Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :18/11/2024 - Loan My


Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
Báo chí Mỹ ngày 17/01/2024 tiết lộ: tổng thống Joe Biden, vài tuần trước khi mãn nhiệm, đã thỏa mãn yêu cầu của Ukraina, dùng tên lửa chiến thuật ACTACMS với tầm bắn 300 km để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Nhân viên cứu hỏa đang dập tắt đám cháy sau một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào một tòa nhà chung cư nhiều tầng ở Sumy, Ukraina, ngày 17/11/2024. AP Thanh Hà Hãng tin Pháp AFP nhắc lại vì muốn tránh để bị lôi vào cuộc đối đầu trực tiếp với Matxcơva, đến nay Washington từ chối cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa của Mỹ để đánh sâu vào lãnh thổ của Nga.
<!>
Hãng tin Mỹ AP trích dẫn nhiều nguồn thạo tin cho rằng quyết định này là hệ quả của việc Bắc Triều Tiên đưa hàng ngàn quân sang tiếp tay với quân đội Nga và nhất tình hình chiến sự tại Ukraina đang xấu đi nghiêm trọng trong những ngày qua. Rời thượng đỉnh diễn đàn APEC ở Peru sang Brazil chuẩn bị dự thượng đỉnh G20 tổng thống Mỹ Biden chưa chính thức lên tiếng về tin trên.

Thông tín viên đài RFI Guillaume Naudin cho biết thêm thông tin.

« 300 km là tầm bắn của các tên lửa Mỹ ATACMS. Đến nay Hoa Kỳ chỉ cung cấp một cách nhỏ giọt cho Ukraina và Kiev không được phép dùng để nhắm vào các mục tiêu nằm sâu trên lãnh thổ của Nga. Trước hết Nga cảnh báo sẽ coi đây là một bước leo thang quan trọng. Hơn nữa giới quân sự của Mỹ cho biết là không có nhiều loại tên lửa này. Thế nhưng rồi tình hình chiến trường đã thay đổi. Nga vừa tiến hành một loạt các đợt không kích có phối hợp.

Tiếp theo là tại vùng Kursk, mà Ukraina đã chiếm đóng từ mùa hè vừa qua, Nga đã tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn để giành lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Để đạt được mục tiêu này, Nga đã được 10.000 lính Bắc Triều Tiên tiếp tay. Kursk là nơi đầu tiên tên lửa tầm xa ACTAMS của Mỹ sẽ được sử dụng với mục đích bắt buộc phía Nga phải tái triển khai lực lượng.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky không tiết lộ bất cứ bình luận gì về quyết định của Mỹ và chỉ nói rằng tên lửa sẽ « nói lên nhiều điều hơn là những tuyên bố ». Bản thân tổng thống Biden cũng không bình luận về quyết định này. Hai tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, đây là một thông điệp rõ ràng thể hiện sự ủng hộ Ukraina. Trong khi đó viện trợ quân sự cho Ukraina đang bị phe của ông Donald Trump chống đối và tổng thống tân cử thì cam kết nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ».

Tên lửa Mỹ : Nga tố cáo Biden « châm dầu vào lửa »

Hôm nay, 18/11/2024, Matxcơva đã có phản ứng. Theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov cho rằng sự quyết định của chủ nhân Nhà Trắng, về bản chất là « châm dầu vào lửa ». Điều này có nguy cơ « dẫn đến một diện mạo mới về mặt cơ bản liên quan đến sự can dự của Mỹ trong xung đột ».

Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lin Jian, trong buổi họp báo hôm nay, nhận định, « một lệnh ngưng bắn nhanh chóng và một giải pháp chính trị là trong lợi ích của các bên », đồng thời kêu gọi « điều khẩn cấp nhất hiện nay là tìm cách hạ nhiệt tình hình càng nhanh càng tốt ».

Đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói thêm rằng, « Trung Quốc luôn kêu gọi và ủng hộ tất cả các nỗ lực đi đến một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng », và Bắc Kinh « sẵn sàng tiếp tục duy trì vai trò xây dựng theo cách của mình » trong chiều hướng này.

Brazil khai mạc thượng đỉnh G20 trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, Cận Đông tiếp diễn

Thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Brazil, kéo dài hai ngày, 18 và 19/11/2024, vào lúc cộng đồng quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, như tìm kiếm đồng thuận hỗ trợ tài chính trong hồ sơ biến đổi khí hậu, chiến tranh vẫn diễn ra ác liệt tại Ukraina và Cận Đông, Donald Trump chuẩn bị trở lại cầm quyền tại Mỹ vào năm 2025.


Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (T) tiếp chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, tại thượng đỉnh G20, Rio, Brazil, ngày 17/11/2024. REUTERS - Ricardo Moraes
Minh Anh
Tham dự thượng đỉnh G20 tại Rio có nhiều nguyên thủ quốc gia như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo chính phủ các nước có nền kinh tế tiên tiến nhất, các nước mới trỗi dậy cùng nhiều lãnh đạo các định chế tài chính quốc tế.

Theo AFP, các nước thành viên của nhóm G20 (gồm 19 nước cùng Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Châu Phi) chiếm 85% GDP toàn cầu và 80% phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Từ Rio de Janeiro, thông tín viên đài RFI, Sarah Cozzolino cho biết thêm những thách thức đối với nước chủ nhà Brazil :

« Thượng đỉnh G20 diễn ra trong bối cảnh nhiều xung đột quốc tế. Cuộc chiến tại Ukraina và ở Cận Đông, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, và Donald Trump trở lại Nhà Trắng… ngần ấy vấn đề địa chính trị có nguy cơ phá hỏng các cuộc đàm phán.

Tổng thống Lula muốn biến Brazil thành một nhà trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột quốc tế và là tiếng nói cho các nước Nam Bán Cầu. Do vậy, cuộc chiến chống đói nghèo sẽ là một trong số các ưu tiên của ông với việc hình thành một liên minh quốc tế.

Nhiều đề xuất trong chương trình nghị sự đầy tham vọng như đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia và các nhà tỷ phú. Một biện pháp được được hai nước Pháp và Brazil ủng hộ, khi đề xuất đánh thuế ở mức 2% đối với 3.000 nhà tỷ phú trên thế giới. Nhưng một đề xuất như thế, để có thể được áp dụng, đòi hỏi một sự hợp tác quốc tế thực sự.

Việc tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng được Brazil chú trọng. Sau nhiệm kỳ của tổng thống Jair Bolsonaro, ông Lula muốn cho thấy nỗi lo lắng của ông bảo vệ vùng Amazon. Năm 2025, Brazil sẽ tổ chức COP 30 ở Belem, ngay trước cửa rừng vùng Amazon. »

Mỹ và Phillipines ký thỏa thuận tăng cường trao đổi thông tin tình báo quân sự

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Philippines ký kết hôm nay, 18/11/2024, một thỏa thuận về trao đổi thông tin tình báo quân sự nhân chuyến công du Manila của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin. Văn bản có mục tiêu tăng cường bảo mật cho các thông tin tình báo quân sự cấp cao mà Hoa Kỳ chuyển giao cho Philippines.


Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (T) tiếp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, tại điện Malacanang, Manila, Philippines, ngày 18/11/2024. via REUTERS - Gerard Carreon
Trọng Thành
Hiện tại, Mỹ và Philippines không cung cấp thông tin chi tiết hoặc bản sao của thỏa thuận vừa được ký. Trả lời AP, hai quan chức an ninh Philippines, xin ẩn danh, khẳng định văn bản này tương tự như các thỏa thuận mà Washington đã ký với một số đồng minh khác, cung cấp « các thông tin tình báo cấp cao hơn » và vũ khí tối tân hơn.

Cụ thể là quân đội Philippines được uyền tiếp cận các hệ thống giám sát vệ tinh và drone của Mỹ, với điều kiện tin tức tình báo và thông tin chi tiết về các vũ khí tối tân phải được bảo mật cao. Đồng thời Philippines được tiếp cận được các phương tiện tân tiến hơn của Mỹ , bao gồm cả hệ thống tên lửa.

Thỏa thuận tăng cường trao đổi thông tin tình báo quân sự nói trên được ký kết vào thời điểm Mỹ, Philippines cùng các đồng minh đang tăng cường các hoạt động quốc phòng, bao gồm các cuộc tập trận tác chiến chung quy mô lớn, chủ yếu là để ứng phó với các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở châu Á.

Theo AP, trong quá khứ, những nỗ lực của Philippines nhằm có được các vũ khí tối tân từ quân đội Mỹ đã bị cản trở do việc thiếu một thỏa thuận tình báo như vậy, ngay cả khi quân đội Philippines đang phải vật lộn chống lại cuộc vây hãm của các lực lượng nổi loạn, liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ở thành phố Marawi, hồi 2017. Quân đội Philippines, được drone của Mỹ và Úc hỗ trợ, đã dập tắt cuộc nổi loạn kéo dài 5 tháng.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và đồng nhiệm Philippine, Gilberto Teodoro, đã dự lễ khởi công xây dựng một « trung tâm phối hợp » nằm trong khu vực tổng hành dinh của Quân đội Philippines ở Manila, nơi « trao đổi thông tin theo thời gian thực » và « góp phần tăng cường khả năng phối hợp (giữa quân đội hai nước) trong nhiều năm », theo lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ.

Ngày mai, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có kế hoạch viếng thăm đảo lớn Palawan, tây Philippines, để gặp gỡ chỉ huy các đơn vị tuần tiễu, và làm nhiệm vụ bảo vệ các vị trí tiền tiêu của Philippines tại Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét