Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

* Nhạc sĩ V ũ T h à n h A n “NGƯỜI VIẾT KHÚC BI CA CHO TÌNH YÊU “ - - Hoàng Dung -


* Vũ Thành An đã đến với cuộc đời này với một thân phận như thế, tựa hồ một người trời lỡ vươn tội bị đày xuống trần chịu nỗi đau tình dày vò, bứt xé… "Nỗi buồn không tên “- Cuối năm 1965, những lời ca buồn bã, não nuột của một kẻ si tình, thất tình: Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường theo đó/ Đúng hay sai em?/ Mưa bên chồng có làm em khóc, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng? trở nên phổ biến với rất nhiều khán giả, đặc biệt là giới trí thức Sài Gòn ngày đó.Sự thành công của Bài không tên cuối cùng góp phần khẳng định tên tuổi của chàng nhạc sĩ vừa tròn 22 tuổi – 
<!>
Vũ Thành An, đặt anh ngồi một chiếu riêng, ngang với những cái tên Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương trong địa hạt âm nhạc Sài Gòn những năm 60. Tất nhiên, để có những giai điệu, lời ca thăng hoa ấy, bản thân nhạc sĩ đã phải nếm trải biết bao hy vọng, chờ đợi rồi thất vọng, ão não trong tình yêu. Bài hát chính là “Kỷ niệm cuối cùng” cho một cuộc tình đẹp như cổ tích với người con gái nhạc sĩ thầm yêu trong thời gian làm biên tập viên tại Đài Phát thanh Sài Gòn. Mà có gì là bền chặt đâu, bởi khởi đầu cho cuộc tình ấy vào đầu năm 1965, tác giả đã dự cảm: Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai… trong "Tình khúc thứ nhất", với phần lời là bài thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn. Đây cũng chính là ca khúc đánh dấu sự trở lại với âm nhạc của Vũ Thành An sau một thời gian gián đoạn.

- Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Sài Gòn. Năm 1959, Vũ Thành An (khi ấy còn đang học đệ tứ - nay là lớp 9) có theo học nhạc lý với nhạc sĩ Chung Quân (tác giả ca khúc Làng tôi) cùng Ngô Thụy Miên và Đức Huy. Ca khúc đầu tay của ông có tên Giòng nước oan khiên kể về nỗi đau của đồng bào bị lũ lụt (theo ghi chép của ông Nguyễn Ngọc Chấn – bạn học cùng Đệ thất với nhạc sĩ tại trường Chu Văn An – Sài Gòn) bị nhạc sĩ Chung Quân chê vì phần lời còn thô. Có lẽ, do chỉ là một bài hát phong trào nên, cái tên Vũ Thành An vẫn còn rất mờ nhạt trong tâm trí người nghe. Phải chăng lúc ấy, chàng nhạc sĩ tài hoa hãy còn quá trẻ và vô tư, chưa nếm trải trái đắng của tình yêu nên chưa có những bản tình ca thống thiết chăng? Nhớ về kỷ niệm này, nhạc sĩ nói vui: “Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ rằng, bước vào con đường âm nhạc sẽ luôn gặp khó khăn, gập ghềnh. Và đừng vội vàng vì những lời khen, chê mà tỏ ra nản chí”.

*Nhạc sĩ Vũ Thành An thời sinh viên
- Sau thành công của "Tình khúc thứ nhất", Vũ Thành An viết liền một mạch các Bài không tên 1, 2, 3, 4. Tất cả đều mang một dư vị buồn bã, tiếc nuối, day dứt,… của một tình yêu không trọn vẹn và đều là những nỗi buồn “không tên” – phong cách rất đặc trưng của Vũ Thành An.
- Nói về lý do đánh số các bài hát, Vũ Thành An lý giải vì ông muốn thu hút sự chú ý của thính giả. Không biết lời giải thích ấy có được ghi nhận nhưng, với tôi, sự lý giải đôi khi đồng nghĩa với việc muốn cất đi những điều thầm kín, những điều ta không muốn hoặc sợ người khác chạm vào. Cũng như đã có biết bao tò mò, suy đoán, kiếm tìm xem người con gái trong Lời tình thứ nhất là ai mà để lại nỗi đau dai dẳng cho tác giả đến tận sau này. Sự kiếm tìm ấy sẽ mang lại điều gì hay chỉ khơi lại những nỗi niềm đau xót? Xin hãy để cho người trong cuộc được bình yên và giữ chút riêng còn lại cho mình.
- Sau cuộc tình buồn, Vũ Thành An tiếp tục nếm trải hương vị chia ly của mối tình thứ hai và lúc này các Bài không tên 5, 6, 7, 8, 9, 10 ra đời không theo một thứ tự thời gian nào. Hiếm hoi có Bài không tên số 5 viết về sự thăng hoa và niềm vui trong tình yêu, ông dành tặng người vợ đầu tiên.
- Năm 1969, Vũ Thành An quyết định chấm dứt cuộc đời độc thân, kết thúc những đoạn tình buồn bằng cách lập gia đình và cho phát hành tuyển tập những bài không tên. Các nhạc phẩm được thể hiện qua giọng ca ngọt ngào của nữ ca sĩ Thanh Lan trên sóng phát thanh và đặc biệt là phong trào du ca Sài Gòn tại hội quán Văn. Cuộc hội ngộ âm nhạc đó trở thành dấu son cho sự nghiệp cống hiến trên bầu trời Tân nhạc Việt Nam của ông.
- Bước sang thập niên 70, Vũ Thành An chỉ thi thoảng viết nhạc. Sau 1975, Vũ Thành An đi cải tạo đến 1985. Đây là một bước ngoặc đánh dấu sự thay đổi cuộc đời ông.

“Bài không tên cuối cùng tiếp nối”, một chiếc áo mới
- Năm 1981, Vũ Thành An bước vào cánh cửa Thiên Chúa giáo khi đang cải tạo ở Hà Tây. Cơ duyên của sự việc này bắt nguồn từ một đêm ông bị chứng mất ngủ đeo đẵng vì những dằn vặt của tình yêu, cuộc đời và danh vọng. Lúc ấy, ông nghe hai người bạn tù thì thầm đọc kinh “Kính mừng” để tìm được giấc ngủ yên lành. Như người sắp chết đuối trong những bế tắc bủa vây, Vũ Thành An vớ được chiếc phao cho tâm hồn mình, ông bắt đầu viết Thánh ca. Cũng cần phải nói rõ, Vũ Thành An vốn là người ngoại đạo. Năm 17 tuổi, ông có quen một cô gái rất ngoan đạo và để chiều lòng cô, ông đã học thuộc kinh “Kính mừng” từ dạo ấy.
- Sau khi ra tù, Vũ Thành An đi dạy kèm kiếm sống và tiếp tục viết những bản tình ca không tên từ số 12 đến số 50 cùng nhiều bài có tên khác. Qua nhiều thăng trầm, Vũ Thành An giờ đây đã biết chấp nhận, âm nhạc của ông vì thế cũng khoác một chiếc áo mới. Yêu vẫn yêu, nhớ vẫn nhớ, nhưng không còn rã rời, quay quắt điên dại nữa. Lý trí và nhận thức của người viết đã trở thành chủ đích chứ không để cảm xúc thỏa sức tuôn chảy như trước kia. Nhiều lời ca trong giai đoạn trước cũng được ông chỉnh sửa hoặc thêm lời, tiêu biểu nhất là Bài không tên cuối cùng tiếp nối. Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó/ Đúng đấy em ơi/ Nếu chúng mình, có thành đôi lứa/ Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau.

* Nhạc sĩ trong lần về Việt Nam vào năm 2006.
- Năm 1987, ông kết hôn cùng bà Nguyễn Thị Vân – mẹ của hai cậu học trò ông đang dạy học. Cả gia đình ông sang Mỹ định cư vào năm 1991. Năm 1996, ông tuyên bố ngừng sáng tác tình khúc. Hiện ông đang giữ chức Phó Tế ở Portland, Oregon, Mỹ. Năm 2006, ông trở về Việt Nam trong một chuyến đi ngắn cho hoạt động của Quỹ từ thiện Teresa do ông sáng lập vào năm 2002.
- Trải qua nhiều biến động, nhạc sĩ Vũ Thành An giờ đây đã tìm được một cuộc sống, chọn một cách sống nhiều niềm vui hơn. Dẫu, chàng nhạc sĩ của xưa kia đã gói gọn tâm tư mình cất vào một không gian khác, dẫu chàng không còn viết những khúc bi ca cho tình yêu lứa đôi nữa thì những lời ca ấy vẫn lơ lửng, phảng phất không chỉ trong tâm khảm của những kẻ một thời rêu phong, tìm lãng quên ở các quán cà phê ven đường vào thập niên 60 mà còn trong trái tim đồng điệu của hàng triệu người yêu nhạc. Bởi, ai cũng có một thời tuổi trẻ, hăng say, nồng nhiệt, bồng bột yêu thương rồi trách móc, hờn dỗi. Bởi, có mấy ai trong cuộc đời này được trọn vẹn trong tình yêu của mình?

- Cùng với Tình khúc thứ nhất, Em đến thăm anh đêm ba mươi và các Bài không tên, tên tuổi Vũ Thành An gắn liền với giới trẻ thời bấy giờ. Người ta có thể nghe nhạc ông ở hầu hết các quán cà phê nhạc của Sài Gòn và những thành phố lớn khác ở miền Nam, tại các quân trường và trên các làn sóng phát thanh.

- Hoàng Dung -
- - oo ( .... ) oo - -
THUY NGUYEN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét