Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

Giới Thiệu Buổi Ra Mắt Sách, Tuyển Tập Truyện Ngắn “ Giữa Hai Bờ Yêu Thương” Của Tác Giả “Tôn Nữ Áo Tím” và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Cuộc - Lê Văn Hải


Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, Hân Hạnh Giới Thiệu: Buổi Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật Hiếm Có, Trong Mùa Quốc Hận 2025! Tại San Jose.
<!>


Điểm Sáng Trong Đêm Đen Tháng Tư!


Buổi Ra Mắt Sách, Tuyển Tập Truyện Ngắn “Giữa Hai Bờ Yêu Thương” Của Tác Giả “Tôn Nữ Áo Tím”
Lúc 11 giờ trưa Thứ Bảy, ngày 12 tháng 4 năm 2025 (tuần sau!)
Tại Trung Tâm Văn Hóa Việt Mỹ
2072 Lucretia Ave, San Jose, Ca 95122

*TNAT, là cây bút nữ, quý hiếm, có số lượng độc giả, đông nhất, được yêu thương nhất, của Tạp Chí Nguồn! (Liên tục phát hành, gần 30 năm! Riêng Cơ Sở Cội Nguồn, đã xuất bản trên 40 tác phẩm!)
*Buổi RMS đã được chuẩn bị công phu, với nhiều ca nghệ sĩ góp tay và nguyên Đoàn Du Ca yểm trợ. Nhiều Nhà văn, Nhà báo bảo trợ nhất! TT ViVo tài trợ bánh mì, nước uống...
Chắc chắn sẽ là BRMS nhiều độc đáo, thú vị nhất! Sống lại không khí văn học sinh hoạt rộn ràng đầu thập niên 90, của miền Thung Lũng Hoa Vàng!

Trân Trọng Kính Mời

Thiệp Mời
 

Lời tâm tình của tác giả

-50 năm xa xứ (1975 – 2025), nửa thế kỷ nhìn lại quê hương, ai trong chúng ta không là những chứng nhân của giai đoạn đau thương đầy nước mắt ấy? Ai trong chúng ta không có ít nhiều suy nghĩ, nhớ về những kỷ niệm của một thời nước mất nhà tan? Những giọt nước mắt hạnh phúc trong phút giây đoàn tụ với gia đình sau bao nhiêu năm bị giam cầm trong các trại tập trung. Những dòng nước mắt đau thương trước cảnh chia xa kẻ ở người đi. Đi tù hay đi vượt biên tìm sự sống… Những nỗi đau trước những cái chết dành cho người sống còn lại.
Tập truyện ngắn “Giữa Hai Bờ Yêu Thương” là những mảnh ghép ký ức về một thời kỳ đen tối của những ai đã trải qua, đã sống với niềm đau và nỗi khổ ấy. Họ chịu mất mát để đánh đổi lấy hai chữ tự do.


Những câu chuyện được hư cấu lồng vào những cảnh thực giữa đời thường sẽ tạo sự lôi cuốn bất ngờ cho bạn đọc. Nhà văn Diên Nghị đã nói: “Truyện dài hay truyện 


Giữa Hai Bờ Yêu Thương đặt chúng ta vào một sự chọn lựa nhất định:

Giữa tự do và tù đày,
“… Nó tội lắm! Ở lung tung trên xe đò, xe lửa, trên những thớt thịt của chợ, và khắp mọi nơi trên nửa đất nước hình chữ S này. Không nơi nào mà nó không đặt chân đến”. Hương yên lặng, nàng nghĩ Trung đang sống một cuộc sống ngoài vòng pháp luật. Anh không giết người, không cướp của. Anh chỉ vượt thoát ra khỏi cảnh tù đày tăm tối của cộng sản để tìm đến với ánh sáng tự do. (trích truyện ngắn Chuyến Tàu Định mệnh).


Giữa yêu thương và đau khổ, “… Ngày xưa chị nhan sắc bao nhiêu, bây giờ đã tàn phai theo những tháng ngày lặn lội cơm gạo để tồn tại chờ ngày đoàn tụ với chồng. Chị làm sao biết được cảm giác bụng trống của những thằng tù như anh. Trống bụng, mà không thấy đói. Trống bụng mà nghe nỗi đau mất nước cồn cào réo rắt ngày đêm… (trích truyện ngắn Xuân Muộn).
Giữa được và mất, “…nhìn thấy Quỳnh Nhi hiện ra như một thiên thần. Sự có mặt của Quỳnh Nhi quá bất ngờ, anh xót xa im lặng. Làm sao anh có thể cho Quỳnh Nhi gặp trong lúc này được. Anh thảm hại quá! Mấy ngày nay anh cố giấu mình vào một góc. Nỗi nhớ đã quá nhiều và mãnh liệt tới mức biến thành sức mạnh đè nặng trái tim, làm cho anh không thở nổi. Anh thấy yêu Quỳnh Nhi là việc khó khăn đến dường nào! Giữa anh và Quỳnh Nhi luôn có một bức tường ngăn cách. Anh đau khổ vì bức tường xây lên bằng lễ giáo, gia phong của những gia đình hoàng tộc Huế… (trích truyện ngắn Nắng Vẫn Còn Xuân)


Giữa hy sinh và thực tế, “… Nhưng rồi cuối cùng anh thấy nó vô thường, mong manh quá! Có điều khiến anh không thể đến với em. Em có hiểu không? Anh còn gánh nặng món nợ với non sông đất nước. Còn bổn phận đối với quê hương đồng bào, em có hiểu không? Anh phải đi đúng con đường dành riêng cho lý tưởng thanh niên, lý tưởng của người trai thời loạn…” (trích truyện ngắn Trai Thời Loạn).
Vâng, thời gian của nửa thế kỷ, hai phần ba đời người, năm mươi năm viễn xứ trôi qua, Tôn Nữ Áo Tím đã góp nhặt những kỷ niệm của một thưở đất trời nghiêng ngã, mà chúng ta, chính là những nhân chứng cho những đau thương mất mát. Với ước mong cho thế hệ mai sau còn nhớ, còn hiểu để biết trân trọng giá trị của hai chữ Tự Do và yêu thương cuộc sống.


* Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, Chúc Mừng Tác Giả Kim Thư! Tôn Nữ Áo Tím! Cuối cùng thêm Đứa Con Tinh Thần nữa, cũng đã chào đời! để có buổi Ra Mắt Sách, vào Thứ Bảy, ngày 12 tháng 4 năm 2025 tới đây, Tại Trung Tâm Văn Hóa Việt Mỹ, đầy ngạc nhiên, thú vị này!


*Nhắc nhở lại: Xin đừng bỏ qua, San Jose, vắng bóng sinh hoạt hiếm quý, đáng cổ võ này, đã lâu! Giờ mới được thưởng thức lại! Mong được sự tham gia, yểm trợ của Quý Bạn Đọc!


Tin Quốc Tế Đó Đây
Chiến Tranh Ukraine: Nga Khẳng Định Tiếp Tục Phối Hợp Với Mỹ, Trump Dịu Giọng Với Putin


(Hình REUTERS / Leah Millis: Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của Hoa Kỳ ngày 31/3/2025.)
-Hôm 31/3/2025, Ðiện Cẩm Linh tuyên bố Nga và Mỹ tiếp tục hợp tác để đạt được một thỏa thuận hòa bình tại Ukraine và tái lập quan hệ song phương. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donal Trump đe dọa sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Mạc Tư Khoa. Sau tuyên bố của phía Nga, Tổng thống Mỹ dịu giọng, bày tỏ hy vọng Nga "sẽ thực thi" các cam kết.
Thông tấn xã Reuters dẫn lời phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitri Peskov: "Chúng tôi tiếp tục làm việc với phía Mỹ, trước hết để xây dựng các quan hệ song phương, đã bị tổn hại nghiêm trọng dưới thời chính quyền tiền nhiệm". Theo phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, Tổng thống Vladimir Putin để ngỏ khả năng cho các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump. Một cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo Mỹ và Nga có thể sẽ sớm được tổ chức nếu cần thiết
Về đàm phán hòa bình tại Ukraine, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh cho biết phía Nga "đang xác lập một số ý tưởng liên quan đến việc giải quyết xung đột Ukraine", "công việc này đang được tiến hành, nhưng vào thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có chi tiết cụ thể nào để công bố". Ông Peskov nhấn mạnh "do mức độ phức tạp cao, quá trình này đòi hỏi thời gian".
Hôm Chủ Nhật (30/3), Tổng thống Mỹ đã tỏ ra "rất bực bội và thất vọng" về Tổng thống Nga, sau đề xuất của ông Putin đặt Ukraine dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc. Trump đe dọa đánh thuế từ 25% đến 50% đối với hàng hóa các nước mua dầu lửa của Mạc Tư Khoa.

Âu Châu Cáo Buộc Putin Câu Giờ và Sẵn Sàng Ra Thêm "Các Trừng Phạt Bổ Sung"

-Trong chuyến công du tới Kyiv hôm 1/4/2025, Lãnh đạo ngoại giao Đức Annalena Baerbock, đã cáo buộc Tổng thống Nga "câu giờ" và giả vờ thương thuyết một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine.
Đức, Pháp, Ý Ðại Lợi, Anh, Tây Ban Nha và Ba Lan, cùng lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu ngày 31/3 đã ra một tuyên bố chung kêu gọi Nga "chấp nhận không chậm trễ một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và không điều kiện" và "thực thi đầy đủ thỏa thuận này". Các nước Âu Châu một lần nữa cam kết "sẽ có các trừng phạt bổ sung" đối với Nga, và tăng cường hậu thuẫn Ukraine về "chính trị, tài chánh, kinh tế, nhân đạo, quân sự và ngoại giao".
Hôm 31/3, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh các nỗ lực của Anh trong việc hỗ trợ huấn luyện binh sĩ Ukraine. Thông báo được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa ông Zelensky với Thủ tướng Anh Keir Starmer.


Marine Le Pen Bị Tước Quyền ứng Cử: Phản ứng Mạnh Mẽ của Phe Cực Hữu Pháp và Quốc Tế


(Hình REUTERS - Thomas Samson: Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Tập hợp Dân tộc, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình tư nhân TF1 tối 31/3/2025.)
-Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi bị tòa tuyên án 4 năm tù và tước quyền ứng cử trong 5 năm vì tội biển thủ công quỹ, bà Marine Le Pen, nguyên Chủ tịch đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc (RN), tối 31/3/2025, lên án một "quyết định mang tính chính trị", đồng thời yêu cầu nhanh chóng mở phiên xử Phúc thẩm trước kỳ bầu cử Tổng thống 2027.
Bà Le Pen (56 tuổi) bị cáo buộc "biển thủ công quỹ" vì đã dùng ngân sách Nghị Viện Âu Châu trả lương cho các Phụ tá Nghị sĩ Âu Châu nhưng để họ làm việc cho đảng của bà. Với tội danh này, bà Le Pen đã bị tuyên án 4 năm tù (trong đó 2 năm bị giám sát bằng vòng điện tử). Nhưng quyết định tước quyền ứng cử mới thực sự là nặng nề đối với lãnh đạo cực hữu Pháp. Sau 3 lần ra tranh cử bất thành kể từ năm 2012, kỳ bầu cử Tổng thống 2027 hứa hẹn nhiều cơ hội chiến thắng cho Marine Le Pen, vì trong các kỳ bầu cử gần đây, đảng RN của bà ngày càng thu hút đông đảo cử tri. Đặc biệt trong cuộc bầu cử Quốc hội gần đây, RN đã đạt được một bước tiến lớn, giành được 123 ghế, trở thành đảng đứng hạng đầu tại Hạ viện Pháp.
Khi tuyên án hôm 31/3, chủ tọa phiên tòa đã nhấn mạnh cần "bảo đảm các viên chức dân cử, cũng như mọi công dân, không được hưởng đặc quyền trước pháp luật". Tòa nhấn mạnh đến "mức độ nghiêm trọng của sự việc", "tính chất có hệ thống", "thời gian kéo dài", "số tiền bị biển thủ", cũng như "địa vị" của những người bị kết án.

Tuy nhiên, quyết định của tòa đã gây chấn động chính trường Pháp. Trên kênh truyền hình tư nhân TF1 tối qua, bà Marine Le Pen tuyên bố "tôi sẽ không để mình bị loại bỏ như thế này. Tôi sẽ theo đuổi tất cả các thủ tục kháng án có thể. Có một con đường nhỏ. Chắc chắn là hẹp, nhưng vẫn có". Chủ tịch đương nhiệm của đảng RN, Jordan Bardella, lên án phán quyết đối với Marine Le Pen, kêu gọi "biểu tình ôn hòa" và chỉ trích các Thẩm phán.
Dù thận trọng bình luận về các quyết định của Tư pháp, Thủ tướng Pháp François Bayrou cũng bày tỏ sự bối rối trước bản án. Ông thừa nhận: "Việc Marine Le Pen không thể tranh cử có nguy cơ sẽ gây chấn động trong dư luận".

Về phản ứng của quốc tế, nhiều nhân vật theo xu hướng cực hữu như Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban, lãnh đạo đảng cực hữu Geert Wilders của Hòa Lan, Matteo Salvini của Ý Ðại Lợi, hay Tổng thống Mỹ Donald Trump, tỉ phú Elon Musk, và cựu Tổng thống Ba Tây Jair Bolsonaro đều lên án quyết định này là "vi phạm dân chủ", hoặc "lạm dụng hệ thống Tư pháp".
Trong trường hợp bà Le Pen không thể ứng cử Tổng thống, Jordan Bardella, được đánh giá có sức hút còn cao hơn Le Pen, có thể trở thành ứng viên sáng giá cho RN trong tương lai. Một số cử tri và đối thủ chính trị lo ngại quyết định của tòa án có thể phản tác dụng, giúp đảng cực hữu thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri Pháp.

Gia Nã Ðại, Thành Viên Tiếp Theo của Liên Hiệp Âu Châu?

-Về thời sự quốc tế, nhật báo Le Monde ra ngày 1/4/2025 chạy tựa "Donald Trump hồi sinh mối quan hệ giữa Gia Nã Ðại và Âu Châu".
Theo tờ báo, chính thái độ lúc nóng lúc lạnh của Hoa Thịnh Ðốn, những biện pháp thuế quan gây sốc, cùng những lời đe dọa đến toàn vẹn lãnh thổ Gia Nã Ðại của Tổng thống Mỹ, đã khiến cho Ottawa không còn coi Hoa Kỳ là đồng minh "không thể lay chuyển". Trong chính giới cũng như trong xã hội Gia Nã Ðại, mong muốn tái kết nối với Âu Châu đang ngày càng rõ rệt. Tân Thủ tướng Gia Nã Ðại Mark Carney hôm 17/3 đã khẳng định hơn bao giờ hết, Ottawa cần "đẩy mạnh quan hệ với các đối tác đáng tin cậy, chẳng hạn như nước Pháp".
Vậy liệu Âu Châu có thể hy vọng một kịch bản Gia Nã Ðại gia nhập liên minh này hay không? Theo một cuộc khảo sát vào cuối tháng Hai của công ty nghiên cứu thị trường Abacus Data, 44% người dân Gia Nã Ðại ủng hộ khả năng này. Gia Nã Ðại và Liên Hiệp Âu Châu có nhiều điểm tương đồng: từ nhà nước phúc lợi cho đến nhu cầu bảo vệ mình khỏi mối đe dọa từ Nga. Quan hệ đối tác này sẽ cho phép các doanh nghiệp Gia Nã Ðại tham gia vào việc chế tạo máy bay chiến đấu Âu Châu tại các nhà máy của họ. Ottawa cũng có các nguồn tài nguyên khí thiên nhiên và khoáng sản thiết yếu cho công cuộc tái vũ trang của Âu Châu.

Tuy nhiên, cả báo Le Monde lẫn The Economist đều nhận định đây là một khả năng rất khó xảy ra. National Post, một tờ báo Gia Nã Ðại theo xu hướng bảo thủ, cho rằng việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu là "một ý tưởng rất tồi tệ". Tờ báo này ủng hộ một "Gia Nã Ðại mạnh mẽ và độc lập" hơn là một đất nước chịu sự phụ thuộc vào "một trong những đầm lầy quy định và thuế quan phức tạp nhất (...) mà nhân loại từng biết đến". Việc Gia Nã Ðại gia nhập EU hiện vẫn chỉ là một giả thuyết chính trị, nhưng không thể phủ nhận rằng những biến động hiện nay đã góp phần thắt chặt lại mối quan hệ giữa hai bên.

Do Đâu Mà Trận Động Đất ở Miến Điện Lại Ảnh Hưởng Tới Vọng Các, Cách Tâm Chấn Cả Ngàn Cây Số?

-Về thời sự Á Châu, nhật báo Le Monde hôm 1/4/2025 có bài phân tích về thảm họa động đất hôm 28/3 tại Miến Điện khiến hơn 2500 người chết.
Trong bài "Các cơn dư chấn 6 đến 6,5 độ Richter chuẩn bị ập tới", tờ báo phỏng vấn ông Yann Klinger, nhà Địa chấn học tại Viện Vật lý Trái đất Paris, về nguyên nhân của trận động đất kinh hoàng này. Ông Klinger cho biết do Miến Điện nằm ở giao điểm của hai mảng kiến tạo là mảng Ấn Độ và mảng Á-Âu. Trong khi mảng Ấn Độ di chuyển về phía Bắc với tốc độ khá nhanh là 4 cm mỗi năm, thì mảng Á-Âu vẫn đứng yên. Để dễ hình dung về mức độ của chuyển động này, cần nhớ rằng chính cú va chạm giữa hai mảng này đã tạo ra dãy Hy Mã Lạp Sơn, do sự giải phóng vật chất dư thừa ở nơi hai mảng va chạm. Ông so sánh các mảng kiến tạo giống như một chiếc dây thun, chúng tích tụ sự biến dạng cho đến một mức độ nhất định, và khi vượt qua mức độ biến dạng tối đa, động đất sẽ xảy ra do sự giải phóng đột ngột các lực căng tích tụ trên đường đứt gãy, giống như chiếc dây thun bị đứt.

Lý giải thêm về nguyên nhân khiến thủ đô Vọng Các của Thái Lan, nơi cách tâm chấn hơn 1.000 cây số, vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, ông Klinger cho biết thủ phạm là sóng địa chấn. Mỗi trận động đất phát ra sóng địa chấn, truyền đến một nơi nào đó trên Trái đất. Thực tế, việc truyền tải sóng này rất có thể liên quan đến đặc tính của đất, mặc dù còn hơi sớm để khẳng định điều này và cần có các phân tích thêm để làm rõ.
Ông Klinger cũng dự đoán rằng trong những tuần tới, Miến Điện có thể sẽ phải đón những dư chấn với cường độ 6, thậm chí 6,5 Richter. Theo ông, công việc của các nhà Địa chấn học là xây dựng các chuỗi thời gian để nhận biết tần suất các trận động đất đã xảy ra ở một khu vực và từ đó tính toán xác suất xảy ra động đất trong tương lai. Ví dụ như vào năm 1839, đứt gãy Sagaing đã bị phá vỡ, gây ra một trận động đất với cường độ tương tự ngay tại cùng một vị trí của trận động đất hôm 28/3.


Trung Quốc Tập Trận Phong Tỏa Đài Loan Sau Chuyến Công Du Á Châu của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ


(Hình AP, do Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố: Hàng không mẫu hạm Sơn Đông của Trung Quốc di chuyển gần Đài Loan vào ngày 31/3/2025.)
-Hôm 1/4/2025, Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của các binh chủng Hải-Lục-Không quân, mô phỏng hoạt động phong tỏa đảo Đài Loan. Tập trận diễn ra ngay sau chuyến công du Á Châu đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Đài Bắc "cực lực lên án" Bắc Kinh.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời phát ngôn viên Chiến khu Đông Bộ Trung Quốc, cho biết cuộc tập trận chủ yếu liên quan đến việc huy động chiến hạm để "chuẩn bị cho các hoạt động tác chiến hải đối không, chiếm ưu thế toàn diện, tấn công các mục tiêu trên biển, và phong tỏa một số khu vực trọng điểm và các tuyến hàng hải". Quân đội Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận này là "một cảnh báo nghiêm khắc và răn đe mạnh mẽ" nhắm vào "các thế lực đòi Đài Loan độc lập".

Chiến khu Đông Bộ Trung Quốc cùng ngày công bố một đoạn video, với tiêu đề "Khép chặt vòng vây", đưa hình ảnh chiến hạm, phi cơ bao đảo Đài Loan, với cảnh báo "những phần tử đòi độc lập đang đâm đầu xuống vực".
Song song với cuộc tập trận của Quân đội, Hải cảnh Trung Quốc cũng được huy động để tiến hành "các hoạt động khám xét, bắt giữ" các tàu thuyền "hoạt động trái phép", theo phát ngôn viên của Hải cảnh Trung Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, hôm 1/4, Trung Quốc đã huy động tổng cộng 19 chiến hạm tham gia tập trận, trong đó có hàng không mẫu hạm Sơn Đông. Để đáp trả, Đài Bắc cũng huy động nhiều chiến đấu cơ, chiến hạm. Nhiều hệ thống phi đạn trên bộ đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Theo một viên chức cao cấp Đài Loan, Quân đội Đài Loan không ghi nhận bất cứ một hành động bắn đạn thật nào trong cuộc tập trận của Trung Quốc hôm nay.

Trung Quốc Tránh "Đối Đầu" Với Mỹ Trước Đàm Phán Thương Mại

-Cơ quan đại diện ngoại giao trên thực tế của Mỹ tại Đài Loan ra một thông cáo, khẳng định Bắc Kinh "một lần nữa cho thấy Trung Quốc không phải là một tác nhân có trách nhiệm, và sẵn sàng đặt an ninh và thịnh vượng của khu vực trong tình trạng nguy hiểm".
Tuy nhiên, trả lời thông tấn xã Reuters, một viên chức cao cấp phụ trách an ninh của Đài Loan cho biết, dựa trên nhiều phân tích, Trung Quốc đã tránh "mọi hành động bị coi là đối đầu" với Hoa Kỳ trước các đàm phán thương mại Mỹ-Trung, vì vậy Bắc Kinh chỉ tiến hành tập trận "sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rời Á Châu".
Tại Nhật Bản, chặng cuối của chuyến công du Á Châu, ngày 31/3/2025, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố Hoa Thịnh Ðốn cam kết duy trì "khả năng răn đe mạnh mẽ, sẵn sàng và đáng tin cậy ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm cả eo biển Đài Loan".


Lại Một Phát Ngôn Chấn Động của Tổng Thống Mỹ

-Sau phát biểu gây sốc của Donald Trump rằng ông muốn làm Tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ ba, nhật báo Le Figaro ra bài phân tích về khả năng thực hiện điều tưởng chừng như "một câu nói đùa" này của chủ nhân Tòa Bạch Ốc.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh NBC News, phát sóng hôm Chủ Nhật (30/3/2025), Tổng thống Trump cho biết đang cân nhắc việc tranh cử cho nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2028 và khẳng định rằng "có những phương thức để thực hiện điều đó". Tuy nhiên theo Le Figaro, vấn đề không nằm ở việc sớm hay muộn, mà là ở chỗ luật pháp Mỹ cấm bất kỳ ai ra tranh cử Tổng thống nhiều hơn 2 lần, cho dù có liên tiếp hay không. Đây là điều đã được quy định rất rõ ràng trong Tu chính án thứ 22 của Hiến pháp Mỹ. Vì vậy, nếu Donald Trump muốn hợp pháp hóa việc tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, ông sẽ phải thay đổi Hiến pháp. Để làm điều này, trước tiên cần có sự đồng thuận của hai phần ba tại Quốc hội, cũng như được phê chuẩn bởi ba phần tư các tiểu bang, tức là 38 tiểu bang. Và cả hai điều này đều gần như bất khả thi.

Tuy nhiên, vẫn còn một "phương thức" khác để lách luật, như NBC đã đề cập trong cuộc phỏng vấn với Donald Trump: ông có thể ra tranh cử chức Phó Tổng thống cùng với J.D. Vance, và nếu Vance từ chức, qua đời hoặc bị phế truất thì Trump sẽ thay thế Vance, như quy định của pháp luật. Nhưng theo chuyên gia về các thể chế Mỹ Jean-Eric Branaa, Tu chính án thứ 12 lại quy định rằng "những ai không đủ điều kiện theo Hiến pháp để giữ chức Tổng thống thì cũng sẽ không đủ điều kiện để giữ chức Phó Tổng thống của Hoa Kỳ".
Vậy tại sao Donald Trump lại vội vã đề cập đến điều đó vào thời điểm này, khi mà nhiệm kỳ bốn năm của ông chỉ mới bắt đầu? Ông Henneton cho rằng đơn giản là Tổng thống Mỹ muốn chuyển hướng dư luận sang một vấn đề khác, để họ không còn bàn tán về vụ scandal "SignalGate". Trong những ngày qua, ông Trump và các cộng sự viên bị nhiều chỉ trích khi một người "ngoài cuộc" là Tổng Biên tập của tờ The Atlantic được mời tham dự trực tiếp các cuộc trao đổi giữa các viên chức cấp cao của Hoa Kỳ qua ứng dụng tin nhắn Signal, khi họ đang thảo luận chi tiết về chiến dịch tấn công vào lực lượng Houthi ở Yemen.


TIN VẮN - TIN TỔNG HỢP

(Reuters) – Trung - Nhật - Hàn phối hợp đối phó với chính sách thuế quan của Trump, theo truyền thông Trung Quốc. Hán Thành khẳng định thông tin "có phần phóng đại". Theo một tài khoản mạng xã hội Trung Quốc, liên kết với đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV hôm 31/3/2025, ba nước đã đồng ý cùng nhau ứng phó với chính sách thuế quan của của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc đối thoại kinh tế ba bên, lần đầu tiên từ 5 năm nay, nhằm thúc đẩy thương mại khu vực. Khi được thông tấn xã Reuters đặt câu hỏi, một phát ngôn viên Bộ Thương mại Nam Hàn cho biết thông tin về một phản ứng chung Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc "dường như đã bị cường điệu hóa". Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
(AFP) – Quân đội Phi Luật Tân sẵn sàng trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan. Theo Tổng tham mưu trưởng Quân đội Phi Luật Tân Romeo Brawner, hôm 1/4/2025, nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Manila chắc chắn sẽ bị liên đới. Ông nhấn mạnh: "Quân đội Philipines phải được đặt trong tư thế sẵn sàng cho chiến tranh". Cụ thể là quân đội nước này sẽ phải di tản khoảng 250.000 công dân Phi Luật Tân làm việc tại Đài Loan. Tuyên bố được tướng Romeo Brawner đưa ra đúng vào ngày Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận bao vây Đài Loan. Ngày 21/4 tới, Phi Luật Tân sẽ có cuộc tập trận quy mô lớn với Mỹ.

(Yonhap) – Khai triển 14.000 nhân viên an ninh tại Hán Thành trước phiên tòa xét xử vụ phế truất Tổng thống Yoon. Phiên xét xử của Tòa Bảo hiến Nam Hàn về vụ phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ diễn ra sáng thứ Sáu, 5/4/2025. Tòa cho biết phán quyết bác bỏ hay chấp nhận kiến nghị của Quốc hội Nam Hàn phế truất Tổng thống về vụ ban hành thiết quân luật đêm 3 qua ngày 4/12/2024, sẽ được đưa ra vào lúc 11 giờ ngày 5/4. Hiện tại, Tổng thống bị đình chỉ chưa cho biết có sẽ tham dự phiên tòa hay không.

(Reuters) – Mỹ hạn chế thị thực nhập cảnh với viên chức Trung Quốc tham gia ban hành chính sách cản trở người ngoại quốc tiếp cận Tây Tạng. Hôm 31/3/3025, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết đã ban hành một số hạn chế bổ sung, vì "trong một thời gian quá dài, đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ chối cho phép các nhà ngoại giao, nhà báo và các nhà quan sát quốc tế tiếp cận Khu tự trị Tây Tạng và các khu vực khác của người Tây Tạng ở Trung Quốc, trong khi các nhà ngoại giao và nhà báo của Trung Quốc được phép đi đến khắp nơi tại Mỹ". Hoa Thịnh Ðốn công nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc, nhưng thường xuyên "gây sức ép để Trung Quốc tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người Tây Tạng, cho phép họ bảo tồn, thực hành, giảng dạy và phát triển các truyền thống tôn giáo và ngôn ngữ của họ mà không bị chính quyền can thiệp".
(Yonhap) – Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc lại mối quan hệ trong quá khứ với Chủ tịch Kim Jong Un. Khi trả lời báo chí vào hôm 31/3/2025, về khả năng nối lại liên lạc với lãnh đạo Bắc Hàn, ông Trump khẳng định "chúng tôi có một mối quan hệ tuyệt vời" và vẫn"có sự giao tiếp" nhưng không giải thích cụ thể. Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh thêm rằng ông hiểu rõ về Kim Jong Un và "có thể một lúc nào đó tôi sẽ làm điều gì đó".

(ABC) – Tàu Trung Quốc thăm dò đáy biển, đối lập Úc Ðại Lợi chỉ trích Thủ tướng phản ứng "mềm yếu". Lãnh đạo đảng đối lập Úc Ðại Lợi, ông Peter Dutton, hôm nay, 1/4/2025, chỉ trích Thủ tướng Úc Ðại Lợi là "yếu kém" về mặt an ninh quốc gia. Hôm 31/3, lãnh đạo chính phủ Úc Ðại Lợi Anthony Albanese phát biểu với báo giới tại Perth là có lẽ ông "thích" tàu nghiên cứu của Trung Quốc không ở trong vùng biển của Úc Ðại Lợi, nhưng ông nói thêm rằng Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế. Những phát biểu trên được đưa ra sau khi truyền thông Tân Tây Lan loan báo các tàu ngầm của nước này đã đưa các nhà khoa học Trung Quốc và Tân Tây Lan xuống đáy rãnh Puysegur, sâu 6 cây số, trong một nhiệm vụ nghiên cứu chung. Lãnh đạo đối lập Úc Ðại Lợi tin rằng chiếc tàu này đang thu thập tin tình báo và lập bản đồ tuyến cáp ngầm của Úc Ðại Lợi.
(Reuters) – Động đất ở Miến Điện: Hơn 2.700 người chết, Mỹ điều một đội cấp cứu. Hôm 1/4/2025, Miến Điện dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân trận động đất tử thần, cướp đi sinh mạng của 2.719 người, theo số liệu mới nhất do chính quyền Napiydaw công bố. Trận động đất 7,7 độ Richter còn làm bị thương khoảng 4.521 người khác và vẫn còn hơn 440 người bị mất tích. Hôm 31/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, một đội cấp cứu đã lên đường đến Miến Điện nhằm "xác định các nhu cầu cấp thiết nhất của người dân, đặc biệt là về nơi trú ẩn khẩn cấp, cung cấp lương thực, nhu cầu y tế và tiếp cận nguồn nước".

(NHK) – Nhật Bản: Sẽ có khoảng 300.000 người chết, nếu xảy ra động đất lớn tại rãnh Nankai (Thái Bình Dương), hoạt động phòng tránh dường như chưa đạt kết quả dự kiến. Số liệu ước tính được công bố hôm 31/3/2025. Theo thẩm định, trong trường hợp xấu nhất, động đất tại khu vực Đông-Nam lãnh thổ Nhật, có thể khiến 298.000 người thiệt mạng và phá hủy hoặc thiêu rụi 2,35 triệu ngôi nhà. So với một ước tính trước đó, được công bố cách đây khoảng mười năm, số nạn nhân chỉ giảm 8%, thiệt hại về vật chất chỉ giảm 2%. Mục tiêu mà chính phủ Nhật đặt ra năm 2014 là giảm đến 80% số người chết, và giảm 50% số nhà bị phá hủy do động đất trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ trích phương pháp dự báo chưa tính đến thay đổi trong nhận thức của người dân về các biện pháp phòng tránh. Việc so sánh với số liệu 10 năm trước cũng không thực sự thích hợp, do dự báo lần này đã mở rộng thêm nhiều khu vực.

(AFP) – Bắc Kinh sẵn sàng giữ một "vai trò xây dựng" để chấm dứt chiến tranh. Ngoại trưởng Vương Nghị, hiện đang công du Mạc Tư Khoa, hôm 1/4/2025, trả lời truyền thông Nga Ria Novosti, khẳng định Trung Quốc sẽ hành động cùng với Nga để đóng góp cho "hòa bình", rằng mối quan hệ hợp tác với Mạc Tư Khoa chắc chắn sẽ "được đổi mới với một sức sống mới và bước vào một giai đoạn mới". Cũng trong cuộc phỏng vấn này, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, "nguyên tắc "mãi mãi là bạn, không bao giờ là kẻ thù" là cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy hợp tác chiến lược ở cấp độ cao hơn" giữa hai nước. Hôm 1/4, Ngoại trưởng Vương Nghị có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
(Reuters, AFP) – Cơ sở năng lượng bị tấn công: Kyiv và Mạc Tư Khoa cáo buộc lẫn nhau. Hôm 1/4/2025, Bộ Quốc phòng Nga tố cáo Ukraine đã tấn công bằng drone các trạm điện tại vùng Zaporijia, Đông-Nam Ukraine do Nga chiếm giữ và vùng Belgorod ở miền Nam nước Nga. Phía Kyiv cáo buộc Nga đã oanh kích thành phố Kherson, làm hư hại một cơ sở năng lượng, khiến 45 ngàn dân phải chịu cảnh mất điện, theo thông báo của Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha với giới báo chí. Những đòn trả đũa qua lại này giữa Nga và Ukraine còn làm suy yếu hơn nữa thỏa thuận ngừng bắn một phần đạt được qua trung gian Hoa Kỳ.
(AFP) – Ba Lan ký hợp đồng 2 tỉ Mỹ kim mua trang thiết bị dàn phóng phi đạn Patriot của Hoa Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz hôm 31/3/2025, thông báo đã ký kết với phía Mỹ thỏa thuận nói trên. Bên lề lễ ký kết, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump "xem xét lại" quyết định tăng thuế với hàng nhập cảng từ các nước đồng minh. Trên mạng X, Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh "hợp tác tốt hơn là đối đầu", nước Mỹ hùng mạnh, Âu Châu hùng mạnh, Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) hùng mạnh sẽ tốt cho "lợi ích chung Âu-Mỹ". Năm 2024, Ba Lan đã đặt mua 48 dàn phóng phi đạn Patriot của Hoa Kỳ, với tổng trị giá 1,13 tỉ Mỹ kim, dự kiến sẽ được trang bị cho quân đội Ba Lan từ 2027 đến 2029.

(AFP) – Pháp và Algeria tái khởi động quan hệ song phương sau nhiều tháng khủng hoảng. Trong cuộc điện đàm hôm 31/3/2025, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Algeria, Abdelmadjid Tebboune, đã nhất trí nối lại hợp tác về an ninh và di cư. Cuộc điện đàm diễn ra vào ngày lễ Eid al-Fitr, đánh dấu thời điểm kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo. Tuyên bố chung nhấn mạnh đến việc nối lại "ngay lập tức "hợp tác về an ninh" để chống khủng bố và nạn buôn người. Quan hệ Pháp-Algeria đã xấu đi nghiêm trọng sau tuyên bố của Tổng thống Macron tháng 7/2024 ủng hộ chủ quyền của Ma Rốc đối với Tây Sahara, một vùng lãnh thổ mà quy chế chưa được Liên Hiệp Quốc xác định. Algeria ủng hộ lực lượng đòi quyền tự quyết cho Tây Sahara.
(RFI) – Trump bảo "không đùa" khi tuyên bố sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn NBC hôm 30/3/2025,Tổng thống Mỹ cho biết đang nghiêm túc cân nhắc ý định ra tái tranh cử. Theo Hiến pháp Mỹ, không ai được bầu làm Tổng thống quá hai lần. Một Nghị sĩ đảng Cộng hòa hồi tháng 1/2025 đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp, tăng quyền làm Tổng thống từ "hai lần" thành "ba lần". Nỗ lực này rất khó thành công vì phải được sự ủng hộ của 2/3 Nghị sĩ Quốc hội.

(AFP) – Á Căn Ðình: Bắt giữ 15 thành viên một giáo phái gốc Nga. Theo lực lượng an ninh hàng không Á Căn Ðình, hôm 31/3/2025, các nghi phạm bị bắt thuộc "một tổ chức bị tình nghi liên quan đến nạn buôn người", và giáo phái Ashram Shambala. Giáo phái này, được thành lập năm 1989 tại Siberi, từng tuyên bố có hơn 10.000 tín đồ tại 18 tỉnh của nước Nga, gồm thủ đô Mạc Tư Khoa và thành phố Saint-Pétersbourg. Người đứng đầu giáo phái Konstantin Roudnev, tự xưng là "người ngoài hành tinh ở Sirius", đã bị kết án 11 năm tù ở thành phố Nga Novossibirsk hồi 2013, do tội cưỡng hiếp và buôn ma túy.
(AFP) – Teheran đe dọa trang bị vũ khí nguyên tử. Hôm qua, 31/3/2025, đáp trả những lời đe dọa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm qua, 31/3/2025, Iran cảnh báo nước này sẽ "không còn chọn lựa nào khác cho an ninh đất nước" ngoài việc trang bị vũ khí nguyên tử nếu bị tấn công. Iran có lời đe dọa như trên nhằm đáp trả các phát biểu của Tổng thống Donald Trump trên kênh truyền hình Mỹ NBC hôm Chủ Nhật 30/3, cảnh báo Hoa Kỳ "sẽ đánh bom" Iran nếu thỏa thuận về nguyên tử thất bại. Ông khẳng định, "nếu họ không ký thỏa thuận thì sẽ có những cuộc oanh kích".

(RFI) – Anh Quốc tổ chức thượng đỉnh đầu tiên về chống nhập cư bất hợp pháp. Trong hai ngày 31/3 và 1/4/2025, Anh Quốc tổ chức cuộc họp cấp cao đầu tiên về chống nhập cư bất hợp pháp với sự tham dự của các viên chức chính trị đến từ khoảng 40 quốc gia, bao gồm cả Pháp, Đức, Trung Quốc hay Mỹ. Thủ tướng Anh Keir Starmer muốn tấn công vào các băng đảng buôn người để ngăn chặn tình trạng người di dân vượt biển Manche trên những thuyền tạm bợ đi vào Anh bất hợp pháp.
(AFP) – Phần Lan đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng. Hôm 1/4/2025, một trong những công ty năng lượng lớn nhất Phần Lan, Helen, thông báo đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng, chấm dứt cho kỷ nguyên than đá ở quốc gia Bắc Âu này. Nhà máy Salmisaari, nằm ở giữa Helsinki, sản xuất điện để cung cấp hệ thống sưởi cho thủ đô. Sau khi đóng cửa nhà máy điện của Helen, lượng khí phát thải CO2 của toàn bộ Helsinki giảm 30%, theo thông cáo của công ty. Phần Lan đã quyết định cấm hoàn toàn sử dụng than để sản xuất năng lượng từ ngày 1/5/2029.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét