Ngôi nhà số 65 phố Nhà Rượu là ngôi nhà thứ ba của chúng tôi. Nó lớn hơn ngôi nhà thứ hai số 27 Bis cùng phố, có nhiều phòng hơn vì gia đình đã lớn thêm với 3 em tôi lần lượt ra đời Thay vào chị Nhài Hiên là chị Tường ở quê lên. Chị xấp xỉ tuổi cha mẹ tôi, gọi cha mẹ tôi bằng cậu mợ xưng em, còn chúng tôi gọi chị bằng chị. Cách xưng hô này được giữ mãi. Vì sao thì khi tôi về quê ở với bà chị cả của cha tôi là cô Gái được cô dẫn tích tôi mới biết. Thì ra chị Tường là một đứa bé mới đẻ bị mẹ vứt ở bụi tre đầu ngõ, ông nội tôi dậy sớm nghe tiếng trẻ khóc, mới lần ra xem rồi thương tình bồng về.
<!>
Chị lớn lên trong ngôi nhà gỗ của ông bà tôi, trở thành người nhà, nhưng không được coi như con nuôi. Thấp, đậm người, cục mịch, lúc nào cũng cau có, chị Tường khác hẳn chị Nhài Hiên dịu dàng.
Tôi biết bác Cả Hà Đông năm tôi lên 10.
Mẹ tôi nói không nên để Sao Đỏ ở nơi nào khác, mọi chỗ đều không an toàn, đều nguy hiểm, tốt nhất là đưa về nhà mình. Đó mới là chỗ mật thám ít ngờ nhất. Nguyễn Lương Bằng không thể mạo hiểm trốn ở nhà người bạn tù vừa được tha.
Hôm sau cha tôi mang về tờ Tin Mới với dòng nhắn tin trong mục Rao vặt: “Ông Cả Hà Đông về nhà ngay, cả nhà đợi ông”.
Trưa khuya hôm sau, một người đàn ông gầy còm vận áo the thâm, quần cháo lòng, một tay cầm cái ô cụp, tay kia xách gói vải trong có một viên ngói tây, quanh quẩn trước cổng, rồi mới gõ cửa. Nhìn ông, người ta hẳn phải nghĩ ông nhà quê này đi mua ngói.
Cha tôi hé cửa cho ông vào. Hai người ôm chầm lấy nhau.
Căn phòng nhỏ của chị Tường trở thành phòng cho ông khách, lũ trẻ chúng tôi không được phép vào đấy. Chúng tôi được bố mẹ dặn: người mới đến ở trong nhà ta là Bác Cả Hà Đông, cấm tiệt không được nói với ai về bác. Chị Tường ngoan đạo đã quen với những ông khách như thế, không cần phải dặn.
Bí danh Ông Cả Hà Đông có từ ngày đó. Nếu nó có trước chắc cha tôi đã không dám dùng nó để viết trong mục Rao Vặt.
Mẹ tôi bận bịu suốt dưới bếp lo nấu nướng những món tẩm bổ cho bác Cả Hà Đông: chim câu tần hạt sen, chân giò hầm thuốc bắc…
Chúng tôi chưa bao giờ biết đến những thức ăn sang trọng ấy.
Vào thời gian phải lo kinh tế cho Đảng, lo cho các đồng chí đang trốn tránh, bố mẹ tôi ít khi ở nhà. Mẹ tôi mặc chị Tường lo bữa ăn cho chúng tôi.
Tôi nhớ rất lâu món rau muống sống chấm bỗng rượu. Rau muống người ta chẻ nhỏ, chị Tường chỉ vặn mớ rau làm đôi làm ba rồi đập vào lòng bàn tay cho dập. Bỗng rượu thì đi xin ở những lỗ thải của nhà máy – nó là đồ cho lợn, ai muốn xin bao nhiêu được bấy nhiêu.
Trong những ngày ấy người thường đến gặp bác Cả Hà Đông chỉ có bác Ba Lâm. Chúng tôi rất yêu bác này. Bác biết cách chơi với chúng tôi, cứ như bác cũng là một đứa trẻ con, y như chúng tôi. Chúng tôi thì rất khoái trá nhìn cách bác gọt khoai và hoa quả. Mọi người gọt xuôi thì bác gọt ngược, đưa lưỡi dao từ ngoài vào trong. Mẹ tôi cười, giải thích:
– Bác ấy ở bên Tây lâu, quen cách gọt của người Tây ấy mà.
Bác Ba Lâm cười khì:
– Thì họ gọt thế, mình bắt chước rồi thành quen, chị ạ. Không hiểu sao Tây với ta lại gọt khác nhau thế nhỉ?
Trong số những người bạn cha mẹ tôi từng ở nhà tôi thì bác Ba Lâm là người đến thường xuyên, ở lại lâu nhất. Bác là người chu đáo cả trong những chuyện nhỏ nhặt. Trong khi chính quyền thuộc địa tiến hành cuộc tổng khủng bố, các bác khác đều phải trốn tránh thì chỉ có bác Ba Lâm dám trở về ban đêm để đưa tiền cho mẹ tôi trả cho thợ giặt.
Kể chuyện bác Ba Lâm, và các bác khác nữa, quần áo không giặt lấy mà đưa thợ giặt chắc nhiều người không tin: “Bịa, làm gì có chuyện như thế”. Trong các cuốn hồi ký cách mạng người ta chỉ thấy những miêu tả nào gian khổ, nào tù đày, không ở đâu nói tới chi tiết này. Nhưng nó có thật.
Thời kỳ Mặt trận Bình dân cầm quyền, chính phủ Pháp đã cử bà Andre Viollis sang thanh tra chế độ lao tù ở Đông Dương, nhờ thế chính quyền thuộc địa buộc lòng phải nới lỏng cách cai trị tàn bạo. Đó là thời kỳ dễ thở nhất đối với những người cách mạng. Viết tiểu sử các lãnh tụ sau này, các tác giả đều có ý tả các nhà cách mạng phải dính tới chút gì đó không công thì nông. Trong thực tế, những người cách mạng không nhiều thì ít đều là người có học. Những chiến sĩ mù chữ chỉ làm việc vặt.
Bác Cả Hà Đông là người bạn rất thân với cha mẹ tôi. Trong bảo tàng nhà ngục Sơn La vẫn còn treo bức ảnh cha tôi và bác chụp chung. Thời Tây đô hộ, chế độ giam cầm xem ra khá dễ dãi, tù được chụp ảnh làm kỷ niệm.
Kể từ năm 1954 khi chính phủ kháng chiến về tiếp quản Hà Nội, tôn ti trật tự mới được thiết lập thì trong số bạn bè thời bí mật của ông bà chỉ có bác Cả Hà Đông còn năng lui tới nhà tôi. Mà không phải để bàn bạc công việc, bác đến chơi vậy thôi, thăm cha mẹ tôi, thăm các cháu. Những người thường xuyên tới nhà tôi trong thời kỳ hoạt động bí mật nay trở thành “lãnh tụ”, thành các quan chức lớn, thảy đều biến mất như bốc hơi.
Thời gian tôi học ở Moskva, ông Nguyễn Lương Bằng là đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô. Công việc bận bịu, thỉnh thoảng ông lại gọi tôi đến ăn cơm, chắc muốn cho tôi được ăn cơm trong không khí gia đình.
Một hôm đang ăn ông bảo tôi:– Bác nói điều này, cháu nhớ lấy nhá: “Đàn bà một người thì đoàn kết, hai người thì chia rẽ. Đừng có quên!”
Hình như hôm ấy ông đang buồn phiền sau một cuộc cãi vã giữa vợ ông, cũng là một nhân viên sứ quán, với mấy bà khác cùng cơ quan. Nhớ lại câu nói của ông, tôi cứ buồn cười mãi. Có những tình tiết không quan trọng chút nào nhưng chúng đọng lại rất lâu trong trí nhớ.
Tôi rất yêu bác Cả Hà Đông ngày ấy.
Nhưng tình cảm ấy không tồn tại mãi mãi trong tôi. Tôi đã mất ông, ông bác tôi từng yêu quý.
Vào năm tù thứ ba hay thứ tư của mình, tôi không nhớ, tôi phải vất vả lắm mới viết được bức thư gửi cho ông. Trong những nhà tù tôi trải qua, người bị giam không có quyền được đọc, thậm chí một mảnh giấy báo bọc đồ tiếp tế cũng bị lột ra, đừng nói tới viết. Tôi phải lấy nhựa thuốc lào đọng trong cái điếu tự tạo làm mực, lấy cật bương làm bút để viết.
Tôi viết:
"Thưa bác. Cháu đề nghị bác, với tư cách người cầm thanh kiếm bảo vệ sự trong sáng của Đảng, tự mình xem xét vụ án này. Cháu là đứa cháu được bác và bố mẹ giáo dục tinh thần trung thành với sự nghiệp cách mạng. Nếu sau khi kiểm tra bác thấy cháu phản cách mạng thật thì cứ mang ra bắn, nhưng nếu không phải là như thế thì bác phải đưa bọn lạm dụng chức quyền đàn áp những người cách mạng trung thực ra xử".
Không tin gì nữa, không trông đợi gì nữa ở cái đảng cộng sản nắm toàn quyền cai trị đất nước đã bỏ tôi vào tù, nhưng tôi tin vẫn còn đâu đó những người từng chịu đựng gian nan, tù ngục cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ không chịu cúi đầu làm tay sai cho những tên cơ hội cai trị đất nước.
Tôi lầm. Như người ta thường nói: tôi ngu lâu.
Bức thư đã được bí mật chuyển ra ngoài nhân một lần tôi được gặp gia đình. Mẹ tôi đã tới gặp ông. Ông nhận thư của tôi, nhớn nhác nói lảng sang chuyện khác. Chừng ông sợ những con “rệp” được gài trong phòng khách. Khi tiễn mẹ tôi ra cổng, ông nói nhỏ: “Tập thể quyết định, chị ơi, tôi không làm gì được”.
Tôi tiếc đã đặt niềm tin ở ông. Tôi tiếc công cặm cụi viết thư cho ông.
Khi Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La năm 1943, ông được một thanh niên người Thái trắng dẫn đường. Trở về nhà anh bị Pháp bắt đem chặt đầu. Tôi đã tới bản Giảng, cách nhà tù Sơn La vài cây số, vào mùa thu năm 1965, để thăm gia đình anh thanh niên nọ. Trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo chỉ còn lại mẹ anh, một bà lão lẩm cẩm, điếc lác, hỏi năm câu mới trả lời được một, câu trả lời lại chẳng ăn nhập gì với câu hỏi.
Sau 22 năm, tính đến chuyến đi của tôi, người tù vượt ngục dẫn tới cái chết của người thanh niên nọ là ông Nguyễn lương Bằng đã không một lần trở lại bản Giảng để thăm hỏi bà lão tội nghiệp.
Người đem cả sinh mạng mình cứu ông mà ông còn quên, nói chi đến đồng chí.
Lẽ ra, ngay từ đó tôi đã phải biết Nguyễn Lương Bằng là con người thế nào. Giờ đây, khi cả hai bố con người bạn thân của mình bị giam miết mà ông biết là không có tội, ông cũng không hề động ngón tay út để can thiệp.
Khi bố tôi được thả và sau đó bị biệt xứ ở Nam Định được trở về Hà Nội, ông Nguyễn Lương Bằng có đến thăm, xin lỗi cha tôi. Cha tôi nói:
– Chuyện qua rồi, tôi không để tâm. Anh cũng không phải kẻ gây ra tội.
Tôi không có được đức độ lượng của cha tôi. Năm 1979, ông Nguyễn Lương Bằng qua đời, cha tôi gọi tôi:
– Hôm nay đưa tang bác Cả. Con mặc quần áo rồi chở bố đi tiễn bác.
Sau 6 năm tù, cha tôi yếu đi nhiều. Ông muốn đi đâu tôi phải chở bằng xe gắn máy.
Tôi lễ phép thưa:
– Con là đứa con luôn vâng lời bố. Nhưng lần này thì xin bố cho con không nghe. Con không bỏ một phút để đưa ma một thằng hèn. Dù có lúc nó đã là người tốt.
Cha tôi im lặng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét