chờ tôi, nhưng tôi cứ đi thẳng ra sau nhà. Cẩm Tú chạy theo, nói đứt quãng: - Anh ơi! Em xin lỗi, em đã cư xử không đúng! Khi tôi đứng lại, Cẩm Tú nhào đến ôm chằm lấy tôi từ phía sau. Một lúc sau Cẩm Tú lên tiếng: - Đừng bao giờ vì Ngọc Trâm mà xa em nha anh! Tối hôm ấy, trên giường ngủ Cẩm Tú rút vào lòng tôi, nói thật khẽ: - Em sẽ chết nếu anh xa em! Tôi xoa lên vai Cẩm Tú như đã từng làm bao năm qua khi Cẩm Tú gặp chuyện buồn phiền, nhưng đêm hôm ấy trong lòng tôi thấy khác đi rất nhiều.. 

 Đã từ lâu tôi không tin một cô gái trẻ, yêu đời và sống lạc quan như Ngọc Trâm có thể tự tử. Những lời nói và thái độ của Cẩm Tú làm tăng thêm nỗi nghi ngờ của tôi về cái chết của Ngọc Trâm. Cuối cùng tôi phải nhờ đến văn phòng thám tử tư để tìm cho ra những chứng cứ mà tôi muốn có. Một tháng sau, văn phòng thám tử tư đưa cho tôi bản sao giấy chứng tử của Ngọc Trâm và bản sao biên bản điều tra của chi cục cảnh sát Huế về cái chết của Ngọc Trâm mười sáu năm về trước. Giấy chứng tử cho thấy Ngọc Trâm chết vì gẩy xương cổ, chứ không phải chết vì thuốc ngủ và chứng thực Ngọc Trâm đã mang thai ba tháng. Trong biên bản điều tra của chi cục cảnh sát Huế, ghi chi tiết những lời khai của nhiều nhân chứng, đều là người trong gia đình Ngọc Trâm, cho thấy Ngọc Trâm bị té thang từ lầu hai trong lúc cãi vã với Cẩm Tú. Tuy cái chết của Ngọc Trâm có nhiều nghi vấn nhưng không đủ chứng cứ buột tội Cẩm Tú đã gây ra, nên phòng điều tra kết luận là một tai nạn. Biên bản cũng cho thấy gia đình chỉ biết Ngọc Trâm mang thai sau khi bác sĩ tiến hành khám nghiệm tử thi. Buổi chiều về đến nhà, tôi đưa bản sao giấy chứng tử và bản sao biên bản điều tra của cảnh sát cho Cẩm Tú xem. Cẩm Tú vò nát mớ giấy trong tay, rồi bỏ chạy vào phòng ngủ và khóa trái cửa lại. Tôi đứng bên ngoài phòng ngủ, đập cửa, hỏi lớn tiếng: - Tại sao gia đình cô phải nói là Trâm tự tử? Để che đậy cho việc cô đã xô Trâm xuống lầu phải không? Cẩm Tú không trả lơi những câu tôi đã hỏi. Căn nhà trở nên im lìm đến đáng sợ. 

Tối hôm ấy tôi ngủ ở phòng đứa con trai.. Sáng hôm sau tôi thức sớm và đi làm sớm. Buổi chiều sau giờ làm, tôi đi ăn tiệm rồi vào quán rượu uống với đám gái hầu rượu đến nửa đêm mới về nhà. Hai đứa con đã ngủ từ lâu, tôi rón rén vào phòng ngủ chung giường với con trai. Những đêm sau, tôi vẫn về nhà lúc nửa đêm và vào phòng ngủ với đứa con trai. Một tối Cẩm Tú đợi tôi ở cửa, ôm lấy tôi và khóc nức nở khi tôi vừa bước vào nhà. Tôi đẩy Cẩm Tú ra, lớn tiếng hỏi: - Cô nói đi. Tại sao Trâm bị té từ thang xuống dưới lầu? Cẩm Tú quỳ xuống ôm chân tôi, van lơn: - Em xin anh! Đừng bắt em nói ra! Tôi nói lạnh lùng: - Trâm đã chết mười mấy năm rồi! Cảnh sát cũng không buột tội cô! Tôi chỉ muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho Trâm? Cẩm Tú vẫn ôm lấy chân tôi, nấc lên từng tiếng và không trả lời. Tôi hét lớn: - Cô nói đi! Một lần thôi, rồi tôi sẽ bỏ qua tất cả! Một lúc sau Cẩm Tú lên tiếng: - Em với Trâm cải nhau, trong lúc tức giận, em xô nó nhưng không cố ý cho nó té xuống thang. Anh ơi, chỉ là một tai nạn! Tôi hỏi: - Cải nhau về chuyện gì? Một khoảng thật lâu, rồi Cẩm Tú ngước lên nhìn tôi, nói nghẹn ngào: - Nó biết em thích anh cơ mà! Sao nó lại quen anh! Sao nó lại giật anh khỏi tay em! - Cô thích tôi? Từ khi nào? - Ngay lần đầu gặp anh! Nhưng em cố làm ra vẻ lạnh lùng! Em thật ngu dại! Tôi lặng thinh, thấy thật rối trong lòng. Tôi đã cố gắng để trở lại với cuộc sống bình thường như đã hứa với Cẩm Tú, nhưng trong lòng tôi thấy không thể, thực sự không thể. Nhiều đêm tôi nằm trằn trọc không ngủ được. Cảnh tượng Cẩm Tú trong một lúc ghen tuông và giận dữ, đã xô Ngọc Trâm xuống thang lầu cứ mãi ám ảnh tôi. Và bao nhiêu năm qua, gia đình của Cẩm Tú đã dối gạt tôi, khiến tôi ray rức, khiến tôi tin là mình phải chịu trách nhiệm trong cái chết của Ngọc Trâm. 

Những đêm như thế, tôi nằm quay lưng lại còn Cẩm Tú thì luôn ôm lấy lưng tôi cho đến khi tôi thiếp đi vào giấc ngủ muộn màng. Một tối mưa thật lớn, trời sấm chớt liên hồi làm đứa con trai của tôi hoảng sợ, khóc thét trong đêm. Tôi sang phòng con trai, nằm vào giường, ôm nó vào lòng rồi tôi ngủ thiếp đi cho đến sáng. Cũng từ hôm ấy tôi bỏ mặc Cẩm Tú, hằng đêm vào ngủ cùng với con trai. Như vậy được bao lâu, tôi cũng không nhớ cho đến lúc Cẩm Tú nửa đêm đến bên giường, nắm tay tôi, nghẹn ngào nói: - Bao năm qua em sống dằn vật vì cái chết của Ngọc Trâm. Em đau khổ thấy anh vẫn nhớ thương Ngọc Trâm. Em đã vì anh làm tất cả, để chuột lại lỗi lầm của em! Anh có biết không? Tôi rút tay ra khỏi tay Cẩm Tú và lặng thinh không nói gì. Cẩm Tú gục đầu vào thành giường khóc nức nở: - Anh ơi! Đừng ruồng bỏ em như thế! Em sẽ chết mất anh ơi! Tôi vẫn không nói một lời cho đến lúc Cẩm Tú trở gót đi về phòng. Rồi một đêm Cẩm Tú bước vào phòng đứa con trai, tay cầm một con dao sáng loáng. Cẩm Tú đưa dao kề vào cổ tay mình, nói trong làn nước mắt: - Em sẽ chết cho anh vừa lòng! Tôi nhìn Cẩm Tú, lạnh lùng nói: - Tôi thách cô đấy! Tôi thực sự nghỉ Cẩm Tú không bao giờ dám tự tử.

Bốn 
Cẩm Tú chọn một cái chết thật nhẹ nhàng ngay trong phòng đọc sách của tôi, với một liều thuốc độc được tiêm vào cánh tay. Trên bàn viết là một mẫu giấy chỉ vỏn vẹn một dòng chữ viết tay, nói đây là chọn lựa của Cẩm Tú để tránh cho tôi không bị nghi vấn. Tôi ngồi lặng người, ôm đứa con trai trong lòng, nhìn đứa con gái gào khóc, chạy theo thi thể Cẩm Tú khi được nhân viên cấp cứu đưa ra khỏi nhà. Sau đám tang, tôi trở về nhà với hai đứa con, thấy hình ảnh của Cẩm Tú đầy ấp trong căn nhà trống trải. Thật là khó khăn để tôi giải thích với hai con tôi, chỉ vì những hành động nông nỗi của tôi đã khiến chúng nó mất mẹ. Dù hai con tôi còn nhỏ, chưa thể hiểu hết những gì tôi nói, nhưng tôi thấy cần phải như thế. Tôi không muốn giấu diếm sự thật vì trước sau gì khi các con tôi khôn lớn, chúng sẽ biết và chúng sẽ phán xét những gì tôi đã làm ngày hôm nay.Hai năm sau tôi đưa hai con đi Huế, cũng vào mùa hè. Mười tám năm, tôi mới được thấy lại Huế và màu hoa phượng rực rỡ của Huế. Tôi trở lại Gia Hội nhưng thấy như lần đầu, không còn nhớ được tôi đã từng thuê phòng trọ ở nơi đâu. Chỉ có căn nhà cổ kính hai tầng của gia đình Cẩm Tú vẫn như xưa. 

Tôi đứng bên kia đường cùng với hai đứa con, nhìn lên cửa sổ bên phải lầu hai, trước khi băng qua đường để vào nhà. Sảnh của căn nhà rất rộng, bài trí sang trọng theo lối phương tây, cuối sảnh là cầu thang cánh quạt rẽ làm hai để lên tầng trên. Tôi đứng bên dưới thang nhìn lên, nghỉ rằng có thể là nơi Ngọc Trâm đã té xuống. Khi tôi định lên tầng trên thì đúng lúc ba của Cẩm Tú chóng gậy bước xuống thang. Ông quơ gậy chận tôi lại, giận dữ quát tháo: - Anh lên đây làm gì! Ra khỏi nhà cho tôi! Hai đứa con tôi sợ hãi, nép vào sau lưng tôi. Ông trừng mắt nhìn tôi, rồi nói với một giọng thật hằn học: - Cẩm Tú hắn đối với anh như thế nào anh không thấy răng? Hắn vào Sài Gòn đi học cũng chỉ mong gặp được anh. Hắn năn nỉ tôi mua lại mớ bất động sản lỗ lã của cha anh để gia đình anh khỏi bị phá sản, cũng chỉ vì anh. Hắn một lòng một dạ với anh, còn anh thì quá tệ bạc với hắn! Rồi ông cầm gậy đập vào người tôi, hét lớn: - Khốn nạn! Cút đi! 
Buổi chiều tôi đưa hai con lên đồi, đến trước mộ của Ngọc Trâm trong nghĩa trang dành cho những người mang họ hoàng tộc. Mười tám năm, ngôi mộ bằng đá xanh đã có chỗ phủ đầy rêu. Tôi cố hình dung ra gương mặt với mái tóc ngắn của Ngọc Trâm, nhưng chẳng thể thấy được. Ngọc Trâm và mùa hè rực rỡ hoa phượng dường như đã quá xa xôi, như đã nhạt phai trong tâm trí tôi. Tôi ngồi xuống, lưng tựa vào bia mộ của Ngọc Trâm, nhắm mắt lại và hy vọng sẽ tìm lại được trong ký ức một chút gì còn sót lại của Ngọc Trâm, một vòng tay ôm hay một ánh mắt nhìn. Nhưng tôi chỉ thấy được nụ cười của Cẩm Tú trong đêm sinh nhật của người bạn gái, khi bị tôi nắm tay lôi ra sàng nhảy trước những cặp mắt kinh ngạc đến ngỡ ngàng của đám đàn ông lịch lãm. Cẩm Tú đã bước theo tôi và trên môi là một nụ cười mãn nguyện, vô cùng mãn nguyện! 

Trời đã tắt nắng, tôi dẫn hai con đi xuống đồi. Tôi quay lại nhìn một lần nữa nơi Ngọc Trâm và đứa con chưa chào đời yên nghỉ. Tôi chợt xót xa nhận ra rằng, Ngọc Trâm chỉ là một kỷ niệm thật đẹp nhưng cũng thật đau buồn của thời mới lớn. Bao năm qua tôi không quên được Ngọc Trâm chỉ vì Ngọc Trâm đã chết, chỉ vì tôi thấy có phần tội lỗi trong cái chết ấy. Chỉ vậy thôi mà tôi đã để mất ngần ấy năm tháng, đến bây giờ mới nhận ra. Tôi ước gì thời gian có thể quay trở lại, để có những buổi chiều muộn tôi trở về nhà mệt mỏi, Cẩm Tú đến quàng đôi tay trần mát dịu vào cổ tôi, thủ thỉ nói:- Em yêu anh. Anh có biết không? Và tôi chỉ muốn được một lần thôi, nói với Cẩm Tú: - Anh cũng yêu em! Một lời của tôi cho đến lúc lìa đời, Cẩm Tú chưa từng được nghe! 

 Khi đứa con gái đã đi lấy chồng và đứa con trai của tôi đi làm xa nhà, tôi dọn về một căn phố. Lẽ ra tôi đã dọn đi từ lâu nhưng tôi cứ mãi luyến tiếc căn nhà cũ, cho đến lúc thấy nó trở nên quá trống trải cho mỗi mình tôi. Căn phố tôi dọn về chỉ có một phòng ngủ và một phòng đọc sách thật nhỏ. Tôi cho chuyển về căn phố hai thứ mà tôi không bao giờ muốn bỏ đi, tủ sách và bàn viết của tôi. Những món đồ nội thất còn lại, tôi mua mới. Chiếc thùng gỗ của tôi, tôi vẫn để ở ngăn cuối tủ sách. Bây giờ cuộc sống của tôi thật phẳng lặng. Tôi đã bán đi cơ xưởng may từ nhiều năm trước.. Hằng ngày tôi dành thời gian vào việc trồng trọt cây cảnh hay đi dạo quanh công viên gần nhà. Buổi tối tôi ngồi đọc sách bên bàn viết đến nửa đêm, rồi lặng lẽ đi ngủ. Năm tháng còn lại của đời tôi, tôi đã nhìn thấy được trước mắt. Một hôm tôi mang chiếc thùng gỗ ra xem lại những món đồ kỷ niệm. Tôi đã không hề mở nó ra từ hàng chục năm qua. Đôi giày bé nhỏ của đứa con gái khi vừa chập chững biết đi, chiếc giàng thun của đứa con trai đã một lần bắn vở cửa kính khiến tôi nổi giận, những quyển truyện tranh tôi đã từng mải mê đọc đến quên cả bài vở. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy bên dưới những quyển truyện tranh, ngay đáy thùng gỗ là một gói vải dầu, cũ kỹ nhưng quen thuộc. Tôi mở gói vải dầu, thấy quyển nhật ký hành trình của tôi được cột lại cẩn thận bằng dây vải như bao nhiêu năm về trước.

 Từ lâu, tôi vẫn nghỉ cuốn nhật ký đã bị xé nát, đã không còn nữa. Bìa cuốn nhật ký đã cũ, bên trong từng trang viết bị xé rách đã được dán lại cẩn thận, màu giấy bây giờ vàng ố, thoảng mùi ẩm móc. Tôi lần mở từng trang nhật ký, đọc lại những gì tôi đã viết như một lần nữa trở lại cuộc hành trình của tôi năm tôi mười tám tuổi. Ở trang viết cuối của tôi, hình của Ngọc Trâm cũng được dán lại, gần như nguyên vẹn. Tôi sửng sờ khi thấy còn thêm một trang viết trong quyển nhật ký, ngay sau trang viết cuối của tôi. Tôi run tay mở ra, giữa trang giấy là hình của hai chị em Cẩm Tú và Ngọc Trâm, màu hình đã phai. Cẩm Tú đứng tựa vào góc thùy dương có vẻ mơ mộng, Ngọc Trâm ngồi cạnh bên ôm đàn hồn nhiên hát. Bên dưới là dòng chữ của Cẩm Tú, nét chữ ngay ngắn tuy mực đã mờ, ghi vỏn vẹn "Em đã dán lại quyển nhật ký. Tha lỗi cho em!" 

Những giọt nước mắt của tôi rơi xuống thắm trên nền giấy vàng ố và nỗi đau của tôi chỉ như mới ngày hôm qua! 

DL Bui © 2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét