Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

TẠM BIỆT HUẾ, THU BỒN KHÔNG VƯỚNG NHƯNG VƯƠNG - TRƯƠNG CÔNG HẢI


Sau 75, nhà thơ Thu Bồn là người con xứ Quảng, nhưng đã không xin được nhập khẩu về thành phố Đà Nẵng. Tiếc là ông đã ra đi, không đợi đến ngày sáp nhập.
Nhân đây, xin đăng lại bài viết về một bài thơ hay của ông dưới thể loại phê bình văn học để nhớ ông.
<!>
TẠM BIỆT HUẾ.

Bởi vì em
Dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc chén vàng
Chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn
Chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu.

Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ mãi hư vô
Em rất thực và nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô.

Áo trắng hỡi, thuở tìm em không thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Trường Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng

Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh đi mãi biết về đâu?
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.

Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với nụ hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia.

Thu Bồn.

Viết về Huế rất khó vì đã có quá nhiều người viết, nhưng Thu Bồn vẫn viết mà không dẫm lên dấu chân ai, bởi ông không chọn Huế mà Huế đã chọn ông, và cảm xúc của ông đi từ bản năng của một tâm hồn nghệ sỹ, tức cảnh sinh tình.
Nàng thơ là một cô gái hướng dẫn cho đoàn của Thu Bồn khi thăm Huế vào năm 1980. Bài thơ là lời tự tình đầy lưu luyến trong chuyến về thăm đất Thần Kinh.

Các thủ pháp làm thơ được tác giả sử dụng như những vật liệu nghệ thuật, kiến trúc nên hình tượng và thi ảnh mà ngôn ngữ bình thường không lột tả hết được.
Thực lẫn vào Ảo là một nghệ thuật tu từ ít người sử dụng nhuần nhuyễn, nếu làm được thì cảm xúc của người đọc dễ được dâng trào.

Ta hãy nghe cách Hàn Mặc Tử gói chút tình Thực vào trong cái Ảo của người và cảnh vật: “Mơ khách đường xa, khách đường xa / Áo em trắng quá nhìn không ra / Ở đây sương khói mờ nhân ảnh /Ai biết tình ai có đậm đà ?” (Đây thôn Vỹ Dạ)
Trong bài Tạm Biệt Huế , Thu Bồn đã triệt để sử dụng nghệ thuật “Thực và Ảo,” xa hơn nữa là “Xưa và Nay “ để tạo ra những thi ảnh sinh động , những hình tượng khái quát, đẩy nhanh cảm xúc về phía người đọc: “Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ / Chén ngọc chén vàng chìm đáy sông sâu / Những lăng tẩm như hoàng hôn / Chống lại ngày quên lãng / Mặt trời vàng và mắt em nâu.”
Ngôi đền cổ là còn thực, chén ngọc chén vàng là biểu tượng quyền quý một thời đã chìm vào quá vãng nên là Ảo, cái hiện thực trước mắt chính là:
“ Mặt trời vàng và mắt em nâu.”

Bà Huyện Thanh Quan cũng đã từng thức dậy kinh đô Thăng Long chỉ bằng một thi ảnh ảo: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” nhằm mô tả một cảnh thực sinh động dù lâu đài đã khuất rồi theo bóng tịch dương.

Mặt khác, ngôi đền là tỉnh vật cổ xưa, còn em là nay, là hiện thực sinh động. Một sự so sánh tưởng chừng như khập khiễng nhưng rất hoàn chỉnh vì đã khéo đồng hoá giá trị vẻ đẹp của vật thể vào nét đẹp tinh thần của người em xứ Huế.
Đặc biệt hơn, trong khổ thơ nầy có câu thơ đã gói trọn cảm nghĩ khách quan của nhà thơ với tư cách là một du khách: “Những lăng tẩm/ Như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng.” Tác giả vừa so sánh, vừa nhân cách hóa để thấy được rằng, lăng tẩm vẫn còn đó không phải là phế tích mà là một di tích, cũng như hoàng hôn vẫn còn đó, chỉ là một giai đoạn giao thoa của thời gian chưa đến đêm, vẫn còn là ngày.
Lăng tẩm hay hoàng hôn, cả hai đều đang hiện diện như một cách chống lại sự quên lãng của con người.
Hơn thế nữa, các di tích Huế còn luôn tồn tại như là điểm đến thu hút của du lịch Miền Trung.

Ta để ý câu thơ mở đầu được nói ngay là “Bởi vì em,” chứng tỏ nhân vật người em là động cơ chính của tứ thơ, Huế chỉ là một cái cớ, được mượn để nói về em.
Đến khổ thơ thứ hai: “Xin chào Huế một lần anh đến/ Để ngàn lần anh nhớ mãi hư vô.” Nhớ hư vô là nỗi nhớ ảo, nhớ nhiều đến nỗi không biết nhớ gì, chỉ biết là nhớ. Một nỗi nhớ đã được khái quát hóa thành hư vô. Và nhà thơ đã cố tình trộn lẫn em vào Huế :
“Em rất thực nắng thì mờ ảo”.
Cũng lại thực và ảo. Cái ảo luôn là yếu tố đặc trưng của nghệ thuật, yếu tố ảo được vận dụng để làm tăng giá trị thẩm mỹ hoặc giá trị đích thực của cái thực, như kiểu vẽ hoa thì thêm lá cành hay kể chuyện thì hư cấu thêm tình tiết. Vì thế em trong nắng mờ ảo của Huế thì em lại càng đẹp hơn bao giờ hết.

Khi nhà thơ đã ngợi cả Huế và em thì Huế là nơi để thích, còn em thì người để Yêu, cho nên “xin đừng nhầm em với cố đô”. Đây câu thơ thả thính tình yêu khéo léo sau khi đã lỡ tay trộn lẫn vẻ đẹp của em vào Huế nhằm tôn vinh một nhan sắc, ý thơ rơi tự nhiên vào lòng người đọc, tạo nên một cảm xúc bất chợt khá thú vị.
Tình cảm của nhà thơ đã đi theo một lộ trình logic, hai khổ đầu là cảm, khổ thơ nầy là mơ, rồi đi đến sự mến mộ,ước ao: “Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy” để lòng xao xuyến qua hình ảnh “Nắng minh mang mấy nhịp Trường Tiền.”
Nhưng tìm em sao thấy được bởi thuở ấy nhà thơ đang ở trên rừng.

Tốc độ phát triển của xã hội thường kéo theo những đổi thay về mọi mặt, nên “Nón rất Huế và đời không phải thế” và ít nhất chút đặc trưng của Huế vẫn còn giữ lại khi “Mặt trời lên từ chiếc nón em nghiêng.” Một thi ảnh đẹp, mặt trời đâu lên theo hướng nón em cầm, mà do em làm duyên tạo dáng, nghiêng nón theo phía mặt trời lên, vì nón Huế là chiếc nón bài thơ.
Xúc cảm của khổ thơ tiếp theo đi từ sự cám cảnh sinh tình: “Nhịp cầu cong và con đường thẳng / Một đời anh đi mãi biết về đâu?/ Con sông dùng dằng con sông không chảy / Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Đây là một đoạn thơ hay bộc lộ nỗi niềm về thân phận.

Nhịp cong và đường thẳng của cây cầu được liên tưởng vào thơ để cảm thán phận đời. Theo lời người bạn thân là nhà văn Ngô Thảo thì ông có 3 đời vợ, 2 con với người vợ đầu nhưng chỉ còn một trai chịu ảnh hưởng của chất độc da cam. Ngoài ra mang tiếng là người con xứ Quảng nhưng sau 75 không xin được hộ khẩu ở Đà Nẵng, ông đã chua chát : “Hộ khẩu tôi nhập cuộc với tình yêu/ Xin đừng gọi tên tôi là tạm trú”. Lại nữa về quê nhà không còn ai, mẹ đã mất “ Tôi về quê như một kẻ lạc loài/ Vần với điệu làm tôi chóng mặt/ Tôi muốn tìm lại tình thương trong đôi mắt / Nhưng mẹ đã âm thầm nằm lại dưới đất sâu”. Cuối cùng ông về Bình Dương cất một ngôi nhà bên cạnh suối Lồ Ô sống với người vợ sau.

Vì thế, hai đường cong thẳng của nhịp cầu đã không giới hạn mà còn gợi cho tâm hồn nhà thơ nghỉ về một không gian sống vô định của phần số: “Nhịp cầu cong và con đường thẳng/ Một đời anh đi mãi biết về đâu?”
Sông Hương dòng chảy là đà gợi cái nhìn lại chính mình với một tâm trạng phân vân, u uẩn trước thân phận và tình đời “Con sông dùng dằng con sông không chảy / Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.

Huế và Em đã tạo nên được một tứ thơ 2 trong 1. Tuy chủ đề là tạm biệt nhưng khi chia tay em thì lại không như thế, câu thơ sau đây khá tinh tế trong cách dùng động từ để tách biệt ngữ nghĩa của một tình yêu: Tạm biệt Huế, với em là tiển biệt” nghĩa là với Huế, có ngày anh về lại nhưng với em, đây là lời từ tạ trong đêm.
Cuối cùng, bài thơ kết thúc bằng một thi ảnh đẹp: “Hải Vân ơi đừng tắt ngọn sao khuya / Anh trở về hóa đá phía bên kia.”
Hòn vọng phu hoá đá là để chờ mong, còn hình tượng hoá đá trong thơ chỉ là cách nói thậm xưng, ẩn dụ một tâm hồn cạn kiệt cảm xúc bởi tất cả đã cược hết vào em và Huế dù với em chỉ là một thoáng nàng.

Hình tượng này đã khéo bộc lộ hết nội tâm nhà thơ. Ta có thể nói, với Huế Thu Bồn đã không Vướng nhưng Vương theo kiểu: “Dẫu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng” trong Kiều của cụ Nguyễn Du.

Tóm lại, nhà thơ đã sử dụng một cách nhuần nhuyễn những thủ pháp nghệ thuật cao tay khi viết bài Tạm Biệt Huế.
Nếu định nghĩa thơ là cách dùng ngôn ngữ nhằm truyền đạt một cách nhanh nhất cảm xúc của tác giả từ tác phẩm đến người đọc thì qua bài Tạm Biệt Huế Thu Bồn đã làm được điều đó và có thể được xem như là một trong những Thi Kinh lãng mạn viết về tình yêu nơi xứ Huế trữ tình, dẫu rằng bài thơ có phần sinh sau đẻ muộn.

TRƯƠNG CÔNG HẢI
12/ 2023.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét