Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 16/11/2024 - Nam Giang


Ông Donald Trump gặp nguyên thủ nước ngoài đầu tiên kể từ sau khi đắc cử Hôm 15/11 vừa qua, tổng thống đắc cử Donald Trump đã có cuộc gặp với tổng thống Argentina Javier Milei tại câu lạc bộ Mar-a-Lago của mình. Đây là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ vừa qua. Một nguồn tin đã xác nhận cuộc gặp trên, nhưng người này yêu cầu không tiết lộ danh tính. Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về một sự kiện chưa được công bố công khai. Tuy nhiên, người này cho biết cuộc họp diễn ra tốt đẹp. Tổng thống Argentina Milei – người thường xuyên nhận được những lời khen ngợi của ông Trump, đã phát biểu tại buổi tiệc của Viện Chính sách nước Mỹ trên hết tại câu lạc bộ Mar-a-Lago
<!>
Ông Milei đã phát biểu ngắn gọn bằng tiếng Anh, sau đó có bài phát biểu dài hơn bằng tiếng Tây Ban Nha.

Ông Milei đã lên tiếng chỉ trích tầng lớp cầm quyền chính trị mà ông cho là chịu trách nhiệm cho hệ thống áp dụng thuế bất công để buộc phân phối lại của cải bằng súng đạn.

Tổng thống Argentina cũng chúc mừng ông Trump về “chiến thắng vang dội” trong cuộc bầu cử vừa qua. Ông cho biết: “Hôm nay, làn gió tự do thổi mạnh hơn nhiều” và gọi chiến thắng này là “bằng chứng rõ ràng cho thấy các thế lực siêu nhiên đang đứng về phía chúng ta”.

Phát biểu trước đám đông tham gia buổi tiệc, ông Trump đã chúc mừng ông Milei “vì công việc ông đã làm cho Argentina” và nói rằng thật “vinh dự” khi được Tổng thống Argentina đến câu lạc bộ của mình. Ông nói thêm: “Công việc mà ông đã làm thật đáng kinh ngạc. Làm cho Argentina vĩ đại trở lại”.

Ngay sau khi ông Milei đắc cử tổng thống Argentina vào tháng 11/2023, ông Trump đã đăng trên mạng xã hội: “Ông sẽ xoay chuyển đất nước của mình và thực sự làm cho Argentina vĩ đại trở lại!”.

Tổng thống Argentina Milei lần đầu gặp ông Trump vào tháng 2 tại Hội nghị Hành động chính trị thiên hữu (CPAC) ở Washington. Ông này đã công khai tuyên bố sự ngưỡng mộ của mình đối với tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tỷ phú Elon Musk bí mật gặp phái viên của Iran?


Theo hai quan chức Iran giấu tên, đồng minh thân cận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, tỷ phú công nghệ Elon Musk, đã gặp đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Amir Saeid Iravani vào đầu tuần này.

Được biết, cuộc gặp giữa tỷ phú Musk với ông Iravani đã diễn ra tại New York vào ngày 11/11, với mục đích nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Washington và Tehran.

Các nguồn tin Iran cho hay rằng cuộc trò chuyện là “tích cực” và “có nhiều tin tốt”.

Doanh nhân công nghệ Musk, chủ sở hữu SpaceX, Tesla và nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter), người vừa được tổng thống đắc cử chọn làm lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ mà ông dự định sẽ thành lập khi quay lại Nhà Trắng, chưa bình luận về vấn đề này.

Người phát ngôn của ông Trump, Steven Cheung, nói rằng tổng thống đắc cử sẽ không bình luận về “các báo cáo về các cuộc gặp cá nhân đã hoặc không diễn ra”.

Doanh nhân gốc Nam Phi này ngày càng được coi là một trong những người quan trọng nhất trong vòng tròn thân cận của ông Trump.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại nhiệm, ông Trump đã xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, và tung ra chiến dịch “gây sức ép tối đa” về các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Cộng hòa Hồi giáo nhằm ngăn chặn các quốc gia khác mua dầu từ Iran.

Vào tháng 1/2020, ông Trump đã ra lệnh tấn công bằng máy bay không người lái ở Iraq giết chết chỉ huy hàng đầu của Iran, Qassem Soleimani, người bị Mỹ cáo buộc đã dàn dựng các cuộc tấn công vào nhân viên Mỹ ở Trung Đông. Tehran đã phủ nhận các cáo buộc, và chỉ trích vụ ám sát là một hành động khủng bố.

Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử lần này, ông Trump đã thể hiện thái độ cởi mở hơn. Cả Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei và tân Tổng thống Iran, Masoud Pezeshkian, gần đây đều nói rằng, Tehran sẽ sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ chứng minh “trên thực tế” rằng họ không thù địch với Iran.

Bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai có thể sẽ trở nên phức tạp do cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza và sự ủng hộ về mặt quân sự và ngoại giao của Washington đối với Israel.

Ông Trump đã ban hành nhiều chính sách ủng hộ Israel trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, và tạo điều kiện cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả Rập

Ông Trump sẽ dỡ bỏ hạn chế quân sự với Israel vào ngày nhậm chức


Theo tờ Channel 12 của Israel, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Hezbollah và Israel, Tổng thống đắc cử Donald Trump của Hoa Kỳ đã hứa sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế và chậm trễ trong việc cung cấp thiết bị quân sự và đạn dược cho Israel ngay sau khi nhậm chức.

Cam kết từ đội ngũ của ông Trump được đưa ra khi Israel đang cân nhắc ngừng bắn với Hezbollah trong 60 ngày cho đến lúc ông Trump nhậm chức và thực hiện những thay đổi như đã hứa.

Một số quan chức Israel giấu tên đã xác nhận với Fox News về các nội dung báo cáo trên phương tiện truyền thông nước này.

Hiện tại, các hạn chế của Hoa Kỳ bao gồm lệnh cấm vận đối với một số vũ khí nhất định và hạn chế đối với nhiều thiết bị liên quan đến chiến đấu, ngay cả khi chúng không bao gồm vũ khí gây nổ. Lệnh cấm vận này đã tác động đến năng lực phòng thủ của Israel, đặc biệt là khi quân đội nước này hiện đang phải đối đầu với các mặt trận ở cả Liban và Gaza. Israel đang phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đạn dược và vật tư.

Cam kết dỡ bỏ mọi hạn chế về cung cấp vật tư quân sự, bắt đầu từ ngày đầu tiên ông Trump nhậm chức, sẽ cho phép Israel bổ sung kho dự trữ và giảm bớt những khó khăn hiện tại. Với lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày, Israel đặt mục tiêu tạm thời đình chỉ các hoạt động chiến sự cho đến khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức, khi đó sẽ cho phép tiếp tục các hoạt động quân sự toàn diện nếu cần thiết mà không có những hạn chế hiện tại.

Theo tờ Reuters, một số nguồn tin cho biết hôm thứ Năm (14/11), đại sứ Hoa Kỳ tại Liban đã đệ trình một dự thảo đề xuất ngừng bắn lên Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri để tạm dừng các cuộc giao tranh giữa nhóm vũ trang Hezbollah và Israel.

Trong lúc đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang gia tăng áp lực quân sự ở Liban cùng với các cuộc không kích ở Syria và quận Dahiya của Beirut.

Phát ngôn viên của IDF, Chuẩn Tướng Daniel Hagari đã nhận định về các cuộc đàm phán ngừng bắn rằng: “Vai trò của IDF là dọn sạch cơ sở hạ tầng khủng bố ở miền nam Liban và đảm bảo rằng Hezbollah không thể đe dọa công dân Israel từ đó. Đây là nhiệm vụ của chúng tôi và chúng tôi phải tạo điều kiện cho phép các cấp chính trị thực hiện hoạt động ngoại giao”.

Nhà phân tích chính trị đứng đầu của tờ Channel 12, ông Amit Segal, người đầu tiên đưa tin về sự việc này, đã nói với Fox News rằng: “Cam kết của chính quyền Trump trao cho Israel quyền tự do hoạt động lớn hơn – dù đó là theo đuổi lệnh ngừng bắn ở Liban hay nếu cần sẽ hành động quyết đoán hơn với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và không còn hạn chế nào”.

Ông Segal nói thêm rằng lệnh ngừng bắn với Liban ở giai đoạn này cho thấy các mục tiêu của Israel ở khu vực phía bắc đã đạt được. Ông nhấn mạnh diễn biến này không liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza.

Nhà Thờ Đức Bà Paris Lần Đầu Tiên Rung Chuông Sau 5 Năm

Ngày 8-11, chuông của Nhà thờ Đức Bà Paris đã vang lên lần đầu tiên kể từ vụ cháy năm 2019. Tiếng chuông vang lên một tháng trước khi nhà thờ chính thức mở cửa trở lại sau 5 năm trùng tu công trình lịch sử này.

Khoảng 10h30 theo giờ địa phương, tiếng chuông vang lên ở tháp chuông phía bắc của nhà thờ từng hồi một cho đến khi cả 8 chiếc chuông cùng hòa âm.

Theo thông báo, Nhà thờ Đức Bà sẽ mở cửa trở lại từ ngày 7-12 và ngày hôm sau, 8-12, sẽ diễn ra thánh lễ đầu tiên và lễ cung hiến bàn thờ mới.

Hiện những ngọn tháp theo kiến trúc Gothic thế kỷ 19 hiện đã được phục hồi với bản sao chính xác của bản gốc, các cửa sổ kính đã lấy lại màu sắc vốn có, và các bức tường đã sáng bóng trở lại. Mặc dù vậy việc mở cửa chưa phải là sự kết thúc của quá trình đại trùng tu.

Một phần của mái bằng chì vẫn cần phải hoàn thiện và các bức tượng của các tông đồ và thánh, được dỡ bỏ trước đám cháy để trùng tu, sẽ được lắp đặt lại vào nửa đầu năm 2025.

Ngọn lửa bùng phát ngày 15-4-2019 tại Nhà thờ Đức Bà đã làm sụp đổ phần tháp nhọn, mái cùng nhiều bảo vật khác của công trình kiến trúc Gothic 860 năm tuổi ở Pháp.

Sau vụ hỏa hoạn, Nhà thờ Đức Bà Paris phải mất 2 năm chỉ để ổn định cấu trúc cho những người phục chế có thể làm việc an toàn bên trong công trình.

Dự án tái thiết công trình hiện được tiến hành với đội ngũ khoảng 1.000 nghệ nhân và thợ thủ công trên khắp nước Pháp.

Tổng chi phí cho việc trùng tu dự báo là gần 700 triệu euro (hơn 750 triệu USD), được tài trợ từ 846 triệu euro tiền quyên góp từ 150 quốc gia. Số tiền còn lại đang được phân bổ để khẩn trương trùng tu phần bên ngoài của nhà thờ, ở phía đông.

Sau hơn 5 năm, cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra hỏa hoạn vẫn đang được tiến hành, với những phát hiện ban đầu cho rằng nguyên nhân là do các tai nạn như chập điện, đèn khò của thợ hàn hoặc thuốc lá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét