Nhắc nhở, Chủ Nhật Tuần Này, Ngày 24 tháng 11! Đại Lễ Quan Trọng Nhất, Lớn Nhất, của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Ngày Giáo Hội Công Giáo Rô Ma, Nâng 117 Vị Chân Phước Tử Đạo Việt Nam, Lên Hàng Hiển Thánh!
*Niềm hãnh diện của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã nâng 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh! Giáo Hội Công Giáo Rô Ma, đã chọn ngày 24 tháng 11 hằng năm, để cả hoàn vũ, mọi người Công Giáo trên toàn thế giới, cùng mừng kính Các Ngài!
Riêng Tại San Jose: Đại Lễ Mừng Tại Nguyện Đường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, (Nơi Giữ Các Xương Thánh Nhiều Nhất, Đầy Đủ Nhất Tại Hải Ngọai!) Số 685 Singleton Rd, San jose, Ca 95111. Cả một chương trình quy mô mừng kính (xin theo dõi quảng bá đính kèm) Sau thánh lễ, có thiết đãi ăn trưa, với nhiều món ngon và chương trình văn nghệ, với đoàn trống Lasan và rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi!
Sống lại giây phút vinh quang: Đại lễ phong Hiển Thánh 117 Vị Tử Đạo Việt Nam, do ĐGH Gioan Phaolô II chủ phong tại Rôma Năm 1988
(Đọc lại bài tường thuật của Đức Ông Trần Ngọc Thụ, Bí thư ĐTC Gioan Phaolô II, Cáo Thỉnh Viên Án Phong Thánh.)
Giáo Hội Công Giáo Rô Ma đã chọn ngày 24 tháng 11 hằng năm, để tất cả hoàn vũ cùng mừng kính Các Ngài! Khắp Nơi, Chủ Nhật Tuần Này: Đại Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo VN!
Trước ngày Đại Lễ
1 - Trong vụ Án Phong Thánh Việt Nam, tất cả 117 vị đã là Chân Phước, đã được tôn vinh trong 4 đợt trước (những năm 1900,1906, 1909 và 1951) đã có 4 phép lạ (bệnh nhân được chữa lành và được bác sĩ đoàn xác nhận- Trần Ngọc Thụ: Giáo Hội Việt Nam I- vụ Án Phong Thánh, St. Michael Printing, USA, 1987, tr.48-54), chỉ còn làm lại hồ sơ theo thủ tục hành chánh để nộp lên Bộ Phong Thánh. Bởi vì tất cả 117 Vị đều là Thánh tử Đạo, nên chỉ cần một phép lạ duy nhất, hay là còn có thể xin Tòa Thánh tha cho nữa. Vì là một đặc ân quá lớn lao, chúng tôi chỉ xin Đức Hồng Y Palazzini, trong tư thế Bộ Trưởng Bộ Phong Thánh, đại diện cho hàng Giám Mục VN, đứng lên xin Tòa Thánh tha điều kiện phép lạ. Lý do mạnh mẽ ủng hộ điều kiện này chính là sự thăng tiến kỳ diệu của Giáo Hội Việt Nam qua hơn 400 năm lịch sử hào hùng đã trình bày trước đây. Không thể giải thích sự thăng tiến đó ngoài thiên định của Thiên Chúa: hơn 400 năm khai nguyên và phát triển hùng mạnh là một phép lạ triền miên.
2 - Tin ngày Phong Thánh vừa được ĐGH Phaolô II tuyên bố, khác nào tiếng sấm động, vang ra khắp năm châu bốn bể. Tinh thần giáo dân nổi dậy như sóng cồn, chỗ nào cũng nghe bàn tán chuyện đi Rô-ma dự lễ Phong Thánh. Ủy Ban Phong Thánh được thành lập cấp tốc. Ba lần các linh mục Việt Nam khắp thế giới về họp tại La-Mã để hoạch định chương trình và phân phối công tác tỉ mỉ cho từng cộng đoàn, từng lục địa. Các khách sạn lớn chung quanh Vương Cung Thánh Đường Phêrô đã được giữ hết chỗ một năm trước. Người ta dự đoán số người về tham dự tối đa là 5000. Ba tháng trước đại lễ con số đã 6 ngàn rồi tăng lên 7 ngàn,
Sau cùng là 8250 giáo dân Việt Nam từ 27 nước trên 4 lục địa Á Châu, Âu Châu, Mỹ Châu và Úc Châu...Từng đoàn người đổ về các ga xe lửa và sân bay Ý Đại Lợi. Thêm vào đó, 560 linh mục, nam nữ tu sĩ tới Rô-ma với tư cách riêng, hay là tháp tùng các đoàn thể của mình theo tư cách tuyên úy. Các tiệm bán ảnh tượng chung quanh Tòa Thánh Vatican, các tiệm ăn thấy toàn áo dài và khăn xếp VN. Trên các nẻo đường nghe rõ tiếng con cháu Rồng Tiên thao thao bất tuyệt và gọi nhau ơi ới. Sao mà vui nhộn đến thế! Tất cả rừng người này, chiều hôm thứ bảy 18/6/1988 sẽ kéo nhau về Quảng Trường Thánh Phêrô, để dự cuộc rước kiệu di hài các Thánh Tử Đạo VN và dâng hoa kính Đức Mẹ.
Cuộc rước kiệu là một cảnh tượng hết sức lạ mắt và vô cùng ngoạn mục, nhất là trước con mắt người ngoại quốc. Họ trèo lên tường, lên đế cột đèn điện, lên ghế cá nhân để bàn tán, chiêm ngưỡng. Đây là công lao vượt mức trong việc chuẩn bị, may sắm, tập dượt, từ ca nhạc đến đoản kịch, nghi lễ...đủ mọi bộ môn theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phải ca ngợi và thán phục tinh thần phục vụ tối đa của giáo dân Việt Nam tại Mỹ Châu trong dịp này. Từng đoàn quý ông mặc áo thụng màu xanh, từng đoàn quý bà mặc áo dài nhung, gấm màu đỏ, rồi đồng phục màu vàng của các ca đoàn, của 50 em thiếu nhi trong ban vũ đến từ Portland. Đấy là chưa kể đến các thiếu nữ trong đội lính thú ngày xưa với y phục nón chóp xà cạp đỏ và ban Văn Tế, cùng đội chiêng trống, lọng chầu...với y phục nghi lễ Á Đông. Người bản xứ rất thích thú trước hoạt cảnh một vị hưởng chức trong trong y phục đại lễ cổ truyền với khăn xếp màu đỏ, cứ tiến một bước lại lùi một bước, và trịnh trọng điểm một dùi trống lên mặt chiếc đại cổ (trống lớn) do hai chàng thanh niên vạm vỡ khiêng trên vai. Lúc 21 giờ đêm, từ Điện Vatican, chứng kiến cuộc rước kiệu này, ĐTC Gioan Phao-lô II đã cho lệnh mở cửa sổ văn phòng để đích thân ban phép lành cho đoàn con Việt Nam đang diễn hành trên Quảng Trường Thánh Phêrô.
3 - Ngày hôm sau, Chúa Nhật 19/6/1988, biển người nói trên lại tập chung về Quảng Trường Thánh Phêrô, chung hàng ngũ với 10 ngàn người Tây Ban Nha, gần 4 ngàn người Pháp và chừng 10 ngàn du khách thập phương, cùng với giáo dân người Ý, nghe tin đồn thổi cũng tuốn đến dự lễ Phong Thánh Tử Đạo VN. Vì ở vào giữa tháng 6, nghĩa là đã giữa mùa hè, mặc trời mọc sớm, khí hậu nóng nực, do đó để cho dễ thở và bớt mức độ oi ả, ĐTC đã đồng ý bắt đầu nghi lễ sớm hơn một giờ. Vào dự lễ hôm đó, mọi giáo dân Việt Nam phải đeo khăn quàng cổ in hình 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, để cho các đoàn thể dễ nhận ra nhau.
4 - Trước khi tường thuật giai đoạn chung kết, chúng tôi xin kể một sự việc rất quan trọng đối với sự thành công của đại lễ, đó là vấn đề tài chính của ban tổ chức. Mỗi lần nhớ đến việc này chúng tôi không khỏi ngậm ngùi xúc động trước sự quan phòng của Thiên Chúa. Lý do hết sức hiển nhiên là ban tổ chức lúc ban đầu hoàn toàn tay không, chưa có ai dâng cúng một đồng nào. Giải quyết vấn đề này là một việc rất khó khăn, nhưng đồng thời là việc rất thiết thực và rất cấp bách. Đi vay mượn các Hội Dòng ngoại quốc đã từng hoạt động bên Việt Nam là điều có thể, nhưng chạm lòng tự ái dân tộc, cho nên chúng tôi đề nghị vay chính Ngân hàng Tòa Thánh. Chúng tôi liều mạng đi thương thuyết và ký giấy giao kèo với nhân viên Ngân hàng vay 50 triệu tiền Ý (tương đương 30 ngàn Mỹ Kim). Ký giấy giao kèo mà tay run cầm cập vì đã 3 đêm lo lắng không ngủ.
Quả thật từ ngày cha sinh mẹ đẻ, chúng tôi chưa bao giờ táo bạo đến thế. Ký xong chúng tôi lủi thủi đi ra chưa tới cửa Ngân hàng thì Đức Ông Bonis, người Ý (bây giờ là Giám mục) từ đâu đuổi theo.
Đức Ông hỏi: "Cha làm gì mà tiêu sài với số tiền lớn như vậy?". Hơi chạm tự ái, chúng tôi ngập ngừng chưa kịp trả lời thì ngài lại nhấn mạnh: "Cha làm gì? cha đừng dại lấy tiền ra vội, vì lấy ngày nào cha phải trả lãi ngày đó. Mượn 50 triệu ngày 1 đầu tháng thì 30 cuối tháng cha phải trả 53 triệu."
Chúng tôi buộc lòng dẹp tự ái thưa: "Đây không phải là tiêu xài cá nhân con, nhưng là để lo tổ chức Đại lễ Phong Thánh 117 vị Chân Phước Tử Đạo mà Hội Đồng GMVN đã trao phó cho con và nay vụ án đã xong đã được Đức Giáo Hoàng châu phê và tháng 6 sắp tới sẽ cử hành long trọng."
Đức Ông Bonis nói: "Trước tôi tưởng cha lo việc cá nhân, chứ bây giờ biết chuyện Phong Thánh. Vậy cha cứ việc làm, tốn phí bao nhiêu tôi sẽ chịu cho." Thật sự, ngài đã cho một số quan.
Quả thực, là một giấc mơ! Nhưng nếu mơ thì phải mơ ban đêm chứ đâu giữa thanh thiên bạch nhật. Trước đây, ba bốn đêm chúng tôi không ngủ vì lo sợ, bây giờ thì chúng tôi cũng ba bốn đêm không ngủ vì ngỡ ngàng, như còn đang trong ảo mộng. Làm sao có chuyện kỳ diệu đến thế!
Ngày Vinh Quang
Từ sáng sớm, Quảng Trường Thánh Phêrô đã đen nghịt dân chúng. Từ 3 quốc gia, hàng ngàn vạn giáo dân tập trung về đây.
Trước kia họ không quen biết nhau, nhưng giờ phút này họ chào nhau, vui cười với nhau, vì trong thâm tâm họ cùng một cảm nghĩ tự hào vì tấm gương anh dũng, trung kiên, thành tín của tổ tiên mình.
Đúng chương trình, 8 giờ 30 Đức Thánh Cha và đoàn tháp tùng (28 Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục), mặc đại phục đỏ đồng tế, từ trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tiến ra Quảng Trường vĩ đại, giữa muôn vàn tiếng vỗ tay. ĐGH Phao-lô II luôn giơ tay chào đón và chúc lành. Ca đoàn Sixtina của Tòa Thánh hát kinh nhập lễ bằng La ngữ. Trước đó, ca đoàn tổng hợp từ Mỹ qua, đã hát bài Ngày Vinh Thắng của Linh mục Ngô Duy Linh, rồi trong Thánh Lễ bài ca Khúc Trầm Hương của Dao Kim, cuối lễ là bài Tiếng Nhạc Oai Hùng của Hải Linh. Những bài nhạc này hôm ấy vang dội gữa thủ đô Giáo Hội có một ý nghĩa đặc biệt, vì được hát bằng tiếng Việt, tiếng nước ta.
Một sự kiện lạ là Thánh lễ đang cử hành đẹp đẽ trang nghiêm, thì tự nhiên bầu trời thay đổi. Một vài cơn mây đen nghịt từ đâu kéo đến và mưa bắt đầu nhỏ giọt. Từ trong thánh đường người ta đã khiêng lọng ra che phủ bàn thờ. Cả ngàn con tim, nhất là giáo dân Việt Nam, như thể đã bị ngừng đập, tất cả trăm người như một, thầm thì kêu van: Lạy Chúa! Cả Giáo Hội chúng con, từ ba bốn trăm năm, đã mong chờ hôm nay, được trông thấy ngày này huy hoàng trọng thể, xin Chúa cất mọi trở ngại để danh Chúa được thể hiện nơi các Thánh Tử Đạo chúng con. Quả thật, sau mấy phút đám mây đen đã bị luồng gió cuốn đi xa và trời thanh quang xuất hiện như trước.
Lễ nghi Phong Thánh bắt đầu sau kinh Thương Xót, Đức Hồng Y Palazzimi, Bộ Trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với luật sư của Bộ và 3 Cáo thỉnh Viên Việt, Pháp, Tây Ban Nha, ra trước bàn thờ xin Đức Thánh Cha cử hành Đại Lễ. Toàn thể cử tọa, theo lệnh viên chức nghi lễ, đều quỳ hát Kinh Cầu Các Thánh, xin sự trợ giúp của Thần Thánh trên trời, trước khi nghe tuyên xưng 117 Vị Thánh mới.
Sau đó, ĐHY Palazzimi trở lại trước bàn thờ và tuyên đọc:
Kính thưa Đức Thánh Cha, Giáo Hội là Mẹ, xin Đức Thánh Cha ghi tên các vị sau đây:Chân Phước Anrê Dũng Lạc, Linh mục Toma Thiện, và Emmanuele Phụng, giáo dân. Girolamo Hermosilla, Valentino Berrio Ochoa, 2 Giám Mục Đa Minh và 6 Giám mục khác- Teophan Venard, Linh mục Hội Thừa Sai Ba Lê và 105 bạn Tử Đạo VN, vào sổ bộ Các Thánh và được các giáo hữu kêu cầu bằng danh xưng Hiển Thánh.
Kính thưa Đức Thánh Cha, trên mảnh đất gieo nhiều hạt giống đẫm máu, mảnh đất đó càng phát sinh nhiều vị Tử Đạo và rồi hạt giống đó sẽ kết thành mùa lúa vàng cho Giáo Hội. Các Thánh Tử Đạo chết đi càng là chứng nhân cho Chúa Ki-tô hơn là lúc còn bình sinh. Ngày nay, các ngài vẫn còn đang nói, vẫn còn giảng thuyết. Miệng lưỡi tuy im bặt, nhưng bao niêu sự việc còn vang dội sâu xa.
Lời suy niệm trên đây của Thánh Augustino áp dụng trong niên lịch ngày 19 tháng 6. Lễ kính hai Thánh Gervatsio và Protasio, tử đạo thành Milan, hôm nay có thể trưng lại vì rất thích hợp với niên hiệu và lễ nghi, để tôn vinh 117 Vị Thánh khác cũng là huynh đệ trong đức tin và trong tử nạn: trước đây, suốt thời gian từ 1745 đến 1862, đã hy sinh tính mạng tại Việt Nam, trong vùng Đông Nam Á Châu, hồi đó gọi là Tonkin, An Nam và Cocincina. Máu cúa các ngài cũng như máu của hàng ngàn anh chị em khác, hôm nay đã kết thành mùa lúa vàng cho Giáo Hội Việt Nam.
Là cha mẹ trong đức tin, 5 Vị Giám Mục Pháp và Tây Ban Nha, đã sinh các vị khác trong Chúa Ki-tô, y như lời Thánh Kinh (1Cr.4- 15). Các vị đã là nhân chứng xứng đáng theo lời mình đã rao giảng, bằng khổ hình, bằng thập giá, và theo gương Chúa Giê-su Vị Mục Tử Tối cao nhân hậu, các ngài thật là gương mẫu cho đoàn chiên (1Ph.5)
Linh mục, 13 Âu Châu, 37 Việt Nam, cùng đứng trong hàng ngũ chăn chiên thuyết giảng lời Chúa và cùng chịu xiềng xích lao tù, đã lấy xương máu để hoàn tất nghĩa vụ thi hành các bí tích, đúng là những cộng tác viên của hàng Giám Mục (LG. số 28), tức là những người phân phát máu Con Chiên vô tội, cũng là máu đã thánh hóa bản thân các ngài. Sau hết, 59 giáo dân thuộc mọi tầng lớp xã hội, hầu hết là gia trưởng, một số là thầy giảng giáo lý, hồi xưa trong các gia đình, trong các cộng đoàn đã sống tốt lành, đã là những chứng nhân cho Bí Tích Thánh Tẩy bằng nước, bằng Thánh Linh và bằng Lửa (Mt. 3: 11)
Kính thưa Đức Thánh Cha,
Con số 117 Vị này sắp được Đức Thánh Cha nghị quyết đưa lên hàng danh dự và được tôn phong phẩm hàm các Thánh Tử Đạo, được toàn thể Giáo Hội tôn kính. Với các ngài, cũng như con cháu các ngài, giờ đây văng vẳng dội lại lời Thánh Phê-rô khuyên nhủ: Nếu ai trong anh em phải chịu khổ hình, vì mình là Ki-tô hữu, thì đừng có xấu hổ thẹn thùng, nhưng phải hiên ngang tôn vinh Thiên Chúa vì danh hiệu đó (1Ph.4: 6)
Trong Quảng trường linh thiêng này, bên cạnh mồ vị Tiên Chủ các Thánh Tông Đồ, đang hiện diện hơn 8 ngàn giáo dân Việt Nam, từ khắp năm châu bốn bể quy tụ về đây, họ như đang cầm ngành thiên tuế ngước mắt nhìn lên các vị đồng hương tiên tổ, sắp đón nhận vòng hoa chiến thắng như các vĩ nhân anh tài. Chung quanh họ còn có gần 10 ngàn giáo dân Tây Ban Nha và 3 ngàn giáo dân Pháp. Tất cả là anh em kết nghĩa trong Chúa Ki-tô, cũng như giáo dân hai quốc gia này là anh em của những vị thừa sai khi xưa, đã mang danh Chúa Ki-tô có thần lực cứu vớt nhân loại (Cv.: 12), rao giảng trên khắp lãnh thổ xa xăm Việt Nam. Trong số đó, có những người con của Thánh Đa-minh, 34 vị vừa Tây Ban Nha vừa Việt Nam hồi xưa đã nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo theo đúng danh xưng của họ. Ngoài ra, còn 10 thành viên của Hội Thừa Sai Ba Lê.
Trên những địa hạt hồi xưa được trao phó cho hai hội dòng Thừa Sai nói trên, từ năm 1960 đã thành lập 25 giáo phận. Số người công giáo hiện nay gần 7 triệu giáo dân. Tất cả giáo đoàn này, trong cũng như ngoài nước, đang tiến bước hùng mạnh, sát cánh bên nhau, họ phấn khởi đi về Tổ Quốc Trường Sinh vĩnh cửu. Vì họ xác tín vào lời giáo huấn của Thánh Phaolô. Từ nay được cả khối chứng nhân đông đảo như thể nâng đỡ h, kiên trì chấp nhận cuộc thi đua đã bắt đầu. Từ nay nhìn lên Chúa Giê-su, Vị tiên phong ban phát đức tin hoàn hảo, thay vì hưởng niềm hoan lạc vẫn có, Ngài đã giang tay ôm lấy Thánh Giá và hiện giờ đang ngự bên hữu tòa Thiên Chúa (Heb.12: 1-2).
Đức Hồng Y vừa đọc xong lời thỉnh nguyện và Kinh Cầu Các Thánh vừa chấm dứt, toàn thể dân chúng đứng lên hợp ý với Đức Thánh Cha, Ngài kết thúc Kinh Cầu Các Thánh bằng lời nguyện:
'Lạy Chúa nhân từ, xin nghe lời dân Chúa cầu xin và xin chiếu dọi ánh sáng của Thần Linh Chúa vào tâm trí chúng con, để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Chúa Ki-tô Chúa chúng con-Amen'
Toàn thể cộng đồng dân Chúa vẫn đứng nghiêm chỉnh. Đức Thánh Cha lại ngồi trên ngai và long trọng đọc công thức Phong Thánh
"Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, để phát huy đức tin Công giáo, và củng cố đời sống Ki-tô hữu, vói quyền lực của Chúa Ki-tô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô, Phao-lô và của riêng tôi. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo nhiều ý kiến của Chư Huynh Giám Mục, tôi quyết định tuyên bố:
Các Chân Phước Anrê Dũng Lạc, Linh mục- Tôma Thiện và Emanuele Phụng, giáo dân- Girolamo Hermosilla và Valentino Berrio Ochoa, hai Giám Mục Dòng Đa-Minh va 6 Giám Mục khác. Teophan Venard, Linh mục Hội Thừa Sai Ba Lê và 105 bạn Tử Đạo Việt Nam, là các vị Thánh và Ngài đã được liệt kê vào sổ Các Thánh. Tôi cũng quyết định rằng Giáo hữu trong toàn thể Giáo Hội sốt sáng mừng kính các Ngài như các Thánh Tử Đạo- Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần- Amen."
Từ trên cao mặt tiền Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, một bức tranh thật lớn, dài 4 thước, rộng 3 thước 20, đã họa đủ số 117 Thánh Tử Đạo, từ từ được mở ra giữa muôn vàn tiếng vỗ tay hô vang. Đại phong cầm của Ca đoàn Sixtina cử bài nhạc rộn rã ca ngợi và tri ân Thiên Chúa. Từ Quảng Trường Thánh Phêrô lễ nghi được tiếp vận trực tiếp về Việt Nam. Đài vô tuyến Truyền thanh Truyền hình của chính phủ Ý, liên tiếp trong 3 tiếng đồng hồ, đã tường thuật tất cả nghi lễ đi khắp nước Ý. Nhiều người trong đoàn giáo dân Việt Nam, nhất là các cụ già, đã xúc động và rút khăn lau nước mắt, vì cảm thấy vinh hạnh sung sướng, được là con cháu các vị anh hùng. Trong suốt thời gian lưu lại Rô-ma, Chúa Quan phòng cũng đã ban ơn lành, gìn giữ hơn 8 ngàn giáo dân VN, không một ai đau ốm hay bị tai nạn nào, ai cũng tươi cười, vui vẻ và phấn khởi...
(*) Ghi chú: Trích từ tác phẩm 'Đức Ông Vinh sơn TRẦN NGỌC THỤ Bí thư Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II' do Đức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương và Bạch Diện Thư Sinh Trần Vinh biên soạn.
Hùng Sử Ca Tử Đạo Việt Nam
Cảm xúc khi đọc Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam (Lễ kính hàng năm ngày 24/11)
"Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thày mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ mọi điều xấu. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên Trời lớn lao." (Mt.5: 10- 12 & Lc.6: 22)
Alleluia. Alleluia.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ
Alleluia.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
Kính Dâng Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam!
Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Đã mở đầu vang dội Bản Hùng Ca,
Ba trăm năm mươi năm không xóa nhòa,
Ấn tích Anh Hùng Tử Đạo còn đó,
Gông cùm, tra tấn, đầu rơi, máu đổ,
Cho hoa muôn màu trổ đẹp hôm nay,
Giáo Hội Việt Nam hy vọng tràn đầy,
Vươn cao mãi trên bầu trời oanh liệt.
Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Lời ngợi ca vang vọng khắp năm châu,
Tiếng Thánh Ca tràn ngập cả tinh cầu,
Của hơn Một Trăm Ngàn Vị Tử Đạo,
Nhận cái chết lòng không hề than oán,
Để chứng minh một Đạo Giáo Tình Yêu,
Dâng cuộc đời làm của Lễ Toàn Thiêu,
Theo gương Chúa Hiến Mình trên Thập Giá.
Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Hùng Sử Thi bất diệt rọi ngàn sau,
Xuyên suốt qua bốn thế kỷ ngẩng đầu,
Không khiếp nhược trước xích xiềng gươm giáo,
Máu tuôn chảy giữa pháp trường tàn bạo,
Tưới nẩy mầm bao hạt giống Đức Tin,
Chuông báo tử chính là chuông Phục Sinh,
Nơi hàng triệu con tim đang thổn thức.
Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Nét oai hùng rạng rỡ vẫn còn đây,
Cả địa cầu lòng ngưỡng mộ dâng đầy,
Vinh Hiển Thánh Một Trăm Mười Tám Vị,
Những Anh Hùng mang tâm hồn tuyệt mỹ,
Xin cúi đầu kính bái và cậy trông,
Phù trợ con yêu cuộc sống Vĩnh Hằng,
Như Các Ngài hân hoan vào Đất Hứa.
Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Đã mở đầu vang dội Bản Hùng Ca,
Ba trăm năm mươi năm không xóa nhòa,
Đây Sở Kiện bảo tàng còn ghi dấu,
Anh hùng Tử đạo muôn đời khoe sắc
Giáo Hội Việt bao biến cố xoay vần,
Vẫn nở hoa hơn tám triệu giáo dân,
Cùng đón nhận hồng ân mừng Chư Thánh.
(Đinh Văn Tiến Hùng)
Tin Quốc Tế Đó Đây
***
G20: Cải Tổ Các Định Chế Quốc Tế, Chủ Đề Thảo Luận Chính Trong Ngày Đầu Thượng Đỉnh
(Hình AP - Sean Kilpatrick: Một tấm áp-phích tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Ba Tây, ngày 18/11/2024.)
-Trong ngày làm việc đầu tiên tại thượng đỉnh 2 ngày ở Ba Tây, các nhà lãnh đạo khối G20 hôm 18/11/2024 đã thảo luận về việc cải tổ các định chế lớn thế giới trong bối cảnh đang xảy ra nhiều căng thẳng địa chính trị.
Từ Rio de Janeiro, thông tín viên Sarah Cozzolino của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
“Tăng số thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cải tổ các định chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng thống Pháp Macron ủng hộ rất nhiều đề xuất như vậy tại hội nghị thượng đỉnh này. Nguyên thủ Pháp phát biểu: “Trước hết, trật tự quốc tế này hoàn toàn không phát huy hiệu quả, bởi vì trong những năm gần đây chúng ta chưa chứng minh được khả năng ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột. Và hiện giờ khi chúng ta nói về các định chế này thì trên toàn thế giới có 57 cuộc xung đột đang xảy ra”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Tổng thống Ba Tây và đồng nhiệm Nam Phi, người sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2025, thành lập một nhóm làm việc để cải tổ cơ chế chỉ đạo này.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Ba Tây Lula nhận định về sự thất bại của chủ nghĩa đa phương: “Từ Iraq đến Ukraine, từ Bosnia đến Gaza, dường như mọi vùng lãnh thổ đều không được tôn trọng như nhau về sự toàn vẹn và không phải tất cả sinh mạng đều có giá trị như nhau”.
Tổng thống Ba Tây cũng nhắc lại tầm quan trọng của hợp tác quốc tế về thuế khóa. Đánh thuế các tỉ phú để giảm bất bình đẳng và tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên của Ba Tây. Nhưng đây là hai điểm mà Tổng thống Á Căn Ðình bác bỏ. Kết thúc ngày hội nghị đầu tiên, Tổng thống Ba Tây Lula tuyên bố: “Chúng ta không thể để nỗi sợ đối thoại chiến thắng”.
Tổng thống cánh tả Ba Tây, Luiz Inacio Lula da Silva, đặc biệt muốn gạt hồ sơ các cuộc xung đột sang một bên để tập trung vào “người nghèo, những người vô hình trên thế giới”. Theo thông tấn xã AFP, hôm 18/11, trong phiên khai mạc thượng đỉnh G20, ông Lula đã chính thức tuyên bố thành lập Liên minh toàn cầu chống nạn đói nhằm xóa bỏ điều ông xem là “vết thương đáng hổ thẹn của nhân loại”. Liên minh được tuyên bố thành lập tại thượng đỉnh G20 nhưng mang tính toàn cầu, hiện gồm 81 quốc gia.
Về phía Mỹ, trước khi chuyển giao quyền lực cho Tổng thống tân cử Donald Trump, người quyết tâm cắt giảm chi tiêu công của Mỹ, Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden tuyên bố Hoa Thịnh Ðốn đóng góp một khoản hỗ trợ “lịch sử” tới 4 tỉ Mỹ kim cho một quỹ của Ngân hàng Thế giới chuyên viện trợ cho các nước nghèo nhất thế giới.
Hội Đồng Bảo An Họp Đánh Giá Tình Hình Nhân 1.000 Ngày Chiến Tranh Ukraine
(Ảnh AP - Bebeto Matthews, minh họa: Một phiên họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về xung đột Nga-Ukraine, ngày 30/09/2022, New York, Hoa Kỳ.)
-Để đánh dấu 1.000 ngày chiến tranh Ukraine, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 18/11/2024 đã họp, theo đề nghị của Anh Quốc, để tổng kết tình hình cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công Ukraine, làm hư hại cơ sở hạ tầng năng lượng và gây nhiều thiệt hại nhân mạng.
Từ New York (Hoa Kỳ), thông tín viên Carrie Nooten của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
“Tại Hội Đồng Bảo An, Ðại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc đã nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kyiv, nhưng bà không đề cập đến việc Hoa Thịnh Ðốn bật đèn xanh cho phép Ukraine phóng phi đạn tầm xa sang Nga cho dù sau nhiều tháng phản đối, quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được khẳng định vào hôm Chủ Nhật.
Đối với Anh Quốc, điều thiết yếu là phải củng cố sức mạnh phòng thủ cho Kyiv sau các vụ oanh kích của Nga hồi cuối tuần vừa rồi nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiga xem quyết định của Biden là một bước ngoặt tiềm ẩn.
Ông Sybiga phát biểu: “Điều này có thể làm thay đổi cuộc chơi. Ukraine có thể tấn công càng xa thì cuộc chiến sẽ càng được rút ngắn. Lập trường của Ukraine luôn rõ ràng, chúng tôi hoàn toàn có quyền tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Đây là quyền chính đáng của chúng tôi và sẽ cho phép chúng tôi cứu mạng sống của các thường dân của mình. Điều này có thể có tác động rất tích cực trên chiến trường”.
Tuy nhiên, người phụ trách các vấn đề chính trị của Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng tất cả các bên phải bảo đảm an toàn và bảo vệ dân thường, dù là ở bất kể nơi nào. Trong khi đó, Ðại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc tố cáo cuộc họp này là nhằm bối xấu Nga.
Trong khi đó, ngay tại Mỹ, theo thông tấn xã AFP, nhiều nhân vật thân cận được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới, hôm qua đã phản đối gay gắt quyết định của Tổng thống Joe Biden về việc cho phép Ukraine dùng phi đạn ATACMS tấn công vào lãnh thổ Nga, cho rằng quyết định này gây leo thang xung đột và có thể dẫn đến Đệ tam Thế chiến.
Liên Hiệp Âu Châu Bất Đồng Về Việc Cho Ukraine Dùng Vũ Khí Được Cung Cấp Tấn Công Lãnh Thổ Nga
(Hình AP - Axel Heimken: Hệ thống phi đạn phòng không của quân đội Đức tại Schwesing (Đức), ngày 17/3/2023. Hệ thống mà Thủ tướng Olaf Scholz thông báo hôm 13/4/2024 sẽ gửi gấp cho Ukraine.)
-Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng phi đạn tầm xa ATACMS, do Hoa Thịnh Ðốn cung cấp, tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, hôm 19/11/2024, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu (EU), ông Josep Borrell, kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu nên làm tương tự. Tuy nhiên, nhiều thành viên vẫn tỏ ra thận trọng.
Từ thủ đô Brussels của Bỉ, thông tín viên Pierre Benazet của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Josep Borrell than phiền: “Lần nào chúng ta ra quyết định hỗ trợ Ukraine cũng đều mất rất nhiều thời gian”. Đối với lãnh đạo ngành ngoại giao Âu Châu, những cuộc oanh kích mạnh mẽ của Nga nhắm vào Ukraine hôm Chủ Nhật là câu trả lời của Vladimir Putin đối với “mọi nỗ lực thảo luận hay đàm phán”. Đây là một lời lên án rõ ràng của Josep Borrell nhắm vào cuộc điện đàm của Thủ tướng Đức với Tổng thống Nga cách đây một tuần và ông nói thêm rằng nếu Âu Châu muốn bày tỏ “lập trường cứng rắn”, thì phải đoàn kết.
Tuy nhiên, hôm 18/11, các quốc gia thành viên EU đã không tỏ ra đoàn kết. Ngoài Đức, vẫn luôn từ chối cho phép Ukraine sử dụng các phi đạn Taurus tấn công vào lãnh thổ Nga, Ý Ðại Lợi cũng giữ nguyên lập trường tương tự: “Vũ khí do Roma cung cấp chỉ có thể được sử dụng bên trong lãnh thổ Ukraine”, Ngoại trưởng Antonio Tajani, hôm 18/11, nhấn mạnh như trên. Người đồng cấp Pháp, Jean-Noël Barrot, lặp lại rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Paris cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga là một khả năng mà chính phủ “đang xem xét”, ngụ ý rằng nếu Pháp bật đèn xanh cho Ukraine thì thông tin này sẽ không được công khai.
Tổng Thống Nga Ký Sắc Lệnh Mở Rộng Khả Năng Dùng Vũ Khí Nguyên Tử
(Hình AP - Vyacheslav Prokofyev: Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Ðiện Cẩm Linh, Mạc Tư Khoa, thủ đô của Nga, ngày 19/11/2024.)
-Vào ngày thứ 1.000 của cuộc xâm lược Ukraine, ngày 19/11/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí nguyên tử, nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ cho phép Ukraine dùng phi đạn tầm xa do Mỹ cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Theo Sắc lệnh, được thông tấn xã AFP trích dẫn, “trong số các điều kiện biện minh cho việc sử dụng vũ khí nguyên tử là phóng phi đạn chống Nga”. Còn theo giải thích từ phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, Dmitri Peskov, “việc điều chỉnh các cơ sở (học thuyết) của Nga trước tình hình hiện nay là cần thiết” trước điều mà Vladimir Putin xem như là “những mối đe dọa” xuất phát từ phương Tây đối với an ninh của Nga.
Văn bản Tổng thống Nga ký còn nhắc đến một khả năng khác sử dụng vũ khí nguyên tử, là “việc cho sử dụng lãnh thổ và các nguồn lực nhằm gây hấn chống lại Nga”.
Cũng theo ông Peskov, chính quyền Nga theo dõi sát tình hình trên chiến trường và nhất là khả năng Ukraine dùng phi đạn tầm xa ATACMS do Mỹ cấp tại vùng Kursk của Nga, đang bị quân đội Ukraine chiếm đóng một phần.
Tổng thống Putin hồi cuối tháng 9/2024 từng cảnh báo rằng Nga kể từ giờ có thể sử dụng vũ khí nguyên tử trong trường hợp bị không kích ồ ạt hay bất kỳ cuộc tấn công nào từ một nước phi nguyên tử như Ukraine nhưng được hậu thuẫn từ một cường quốc có trang bị vũ khí nguyên tử như Mỹ chẳng hạn. Nga xem đấy như là một hành động gây hấn “chung”, và vì vậy việc dùng đến vũ khí nguyên tử là cần thiết.
Vào lúc Nga tăng cường các chiến dịch không kích chết chóc và hủy diệt tại Ukraine, Tổng thống Joe Biden cách nay vài ngày đã bật đèn xanh cho Kyiv sử dụng phi đạn do Mỹ cấp trên lãnh thổ Nga theo như xác nhận từ một viên chức Mỹ với thông tấn xã AFP.
Về tình hình chiến trường, quân đội Ukraine loan báo đã phá hủy một kho đạn lớn của Nga tại thành phố Karatchev tại vùng Briansk cách biên giới với Ukraine 110 cây số.
Tư Pháp Hồng Kông Kết Án 45 Nhà Đấu Tranh Vì Dân Chủ
(Hình AP: Cựu Giáo sư Luật, ông Đới Diệu Đình (Benny Tai) ra khỏi đồn cảnh sát sau khi được tại ngoại ở Hồng Kông, 7/1/2021.)
-Hôm 19/11/2024, một tòa án ở Hồng Kông đã kết án 45 bị cáo với tội danh “lật đổ chính quyền”.
“Người cầm đầu” phong trào đấu tranh vì dân chủ, Đới Diệu Đình (Benny Tai), bị kết án 10 năm tù. 44 bị cáo khác lĩnh án từ 4 năm đến 2 tháng tù. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo bản án này như là “bằng chứng về sự suy giảm tự do chính trị” kể từ khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia vào năm 2020. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Clea Broadhurst của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Vào tháng 7/2020, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã tổ chức một cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức để chọn lựa ứng cử viên cho cuộc bầu cử Lập pháp, hy vọng giành được đa số và tác động đến những chính sách của chính phủ.
Tuy nhiên, nhà chức trách đã coi sáng kiến này là một nỗ lực nhằm “làm tê liệt chính phủ” và cáo buộc những người tham gia với tội danh “lật đổ chính quyền”, theo luật an ninh quốc gia. Tòa án đã ra phán quyết hành động của họ có thể đã gây ra một “cuộc khủng hoảng Hiến pháp”.
Đới Diệu Đình, một cựu Luật sư và là nhân vật rất có ảnh hưởng của phong trào, đã bị kết án nặng nhất, 10 năm tù. Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một biểu tượng khác của phong trào, đã lĩnh án hơn 4 năm tù sau khi nhận tội.
Phiên tòa này đánh dấu một bước ngoặt đối với Hồng Kông. Việc bỏ tù những nhân vật chủ chốt của phong trào ủng hộ dân chủ đã khiến những tiếng nói có trọng lượng phải im lặng và phản ánh việc các quyền tự do chính trị trong đặc khu hành chính của Trung Quốc bị siết chặt.
Việc áp dụng luật an ninh quốc gia trong bối cảnh này cho thấy ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Sự thay đổi này đặt ra những vấn đề về tính độc lập của ngành Tư pháp, Nhà nước pháp quyền và uy tín quốc tế của Hồng Kông với mô hình “một quốc gia, hai hệ thống”.
Trung Quốc Giam Giữ Lãnh Đạo Phiến Quân Miến Điện
(Hình AP: Khói đen bốc lên từ các nhà máy Trung Quốc bị phóng hỏa ở khu công nghiệp Hlaing Thar Yar gần Rangoon, Miến Điện, ngày 14/3/2021.)
-Ngày 18/11/2024, truyền thông độc lập Miến Điện dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết lãnh đạo Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) đang bị Trung Quốc quản thúc tại Vân Nam.
Trích dẫn các nguồn tin từ trong nước và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trang tin Miến Ðiện Now cho biết, chỉ huy của Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Ðiện, ông Bành Đại Huân (Peng Daxun) được cho là đang bị quản thúc tại gia ở Trung Quốc. Ông Bành (hay còn gọi là Bành Đức Nhân) đã được triệu tập đến Vân Nam để họp với một phái viên cao cấp của Trung Quốc hồi cuối tháng 10/2024 và sau đó bị bắt giam. Tuy nhiên, ông Bành vẫn được phép liên lạc qua điện thoại với các chỉ huy của mình ở Miến Ðiện.
MNDAA là thành viên chủ chốt các nhóm kháng chiến “Liên minh Tam Bằng Hữu”, lực lượng đã gây tổn thất nghiêm trọng cho chính quyền quân sự Miến Điện, khi chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn ở tỉnh bang Shan kể từ khi phát động Chiến dịch 1027 vào tháng 10/2023.
Theo Ðài Á Châu Tự Do (RFA - Radio Free Asia), chính phủ Trung Quốc giam giữ ông Bành nhằm gây áp lực buộc ông phải “đàm phán rút quân khỏi Lashio”, và nhất là gây sức ép buộc họ phải tránh xa Chính phủ Thống nhất Quốc gia (Chính phủ Miến Điện lưu vong bao gồm các chính trị gia và Dân biểu bị phe quân đội làm đảo chính hồi năm 2021-NUG) mà Bắc Kinh đánh giá là đã chịu ảnh hưởng của các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Trang The Diplomat lưu ý, giai đoạn đầu của chiến dịch 1027, diễn ra dưới sự chấp thuận Bắc Kinh, nhưng sau đó, bị Trung Quốc cáo buộc phá vỡ lệnh ngừng bắn đạt được tại Côn Minh hồi tháng 1/2024.
Kể từ khi Lashio thất thủ, Trung Quốc đã gây áp lực ngày càng lớn đối với MNDAA và phần còn lại của “Liên minh Tam Bằng Hữu” nhằm chấm dứt chiến dịch tấn công, mở lại đàm phán với chính quyền quân sự.
Theo trang The Diplomat, việc bắt giữ ông Bành Đại Huân cho thấy Bắc Kinh lo lắng nguy cơ chế độ tập đoàn quân sự Miến Điện sụp đổ, gây trắc trở cho việc theo đuổi các lợi ích chiến lược và kinh tế của Trung Quốc tại nước này.
Tổng Thống Phi Luật Tân Marcos Mong Muốn Củng Cố Liên Minh Quân Sự Với Mỹ Thời Donald Trump
(Hình REUTERS - Gerard Carreo: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (phải) và Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr trong cuộc gặp tại Cung điện Malacanang ở thủ đô Manila của Phi Luật Tân, ngày 18/11/2024.)
-Hôm 19/11/2024, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos khẳng định đã có cuộc điện đàm “rất thân thiện” với Tổng thống đắc cử Mỹ. Trong dịp này, nguyên thủ Phi Luật Tân đã bày tỏ mong muốn tăng cường, củng cố hơn nữa liên minh quân sự song phương, trong bối cảnh căng thẳng giữa Phi Luật Tân với Trung Quốc ở Biển Đông gia tăng.
Tuyên bố của ông Marcos được đưa ra với báo giới khi ông đi thăm đảo Catanduanes bị ảnh hưởng bởi siêu bão vừa qua, và một hôm sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vừa có chuyến công du Phi Luật Tân.
Hôm 18/11/2024, trong chuyến thăm Phi Luật Tân, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã trấn an đồng minh Manila về quan hệ song phương thời Donald Trump nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.
Ông Austin nói: “Tôi sẽ không suy đoán về những gì chính quyền tiếp theo sẽ làm nhưng tôi có thể nói với quý vị về những gì tôi biết, và những gì tôi biết, đó là tôi đã trông thấy sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Phi Luật Tân ở cả hai đảng của Hoa Kỳ”. Vì thế, “tôi tin rằng đây sẽ vẫn là một quốc gia quan trọng đối với chúng tôi trong nhiều năm tới đây”.
Theo thông tấn xã AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Gilberto Teodoro cũng bày tỏ tin tưởng vào sự vững chắc của liên minh giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân.
Về Biển Đông, Bộ trưởng Mỹ khẳng định Hiệp ước Phòng phủ chung giữa Hoa Thịnh Ðốn và Manila áp dụng cho các cuộc tấn công vũ trang ở Biển Đông. Theo thông tấn xã Reuters, trong cuộc họp báo tại Palawan hôm qua 18/11, ông Austin lưu ý hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông rất đáng lo ngại. Phía Trung Quốc tỏ ra hung hăng hơn khi không cho tàu thuyền Phi Luật Tân vào các khu vực thuộc Vùng đặc quyền Kinh tế của Manila.
Bộ trưởng Mỹ nhấn mạnh việc giúp Phi Luật Tân bảo vệ lợi ích chủ quyền và quyền đánh bắt cá là nhằm phục vụ “lợi ích lớn hơn” của cả Manila và Hoa Thịnh Ðốn. Lãnh đạo Quốc Phòng Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Phi Luật Tân nếu nước này bị tấn công vũ trang, kể cả ở Biển Đông, theo Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951.
Mỹ: Donald Trump Bổ Nhiệm Người Phản Đối Big Tech Làm Lãnh Đạo Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang
(Hình AP - Jonathan Newton: Ông Brendan Carr trả lời trong phiên điều trần của một ủy ban tại Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 25/06/2020.)
-Hôm 17/11/2024, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump cho biết đã bổ nhiệm Brendan Carr, thường chỉ trích các công ty kỹ thuật lớn (Big Tech), làm người đứng đầu Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC). Nhà tỉ phú gọi ông Carr là một “chiến binh bảo vệ tự do ngôn luận”.
Sau khi việc bổ nhiệm được công bố, Brendan Carr đã ngay lập tức viết trên mạng xã hội X rằng “phải phá hủy các biện pháp kiểm duyệt” mà các “đại tập đoàn” về kỹ thuật như Facebook, Google, Apple và Microsoft ban hành và “khôi phục quyền tự do ngôn luận cho người dân Mỹ”.
Vẫn tại Hoa Kỳ, sau khi Donald Trump tái đắc cử Tổng thống, các kênh truyền thông thân đảng Dân chủ, từng không tiếc lời đả kích ứng viên Cộng hòa, dường như chợt hiểu rằng cần phải lấy lòng tân chủ nhân Tòa Bạch Ốc mới có thể tiếp tục tồn tại, theo tường thuật của thông tín viên David Thomson của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Miami:
Chương trình buổi sáng Morning Joe phát sóng trên kênh MSNBC hôm 18/11 không giống những lần trước đây, khi người dẫn chương trình nổi tiếng bất ngờ thừa nhận một điều không ai ngờ tới. Bà nói: “Hôm thứ Sáu (15/11), chúng tôi đã đến Mar-a-Lago với Joe để gặp Tổng thống đắc cử Trump. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp ông sau 7 năm”.
Thông tin gây chấn động trên các mạng xã hội. Bởi Mika Brzezinski và chồng bà, Joe Scarborough, cùng dẫn chương trình Morning Joe trên MSNBC, kênh thông tin được coi là chống Trump nhất ở Mỹ. Trong suốt chiến dịch tranh cử của nhà tỉ phú, cặp đôi này đã gọi những luận điệu của ứng viên đảng Cộng hòa là “phát-xít” và so sánh ông với Adolf Hitler. Nhưng chỉ 2 tuần sau chiến thắng của Trump, giọng điệu của hai người đã thay đổi rõ rệt.
Bà Mika Brzezinski nói tiếp: “Chúng tôi đã nhất trí khôi phục đối thoại. Tổng thống Trump rất vui vẻ, lạc quan và dường như mong muốn tìm kiếm những giải pháp với đảng Dân chủ về một số vấn đề gây chia rẽ nhất giữa hai bên”.
Nikki Haley, từng là đối thủ của Trump, nói một cách gay gắt rằng “rõ ràng Joe và Mika không phải đột nhiên hiểu ra vấn đề”. Hai người hiểu rằng phải cần đến Trump để tồn tại vì số khán giả của họ đã giảm mạnh. Kể từ sau cuộc bầu cử, số khán giả của kênh này cùng với CNN đã giảm gần 40%, trong khi số khán giả của kênh rất thiên hữu Fox News không ngừng gia tăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét