Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Boston Với Mùa Gặt Hái “Cranberry” - Huỳnh Thanh Tú


Theo Wikimedia, “Cranberry” tiếng Việt gọi là nam việt quất. “Cranberry” có nguồn gốc từ chữ “Craneberry” (Crane là con hạc) được dùng bởi những di dân đầu tiên đến Mỹ, vì cánh hoa, đài hoa và cuống hoa có hình dáng giống đầu, mỏ và cổ của con hạc. “Cranberry là một loại cây thường mọc dại nơi các vùng đầm lầy đã phân hóa (nhiều than bùn) ở miền ôn đới Bắc bán cầu. Tại Mỹ nhiều nhất là các tiểu bang miền Đông Bắc như Massachusetts, New Hamshire, Connecticut, New Jersey và Delaware.
<!>
Được biết việc chăm sóc và thu hái Cranberry qua nhiều công đoạn khá nhiêu khê. Đầu tháng 10 là mùa thu hái. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những sinh hoạt này của nông dân dân địa phương nên đã quyết định cùng con gái làm một chuyến du lịch đi Boston thuộc tiểu bang Massachusetts. Đây là một trong những tiểu bang nằm phía đông bắc nước Mỹ có nhiều điền trang (Farm) đang mùa thu hái “Cranberry”.

Cất cánh từ phi trường Bush International (IAH), sau hơn bốn tiếng đồng hồ, máy bay đáp xuống phi trường Boston.Khi máy bay hạ cao độ và cũng nhờ ngồi bên cửa sổ, tôi được dịp nhìn phong cảnh dưới đất. Rừng cây trải dài như một tấm thảm khổng lồ với nhiều màu sắc rực rỡ được phản chiếu bởi ánh nắng chiều trông đẹp vô cùng.

Xuống máy bay, chúng tôi thả bộ ra ngoài. Lối đi khá nhiều người nhưng đặc biệt là họ không chen lấn, ồn ào, trông có vẻ trật tự và khác với những phi trường mà tôi đã từng đi qua.

Ra đến cổng, chúng tôi gọi Taxi đưa về phòng trọ đã mướn trước. Đây là một khu nhà giống như “Town House”, có hai tầng nằm trên một con dốc nhỏ. Chủ nhà ở tầng trệt, tầng trên họ cho mướn. Lối đi vào, hai bên trồng đủ các loại hoa,ngay cả cầu thang lên phòng cũng có nhiều chậu cúc vàng cùng trang hoàng nhiều hình tượng ma quái, có lẽ họ đang chuẩn bị cho mùa Halloween.

Mở cửa bước vào phòng, thoang thoảng mùi hương thông nhẹ đã cho tôi một cảm giác thật ấm áp và dễ chịu vô cùng. Phòng dành cho hai người với hai giường ngủ trông gọn và ngăn nắp. Trên bàn cạnh TV gần cửa sổ là một giò lan trắng làm nổi bật bức tranh ”Ngôi nhà bên suối” được treo phía sau trên tường trông thật đẹp và thơ mộng.

Sau khi sắp xếp hành lý xong, tôi và con gái cùng ra phố để dùng cơm chiều. Đường phố đã lên đèn, khách du lịch nhộn nhịp. Boston rất nổi tiếng về “seafood”. Ghé vào một tiệm ăn, chúng tôi gọi vài món “seafood” không quên thêm một ly rượu vang cho ấm bụng vì trời khá lạnh ở bên ngoài. Ăn xong, hai mẹ con trở về phòng nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chương trình ngày mai đi thăm thành phố.

Hôm sau, khi ăn sáng xong, chúng tôi bắt đầu đi bộ ra phố. Boston là một thành phố cổ thuộc tiểu bang Massachusetts. Đó là một trong 13 tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ, nằm bên bờ Đại Tây Dương, khá lạnh vì chịu ảnh hưởng của khí hậu Bắc bán cầu. Sinh hoạt ở đây thật nhộn nhịp. Tại ngã tư, người ta đặt một cái đồng hồ to cao, gồm bốn mặt nên xem giờ dễ dàng dù đứng ở góc độ nào. Đồng hồ trông rất xưa cũ, nó đang hiện diện nơi này để làm chứng tích cho thời gian.

Đến cây cầu bắc ngang một dòng sông nhỏ, bỗng nghe một hồi còi rít dài, nhìn quanh tôi thấy xe cộ và mọi người vội lùi lại sát chân cầu đứng chờ. Chiếc cầu được kéo lên từ hai phía để có lối cho một tàu chở khách du lịch đang chạy dưới sông. Sau khi tàu khách đã chạy qua,cầu được hạ xuống như cũ,xe và khách tiếp tục đi lại bình thường. Với tôi đây là một điều mới lạ và rất ngạc nhiên vì được nhìn tận mắt lần đầu.

Ghé vào Nashua Street Park mua vé xe "bus" đi một vòng thăm thành phố. Điều thú vị là trên bộ nó là chiếc xe “bus” bình thường nhưng khi xuống sông nó trở thành một chiếc tàu chở khách. Boston Duck Tour Land &Water (tên gọi của chiếc xe này) đưa chúng tôi đi dọc theo sông Charles vòng quanh Nashua Street Park, một công viên rộng lớn với cây cối xanh tươi, hoa cỏ đầy màu sắc trông thật đẹp mắt.

Trở về phòng trọ ăn trưa và nghỉ ngơi. Buổi chiều đến thăm nhà vợ chồng một người bạn, anh Luyến và chị Lan. Chị Lan trước kia là đồng nghiệp cùng dạy một trường với tôi ở Sàigòn. Năm 1975 anh đi tù cải tạo, chị một mình phải khổ cực tần tảo nuôi con. Sau khi mãn tù anh chị cùng gia đình được đi định cư tại Mỹ theo diện HO. Hơn 40 năm giờ mới gặp lại nhau mừng vui không kể hết. Căn nhà xinh xắn với khu vườn đầy những cây trái rau hoa, anh chị đã có một cuộc sống thật đầy đủ và hạnh phúc bên con cháu, hầu hết chúng đã thành công trên đất nước này. Sau hơn hai tiếng đồng hồ tâm sự, khơi lại những kỷ niệm vui buồn của một thời trong bồi hồi xúc động, chúng tôi lưu luyến từ giã nhau, mong có dịp sẽ gặp lại.

Sáng hôm sau,hai mẹ con thuê Taxi đi Stone Bridge Farm, một nông trại cách thành phố Boston khoảng hai giờ lái xe, để xem cách người nông dân nơi đây thu hái trái “Cranberry”. Nông trại nằm sâu trong một rừng thông rậm rạp.Tiếng thông reo cùng với hương thơm của rừng đã cho tôi những cảm giác thoải mải và dễ chịu.

(hình do TG cung cấp)

Người hướng dẫn đưa chúng tôi đến vườn trồng “Cranberry”. Đây là một khu đất rộng bạt ngàn với những ruộng “Cranberry” và nhiều đầm lớn. Dưới ruộng là những cây “Cranberry” cao khoảng 30 centimet, trái “cranberry” màu xanh nhưng khi chín chúng trở nên màu đỏ rực. Nếu nhìn từ xa thì ta sẽ thấy cả cánh đồng là một tấm thảm màu đỏ trải rộng trông rất đẹp.

Tôi được biết loại cây này chỉ sống tại những vùng đầm lầy đã phân hóa, có khí hậu mát mẻ nhất là ở vùng Bắc cực và các tiểu bang Bắc Mỹ. Cách chăm sóc và thu hái rất đặc biệt. Hằng năm cứ vào mùa đông (khoảng tháng 12) người ta sẽ cho cây ngủ đông, để tránh thời tiết khắc nghiệt bằng cách xả nước từ sông vào ruộng cho ngập cả thân cây để giữ rễ cây không bị chết. Đến mùa Xuân (khoảng tháng Năm), thời tiết ấm lại, nước được rút hết ra khỏi ruộng. Cây sẽ bắt đầu hồi sinh đâm chồi, ra hoa và kết trái. Mùa thu (tháng 10) trái chín trở nên màu đỏ, đây là lúc chuẩn bị cho mùa thu hái. Đầu tháng 10 người ta lại xả nước vào ruộng để gặt trái chín. Trái “cranberry” khi chín sẽ nổi trên mặt nước vì rất nhẹ. Tất cả được đưa qua một hồ nước rộng, sâu và sạch hơn giữ ở đó để chờ xe bồn đến hút mang về nơi chế biến và bảo quản.

Cây “cranberry” có tuổi thọ đến 65 năm, gần một đời người. Trái của nó có vị chua dù đã chín. Là một loại trái cây có giàu chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên nó được dùng để chế biến các loại thức ăn và nước uống như “juice”, “sauce”, rượu, mứt và các món ăn truyền thống thơm ngon dùng trong mùa lễ Thanksgiving. Trái “cranberry” cũng là nguồn dược liệu có công dụng trị bịnh tuyệt vời nên nó được dùng chế biến ra nhiều loại thuốc để chữa trị các chứng bịnh như ung thư, nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu tiện, tiểu đường… Vì vậy mà sau khi thu hái người ta chỉ bán ra thị trường 5% trái tươi, còn lại 95% dùng để chế biến thức ăn, nước uống (cranberry wine) và các thuốc trị bệnh.

Chúng tôi được đưa ra hồ lớn, nơi đây các nông dân đang làm việc, họ hướng dẫn mặc vào chiếc áo quần bảo hộ nối liền với đôi giày bằng nhựa cao su, cả quần và giày được hai dây đai kéo lên tận ngực.


Tôi và con, mỗi người một cây cào cùng lội xuống đầm, dùng cào đùa đẩy những trái cranberry chín đỏ đang nổi trên mặt nước về một chỗ để xe bồn tới hút mang đi. Hôm ấy trời khá rét, nhưng chúng tôi không thấy lạnh mặc dù đứng dưới đầm gần cả buổi, chỉ thấy quá mỏi tay vì phải vận dụng cánh tay nhiều. Mệt nhưng thật vui, tôi xem đây như là một buổi thực tập về cách làm việc của người nông dân và nhờ vậy mà biết được họ đã phải vất vả như thế nào.

Sau khi cởi bộ đồ bảo hộ, chúng tôi đi một vòng qua các hồ để xem mọi người làm việc, cuối cùng vào Farmer’s Market mua một ít sản phẩm để mang về làm quà lưu niệm cho bạn bè.

Hầu hết các loại trái mang họ “Berry” được trồng trên nước Mỹ như “cranberry”, “bilberry”, “blueberry”, “bearberry” … thì cách trồng và thu hái “Cranberry” là phải qua nhiều công đoạn quá nhiêu khê. Cứ nhìn một nông dân đứng dưới ruộng nước hàng giờ, cầm cây cào đùa đẩy những trái “cranberry” dồn về một chỗ, ta mới thấy hết sự chịu đựng và vất vả của họ trong công việc làm. Có lẽ do lợi nhuận và sự hữu dụng của trái “cranberry” trong đời sống của con người, nên nghề chăm trồng cây “Cranberry” đã được lưu truyền từ xưa cho đến bây giờ.

Huỳnh Thanh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét