Betty Dương và Margaret Abe-Koga, dẫn đầu số phiếu bầu! Bộ mặt Hội Đồng Giám Sát Santa Clara County thay đổi lớn! Bốn phụ nữ, chỉ có một nam!
*Được biết, nửa thế kỷ qua, chức vụ quan trọng này, chỉ lọt vào tay của dân bản xứ và người Mễ và việc thắng cử của LS Betty Dương, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên, lọt vào chức vụ này tại Quận Hạt Santa Clara. Cô đã đem thắng lợi vẻ vang cho chính riêng cô và cũng là đem lại sự vẻ vang cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong vùng Vịnh.
*Sau khi Tiệc Mừng Tân Giám Sát Viên Người Việt Betty Dương, do Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali rất thành công, lại thêm một sinh hoạt nữa, vào Thứ Bảy (ngày mai), nhằm gởi lời cảm tạ, đến các vận động viên, đã giúp cô thắng cử. (Quý vị muốn tham dự, xin coi mẫu quảng bá đính kèm)
– Đây là một năm bầu cử không giống với bất kỳ năm nào khác, và chiến dịch tranh cử vào Hội Đồng Giám Sát Santa Clara County cũng không phải là ngoại lệ, theo tờ San Jose Spotlight.
Lần đầu tiên, Hội Đồng Giám Sát sẽ có khối đa số là các viên chức người Mỹ gốc Á, trong đó bà Betty Dương và bà Margaret Abe-Koga lần lượt dẫn đầu tại Địa Hạt 2 và Địa Hạt 5, sẽ đồng hành cùng Giám Sát Viên Otto Lee.
(Bà Betty Dương (trái) và bà Margaret Abe-Koga, hai ứng cử viên Hội Đồng Giám Sát Santa Clara County.)
Hai bà Betty Dương và Abe-Koga sẽ là hai nữ lãnh đạo người Mỹ gốc Việt và người Mỹ gốc Nhật đầu tiên, đắc cử vào Hội Đồng Giám Sát, tạo nên khối đại đa số chưa từng có trong lịch sử, với bốn phụ nữ trong hội đồng năm giám sát viên.
Cử tri và cư dân cho biết, Hội Đồng Giám Sát chưa từng có này, sẽ đại diện cho tiếng nói cấp tiến, vào thời điểm Hoa Kỳ chuẩn bị nghênh đón một tổng thống thứ 47 bảo thủ. Gần 40% dân số Santa Clara County tự nhận là người Mỹ gốc Á, theo dữ liệu được Cơ Quan Thống Kê Dân Số công bố năm 2020; nhóm nhân khẩu học này, ngày càng là mục tiêu dễ bị tội ác thù hận nhắm tới.
Bà Abe-Koga là phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên đắc cử vào Hội Đồng Thành Phố Mountain View, tại đó bà đang phục vụ cùng năm nữ viên chức khác. Bà Abe-Koga cho biết cha bà từng nói rằng chỉ có ở Hoa Kỳ, con gái của gia đình nhập cư có vốn liếng Anh Ngữ khiêm tốn mới có thể được bầu làm thị trưởng. Bà Abe-Koga không muốn di sản đó thất truyền, bằng cách đại diện cho các cộng đồng hay chịu thiệt thòi ở Địa Hạt 5. Địa hạt này gồm có Mountain View, Cupertino, Los Gatos, Saratoga, Palo Alto và một địa phận nhỏ của San Jose.
Hội Đồng Giám Sát Santa Clara County, cũng từng có viên chức gốc Nhật, nhưng cộng đồng này luôn luôn bỏ phiếu cho nam giới, theo hồ sơ từ từ giới chức quận. Họ là các cựu giám sát viên Mike Honda, phục vụ từ 1991 tới 1996, và cựu giám sát viên George Shirakawa, phục vụ từ 2009 tới 2013.
Bà Naomi Nakano-Matsumoto, phó chủ tịch Hội Đồng Quản Lý Học Khu Tiểu Học Sunnyvale và Học Khu Trung Học Fremont Union, cho biết bà Abe-Koga là “người đỡ đầu” của cộng đồng phụ nữ Mỹ gốc Á. Bà Abe-Koga từng là cố vấn của Nakano-Matsumoto. Bà cho biết thêm, việc có giám sát viên là phụ nữ Mỹ gốc Nhật trong hội đồng quận hạt là điều rất quan trọng, vì những người có kinh nghiệm về cuộc sống trong cộng đồng sẽ đưa ra định hướng tường tận hơn.
Ông Philip Nguyễn, giám đốc điều hành tổ chức bất vụ lợi Tọa Đàm Mỹ Việt (VAR), cho biết, việc bà Betty Dương đắc cử là một chiến thắng lớn cho cộng đồng. Ông cho biết việc có một người ủng hộ cộng đồng Mỹ gốc Á, là điều vô cùng quan trọng, trước các kế hoạch định hình lại các quy định, về nhập cư của chính quyền Donald Trump những này sắp tới. Việc bà Betty Dương đắc cử vào Hội Đồng Giám Sát là một điểm sáng có ý nghĩa quan trọng, sau làn sóng căm hờn dân Á Châu trong đại dịch COVID-19.
Bà Betty Dương, chưa lập tức đưa ra bình luận, sẽ là phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên trong Hội Đồng Giám Sát và cũng là giám sát viên người Mỹ gốc Việt đầu tiên. Là con của gia đình nhập cư Việt Nam, bà sẽ là viên chức tiếp theo đại diện cho Địa Hạt 2, gồm có phía Đông San Jose và một số khu vực trung tâm thành phố có đông đảo dân Việt Nam sinh sống.
Ông Philip Nguyễn cho biết, các quyết định từ Hội Đồng Giám Sát, sẽ tạo ra những biến chuyển trực tiếp lên cộng đồng. VAR, tổ chức do ông điều hành, là nơi được quận hạt đầu tư ngân sách nhằm duy trì hoạt động.
Lần cuối cùng phụ nữ thắng thế chưa từng có, về số lượng chức vụ trong Hội Đồng Giám Sát là năm 1980, lúc họ đông hơn nam giới với tỷ lệ 3-2.
Bà Susan Ellenberg, chủ tịch Hội Đồng Giám Sát, cho biết, việc có nhiều nữ giám sát viên, sẽ tạo ra một pháo đài chống lại các nhiệm vụ do chính quyền liên bang giao xuống. Bà Ellenberg cho biết điều quan trọng là các nữ lãnh đạo trẻ, phải nhìn thấy được lợi thế này, vì họ không còn đơn độc trong vai trò lãnh đạo.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Thủ Lĩnh Hezbollah: Lệnh Ngừng Bắn Nằm Trong Tay Do Thái
(Hình AFP: Thủ lĩnh Hezbollah - Naim Qassem.)
-Trong bài phát biểu trên truyền hình phát sóng hôm thứ Tư (20/11/2024), Thủ lĩnh Hezbollah, ông Naim Qassem cho biết rằng nhóm của ông đã xem xét và đưa ra phản hồi về đề xuất ngừng bắn do Mỹ soạn thảo nhằm chấm dứt giao tranh với Do Thái, và rằng việc ngừng giao tranh hiện nằm trong tay Do Thái.
Ông Qassem đưa ra bình luận của mình trong bài phát biểu được ghi âm trước khi phát sóng vài tiếng đồng hồ, sau khi đặc phái viên Hoa Kỳ Amos Hochstein cho biết ông sẽ đến Do Thái để cố gắng đạt được thỏa thuận ngừng bắn, sau hai ngày họp với các viên chức Lebanon, bao gồm hai cuộc họp với Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri, một đồng minh của Hezbollah.
Ông Qassem cho biết nhóm của ông, được Iran hậu thuẫn, đã xem bản Dự thảo thỏa thuận của Hoa Kỳ và đưa ra phản hồi.
“Những bình luận này đã được trình lên đặc phái viên Hoa Kỳ và chúng đã được thảo luận chi tiết với ông ấy”, ông Qassem cho biết. “Những bình luận mà chúng tôi trình bày cho thấy chúng tôi chấp thuận con đường đàm phán gián tiếp này thông qua Chủ tịch Berri”.
Nhưng ông bác bỏ quan điểm cho rằng Do Thái sẽ có thể tiếp tục tấn công Hezbollah ngay cả sau khi đạt được lệnh ngừng bắn, nói rằng Do Thái không được phép vi phạm chủ quyền của Lebanon.
Ông Qassem cho biết thỏa thuận hiện phụ thuộc vào phản ứng của Do Thái và “mức độ nghiêm túc” của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, và rằng Hezbollah sẽ tiếp tục đàm phán và chiến đấu cùng lúc.
Cụ thể, ông cho biết bất kỳ cuộc tấn công nào vào trung tâm Beirut cũng sẽ bị Hezbollah bắn trả vào Tel Aviv. Hezbollah đã phóng phi đạn vào Tel Aviv hôm thứ Hai, sau khi các cuộc ném bom chết người của Do Thái tấn công vào trung tâm Beirut vào cả ngày Chủ Nhật và thứ Hai.
Cuộc chiến kéo dài một năm của Do Thái với Hezbollah ở Lebanon đã giết chết hơn 3.500 người, phần lớn trong số họ là trong hai tháng qua, và khiến phần lớn phía Nam, phía Đông và vùng ngoại ô phía Nam của Beirut bị tàn phá.
Sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Hezbollah sẽ giúp tái thiết Lebanon cùng với nhà nước Lebanon và vẫn là một nhân tố trong chính trường Lebanon, ông Qassem cho biết, với vai trò “hiệu quả” trong việc bầu ra một Tổng thống. Những chia rẽ chính trị ở Lebanon đã khiến vị trí này bị bỏ trống trong hơn hai năm.
Mỹ Phủ Quyết Nghị Quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Về Lệnh Ngừng Bắn ở Gaza
(Hình AFP: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp để thảo luận về tình hình Trung Đông vào ngày 20/11/2024, tại trụ sở ở thành phố New York, Hoa Kỳ.)
-Hôm thứ Tư (20/11/2024), Hoa Kỳ đã phủ quyết một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến của Do Thái ở Gaza, cáo buộc các thành viên hội đồng đã từ chối các nỗ lực để đạt được thỏa hiệp.
Hội đồng gồm 15 thành viên đã bỏ phiếu cho một Nghị quyết do 10 thành viên không thường trực đưa ra trong một cuộc họp kêu gọi “lệnh ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và vĩnh viễn” và yêu cầu riêng biệt về việc thả các con tin.
Chỉ có Hoa Kỳ bỏ phiếu chống, sử dụng quyền phủ quyết của mình với tư cách là thành viên thường trực của hội đồng để chặn Nghị quyết.
Một viên chức cấp cao của Mỹ, người đã thông báo cho các phóng viên với điều kiện giấu tên trước cuộc bỏ phiếu, cho biết Hoa Kỳ sẽ chỉ ủng hộ một Nghị quyết kêu gọi rõ ràng việc thả các con tin ngay lập tức như một phần của lệnh ngừng bắn.
“Như chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần trước đây, chúng tôi không thể ủng hộ lệnh ngừng bắn vô điều kiện nếu không yêu cầu thả con tin ngay lập tức”, vị viên chức này nói.
Chiến dịch kéo dài 13 tháng của Do Thái tại Gaza đã giết chết gần 44.000 người và khiến gần như toàn bộ dân số của vùng đất này phải di dời ít nhất một lần. Chiến dịch này được phát động để đáp trả cuộc tấn công của các chiến binh do Hamas cầm đầu đã giết chết 1.200 người và bắt giữ hơn 250 con tin tại Do Thái vào ngày 7/10/2023.
Tổng Thống Zelensky Báo Động: “Mỹ Ngừng Viện Trợ, Ukraine Sẽ Thua”
(Hình REUTERS - Yves Herman: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 17/10/2024.)
-Chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga đã kéo dài 1.000 ngày. Phát biểu hôm 19/11/2027, Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận nguy cơ Ukraine thất thủ nếu Hoa Kỳ ngừng viện trợ quân sự. Trong lúc mà “Vladimir Putin tập trung vào mục tiêu giành chiến thắng ở Ukraine, chính quyền Hoa Thịnh Ðốn sẽ không tự ngừng lại cuộc chiến này”.
Trả lời kênh truyền hình Mỹ Fox News Tổng thống Zelensky nói thẳng: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraine sẽ thua”. Tuyên bố được đưa ra vào lúc chính quyền Donald Trump sắp tới chủ trương “nhanh chóng chấm dứt chiến tranh Ukraine” và một số người thân cận với ông Trump hôm 19/11 đã chỉ trích Tổng thống Biden đẩy nước Mỹ đến gần một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba khi cho phép Ukraine dùng phi đạn tầm xa ATACMS tấn công vào lãnh thổ của Nga. Cùng ngày, một viên chức cao cấp ở Hoa Thịnh Ðốn thông báo sẽ cung vấp mìn chống cá nhân cho Ukraine để đẩy lùi quân Nga. Một lần nữa Nga lên án Hoa Kỳ “muốn kéo dài chiến tranh”.
Vào lúc Mỹ đang nắm giữ một phần tương lai của Ukraine, câu hỏi đặt ra là từ khi Tổng thống Vladimir Putin điều quân xâm chiếm Ukraine ngày 24/2/2022 thì trong 1.000 ngày vừa qua, người dân Ukraine đã sống như thế nào? Thông tín viên Emmanuelle Chaze của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Kyiv tường thuật:
“Đối với người dân Ukraine, 1.000 ngày từ khi đất nước họ bị Nga xâm chiếm ở quy mô lớn, chiến tranh hiện diện khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ cần đi ra đường ở thủ đô Kyiv cũng đủ cảm nhận thấy là không có gì bình thường cả.
Ngay ở trung tâm thủ đô, đường phố tối om vì thường xuyên bị mất điện. Nhiều người phải dùng điện thoại cầm tay để soi đường để không bị ngã.
Trong hoàn cảnh đó, hàng triệu người Ukraine dù sống cách xa chiến tuyến, nhưng hậu quả chiến tranh đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của họ như chủ một hiệu sách bà Maria Bindiuk thổ lộ: Nhiều người bạn thân của tôi cố gắng không nghĩ đến chiến tranh, họ ở yên trong nhà, giết thời gian với các trò chơi điện tử, hay vùi đầu vào công việc từ 7 giờ sáng đén 9 giờ tối để quên đi thực tế”.
Đó là thực tế hàng ngày, họ bị đe dọa bởi các cuộc oanh kích bằng bom lượn, drone hay phi đạn. Tại Kyiv, từ tháng 9 đến nay, còi báo động, tiếng nổ, vang lên hàng đêm. Vào dịp mang tính biểu tượng 1.000 ngày chiến tranh, dân Ukraine muốn nhắc lại rằng đối với họ, chiến tranh đã khai mào từ năm 2014 tức là đã kéo dài từ 3.926 ngày qua, đó là từ khi Nga bắt đầu xâm lược bán đảo Crimea và kể từ đó cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraine càng lúc càng tệ hại hơn”.
Ukraine Oanh Kích Sâu Vào Lãnh Thổ Nga: Thế Giới Trải Qua Thời Khắc Nguy Hiểm
-Báo kinh tế Les Echos nói đến vụ Ukraine lần đầu tiên dùng phi đạn tầm xa ATACMS mà Mỹ cấp hồi đầu năm 2024 để oanh kích sâu vào lãnh thổ Nga, ít tiếng đồng hồ, sau khi báo chí Mỹ hôm Chủ Nhật (17/11/2024) tiết lộ Tổng thống Joe Biden bật đèn xanh cho Kyiv tiến hành các vụ tấn công kiểu này.
Theo báo Les Echos, như vậy chính quyền Zelensky đã không chần chừ oanh kích đối phương sau khi được Tổng thống Mỹ Biden cho phép. Điều quan trọng là Ukraine không phóng phi đạn sang vùng biên Kursk của Nga và oanh kích một kho đạn dược cách thủ đô Nga chỉ 340 cây số.
Báo Les Echos nhận định nếu thông tin về vụ Kyiv dùng phi đạn Mỹ tấn công vào mục tiêu gần Mạc Tư Khoa được loan báo cách nay vài năm thì đã làm mọi người sợ cứng người, làm náo loạn báo chí và chính quyền các nước. Thế nhưng, lần này Ngoại trưởng Nga chỉ nói là Mạc Tư Khoa sẽ đáp trả thích đáng, mà không cho biết thêm chi tiết.
Nhà nghiên cứu Tatiana Stanovaya của Trung tâm Canergie Nga-Á Âu lo ngại là vụ oanh tạc của Ukraine “ban tặng” cho Tổng thống Nga Vladimir Putin cơ hội quan trọng để gây leo thang xung đột: thế giới đang trải qua thời điểm rất nguy hiểm.
Tổng Thống Biden Chấp Thuận Cung Cấp Mìn Chống Bộ Binh Cho Ukraine
(Hình AFP: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (phải) tiếp Tổng thống Ukraine, ông Volodimir Zelensky tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 9/2024.)
-Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống Bộ binh cho Ukraine, một viên chức Hoa Kỳ nói với thông tấn xã Reuters, một bước đi có thể giúp làm chậm bước tiến của Nga ở phía Đông nước này, đặc biệt là khi sử dụng cùng với các loại đạn dược khác từ Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ dự kiến Ukraine sẽ sử dụng mìn trên lãnh thổ của mình, mặc dù đã cam kết không sử dụng chúng ở những khu vực có thường dân sinh sống, vị viên chức này cho biết. Washington Post là tờ báo đầu tiên đưa tin về diễn biến này.
Văn phòng Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, Bộ Quốc phòng Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga và Ðiện Cẩm Linh không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters.
Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine các loại mìn chống tăng trong suốt cuộc chiến với Nga, nhưng việc bổ sung thêm các loại mìn chống Bộ binh là nhằm mục đích làm chậm bước tiến của quân đội Nga, vị viên chức này cho biết thêm, với điều kiện giấu tên.
Các loại mìn của Hoa Kỳ khác với của Nga vì chúng “không bền vững” và trở nên trơ sau một khoảng thời gian được thiết lập trước, vị viên chức này cho biết. Chúng cần một cục pin để kích nổ và sẽ không phát nổ khi pin hết.
Hôm thứ Ba (19/11), Ukraine đã sử dụng phi đạn ATACMS của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, tận dụng sự cho phép mới từ chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Biden vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến.
Mạc Tư Khoa nói việc sử dụng ATACMS, loại phi đạn có tầm bắn xa nhất mà Hoa Thịnh Ðốn từng cung cấp cho Ukraine, là một tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột.
Hôm thứ Ba (19/11), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạ ngưỡng tấn công nguyên tử trong việc đáp trả các cuộc tấn công thông thường.
Động thái này diễn ra sau nhiều tháng cảnh báo với phương Tây rằng nếu Hoa Thịnh Ðốn cho phép Ukraine bắn phi đạn của Mỹ, Anh và Pháp vào sâu trong lãnh thổ Nga, Mạc Tư Khoa sẽ coi những thành viên Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) này là những nước trực tiếp tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.
Cho Ukraine Tấn Công Nga Bằng ATACMS: Biden Đẩy Chính Quyền Trump Vào Thế Khó?
(Hình REUTERS - Elizabeth Frantz: Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tiếp nguyên thủ Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, tại Tòa Bạch Ốc, thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 26/9/2024.)
-Muộn - thậm chí là rất muộn - còn hơn không, ngày 17/11/2024 Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine dùng phi đạn tầm xa ATACMS của Mỹ tấn công sâu “vào lãnh thổ Nga” và Kyiv đã thực hiện. Quyết định, được thông tấn xã AFP nhận định là “táo bạo”, không giúp Ukraine lật được tình thế trên chiến trường. Nhưng liệu có phải là trò “thọc gây bánh xe”, gây khó cho tân chính quyền Mỹ như cáo buộc của đội ngũ thân cận với ông Donald Trump?
“Một bước leo thang mới” mà “không ai biết sẽ dẫn chúng ta đến đâu”, “chiến tranh thế giới thứ ba”, “thọc gây bánh xe”.... Những người thân cận của Tổng thống đắc cử Donald Trump không tiếc lời chỉ trích nguyên thủ Mỹ Joe Biden. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mathiew Miller đáp lại khi trả lời họp báo thường nhật rằng Nga là bên duy nhất chịu trách nhiệm về “quyết định leo thang” khi khai triển lính Bắc Hàn tham chiến. “Ông Joe Biden được người dân bầu lên cho nhiệm kỳ 4 năm, chứ không phải là 3 năm 10 tháng” cho nên chính quyền hiện tại “sẽ sử dụng mỗi ngày trong nhiệm kỳ để theo đuổi những lợi ích trong chính sách đối ngoại mà chúng tôi cho là có lợi cho người dân Mỹ”.
Tổng thống đắc cử chưa công khai phản ứng nhưng theo phát ngôn viên Steven Cheung, ông Donald Trump “là người duy nhất có thể đưa hai bên bước vào đàm phán hòa bình và dẫn dắt để chấm dứt chiến tranh và các vụ sát hại”. Giả sử quyết định của Tổng thống Biden lại giúp người kế nhiệm có lợi thế trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin thì sao?
Tổng thống Ukraine đặt mục tiêu chấm dứt chiến tranh vào năm 2025 thông qua con đường ngoại giao. Mong muốn này có lợi cho ông Donald Trump, “nhà trung gian” luôn bất bình vì Mỹ chi quá nhiều tiền cho cuộc chiến nơi xa. Nhưng theo phân tích của cựu sĩ quan Pháp Guillaume Ancel, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng, trên Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) sáng 20/11, ông Volodymyr Zelensky không muốn bị lép vế khi ngồi vào bàn đàm phán và lo rằng Tổng thống thứ 47 của Mỹ “sẽ áp đặt giải pháp tương tự với hai miền Triều Tiên, có nghĩa là có đường phân định, ngừng các chiến dịch quân sự và trao cho Tổng thống Nga những gì ông ấy chiếm được bằng vũ lực, có nghĩa là gần 20% diện tích lãnh thổ ở miền Đông Ukraine và hợp thức hóa việc sáp nhập bán đảo Crimea bị Mạc Tư Khoa chiếm một cách bất hợp pháp”.
Việc Ukraine sử dụng phi đạn ATACMS của Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga, loạt đầu tiên là vào vùng biên giới Briansk, là một bước trong chiến thuật “ngồi vào bàn đàm phán trên thế mạnh”. Trước đó, Nga đe dọa sẽ đáp trả thích đáng mọi cuộc tấn công bằng ATACMS với nhiều khả năng. Ví dụ, theo ông Igor Delanoe, Phụ tá Giám đốc tổ chức Đài quan sát Pháp-Nga, khi trả lời RFI là Nga có thể oanh kích các công trình quan trọng ở Kyiv như Quốc hội, phủ tống thống Ukraine, nhưng cũng có thể là đánh vào lợi ích của các nước ủng hộ Kyiv, như Mỹ, Pháp, Anh... thông qua việc cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho lực lượng Houthis để tấn công tàu thuyền của những nước này ở Hồng Hải. Nhưng “ít có khả năng trực tiếp chống lại những lợi ích của Mỹ bởi vì sẽ khiến Nga có nguy cơ bị ảnh hưởng đến cuộc đối thoại sắp tới với chính quyền Trump”.
Đúng là chính quyền Trump rơi vào “thế khó xử”: Liệu ngay sau khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Donald Trump sẽ phải hủy ngay quyết định cho phép Ukraine sử dụng phi đạn ATACMS tấn công Nga? Hay sẽ giữ lại để làm lá bài trao đổi trong các cuộc đàm phán với Nga mà ông Trump tuyên bố muốn thực hiện để chấm dứt chiến tranh?
Dù bất bình về các khoản viện trợ và có thể cắt giảm mạnh ngay khi nhậm chức nhưng chưa chắc Tổng thống Donald Trump sẽ bãi bỏ quyết định của người tiền nhiệm. Theo ông Mark Cancian, Cố vấn chính tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Ðốn, được trang The Guardian trích dẫn ngày 18/11, “ông Trump là một nhà đàm phán, ông sẽ không nhân nhượng gì nếu không nhận được điều tương xứng” trong khi quyết định bãi bỏ lại không mang lại lợi ích chính trị lớn. “Bắt đầu bằng cách nhân nhượng là một chiến thuật đàm phán tồi” và đây không phải là phong cách của nhà tỉ phú Mỹ.
Trung Quốc Vượt Lằn Ranh Đỏ, Cung Cấp Drone Cho Nga Oanh Kích Ukraine?
-Hồ sơ chính của báo thiên tả Libération hôm 20/11/2024 dành để nói về chiến tranh Ukraine. Ở trang nhất, trên hình nền quầng lửa bùng lên giữa màn đêm, báo Libération chạy tựa: “Binh sĩ Bắc Triều Tiên, tên lửa tầm xa, Trump đắc cử, Âu Châu bị dồn đến chân tường: Chiến tranh Ukraine đang đến đỉnh điểm”.
Ở trang trong, báo Libération có bài viết đáng chú ý về khả năng Trung Quốc vượt lằn ranh đỏ, cung cấp drone cho Nga oanh kích Ukraine. Trước những thông tin cho rằng Trung Quốc lập các nhà máy chế tạo drone tấn công tự sát ở Tân Cương để cung cấp cho Nga, các nhà ngoại giao Âu Châu đã dọa trừng phạt Bắc Kinh như đã làm với Iran bởi việc này có liên quan đến lợi ích cơ bản của Âu Châu về an ninh.
Chính quyền Trung Quốc cứng rắn phủ nhận những cáo buộc của Âu Châu, đồng thời nhắc lại Bắc Kinh đã thực hiện “các biện pháp kiểm soát chặt chẽ” về xuất khẩu drone quân sự. Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao Âu Châu, Josep Borrell, đã nhấn mạnh đến vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong chiến tranh Ukraine, bởi Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất về hàng lưỡng dụng và các mặt hàng nhạy cảm để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp-quân sự của Nga.
Theo báo Libération, drone thực sự là một trong những động lực đằng sau “mối quan hệ đối tác không giới hạn” giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. Năm 2023, Nga đã bắt đầu sản xuất một loại drone tấn công tầm xa mới, Garpiya-A1, sử dụng động cơ và linh kiện của Trung Quốc, theo tiết lộ điều tra chi tiết của thông tấn xã Reuters. Theo hãng tin Anh, IEMZ Kupol, một công ty con của hãng vũ khí nhà nước Nga Almaz-Antey, đã sản xuất hơn 2.500 drone Garpiya-A1 từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024. Garpiya-A1 nặng gần 300 kg, có khả năng bay 1.500 cây số, có nhiều điểm tương đồng với drone Shahed-136 của Iran.
Sự hợp tác này dường như đã được tăng cường. Vào cuối tháng 9/2024, thông tấn xã Reuters nêu rõ Nga đã thiết lập một chương trình vũ khí ngay tại Trung Quốc, để phát triển và sản xuất drone tấn công mới: Drone Garpiya-3 được phát triển và bay thử nghiệm với sự trợ giúp của các chuyên gia Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không hề biết đến một dự án như vậy.
Báo Libération đặt câu hỏi liệu có thể có chuyện chế độ siêu tập trung, cảnh sát và kiểm soát chặt chẽ của Tập Cận Bình lại không biết gì về hoạt động của các công ty trong các lĩnh vực an ninh và chiến lược tầm cao như vậy? Liên Hiệp Âu Châu sẽ phải xác thực thông tin nói trên và buộc Trung Quốc phải gánh trách nhiệm.
Lần Đầu Tiên NATO Tổ Chức Tập Trận Quy Lớn ở Phần Lan, Ngay Trước Cửa Ngõ Nước Nga
(Hình AFP - Jonathan Nackstrand: Trung đoàn Pháo binh Hoàng gia số 19 của quân đội Anh Quốc khai hỏa trong cuộc diễn tập bắn đạn thật gần Rovaniemi ở Laponie, Phần Lan, ngày 18/11/2024.)
-Khoảng 3.600 quân nhân từ Hoa Kỳ, Thụy Điển, Anh Quốc, Pháp và các nước khác đã được huy động tham gia vào cuộc tập trận ở Rovaniemi ở Bắc Cực, Phần Lan. Cuộc thao dượt chung này nằm trong khuôn khổ chương trình “Dynamic Front 25”, từ ngày 4 đến 24/11/2024), được cho là cuộc tập trận lớn nhất, “chưa từng được tổ chức ở Âu Châu”. Hoạt động này được cho là để phô trương sức mạnh trước Nga.
Theo thông tấn xã AFP, tiếng pháo nổ đại bác và phi đạn vang dội khắp vùng núi phủ đầy tuyết ở thung lũng Laponie. Đây là lần đầu tiên các đồng minh của Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn tập bắn đạn pháo quy mô lớn ở Phần Lan, cách biên giới Nga chưa đầy 200 cây số. Quốc gia Bắc Âu này có chung đường biên giới dài 1.300 cây số với Nga, đã gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương vào tháng Tư năm 2023, chấm dứt hàng thập kỷ lập trường không liên kết quân sự, sau cuộc xâm lược của Nga vào láng giềng Ukraine.
Trường bắn và khu huấn luyện rộng hơn 1.000 cây số vuông này là lớn nhất Âu Châu. Đại tá Janne Makitalo, chỉ huy cuộc tập trận ở Phần Lan cho biết mục tiêu chính của cuộc tập trận này là “nâng cao khả năng tương tác giữa các đồng minh, đặc biệt là ở cấp độ Pháo binh, đồng thời chuẩn bị cho quân đội đối phó với các điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực”. Vào thời điểm này ở Bắc Cực, mặt trời mọc vào khoảng 9 giờ 30 sáng và lặn trước 3 giờ chiều, nhiệt độ xuống âm 20 độ C.
Ông Joel Linnainmaki, nhà nhiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan thì nhấn mạnh rằng “những buổi huấn luyện quân sự của NATO ngày càng thể hiện mục đích là để cho các quốc gia khác, đặc biệt là Nga, thấy rằng Liên minh đoàn kết và có khả năng bảo vệ các thành viên của mình”.
Vẫn tại khu vực Bắc Âu, hôm 19/11, hai đường dây cáp viễn thông đã bị hư hỏng ở biển Baltic trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Một đường dây dài 1.172 cây số nối giữa Phần Lan và Đức, dây cáp còn lại nối giữa Thụy Điển và Lithuania. Bộ Quốc phòng Phần Lan và Thụy Điển đã mở điều tra, và nêu ra lo ngại cho rằng đây là hành vi phá hoại nằm trong khuôn khổ “chiến tranh hỗn hợp”, mà có khả năng là từ Nga.
Trước thông tin này, hôm 20/11, Ðiện Cẩm Linh đã cho rằng các nước buộc tội Nga một cách “vô căn cứ” và “thật nực cười” khi đổ lỗi cho Mạc Tư Khoa ngay lập tức.
Nhóm 5 Nước Lớn Nhất Âu Châu “Ủng Hộ” Trái Phiếu Quốc Phòng
(Hình REUTERS - Kacper Pempel, ừ trái sang phải: Các Ngoại trưởng, Pháp Jean-Noël Barrot, Ý Ðại Lợi Antonio Tajani, Ba Lan Radoslaw Sikorski và Đức Annalena Baerbock tại Warsaw, thủ đô của Ba Lan, ngày 19/11/2024.)
-Trước viễn cảnh Donald Trump quay lại Tòa Bạch Ốc, các nước Âu Châu đang nỗ lực tăng cường lĩnh vực quốc phòng. Ngày 19/11/2024, bốn nước lớn nhất Liên Hiệp Âu Châu và Anh đã họp tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, và tuyên bố ủng hộ phát hành trái phiếu quốc phòng Âu Châu.
Sau cuộc họp với 4 đồng nhiệm Pháp, Ý Ðại Lợi, Tây Ban Nha và Anh, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski khẳng định ý tưởng “phát hành trái phiếu quốc phòng” là “điều gì đó nghiêm túc”. Còn theo Ngoại trưởng Ý Ðại Lợi Antonio Tajani, “chiến lược được soạn thảo” là nhằm “hỗ trợ quốc phòng của Âu Châu”. Trước đó, vào tháng 6, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen thông báo Liên Hiệp Âu Châu cần đầu tư 500 tỉ Euro trong thập niên tới để tăng cường quốc phòng. Thông tín viên Adrien Sarlat của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Warsaw cho biết thêm thông tin:
“Bối cảnh đặc biệt thì phải có một cuộc họp đặc biệt. Cuộc họp cấp cao sáng 19/11 là sự kiện chưa từng có, được Warsaw coi là phản ứng trước việc ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc. Vào lúc Tổng thống đắc cử Mỹ thông báo ý định giảm viện trợ cho Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuộc gặp lần này có mục đích chuẩn bị cho các cường quốc thành viên NATO một thế cân bằng mới.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski phát biểu: “Chúng tôi nhất trí về việc Âu Châu phải gánh trọng trách lớn hơn cho chính an ninh của mình và điều này được thực hiện thông qua việc phân bổ trách nhiệm tài chánh giữa các nước thành viên NATO. Nhưng việc tăng cường chi tiêu an ninh của Liên Hiệp Âu Châu phải đi đôi với việc Mỹ duy trì cam kết đối với an ninh của chúng ta”.
Ba Lan là quốc gia đứng đầu Âu Châu về đầu tư quân sự, dành 2,4% GDP cho quốc phòng, trong khi NATO khuyến nghị tối thiểu là 2%.
Ngoại trưởng Sikorski cho biết: “Tôi nhận thấy rằng các quốc gia lớn ở Âu Châu ngày càng sẵn sàng đảm nhận một phần gánh nặng hỗ trợ quân sự trong trường hợp Mỹ hạn chế các cam kết hơn”.
Theo các Ngoại trưởng, một cam kết tài chánh sẽ giúp tránh được nguy cơ Putin hóa Âu Châu và bảo vệ sự toàn vẹn của các quốc gia thành viên”.
Nông Dân Pháp Tiếp Tục Chiếm Đóng Đường Phố
(Hình AFP - Lionel Bonaventure: Xa lộ tắc nghẽn, sau khi nông dân dựng rào chắn dọc đường cao tốc A9 để chặn hàng hóa giữa Tây Ban Nha và Pháp, ngày 19/11/2024.)
-Phong trào chiếm đóng đường phố của một bộ phận nông dân Pháp bước sang ngày thứ ba với những hành động quyết liệt hơn. Phong trào có nguy cơ kéo dài, nhưng đã để lộ rõ chia rẽ giữa các nghiệp đoàn bảo vệ nông gia Pháp.
Theo lời kêu gọi của nghiệp đoàn Coordination Rurale (CR), hàng trăm nông dân Pháp hôm 19/11 chiếm đóng nhiều khu vực từ vùng Oise (miền Bắc), đến Charleville-Mézières (Đông-Bắc) hay vùng Creuse (miền Trung). Nhưng đáng chú ý hơn cả là vụ chận cửa khẩu ở biên giới với Tây Ban Nha hôm qua. Nông dân tấn công và chận các xe chở hàng đưa nông phẩm từ Tây Ban Nha vào Pháp. Bộ trưởng Nông nghiệp Annie Genevard lên án những hành vi phá hoại “không thể chấp nhận được” và nhất là làm mất đi cảm tình của công luận đối với giới canh nông.
Một đoạn đường xa lộ trong vùng Pyrénées-Orientales miền Tây-Nam nước Pháp từ hôm qua bị vài trăm nông dân chiếm đóng, gây trở ngại giao thông. Cảnh sát Pháp nói đến “30 điểm bị phong tỏa trong đêm qua rạng sáng nay, gần 2.000 nông dân đem hơn 500 chiếc máy cầy ra chiếm đóng” đường phố. Đại diện cho nghiệp đoàn CR trong vùng, Serge Bousquet Cassagne, kêu gọi “chận đường xa lộ, phong tỏa các kho xăng dầu, chiếm đóng các kho hàng, thắt nút mọi ngả giao thông bằng đường thủy hay đường bộ để gây nên một cuộc khủng hoảng về thực phẩm” chống lại nông phẩm từ Tây Ban Nha tràn sang thị trường Pháp.
Hai nghiệp đoàn bảo vệ nông dân Pháp FNSEA và JA qua các cuộc biểu dương lực lượng trong hai ngày 17 và 18/11/2024 đã dừng lại do chỉ muốn gây sức ép với chính phủ để chống lại Hiệp định tự do mậu dịch với 5 nước Mỹ Châu Latinh Mercosur. Đòi hỏi đó đã được cả Tổng thống và Thủ tướng Pháp ủng hộ. Trái lại, qua những vụ đập phá và kêu gọi gây nên một cuộc khủng hoảng về lương thực trên toàn quốc vừa nêu, nghiệp đoàn CR tấn công luôn cả vào nông phẩm do một thành viên Liên Hiệp Âu Châu là Tây Ban Nha nhập vào Pháp. Chủ tịch nghiệp đoàn FNSEA hoàn toàn “không tán đồng” những hành vi quyết liệt của CR.
Nghiệp đoàn CR lớn thứ nhì ở Pháp, đang họp đại hội để bầu lại ê-kíp lãnh đạo mới.
Địa Trung Hải: Khu Vực Bị Tác Động Mạnh Về Biến Đổi Khí Hậu
-Về hồ sơ môi trường, khí hậu, sinh thái, Le Monde quan tâm đến vùng Địa Trung Hải. Theo hai báo cáo mới nhất của 55 nhà khoa học từ 17 nước, thuộc Mạng lưới Các nhà khoa học Khí hậu và Môi trường Âu Châu-Địa Trung Hải, MedECC, Địa Trung Hải là khu vực khí hậu bị hâm nóng nhanh hơn 20% so với phần còn lại của hành tinh.
Trên tổng số 540 triệu dân, đến năm 2100 sẽ có đến 20 triệu người phải di dời hẳn đến vùng khác sinh sống do tác động của biến đổi khí hậu. Lý do: ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng cao, sự suy thoái của môi trường....
Ngay tình trạng biển Địa Trung Hải cũng rất đáng lo. Không chỉ mực nước biển dâng cao, độ axit của nước cũng gia tăng nhanh chóng, các đợt nóng cao độ trong 2 thập niên qua đã tăng thêm 40% và kéo dài hơn 15%, khiến nhiều sinh vật chết ồ ạt, như san hô, các loài nhuyễn thể, bọt biển....
Môi trường biển cũng bị ô nhiễm nặng do nhựa, nitrat thải ra từ nông nghiệp, nước thải, kim loại nặng và thủy ngân, khí ga xả thải từ các tàu thuyền.... Kết hợp với biến đổi khí hậu, các chất gây ô nhiễm nói trên gây hại cho sức khỏe con người, lượng nước và chất lượng nước, năng suất nông nghiệp, ngư nghiệp. Theo ghi nhận của giới nghiên cứu, sản lượng thu hoạch olive, nho, ngũ cốc, rau củ... đã bị ảnh hưởng, đè nặng lên an ninh lương thực thực phẩm của người dân vùng Địa Trung Hải.
Biến Đổi Khí Hậu Và Hậu Quả Đối Với Não Bộ Con Người
-Cũng về biến đổi khí hậu, nhưng báo Công giáo La Croix hướng sự chú ý đến những nghiên cứu khoa học từ vài năm trở lại đây về hệ quả đối với não bộ con người. Ngoài sức khỏe tâm thần, nắng nóng cao độ còn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi của chúng ta, thậm chí còn gây ra một số rối loạn thần kinh.
Theo một nghiên cứu thực nghiệm, trời càng nắng nóng, các vị Thẩm phán Mỹ ở biên giới với Mễ Tây Cơ càng có xu hướng từ chối đơn xin tị nạn. Cũng tại Hoa Kỳ, đỉnh điểm của thái độ thù hằn trên mạng xã hội trùng với đỉnh điểm về nhiệt độ.
Ngoài khả năng nhận thức, các bệnh thần kinh bùng nổ trong những thập niên gần đây cũng đang được nghiên cứu thử nghiệm, từ bệnh động kinh, Parkinson, bệnh thần kinh mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, Alzheimer. Sanjay Sisodiya, Giáo sư thần kinh học tại Đại học College London, lo ngại rằng với các tác động khác nhau, biến đổi khí hậu có khả năng làm bệnh trở nặng, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở mỗi cá nhân.
Sau khi phân tích 332 nghiên cứu khoa học, một nhóm nghiên cứu hồi tháng 05 đã xuất bản một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet NEurology, kết luận: sự gia tăng nhiệt độ khắc nghiệt có thể làm nghiêm trọng thêm 19 bệnh thần kinh được nghiên cứu, trong đó có đột quỵ, đau nửa đầu, bệnh Alzheimer, viêm não, động kinh, bệnh thần kinh mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương....
Khai Mạc Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN Vào Lúc Căng Thẳng Với Trung Quốc Gia Tăng ở Biển Đông
(Hình AP - Anupam Nath: Các Bộ trưởng Quốc phòng của khối ASEAN họp tại Vạn Tượng, thủ đô của Cộng sản Lào, ngày 20/11/2024.)
-Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-ADMM lần thứ 18 và ADMM mở rộng, khai mạc sáng 20/11/2024 tại thủ đô Vạn Tượng của Lào. Các bên tập trung vào vế an ninh trong bối cảnh gia tăng tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông và trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ, điểm tựa của một số quốc gia trong khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Hãng tin Mỹ AP cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, trên nguyên tắc sẽ đến Vạn Tượng dự cuộc họp ADMM mở rộng, tương tự như các đồng cấp Nhật Bản, Úc Ðại Lợi, Nam Hàn, Ấn Độ và Trung Quốc.
Trước khi rời khỏi Ngũ Giác Đài vào tháng 1/2025 ông Lloyd Austin vừa kết thúc một cuộc họp với đồng cấp Úc Ðại Lợi và Nhật Bản tại Canberra. Hoa Kỳ và hai đồng minh thân thiết này cam kết “mạnh mẽ yểm trợ” ASEAN trước những quan ngại sâu sắc của khối này về những hành vi của Trung Quốc gây bất ổn trong các vùng Biển Đông và Hoa Đông.
Khai mạc hội nghị ADMM lần thứ 18 sáng nay, trong cương vị chủ nhà, Bộ trưởng Quốc phòng Lào, Chansamone Chanyalath, mong mỏi đây là cơ hội để 10 nước thành viên ASEAN “tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ trong khu vực cũng như chuẩn bị đối phó và giải quyết những mối đe dọa hiện tại và trong tương lai đối với an ninh trong vùng Đông Nam Á”. Về nội bộ ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng khối này sẽ thảo luận về khủng hoảng nhân đạo tại Miến Điện.
Hãng thông tấn AP chưa thể xác định là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có dự trù một cuộc trao đổi song phương với đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân tại Vạn Tượng lần này hay không. Riêng Nhật Bản, đài truyền hình NHK cho biết, ông Gen Nakatani sẽ thảo luận với đối tác Trung Quốc về những “quan ngại liên quan đến những hoạt động quân sự của Bắc Kinh” trong thời gian gần đây. Tháng 8/2024 chiến đấu cơ Trung Quốc đã thâm nhập không phận Nhật Bản. Tokyo phản đối hàng không mẫu hạm và hai khu trục hạm của Trung Quốc đã xâm nhập các vùng biển của Nhật Bản.
Hội nghị ADMM và ADMM mở rộng lần này cũng nhằm thảo luận về những căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, chiến tranh Ukraine và các cuộc xung đột ở Cận Đông. Các bên cũng sẽ tập trung vào các vế chống khủng bố, hợp tác vì an ninh mạng và khắc phục hậu quả thiên tai.
Manila Tố Cáo Trung Quốc Ngụy Trang Chiến hạm Thành Tàu đánh cá Xâm Chiếm Vùng Biển Phi Luật Tân
(Hình AP: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (trái) họp báo với đồng nhiệm Phi Luật Tân Gilberto Teodoro tại Bộ Tư lệnh miền Tây Phi Luật Tân (WESCOM) ở Palawan, Phi Luật Tân, ngày 19/11/2024.)
-“Rất nhiều” chiến hạm của Trung Quốc được ngụy trang thành tàu đánh cá hoặc tàu Hải cảnh để xâm chiếm các vùng biển của Phi Luật Tân. Ngày 19/11/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Gilberto Teodoro nhấn mạnh thực tế này khi cùng đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin đến thăm một căn cứ ở đảo Palawan, trên tuyến đầu trong cuộc xung đột lãnh hải với Bắc Kinh.
Hai Bộ trưởng đến thăm trụ sở Bộ Tư lệnh Miền Tây (Western Command) ở Puerto Princesa, trên đảo Palawan. Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Gilberto Teodoro nhấn mạnh các tàu của Trung Quốc “ngày càng hung hăng hơn” khi “dàn cả một số lượng lớn tàu quân sự được cải trang thành tàu của lược lượng Hải cảnh và tàu Dân quân Biển, ngăn tàu Phi Luật Tân vào các vùng biển phía Tây của Phi Luật Tân”. Chiến thuật này được Trung Quốc sử dụng rộng rãi và được gọi là “chiến thuật vùng xám”.
Ông Lloyd Austin “hoàn toàn đồng tình” với đánh giá của đồng nhiệm Teodoro, đồng thời lên án “thái độ (của Trung Quốc) ngày càng đáng quan ngại... Họ sử dụng nhiều biện pháp nguy hiểm và leo thang để khẳng định các yêu sách lãnh hải ở Biển Đông”.
Theo trang Philstar, tuyên bố “thẳng thắn” của hai Bộ trưởng Quốc phòng được đưa ra vào lúc hai nước đồng minh công bố nhiều dự án hợp tác quân sự mới, trong đó có việc Hoa Thịnh Ðốn giao cho Manila drone hải chiến trong chương trình hỗ trợ an ninh trị giá 500 triệu Mỹ kim để giúp Phi Luật Tân tăng cường năng lực hàng hải “để bảo vệ quyền và chủ quyền trong các Vùng đặc quyền Kinh tế của Phi Luật Tân”, theo Bộ trưởng Lloyd Austin.
Đây là lần thứ tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Phi Luật Tân và cũng là chuyến cuối cùng trước khi bàn giao lại cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông bày tỏ “tin tưởng rằng Phi Luật Tân sẽ luôn là một đất nước quan trọng cho Hoa Kỳ trong nhiều năm tới”. Dưới thời Bộ trưởng Lloyd Austin, Phi Luật Tân đã mở cửa thêm bốn căn cứ cho lực lược Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường năm 2023. Ba căn cứ nằm trên đảo Luzon, đối diện với Đài Loan và một căn cứ trên đảo Palawan.
Tin Việt Nam Hôm Nay
Cựu Giảng Viên Môn Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học Bị Bắt Với Cáo Buộc “Lợi Dụng Các Quyền Tự Do”
(Ảnh chụp màn hình / RFA edited: Cổng thông tin điện tử Công an Bình Dương thông tin về vụ bắt giữ ông Bùi Tiến Lợi.)
-Ngày 20/11/2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ nguyên Thượng tá Bùi Tiến Lợi, cựu Chủ nhiệm bộ môn Chủ nghĩa Xã hội Khoa học của Trường Đại học Sĩ quan Công binh (Bộ Quốc phòng), với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do, dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Mạng báo Pháp Luật online cho biết, lực lượng công an đã di lý ông Lợi từ quê nhà ở Thái Bình vào nơi sinh sống Thủ Dầu Một để khởi tố. Ông bị cho là đã sử dụng Facebook để “đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước gây bất bình trong dư luận xã hội”.
Báo điện tử Đảng Cộng sản cuối tháng 7/2020 đưa tin ông Lợi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật khai trừ khỏi Đảng vì đã có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước,... xúc phạm tới danh dự, uy tín cá nhân của một số lãnh đạo.
Bài báo này cho rằng, sai phạm nghiêm trọng nhất là trong một video đăng trải trên trang cá nhân có mặc quân phục ông nói: “Ai đó nói rằng, Biển Đông là của Việt Nam, Trường Sa là của Việt Nam thì đó là những tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế, không đúng với Công ước về Luật Biển năm 1982”.
Trong khi đó, mạng báo Công Thương cho biết ông Bùi Tiến Lợi, người vừa bị Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ, từng bị tờ báo này phản ánh vì cho rằng đã đã đăng tải tám bài viết có tên hoặc hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian từ ngày 17/7 đến 23/7 (trước và sau khi ông Trọng qua đời-PV) với những lời lẽ bị cho là “hỗn xược và các nội dung mang tính quy chụp, xúc phạm, thô tục và coi thường kỷ cương phép nước”.
Phóng viên tìm thấy trang Facebook Tien Loi với 6.700 người theo dõi, phù hợp với thông tin mà báo Công Thương đăng tải.
Các bài viết gần đây, trang Facebook này chia sẻ nhiều video, hình ảnh và thông tin về sư Minh Tuệ, một người tu theo 13 hạnh Đầu đà và những phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng liên quan đến vị sư độc lập này.
Trong một bài viết hồi tháng 9, ông này cho rằng bản thân là người “phản biện gay gắt, trực tiếp, toàn diện” đối với ông Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời, nhưng chính ông cũng là “người để tang ông (Trọng) nghiêm túc, bài bản”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn Bị Truy Tố Trong Vụ Án Gian Lậu Đấu Thầu Thứ Năm
(Hình AIC Group: Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.)
-Cựu Chủ tịch Công ty AIC – bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án tại Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy điện toán Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông. Bà Nhàn hiện đang trốn lệnh truy nã của Bộ Công an.
Cùng bị truy tố với bà Nhàn trong vụ án này còn có 12 người khác bao gồm một số cựu lãnh đạo thuộc Công ty AIC và VNCERT, trong đó có ông Nguyễn Trọng Đường – cựu Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chánh của Bộ Thông tin Truyền thông.
Theo cáo trạng được báo Nhà nước trích đăng, vụ án xảy ra từ năm 2017 khi VNCERT được Bộ Thông tin-Truyền thông giao cho lập và trình Bộ phê duyệt Dự án Mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự việc, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế. Số vốn đầu tư là 95 tỉ đồng. Ông Nguyễn Trọng Đường là Giám đốc của VNCERT lúc đó.
Dự án có 12 gói thầu, cáo trạng xác định những sai phạm của bà Nhàn và Công ty AIC cùng các bị can khác liên quan đến gói thầu số 8 có giá trị hơn 70 tỉ đồng.
Bà Nhàn bị cáo buộc tội chủ mưu trong việc chỉ đạo nâng giá thiết bị, lập khống hồ sơ tham gia thầu, thông đồng với những người trong VNCERT giúp AIC trung gói thầu số 8, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 17,2 tỉ đồng.
Riêng ông Nguyễn Trọng Đường là đại diện chủ đầu tư bị cáo buộc đã nhận một tỉ đồng từ Công ty AIC và giao cho kế toán trưởng VNCERT chia cho các thành viên tham gia dự án vào dịp tết Nguyên đán năm 2019. Ông Đường nhận 200 triệu đồng trong số này, 5 người khác nhận tổng cộng 120 triệu đồng, số còn lại sử dụng cho các hoạt động chung của VNCERT.
Đây là vụ án thứ năm bà Nhàn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bà Nhàn đã bị đưa ra xét xử vắng mặt trong bốn vụ án trước cũng liên quan đến các gói thầu cung cấp thiết bị những tỉnh, thành khác của Việt Nam. Bà Nhàn hiện chịu mức án chung là 30 năm tù với các tội vi phạm quy định về đấu thầu và đưa hối lộ.
Vốn Vay Cho Dự Án Đường Sắt Cao Tốc Bắc-Nam Sẽ Không Vượt Quá 30% Tổng Vốn Đầu Tư
(Hình AFP / Nhac Nguyen, minh họa: Xe hỏa đi qua cầu Long Biên ở Hà Nội hôm 12/7/2023.)
-Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ vay vốn không quá mức 30% tổng vốn đầu tư dự kiến 67 tỉ Mỹ kim cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2035.
Theo truyền thông nhà nước, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng nói trước Quốc hội Việt Nam về dự kiến này hôm 20/11/2024, đồng thời cho biết thêm là hiện Chính phủ vẫn chưa quyết định liệu sẽ vay vốn ngoại quốc hay trong nước cho dự án này.
Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam có độ dài 1.541 cây số từ Hà Nội vào Sài Gòn, đi qua 20 tỉnh, thành phố và hiện được coi là dự án hạ tầng cơ sở lớn nhất của quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khi trình bày trước Quốc hội về dự án đã cho biết Chính phủ sẽ xem xét vốn vay ODA có lãi suất thấp và không có điều kiện ràng buộc trước tiên, sau đó mới tính đến vốn vay trong nước.
Hồi tháng trước, Bộ Giao thông-Vận tải cho biết Việt Nam sẽ tự chủ về vốn cho dự án, nhưng một số chuyên gia cho rằng điều này là không thực tế.
Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói, Chính phủ sẽ thu xếp vốn đầu tư mỗi năm là 5,6 tỉ Mỹ kim trong thời gian 12 năm và tuyến đường này sẽ chủ yếu chỉ chuyên chở hành khách cho đến khi có thể chuyên chở hàng hóa vào năm 2050.
Việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu sẽ được thự hiện bằng đường biển, xe vận tải và tuyến đường sắt hiện có.
Trong các tháng qua, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo chính phủ các quốc gia khác và các tập đoàn ngoại quốc và thảo luận về vốn vay ODA cũng như kỹ thuật cho dự án.
Hồi tháng 6 vừa qua, khi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Đại Liên, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã có các cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc, đề nghị hợp tác về việc thiết kế, xây dựng tuyến đường sắt. Ông Chính cũng đề nghị được Bắc Kinh giúp đỡ về vốn ODA, theo tin từ báo Nhà nước.
Mới đây, nhân Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Ba Tây vào ngày 18/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã gặp Thủ tướng Nhật Ishiba Shigeru và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol, đề nghị hai quốc gia này cho Việt Nam vay các khoản ODA lớn.
Không Quân Việt Nam Diễn Tập Thực Hành Chiến Đấu Bảo Vệ “Chiến Trường Miền Bắc”
(Ảnh AFP / Nhac Nguyen, minh họa: 4 máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam diễn tập trên bầu trời Hà Nội vào ngày 3/11/2022.)
-Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam đã tổ chức diễn tập trong 3 ngày từ 15 đến 17/11/2024, được cho là để “chuẩn bị và thực hành chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trên hướng chiến trường Miền Bắc”.
Báo Phòng không-Không quân hôm 18/11 cho biết về thông tin trên trong hội nghị rút kinh nghiệm về cuộc diễn tập mang phiên hiệu “MB-24”.
Những hình ảnh của báo chí đăng tải cho thấy có sự tham gia của hệ thống phi đạn S-125 (SAM-3) của Tiểu đoàn phi đạn 124 hay hệ thống pháo phòng không 37 mm của Đại đội 32, Trung đoàn 228, thuộc Sư đoàn 365 có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời phía Bắc, Đông-Bắc của Việt Nam.
Mạng báo VnExpress dẫn phát biểu của Đại tá Vũ Đại Dương, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân, cho biết diễn tập giúp các đơn vị thực hành chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu và đánh địch tiến công hỏa lực đường không, bảo để vệ vùng biển, vùng trời miền Bắc.
Theo đó, các đơn vị đã thực hành nhiều bài tập cơ động lực lượng, khí tài ra trận địa dự bị và xử trí tình huống tác chiến phòng không, thực hành tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật.
Quân chủng cũng đổi mới huấn luyện đối với loại hình tác chiến điện tử, nâng cao trình độ sử dụng phương tiện, vũ khí, khí tài và thông tin liên lạc để hạn chế thấp nhất việc bị địch trinh sát điện tử và phát giác ra mục tiêu.
Cũng theo báo chí Nhà nước, các bài tập gồm ngụy trang, nghi binh, dựng mô hình vũ khí, khí tài và trận địa giả nhằm đánh lừa thiết bị trinh sát của đối phương. Ngoài ra, các đợn vị cũng sử dụng trang thiết bị tác chiến điện tử hiện đại để tiêu diệt thiết bị bay không người lái (UAV) từ xa.
Trước đó, ngày 14/11, Tổng Bí thư Đảng CSVN Tô Lâm cũng có chuyến thăm bất ngờ đến Trạm radar 27 thuộc đảo Bạch Long Vĩ, hòn đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ, cách đường phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ 15 hải lý.
Ông Lâm cho rằng, hòn đảo này có vai trò là cửa ngõ, án ngữ kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, đồng thời là trung tâm hậu cần và trung chuyển cho các hoạt động quân sự trên biển, một tiền đồn kiểm soát an ninh trật tự trên biển.
Việt Nam và Hoa Kỳ Tổ Chức Đối Thoại An Ninh Năng Lượng
(Ảnh TTXVN via Lao Dong: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 là dự án điện than lớn nhất nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận.)
-Hôm 19/11/2024, Bộ Công thương Việt Nam cho biết rằng Việt Nam và Hoa Kỳ mới tổ chức cuộc đối thoại về an ninh năng lượng ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn để “trình bày các vấn đề then chốt trong hợp tác năng lượng song phương”.
Trang web của Bộ này đăng bài viết, dẫn Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, nói rằng cuộc đối thoại thường niên này là “sự kiện được mong đợi của cả hai bên”, nhất là sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ “đã có nhiều cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực năng lượng được ban hành và đang tích cực khai triển”.
Bài viết nói rằng cuộc đối thoại thứ 5 kể từ năm 2018 này được tổ chức ngay sau khi Mỹ vừa kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống, và dự đoán rằng “chính quyền mới sẽ tiếp tục có nhiều biến động và thay đổi chính sách trong phát triển năng lượng tại quốc gia này”.
Trưởng đoàn phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long được dẫn lời “nhấn mạnh vai trò của các đối tác quốc tế, tổ chức quốc tế, trong đó có chính phủ và các công ty phía Hoa Kỳ” trong việc “hỗ trợ Việt Nam” đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào nằm 2050.
Hồi tháng Chín, nhân kỷ niệm một năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ -Việt Nam, phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam đã đăng tải bài viết nói rằng “hợp tác song phương đã được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia”.
Liên quan tới vấn đề thúc đẩy năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường, phái đoàn này “hoan nghênh” việc Việt Nam phê duyệt Thỏa thuận Mua bán Điện Trực tiếp, cho phép “các doanh nghiệp tại Việt Nam giờ đây có thể mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo, giúp Việt Nam thu hút đầu tư xanh lớn hơn và đồng thời giúp các tập đoàn đạt được mục tiêu giảm phát thải”.
Ngoài ra, tin cho hay, Hoa Kỳ, thông qua dự án Bảo tồn Môi trường sống Ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, “cũng đang xây dựng khả năng chống chịu cho các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết “đã khởi động một chương trình thí điểm nhằm cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam bằng cách thúc đẩy các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho việc đốt rơm rạ cho nông dân tại Hải Dương và Hà Nội, và một quan hệ đối tác với khu vực tư nhân nhằm giúp các doanh nghiệp và doanh nhân giảm thiểu rác thải nhựa và thúc đẩy tái chế”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét