Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Lang thang qua những cõi thơ Nguyễn Lương Vỵ - Cung Tích Biền

Image result for nguyễn lương vỵnguyễn lương vỵ
Trước nay, Nguyễn Lương Vỵ đã lần lược xuất bản 4 thi tập. Hồi còn ở trong nước, in hai tập, Âm Vang Và Sắc Màu [1990] và Phương Ý [2000]. Rời Sàigòn sang Mỹ định cư, tiếp tục điên lơ mơ, mần thơ, in thêm hai tập [phát hành tại Mỹ], Hòa Âm Âm Âm Âm… [2007] và Huyết Âm [2008]. 
Bốn thi tập bày ra bốn trình tự. Văn chương chữ nghĩa lần lượt đi lên. Cái sau ở bực thang trên, cao hơn. Vượt bỏ cái vừa bước qua. Trình tự này không phải một đời thơ nào cũng mần ngon ơ được. 

<!>
ÂM? 
Image result for tập thơ nguyễn lương vỵ
Có phải đây là một ám ngữ định mệnh đối với Nguyễn Lương Vỵ? Chữ/từ bắt đầu của tập thơ đầu đời là Âm [Âm Vang Và Sắc Màu] Từ cuối, của tập thơ chưa phải là cuối cùng, mới in xong gần đây, cũng là Âm [Huyết Âm]. Nhan đề 4 tập thơ chỉ có 14 từ, mà sáu [6] đã là Âm. Tập thơ thứ 3 có năm [5] từ, chỉ một “Hòa”, còn là bốn [4] Âm. Nếu âm được hiếu là âm/dương, thì quả là âm thịnh dương suy. Liệt bà nó rồi. 

“Âm” của Nguyễn Lương Vỵ hiện dụng là âm vang. Của Máu và Lệ. Huyết-lệ. Để tồn tại cái xác phàm một con người là tuần lưu đầy đủ Khí-Huyết. Với Nguyễn Lương Vỵ, máu và lệ [huyết] đã hát lời trầm thống. Đã tri hô theo cách tru hoang, rú tuyệt, giữa rừng thắm nhân gian cái cốt lõi của đọa đày, cùng cái bát ngát của thoát vượt. 
Thoát vượt cái gì? tới đâu, về đâu? Huyết đã có đường lưu vực chảy. Và Âm đã có bề sau của mã số cho ta đoái hoài. 
Hồn âm cứ nhấn/ Xác chữ cứ nhai/ Sai cái không sai/ Đúng cái không đúng/ Sống không để bụng/ Chết không mang theo/ Huyết âm trong veo…[Huyết âm 62].
Image result for tập thơ nguyễn lương vỵ 

Theo dõi cả Đời Thơ của Nguyễn Lương Vỵ, tôi nghĩ, thời điểm xuất hiện thi tập Hòa Âm Âm Âm Âm… có thể là đỉnh cao trong sự nghiệp. Tới đỉnh. Ở chỗ chót vót đời riêng, thở đủ kiểu, là tà tà xuống dốc, an nghỉ trong bóng chiều có được. Nếu có rán mần thêm, cũng phảng phất đâu đây một màu hương cũ. Tài năng có tuổi, sức người có hạn. 
Nhưng khi tới đỉnh, thi nhân này không tụt hạ, lại bất ngờ bay bổng. Thoát. Huyết Âm là  thể hiện cho một trường hợp dài hơi.
Thử điểm lại các tập thơ đã có mặt của Nguyễn Lương Vỵ: 
1- Tập đầu tay Âm Vang Và Sắc Màu [1990], lúc này hãy còn măng trẻ, còn thấm đậm cái thường tình, thi ngữ văng vẳng đâu đó cái cách, cuộc tương phùng ngôn ngữ Bùi Giáng. Nhà thơ trẻ này chưa ra khỏi cái Bóng lớn của Nhà thơ đi trước, mà anh cực mến mộ.


Những ngày nắng những ngày mưa 
Ta ngồi vẽ lại cổ xưa một mình 
Chốn nào trú ngụ điêu linh 
Phương nào náo nhiệt mối tình Tào Khê 
Theo em suối nhỏ tìm về 
Rằng quê tội lắm tứ bề đứng trông
…Nửa đời tên gọi trùng tên 
Nắng mưa phiêu bạt ngọn đèn thiên thu
…Bây giờ phố nhớ đồi tranh 
Vang lừng biểu tượng sao đành lạ nhau 
Nắng mưa khắc vợi hương màu 
Trông về cố xứ nát nhàu tử sinh. 
[trích Vọng/Âm Vang Và Sắc Màu]

2- Phương Ý [2000] thì đột nhiên Nguyễn Lương Vỵ phiêu hốt đi ra khỏi Bóng. Đủng đỉnh cùng thần thái, điệu, ngữ riêng mình. Trí tuệ. Thâm trầm. Phương Ý  mang tâm thức điềm đạm, tĩnh lặng thuần đông phương. Thi tứ phảng phất cái đẹp nhẹ trôi của Cổ phong, Đường thi, của dòng Thơ Mới.


Đêm mượt đến vô cùng 
Dạ khúc nhớ như nhung 
Nghe trong bao la gọi 
Lẫm liệt những đời sông 
[Dạ khúc/ Phương Ý]
Ta nghiêng theo bóng sao gầy 
Nghe trong hơi thở đã đầy hồn sao 
Núi ngồi ngất tạnh chiêm bao 
Ngất ngây đất trích rì rào ruộng nương 
[trích Sao Núi/Phương Ý]
Màu nước mắt cũng là màu sông núi 
Trới hòa âm, cầm nguyệt biết ra sao 
Màu nước mắt ly kỳ xin chớ  vội 
Nẻo quê hương bừng nở một câu chào… 
[trích Dự Cảm II/Phương Ý]
Và tâm thế rộng mở:
Tạm biệt một chiếc lá 
Bóng ngã trên đường Thu 
Mùa sau ai khóc lá 
Hồn ta trên đường Thu. 
[Vĩ Cầm/Phương Ý]

Một gởi gắm kín đáo mà thê thiết. Thu nào đây? Nếu ai hiểu rõ cuộc đời trầm luân của Nguyễn Lương Vỵ, chấp nhận lý tưởng trong máu say, từng làm quan, rồi đoạn tuyệt ngay nó trong máu đau hồn cuồng; nếu ai hiểu thân thế Nguyễn Lương Vỵ sinh trưởng trong một gia đình Nho phong, và tan nát vì thời cuộc, tan nát đúng nghĩa nát tan khi người cha bị giết bỏ trong rừng núi miền tây Quảng nam, cho cọp beo nhai xác; thì hẳn biết Nguyễn Lương Vỵ đã nói gì, tâm sự gì đằng sau mớ ngôn ngữ  “đường Thu”, “Màu nước mắt cũng là màu sông núi”.
Ta rất nhớ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều:
Mùi phú quý nhữ làng xa mã, 
Bã vinh hoa lừa  gã công khanh, 
Giấc Nam kha khéo bất bình 
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không. 
[Cung oán ngâm khúc]
Cho nên, lại có  thét vọng:
Đêm thâu ngàn trận gió 
Thâu ngàn tiếng chuông thiêng 
Ôi sinh thành lấp ló 
Ôi sinh diệt ngửa nghiêng 
[Nín Thở/ Phương Ý]


Image result for tập thơ nguyễn lương vỵ

3- Thi tập Hòa Âm Âm Âm Âm…[2007] là lúc nhà thơ vừa quá tuổi ngũ thập nhi tri thiên mệnh. Đã hiểu cái ý “trăm năm rồi cũng về nhà” trong Kinh Thi, “Bách tuế chi hậu, quy vu kỳ thất”, nhà thơ đã gieo ngôn ngữ trí huệ:

Năm mươi năm theo em/ Từ khi trong mầm khí/ Con trăng non rên rỉ/ Con suối khóc nguồn xưa. 
Chìm biết bao cơn mưa/ Nối biết bao cơn nắng/ Thơ càng mần càng vắng/ Những gót chân hài nhi. 
Nhiều khi muốn xóa đi/ Trong máu tàn xương lụi/ Chợt nghe trong cốt núi/ Đang tượng hình cốt mây. 
Năm mươi năm vơi đầy/ Soi mắt nhau chợt hiểu/ Ngàn câu thơ chết yểu/ Xanh hết suối hồn ta. 
[Thơ Về Thơ II/ Hòa Âm ….]
Tới đây là siêu hình lấp ló. Niềm ngẫu nghĩ đã muôn trùng dấu hỏi phơi tràn cùng Hóa nhi [con Tạo]. Những mầm khí, con trăng non, con suối khóc, nghe trong cốt núi xương tàn cốt lụi, xanh suốt suối hồn…là những tờ thư rời gởi vào chỗ Trống Không. Đợi gió vô vi  từ Huyền tẩn đáp Lời.

Chìa tay ra bắt tay cái chết 
Cái tuyệt  vời giống hệt cái em 
Cái vạn thuở nở ra cái kiếp 
Cái hình hài nhiếp dẫn sương bay 
[trích Bát Tuyệt/Hòa Âm…]
Nơi ta ra đi mang theo những viên gạch nhỏ 
Đỏ rực những hoàng hôn sân ga 
Bóng cây hắt hiu thầm nhắc máu 
Bóng núi hắt hiu thầm nhắc tên ai 
Những viên gạch vỡ niềm ly biệt 
Những vòng tròn tưởng tượng trên sân 
Sửng sốt những âm vang đang khóc thầm trong nắng 
Trong túi áo đầy tiếng chim kêu chiều. 
4- Huyết Âm xuất hiện, cho ta thấy con Chữ đã có đất để diệu dụng, và Âm đã được ảo hóa, đương nhiên trong chừng mực, nhưng rất tài tình của Nguyễn Lương Vỵ.
…Ta bú ngon lành âm huyết hoa/ kinh thơm nguyệt rạng ý tê nhòa/ Sông bay no gió đỏ linh ngữ/ Núi trọc đầu xanh nghít tiếng la… [Huyết Âm 23] 
Á A sáng lóa cỏ thi/ Nguyên âm dội một tiếng gì/ Lông tơ thiên địa líu ríu/ Khí huyết cuồng/ Âm hóa nhi… [Huyết Âm 10] 
…Âm tàn thu âm huyết lá/ Âm tàn thu âm huyết thi/ Âm tàn thu âm huyết lệ/ Vuốt mắt đá buốt ngực núi… 
Khởi kỳ thủy là âm/ Chôn hoàng hôn trong huyết lá/ Chôn hoàng hôn trong huyết thi/ Rừng mưa âm huyết lá/ Biển âm mưa vô sắc/ Huyết âm em trong giọt nước sơ huyền
 [trích Huyết âm 37]
Ta chợt nhớ dòng Quỷ thi Lý Hạ, trong Mộng Thiên [trích 4 câu cuối]:


… Hoàng trần thanh thủy Tam sơn hạ 
Canh biến thiên niên như tẩu mã 
Dao vọng Tề châu cửu điểm yên 
Nhất hoàng hải thủy bôi trung tả
    Cõi Tam sơn nước trong bụi đỏ 
Nghìn thu muôn đổi ngựa thay vó 
Tề châu xa nhìn chín đốm khói 
Một biển mênh mông trong chén nhỏ. 
[Cung Tích Biền dịch]
Lời Huyết Âm này triệt để vận dụng cái thần khí châu chấu chuồn chuồn trong bát quái thần-hôn [sớm-tối], cả tinh lực cuồng phôi trong tro bụi phận người, mà hóa biến, mà phù phép được rằng “Lời” phải trốn chui nhủi, ẩn tàng trong một mớ âm và ngữ, kiểu “biển lớn rót chưa đầy một chén nhỏ”. Ví rằng, những chân lý quy ước thường hằng đang bào mòn, tạo màn sương ngộ nhận cái bản lai diện mục. 
Về thần, Huyết Âm mang tính huyền hoạt nghệ thuật của Đường thi. Về tinh, nó mang tính ẩn hoặc của Kinh [thi].


Độc ẩm huyết âm nghe tinh âm 
Mắt nguyên âm bừng ánh lửa câm 
Đó đây có ai vừa tắt thở 
Vừa bay vèo theo sông núi rì rầm
Độc ẩm huyết âm thấy tiếng  hót 
Tiếng ca hoàng yến rót vơi đầy 
Vũ trụ thì xanh và vắng ngắt 
Còn ta rêu bám tiếng cười … ngây!!! 
                                      [ Huyết âm 21]

Đây là những tuyệt cú. Những vừng hồng ngôn ngữ. Rõ ràng là có chủ đích ký gởi mà như gieo hoang. Như thả ra trong vô tận những thở dài kết tập. Như nắng lạc trong mưa.

Image result for tập thơ nguyễn lương vỵ

Nguyễn Lương Vỵ sống một đời cuồng, một đời say, một đời khắt khe trôi giạt hai bờ tả hữu. Khi đáo bỉ ngạn thì “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Có chết thằng tây nào đâu. Đời vẫn cái trò băng băng trên đường, ngựa luôn thay vó đổi yên cương để kịp “một xe trong cõi hồng trần như bay”. Thúy Kiều xung phong đi mần đĩ, anh mần thơ sầu nạn đi theo Thơ. 
Nhà thơ, bao nhiêu nhà thơ mất tất, trên đường bị gậy, chỉ còn lại cái đáng còn lại. Thơ. 
Dù luôn tẩu hòa, Nguyên Lương Vị rất nghiêm túc với chữ nghĩa riêng mình, tận hiến cho nghiệp dĩ, và rất sáng suốt không làm nhiên liệu đốt cháy vô dụng, cho bất cứ trào lưu, trường phái canh tân rào rạt nào. 

Trong lịch sử thi ca Việt nam, đương nhiên là Ngoài-Hệ-Thống-Chuồng-Trại-Bầm-Trầy, chúng ta đã hạnh phúc có những Nhà thơ lớn, những tượng đài sừng sững. Ở đó mỗi Dị-nhân có mỗi Cõi đời đẹp, một Cõi thơ lạ và rất riêng. Mai kia, một ít tài năng hiếm hoi từ những kẻ tới sau, mà nếu vinh hạnh nhắc nhở, không thể nào không nhắc tới Nguyễn Lương Vỵ, cái hạc bay lên vút tận trời.


Cung Tích Biền
Đồng Ông Cộ 15-3-09.
(từ: damau.org)
banvannghe.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét