Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM NIỀM VINH DỰ VÀ TỰ HÀO CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VN - NGUYỄN VẠN BÌNH -


Vào ngày 24 tháng 11 hàng năm,Giáo Hội Công Giáo VN tại hải ngoại luôn tổ chức trọng thể Lễ Mừng Các Thánh Tử Đạo tại nhiều thánh đường nơi có người Việt cư ngụ.Việc 117 các Thánh Tự Đạo VN được được Thánh Giáo Hoàng John Paul II làm lễ phong lên hàng hiển Thánh tại công trường thánh Phêrô, Vatican vào ngày 19-6-1988 được xem là một biến cố trọng đại trong lịch sử giáo hội Công Giáo VN.
<!>
Thánh lễ ngoài Đức Giáo Hoàng chủ lễ còn có sự đồng tế của 26 vị gồm 2 hồng y, 9 giám mục Tây Ban Nha, 7 giám mục Pháp, 1 giám mục Hoa Kỳ , giám mục Antôn Nguyễn Văn Thiện v.v.. Riêng các giám mục VN khác đã bị nhà cầm quyền CSVN ngăn cấm không cho sang Vatican. Thánh lễ được sự tham dự của 25 ngàn tín hữu, có 10 ngàn người Tây Ban Nha, 8 ngàn người Việt từ 25 quốc gia và 3 ngàn người từ Pháp. Hai hàng bên bàn thờ chính còn có sự hiện diện của 20 vị hồng y và khoảng 40 giám mục cùng đại diện các ngoại giao đoàn tại Tòa Thánh, nhiều linh mục, tu sĩ cùng các con, các cháu của các thánh tử đạo.

Được biết trong số 117 vị Thánh Tử Đạo gồm có: 96 vị là người Việt Nam, 11 vị người Tây Ban Nha và 10 vị người Pháp, nhưng tất cả đều lấy máu đào làm chứng đức tin Kitô bất diệt trên mảnh đất Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử, đạo Công Giáo đã được truyền vào VN từ cuối thế kỷ 15 khi các vua quan dưới đời nhà Mạc và nhà Lê mời gọi người Âu Châu vào VN hầu giao thương, buôn bán.Sang đời Trịnh, Nguyễn phân tranh, ai cũng muốn tiếp xúc với Tây Phương để họ giúp võ trang cho phe mình. Dưới thời Tây Sơn vào năm 1789, Nguyễn Ánh được sự giúp đở của người Pháp, nhất là Đức cha Bá Đa Lộc giúp võ trang quân đội và mang lại chiến thắng, thống nhất đất nước và lập lên triều đại nhà Nguyễn.

Dù việc cấm đạo Công Giáo đã manh nha ngay từ thời Tây Sơn, nhưng sang đến triều đại nhà Nguyễn dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (1826-1862) việc cấm và bách hại các tu sĩ và giáo dân Công Giáo mới xảy ra một cách đẩm máu và khốc liệt.

Vì VN dưới thời các vua nhà Nguyễn, đạo Phật và đạo Khổng đã có một tầm ảnh hưởng sâu rộng. Vì thế, các vua nhà Nguyễn đã đưa ra các biện pháp cấm và bách hại đạo Cộng Giáo một cách khốc liệt vì các lỳ do sau đây:

1- Vì các vua quá cuồng tín, trong khi các quan nịnh bợ vua và lo ngại ảnh hưởng của đạo Công Giáo đến sự phát triển của đạo Phật và Khổng giáo.

2-Các nhà sư, thầy cúng sợ mất ảnh hưởng, mất các tín đồ.

3-Các bà vợ lẻ sợ mất chồng, vì đạo Công Giáo chỉ cho phép một vợ, một chồng.

4-Các vua, quan và dân chúng quá tin vào dị đoan

5-Các vua quan lo ngại dân chúng không còn tôn giữ những nguyên lý của đạo Khổng là xao lãng bổn phận với Vua,Cha Mẹ, Chồng và làm đảo lộn cương thường của xã hội.

6-Sợ đạo Công Giáo phát triển với số lượng giáo dân đông đảo sẽ là một lực lượng chống lại vua quan làm lợi cho ngoại bang.

7-Vì tham tiền do các sắc lệnh của các vua nhà Nguyễn tưởng thưởng tiền khi bắt được các tu sĩ Tây Phương.

Qua 6 triều đại của vua Lê,chúa Trịnh,Tây Sơn, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vì cấm đạo Công Giáo , đã có đến 130 ngàn người tử đạo và trong số nầy 117 vị đã được Tòa Thánh Vatican nâng lên hàng hiển Thánh.

Nhìn lại dòng thời gian khi đạo Công Gíao bị bách hại, các tu sĩ vá giáo dân phải trải qua một trong những thử thách đức tin là bước qua thập giá.Quan quân thời đó thường đặt một cây thập giá dưới đất, rồi bắt các Kitô hữu bước qua.Đôi khi chỉ là hai cây gỗ bắt chéo nhau.Ai không bước qua thì phải chịu đủ mọi cực hình dã man. Ai chấp nhận bước qua thì được thoát cảnh ngục tù, được trả lại những tài sản bị tịch thu, được ban thưởng bỗng lộc, được sống đời tự do, được đoàn tụ với gia đình.Bước qua là được tiếp tục sống an nhàn.Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt, mất tất cả và mất cả mạng sống.

Có người bị khiêng qua thánh giá nhưng đã co chân lên,như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận.Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âu Tinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Cũng có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha, còn sau đó về nhà thì muốn sao tuỳ ý; nhưng các thánh tử đạo vẫn không chấp nhận một thoả hiệp như thế.Các ngài vẫn khẳng khái nói không. Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa.

Lập luận của các thời đại vua chúa VN, cho rằng các tín hữu theo đạo Công Giáo là theo đạo của các đế quốc phương Tây, chống lại triều đình, bất hiếu với tổ tiên và làm hại đất nước. Điều nầy quả là những nhận định sai lầm, một ngụy thuyết để che đậy cho ý đồ nhằm tẩy chay và tiêu diệt Kitô giáo.Thánh Lu-ca Vũ Bá Loan,linh mục tử đạo,đã trả lời thẳng quan quyền: "Tôi chẳng theo đạo của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa Trời Đất, Chúa của muôn dân thôi".

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có chống lại chính quyền hay không?.Hoàn toàn không! Không một Giáo sĩ hay giáo dân Tử Vì Đạo nào dùng vũ khí, vũ lực để chiến đấu, mà ngược lại các ngài chấp nhận để chính quyền giết hại, chỉ vì các ngài thấy rõ được chân lý cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô không nhằm vào cuộc sống tạm bợ trần gian, mà là nhắm đến sự sống vĩnh cửu mai sau.

Chính Thánh Tô-ma Khuông, linh mục tử đạo đã thẳng thắn trả lời cho các quan quyền chụp lên đầu các ngài cái mũ “chống triều đình”, bằng câu nói bất hủ: "Đạo Gia-tô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương được an ninh thịnh vượng". Một cách cụ thể, gương chứng nhân của các Thánh Tử Đạo Việt Nam luôn minh họa một chân lý: Công ích của quốc gia vẫn là xuất phát điểm để người công dân phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng đức tin của mình vào một Thiên Chúa Tình Yêu. Và như thế là để sống an bình, hoà giải với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân.

Trong 10 điều răn Đức Chúa Trời đã dạy các giáo dân phải làm việc thiện, tránh điều ác cùng phải thảo kính ông bà, cha mẹ, yêu thương gia đình và giúp đở tha nhân.Vì thế, cho rằng đạo Công Giáo không dạy cho giáo dân hiếu thảo với tổ tiên là một nhận định sai lầm.

Giáo hội Công Giáo VN đã thật sự đóng góp cho đất nước qua nhiều phương diện: xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, chính trị v.v.… Tại miền Nam VN trước biến cố 30-4-1975, đã có nhiều trường tiểu, trung và đại học , trường dạy nghề.Nhiều Cô Nhi Viện, Viện Dưỡng Lão, khá nhiều bệnh viện, trạm phát thuốc, nhiều bác sĩ, y tá để chăm lo cho rất nhiều thiếu nhi, người già, bệnh nhân ngay các các người cùi, câm, điếc, ung thư v..v. Đặc biệt là về phương diện văn hóa, qua sự truyền giáo, mà các vị thừa sai đã phát minh là chữ Quốc Ngữ, một ngôn ngữ tuyệt vời cho dân tộc Việt.

Quả thật, các Thánh Tử Đạo VN đã anh dũng làm chứng cho Tin Mừng, làm chứng cho Chân Lý, đem Công Lý gieo mầm tin yêu trên quê hương thân yêu của chúng ta. Điều đó, một lần nữa cho thấy: Máu các Thánh Tử Đạo là nguồn ân sủng chan chứa tưới trên đất nước Việt Nam, làm cho cánh đồng truyền giáo ngày càng thêm màu mỡ, trổ sinh biết bao hạt giống đức tin, đơm bông kết trái rực rỡ như ngày nay.Đức tin này chính là nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy biết trung thành với đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu đích thực của Chúa Ki-tô (công dân nước trần thế + công dân Nước Trời).

Nhờ đức tin mãnh liệt cùng sự hy sinh cao quí của các Thánh Tử Đạo mà giáo hội Công Giáo VN mới được duy trì và phát triển như hiện nay.Ngày nay, con số người VN vào đạo Công Giáo ngày càng đông.

Vào những năm cuối đời, vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, trong dịp yết kiến Đức Giáo Hoàng John Paul II tại Vatican, ông đã lên tiếng thay mặt triều đại nhà Nguyễn xin lỗi về hành động bách hại đạo Công Giáo tại VN của tô tiên ông qua các triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.Trái với tở tiên ông, lúc sinh thời, vua Bảo Đại đã kết hôn với Nam Phương Hoàng Hậu là một giáo dân Công Giáo.Và trước khi qua đời, vua Bảo Đại đã xin vào đạo Công Giáo. Ngoài ra, còn có những nhân vật tên tuổi khác như Gs thạc sĩ Vũ Quốc Thúc, đại tướng Trần Thiện Khiêm, thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, đại tá Mã Sanh Nhơn , thiếu tá Liên Thành v.v..cũng xin vào đạo Công Giáo .

Giáo hội Công Giáo VN trải qua mấy trăm năm,đã gặp bao bách hại, nhưng vẫn tồn tại và phát triển. Ngày nay, tất cả giáo dân VN trong và ngoài nước, muôn vàn tạ ơn Thiên Chúa và hãy cùng nhau hướng tâm hồn mình lên một cách đặc biệt để mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, trong niềm tự hào và hãnh diện./.

San Jose , California ngày 2-12-201  

NGUYỄN VẠN BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét