Đa số người chết do sạt lở, lũ quét, nhưng tác động đến miền núi bị coi nhẹ
Theo bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Việt Nam, sơ bộ tính đến ngày 27/9, bão Yagi và mưa lũ sau bão đã khiến 344 người chết và mất tích, trong đó có 264 người chết do sạt lở đất, lũ đá, lũ quét. Tại tỉnh Yên Bái, trong số 54 người thiệt mạng, chỉ có 3 người chết do đuối nước, 51 nạn nhân còn lại là do sạt lở đất, sập nhà gây tử vong.
Vụ lũ bùn đá ở Làng Nủ (Lào Cai) ngày 10/09 được coi là tai nạn thảm khốc tiêu biểu. Theo các nhà khoa học, ước tính hơn 1,3 triệu mét khối đất đá, bùn nước trút xuống ngôi làng trong vòng 5 phút khiến dân làng không kịp trở tay, vùi lấp 37 nhà dân, khiến hơn 60 người chết và 7 người mất tích. Cùng ngày 10/09, thôn Nậm Tông (tỉnh Lào Cai) bị đất đá lở vùi lấp khiến 18 người chết và mất tích. Cũng không thể không nhắc đến vụ đất lở rạng sáng ngày 09/09 trên quốc lộ 34, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cuốn hai ô tô, nhiều xe máy xuống vực, khiến hơn 30 người chết.
Trả lời RFI tiếng Việt, về phản ứng cảnh báo và sơ tán cấp thời, giáo sư Nguyễn Ngọc Lung (Hà Nội) nhận định : ‘‘Các địa phương đều nhận thấy là các chuẩn bị của mình là chưa đạt yêu cầu. Có nghĩa là đã báo trước là có cơn bão mạnh nhất trong vòng thế kỷ vừa qua, nhưng sự chuẩn bị của mình là chưa đạt yêu cầu tí nào. Đặc biệt là những nơi núi cao, đèo sâu, xa dân cư. Chính vì thế nó mới trôi cả làng. Trôi rồi mới biết.
Cơn bão này đến thì chuẩn bị không được bao nhiêu. Lý do thứ nhất là báo trước không được nhiều lắm. Thứ hai là thường cái bão đặc biệt ở vùng nhiệt đới, nhất là ở Đông Nam Á đi chệnh hướng nhiều lắm. Lúc đầu người ta nghĩ đi vào hướng Trung Quốc, nhưng khi vào Biển Đông rồi thì rẽ ngang qua đảo Hải Nam, rồi vào Bắc Bộ mạnh hơn. Việt Nam không báo được đầy đủ. Tất cả tiềm lực tập trung cho hai tỉnh, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Sau khi nó vào đồng bằng rồi, nó sớt qua biên giới Việt-Trung, rồi thì nó đi ngang, đi vào Thanh Hóa, đi vào Nghệ An. Có nghĩa là nó thay đổi phương hướng, lường trước không được bao nhiêu. Những cái ấy mình còn rất yếu, mặc dù có sự phối hợp với các nước xung quanh.
Bây giờ thiệt hại thì ai thiệt hại nhiều nhất? Chính thiệt hại các tỉnh miền núi nhiều nhất. Họ cứ nghĩ mưa với bão thì miền núi bao giờ cũng tránh được. Chỉ có đồng bằng nước mới đổ về mới phải quan tâm. Như vậy anh đã không quan tâm đầy đủ cho chính những vùng bị nguy hiểm nhất, và bị thiệt hại về nhân mạng nhiều nhất.’’
Trên báo chí trong nước, hai tác giả Hà Thị Hằng và Lưu Thị Diệu Chinh nêu giả thiết là so với các vùng đồng bằng và ven biển, ‘‘dường như đang có sự thiên lệch trong việc đối phó với thiên tai ở các tỉnh miền núi: sự quan tâm dường như nghiêng về giải quyết khi “sự đã rồi” hơn là quá trình phòng bị trước thảm họa’’ (Bài ‘‘Thảm kịch lũ quét và sạt lở sau bão Yagi: Sự cố hi hữu hay vấn đề hệ thống?’’, Tia Sáng, ngày 08/10/2024).
Đất nhão dễ dàng sụp đổ do nắng to - mưa nhiều: Điều hoàn toàn có thể dự đoán
Trên thực tế, các tác động khác thường của bão Yagi và hoàn lưu bão dường như là điều mà giới chuyên gia khí tượng thủy văn và địa chất học hoàn toàn có thể dự báo được. Tình trạng mưa liên tục trong tháng 8 trước cơn bão lịch sử (với 23 trên 31 ngày mưa ở Lào Cai, và 21/31 ngày ở Yên Bái), với tổng lượng nước vượt 40 – 60% trung bình năm, cho thấy đất đã ngậm no nước ngay trước bão, với lượng mưa lịch sử như chúng ta biết. Trước khi hứng chịu đợt mưa lớn, khu vực miền núi phía Bắc đã chịu một đợt nắng nóng kéo dài (từ tháng 4 đến tháng 7), với hệ quả là cấu trúc của đất đã bị phá hủy đáng kể. Mưa nhiều sau đó khiến đất dễ dàng nhão ra, sẵn sàng sụp đổ bất ngờ.
Chính quyền Việt Nam trong những năm gần đây đã có biện pháp để thúc đẩy việc dự báo lũ quét, sạt lở, đặc biệt sau đợt bão lớn ở miền trung 2020. Năm 2023 chính phủ phê duyệt Đề án ‘‘Cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét tại khu vực miền núi và trung du Việt Nam’’, nhằm hoàn thiện hệ thống bản đồ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất cho 37 tỉnh ở miền núi và trung du ngay trong năm 2025, đặc biệt tập trung vào 150 điểm có nguy cơ cao nhất, với bản đồ chi tiết với tỉ lệ 1/10.000 (tức 1cm trên bản đồ tương đương 100 mét trên thực địa), thậm chí nhỏ hơn.
Khâu dự báo, cảnh báo thảm hoạ thiếu đầu mối thống nhất…,
Tuy nhiên, để cảnh báo tốt thảm họa cần phối hợp nhiều thông số từ các ngành khác nhau (khí tượng thủy văn, địa chất, lâm nghiệp, công trình xây dựng…). Nhiều chuyên gia chỉ trích là đề án nói trên của chính phủ nhiều khả năng sẽ kém hiệu quả bởi giao cho nhiều cơ quan, mà thiếu đầu mối thống nhất (Bài ‘‘Vì sao bản đồ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất chưa phát huy hiệu quả?’’, Báo Sức khoẻ và Đời sống, ngày 04/10/2024). Theo ông Tạ Đức Thịnh, chủ tịch Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam, cũng như một số chuyên gia địa chất, cần một cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất để tránh tình trạng không có phối hợp.
Hiện tại có nhiều cơ quan phụ trách việc cảnh báo (như cục Địa chất thuộc bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và tổng cục Khí tượng - Thủy văn). Mỗi cơ quan lại sử dụng phương pháp và công nghệ khác nhau để xác định bản đồ sạt lở, lũ quét. Kết quả là những bản đồ hiện nay thường rời rạc, không bao phủ được đầy đủ các nguy cơ, dẫn đến khả năng dự báo thiếu chính xác. Theo một đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, Trung tâm này đưa ra cảnh báo chỉ dựa trên chỉ số lượng mưa mà không nắm được thực tế ở khu vực (từ thực trạng rừng, độ dốc, cấu tạo địa chất đến mật độ công trình xây dựng, dòng chảy và vật cản…).
… khâu phòng ngừa thiếu một chiến lược tổng thể và liên ngành
Bên cạnh việc thiếu quản lý thống nhất về cảnh báo, việc thiếu một chiến lược quốc gia phát triển bền vững các vùng đất dốc với sự phối hợp liên ngành cũng là một khuyết thiếu lớn hiện nay. Trong bài nhận định về ‘‘Quy hoạch vùng dân cư và xây dựng bản đồ thiên tai để tránh sạt lở, lũ quét’’, PGS - TS Trần Tuấn Anh, viện trưởng Viện Địa chất, một lãnh đạo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã không hề nhắc đến vai trò của rừng trong việc giảm nhẹ các thảm họa ở các vùng đất dốc (Dangcongsan.vn, ngày 07/10/2024).
Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Đỗ Minh Đức, khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận xét: ‘‘Ở rất nhiều nước, trong đó có một số quốc gia lân cận với Việt Nam, như Malaysia, đã có kế hoạch tổng thể quốc gia phát triển bền vững các vùng đất dốc. Thực ra kế hoạch của họ có nhiều điểm chúng ta đã và đang làm rồi, ví dụ như việc xây dựng một số bản đồ với các tỉ lệ khác nhau, xác định các vùng có nguy cơ cao và rất cao. Nhưng bên cạnh đó, họ đã kết hợp với các cơ sở dữ liệu khác về điều kiện kinh tế xã hội, rồi về các yếu tố có ảnh hưởng trong tương lai, như các kịch bản biến đổi khí hậu, hay các kịch bản về sử dụng đất... Những điều này về cơ bản đâu đó chúng ta đã có rồi, nhưng chúng ta chưa có người điều phối chung, để tích hợp các thông tin trong bản đồ quy hoạch tổng thể chung.
Ở đây, về mặt khoa học, chắc chắn phải cần khoa học liên ngành rồi, bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và kinh tế, và kể cả các vấn đề về văn hóa, tập tục của các cộng đồng, sinh kế và các giá trị văn hóa đặc thù của miền núi Việt Nam, vai trò của các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách là vô cùng quan trọng. Thực ra là các lĩnh vực chuyên ngành đều làm cả rồi, nhưng tích hợp với nhau thì chưa có.’’
Cách nay 4 năm, sau trận bão lịch sử ở miền Trung Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc có bài ‘‘Đất chảy’’ gây nhiều chú ý trong công luận, dẫn lại ý tưởng của giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: ‘‘còn rừng tự nhiên thì mưa xuống chỉ có 5% nước chảy trên mặt đất, 95% sẽ ngấm xuống thành nước ngầm… Khi mất rừng tự nhiên thì ngược lại, chỉ 5% ngấm xuống thành nước ngầm, hơn 90% sẽ chảy tràn trên mặt đất… Còn rừng tự nhiên thì chỉ có lụt…. Lũ là khi đã mất rừng tự nhiên, chỉ còn lơ thơ mấy cây bụi lẹt đẹt, với cỏ, với cao su, keo, cà phê… tràn lan, là các loại cây không có bộ rễ giữ nước... 95% nước mưa chảy thành thác trên mặt đất quét hết mọi thứ, làng mạc và con người.’’ (''Đất chảy'', Người Đô Thị, 08/10/2020).
"Rừng" ở Việt Nam theo số liệu chính thức chiếm đến hơn 40% diện tích lãnh thổ (với 14,78 triệu ha). Nhưng về mặt nguyên tắc, số lượng rừng thực sự có khả năng góp phần ngăn ngừa hoặc hạn chế thảm hoạ chiếm không quá 20%, bao gồm Rừng Đặc Dụng và Rừng Phòng Hộ (Protection Forest) (với gần 7 triệu ha theo số liệu của cục Lâm Nghiệp). Tuy nhiên, ngay trong số 20% này, còn bao nhiêu rừng thực sự có giá trị phòng hộ ?
Tại các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng trong đợt bão Yagi vừa qua, tình trạng khai thác bất hợp pháp Rừng Phòng Hộ là điều đã liên tục được báo động. Theo một chuyên gia trong nước, ‘‘cần nhấn mạnh nguyên nhân quan trọng là hậu quả phá rừng tự nhiên ở nước ta và cần xem xét lại việc trồng cây kinh tế độc canh trên diện tích rừng cũ mà vẫn gọi đó là “phục hồi rừng” và gộp vào thống kê diện tích rừng’’ (bài “Cái giá của việc thay thế rừng bằng cây độc canh: Từ lợi ích ngắn hạn đến hậu quả dài lâu” của Tô Văn Trường, báo Nông nghiệp, ngày 04/10/2024).
Việc Rừng Phòng Hộ bị triệt phá, bị thay thế bằng "Rừng Sản xuất", có tác động như thế nào đối với tình trạng đất lở diễn ra phổ biến tại nhiều tỉnh miền núi Tây Bắc ? Vụ đất lở rạng sáng ngày 09/09 trên quốc lộ 34, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, khiến hơn 30 người chết, cùng hàng loạt vụ đất lở trong khu vực, phần nào do khai thác quặng trái phép, phần nào do phá Rừng Phòng Hộ, hay do không có Rừng Phòng Hộ…? Rất cần đến các khảo sát độc lập để thẩm định.
NẠN CÂY KEO XÂM LẤN RỪNG PHÒNG HỘ
Gọi "rừng keo" là đánh tráo khái niệm
Xét trên quy mô cả nước, trồng cây sản xuất ngắn hạn trong Rừng Phòng Hộ dường như đang thành xu thế. Năm 2023 vụ trồng sầu riêng trong Rừng Phòng Hộ ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), nơi xảy ra vụ lở đất khiến 4 người chết, trong đó có ba cảnh sát, gây chấn động. Tuy nhiên, việc biến Rừng Phòng Hộ thành "Rừng Sản Xuất" có lẽ đã được bình thường hoá từ nhiều năm nay.
Theo một số liệu hồi 2022, diện tích keo lên đến 2,2 triệu ha, chiếm 60% diện tích "rừng trồng", và câu chuyện không dừng ở đó. Dưới đây là mô tả diễn biến tại một địa phương: ‘‘… 2 năm trước, đây là rừng tự nhiên, nhưng cũng bị chặt phá, phát dọn trái phép rồi trồng lên rừng keo nhưng không thấy ai xử lý… Những khu rừng… cũng thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương … cũng đang bị tàn phá dữ dội từ đầu năm đến nay. Rừng phá đến đâu, keo được trồng đến đó. Người ta cứ trồng xen cây keo vô rừng, sau đó chặt hạ cây rừng tự nhiên dần dần. Khi rừng keo lớn dần, họ tiếp tục chặt phá rừng phòng hộ giáp ranh đó để mở rộng rừng keo. Cứ vậy, rừng phòng hộ "teo" dần, rừng keo lớn ra" - người dẫn đường cho biết.’’ (‘‘Đốn hạ rừng phòng hộ đầu nguồn để… trồng keo’’, Tuổi trẻ, 31/08/2021).
KEO: MỘT THỦ PHẠM GÂY SẠT LỞ ?
Cây keo vốn là một giải pháp thoát nghèo khá hiệu quả. Trồng keo cũng giúp cải tạo nhanh chóng đất trống, đồi trọc trong giai đoạn ban đầu, do keo thuộc họ đậu có khả năng tổng hợp đạm từ không khí, khiến đất tốt hơn. Tuy nhiên, ''có tình trạng lạm dụng trồng keo trong rừng phòng hộ. Điều này phản khoa học, bởi cây keo không có tác dụng phòng hộ’’ (bài ‘‘Hệ lụy và lãng phí do trồng keo thiếu khoa học’’, báo Nông nghiệp, 2022).
Không những thế chính cây keo được nhiều nhân chứng coi là nguyên nhân gây sạt lở. Theo một lãnh đạo địa phương, ''trong đợt bão lũ này, tôi liên tục đi kiểm tra nhiều khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi, nhiều điểm sạt lở cây keo bị vùi trong đất. Bộ rễ của cây keo quá nông, thời gian trồng lại ngắn nên không bám vào đất, do đó chẳng giúp ích gì trong việc ổn định lòng đất. Thực trạng thì thấy rõ, nhưng tỉnh chưa có phương án và loại cây thay thế". Người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận "cây keo không thể phủ xanh rừng.... thảm thực vật dưới tán cây keo gần như không còn. Nước mưa ngấm thẳng vào lòng đất và không có thời gian thẩm thấu. Cây keo còn gia tăng sức nặng cho các triền đồi, vô hình trở thành gánh nặng cho các triền núi, tăng nguy cơ sạt lở" ("Rừng" keo làm tăng nguy cơ sạt lở, báo Tuổi trẻ, 8/11/2020).
Bão Yagi tàn phá Quảng Ninh cũng bộc lộ tình trạng cây keo độc canh được trồng tràn ngập tại một số vùng rừng phòng hộ. Sau đây là một ví dụ: ‘‘Tại rừng phòng hộ thuộc địa phận xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên), trên 44ha keo trồng theo Quyết định số 661/QĐ-TTg (ngày 29/7/1998) của Thủ tướng Chính phủ "Về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng", nay đã được 10 năm. Thế nhưng, do ở vị trí ngay cửa biển, nên hứng chịu gió lớn, khiến cây cơ bản đều đã bật gốc, hoặc gãy ngang thân, thống kê sơ bộ, thiệt hại trên 95%’’ (bài Những vùng biển trắng, những quả đồi chết, báo Quảng Ninh).
Biến đổi khí hậu: Bài học bão lũ miền Trung 2020 chưa thấm, Yagi đã đến
Giáo sư TSKH Nguyễn Ngọc Lung, viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững, nguyên cục trưởng cục Lâm Nghiệp, bộ Nông Nghiệp Việt Nam, đặc biệt lưu tâm đến việc biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan là điều dường như vẫn chưa được giới chức trách hiện tại chú ý đúng mức, bất chấp trận bão lớn bất thường ở miền Trung:
‘‘Biến đổi khí hậu đến ngoài sức tưởng tượng của con người. Hàng bao nhiêu thế kỷ đã theo quy luật về mùa bão, rồi lượng bão, rồi tốc độ, tần số… Tất cả những cái đó đã được đưa vào sách giáo khoa. Bao nhiêu thế kỷ đã qua. Từ thời Pháp sang Việt Nam, thống kê của Pháp đã được in thành sách, từng điểm quan sát khí tượng thủy văn một. Các đài khí tượng thủy văn cũ của Pháp cho đến nay vẫn được duy trì, đều có báo, có thu thập số liệu để cho các nhà nghiên cứu.
Nhưng khi dự báo vào thời kỳ của biến đổi khí hậu thì những số liệu trên chỉ có tính tham khảo, không còn là quy luật dùng để tránh nữa. Cách đây 5 năm đã có một cơn bão vào miền Trung tương đối mạnh, thiệt hại tương đối lớn. Đấy là một cảnh báo mà thiên nhiên giúp cho mình.’’
Dựa vào Mẹ Thiên Nhiên hay để mặc cho Đất Chảy ?
Để giảm thiểu nạn người chết do đất lở, trong giới khoa học, quản lý tại Việt Nam, đã có một số tiếng nói gióng lên kêu gọi sớm có một chiến lược phát triển bền vững tại các vùng đất dốc. Nạn phá rừng, tình trạng Rừng Phòng Hộ không đủ số lượng, trồng cây độc canh tại các vùng Rừng Phòng Hộ, biến Rừng Phòng Hộ thành "Rừng Sản Xuất", bạt núi san đồi bừa bãi, đất rừng bỏ hoang quy mô lớn…, được truyền thông trong nước điểm mặt như các tác nhân chính đe dọa độ ổn định của các vùng đất dốc, ngày càng đẩy người dân vào thế bị động trước nạn đất lở, lũ đá. Chưa kể đến việc ''Rừng Sản Xuất" thường bị ‘‘khai thác trắng’’, đường vận chuyển lâm sản không được quy hoạch hợp lý, làm ‘‘biến dạng đồi núi, xói mòn đất đai, tụt mạch nước ngầm’’, gia tăng nguy cơ sạt lở, lũ lớn.
Trên thực tế, trước trận bão Yagi tháng 9/2024, hoàn toàn không phải chính quyền không biết trước các hậu quả nghiêm trọng của việc thiếu dự báo và thiếu các biện pháp phòng vệ đối với các khu vực nhiều nguy cơ đất lở, lũ đá. Yagi chỉ là màn dạo đầu. Biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gia tăng, các hậu quả được dự báo sẽ còn nghiêm trọng gấp bội.
Miền núi phía bắc Việt Nam được coi là một trong những khu vực dễ tổn thương nhất thế giới trước biến đổi khí hậu (do năng lượng hóa thạch tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính) và do các tác động khác của con người đến môi trường (*). Thiên tai giờ đây ngày càng là Nhân - Thiên Tai, tức các thảm họa môi trường do thời tiết – khí hậu trong đó có phần rất lớn là do chính con người.
Trong giai đoạn lựa chọn quyết định này, chính quyền Việt Nam sẽ áp dụng rộng rãi và thực chất (**) Các Biện pháp dựa vào Thiên Nhiên (Nature based Solutions - NbS), đặc biệt là với Rừng Phòng Hộ, để giảm thiểu nguy cơ các thảm hoạ Nhân - Thiên Tai hay tiếp tục vì những cái lợi ngắn hạn mà để mặc cho “Đất Chảy”, người chết?
***
Theo một số chuyên gia, như giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, để ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ đất lở, lũ đá tại các vùng đất dốc, bên cạnh 5 tiểu loại Rừng Phòng Hộ đã có (gồm rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bảo vệ nguồn nước, rừng an ninh - quốc phòng, rừng chắn gió – chắn cát và rừng chắn sóng - lấn biển, theo Luật Lâm Nghiệp 2017), có thể đã đến lúc cần xem xét xác lập tiểu loại thứ 6, Rừng Phòng Hộ vùng Đất Dốc để đối phó với đe dọa trên phạm vi toàn quốc này, đang ngày càng trở nên đáng sợ hơn, do Biến đổi Khí hậu.
Ghi chú
(*) Một nghiên cứu mới đây cho thấy các vùng núi miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam thuộc 45 vùng núi có ‘‘nguy cơ sạt lở cao nhất thế giới’’ (trong tổng số hơn 1.000 vùng núi trên Trái đất), do nạn phá rừng và biến đổi khí hậu. Để giảm thiểu nguy cơ, nghiên cứu - đăng tải trên PNAS, tạp chí đa ngành của Viện Hàn Lâm Khoa học Mỹ - khuyến nghị ‘‘mở rộng các khu bảo tồn rừng, giảm nạn phá rừng và phục hồi rừng’’ (bài “Strategic protection of landslide vulnerable mountains for biodiversity conservation under land-cover and climate change impacts”, PNAS, 3/2022).
(**) Đầu năm 2024, chính phủ Việt Nam đã công bố một đề án thí điểm “nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030”, với đối tượng là 36.000 ha Rừng Đặc Dụng và 138.000 ha Rừng Phòng Hộ đang trong tình trạng ‘‘nghèo’’, ‘‘nghèo kiệt’’ hoặc ‘‘chưa có trữ lượng’’ (Quyết định 171). Đề án bắt đầu đặt vấn đề ‘‘xây dựng các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, đa loài, nâng cao khả năng bảo tồn của hệ sinh thái rừng và chức năng phòng hộ của rừng trên điều kiện lập địa khó khăn, vùng đất dốc…’’. Diện tích nói trên mới chỉ chiếm hơn 2% tổng diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ toàn quốc. Tuy nhiên, đề án của chính phủ Việt Nam đã bước đầu thừa nhận việc cần ‘‘rà soát’’ hiện trạng, tổng diện tích Rừng Phòng Hộ và Rừng Đặc Dụng “nghèo’’, ‘‘nghèo kiệt’’.
PHÁT TRIỂN RỪNG PHÒNG HỘ: ĐÂU LÀ NHỮNG CẢN TRỞ VỀ THỂ CHẾ ?
Việt Nam đã tham gia vào nhiều cam kết với thế giới trong việc thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên (Nature based Solutions - NbS), giảm thiểu các thảm họa do biến đổi khí hậu, mà tiêu biểu là Khung Sendai về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai 2015–2030 của Liên Hiệp Quốc hay 23 mục tiêu Aichi của Công ước về Đa dạng Sinh học. Vấn đề khôi phục các hệ sinh thái, đa dạng sinh học hay rừng tự nhiên (thực sự), để giảm thiểu tác hại của thiên tai cũng là một nội dung chính trong các cam kết quốc tế của Việt Nam. Mục tiêu Aichi thứ 11 hướng đến bảo tồn 17% diện tích đất liền. Thỏa thuận khung về Đa dạng Sinh học toàn cầu Montreal - Côn Minh năm 2022 nâng diện tích đất liền được bảo vệ lên 30%.
Vấn đề là khoảng cách giữa cam kết và hành động. Chính sách của chính phủ Việt Nam gần đây với Rừng Phòng Hộ gây nhiều lo ngại trong giới chuyên gia, khi việc phân hai loại Rừng Phòng Hộ "rất xung yếu" và Rừng Phòng Hộ "xung yếu" có xu hướng dần dần bị bỏ. Trong các quy định của chính quyền hiện nay, sự khác biệt giữa "Rừng Sản Xuất" và Rừng Phòng Hộ dường như cũng rất nhỏ. Tình trạng pháp quy này để ngỏ khả năng dễ dàng chuyển đổi loại rừng bảo vệ quan trọng này thành “Rừng Sản Xuất”.
10% đất toàn quốc chưa có chủ, "các chủ rừng" là cộng đồng bản địa không được đối xử bình đẳng...
Tại Việt Nam, diện tích Rừng Phòng Hộ và Rừng Đặc Dụng có ý nghĩa bảo vệ, ngăn ngừa thảm hoạ vốn đã không nhiều, nhưng lại liên tục bị xâm phạm, trong lúc đất bỏ hoang là 3 triệu ha, với "chất lượng thấp, hạ tầng kém", chiếm khoảng 10% đất toàn quốc (và tương đương hơn 20% diện tích rừng) "chưa chính thức có chủ" (đang tạm giao cho các ủy ban nhân dân xã quản lý). Các cộng đồng dân cư bản địa (khoảng 10.000) được coi là 1 trong 7 ‘‘chủ rừng’’ (đang kiểm soát gần 1 triệu ha), nhưng lại không được hưởng quyền pháp nhân bình đẳng như các chủ rừng khác.
Trong lúc đó, với số lượng nhân lực lớn cùng tri thức bản địa, văn hoá bản địa, các cộng đồng lẽ ra cần được coi là những tác nhân chủ chốt đối với việc mở rộng và bảo vệ Rừng Phòng Hộ (‘‘Nhìn lại mô hình cộng đồng tham gia quản lý rừng: Nhiều vướng mắc trong giao rừng'' (Bài 2), Dân tộc và Phát triển, 01/07/2023).
Chính sách mập mờ: Lo ngại ‘‘Rừng’’ trồng cây sản xuất thôn tính Rừng tự nhiên thực thụ
Dự án quy hoạch đất chính phủ trình lên Quốc Hội cuối tháng 10/2024, để chuẩn bị cho điều chỉnh quy hoạch đất quốc gia (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) vào cuối năm tới, dường như cũng chỉ đặt ra mục tiêu ‘‘duy trì độ che phủ rừng" chung chung, chứ chưa làm rõ tầm quan trọng đặc biệt của Rừng Phòng Hộ, cho dù có lưu ý đến việc cần có ‘‘đất để ứng phó với biến đổi khí hậu’’, trong đó có nạn sạt lở.
Một số nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường bày tỏ lo ngại về chính sách ‘‘duy trì độ che phủ rừng" chung chung mập mờ hiện nay - không phân biệt rõ giữa Rừng Phòng Hộ đủ tiêu chuẩn, về cơ bản phải là rừng tự nhiên thực sự với độ đa dạng sinh học cao, với cái gọi là các khu vực trồng cây độc canh để khai thác hàng loạt, trước đây gọi là ‘‘Đồn điền’’ nay cũng được gọi chung là ‘‘Rừng’’ (‘‘Rừng Sản Xuất’’) - có thể đang để ngỏ cánh cửa cho những lạm dụng quy mô toàn quốc, khiến Việt Nam ngày càng bị động trước nạn đất lở ở các vùng đất dốc.
Trọng Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét