Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 18/11/2024 - Loan My


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình : Đài Loan và Biển Đông là hai trong số những  Cuộc họp song phương bên lề thượng đỉnh APEC tại Lima, Peru, hôm qua 16/11/2024 dường như là cuộc gặp riêng cuối cùng của Joe Biden trên cương vị tổng thống Mỹ với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc họp, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu lên 4 lằn ranh đỏ mà Mỹ không nên vượt qua. Trong khi đó, nguyên thủ Mỹ Joe Biden lưu ý sự cạnh tranh giữa Washington và Trung Quốc không nên chệch hướng và biến thành một cuộc xung đột.
<!>
Hai tháng trước khi Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2, hôm qua 16/11 tại Lima bên lề thượng đỉnh APEC, chủ tịch Trung Quốc đã lưu ý với tổng thống mãn nhiệm Joe Biden là Washington không nên vượt qua 4 lằn ranh đỏ, bao gồm : vấn đề Đài Loan, dân chủ và nhân quyền cũng như hệ thống chính trị, kinh tế của Trung Quốc và các lợi ích phát triển của Trung Quốc. Kênh CCTV của Trung Quốc, được AFP trích dẫn, nhấn mạnh phát biểu của ông Tập, theo đó 4 điểm nói trên là những mắt lưới bảo vệ an toàn quan trọng nhất cho quan hệ Mỹ - Trung.

Về Biển Đông, Tập Cận Bình cũng lưu ý Washington « không nên can thiệp vào các tranh chấp song phương (...) và không dung túng hay ủng hộ các hành động khiêu khích ».

Liên quan đến tổng thống tân cử Mỹ, ông Tập bảo đảm với Joe Biden là Bắc Kinh sẽ nỗ lực để có một « quá trình chuyển đổi hòa dịu » với tân chính quyền Donald Trump.

Về phía Mỹ, tổng thống Biden cho rằng điểm thiết yếu là đôi bên cần duy trì các đối thoại để « tránh các sai lầm trong tính toán và bảo đảm là cạnh tranh song phương không biến thành xung đột ».

Hình ảnh mang tính biểu tượng về tương quan Mỹ - Trung
Thượng đỉnh APEC tại Lima, Peru đã khép lại vào hôm qua 16/11 với bức ảnh mang tính biểu tượng về tương quan Mỹ - Trung trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước thềm nhiệm kỳ tổng thống mới của Donald Trump.

Từ Lima, thông tín viên Martin Chabal cho biết thêm :

« Trung Quốc và Mỹ đang tranh giành ảnh hưởng trong vùng. Đây là khu vực địa lý được xem là chiếm tới 60% GDP toàn cầu, và không thể phủ nhận rằng khu vực này có vai trò chiến lược đối với cả hai nước.

Nước nào cũng muốn giữ được các đối tác của mình và hội nghị thượng đỉnh APEC lần này là cơ hội để tìm kiếm những thỏa thuận song phương mới, nhất là vì khu vực này đang có nguy cơ bước sang một giai đoạn mới đầy biến động mới do Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump nổi tiếng về chính sách biệt lập và rất hung hăng chống Bắc Kinh. Và do tương lai của Hoa Kỳ trên trường quốc tế dường như khó đoán định, nên Trung Quốc dường như đã chiếm thế thượng phong trong trò chơi quan hệ ngoại giao.

Chỉ riêng bức ảnh bế mạc sự kiện đã cho chúng ta thấy rất rõ điều này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng ở hàng đầu, bên cạnh tổng thống nước chủ nhà Peru, trong khi Joe Biden đứng tít ở hàng sau cùng và phía ngoài cùng. Hình ảnh này thực sự mang tính biểu tượng.

Đặc biệt trong tuần qua, điểm nổi bật của thượng đỉnh APEC là lễ khánh thành cảng biển của Trung Quốc tại Chancay, Peru : cửa ngõ mới cho các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất thâm nhập vào Nam Mỹ ».

Chủ tịch Trung Quốc thăm Brazil để tăng cường hợp tác song phương

 
Hôm nay, 17/11/2024, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Brasilia và sau đó ông sẽ có mặt tại thành phố Rio de Janeiro để tham dự thượng đỉnh G20. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và là đồng minh chủ chốt của các nước châu Mỹ Latinh để đối phó với ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Clea Broadhurst cho biết cụ thể :

“Tuần này, chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Brazil để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tăng cường hợp tác song phương. Trong chuyến thăm Bắc Kinh trước đó của tổng thống Brazil Lula vào tháng 04/2023, hai bên đã ký kết hơn 20 thỏa thuận.

Các cuộc thảo luận dự kiến sẽ đề cập đến các lĩnh vực quan trọng như nông sản, thực phẩm, hàng không và cơ sở hạ tầng. Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Brazil kể từ năm 2009, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 181 tỷ đô la vào năm 2023. Chuyến thăm này có thể giúp hai bên ký kết các thỏa thuận quan trọng, như hợp đồng Brazil bán máy bay và Trung Quốc mở cửa thị trường cho một số sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn như nho. Brazil cũng có thể sẽ tham gia Con đường tơ lụa mới, một sáng kiến của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng và hội nhập kinh tế...

Chuyến đi của ông Tập diễn ra trong bối cảnh tình hình địa chính trị căng thẳng, do ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ và mối quan hệ phức tạp giữa Bắc Kinh và Washington. Với tư cách là nước chủ nhà G20, Brazil đóng vai trò chiến lược, với mong muốn bảo vệ lợi ích của các nước nam bán cầu (tức các nước đang phát triển) bằng cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc, một đồng minh chủ chốt của Mỹ Latinh, để làm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.”

Quân đội Nhật Bản sẽ huấn luyện với quân đội Úc và Mỹ ở cảng Darwin
 

Mỹ, Úc và Nhật Bản thắt chặt hợp tác quân sự để đối phó với « mọi hành động đơn phương gây bất ổn và cưỡng ép » ở trong vùng. Ngày 17/11/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles cho biết quân đội Nhật Bản sẽ được triển khai thường xuyên ở miền bắc Úc trong khuôn khổ hợp tác quân sự ba bên.

Trong buổi họp báo trực tuyến sau đối thoại ba bên lần thứ 14, bộ trưởng Quốc Phòng Richard Marles cho biết « Lữ đoàn triển khai nhanh đổ bộ của Nhật Bản sẽ đến Úc », cụ thể là cảng Darwin. Theo ông, « được huấn luyện với Nhật Bản và Hoa Kỳ nhiều hơn là một cơ hội thực sự tuyệt vời cho quốc phòng của Úc ».

Cảng Darwin, thủ phủ miền bắc nước Úc, đã đón khoảng 2.000 thủy quân lục chiến Mỹ 6 tháng mỗi năm. Theo Reuters, việc quân đội Nhật Bản triển khai ở cảng Darwin cũng có ý nghĩa đặc biệt vì Darwin là căn cứ chính của lực lượng đồng minh trong Thế Chiến II và đã bị quân Nhật ném bom dữ dội.

Về phía bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông Lloyd Austin tin rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Úc các năng lực được nêu trong thỏa thuận AUKUS, trong đó có tàu ngầm hạt nhân. Ông cũng trấn an các đồng minh rằng bộ Quốc Phòng Mỹ đang tập trung « vào quá trình chuyển tiếp suôn sẻ và hiệu quả » cho chính quyền của tổng thống tân cử Donald Trump.

Cả ba nước lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tháng 09, quân đội Trung Quốc đã phóng một tên lửa liên lục địa ở Thái Bình Dương, khiến nhiều nước trong vùng quan ngại. Tại cuộc họp ba bên gần đây nhất ở Singapore vào tháng 6, Nhật Bản, Úc và Mỹ đều bày tỏ quan ngại về an ninh ở biển Hoa Đông và phản đối « mọi hành động đơn phương gây bất ổn và cưỡng ép », ý muốn nói đến Trung Quốc.

Ấn Độ lần đầu tiên thử thành công tên lửa siêu thanh

 

Ấn Độ, một cường quốc có vũ khí hạt nhân, hôm nay 17/11/2024 thông báo đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh đầu tiên.

Theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Rajnath Singh ra thông cáo nhấn mạnh : « Ấn Độ đã vượt qua một chặng quan trọng khi thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh tầm xa ».

Tên lửa siêu thanh của Ấn Độ đã được phóng đi từ đảo Abdul Kalam ở bờ biển phía đông hôm qua 16/11. Bộ trưởng Quốc Phòng hoan nghênh : « Đây là một thời khắc lịch sử và thành tựu quan trọng này đã đưa đất nước chúng ta vào nhóm một số ít quốc gia sở hữu công nghệ quân sự quan trọng và tân tiến ».

Hiện nay, Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đều đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh, một số nước khác cũng đang phát triển công nghệ này. Tên lửa siêu thanh bay thấp hơn và khó phát hiện hơn tên lửa đạn đạo. Tên lửa siêu thanh có thể tiếp cận mục tiêu nhanh hơn và cũng có thể thay đổi mục tiêu tấn công khi đang bay.

Trong thời gian qua, New Delhi đã tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước phương Tây nhất là lập liên minh bộ Tứ QUAD với Mỹ, Nhật Bản và Úc.

New Delhi công bố thông tin sở hữu loại vũ khí công nghệ cao có tốc độ cực nhanh, vài ngày sau khi Trung Quốc, nước láng giềng và cũng là đối thủ của Ấn Độ, phô trương những bước tiến mới trong lĩnh vực không quân, chẳng hạn máy bay chiến đấu tàng hình J-35A và drone tấn công.

An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina


Ngày 16/11/2024, ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya đến Kiev và khẳng định « sát cánh » với Ukraina. Ông lên án việc lính Bắc Triều Tiên tham chiến với Nga vì « điều này không chỉ làm trầm trọng tình hình ở Ukraina mà cũng sẽ có tác động vô cùng lớn đến an ninh ở Đông Á ». Hợp tác quân sự Matxcơva-Bình Nhưỡng khiến Tokyo và Seoul quan ngại. Trong khi đó, Trung Quốc cũng được đề nghị đóng vai trò « xây dựng » hơn trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Theo AFP, khi tiếp đồng nhiệm Nhật Bản ở Kiev, ngoại trưởng Ukraina Andriy Sybiga đánh giá việc lực lượng Bắc Triều Tiên tham chiến với Nga là « bằng chứng cho thấy tương lai kiến trúc an ninh, không chỉ nằm ở tầm châu Âu mà ở quy mô toàn tầu, đang diễn ra ở Ukraina ». Chính quyền Kiev ước tính khoảng 11.000 lính Bắc Triều Tiên đã được triển khai ở Nga và đã giao tranh với quân Ukraina ở nhiều khu vực hiện do Ukraina kiểm soát ở vùng biên giới Kursk.

Cùng ngày 16/11, tại Lima, Peru, trong cuộc họp song phương bên lề thượng đỉnh APEC, tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ « vô cùng quan ngại » về thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng, trong đó có việc lính Bắc Triều Tiên được triển khai ở Nga. Điều này khiến « tình hình trong vùng trở nên nghiêm trọng hơn ». Do đó, theo văn phòng tổng thống Hàn Quốc, được Yonhap trích dẫn, cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh « phải tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc » và « sự phối hợp chặt chẽ song phương giờ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết ».

Vấn đề Bắc Triều Tiên cũng được tổng thống Hàn Quốc đề cập với chủ tịch Trung Quốc trong cuộc gặp ngày 15/11 bên lề APEC. Ông Yoon Suk Yeol đề nghị ông Tập Cận Bình đóng vai trò « xây dựng » trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Ông cũng « hy vọng hai nước (Hàn Quốc, Trung Quốc) sẽ hợp tác để thúc đẩy ổn định và hòa bình trong khu vực nhằm đáp lại những hành động khiêu khích liên tục của Bắc Triều Tiên, cuộc chiến ở Ukraina và hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Triều Tiên ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét