Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 21/11/2024 - Loan My


Ông Biden lần đầu duyệt gửi mìn chống bộ binh tới Ukraine Theo truyền thông Mỹ, chính quyền tổng thống Joe Biden đã phê duyệt gửi mìn chống bộ binh tới Ukraine, vài ngày sau tin Mỹ cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa đánh vào đất Nga. Hôm 19/11 vừa qua, truyền thông Mỹ dẫn lời hai quan chức Mỹ rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chấp thuận gửi mìn chống bộ binh đến Ukraine, đánh dấu một sự thay đổi chính sách lớn khác của chính quyền Washington. Theo các quan chức này, chính quyền ông Biden rất quan ngại về các cuộc tấn công của Nga vào tiền tuyến của Ukraine trong những tuần gần đây và thấy cần phải ngăn chặn đà tiến này. 
<!>
Trong khi đó, Lầu Năm Góc tin rằng việc viện trợ mìn sẽ giúp làm chậm cuộc tấn công của Nga.

Một quan chức trên cho biết loại mìn chống bộ binh mà Mỹ sẽ gửi cho Ukraine là loại “không tồn tại lâu”, nghĩa là mìn tự hủy hoặc mất điện tích pin khiến chúng không hoạt động, làm giảm nguy cơ cho dân thường. Các loại mìn này được thiết kế để trở nên vô hại sau một khoảng thời gian nhất định, dao động từ bốn giờ đến hai tuần.

Mỹ kỳ vọng Ukraine sử dụng các loại mìn này để củng cố các tuyến phòng thủ ở tiền tuyến Ukraine chứ không phải dùng để tấn công ở đất Nga. Mỹ cũng đã tìm kiếm sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ cố gắng hạn chế rủi ro đối với dân thường từ các loại mìn này.

Được biết, kể từ những ngày đầu của cuộc chiến ở Ukraine, Washington đã cung cấp cho Kiev mìn chống tăng để đối phó Nga. Tuy nhiên cho đến nay, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa cung cấp cho Ukraine mìn chống bộ binhvì lo ngại về mối nguy hiểm lâu dài mà chúng có thể gây ra. Do đó, nếu thông tin trên là thật thì đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ viện trợ Ukraine loại mìn này.

Hiện Nhà Trắng, Ukraine, Nga chưa phản hồi về thông tin nêu trên.

Các nhóm nhân quyền phương Tây chỉ trích ông Biden về mìn sát thương ở Ukraine


Các tổ chức nhân quyền phương Tây đã lên án Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vì cung cấp mìn sát thương cho Ukraine, cáo buộc nhà lãnh đạo Mỹ sắp mãn nhiệm đã phá vỡ lời hứa năm 2022 về việc hạn chế sử dụng loại vũ khí này.

Động thái này đã gây ra sự phẫn nộ của những người vận động hành lang, vốn cảnh báo về tác động tàn khốc và lâu dài của loại vũ khí này.

“Mìn sát thương là loại vũ khí bừa bãi, sát hại và làm bị thương thường dân, đặc biệt là trẻ em, trong nhiều thế hệ sau khi chiến tranh kết thúc“, ông Hichem Khadhraoui, giám đốc điều hành của Trung tâm Dân thường trong Xung đột (CIVIC), được tờ Politico trích dẫn lời nói. “Những loại vũ khí này không thể phân biệt được giữa thường dân và chiến binh, mà luật nhân đạo quốc tế quy định“.

“Thật tàn khốc và thành thật mà nói là gây sốc khi Tổng thống Biden đưa ra quyết định nguy hiểm và có hậu quả nghiêm trọng như vậy ngay trước khi di sản phục vụ công chúng của ông được ghi vào sách lịch sử“, ông Ben Linden, một quan chức cấp cao tại Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ, nhận xét.

Quyết định đảo ngược của ông Biden diễn ra trong bối cảnh NATO ngày càng lo ngại về những lợi thế trên chiến trường của Moskva ở Donbass, Khu vực Kursk và một số khu vực của Ukraine.

Các loại mìn này, vốn nhằm mục đích làm chậm bước tiến của Nga, đã được các quan chức Hoa Kỳ mô tả là “không bền“. Không giống như các loại mìn thông thường, chúng sẽ ngừng hoạt động sau khi hết pin.

“Chúng được nối bằng điện và cần pin để kích nổ. Khi hết pin, chúng sẽ không phát nổ“, một quan chức Hoa Kỳ giấu tên tuyên bố, để bảo vệ quyết định của Nhà Trắng.

Bất chấp lời trấn an này, những người chỉ trích đã lập luận rằng các biện pháp bảo vệ như vậy không loại bỏ được những rủi ro cố hữu. Theo ước tính của chính Kiev, gần 130.000 km2 đất nước Ukraine trước năm 2014 – một khu vực rộng hơn nước Anh – đã cần phải được rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ.

Ông Biden đã chuyển bom chùm đến Kiev vào năm 2023, một động thái cũng đã bị chỉ trích rộng rãi do khả năng gây hại của loại vũ khí này đối với dân thường.

Việc phê duyệt sử dụng mìn trên bộ lần này, đánh dấu sự tương phản hoàn toàn với chính sách năm 2022 của ông Biden, trong đó hạn chế việc Hoa Kỳ sử dụng hoặc chuyển giao mìn chống bộ binh, ngoại trừ trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà Trắng được cho là đã yêu cầu Ukraine hạn chế sử dụng mìn trong lãnh thổ nước này và tránh các khu vực dân sự. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền vẫn còn hoài nghi về những đảm bảo như vậy.

Trong khi hơn 160 quốc gia đã ký Hiệp ước Ottawa năm 1997 cấm sản xuất và chuyển giao mìn chống bộ binh, thì Hoa Kỳ và Nga đã không tham gia. Ukraine là bên ký kết hiệp ước năm 1997, điều đó có nghĩa là việc chấp nhận nguồn cung cấp của ông Biden là vi phạm các nghĩa vụ của nước này theo hiệp ước. Các nhà hoạt động cảnh báo rằng quyết định của ông Biden có nguy cơ bình thường hóa hơn nữa việc sử dụng mìn ở một trong những khu vực xung đột có nhiều mìn nhất thế giới.

Đứt cáp quang tại biển Baltic, Âu Mỹ đặt mối nghi ngờ vào Nga


Hôm Thứ Ba (19/11) các nước Baltic bắt đầu điều tra về vụ cáp quang biển bị đột ngột ngừng hoạt động hôm Chủ Nhật, và cho rằng đó là do hoạt động cố ý phá hoại, và đặt nghi ngờ rằng đó là do Nga. Hiện nay chưa có bằng chứng nào được đưa ra để xác thực cáo buộc đó. Phía Nga cũng không thừa nhận việc phá hoại công trình dân sự. Câu chuyện xảy ra khi chiến tranh Ukraine tiến vào giao đoạn nhạy cảm, khi Tổng thống Đắc cử Donald Trump của Đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ sớm kết thúc chiến tranh Ukraine. Còn các phe chủ chiến của phương Tây dường như đang đẩy mâu thuẫn của xung đột này lên cao khi trực tiếp vượt lằn ranh đỏ mà Nga nêu ra.

Nhiều nước châu Âu không trực tiếp cáo buộc thủ phạm là Nga, trong khi các nước như Đức và Ba Lan cho rằng đây có thể là một hành động phá hoại từ Nga.

Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho biết sau cuộc họp của một số ngoại trưởng châu Âu tại Warsaw: “Nếu Nga không ngừng thực hiện các hành vi phá hoại ở châu Âu, Warsaw sẽ đóng cửa các lãnh sự quán còn lại của Nga ở Ba Lan”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng mặc dù không có bằng chứng chắc chắn nhưng Đức phải giả định rằng đó là do phá hoại [từ Nga].

Phát biểu tại một cuộc họp thường kỳ của các bộ trưởng quốc phòng EU, ông nói: “Không ai tin rằng những dây cáp này vô tình bị cắt. Tôi cũng không muốn tin là những thiệt hại vô tình từ neo tàu”.

Một phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Lithuania cho biết hải quân Lithuania đã tăng cường tuần tra. Văn phòng Tổng chưởng lý nước này cho biết họ đang thu thập thông tin để xác định xem có nên mở một cuộc điều tra chính thức hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Reuben Breckelmans nói rõ rằng ông không có chứng cứ để quy trách nhiệm, nhưng nói: “Chúng tôi thấy có hoạt động ngày càng thường xuyên trong vùng biển của chúng tôi đặc biệt là Nga, nhằm mục đích gián điệp và thậm chí có thể phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi”.

Trong một tuyên bố chung hôm thứ Ba, ngoại trưởng của 5 nước gồm Pháp, Đức, Ý, Ba Lan và Anh cho biết: “Hoạt động hỗn hợp ngày càng leo thang của Moscow đối với các nước NATO và EU là chưa từng có về loại hình và quy mô, gây ra rủi ro an ninh đáng kể”.

Tuyên bố mạnh mẽ này được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu điều tra cáp biển Baltic hoàn toàn bị cắt đứt. Nhưng một nguồn tin cho biết tuyên bố này không phải là phản ứng trực tiếp đối với việc cắt cáp.

Chủ sở hữu cáp: Bị hư hỏng hoàn toàn

Các công ty sở hữu hai dây cáp quang bị cắt, một nối Phần Lan và Đức và một nối Thụy Điển và Lithuania, cho biết họ không biết nguyên nhân của sự cố.

Công ty viễn thông và an ninh mạng Cinia thuộc sở hữu nhà nước Phần Lan đã lên tiếng rằng tuyến cáp dài 1200 km nối Helsinki với cảng Rostock của Đức hôm thứ Hai (18/11) đã ngừng hoạt động vào khoảng 2:00 sáng theo giờ GMT.

Trước khi bắt đầu sửa chữa, công ty cũng cho biết họ không thể xác định nguyên nhân, sửa chữa thường mất từ 5 – 15 ngày.

Công ty viễn thông Telia Lietuva của Lithuania (một phần của tập đoàn Telia của Thụy Điển) cho biết, đường kết nối Internet dài 218 km giữa Lithuania và đảo Gotland của Thụy Điển đã bị hỏng hôm Chủ nhật vào khoảng 8:00 sáng theo giờ GMT.

Người phát ngôn của công ty chủ sở hữu và nhà điều hành cáp là Arelion cho biết: “Đây không phải thiệt hại một phần, mà là thiệt hại hoàn toàn”.

Biển Baltic ở Bắc Âu là tuyến vận chuyển thương mại sôi động, những nước bao quanh có 9 nước bao gồm cả Nga.

Năm ngoái, một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dưới biển và một số dây cáp viễn thông đã bị hư hại nghiêm trọng ở đáy biển Baltic, gây ra cảnh báo trong khu vực. Các nhà điều tra ở Phần Lan và Estonia cho biết, lý do bị hư hại có thể do kéo neo của một tàu container Trung Quốc, nhưng không rõ thiệt hại là do tai nạn hay cố ý.

Năm 2022 đường ống dẫn khí đốt “Nord Stream” nối Nga với Đức đã bị phá hủy bởi một vụ nổ ở biển Baltic, hiện vụ việc vẫn đang được chính quyền Đức điều tra.

Chủ tịch Hạ viện Johnson ủng hộ lệnh cấm dân biểu chuyển giới dùng nhà vệ sinh nữ

Gần đây Quốc hội Mỹ đang có những tranh cãi về vấn đề liên quan đến Dân biểu chuyển giới đầu tiên sắp nhậm chức: Sarah McBride. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và Dân biểu Cộng hòa Nancy Mace lần lượt bày tỏ quan điểm.


Dân biểu chuyển giới đầu tiên của Mỹ Sarah McBride sẽ nhậm chức vào tháng Một tới.
Chiều thứ Ba (19/11), Chủ tịch Hạ viện Johnson đã tổ chức họp báo để làm rõ về việc trước đó tránh các câu hỏi của phóng viên. Ông Johnson nói: “Về sinh lý có phân biệt rõ nam và nữ, điều này sẽ không bao giờ thay đổi”.

Ông Johnson cũng nhấn mạnh lập trường này không chỉ phù hợp với giáo lý Kinh thánh mà còn không ảnh hưởng đến việc tôn trọng tất cả mọi người.

Vụ việc bắt nguồn từ một cuộc họp báo thường kỳ của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện trước đó, khi một phóng viên hỏi Johnson về việc xác định giới tính của Sarah McBride – một thành viên chuyển giới của Đảng Dân chủ tại bang Delaware, vào thời điểm đó ông Johnson nói sẽ chào đón tất cả các đại diện được bầu hợp pháp với thái độ cởi mở, nhấn mạnh tất cả mọi người phải được đối xử với sự tôn trọng.

Đề xuất cấm phụ nữ chuyển giới dùng các cơ sở chỉ dành cho phụ nữ trong tòa nhà Quốc hội
Trước đó, Dân biểu Cộng hòa Nancy Mace của bang South Carolina đã đề xuất một dự luật cấm các thành viên và nhân viên Hạ viện sử dụng những cơ sở phân biệt theo giới tính (như phòng vệ sinh hoặc phòng tắm…) theo cách trái với giới tính khi họ được sinh ra.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Dân biểu Mace nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này: “Bắt đầu từ thủ đô của đất nước, chúng ta phải bảo vệ quyền của phụ nữ và chống lại những nỗ lực của cánh tả nhằm xóa bỏ các đặc điểm sinh học của phụ nữ”.

Là một nạn nhân bị tấn công tình dục và là người sống sót sau vụ hiếp dâm, cô Mace nhấn mạnh sự cần thiết của đề xuất này: “Bản thân tôi mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý và biết rõ vấn đề nhạy cảm của phụ nữ trong không gian riêng tư. Tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ người có bẩm sinh nam giới vào nơi chỉ dành cho phụ nữ”.

Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh dân biểu chuyển giới đầu tiên là Sarah McBride sẽ nhậm chức tại Quốc hội vào tháng 1/2025.

Cô Mace thừa nhận đề xuất nhắm vào việc McBride sắp nhậm chức.

Bên ngoài tòa nhà Quốc hội, cô Mace tiết lộ rằng ông Johnson đã cam kết đưa đề xuất của cô vào gói quy tắc của Hạ viện. Cô cho biết nếu đề xuất không được thông qua, cô sẽ có bản sửa đổi hoặc sử dụng quy trình đặc quyền để buộc bỏ phiếu. Mặc dù để bảo vệ lập trường này khiến cô đã chịu những lời đe dọa, nhưng cô cho biết những lời đe dọa sẽ không làm lung lay quyết tâm đến cùng chống lại những quan điểm như vậy của phe cực tả.

McBride trả lời trên nền tảng mạng xã hội X rằng đề xuất này chỉ là một chiến lược của những người cực hữu để chuyển hướng sự chú ý của công chúng, nhằm che giấu sự thật rằng họ không thể giải quyết các vấn đề thực tế của người dân Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét