Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Hình thành Tạp Chí Sáng Tạo - TTH (Trẻ)

 

                Trần Thanh Hiệp     

Dẫn nhập: Có thể nói sự ra đời của tạp chí Sáng Tạo đã mở đường cho Văn Học Miền Nam – một nền văn học rực rỡ cho tới bây giờ. Tất nhiên việc hình thành cái mới luôn luôn đòi hỏi ý chí, tài năng và nỗ lực. Để hình dung lại con đường tạp chí Sáng Tạo đã đi qua, xin mời các bạn cùng đọc lại trích đoạn bài viết của Trần Thanh Hiệp nhân dịp tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền. NGUYỄN & BẠN HỮU  -  Trần Thanh Hiệp

<!>

Cùng một lứa bên trời lận đận, chúng tôi dăm ba người gốc miền Bắc miền Trung, tuổi khác nhau trên dưới ba mươi nhưng không quá cách biệt, vì tình cờ do chiến tranh, đã gặp nhau vào một thời điểm – năm 1954 – và ở một nơi không định trước của miền Nam – Saigon. Trong một bài đăng trên Tạp chí Thơ, tưởng nhớ Mai Thảo đã khuất, Thanh Tâm Tuyền viết về cuộc gặp gỡ tình cờ này, tôi trích lại một đoạn ngắn:

“Khu lều bạt Thăng Long nơi tạm trú của Sinh viên Hà Nội di cư, nằm ngay trung tâm thành phố, trên đất Khám Lớn Saigon cũ, tháo dẹp. Sinh viên chuyển vào Đại Học Xá Minh Mạng, dù công trình xây cất chưa hoàn tất. Đặc san Lửa Việt của HSVDHHN [Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội], do anh Trần Thanh Hiệp làm Chủ nhiệm, anh Nguyễn Sỹ Tế làm Chủ bút, sau số Xuân Chuyển Hướng cũng ngưng xuất bản.

Bấy giờ là năm 1955. Di cư đã đến hồi vãn cuộc. Hà Nội khuất biệt từ tháng 10 năm trước.  Saigon vẫn còn xô bồ những mới mẻ, những hứa hẹn trong con mắt người di cư.

Chúng tôi – các anh Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ và tôi – gặp nhau, cùng làm việc, quen dần nhau qua mấy số Lửa Việt – nơi đã in vở kịch Trắng Chiều của anh Tế viết khi còn ở Hà Nội, các truyện ngắn Chàng Nhạc Sĩ, Gìn Vàng Giữ Ngọc của anh Sỹ và một vài bài thơ của tôi – đồng ý cần có một tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì cho công việc chung.

Trong khi chờ anh Hiệp tìm kiếm nguồn tài trợ, chúng tôi nhận hợp tác với nhật báo Hòa Bình của anh Vũ Ngọc Các, làm trang Văn Nghệ hàng tuần cho tờ báo. Tôi được giao phó công việc đầu bếp lo việc sắp xếp bài vở cho trang báo vì rảnh thì giờ nhất và được nết chịu khó đọc.

Nhờ trang báo này mà tôi gặp thêm bạn (…)

Mai Thảo gửi đến chúng tôi Đêm Giã Từ Hà Nội

Tôi nhận được một bao thư dày cộm, không địa chỉ người gửi, trong đựng xấp bản thảo đánh máy. Bút hiệu Mai Thảo hoàn toàn xa lạ với tôi.

Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc :

Phượng nhìn xuống vực thẳm: Hà Nội ở dưới ấy (…).”

Thanh Tâm Tuyền gặp Mai Thảo, anh em chúng tôi cho Tạp chí Sáng Tạo ra đời. Biến cố này đã chấm dứt giai đoạn mở đường, trong đó, chúng tôi mỗi người một cách, hung hăng coi trời bằng vung, chẳng khác gì những chàng hiệp sĩ Don Quichotte, làm báo, in báo, bán báo, viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn kịch v.v. Chúng tôi sôi nổi phiêu lưu đi tìm một xứ Viễn Tây ở miền đất mới của nước non cũ. Thật ra sự ngông cuồng này cũng chỉ là những biểu hiện của sự tự do trời cho, tức là vào thời điểm những xiềng xích cũ bị chặt đứt chưa được xiềng xích mới thay thế. Con sông Bến Hải chia đôi đất nước thật đó, nhưng cùng lúc lại ngăn được làn sóng độc tài đỏ phương Bắc không tràn ngập phần còn lại của đất nước ớ phía Nam. Bộ máy cai trị ở miền Nam thì chưa lắp ráp kịp để chiếm đóng xã hội. Trong một chừng mực nào đó, lịch sử miền Nam tạm thời bỏ trống cho dân chúng. Mấy anh em chúng tôi nắm lấy thời cơ, kịp thời tiếp thu tình trạng ưu đãi lịch sử hiếm có này để hình thành một dạng thức tự do vừa cho cá nhân, vừa cho xã hội. Chúng tôi hăm hở sáng tác. Xin nghe lại tiếng kèn vào trận của Nguyễn Sỹ Tế “…chính trị không còn là một đặc quyền của một thiểu số, một quả cấm đối với đa số”. Thơ Thanh Tâm Tuyền vang lên đanh thép lời tuyên ngôn “Đau như thú dữ cháy rừng. Ta đập vỡ hình hài và thức giấc”. Doãn Quốc Sỹ căn dặn: “Gìn vàng giữ ngọc”. Trần Thanh Hiệp đặt vấn đề “…nghệ thuật không phải chỉ là sự diễn tả tâm tình, hay là sự thần phục thực tại, hay là sự tuyên truyền chính trị, hay là sự cuồng loạn hư vô (…) chỉ có thể hiểu nghệ thuật bằng y cứ vào sự vận động biện chứng của chính nghệ thuật trong vận  động của lịch sử (…) nghệ thuật là một nhận thức của đời sống (…) một tác động của con người để chinh phục thân phận của chính mình (…) sự giao tranh đưa lại sự giải phóng tự giác và giải phóng xã hội để đạt tới một  toàn thể nhân tính (…). Nghệ thuật bây giờ là sự tiêu hủy để sáng tạo. Là sự thống nhất tiêu hủy và sáng tạo”. Đoạn tuyệt với mọi công thức ước lệ cũ, dứt khoát như vậy, dù lòng chẳng vui sướng gì. Làm mới lại hình thức cho văn học nghệ thuật, một điều đương nhiên. Nhưng còn phải giải phóng luôn cả văn học nghệ thuật khỏi kìm kẹp ý thức hệ của chính trị nữa. Sáng Tạo tự nguyện đi tiên phong tiếp tục ở miền Nam hành động của Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc công khai đối đầu với chính quyền độc tài cộng sản. Và có điều kiện để tiến xa hơn nữa, bằng tác phẩm, Sáng Tạo chĩa mũi tấn công vào đồn lũy toàn trị. Thái độ lên đường để tiến công dù ngắn ngủi này – đầu thập niên 60 Sáng Tạo tự ý im tiếng – đã mang ý nghĩa một chiến thắng giữa cuộc đời mà ngòi bút trên tuyến đầu Thanh Tâm Tuyền trao tặng Quách Thọai ở bên kia thế giới. Đoạn kết luận sau đây, do Thanh Tâm Tuyền đưa ra và Mai Thảo ghi lại, của 4 cuộc thảo luận thân mật năm 1962 giữa anh em chúng tôi, có thể coi như một đoạn di chúc tinh thần chung của Sáng Tạo:

“Cùng với nhau bỏ những ám ảnh quá khứ, để nhìn vào thực trạng, khơi mở con đường tiến tới nghệ thuật hôm nay. Có thể thế hệ sau chúng ta sẽ làm lại hành động này với thế hệ chúng ta. Và chúng ta chấp nhận đó là một hành động tất yếu cho sự tiến hóa của nghệ thuật.

Nghệ thuật là một vận động biện chứng của hủy diệt và sáng tạo”.

TTH

(trích Vang Vang Trời Vào Xuân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét