Văn nghệ: Bữa tiệc đêm lớn, Mừng Lễ Tạ Ơn trong nhà vệ sinh!
(Truyện ngắn này, thân tặng Nhóm Mõ Nhân Ái, đánh dấu 30 năm miệt mài phục vụ những bữa ăn nóng hổi cho Người Không Nhà (Homeless)
<!>
Nhóm không phải Hội, nên tự bỏ tiền túi, tự nấu, tự phục vụ họ, như người thân trong gia đình. Hay hơn nữa “của cho, không bằng cách cho!” Nhóm đã đem không khí tất cả những Ngày Lễ quan trọng trong năm, đến với những mảnh đời khốn khổ, đây là cách cho vô cùng độc đáo, họ cảm nhận tình người ấm áp, không có khoảng cách giữa người cho và người nhận! Dù trắng dù đen, dù vàng hay nâu, máu con người cùng mang chất đỏ! Bình đẳng trước cái chết và niềm đau, nỗi khốn khổ!)
Hình: Nhóm Mõ Nhân Ái, Mang Không Khí Tất Cả Những Ngày Lễ Trong Năm, đến Với Người Homeless:
Truyện Ngắn: Tiệc Mừng Tạ Ơn Trong “Toa-Let!”
(Phóng tác)
-Người phụ nữ làm thuê ở gần nhà ông chủ. Đó là một gian trong ngôi nhà mái bằng cũ nát. Chị là một người mẹ sống đơn thân, chồng đã ly dị, có một đứa con trai bốn tuổi. Hằng ngày, chi dậy sớm, giúp chủ nhà thu dọn, mọi việc xong, chị trở về nhà mình. Chủ nhà thường mời chị ở lại, nhưng chị từ chối. Bởi vì chị là một người phụ nữ làm thuê dọn dẹp, nên vô cùng tự ty về hoàn cảnh khốn khó, nghèo khổ của mình.
Hôm ấy, vào ngày Lễ Tạ Ơn, chủ nhà mời rất nhiều khách đến ăn tiệc mừng. Khách mời người nào cũng sang trọng, ngời ngời rạng rỡ. Chủ nhà nói với chị làm thuê: “Hôm nay, chị có thể vất vả thêm nhiều đó nhé, có thể về nhà muộn hơn một chút được không?” Người phụ nữ nói: “Dạ được ạ, nhưng đứa con trai, không thấy tôi ở nhà, cháu sẽ sợ hãi!”. Chủ nhà nói: “Thế thì dẫn cháu đến đây đi, biết đâu, hôm nay cháu sẽ thấy những điều lạ”.
Khi ấy trời đã hoàng hôn, khách mời sắp đến hết. Chị làm thuê vội vàng về nhà, dẫn con trai đến. Con trai hỏi: “Chúng ta đi đâu hả mẹ?”. Người mẹ nói: “Mẹ cho con đi ăn tiệc đêm Mừng Lễ Tạ Ơn vui lắm!” Đứa bé bốn tuổi đâu có biết mẹ mình là một người làm thuê. Chị làm thuê dẫn con trai vào thư phòng của nhà chủ. Chị nói: “Con hãy ở yên trong này chờ đã, bây giờ bữa tiệc tối vẫn chưa bắt đầu”. Sau đó, chị làm thuê đi vào nhà bếp, nấu ăn, bổ hoa quả, pha cà phê, tất bật luôn tay. Rồi luôn luôn có khách nhấn chuông, chủ nhà hoặc chị làm thuê phải chạy ra mở cổng. Có lúc, chị vội vã vào thư phòng xem, vẫn thấy con trai đang ngồi yên ở đấy. Con trai hỏi: “Mẹ ơi! Tiệc đêm Tạ Ơn khi nào bắt đầu ạ? Nhưng, luôn luôn có khách đến thăm thư phòng của chủ nhân. Họ biết bé trai là con của người phụ nữ làm thuê, hay là không biết? Các vị khách thân thiết xoa đầu bé trai, sau đấy lục xem những cuốn sách của chủ nhà, và luôn miệng tấm tắc khen những bức tranh treo trên tường. Đứa bé trước sau vẫn ngồi yên, nóng lòng chờ đợi bữa tiệc đêm bắt đầu. Chị làm thuê hơi không yên tâm. Chỗ nào cũng có khách, chị không biết giấu con trai đi đâu. Chị không muốn con trai chị làm hỏng không khí vui vẻ của buổi tiệc mừng. Càng không muốn đứa con trai thơ ngây, biết sự khác nhau giữa chủ nhà và người làm thuê, giữa người giầu và kẻ nghèo! Nghĩ mãi, chị quyết định gọi con trai ra khỏi thư phòng, đưa con vào nhà vệ sinh!
Ngôi nhà có hai cái toa-lét, một cái của ông chủ, một cái dành cho khách. Chị nhìn con trai, chỉ vào chiếc bồn cầu trong toa-let: “Đây là gian phòng dành riêng cho con hôm nay!” – Chị nói: “Đây là cái ghế!” Lại chỉ vào cái bàn giặt bằng đá hoa, chị nói tiếp: “Đây là một chiếc bàn”. “Cái này là của con đây!” – Người mẹ nói: “Bây giờ tiệc đêm bắt đầu!”. Chiếc đĩa chị lấy trong nhà bếp của nhà chủ, còn xúc xích chị mua trên đường về nhà (đã rất lâu chị không mua cho con trai món xúc xích, mà nó thích vô cùng). Khi nói những lời này, chị làm thuê ráng sức kìm lại những giọt nước mắt, như muốn tuôn trào xuống má! Không còn cách nào khác, toa-lét của chủ nhà là chỗ yên tĩnh duy nhất lúc này!
Con trai chị lớn lên trong cảnh nghèo khó, từ trước đến giờ, cậu bé chưa từng nhìn thấy ngôi nhà nào, xa hoa lộng lẫy như thế này, càng không nhìn thấy nhà vệ sinh sang trọng. Cậu không biết bồn cầu giật nước, không biết bàn giặt bằng đá hoa. Cậu ngửi hương thơm thoang thoảng của bột giặt và xà phòng thơm, cảm thấy hạnh phúc vô chừng, lần đầu tiên được hưởng! Cậu ngồi xuống sàn, trịnh trọng đặt đĩa lên trên nắp bồn cầu. Cậu nhìn chăm chăm không chớp mắt vào những lát xúc xích bày trong đĩa, hát những lời ca tự mừng cho mình.
Khi tiệc đêm bắt đầu, đột nhiên chủ nhân nhớ đến con trai của chị làm thuê. Ông đi vào nhà bếp hỏi, chị làm thuê nói chị cũng không biết, có lẽ là nó chạy đi chơi chăng. Chủ nhân thấy ánh mắt chị làm thuê có vẻ giấu giếm, bèn lặng lẽ đi tìm. Cuối cùng, ông lần theo tiếng hát, thấy cậu bé đang ở trong toa-lét. Khi ấy, cậu bé đang đưa một miếng xúc xích vào miệng. Ông đứng ngây người ra.
Ông hỏi: “Cháu nấp ở trong này làm gì?”.
Cậu bé nói: “Đâu có! cháu dự tiệc đêm ở đây mà, bây giờ cháu đang ăn tiệc!”.
Ông chủ: “Cháu biết đây là to-lét chứ?”
Cậu nói: Đúng! và đây là nơi tốt nhất mà ông chủ chuẩn bị cho cháu. Rồi cậu bé chỉ vào những miếng xúc xích trong đĩa: “Cháu hy vọng sẽ có một người cùng cháu ăn, những món ngon này!”
Mũi chủ nhân thấy cay cay, miệng đắng chua, mắt chợt thấy ướt, ngấn lệ, không cần hỏi thêm nữa, ông đã hiểu rõ tất cả! Ông lặng lẽ quay về bàn tiệc nói với tất cả các vị khách: “Xin lỗi các vị, hôm nay tôi không thể tiếp tục cùng các vị ăn bữa tối nữa, tôi phải tiếp một vị khách đặc biệt!”. Sau đấy, ông lấy hai đĩa thức ăn trên bàn tiệc. Đến toa-lét, ông lịch sự gõ cửa. Sau khi được cậu bé cho phép, ông bước vào, đặt hai đĩa lên trên nắp bồn cầu. Ông nói: “Gian phòng đẹp đẽ như thế này, đương nhiên không thể để cháu một mình hưởng thụ được, chúng ta sẽ cùng nhau ăn tối với mhau!”.
Hôm ấy, ông và cậu bé nói rất nhiều chuyện. Ông muốn cậu bé tin tưởng rằng, toa-lét là gian phòng tốt nhất, sang trọng nhất trong ngôi nhà này. Hai người ăn rất nhiều, hát rất nhiều bài ca thiếu nhi trong toa-lét. Liên tục có khách gõ cửa, chào hỏi ông chủ và cậu bé. Họ mang tới mời ông chủ và cậu bé những cốc nước hoa quả thơm ngon và những cánh gà quay vàng ươm, béo ngậy. Họ tỏ ra rất lịch sự và nhiệt tình, tự nhiên. Sau đấy, họ đòi cùng vào trong cái toa-let nhỏ xinh, chen chúc hát mừng cậu bé. Thái độ của mọi người đều rất chân thành, không có ai coi đây là một trò vui giễu cợt.
Nhiều năm sau, cậu bé đã trưởng thành. Anh là giám đốc, có công ty lớn riêng, có một ngôi nhà khang trang, cũng có hai cái toa-lét. Anh bước vào xã hội thượng lưu, trở thành tỷ phú! Hàng năm, anh đều trích ra một khoản tiền rất lớn, cứu trợ những người nghèo, người không nhà, sa cơ lỡ bước trên đường đời. Nhưng anh không bao giờ tổ chức những buổi quyên góp, ủng hộ rầm rộ, càng không cho những người nghèo biết tên của anh. Có người bạn hỏi về lý do, anh nói:- Tôi luôn luôn ghi nhớ một buổi tối Tạ Ơn nhiều năm trước, khi còn thơ, có một vị nhà giàu cùng rất nhiều người khác, đã vô cùng cẩn trọng bảo vệ lòng tự ái, tự tôn của một cậu bé, mới… bốn tuổi! Có chết, tôi sẽ không bao giờ quên! những tấm lòng tử tế, đầy tình người này! Ôi những hành động dối trá, êm ái! theo tôi cả đời!
Bạn ơi, bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng được, một hành động nhỏ tế nhị, nghĩ cho người khác của mình, sẽ ảnh hưởng lớn tới cả cuộc đời của một con người như thế nào!
Cách cho, đáng giá, gấp trăm lần của cho! Chúa còn dậy, “tay phải làm phước, nhớ đừng cho tay trái biết!” Ban Ơn, Nhận Ơn, Tạ Ơn, chỉ có nghĩa, khi thực hiện với tất cả…trái tim! với tất cả tấm lòng! Nhớ nhé! mỗi khi mở rộng bàn tay!
Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn 2024!
Tin Việt Nam Hôm Nay
Cựu Bí Thư Vĩnh Phúc Bị Đề Nghị Kỷ Luật Đảng Trong Vụ Án của Tập Đoàn Phúc Sơn
(Hình Vinhphuc.gov.vn: Cựu Bí thư Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng.)
-Cựu Bí thư Vĩnh Phúc (nhiệm kỳ 2010-2015) vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật vì những sai phạm có liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn – tập đoàn đang bị công an điều tra về những sai phạm trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở tại nhiều tỉnh, thành các năm qua.
Đây là Bí thư Vĩnh Phúc thứ hai bị kỷ luật Đảng do có liên quan đến những sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn. Trước đó, Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan (nhiệm kỳ 2015-2024) đã bị khai trừ đảng vào tháng 3 năm nay. Bà Lan đã bị công an khởi tố và bắt tạm giam vào với cáo buộc hành vi nhận hối lộ.
Truyền thông nhà nước cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra đề nghị này tại cuộc họp vào ngày 18/11, trong đó Ủy ban đề nghị kỷ luật Đảng một loạt các cựu lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm cựu Bí thư Phạm Văn Vọng, Phó Bí thư Phùng Quang Hùng, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Hòa Bình.
Báo Nhà nước trích kết luận từ cuộc họp cho biết, "các cán bộ này cũng vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong tổ chức thực hiện dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn ngân sách nhà nước, dư luận bất bình".
Vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn hiện thuộc diện do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Đảng trực tiếp theo dõi và chỉ đạo. Một loạt các viên chức cấp cao của Đảng và Chính phủ trước đó đã bị khởi tố. Ngoài loạt lãnh đạo của Vĩnh Phúc bị kỷ luật, khởi tố và bắt tạm giam, cón có cựu Bí thư và cựu Phó Bí thư Quảng Ngãi cũng bị khởi tố về tội nhận hối lộ.
Nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã phải từ chức hồi đầu năm nay do những sai phạm trong thời kỳ ông là Bí thư Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2011-2014.
Việt Nam Sẽ Cho Chạy Các Nhà Máy Điện Than Với Công Suất Cao Vào Năm 2025
(Hình AFP, minh họa: Tàu chở than đi qua nhà máy nhiệt điện than Phả Lại ở Hải Dương hôm 14/10/2022.)
-Chính phủ Việt Nam mới đây thông báo các nhà máy nhiệt điện than của quốc gia này sẽ được chạy công suất cao vào năm 2025 tới, để đáp ứng nhu cầu điện ngày một gia tăng.
Thông báo hôm 18/11/2024 của Chính phủ cho biết phần lớn các nhà máy nhiệt điện than sẽ được vận hành từ 6.400 đến 6.500 tiếng đồng hồ trong năm để đối phó với mức dự báo nhu cầu điện tăng từ 11% đến 14% trong năm tới.
Các tỉnh miền Bắc Việt Nam trong 2 năm qua liên tục phải gặp cảnh thiếu điện vào dịp hè khi nhu cầu dùng điện tăng trong khi thủy điện thiếu nước.
Việt Nam có kế hoạch thúc đẩy việc phát triển điện dùng các nguồn tái tạo như điện gió ngoài khơi và khí hóa lỏng nhưng các dự này không tiến triển do các cản trở về quy định và bất đồng trong giá cả.
Điện than hiện chiếm khoảng 48% tổng sản lượng điện của cả nước, ở mức khoảng 256 tỉ kwh trong 10 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Thông báo của Chính phủ mới đây cho biết, Việt Nam sẽ huy động hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than ở mức cao, đặc biệt là khu vực phía Bắc.
Cam Bốt Trục Xuất 23 Người Việt Nam Vì Cư Trú và Làm Việc Bất Hợp Pháp
(Hình GDI: Những công dân Việt Nam bị trục xuất vào ngày 15/11/2024 tại đồn cảnh sát cửa khẩu quốc tế Trapeang Phlong ở tỉnh Tbong Khmum, Cam Bốt.)
-Hai báo Phnom Penh Post và Khmer Times đưa tin hôm 18/11/2024 cho hay Tổng cục Di trú Cam Bốt (GDI) vừa trục xuất 23 công dân Việt Nam, bao gồm 7 phụ nữ,vì cư trú bất hợp pháp và làm việc không có giấy tờ hợp lệ tại nước này.
Số người Việt trên bị trục xuất vào ngày 15/11 tại Đồn Cảnh sát Cửa khẩu Quốc tế Trapeang Phlong ở Tỉnh Tbong Khmum.
"Hai mươi người (bao gồm 6 phụ nữ) đã bị cảnh sát tỉnh Oddar Meanchey bắt giữ, trong khi 3 người còn lại (gồm 1 phụ nữ) bị cảnh sát ở tỉnh Siem Reap giam giữ", báo Phnom Penh Post dẫn thông cáo của GDI cho biết.
Tất cả những người Việt trên đều bị phát giác đang cư trú và làm việc tại Cam Bốt mà không có thị thực hợp lệ.
Trong những năm gần đây, Cam Bốt đã trục xuất rất nhiều người Việt Nam về nước, đa phần trong số họ đều bị cáo buộc cư trú và làm việc bất hợp pháp.
Tháng trước, vào ngày 8/10, báo Khmer Times cho biết Bộ Nội vụ Cam Bốt đã trục xuất 46 công dân Việt Nam, trong đó có 16 phụ nữ, bị cáo buộc nhập cảnh trái phép vào Cam Bốt làm việc mà không có giấy phép hợp pháp. Tờ báo dẫn lời Chuẩn tướng Lim Sopheak, Phó phòng Điều tra và Thực thi của Tổng cục Di trú thuộc Bộ Nội vụ Cam Bốt, cho biết từ tháng 8 đến tháng 9 năm nay, Cục Điều tra và Thực thi của Tổng cục Di trú Cam Bốt đã trục xuất tổng cộng 146 người Việt Nam làm việc bất hợp pháp và bị gửi trả về nước qua Cửa khẩu Biên giới Quốc tế Prek Chak ở tỉnh Kampot.
Ông cho biết thêm rằng các viên chức của Cục này đang tích cực điều tra những công dân ngoại quốc đang sinh sống và làm việc bất hợp pháp tại Cam Bốt, với mục đích bắt giữ và trục xuất họ về nước.
Năm 2022, GDI đã trục xuất hơn 100 người ngoại quốc thuộc năm quốc tịch khác nhau, tất cả đều được xác định là đã cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Cam Bốt do không có thị thực hoặc giấy phép lao động.
Năm 2021, Cam Bốt đã trục xuất 3.594 người ngoại quốc thuộc 43 quốc tịch, trong đó công dân Việt Nam chiếm một phần đáng kể trong số những người bị trục xuất.
Người Dân Vui Mừng! Hoa Kỳ Phát 6 Tỉ Đồng Tiền Mặt Cho 915 Gia Đình Dân ở Yên Bái Bị Ảnh Hưởng Nặng Bởi Bão Yagi
(Hình Tòa Ðại sứ Mỹ tại Hà Nội: Người dân Yên Bái nhận tiền mặt hỗ trợ từ Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam.)
-Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua USAID Vietnam (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ), đang cấp phát tổng cộng trên 6 tỉ đồng tiền mặt cho 915 gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất bởi bão Yagi tại 3 xã của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Bão Yagi đổ vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam vào đầu tháng Chín được coi là cơn bão mạnh nhất ở Biển Đông trong vòng một thập kỷ qua. Bão Yagi (còn gọi là bão số ba) khi vào Việt Nam đã kéo theo mưa lớn, lũ lụt và lở đất khiến hơn 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 81.000 tỉ đồng.
Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đăng tải 3 tấm ảnh về hoạt động hỗ trợ tiền mặt hôm 12/11, theo đó, các gia đình có từ 3 người trở lên được hỗ trợ 7 triệu đồng mỗi gia đình và các gia đình dân có từ 1 đến 2 người được hỗ trợ 4,2 triệu đồng mỗi gia đình, để đáp ứng các nhu cầu về lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác của gia đình.
Cũng theo thông báo của phái đoàn Mỹ, có 509 gia đình dân của 2 xã Viễn Sơn và Yên Thái đã được nhận hỗ trợ tiền mặt vào tuần trước.
Hoạt động cấp phát tiền mặt do đối tác của USAID là tổ chức Catholic Relief Services đang thực hiện tại huyện Văn Yên thông qua hệ thống Bưu điện Việt Nam với sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái.
Đợt hỗ trợ tiền mặt này là một phần trong khoản hỗ trợ 1 triệu Mỹ kim hỗ trợ nhân đạo của USAID để giúp Việt Nam phục hồi và tái thiết sau bão.
Việt Nam và Hoa Kỳ Ký Thỏa Thuận Hợp Tác Về An Ninh Mạng
(Ảnh chụp màn hình: Cục An toàn thông tin (AIS) của Việt Nam và đại diện chính phủ Hoa Kỳ ký bản ghi nhớ hợp tác an ninh mạng, ngày 14/11/2024.)
-Hôm 14/11/2024, Cục An toàn Thông tin Việt Nam và Cơ quan An ninh mạng và An ninh Cơ sở Hạ tầng Hoa Kỳ ký Thỏa thuận Hợp tác với mục đích bảo đảm an ninh mạng trong bối cảnh mối đe dọa trên mạng ngày càng tinh vi và khó lường.
Việc ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Cục An toàn thông tin (AIS) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Cơ quan An ninh mạng và An ninh cơ sở hạ tầng (CISA) thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đánh dấu quan hệ đối tác chính thức giữa hai cơ quan này, với mục đích bảo đảm an ninh mạng và góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, truyền thông Việt Nam đưa tin hôm 14/11.
Ông Trent Frazier, Phó Giám đốc Phụ trách Quan hệ Đối tác Quốc tế (CISA), phát biểu trực tuyến tại lễ ký kết: "Hợp tác và cộng tác là chìa khóa để bảo vệ thành công cơ sở hạ tầng quan trọng và nâng cao hơn nữa năng lực an toàn mạng. Biên bản ghi nhớ sẽ tăng cường quan hệ đối tác sẵn có giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, giúp Hoa Kỳ có thể thúc đẩy hiệu quả đổi mới, bảo mật cơ sở hạ tầng số và phòng vệ trước các mối đe dọa trên mạng đang không ngừng gia tăng", theo Cổng thông tin của AIS.
Ông Trần Quang Hưng, quyền Cục trưởng AIS, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác trong việc nâng cao năng lực an ninh mạng của Việt Nam. Ông Hưng cho hay hiện nay các mối đe dọa mạng ngày càng trở nên tinh vi và khó lường.
Ông Hưng nói thêm rằng hợp tác với một tổ chức giàu kinh nghiệm như CISA giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia và góp phần mang lại một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn trên toàn cầu.
Biên bản ghi nhớ này được cho là sẽ tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam - mối quan hệ được thiết lập vào tháng 9/2023 - đồng thời giúp Hoa Kỳ thúc đẩy đổi mới và bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng như chống lại các mối đe dọa mạng đang gia tăng, các bản tin cho hay.
Hồi tháng 9/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại New York, khi ấy hai nhà lãnh đạo ca ngợi một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, bán dẫn, chuỗi cung ứng.
CISA, được thành lập năm 2018, là cơ quan chỉ đạo hoạt động về an ninh mạng liên bang của Hoa Kỳ và điều phối ở cấp quốc gia về an ninh và về khả năng ứng phó của cơ sở hạ tầng quan trọng.
APEC: Chủ Tịch Lương Cường Cảnh Báo Nguy Cơ Chiến Tranh Thương Mại Giữa Nỗi Lo Chính Sách Thuế Quan Từ Mỹ
(Hình AFP / Ernesto Benavides: Chủ tịch Việt Nam Lương Cường đến cuộc gặp với Tổng thống Peru Dina Boluarte tại Lima, thủ đô của Peru, hôm 13/11/2024 nhân Thượng đỉnh APEC.)
-Trong bài phát biểu trước Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) ở Peru, Chủ tịch Việt Nam Lương Cường đã đưa ra một thông điệp cảnh báo về mối nguy chiến tranh thương mại trên thế giới. Đây được cho là một chỉ trích mạnh mẽ nhất nhắm tới cách tiếp cận về thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump - người sẽ bước vào Tòa Bạch Ốc vào tháng 1/2025 tới, theo nhận định của Bloomberg.
"Đóng cửa, bảo hộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói" - Chủ tịch Lương Cường phát biểu trong bài diễn văn vào ngày 14/1.
"Hơn bao giờ hết, cần loại bỏ tư duy "nhất bên thắng, nhất bên thua", không để chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách. Trong một thế giới gắn kết, lợi ích đan xen chặt chẽ như ngày nay, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế và hành xử có trách nhiệm, bởi mỗi quyết sách đưa ra đều có tác động rất lớn, dẫn đến hệ quả khôn lường". - Chủ tịch Việt Nam phát biểu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 5/11 vừa qua và sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm của mình bắt đầu từ tháng 1/2025. Ông đã đe dọa sẽ áp thuế cao lên hàng nhập cảng, điều mà Chính phủ Việt Nam lo ngại vì xuất cảng hiện chiếm đến 85% giá trị nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này và Hoa Kỳ lại là thị trường nhập cảng lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đã xuất siêu vào Hoa Kỳ hơn 100 tỉ Mỹ kim vào năm 2023.
Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống từ 2016-2020 đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam xuất siêu vào Mỹ và gọi Việt Nam là "kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ hơn cả Trung Quốc".
Phát biểu tại APEC 2024, Chủ tịch Lương Cường nhấn mạnh:
"Việc áp đặt các tiêu chuẩn mới đối với thương mại, đầu tư mà không xuất phát từ cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, bỏ qua các khác biệt về trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, thì không những cướp đi cơ hội việc làm của hàng trăm triệu người lao động, mà còn triệt tiêu sức sáng tạo và ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp".
"Để khôi phục và củng cố niềm tin đối với tự do thương mại, hội nhập kinh tế, cùng với các chính sách hỗ trợ người lao động về đào tạo nghề, việc làm và an sinh xã hội, thì quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và bảo đảm cân bằng lợi ích, cạnh tranh công bằng" - ông Lương Cường khẳng định.
Việt Nam hiện đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP là từ 6.5% đến 7% vào năm 2025.
Chính phủ Việt Nam từ nhiều năm qua đã vận động chính phủ Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhưng hiện vẫn chưa thành công và điều này có ảnh hưởng rất lớn đến hàng hóa xuất cảng của Việt Nam vào Mỹ khi nhiều mặt hàng Việt Nam liên tục bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại Mỹ.
Thủ Tướng Việt Nam Đi Ba Tây Dự Thượng Đỉnh G20
(Hình AP: Ba Tây, nước chủ nhà của hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2024, đã mời Việt Nam tham dự.)
-Truyền thông trong nước đưa tin cho hay Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng phu nhân đã lên đường đến Rio de Jainero dự Hội nghị Thượng đỉnh khối G20 kết hợp công du Ba Tây từ ngày 16 đến ngày 19/11/2024 theo lời mời của Tổng thống nước này Lula da Silva.
Theo đó, ông Chính sẽ có 'thông điệp quan trọng đến các nước', tờ Tuổi Trẻ cho biết, và sẽ có cuộc gặp với các lãnh đạo Ba Tây.
Với chủ đề 'Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững', hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay sẽ tập trung vào ba vấn đề: chống đói nghèo và bất bình đẳng, phát triển bền vững và cải cách quản trị toàn cầu.
Ông Chính sẽ phát biểu tại 2 phiên họp vào ngày 18 và 19/11 để chia sẻ những bài học về chống đói nghèo và trình bày quan điểm về phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng, của Việt Nam Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình được trang Pháp luật Tp. HCM dẫn lời nói.
G20 là diễn đàn đa phương quan trọng quy tụ nhiều nước lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh Quốc, Nam Hàn, Úc Ðại Lợi, Gia Nã Ðại, Nga, Nam Dương…. Kỳ họp ở Ba Tây lần này có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng chưa rõ liệu ông chính có tiếp xúc bên lề với nhà lãnh đạo nào hay không.
Đây là lần thứ 5 Việt Nam được mời tham dự hội nghị G20 dù không phải là thành viên chính thức của khối và là lần đầu tiên được mời dù không phải là Chủ tịch luân phiên của diễn đàn đa phương nào. Những lần trước, Việt Nam tham dự Thượng đỉnh G20 với tư cách là Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) hay Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN).
Còn trong chuyến thăm Ba Tây, ông Chính dự kiến sẽ cùng các nhà lãnh đạo nước này tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Ba Tây Bùi Văn Nghị cho biết.
Đại sứ Nghị nói rằng các lĩnh vực mà Việt Nam-Ba Tây sẽ bàn bạc về hợp tác trong chuyến đi này của ông Chính gồm có nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, chuyển đổi năng lượng, năng lượng sinh học, văn hóa, thể thao-đào tạo túc cầu, du lịch, giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng….
Ba Tây là đối tác quan trọng nhất và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latin trong khi Hà Nội đang muốn đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét