Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

Chuyện ở cửa hàng - Lưu Huỳnh


Cửa hàng nhỏ vào buổi trưa cuối tuần mà vẫn chỉ có lác đác vài người ra vô. Nhỏ Giang ngồi ngáp lên ngáp xuống ngay quầy tính tiền không biết bao nhiêu bận.Chú bảo vệ già bên ngoài lăng xăng đón khách, dắt xe, gửi thẻ... Thảng hoặc mới lại có một hai người ghé vào nên chú khỏe lắm,phục vụ khách rất nhiệt tình. Không như mấy nhân viên giữ xe trong quán cà phê, shop quần áo trong thành phố mà Giang hay đi với bạn; những nơi đó đông đúc đến mức bảo vệ phát mệt, chỉ ngồi một chỗ nhìn,hất hàm chỉ chỗ rồi khách tự xếp xe,tự ra lấy thẻ gửi...Giang ngáp xong, nó len lén liếc nhìn anh Thái trưởng ca, sợ bị phát hiện. 
<!>
Khách cũng ít nênThái cũng không có gì cần giải quyết, không cần phải kiểm tra gọi điện đặt thêm hàng. Thái ngồi tụt vào một góc, né hướng chiếu của chiếc camera an ninh mà bình thản đánh game trên điện thoại.
Giang lại ngáp thêm lần nữa, gần 12 giờ, giờ lẽ ra phải mua sắm nhộn nhịp, chuẩn bị cho bữa cơm trưa cuối tuần cho gia đình mà cái cửa hàng nơi nó làm vẫn cứ vắng vắng thế nào. Nó rầu thúi ruột, không khéo nó và cả nhóm lại phải móc thêm tiền túi để mua hàng cho đủ chỉ tiêu của ngày hôm nay...

Giang vừa học xong lớp 12 thì thi rớt đại học. Nên thay vì như mấy bạn cùng xóm tiếp tục vô thành phố học tiếp, nó đành ở lại vùng quê ngoại thành này kiếm việc làm chứ cũng chẳng thiết tha ôn luyện gì cho kỳ thi năm tới. Quanh chỗ Giang thiếu gì nhà máy, công ty, khu công nghiệp... chỉ cần có bằng phổ thông trung học như nó là đã xin được một công việc lao động bình thường. Gọi là huyện ngoại thành chứ chỗ nó ở quê không ra quê, phố không hẳn phố, cứ sàn sàn quãng giữa. Sáng, Giang có thể tếu táo chạy thẳng vào trung tâm cà phê cà pháo cùng lũ bạn, trưa vẫn về kịp để ăn cơm nhà. Nó lêu bêu đâu chừng mấy tháng thì chán, bạn bè cũng bận bịu công việc hoặc còn cắm đầu học hành, đâu thể cứ cúp tiết ngồi tán dóc cùng nó hoài. Với lại đi riết hồi nó cũng cảm thấy sút kém, không biết nói với nhau chuyện gì, khi nhận ra quanh bạn bè mình lúc này đều là những mối quan hệ khác, những điều lưu tâm khác, thậm chí suy nghĩ cũng dần đã khác. Nó quyết định làm hồ sơ xin việc, đi làm. Ngó vậy chớ cũng trần ai, mới đầu thấy nhiều công ty xưởng sản xuất ở chung quanh, tưởng dễ dàng chứ đâm đầu vào xin mới thấy khó. Chỗ thì nó thấy không phù hợp chỉ sau ngày làm việc đầu tiên, chỗ thì người ta lại thông báo cho nó nghỉ ngay buổi sáng hôm sau, vì chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Cho tới khi dì Sáu hàng xóm kêu vào cửa hàng bán lẻ này làm, là chỗ quen của dì trước đây, nó mới được nhận và túc tắc đã trải qua được mấy tháng.
Thấy Giang nhỏ người, ốm yếu, nên mọi người cũng không giao nó bưng bê cắt gọt gì nặng nề, nó chỉ việc đứng ở quầy thu ngân tính tiền mà thôi. Quy mô cửa hàng này cũng khá nhỏ, kiểu giống như một siêu thị mini tiện lợi, phục vụ đủ nhu cầu tối thiểu cho dân cư xung quanh nên việc cũng nhàn. Diện tích cũng chỉ vừa tầm một căn nhà trung bình. Chung quanh là gian kệ lắp sát tường, được bày kín bởi những món thực phẩm khô, thực phẩm tươi, rau củ quả trái cây các loại. Phía góc bên kia là một quầy nho nhỏ bày ít đồ gia dụng, hàng hóa mỹ phẩm phục vụ cho nhà tắm, nhà bếp... và hết. Ở đây hoàn toàn không có đồ thời trang, điện máy hay những hàng hóa cồng kềnh gì.
Vậy chứ, theo như anh Thái vẫn hay nhắc nhở, cửa hàng mình mỗi ngày phải duy trì mức doanh thu, bán hàng tối thiểu 20 triệu mới đủ cho chi phí vận hành và đủ để tiếp tục tồn tại nơiđây. 3 tháng liên tục nếu doanh thu dưới mức này thì sẽ phải đóng cửa, trả mặt bằng gom đồ giao qua chỗ khác và anh em, chú cháu mình đều thất nghiệp. Anh Thái hướng mắt chỉ về cả chú giữ xe già còn đang lụm cụm bên ngoài. Ban đầu, Giang nghe nói thế cũng run lắm. Chỉ lo ngay ngáy doanh số của cửa hàng mỗi ngày, nó ráng tính đủ, tính kỹ từng mục chỉ sợ mất hàng, hụt tiền, thất thoát sản phẩm... Cuối mỗi ngày, nó nán lại phụ cộng tiền hàng, kết sổ cùng anh Thái. Hôm nào hơn mức đặt ra là yên tâm.

Mấy tháng đầu cũng tạm ổn, đủ doanh số chi trả tiền điện, tiền mặt bằng, tiền lấy thêm hàng... đủ chi lương cho nhóm người đang phục vụ. Cửa hàng mở từ sáng sớm, nên phải chia 2 ca, thành ra có tới 2 nhóm người. Giang và nhỏ Ngân chia nhau trực quầy tính tiền. Chú Tám giữ xe bên ngoài thì rủ thêm một ông bạn hàng xóm cũng đang thất nghiệp vào chia ca làm với chú. Anh Thái thì chỉ coi vòng ngoài, thoắt ẩn thoắt hiện, không cần có mặt đủ 2 ca thường trực, nên anh cũng tự thu xếp việc của mình. Thu nhập đủ trang trải cho cửa hàng vận hành, cũng bảo đảm đủ lương bổng cho từng ấy người. Chưa kể, những hôm hàng hóa kẹt, bán không được mà “cận date” thì cả đám còn được chia nhau mua giá rẻ hoặc cho không cầm về luôn. Nhưng bù lại, những ngày nào doanh số bán không đến 20 triệu, thiếu một ít... thì sẽ phải bấm bụng lấy tiền riêng mua thêm ít hàng để doanh số lên cho đủ. Cũng may là cửa hàng tiện lợi nên những món “bắt buộc” mua ấy cũng hữu dụng cho gia đình, không dùng lúc này thì lúc khác vậy.
Dạo gần đây, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, các công ty đổ về khu này nhiều, lượng công nhân tăng dần thêm. Cả nhóm chưa kịp vui vì thấy người vào mua hàng nhiều thêm thì đã phát rầu bởi nhiều hãng khác cũng đua nhau lập gian hàng cung cấp sản phẩm tiện lợi, chưa kể, chợ truyền thống gần đó cũng nô nức “cấp tập” bổ sung đủ loại hàng hóa để phục vụ. Cái cửa hàng nhỏ nơi Giang làm bỗng trở nên ít khách hơn bởi người mua hàng lúc này đã có quá nhiều địa điểm lựa chọn để mua đồ thiết yếu cho gia đình. Thậm chí, họ cũng đâu cần ra khỏi nhà, ngồi click đặt hàng online, thanh toán chuyển khoản thì tầm 4 tiếng đồng hồ sau đã có người giao hàng đến tận nhà, không cần phải đội nắng đội mưa ra ngoài chi cho mệt.

Mấy tuần gần đây lượng người mua ít hẳn đi, doanh số cửa hàng tụt thê thảm. Hụt mỗi ngày vài trăm ngàn cả đám còn chia nhau xoay tua mua hàng thêm được, chứ hụt tới 5, 10 triệu một ngày thì lấy đâu ra mà đắp. Anh Thái vắt óc nghĩ đủ các chương trình khuyến mãi để đẩy bớt hàng, tăng doanh số bán... từ quấn thêm hàng bán kèm, hàng cho tặng, cho đến mua sản phẩm thứ hai chỉ còn nửa tiền, thậm chí mua một tặng một mà cũng không đỡ hơn bao nhiêu.
Không thể lôi kéo thêm người mới vào, cả đám bắt đầu nghĩ đến việc dựa vào lượng khách hàng hiện có để tăng doanh số. Cửa hàng đã ở đây được gần cả năm trời rồi, cũng có được một lượng khách hàng quen thuộc, tuy không nhiều nhưng sức mua cũng ổn định vì họ đã quen với việc mua hàng ở đây. Đang nấu ăn sực nhớ thiếu món gì cũng chạy tới đây lấy, riết rồi quen mặt luôn, biết rõ luôn những món họ sẽ chọn trong những đợt mua hàng kế tiếp.

Tiếng là cửa hàng tự chọn, hàng đã bày sẵn trên kệ, có niêm yết giá lẫn các chương trình khuyến mãi khác để khách hàng tự quyết định mua, thật ra anh Thái luôn đon đả chào mời, giới thiệu đủ các kiểu ngay khi họ mới bước chân vào. Anh chỉ những món khuyến mãi hôm nay, ưu tiên những hàng thực phẩm tươi sống gần hết hạn, chỉ những món hàng được giảm giá nhiều và không quên nhắc họ, nếu không mua liền hôm nay thì mai cũng không còn áp dụng chương trình này hoặc người khác đã nhanh tay mua hết... Khách hàng nghe bùi tai, thế là cũng tặc lưỡi quyết định lấy thêm một ít. Thì toàn là hàng thiết yếu, đằng nào cũng phải dùng tới. Món nào cận date chút thì mình cứ đem về dùng liền luôn, được cái giá rẻ, mềm hơn so với việc phải mua đúng giá vào ngay lúc nhà mình cần đến nhất. Cứ vậy mà doanh số nâng dần lên được một chút đủ để cả đám hể hả với nhau.
Chiêu cuối cùng, là ở bộ phận tính tiền, chỗ của Giang và nhỏ Ngân. Khách mới vào mua hàng thật sự không nhiều, nên chỉ còn cách làm tăng thêm số tiền phải chi ra của nhóm khách hàng cũ. Sau khi anh Thái tư vấn khiến họ quyết định lấy thêm một ít vào giỏ thì lúc tính tiền chính là cơ hội thao tác của hai đứa. Cũng nhẹ nhàng, chứ không quá khó, tùy tình trạng của khách ngay lúc đó mà chúng tính tiền sao cho hợp lý.
Ví dụ, ở trong ghi chương trình khuyến mãi giảm giá món thứ hai, Giang vẫn điềm tĩnh tính 2 món vẫn cùng một giá bán hệt như bình thường, hoặc sản phẩm được quấn vô thêm một món khác ghi rõ “mua 1 tặng 1”, nhằm lúc khách hàng đang đứng nói chuyện vui vẻ không để ý, Giang vẫn cứ tính là 2 món riêng biệt. Thanh long ruột đỏ giá thấp, thanh long ruột trắng giá cao hơn; chuối cũng có hai ba loại, đu đủ ruột đỏ, ruột vàng yết giá khác... nhưng khách lấy hàng nào, Giang cũng ưu tiên bấm mã có giá cao nhất. Nó chắc mẩm luôn rằng nếu có ai về tra hóa đơn phát hiện thì cũng sẽ chống chế bị nhầm thôi.

Một bà mẹ đang đứng chờ tính tiền, đứa con tầm 2 tuổi cứ hiếu động chạy nhảy khiến chị phải dòm chừng, giữ gìn, tránh va đụng trong cửa hàng hết sức vất vả thì đó là lúc Giang tính một món thành hai, một lốc sữa nhỏ có thể được đưa qua máy quét mã vạch đến 2 lần hoặc nó điềm tĩnh nhấn thêm số 2-3 đơn vị trong ô số lượng hàng... Một anh chàng cười đùa vui vẻ với Giang, vì đến mua hàng đã quen mặt, lại còn trêu ghẹo nó bằng cách đọc to rõ cả họ lẫn tên được in trên thẻ nhân viên của Giang. Thì, trong lúc anh nói chuyện rổn rảng cũng là lúc Giang điềm nhiên tính thêm tiền trong hóa đơn mà không hề nhận ra.
Đâu phải lúc nào bộ phận thu ngân cũng làm trót lọt mấy trò mờ ám này. Có một vài người kỹ tính, về đến nhà soạn đồ trong bịch ra, ngồi đối chiếu với hóa đơn thì biết tính tiền bị nhầm, xách xe chạy ra kêu ầm lên. Cả đám phải kiểm tra, xin lỗi rồi tính lại... Nhưng phần lớn sẽ không phản ứng gì mạnh, có mấy chục ngàn, mất công quay ra lại giữa trưa nắng, mất thời gian. Mà, mình cũng trả đúng giá sản phẩm, chẳng qua người ta quên giảm như chương trình đã niêm yết thôi, chỉ là không được giảm, chứ đâu mất bao nhiêu. Hoặc chắc con bé thu ngân nay mệt, tính nhầm, mươi mười lăm ngàn tới đâu, bữa khác ra nhắc lại. Nhưng, bữa khác thì lại là một câu chuyện khác rồi, không còn giữ hóa đơn, cũng không có bằng chứng gì thêm thì bọn chúng cũng chỉ nghe có vẻ chia sẻ rồi cười cười cho qua chuyện và lại hướng dẫn họ mua món mới...

Công việc ngẫm ra có vẻ hơi bất nhẫn, nhưng rồi Giang cùng nhóm của mình cũng tặc lưỡi nghĩ, mình cứ vì mình trước đã. Mấy chục ngàn tới đâu, trong xã hội lúc này, nhiều người còn lừa lọc nhau số tiền lớn hơn, kinh khủng hơn nhiều! Cho đến một ngày...
Anh là một trong những khách hàng quen của cửa hàng. Anh chắc là công nhân viên chức bình thường vì đôi lần Giang thấy anh mặc bộ đồng phục lao động của một công ty. Trên đường đi làm về, anh sẵn tạt ngang mua ít đồ nấu ăn cho gia đình. Số lượng mua không nhiều,tiền hàng mỗi lần Giang tính tầm trên dưới chừng 300 ngàn. Anh chọn mua toàn thực phẩm, hàng tươi sống sơ chế, hoặc rau củ quả về nấu thêm chút là đủ bữa ăn cho nhà. Hình như anh chỉ ở cùng với 2 đứa con vì thỉnh thoảng chiều Chủ Nhật lại thấy anh chở 2 chị em ghé ngang mua ít đồ lặt vặt. Bé chị chăm chăm lấy bánh trái, nước ngọt còn thằng em khoảng 4 tuổi thì chạy vòng vòng chỉ cố ý tìm mấy lốc sữa có kèm máy bay, xe tăng, siêu nhân... Những món đồ chơi nhựa rẻ tiền thu hút đám trẻ nít mà anh Thái đã hì hục quấn thêm bằng băng keo vòng quanh lốc sữa, để ra phía đầu quầy, gây chú ý cho dễ bán.
Anh cũng hay cười vui với Giang. Có hôm trưa Chủ Nhật ghé mua hàng xong, anh ra xe lấy vô cho Giang chai trà sữa, nói của Nhà thờ nấu bán gây quỹ, anh mua ủng hộ nên dư cho em. Giang cũng hay chủ động đổi cho anh mấy bịch rau củ quả tươi hơn lúc tính tiền, khi thấy tội nghiệp anh chàng cứ bốc bịch hàng bên phía ngoài, là những gói hàng cận date mà anh Thái đã cố tình trưng ra đằng trước.
Hôm ấy, anh ghé một mình, cũng như thường lệ trên đường làm về, khoảng gần 6 giờ tối. Giang vẫn lấy hàng trong giỏ bấm tính tiền như bình thường. Có một chai dầu ăn, hình như anh Thái đã giảm giá theo chương trình mới, bớt khoảng 5 ngàn sao đó. Giang nhớ mang máng vậy, nhưng thay vì check lại giá với anh Thái, nó điềm nhiên quẹt mã vạch đúng giá cũ. Rồi tính tổng tiền hóa đơn bình thường, như một thói quen. Anh không kiểm tra lại, cứ trả tiền rồi về. Vậy mà, khoảng hơn 20 phút sau, anh quay lại cửa hàng với vẻ mặt hầm hầm cau có. Anh chìa chai dầu ăn với cái hóa đơn tính tiền ra trước mặt Giang và hỏi lớn:
– Sao món này ghi chú giảm giá, mà trong hóa đơn vẫn tính đủ tiền?

Anh Thái nghe ồn ào lật đật chạy lại, biết tỏng mọi chuyện chứ nhưng vẫn làm ra vẻ như mới nghe lần đầu. Nghe Thái hỏi, anh lôi xềnh xệch Thái đến quầy hàng, chỉ vào tấm giấy yết giá màu vàng, ghi rõ: “Giảm giá 5 ngàn, áp dụng trong thời gian từ ngày..đến ngày..” nghĩa là vẫn còn hiệu lực ở ngay thời điểm này.
Thái lúng búng giải thích:
– Dạ, anh thông cảm, này chắc em mới “áp” lên, hệ thống còn chạy giá cũ, chưa cập nhật kịp! Thôi để tụi em tính lại, trừ tiền ra cho anh!
Mặt anh vẫn hầm hầm, nhiều lần rồi, lỗi này lỗi kia, về thấy tính sai mà anh mắc nấu ăn, không quay ra hỏi được. Nay bực quá phải chạy lại la lên đây! Giảm năm ba ngàn không tới đâu, đi hỏi tới lui cũng mệt, nhưng mà cái cảm giác bị lừa của người mua anh không nuốt trôi được.
– Mấy đứa khỏi tính lại, khỏi trừ tiền đi, xem như nay là lần cuối tôi mua hàng ở đây!
Rồi anh quày quả cầm chai dầu ăn ra về.Giang với anh Thái ngồi thừ ra ở gần quầy tính tiền, đầu óc ong ong, chẳng biết nên làm gì tiếp theo, làm sao cho đúng. Giang nhớ lại buổi nói chuyện với đứa bạn vừa học xong, được nhận vào làm trong một tập đoàn lớn. Bạn kể, bài đầu tiên khi bước chân vào môi trường làm việc là bộ phận nhân sự đã giải thích rõ về mô hình kinh doanh, yêu cầu công việc và giúp cho mọi người nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của mình, đóng góp vì sự phát triển chung. Nên thay vì người lao động đi làm với sự buồn chán, cảm thấy không được trân trọng, dẫn đến hiệu quả công việc cũng không có, thì hãy đi làm với tâm thế biết ơn về công việc mang lại, cùng với ít nhiều đam mê. Giang cũng không biết mình có đam mê gì ở đây. Chỉ là một trong những công việc kiếm tiền, giết thời gian, thay vì đi long bong tiêu tiền nhà một cách vô bổ. Nhưng ở đây gần cả năm hơn chẳng giúp nó tiến thêm được chút nào, giao tiếp nhiều đó, tiếp xúc nhiều đó, nhưng cũng chỉ để tìm cách qua mặt nhau khi tính tiền mà thôi. 

Giang khẽ khàng nói với Thái:
– Chắc em xin nghỉ việc anh ạ! Em muốn tìm một chỗ làm nào khác vui vẻ hơn,thân thiện mà nhẹ nhàng hơn!
Thái gật gù:
– Uhm, em còn trẻ, cũng không áp lực kiếm tiền nhiều, chỗ nào vui, hạnh phúc thì làm!
Vài tháng sau, Giang xin vào làm trong văn phòng một doanh nghiệp trong khu Công nghiệp gần nhà. Chạy ngang cửa hàng cũ, nó thấy đã treo bảng: “Trả mặt bằng!”
Bên trong lạnh tanh, trống huơ trống hoác....

Lưu Huỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét