Đang dịch virus Tàu đi đâu kể cũng ngại. Nhưng công việc có liên quan đến cơ quan chóp bu ở những tận Berlin, thì không thể không lên. Termin, hẹn hò, xong việc đã vào tầm trưa. Thấy người hơi rung rinh, có lẽ đã ngấm đói. Nơi đây chắc chắn, không xa chợ người Việt cho lắm. Đến đó, liều gọi mấy gã bạn văn nhân nửa mùa ra cùng nhấc lên, đặt xuống chút cho máu. Nghĩ vậy, tôi bật Navi tìm đường ngay… Dù vào giờ ăn trưa, nhưng đang mùa dịch, do vậy hàng quán trong Chợ Đồng Xuân dường như hơi bị hẻo. Không khí tĩnh lặng lắm.
<!>
Đang lớ ngớ, nhòm vào Đức Anh Quán, bị ngay một phát vỗ vai từ phía sau làm giật thót cả người, chùm chìa khóa trên tay tôi rơi tuột xuống đất:
-Trường! Đỗ Trường phải không?
Tôi quay lại, một khuôn mặt xám ngoét, không ra quen cũng không thật lạ. Không trả lời, tôi cúi xuống nhặt chùm chìa khóa. Vừa ngẩng lên, thấy gã chuyển lon bia uống dở sang tay phải, cánh tay trái choàng lên vai tôi, giọng khê nồng:
– Về Hà Nội rất nhiều lần, biết ông cũng sang Đức từ rất lâu rồi, tìm mãi không được. Thế chó nào, hôm nay lại gặp ông ở đây.
Đang dịch bệnh, bắt tay đã thấy ngại. Do vậy, gã vừa dứt lời, tôi xoay người làm cho cánh tay gã tuột khỏi vai. Lùi lại mấy bước, tôi nhìn thẳng vào gã. Quần áo nhầu nhầu, khuôn mặt dáng vóc mờ mờ, đục đục, không thể nhớ ra. Thấy tôi ngẩn tò te, gã chỉ tay vào cái ngực đang cố ưỡn vổng lên:
-Thắng! Dương Quang Thắng, Khu tập thể Bộ ngoại giao đây.
Tôi thực sự bất ngờ, chợt nhớ ra Thắng, và câu hỏi tự nhiên vuột ra như vô thức vậy:
-Thắng (gà chọi), đã từng tham gia thi Olympic toán học quốc tế cùng thời với những Vũ Kim Tuấn, Nguyễn Thanh Tùng, Lê Bá Khánh Trình… đây sao?
Thắng gà chọi cười bật ra thành tiếng, dường như đã chuyển sang mùi nhựa mận:
-Chính là: Y.
Giời đất ơi, sao trông ông héo mòn thế này! Suýt nữa tôi thốt ra như vậy. Bởi, Thắng gà chọi thay đổi hoàn toàn về cả thể xác, lẫn tính cách…
Không hiểu gia đình tôi quen biết, rồi thân thiết với gia đình Dương Quang Thắng từ khi nào. Ngay từ thuở bé tí tẹo, đến khi cắp sách tới trường, tôi luôn bị mang ra so sánh với Thắng gà chọi. Có lẽ, chẳng cứ gia đình tôi, mà ông bố, bà mẹ nào cũng vậy, cứ quen với gia đình Thắng gà chọi có con cái tốt, hay xấu đều mang ra so sánh với gã. Thắng gà chọi là tấm gương rực rỡ, sáng ngời buộc chúng tôi phải rọi soi vào đó. Bởi, hắn không chỉ dễ bảo, mà còn học giỏi, được đưa vào những ổ, lò chuyên luyện thi cấp quốc gia, cấp Olympic quốc tế. Hắn luyện kinh đến nỗi đám gà chọi ăn tiền của mấy gã hàng xóm cũng phải xanh mắt mèo. Ngày còn đi học, thỉnh thoảng tôi có gặp Thắng. Hắn lừ lừ, da dẻ tái xanh như cớm nắng, với chiếc kính cận dày như đít chai. Nhìn chúng tôi đánh bi, đánh đáo hắn cứ ngơ ngơ ngác ngác, như vừa ở hành tinh khác đến vậy. Nghe nói những năm cuối thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, hắn tham gia thi Olympic toán học quốc tế. Chẳng biết có được giải giếc gì không, nhưng ngay sau đó hắn được sang Đức tu luyện tiếp…
Cứ tưởng Thắng gà chọi sang Đức là chúng tôi sẽ thoát nạn. Nhưng không, hình ảnh hắn cứ như ma ám vào chúng tôi. Dù đã học xong, đi làm, trở thành người lớn rồi, vậy mà chúng tôi vẫn bị mang ra so sánh, soi chiếu, mỗi khi thùng hàng của hắn từ Đức gửi về. Lần cuối tôi gặp hắn vào giữa thập niên tám mươi. Trước đó bốn năm, tôi bỏ việc nhà nước, để hành nghề buôn lậu. Còn hắn, nghe nói, học xong phá bĩnh ở lại Đức, quắp thêm một em mắt xanh mỏ đỏ, và làm thông dịch, hay gì đó. Kỳ phép lần ấy, hắn cùng bạn bè đóng khá nhiều thùng với những hàng hóa rất cần, và giá trị ở Việt Nam lúc đó. Hắn không chỉ là vị cứu tinh của gia đình, mà còn là hình ảnh, niềm mơ ước của nhiều kẻ xung quanh. Do vậy, hắn khệnh khạng chẳng khác chó gì mấy gã (thủy thủ) Vosko ở Hải Phòng, hay Saigon. Tuy nhiên, những thùng hàng của hắn bán lẻ thì rất lâu, hơn nữa không phải ai cũng có tiền để mua, hoặc trả tiền ngay. Cho nên, muốn một phát ăn ngay, tiền chao cháo múc, hắn buộc phải tìm đến chúng tôi, những kẻ buôn lậu.
Giải quyết hàng hóa xong, Thắng gà chọi khoái lắm, nhờ tôi dẫn đi thưởng thức phía sau của Hà Nội về đêm. Và nhìn hắn giày vò Hà Nội cứ như một đứa trẻ chưa từng (bao giờ) được bú, được chơi, (không hiểu sao) tôi hơi bị xúc động. Thế mới lạ…
Thấy tôi định bước vào Đức Anh Quán, Thắng gà chọi gạt tay, và kéo thốc tôi tới một quán ăn ở phía sau chợ. Ở đó, lố nhố có mấy gã dường như đang chờ Thắng gà chọi. Chẳng biết mấy gã này đã uống nhiều hay chưa, thấy tôi đi cùng Thắng nhao nhao xỉa xói:
-Ông này trước học trường nào, ở đâu, trông lạ hoắc thế này!
Đoán là đám cựu sinh viên, gà chọi cùng hội của Thắng, tôi cười cười:
-Học hành chó gì đâu, làm nghề úp mặt vào chảo thôi.
Mở tủ lấy cho tôi chai bia, Thắng gà chọi lên giọng: Đây là ông bạn hàng xóm ở Việt Nam. Rồi hắn quay sang tôi, chỉ mặt từng gã liếng thoắng: Thằng này thi đại học 28 điểm, con Phó chủ tịch tỉnh Thái Bình, cùng Humboldt với Phạm Thị Hoài. Thằng kia thi 29 điểm, cựu Hàn Thuyên, Bắc Ninh rồi đến Tổng hợp, đã từng đạt giải nhì toán toàn quốc, học với Dương Kiều Hoa đấy… Chẳng biết Thắng gà chọi bới móc, hay lật lại dĩ vãng, khoe mẽ tiểu sử nhằm mục đích quái quỷ gì, tôi liền cắt ngang lời: – Dừng lại đi, nghe tiểu sử các bố mấu cạnh quá, tôi hoảng, chuồn ngay bây giờ.
Có lẽ, chẳng cần phải hỏi han, chỉ nghe mấy lời cãi vã, đùa cợt, với những câu chuyện không đầu, không cuối trên bàn nhậu này, có thể biết ngay, mấy bác cựu gà chọi này chuyên làm nghề dịch vụ giấy tờ, hoặc làm thuê, cuốc mướn ở đâu đó quanh đây.
Đang hứng thú, định làm phát cạn ly với tôi, chuông điện thoại đổ dồn, Thắng gà chọi vội đặt ly bia xuống, hai con mắt hấp háy: Con vợ đấy.
Nghe tiếng đàn bà Việt choang choác trong máy, tôi hơi ngạc nhiên…Và chờ Thắng gà chọi dứt câu chuyện, tôi hỏi:
-Nghe nói vợ ông người Đức, sao lại…?
Thắng gà chọi cười ha hả:
-Đây là tập thứ mấy rồi ông ơi!
-Thế cũng hơi buồn ông nhỉ? Tôi làm ra vẻ đồng cảm. Thắng ngẩng lên nhìn tôi ngạc nhiên:
-Buồn cái chó gì! Hoàn cảnh và qui luật thôi. Đã già nửa cuộc đời sống ở Đức, mà ông ấu trĩ, lạc hậu bỏ mẹ đi được.
Tôi ngơ ngác, không hiểu. Đang định hỏi lại, Thắng gà chọi đã tiếp lời: Văn hóa Đông và Tây chỉ có thể dung hòa, chứ không thể hòa tan nhé. Do vậy, sự đứt gánh dọc đường giữa tôi và con vợ Đức xảy ra là điều tất yếu thôi. Còn vài tập sau, tuy cùng văn hóa nước mắm, nhưng quắp nhau do hoàn cảnh thôi. Chứ nhiều khi yêu đương nồng thắm đấy cũng chẳng ở với nhau được đâu ông ạ. Dừng lại giây lát… bất chợt Thắng gà chọi vỗ đùi đen đét, rồi thọc ngón tay lên trời phân trần: – Con vợ tôi ấy à, chỉ làm cái công việc trông trẻ, nhưng bảo đảm, những thằng chủ chợ, hay giầu có nhất Berlin này, không thể nào có lái xe đưa đón sịn như nó, một Tiến sĩ khoa học là tôi.
Thắng gà chọi vừa dứt lời, tôi chưa kịp phản ứng, thấy có bà phấn son trát như tượng ở trên mặt, từ đâu xộc đến, chĩa thẳng tập giấy vào mặt hắn: – Văn phòng không ngồi, bác chui lủi ra tận đây, làm em tìm từ nãy đến giờ. Cái lão nhà em nhận giấy trục xuất rồi, bác xem ủ mưu tính kế thế nào chứ. Gay go rồi…
Không để cho người đàn bà nói hết, Thắng gà chọi liêu xiêu đứng dậy, bảo tôi chờ tý, rồi kéo người đàn bà ra xe, ở nơi góc khuất….
Không biết từ sáng đến giờ, Thắng gà chọi uống nhiều hay ít, song chất giọng lè nhè có vẻ kẻ cả ấy, không phải hoàn toàn vô lý. Bởi, thành phố tôi cư ngụ có khá nhiều thành phần như Thắng gà chọi. Ngoài ra còn có mấy bác tiến sĩ già, học và ở lại Đức đã ngót sáu chục năm. Bác nào cũng bị đứt gánh giữa đường cả. Xem ra, tính nết khó trở lại được bình thường. Chẳng vậy, có người còn quả quyết rằng: Đi trên đường, nhìn thấy người Việt mồm ngam ngáp, miệng lẩm bẩm, vỗ vai đồng hương xin điếu thuốc… thì đích thị là thành phần cựu gà chọi này, chứ không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Có lẽ, nhận định và suy nghĩ trên mang tính cực đoan, vơ đũa cả nắm chăng? Bởi, tôi có mấy gã bạn: Vũ Quang Vinh, Trần Bách ở Balan, Ngô Thanh Hoàn ở Nga, hay Ngô Lụy Thừa ở Tiệp… gốc gác (con nhà) công nông binh cả, đều đủ điểm du học. Đường đời nhiều phen lên voi xuống chó, ấy vậy các gã vẫn kiên trì, năng nhặt chặt bị, tạo dựng ra chỗ đứng cho riêng mình. Mấy lần, tôi đã kiểm tra mồm miệng các gã này còn tròn vành vành, chứ không (hay chưa) thấy sự lẩm bẩm, méo mó của những cái ngáp trường kỳ…
Khi Thắng gà chọi quay lại, thì gã cựu học sinh Hàn Thuyên, Tổng hợp khởi động cho chương trình thơ ca. Chẳng hiểu thi ca có bùa mê thuốc lú gì cứ có tý rượu bia vào là các bác lăn xả vào cứ như ma ám. Cứ người đọc, kế đến là người bình, rồi cùng nhau hò hét, vỗ tay cứ đôm đốp. Những cuộc trình diễn đọc và bình thơ trên bàn nhậu diễn ra thường xuyên thì phải, bởi nhìn mặt các bác bưng bê phục vụ không hề có một chút cảm xúc. Chỉ mấy cháu ngồi ở góc quán có lẽ sinh đẻ ở Đức, lần đầu bắt gặp, tưởng các bác đang lên cơn động kinh. Thơ ca đến đỉnh cao trào, làm tôi nhớ đến mấy gã văn nhân nửa mùa cũng ở Berlin này, liền quay sang Thắng gà chọi hỏi. Tôi vừa nhắc tên, Thắng gà chọi đã nhăn mặt, phẩy tay:
-Không nhắc đến ma ở đây nhé!
Nghĩ, có lẽ Thắng gà chọi uống nhiều đã đến lúc tưng tửng rồi, nên tôi không lưu tâm, và hỏi tiếp:
-Mấy gã ấy, văn thơ đọc cũng tạm được đấy chứ?
Tôi chỉ rủ rỉ nói, và giữa chốn ồn ào như vậy, không hiểu sao cả bàn đều nghe thấy. Mặt các bác cựu lưu học sinh đỏ phừng phừng như gà chọi, chỉ vào tôi, nửa đùa, nửa thật:
– Làm nghề úp mặt vào chảo như ông biết chó gì về thơ văn mà đánh giá, bình luận… Thơ văn của mấy thằng ấy …vứt…vứt…
Tôi hơi bị mất hứng, nhưng không buồn, chỉ thương cho tâm hồn thiếu hụt và mang đầy thương tích của các bác cựu du học sinh này. Tìm, và dựa vào dĩ vãng, cùng những câu thơ nhạt phèo, các bác muốn che đậy cái yếu kém, cũng như khoảng trống của tâm hồn chăng. Tuy nhiên, các bác đã lầm. Bởi, mỗi lần các bác gồng mình, từ trong sâu thẳm, nỗi đau, sự yếu kém, khoảng trống đó càng khoét rộng hơn lên.
Và cũng chính những lò luyện thi tạo ra một bầy gà chọi của một thời bao cấp, cùng độc tài đã giết chết tuổi thơ, làm cho hồn người bị thiên lệch. Cuộc sống này đâu chỉ có toán học, và những văn bằng tiến sĩ để dọa người, mà còn phải có những kẻ biết úp mặt vào chảo nữa. Không huyễn hoặc, hãy sống thật với chính mình với hiện tại, thì cuộc sống sẽ trả ta về với giá trị ban đầu vốn có…
Tôi đã nói những suy nghĩ như vậy với Thắng gà chọi, khi chia tay. Hắn cười buồn, và bắt tay tôi thật chặt.
Trời đã về chiều. Cái nắng vẫn còn kéo bầu trời Berlin lên đến 33 độ. Lên xe rồi, mà dường như vẫn còn văng vẳng bên tai tôi tiếng đọc thơ của Thắng gà chọi và những người bạn…
Đỗ Trường
Leipzig, Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét