Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Như thời tiết không thể nào đoán trước - Hoàng Chính

tranh nguyễn trung
Lúc Nancy – vâng, người đàn bà chia tiền nhà với tôi là Nancy – lúc Nancy vén áo, đẩy miệng thằng bé vào ngực mình, tôi vội xoay người ngóng ra cửa sổ. Tuyết phủ kín cả tấm bảng “Ngõ Cụt”, trắng mờ con mắt. Tôi nghiêng đầu lắng nghe. Tiếng ọ ọe của đứa bé như những vết mực vẩy vào không gian tĩnh lặng. Thằng bé khóc hoài, chúng tôi phải đánh lừa nó bằng cái núm vú màu hồng của người đàn bà chưa một lần thai nghén. Dường như nó cũng nhùng nhằng một chút. Rồi ngậm cái núm vú nhỏ như hạt đậu phụng trên bờ ngực vun ấy. Và nó thôi khóc.
<!>

Tôi mừng rỡ quay lại nhìn làn da trắng xanh trên khoảng lưng trần người đàn bà. Đầu óc tôi rối bời.
“Nó thôi khóc rồi,” người đàn bà nói nhỏ.
“Nó tưởng Nancy là mẹ nó,” tôi thì thầm.

Tôi rón rén trở về phòng ngủ, run run moi mảnh giấy nhét trong túi quần. “Con anh đấy. Hãy thương nó và thay em nuôi dưỡng nó.” Nét chữ Tiểu Quyên. Tôi nhìn kỹ từng chữ một. Mỗi chữ là một sinh vật. Ngọ ngoạy, nhúc nhích. Như con sâu tìm cách thoát ra ngoài cái kén. Như những đứa trẻ trong trại bệnh nhi khoa muốn tháo gỡ cái tã quấn chặt quanh mình. Để vươn vai lớn dậy, thành lũ thiếu niên, tuông chạy trên đồng cỏ thẫm xanh, chen chúc xô đẩy nhau giữa phố phường muôn sắc màu.

Tôi lắc đầu, cố xua đuổi những ảo ảnh bấn loạn vây quanh.

Tôi nhắm mắt. Khuôn mặt Tiểu Quyên hiện lên rõ nét. Tôi cố gỡ hình ảnh ấy, chập lên hình ảnh khuôn mặt đứa bé. Vầng trán cao. Cánh môi hồng. Sống mũi thuôn. Hai vành tai mảnh. Mái tóc đen nhánh. Những thứ ấy chồng chập lên nhau. Vừa vặn. Tôi lẩn thẩn mất rồi. Đứa bé là con của Tiểu Quyên thì phải giống Tiểu Quyên. Tôi tìm những nét tương đồng để làm gì. Tôi lại nhắm mắt, lấy chân dung tôi, chồng lên hình ảnh thằng bé trong trí tưởng. Tôi thấy nó không giống tôi. Rồi tôi lại thấy nó giống tôi. Nó là con tôi. Đúng như Tiểu Quyên nói. Nhưng chúng tôi mới chỉ duy nhất một lần mê muội. Làm sao có thể có thằng bé này. Ờ, nhưng mà đó là lần yêu đương tuyệt vời nhất. Đó là điểm đến của tình yêu. Tuyệt đỉnh của mong chờ, khao khát. Biết bao lâu chúng tôi yêu thầm như hai kẻ mù mò mẫm trong đêm tối tìm lối đi. Nhưng sự linh cảm vẫn đẩy chúng tôi hướng về nhau. Như hai kẻ lữ hành cô độc trong chuyến hành hương đi tìm đất thánh. Chúng tôi leo mãi, leo hoài lên đỉnh núi để cử hành nghi lễ tình yêu. Như hai thiên thể cố vào chung một quỹ đạo. Chuyến chung đụng ấy là ân ái đúng nghĩa và trọn vẹn nhất. Dẫu chỉ một lần. Nhưng hạt mầm đã nảy ra sau lần gieo cuồng nhiệt, và đã đơm trọn vẹn một đóa hoa hạnh phúc. Đóa hạnh phúc ấy đang nằm trên cánh tay Nancy. Đang say sưa bú dòng sữa vô hình của thứ tình mẫu tử xa lạ. Đứa bé này đúng là con của Tiểu Quyên. Và của tôi.

“Bé ngủ rồi anh ơi,” Nancy gọi nhỏ.

Tôi giật mình, xếp vội mảnh giấy làm tư, nhét vào túi quần, nhanh chân bước ra phòng khách.

Tôi đứng sựng lại. Vội vã cúi xuống. Mắt dán lên nền nhà. Lần đầu tiên tôi thấy đôi vú Nancy. Vun đầy. Căng nở. Lờ mờ những đường gân xanh trên làn da trắng nõn. Tôi thấy cái núm màu hồng. Chiếc nụ hoa trên búp non một loài thảo mộc hiếm quý. Đẹp lạ lùng. Tôi thấy mình hụt hơi. Mãi tôi mới dám len lén nhìn lên. Vướng đứa bé trên tay nên Nancy không thể kéo áo che ngực. Thành ra nàng để nguyên vậy.

“Anh muốn bé ngủ phòng anh hay…”
“Cho nó vào phòng anh đi,” tôi nói vội.

Đêm qua, tôi nhường phòng mình cho hai mẹ con Tiểu Quyên. Tôi nằm co ngoài sa lông. Trăn trở tới gần sáng mới ngủ được. Và khi thức thì Tiểu Quyên đã đi mất rồi.

Nancy đặt thằng bé xuống giường. Lấy gối chèn hai bên và đắp cái chăn mỏng lên mình nó. Rồi nhẹ đưa ngón tay vuốt má thằng bé. Tôi nghiêng đầu ngắm. Hình ảnh người đàn bà trẻ, chăm sóc yêu thương đứa bé sơ sinh làm lòng tôi xốn xang. Nhưng Nancy không phải mẹ đứa bé. Và tôi là cha nó, phải vậy không? Tiểu Quyên đã quả quyết với tôi như thế. Và tính từ cái ngày hai chúng tôi không còn là chú-cháu đời thường ấy, từ giây phút chúng tôi là tình nhân với nhau, đến nay đứa bé tròn ba tháng tuổi thì nó đúng là con tôi rồi.

Nancy đứng dậy, nhìn đứa bé thêm một lần rồi xoay qua nhìn tôi, mỉm cười, “Thằng bé ngoan quá.”

Nàng xòe hai bàn tay, áp vào ngực tôi, đẩy nhẹ tôi ra ngoài, “Ra ngoài cho bé ngủ.”
Chúng tôi bước ra ngoài. Nàng đưa tay khép hờ cánh cửa.
“Anh nghĩ mẹ nó có về với nó không?” nàng chợt hỏi.

Tôi ngẩn người ra, suy nghĩ. Rồi tôi ậm ừ, “Chắc… cũng phải về chứ. Con đầu lòng mà…”

Ấy là câu đoán mò. Tôi biết rõ như thế. Tiểu Quyên như chiếc bóng. Mập mờ ẩn hiện trong thế giới tôi. Như những mùa màng đến rồi đi. Như thời tiết không thể nào đoán trước.
“Lỡ nó không về thì sao?” Nàng hỏi, chút gì đó gay go trong giọng nói. Tôi không ưa cái giọng thách thức ấy. Nhưng tôi im lặng.
“Anh đặt tên gì cho thằng bé?” Nancy lại hỏi.

Câu hỏi như cú đánh vào thái dương, làm tôi chóng mặt. Nancy chỉ là người thuê một phòng ngủ trong căn nhà cũ của tôi. Tôi nghĩ cô ấy không nên thắc mắc nhiều. Chuyện tôi với Tiểu Quyên và thằng bé sơ sinh này là chuyện rất riêng tư. Nhưng tôi không biết trả lời sao. Tôi đang rất cần Nancy. Nancy không cho thằng bé bú thì nó sẽ khóc hoài.

Tôi lừng khừng đứng lại.
“Phải đặt tên cho nó chứ,” Nancy nói, chộp lấy cánh tay áo tôi, kéo tôi ra phòng khách.

Những người đàn bà luôn luôn đáng yêu. Luôn luôn khéo léo. Và thông minh nữa. Có điều họ không biết lúc nào nên ngưng nói.
“Anh phải đặt tên rồi làm khai sinh cho nó.”

Tôi lặng thinh.
“Nó có khai sinh chưa?”

Tôi lắc đầu.
“Anh lắc đầu là vì anh không biết hay là vì nó chưa có khai sinh?”

Tôi nghĩ đến đứa đàn ông mà Tiểu Quyên nhắc tới ngày hôm trước; cái đứa – mà theo lời Tiểu Quyên thì – có giọng hát hay và giàu có phát sợ. Cái đứa bắt Tiểu Quyên phải bỏ thằng bé này. Tôi không biết mặt cái đứa ấy để đem chân dung nó chập lên hình ảnh đứa bé xem có những điểm tương đồng nào. Tiểu Quyên bảo tôi chẳng cần biết nó là ai. Tôi không biết họ của tên đàn ông ấy. Và tôi băn khoăn. Bởi lỡ như đứa bé không phải là con tôi. Nó sẽ không nên mang họ của tôi.
“Hở anh?” Nancy nhắc.

Tôi khẽ gật đầu, “Cả hai.”
“Cứ tìm cho nó một cái tên. Rồi làm giấy khai sinh. Lấy họ của anh cho nó.”

Tôi nhìn qua khung cửa sổ. Bên ngoài tuyết vẫn trắng xóa không gian. Nancy vẫn nhìn tôi, chờ một câu trả lời dứt khoát. Những người đàn bà không biết lúc nào thì nên ngừng lại. Nancy không biết nếu có cánh, tôi đã lao vút vào bầu trời lạnh buốt ngoài kia. Như lũ chim rừng. Để đầu óc được ít nhiều tĩnh lặng.

Nancy bước tới, đứng ngay trước mặt tôi, ngước mặt chờ đợi.

Tôi bối rối, nói lảng, “Mình có nên báo cảnh sát để nhờ họ tìm Tiểu Quyên không?”
“Tìm làm gì? Nó tự bỏ đi mà. Nó có phải trẻ con đâu mà tìm,” nàng buông giọng thẳng thừng. “Thằng bé là con cô ấy, anh là bác hay cậu nó. Anh nuôi nó là phải rồi. Với lại anh đặt tên cho nó. Cho nó lấy họ của anh. Anh là anh ruột của mẹ nó thì họ của anh cũng là họ của mẹ nó. Lỡ mai mốt mẹ nó có trở về đòi con thì thằng bé vẫn mang họ của anh. Quá tốt rồi.”

Nàng nói một thôi. Lúc trước nàng bảo phải báo cảnh sát để mình không bị nghi là bắt cóc trẻ con. Bây giờ nói ngược lại. Tôi chóng mặt. Hai thái dương tôi hầm hập nóng. Hai tai tôi sắp bắt lửa. Tôi sắp sửa nổ tung trước mặt cô ấy. Nhưng may mắn (cho cả hai chúng tôi) là cô nở bung một nụ cười trên khuôn mặt trái soan xinh xắn. Nụ cười đã mồi chài tôi ngay từ khi cô ấy mới dọn vào.
“Nancy có đi không?”
“Đi đâu?”
“Lại đồn cảnh sát.”
“Đi làm gì? Em đi rồi ai coi đứa bé?”

Tôi ngẩn người ra. Tôi quên bẵng đi là mình có đứa bé sơ sinh trong nhà. Cũng may hôm nay là thứ Bảy. Cả hai chúng tôi cùng không phải đi làm. Sang tuần mới, phải đi làm, không biết tính sao với đứa bé nữa. Nhưng tôi chưa dám nghĩ thêm. Càng nghĩ tôi càng rối trí.

Tôi lại đồn cảnh sát. Tôi rất ngại đến những cơ quan công quyền. Chỉ khi nào không còn chọn lựa nào khác tôi mới phải lặn lội đến những nơi ấy.

Đang chăm chú với cây bút và xấp giấy trên bàn làm việc, người cảnh sát ngước lên nhìn tôi, “Chào ông. Ông cần gì?”

Tôi nhận ra nét gì đó quen quen trên khuôn mặt người đàn ông. Tôi nhìn lướt quanh phòng làm việc của ông ta. Những chiếc còng số tám treo rải rác trên tường. Khung cảnh quen thuộc. Đúng rồi, tôi đã đến đây một, hai lần. Nhưng lâu lắm rồi. Và tôi nhận ra hàng ria mép màu nâu của ông cảnh sát. Chỉ khác là có nhiều sợi bạc.
“Tôi muốn báo cáo người mất tích.”

Ông cảnh sát bỏ cây bút xuống bàn, ngồi thẳng người dậy, chỉ chiếc ghế phía đối diện, kê sát tường, “Vậy à? Mời ông ngồi.”

Tôi ngồi xuống ghế. Hai tay đặt trên lòng như đứa học trò chờ ông hiệu trưởng hỏi tội.

Người cảnh sát nhìn tôi chăm chăm cả phút đồng hồ. Cái nhìn làm tôi bối rối. Tôi sắp trở thành kẻ bị tình nghi. Tôi khẽ nhúc nhích cho có thế ngồi thoải mái trên chiếc ghế có lớp nệm da mỏng.
“Nếu tôi nhớ không lầm thì có lần ông tới để khai mất xe đạp, phải không?”

Tôi giật mình. Tim tôi đập nhanh trong lồng ngực. Con mắt sắc của người cảnh sát vẫn xoáy vào tôi. Tôi sắp biến thành can phạm. Tôi sắp bị còng bằng một trong những vật kim loại hình số tám treo trên tường. Và tôi phục trí nhớ của người đàn ông này.
“Đúng không?” ông ta hỏi và nhếch mép cười.

Tôi hối hả gật đầu. Lần ấy chiếc xe đạp của Tiểu Quyên bị mất trộm. Chúng tôi đến đồn cảnh sát để khai báo.
“Ông đi với một cô gái đẹp.”

Tôi lại gật đầu. Ông ta nói đúng, Tiểu Quyên của tôi là một thiếu nữ đẹp.
“Cô ấy còn ở đây không?”

Tôi lắc đầu, toan nói, nhưng ông ta đã tiếp, “Thị trấn này rất ít người Á Châu, nên gặp một lần là nhớ ngay.”

Tôi gật đầu.
“Cô ấy còn ở đây không?”

Tôi hít một hơi dài, nói vội, “Cô ấy mất tích.”

Người cảnh sát nhướng cặp lông mày lấm tấm sợi bạc, “Lâu chưa?”
“Sáng nay…” tôi lúng túng. “Không, tối qua. Ưm, tôi cũng không chắc nữa.”
“Chưa được bốn mươi tám tiếng mà. Chắc cô ấy đi đâu đó, rồi sẽ về. Mấy bà vợ hay vậy. Giận một chút là bỏ đi, nhưng rồi sẽ về. Ông đừng lo.”
Tôi vội lắc đầu, “Không phải vậy đâu…”
“Không phải vậy thì là gì?”
“Cô ấy là…”
“Là gì? Không phải là vợ thì là gì?” Người cảnh sát chồm tới trước, hỏi dồn.
“Là… là em gái tôi.”

Tôi nói dối với cảnh sát, như tôi đã nói dối với Nancy. Hai con mắt mở lớn. Người cảnh sát nhìn tôi đăm đăm. Rồi ông ta lật xấp giấy trên bàn, lấy ra một trang mới. Cây bút trong tay chĩa xuống mặt giấy, chờ đợi.
“Cô ấy tên gì?”

Tôi nói tên Tiểu Quyên. Người cảnh sát ghi nhanh lên giấy. Tôi ngểnh cổ nhìn. Những con chữ níu kéo, xô đẩy nhau trên trang giấy.
“Ngày tháng năm sinh?”
“Ngày mười, tháng Mười.”
“Mười, tháng Mười,” người cảnh sát gật gù. “Ngày Song Thập. Quốc Khánh quê hương ông phải không?”

Ông ta nói tiếng Anh “Double Tenth Day” nhưng tôi hiểu ra ngay. Và tôi lắc đầu. Bởi ấy là ngày Quốc Khánh đảo quốc Đài Loan. Ngày ấy quan trọng với tôi không phải vì thế mà vì đó là sinh nhật Tiểu Quyên. Chỉ có vậy thôi.
“Chúng tôi là người Việt.”
“Ồ, xin lỗi.” Nét nghiêm trang trở lại khuôn mặt người cảnh sát. “Cô ấy làm nghề gì?”
“Tôi không biết.”
“Cô ấy ở đâu?”

Tôi ngập ngừng, “Ở đâu đó trong… thị trấn này.”
“Chính xác là ở đâu?”
“Tôi cũng không biết.”
“Cô ấy sống với ai, anh có biết không?”
“Tôi cũng không biết.”

Người cảnh sát buông cây bút xuống bàn. Cây bút lăn vài vòng rồi ngưng lại. Ông ta nhìn tôi như nhìn một sinh vật quái dị, “Em gái ông mà ông không biết gì về cô ấy hết là sao?”

Tôi lại phải nói dối,
“Nó bỏ nhà đi từ năm mười sáu tuổi.”

Đầu óc tôi xoay vòng chung quanh cái lý lịch ảo của Tiểu Quyên. Tôi không biết gì nhiều về cuộc sống riêng của Tiểu Quyên. Tôi chỉ biết có một thời hai chúng tôi yêu nhau như hai kẻ tật nguyền: mù lòa, câm, điếc. Mò mẫm trong đêm tối, trong hoang mạc, để tìm đến với nhau. Để tìm cho ra nhau. Thứ tình yêu chân thật. Dẫu ban đầu chúng tôi là chú, là cháu của nhau. Và bây giờ chúng tôi có với nhau một đứa con. Nhưng Tiểu Quyên bỏ mặc đứa bé cho tôi xoay xở. Đầu óc tôi bấn loạn. Tôi vừa mới nói dối với cảnh sát. Những lời khai gian ấy đã được ghi vào trang giấy. Ở xứ này ấy là tội hình sự. Tôi run bắn lên. Nhưng cố làm như không có chuyện gì.

Người cảnh sát gài cây bút vào túi áo, xếp lại xấp giấy trên mặt bàn, “Thôi được. Chưa đủ bốn mươi tám tiếng. Ông về đi. Sau bốn mươi tám tiếng mà cô ấy không về thì ông lại đây gặp tôi.”
Tôi chào người cảnh sát, và bước nhanh ra cửa.

Tôi không trở lại đồn cảnh sát ấy lần nào nữa.

Hoàng Chính
(ThovanTYH/blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét