Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Ngoại giao quốc tế – sân chơi hấp dẫn đối với các chế độ độc tài - Loan My


Việc tổ chức COP tại một nước phi dân chủ, như Azerbaijan, không phải là điều mới mẻ. Năm ngoái, sự kiện này đã diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc hay Syria vẫn là thành viên của Ủy ban Phi thực dân hóa của Liên Hiệp Quốc, Ả Rập Xê Út chủ trì Diễn đàn Liên Hiệp Quốc về nữ quyền. Đối với các nhà lãnh đạo của những nước, việc tổ chức và tham gia các sự kiện như vậy mang lại nhiều lợi ích. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev (G), đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (P) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP29 ở Baku, Azerbaijan, ngày 12/11/2024. AP - Peter Dejong - Phan Minh - 
<!>
COP29, hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu, đã khai mạc hôm 11/11 tại Baku, Azerbaijan. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một chủ đề quan trọng đối với tất cả người dân trên hành tinh, lại được thảo luận dưới sự chủ trì của một quốc gia có chế độ độc tài, nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn, và vai trò của quốc gia này trong một số hồ sơ địa chính trị lớn gần đây đã gây nhiều tranh cãi.
<!>
Lợi ích của những quốc gia sản xuất năng lượng hóa thạch trong việc tổ chức COP
Các vấn đề về biến đổi khí hậu và việc giảm lượng khí thải carbon là mối quan tâm hàng đầu của những quốc gia sản xuất năng lượng hóa thạch. COP28 được tổ chức tại Dubai vào năm ngoái. COP30 sẽ được tổ chức tại Belém, Brazil, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất Châu Mỹ Latinh, đứng thứ 9 trên thế giới và có thể leo lên vị trí thứ 5 vào năm 2030.


Để có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình và đề phòng trước mọi biến động có thể xảy ra, những quốc gia sản xuất năng lượng hóa thạch tìm cách tác động tối đa đến các cuộc thảo luận quốc tế liên quan đến những vấn đề môi trường và năng lượng thông qua việc tổ chức và tài trợ cho các hội nghị này. Cần lưu ý rằng Moukhtar Babaïev, bộ trưởng Sinh Thái Azerbaijan, người chủ trì COP29, là một cựu lãnh đạo của công ty dầu khí quốc gia Socar. Còn Sultan Ahmed Al-Jaber, chủ tịch COP28 với tư cách là bộ trưởng Công Nghiệp của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, được mệnh danh là "hoàng tử dầu mỏ" vì ông là giám đốc điều hành của Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC).


Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi chính cái tên COP (Hội nghị các Bên) đã ngụ ý một hội nghị với cách tiếp cận có tính thực dụng, nhằm vượt qua mọi sự cứng nhắc về mặt cấu trúc. Có tổng cộng 198 bên tham gia hội nghị, các quốc gia được chia nhóm theo khu vực địa lý, cùng với thực thể chính trị như Liên Hiệp Châu Âu. Không thể mong chờ là các nhà tổ chức của những diễn đàn như vậy chỉ chấp nhận đóng vai trò "người môi giới trung thực" (honest broker) mà họ muốn "dẫn dắt" toàn bộ dự án. Điều này càng rõ ràng hơn khi thành công vượt bậc của COP đã được khẳng định nhờ số lượng các diễn giả, nhà báo, các nhóm vận động hành lang và người theo dõi : khoảng 10.000 người vào năm 1997 khi thông qua Nghị định thư Kyoto, hơn 30.000 người ở Paris vào năm 2015, 45.000 người ở COP27, hơn 85.000 người ở COP28 và khoảng 70.000 người ở COP29. Các hội nghị thượng đỉnh này là những sự kiện mang tầm vóc toàn cầu.


Baku đối đầu với Paris (và không chỉ vậy)
Đối với Azerbaijan, COP29 là một cơ hội tuyệt vời để cải thiện hình ảnh quốc gia. Cần nhắc lại rằng đối với nhiều nước trên thế giới, quốc gia với hơn 10 triệu dân này chủ yếu được biết đến do không tôn trọng nhiều quyền tự do cá nhân, và Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã xem xét trường hợp của nước này trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) vào ngày 09/11/2023.


Azerbaijan cũng là nguồn gốc của một vụ bê bối tham nhũng lớn tại Hội Đồng Toàn Châu Âu vào năm 2017, được gọi là "Caviargate", và gần đây đã bị cáo buộc là một trong những nước khơi mào và thúc đẩy những cuộc bạo loạn dữ dội, khiến 13 người thiệt mạng vào mùa xuân vừa qua ở Nouvelle-Calédonie (Pháp). Bộ trưởng Nội Vụ Pháp lúc đó là Gérald Darmanin, đã không ngần ngại lên án trực tiếp chế độ Aliev có những hành động chống phá, thông qua Nhóm Sáng kiến Baku (GIB).


Cần nhắc lại rằng Nhóm Sáng kiến Baku (GIB), được thành lập vào tháng 07/2023 tại thủ đô Azerbaijan, với sự tham gia của đại diện các phong trào độc lập của Martinique, Guyane, Nouvelle-Calédonie và Polynésie thuộc Pháp, đã tổ chức một hội nghị quốc tế vào ngày 20/06/2024 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, mang tên "Hướng tới độc lập và các quyền tự do cơ bản – vai trò của C-24 (Ủy ban đặc biệt về Phi thực dân hóa của Liên Hiệp Quốc) trong việc xóa bỏ chủ nghĩa thực dân". Một hội nghị khác, "Chính sách tân thực dân của Pháp tại Châu Phi", cũng do GIB tổ chức vào ngày 03/10/2024, cho thấy nhóm này không ngừng chĩa mũi dùi vào Paris.


Theo nhiều nhà phân tích, những hành động này nhằm mục đích trừng phạt Pháp vì đã lên án cuộc tấn công của Azerbaijan ở Thượng Karabakh vào năm 2023, sau vụ phong tỏa hành lang Lachin (kết nối Karabakh với Armenia), giúp chế độ Ilham Aliev giành lại quyền kiểm soát khu vực này và khiến Nhà nước Cộng hòa Artsakh giải thể, sau những cuộc không kích dữ dội khiến gần như toàn bộ cư dân vùng Karabakh phải rời bỏ nơi đây.


Các nghị sĩ Châu Âu cũng đã bày tỏ lo ngại về tình hình trong khu vực này và đã đệ trình hôm 21/10/2024 một dự thảo nghị quyết về việc Azerbaijan vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế, cũng như mối quan hệ với Armenia.


Tình hình căng thẳng này đã khiến các nhà lãnh đạo Pháp, bao gồm cả tổng thống Emmanuel Macron và bộ trưởng Chuyển Đổi Sinh Thái Agnès Pannier-Runacher, từ chối đến Baku tham dự COP29.


Liên Hiệp Quốc không phải là biểu tượng của nền dân chủ
Cần phải rất thận trọng khi nhìn vào cuộc đối đầu này giữa Pháp và Azerbaijan, diễn ra ở nhiều cấp độ (truyền thông, pháp lý, ngoại giao). Điều đáng chú ý là gần như tất cả các bài viết đề cập đến bạo loạn ở Nouvelle-Calédonie luôn nhắc lại thông điệp của Ủy ban Phi thực dân hóa lên án lập trường của Pháp. Dường như có thể thấy cơ quan này được Liên Hiệp Quốc "trao cho tính hợp pháp không thể chối cãi".


Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga trong Ủy ban (với cuộc xâm lược quân sự ở Ukraina) hay của Trung Quốc (tham vọng đối với Đài Loan), hoặc Syria và Ethiopia, hai quốc gia gần đây bị cáo buộc thực hiện các cuộc tàn sát quy mô lớn đối với chính dân tộc mình, khiến mọi người phải đặt câu hỏi về lợi ích của mỗi bên.


Tuy nhiên, về bản chất, mặc dù Liên Hiệp Quốc không phải là một câu lạc bộ chỉ gồm các quốc gia dân chủ, nhưng sẽ là một vấn nạn không nhỏ nếu các quốc gia có chế độ độc tài, do áp dụng hệ thống luân phiên, thường xuyên chủ trì hoặc tham gia vào các Ủy ban chịu trách nhiệm giám sát việc tôn trọng nhân quyền. Tháng 3 vừa qua, Ả Rập Xê Út đã chủ trì Diễn đàn về nữ quyền và bình đẳng giới, còn Iran chủ trì Diễn đàn xã hội của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái.


Các hội nghị thượng đỉnh và những bất đồng
Những sự kiện gần đây cho thấy nhiều chế độ độc tài không chỉ đơn thuần hội nhập hoàn toàn vào Liên Hiệp Quốc, mà đáng lo ngại hơn, đã chú ý đến các chủ đề mà trước đây, chỉ có các nền dân chủ phương Tây quan tâm, và giờ đây đã thành công trong việc áp đặt quan điểm của mình tại nhiều hội nghị quốc tế. Mặc dù bản chất của ngoại giao là đưa tất cả các bên xích lại gần nhau để đạt được kết quả thỏa đáng, tuy nhiên, những sự kiện nêu trên cho thấy hai nhận xét.


Nhận xét đầu tiên là các nền dân chủ phương Tây có dấu hiệu rút khỏi các đấu trường này, do thiếu nguồn lực tài chính, thiếu nhân lực hay định hướng sang các hồ sơ khác.


Nhận xét thứ hai là các chế độ độc tài có một nỗ lực rõ ràng và có kế hoạch nhằm "chiếm lĩnh" những chủ đề này (chẳng hạn như cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân đã trở thành công cụ mạnh mẽ để lên án những hành động của các quốc gia phương Tây).


Trước hai nhận xét này, giải pháp là gì ? Vào năm 2008, nhà nghiên cứu Jan Aart Scholte đã đề xuất cần phải tính đến một mô hình chính phủ với nhiều trung tâm quyền lực, tức là "tản quyền" về mặt xã hội và địa lý, điều này có thể quan sát được vào thời điểm hiện tại. Nhưng dường như động lực hậu Đệ Nhị Thế Chiến đã bị đảo chiều : hàng loạt các hội nghị thượng đỉnh, diễn đàn, nhóm và tiểu nhóm tổ chức các cuộc thảo luận và thao túng một số vấn đề mà mức độ nhạy cảm và phản ứng của công luận đã được tính tới kỹ càng. Và điều này được thực hiện dưới sự chủ trì của các cấu trúc chính trị lớn như Liên Hiệp Quốc. Những biến chuyển này được minh họa thông qua nhiều khái niệm ngoại giao (ngoại giao bóng bàn, ngoại giao gấu trúc, ngoại giao đười ươi hay ngoại giao trứng cá). Các hình thức chính phủ khác nhau (đa phương, đa diện) cũng mong muốn "nắm bắt" sự đa dạng của các tác nhân và hành động của họ, điều này khiến việc đánh giá đầy đủ các thách thức trước mắt trở nên khó khăn.


Vẫn có thể tin rằng các thành viên của Liên Hiệp Quốc sẽ bảo vệ các giá trị nhân văn mà tổ chức này đề xướng, nhưng đồng thời, cũng có thể nghi ngờ và đặt câu hỏi phải chăng một trong những nghĩa gốc của từ "ngoại giao" đã thắng thế : ngoại giao là "trò chơi" lá mặt lá trái và sự thao túng của các tác nhân thay đổi lập luận và ý tưởng để bảo vệ các lợi ích của mình.


Nguồn : The Conversation – 18/11/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét