Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Xin họp khóa một mình - Giao Chỉ. San Jose.


Thân gửi chị Hồng Phượng,
Chiều chủ nhật, Ms. Hồng Phượng gọi anh Lộc nói rằng đã đến ngày 1 tháng 10, anh có nhớ gì không. Đó là ngày ra trường. Chúng tôi cùng nhắc chuyện cũ. Năm 1954, khóa trừ bị 300 anh em động viên Thủ Đức, đi máy bay vào Sài Gòn. Sẽ học khóa 4 phụ tên khóa là Cương Quyết. Trường Thủ Đức không còn chỗ. Khóa chúng tôi được GMC chở lên Đà Lạt. Thời gian này Đà Lạt đang có khóa 10 hiện dịch. Chúng tôi học 6 tháng như bên Thủ Đức. Khóa 10 Trần Bình Trọng học 8 tháng vì có thời gian ra thực tập ngoài Bắc. Nếu so sánh với khóa 10 hiện dịch thì có phần kỷ luật và hăng hái hơn khóa trừ bị chúng tôi. 
<!>
Bên hiện dịch cùng lớp tuổi tình nguyện theo binh nghiệp. Khóa trừ bị chúng tôi thành phần khác biệt. Có anh chỉ là học sinh. Có bạn đã là công chức, có vợ con. Tuy là động viên nhưng cũng có anh tình nguyện dù chưa bị gọi đi lính. Khóa Cương Quyết vào trường tháng 3-54 và ra trường tháng 10-54. Thời đó xuất thân Đà Lạt về đơn vị được nể trọng hơn Thủ Đức. Hiện dịch và trừ bị được các đơn vị trưởng đối xử khác nhau. Nhưng về sau thì quân đội không phân biệt vì hầu hết các sĩ quan đều chuyển qua hiện dịch vì chiến tranh tiếp diễn, không có chuyện trừ bị được giải ngũ.

Tuy nhiên, có điều quan trọng là khóa Cương Quyết ra trường vào giai đoạn quân đội quốc gia thành lập nhiều đơn vị tổng trừ bị nên rất nhiều anh em Cương Quyết xin về các đơn vị Nhảy dù, TQLC, Biệt động quân và các tiểu đoàn bộ binh. Phần lớn các đơn vị Tổng Trừ Bị ở Sài Gòn trong những năm mới di cư nên cuộc sống tương đối êm đẹp. Những năm sau, chiến tranh mở rộng thì các bạn đồng khóa đã lên cấp bậc cao và giữ những chức vụ quan trọng. Tuy nhiên, có điều cần ghi lại là khóa Cương Quyết rất cô đơn, không có kỷ niệm với Thủ Đức và cũng chẳng nằm trong danh sách 30 khóa Đà Lạt. Trên thực tế, Tổng cục quân huấn ghi lại có 3 khóa trừ bị động viên đã thụ huấn Đà Lạt là khóa 3 phụ Đông Đa, Khóa 4 phụ Cương Quyết và khóa 5 phụ (Không nhớ tên). Các khóa này thường sinh hoạt riêng, không theo Thủ Đức mà cũng không xếp hạng với Đà Lạt. Tuy nhiên, các sĩ quan dù Thủ Đức hay Đà Lạt ra trường sau năm 1954 thường gặp các đàn anh Cương Quyết rất đáng ngưỡng mộ nhưng không biết mấy tay này học ở trường nào.

Nhân dịp này xin ghi lại để Ms. Hồng Phượng, tức chị Trung tá Lê Xuân Định, SVSQ trung đội 23 đại đội 6, được rõ. Khóa của chúng ta năm xưa từng họp khóa nhiều lần tại Việt Nam. Hầu hết lên cấp tá. Có nhiều trung tá, đại tá và 1 bạn lên tướng. Đáng ghi nhận là các anh em trong tổng trừ bị đã giữ nhiều chức vụ quan trọng. Sự tình cờ đáng ghi nhận là trong trận Tái chiếm Quảng Trị năm 1972, Cương Quyết Đà Lạt tình cờ có 3 đại tá chỉ huy 3 lữ đoàn tham dự. Đại tá Phạm Văn Chung TQLC giữ tuyến sông Mỹ Chánh, nơi phát xuất của 2 lữ đoàn hành quân tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng. Cánh quân đi bên núi là đại tá Nhảy Dù Trần Quốc Lịch, cánh quân đi phía biển là đại tá Mũ Xanh Ngô Văn Định. Mũ Đỏ tiến vào Cổ Thành giai đoạn đầu. Mũ Xanh thay quân đánh trận cuối cùng. Ba đại tá lữ đoàn trưởng sinh viên trừ bị gốc Hà Nội 1954, nguyên thuộc đại đội 8 khóa Cương Quyết Đà Lạt. 18 năm sau, vào năm 1972, đã cùng tham dự trận đánh danh tiếng vang lừng.

Thân gửi chị Hồng Phượng. Bây giờ tính số đoàn trưởng năm xưa anh em vào trường ghi danh 300 sinh viên. Ra trường 247. Năm 2004 họp khóa tại quận Cam có được 70 vị cao niên. Cuốn phim thu hình là một buổi họp kỳ thú giữa tình đồng khóa. Hôm nay, Hồng Phượng còn nhớ cả một thời xưa, điện thoại hỏi anh Lộc còn gì để viết lại. Thời gian 20 năm cuối cùng, Giao Chỉ đã viết trên 50 bài Chung sự của các bạn cùng khóa. Số còn lại cũng chẳng còn bao nhiêu. Mười phần chết 7 còn 3. Anh Định của Phượng cũng đi xa rồi. Đến khi xem lại đi 2 còn 1. Nam Cali biết bao người sao chỉ thấy còn có mình cô. Ở miền Bắc này hôm qua anh Lộc và anh Đôn cùng xem lại cuốn phim. Muốn khóc nhưng nước mắt đã khô rồi. Mới tuần trước, bọn anh vào Nursing Home thăm Đồ Sơn TQLC Ngô Văn Định. Rất mừng nhưng tiếng nói rất yếu. Sáng hôm qua, Biệt kích nhảy Bắc Nguyễn Hữu Luyện bắt con trở lại thăm nhà bác Lộc. Nói là ghé thăm lần cuối. Bước đi rất khó khăn, đầu óc cũng đã mất trật tự. Bác Lộc nói với bác Luyện: Bây giờ hồn ai nấy giữ. Tuy nhiên, dù theo tôn giáo nào thì cũng yên tâm, chúng ta sẽ gặp nhau ở thế giới thứ hai. Bên kia thế giới anh em ta đông đảo hơn và chắc chắn sẽ vui hơn. Bao giờ cũng thế.

Chấm dứt điện thoại, Ms. Phượng lại hỏi chị Lộc ra sao. Nàng đã 88 cái xuân xanh. Chuyện gần không nhớ lại nhớ chuyện xa. Năm anh 70 tuổi muốn về thăm quê hương, nàng không cho về. 80 tuổi muốn về cũng không chịu. Năm 90, nàng cho về vì biết rằng sẽ an toàn, nhưng 90 mà về quê hương xem ra quá muộn. Sáng nay, ta chợt thấy một gói tiền ai để dưới gầm giường. Cô nàng cất dấu từ nhiều năm mà bây giờ quên hết. Từ đầu năm 2024, bác Lộc đi chợ và biết nấu ăn. Buổi sáng trứng với bánh mì và hôm sau bánh mì với trứng. Xuống cân, bụng nhỏ nhưng lưng còng. Ở dưới đó biết bao người, sao chỉ thấy có mình cô. Bạn cùng khóa bỏ đi hết, chỉ còn có phu nhân. Bạn cùng khóa dù núi mòn sông cạn. Dù trăm năm tình bạn cũng y nguyên… Xin tự nhiên họp khóa một mình.

Giao Chỉ. San Jose.

Giao Chi San Jose. 
(408) 316 8393

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét