Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

NGƯỜI BẠN 101 - NGUYỄN THỪA BÌNH


“Chạy đâu cho khỏi nắng”, ông bà mình ngày xưa nói đúng quá. Ðúng hay không đúng với ai thì tôi không biết, nhưng đúng với tôi tới 100%. Tôi bỏ Gia Nghĩa của Quảng Ðức chạy qua Lâm Ðồng.Bỏ Lâm Ðồng, tôi chạy xuống Nha Trang. Tôi bỏ Nha Trang theo tàu thủy vào Sài Gòn. Tới Bến Bạch Ðằng, lên tàu nghĩ lại “không lẻ đi một mình”, tôi xuống tàu ở lại Việt Nam. Ngày 27 tháng 6 năm 1975 tôi xách hành trang tình nguyện đi “học tập cải tạo” ở Nam, ở Bắc, thiếu gần 2 tháng là đủ 9 năm ròng rã. Ðoạn đường dài ở tù của Việt Cộng, bạn bè tôi có ở Biên Hòa, ở Yên Bái, ở Lào Cai, ở Vĩnh Phú, ở Thanh Hóa và ở Hàm Tân trước khi được thả về nhiều kể không hết. 
<!>
Nhưng có 1 người bạn khi nói về đời tù, khi nói về tình nghĩa anh em bầu bạn thì không bao giờ tôi không nhắc đến. Người bạn, chúng tôi biết nhau mà không thân nhau năm đó 1976 cùng tuổi 34 ở Trại 6, Liên Trại 1 Ðoàn 776 ở Xã Việt Cường, Huyện Trấn Yên Tỉnh Yên Bái. Anh ta, lúc bấy giờ vẫn còn là một thanh niên tuấn tú, hùng dũng, vui vẻ, rất dễ mến và đặc biệt là nụ cười thường nở toe toét trên hai môi dầy... Người bạn tôi đó Nguyễn Minh Chánh, Ðại Úy Ðơn Vị 101 mà tôi muốn nói tới với một tâm tình quý mến tri kỷ.

Chắc là tháng 8 năm 1976, Chánh từ Trại Long Giao, Long Khánh và tôi từ Suối Máu, Biên Hòa xuống tàu Sông Hương dơ dáy, chật ních ở Tân Cảng Sài Gòn để chuyển trại ra Bắc. Ði tàu thủy, đi ghe, đi xe lửa, đi phà, đi Molotova, chúng tôi tới trại vào một sáng mù mờ sương mai.Những ngày đầu ở đây, rừng núi,đồi hoang, trời đất cô liêu, u tịch..chúng tôi thấy trần truồng nỗi đau tột cùng.Mới ngày đầu đã có ngưòi chết vì chặt cây làm nhà. Mấy ngày sau, hằng chục người bị cấp cứu vì “sốt vàng da”. Chặt giang, chặt nứa, chặt cây làm “láng” ở, đốt rừng, “bứng gốc”, cắm tiêu, đào hố chè, “sụt bùn”, “lên luống” và đêm nào như đêm nấy phê bình, kiểm điểm đến hụt hơi sống. Nơi đó, Nguyễn Minh Chánh, cao, to, linh hoạt, vui vẻ, cười những nụ cười bâng quơ, ngạo nghễ đã nổi bật lên “trong đám xuân xanh ấy” như một người ai ai cũng muốn giao du, muốn kết thân làm bạn. Tôi ở khác Ðội với Chánh, nhưng khuôn viên Trại 6 đã không lớn là bao mà còn bị mấy nhóc bộ đội nhắc tới nhắc lui “ê anh kia, đi đâu, ra xa” nên chúng tôi gặp nhau thường nhưng chưa thân quen và chẳng chuyện trò, nhưng dĩ nhiên là biết nhau. 

Chánh đào hố chè là những rãnh sâu 6 tấc rộng 6 tấc và dài thì nhiều chục mét chạy quanh trôn ốc từ chân đồi lên đến đỉnh một cách mau lẹ nhưng không bao giờ chịu “vượt chỉ tiêu”, không bao giờ muốn hơn anh em bạn tù với mình để được là “người tốt, việc tốt”. Rồi tôi với Chánh lại cùng vô Trại 9 dưới dốc cây Ða mà ở trên có Trại 12 và trong kia có Trại 13, Trại 14 và xa xa là Hang Dơi, Núi Nả. Chúng tôi vẫn ở 2 đội khác nhau, hằng ngày hoặc bị tụi bộ đội lùa về trại cũ đào hố chè, phát hoang, đốt rừng, cuốc lỗ trồng “sắn” hoặc “tự giác” đi chặt giang, chặt nứa, chặt cây làm cột nhà cho Cốc. Cốc là Trại Trung Ương số 1 của Ðoàn 776 giam giữ Tướng, Tá của “Tù Học Tập Cải Tạo”. Làm cách nào làm, tới Trại chúng tôi mà quăng bó nứa, bó giang hay cây to làm cột nhà xuống đất thì 100 lần như 1 lại thấy người bạn của tôi đó đã thong dong ngồi hút hết 1,2 điếu thuốc rồi. Chánh đã mạnh lại lanh và mưu lược nên bỏ lại đằng sau chúngtôi là đương nhiên.

Khoảng 1 năm sau ngày ra Bắc, chúng tôi lại bị mấy nhóc con “Bộ Ðội Bác Hồ” lùa vào xe Molotova rồi tống vô xe lửa và bắt đi bộ lên CổngTrời của Rặng Fansipan qua bên kia miền ngược Xã Dương Quỳ của HuyệnVăn Bàn là “cõi chết nghìn trùng”. Láng trại ở đây là chuồng trâu, chuồng bò của Hợp Tác Xã người Tầy để lại. Nơi đây, cái chết treo lủng lẳng trên đầu từng giờ vì con người dã man với con người đã đành mà trời đất còn làm ra rừngthiêng nước độc trùng trùng oan khiên hành hạ những người tù rồi đây sinh Nam tử Bắc!? Chánh đã to con lớn xác mà lao động thì vô cùng đời tù. Cơm thường lưng một “Chén Tàu” có khi là bo bo, có khi làbắp hầm, có khi là “sắn duôi” hay 2, 3 khúc khoai mì cụt ngủn hoặc một “bánh xe lảng tử” cỡ nắm tay... thì làm sao chịu nổi. Và không phải chỉ Chánh mà hết thảy những người tù từ Xuôi đưa lên Ngược nầy đều đói như sống chờ chết. Ngồi bên ăn với nhau, cái gì của trại phát thì “lủm một cái” là hết, Chánh có thêm một nón sắt “rau tập tàng” và tôi cũng “hổ lốn” ba thứ tàu bay, cải trời. Ăn tầm bậy mà không chết tầm bạ cũng may! “Có ai nghĩ ngày nào như hôm nay mình ra nông nỗi nầy”, ngậm ngùi, chúng tôi thường nói với nhau có khi ứa những giọt nước mắt sống! 

Ở đâu, các trại tù Việt Cộng, người tù cũng chun vô rừng giống nhau. Ở Văn Bàn, người tù hằng ngày cứ phải băng rừng, lội suối với người Mèo, người Mán mà chặt và khiêng về những cây vầu dài 10 mét trở lên và gốc to cả 2 gang tay người ta vòng lại và chung đụng với muỗi rừng, vắt đói, ruồi vàng, rắn độc...hăm he hút cho hết chút máu ít ỏi không còn bao nhiêu trong thân người xơ xác của mình. Khoảng giữa năm 1978, chúng tôi lại bị lùa lên lần nữa Cổng Trời cao 2000 mét trên ngọn Fansipan cao nhất nước Việt Nam để qua phà Âu Lâu cũ kỹ trên Sông Hồng mà về lại Liên Trại 1 Yên Bái như hồi trong Nam mới ra. 

Bây giờ, tôi với Chánh cùng ở chung một đội Nông Nghiệp và hai đứa ăn uống chung cùng với nhau những lúc “lao động là vinh quang” trong rừng hay trong lòng Trại 1 ở Cốc và bấy giờ, tình thân đã như thủ túc.Dù ít nói về mình, nhưng có nhiều năm gần gũi ngọt bùi, chúng tôi cũng biết nhau ít nhiều. Thân sinh của Chánh,Trung Úy Nhảy Dù mất năm 1954, thời Cao Văn Viên, Phan Trọng Chinh đóng lon Ðại Úy cùng binh chủng. Thân mẫu côi cút, một mẹ nuôi 6 trai, 1 gái đều lớn khôn và không đến nổi nào với người ta. Chắc như vậy nên nói tới mẹ, Chánh bao giờ cũng tỏ ra đứa con có hiếu,kính trọng, tôn thờ và nhiều khi rưng rưng nước mắt.Ai nói người lính không có nước mắt, không có tấm lòng? Là học sinh trường Trung Học Pétrus Ký, đậu Tú Tài 2, không lên Ðại Học vì “bầy em và mẹ già” hay vì “con ông không giống lông cũng giống cánh?” Chắc cả hai. Chánh vào Khóa 17 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức năm 1963, vừa tròn 21 tuổi. Các em của Chánh, một Ðại Úy Nhảy Dù, một Trung Sĩ Sư Ðoàn 23, một Trung Sĩ Thủy Quân Lục Chiến... cũng là giòng máu quân đội, lấy chiến trường làm thế sự, lấy anh em làm chiến hữu sống chết chí tình.

Thật vậy, sống từ Văn Bàn thời quân quản đến Trại Trung Ương số 1 Lào Cai và Tân Lập Vĩnh Phú thời công an, chúng tôi đã chia nhau chỗ nằm, san sẻ cho nhau miếng đường,hột muối, đời “tứ hải giai huynh đệ”. Và những lúc tưởng như sắp chết, luôn luôn chúng tôi cứ 1 lòng giữ lấy lời “chúng ta còn đấng sinh thành, còn vợ, còn con, còn liêm sỉ của kẻ sĩ và dũng khí của một Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa thì không bao giờ và mãi mãi không bao giờ để mất danhdự và ô uế thanh danh”. Giữ được như vậy trong trại tù Cộng Sản chết vì miếng ăn, chết vì lời nói và chết vì việc làm thì không phải dễ chút nào. Và chúng tôi đã giữ được lòng, với tôi gần 9 năm và Chánh 15 năm rưỡi đời tù “học tập cải tạo”.

Ra trường năm 1964, Chuẩn Úy Chánh về Biệt Ðoàn 300 là đơn vị Tình Báo Chiến Trường mà Chỉ Huy Trưởng là Thiếu Tá Hồ Văn Kiệt lúc bấy giờ. Chánh tu nghiệp Khóa Tình Báo Sưu Tập 2 tháng tại Trường FOI USARPACINTS ở Okinawa, Nhật Bổn. FOI là chữ tắt của Field Operation Intelligence có nghĩa Tình Báo Sưu Tập Tin Tức Chiến Trường và USARPACINTS cũng là chữ tắt của United States Army Pacific Intelligence School là Trường Tình Báo Thái Bình Dương của Quân Ðội Hoa Kỳ. Chánh nhớ một ít kể lại; tôi nhớ một ít viết lại có thể không đủ, không nhiều chính xác. Và anh ta không khỏi ngậm ngùi nói với tôi hoài: “Ngành TìnhBáo, như ông bạn cũng Ngành Tình Báo, dư biết chúng ta chiến đấu âm thầm mà chết cũng âm thầm; ai biết ai là bạn; ai biết ai thành bại mà chia chác vinh nhục”!? Biệt Ðoàn 300,hơn 1 năm sau đổi tên là Liên Ðoàn Yểm Trợ 924 và từ năm 1968 đổi ra là Ðơn Vị 101 cho tới 30 tháng 4 năm 1975 dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Lê Ðình Luân. Và Chánh từ Chuẩn Úy đến Ðại Úy cứ ở lì một chỗ và cứ Sĩ Quan Liên Lạc dù tên có đổi, chỗ có dời để cuối đời binh nghiệp thì dưới quyền củaTrung Tá Lục Khương Ninh, Chỉ Huy Trưởng Ðoàn 69 Biệt Khu Thủ Ðô. 

Người ta, các khóa đàn em xa vời vợi sau nầy cũng là Ðại Úy, là Thiếu Tá, thậm chí có người như vì sao xẹt vụt lên Trung tá rồi nhưng “mầy sao khoái Ðại Úy muôn năm vậyChánh?”Tôi có khi hỏi đùa với Chánh trong những ngày giờ hai đứa đói nhăn răng và lăn lóc nỗi đau đời mạt rệp trong tù. Nói vậy chớ, ở thành phố nhỏ Kansas City của tôi cũng có những ông Khóa 16, cả Khóa 13 nữa, cứ nằm lì cái lon Ðại Úy thì tại làm sao bây giờ?Chơi với nhau, tôi cũng hiểu một phần lý do tại làm sao.Tại Người Bạn 101 của tôi làm thì làm cũng dữ mà chơi thì chơi cũng dữ nhưng không dữ thói chạy chọt, bon chen, cầu cạnh và sẳn dàng “xẵng” với xếp. Ðơn giản và hết sức đơn giản là vậy mà không dễ mau lên lon. Có điều tôi đoan chắc,Chánh rất được lòng bạn bè vì tánh tình hết sức vui vẻ,cởi mở,trong sáng và tấm lòng tâm giao, tri kỷ. Với tôi và với những người bạn tù Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phú... đã đi qua với Chánh, đã thấy như vậy đó tận mắt, tận tai. Có một điều, có lẻ cũng là một điều cốt cách cho người hoạt động tình báo là Chánh rất cần cù, thông minh, kiên định, can đảm. Trong tù, thỉnh thoảng có anh em nào lỡ lời nói tốt, có thể là vô tình một tên cán bộ nào đó thì 100% Nguyễn Minh Chánh sẽ nặng lời mắng mỏ, sỉ vã và nếu cần “tao cho một đá bây giờ”. Thấy những người anh em được Trại cho làm Ban Trật Tự hay làm Ðội Trưởng quá sức hắc ám, hung hãn, Chánh tức lắm, “để tao làm”. Tôi nói với Chánh, nói thì nói vậy, “đâu dễ mậy”.

Sau khi tu nghiệp ở FOI USARPACINTS về, Chánh kết hôn với người bạn gái, nữ sinh trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Bá Tòng, nhà gần với nhau trên đường Hồng Bàng Chợ Lớn vào năm 1965. 2 người lấy nhau được 1 trai, 2 gái thì Chánh để 3 con lại cho vợ nuôi không có một chút vốn liếng đồng tiền mà rảnh cẳng thênh thang con đường tù tội như nói ở trên lâu đến 15 năm rưỡi. Và tôi cũng không khác gì. Tôi đi, vợ mới 21 tuổi với 3 con mà nhỏ nhất chưa tới 1 tuổi, tiền không có, nhà không có. Vợ con, nay “tạm trú” bên nhà chồng ở Phan Thiết, mai “tạm trú” với nhà mẹ ruột ở Sài Gòn. Một sự đổi đời thê lương, thê thảm... Chúng tôi biết vậy, dẫu có gì trong tù cũng không bao giờ hé môi một lời yêu cầu “thăm nuôi”, “quà cáp”. Chánh cứ nhắc hoài, “mình khổ một, vợ khổ cả trăm, cả ngàn”. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, tôi bắt chước lời nói trong truyện Xuân Tóc Ðỏ của Vũ Trong Phụng nói lại với Chánh mà trong lòng không khỏi xót xa. Chị Chánh, quả là 1 người đàn bà ViệtNam thuần túy,đích thực cao thượng theo truyền thống dân tộc.Với bàn tay trắng và bụi phong trần chưa quen gió cát, chị tảo tần nuôi con lớn khôn theo từng ngày và ngồi đếm thời gian tháng năm chồng đi, đi mãi không thấy về. Nghe Băng Tâm ca bài ca Cái Cò của Nguyệt Ánh “thương em dạ sắt lòng son, một thân đơn chiếc nuôi con, thăm chồng” mà nhớ lại cảnh người vợ của ông bạn tôi hồi đó sao mà truân chuyên quá sức.

Cuối năm 1977, chúng tôi lại qua sông Hồng lần thứ tư để “chuyển trại” lên núi rừng vùng Việt Bắc tớiTrạiTrung Ương Số Lào Cai kế bên Trung Quốc. Ði đâu đi, chúng tôi bao giờ cũng bị “biên chế” vào những đội trời ơi đất hỡi. 2 đứa vào đội Gạch đạp đất, đóng gạch, đốt gạch, chất gạch “hộc gạch” luôn. Bấy giờ đã vào mùa đông lạnh tím người, bụng luôn luôn trống trơn và công việc thì nặng như trời như đất. Cái chết mong manh hơn chỉ mành treo chuông.“Trời kêu ai nấy dạ” biết sao bây giờ! Một hôm, Chánh đưa tôi 1 khúc rễ cây mới đào lên và nói: “ăn cho đỡ đói”. “Ăn cho đỡ đói”, 2 đứa cứ đào, cứ ăn và cây đã ngã đùng ra chết một cách tức tưởi, oan khiên. Ðời tù rồi cũng sẽ ra đi một cách âm thầm, cô quạnh nơi một góc rừng núi thăm thẳm âm u nào đó có ai biết là ở đâu. Bạn tôi, người bạn Ðơn Vị 101 nụ cười hình như đã mõi mòn;sức lực như bị trút dần theo bước chân tù và thân người chắc chắn ngày một nhỏ con lại mà Chánh Mập như tên gọi từ xa thật là xa vọng lại mới chợt nhớ ra là tên mình. Mỗi lần Giới, tên cán bộ công an ngọng ngọng nghịu nghịu nói “học tập tốt, sớm về với gia đình” là y như rằng, Chánh cứ văng tục ra mà nhái theo giọng của cụ Trần Văn Hương lời nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu “đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”. Ở đây, lại thêm 1 cái Tết Mậu Ngọ 1978 mênh mông nỗi buồn nữa đi qua và lãng đãng cái chết không rời. Rồi tin Tàu sẽ đánh, dù cận kề Tết Kỷ Mùi 1979, chúng lại chuyển tù chúng tôi từ Lào Cai về K5 Tân Lập Vĩnh Phú.Ăn Tết chưa tới 1 tháng thì ngày 17 tháng 2 tụi Tàu đánh vào 6 tỉnh miền Bắc Việt Nam thiệt. 

Trưởng Trại, tên Thiếu Tá Nguyễn Thùy, loại ngụy quân tử thường rêu rao “Lao động là vinh quang”, Chánh thường đáp lại “vinh quang cái đầu Bác mầy chớ vinh quang”. Ở đây, những người anh em tù của mình tên Bình, Hùng, Uyễn làm Ban Trật Tự với 1 tên tù hình sự Bích làm trưởng ban đã gây kinh hoàng, khiếp vía biết mấy. Ma le, Chánh đóng kịch làm người bệnh hay hơn tài tử điện ảnh Hollywood và những tên tuổi gạo cội Broadway của Mỹ nên, ai đi đâu thì đi, Chánh cứ ngủ, cứ nghỉ và cứ nói: “ngu sao đi làm”. Vài tháng sau, ông ta làm thầy, dạy tôi đóng kịch, đóng vai người bệnh. Và tôi cũng được ở nhà với lý do đủ thứ bệnh. Ðội Nông Nghiệp, từ anh bạn Trần Trọng Thuyên, Ðội Trưởng đến bác Cát, Hội Ðồng Tỉnh Gò Công, ông Biện Lý Trần Huỳnh Mai ở Gia Ðịnh... ai mà không biết 2 thằng trời đánh nầy “trây lười lao động chớ bệnh hoạn gì, bệnh giả đò thì có”. Ngặt một cái, 2 thằng thiên lôi ngang ngược “đụng tới tụi nó chi cho rắc rối”. Vậy mà, Chánh được nghỉ ngơi cả 9 tháng trời và tôi cũng ăn ké được 6 tháng ở nhà đi vô đi ra không phải lao động lao điếc gì cả. Có điều, cái bọn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay bấy giờ là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tính toán và hành hạ người tù rất là chi li. Chúng cho chúng tôi ăn theo “chế độ” 13 kí lô rưỡi lương thực 1 tháng. Nếu ăn cháo thì được 2 chén cháo lỏng le 1 ngày. Nếu ăn khoai mì thì được 1 khúc rưỡi ngắn và nhỏ cho 1 bữa ăn. Chánh cứ nói: “ráng chịu đói mà sống còn hơn ăn không no mà lao động khổ sai là chết sớm”. Nhiều khi trên trạm xá, Ðại Úy Hiệp, 1 Sĩ Quan Quân Y Việt Nam Cộng Hòa cũng là Tù Học Tập Cải Tạo cho thuốc uống hay bắt chích thuốc, tôi ngại ngại, nhưng Chánh thì “không trị bệnh nầy cũng trị bệnh kia; không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, làm gì mà sợ”. Ở khoảng 1 năm, qua Tết Canh Thân năm 1980, chúng lại lùa chúng tôi lê lết qua Trại K1 cũng trong hệ thống Trại Tân Lập Vĩnh Phú. Tôi với Chánh trong một đội, Ðội Chè với các đàn anh hết thảy là Trung Tá. Trung Tá Thiện (không nhớ họ) làm Ðội Trưởng. Ngày ngày gánh nước tưới “chè” mới biết “nước sông công tù”. Một bạn tù đàn anh mệt thì mệt mà cứ “công đâu công uổng công thừa; công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan!” Ðêm ngủ mấy chục người trong 1 cellule nhỏ chút xíu không đủ không khí mà thở và rệp thì bò khắp châu thân tìm ăn. Tôi với Chánh phải ngủ cùng trong 1 cái mùng nylon cá nhân của thời Việt Nam Cộng Hòa. Cũng vì sự thân thiện quá đáng của giòng họ ba đời rệp đói cứ tìm mình lân la mà đêm ngủ phải cột kín mít toàn thân con người lại như thây ma. Ngán thiệt đời tù Cộng Sản, ăn cũng khổ, làm cũng khổ mà ngủ cũng khổ. Tháng 12 năm 1980 chúng tôi không còn ở tù chung với nhau nữa nhưng vẫn hứa với nhau là anh em kết nghĩa không thằng nào làm anh và không thằng nào làm em, mầy tao mà thôi. Chánh ở lại và tôi vào ThanhPhong rồi ThanhLâm thuộc Huyện Như Xuân của Tỉnh Thanh Hóa. Ðời tù, thằng nào thằng nấy lo.

Vào cuối tháng 4 năm 1982, tôi lại “chuyển trại”về Z30C Hàm Tân thuộc Tỉnh Thuận Hải. Dù có xa nhau nhưng tôi vẫn ngóng tin về người bạn của tôi, người bạn có vui có buồn, có đói có khổ, có sống có chết với nhau nhiều năm dãi dầu, oan nghiệt. Nghe bên kia ngọn đồi nhỏ có Z30D cũng giam tù ngoài Bắc chuyển vào, tôi lò dò đi tìm. Nhưng được một đoạn trong rừng thì bị mấy ông bạn tù kéo về, “bộ mầy muốn trốn trại?” và mấy công an “ê, anh kia đi đâu, đi lui!” Ngày 7 tháng 5 năm 1984 tôi ra tù dù giấy ra trại ký ngày 23 tháng 4 năm 1984, tôi mới biết đích xác rằng Chánh còn trong tù ở Trại Z30D Hàm Tân. Chị Chánh có khốn khổ bao nhiêu
cũng ráng “thăm nuôi” chồng thường xuyên. Có như vậy, Chánh Mập mới hoàn hình Chánh Mập. Không như ngoài Bắc là “con bà sơ”, “tao phải ăn thịt tao” để Chánh bị đổi danh là Chánh Ròm. “Tao phải ăn thịt tao” lấy từ câu nói của anh bạn tù tên Dũng, Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến đanh đá trả lời với nhóc con cán bộ dẫn giải hăm he “bắn bỏ”. Rằng: “tao phải ăn thịt tao vì trước khi vào tù, tao 152 kí lô mà bây giờ cân đong đo đếm, tao không quá 35 kí lô”. Một ngày mùa thu năm 1985 tôi theo chị Quyền, người vợ thủy chung của Chánh vào Z30D thăm Chánh đang còn ở tù. Anh em gặp nhau, vui cũng có vui mà buồn thì thiệt nhiều. Chánh vẫn nụ cười toe toét miệng,rổn rảng,sảng khoái, tôi thấy trong đó hình như không giấu hết được mênh mông nỗi buồn thúi ruột! Một đêm ngủ lại với bạn, anh em không khỏi không có những giọt nước mắt. Cuối năm 1990 tính ra cũng tròn 15 năm rưỡi ở Tù Học Tập Cải Tạo, Chánh mới về với gia đình... Thân mẫu không còn ưu phiền, sợ thằng con không biết nó sẽ bỏ xác nơi đâu. Vợ và con bây giờ 1 nhà đoàn tụ, hạnh phúc hiện tại và lo liệu tương lai. Những bạn tôi “Ngụy Quân Ngụy Quyền” đi tù về có việc gì mà làm? Làm nghề đạp xích lô, nghề bốc xếp, nghề bán giấy số...cũng không dễ mà làm. Tôi bày ra cơ sở làm nhang bỏ mối và cho vợ ngồi ở sạp trong chợ Phan Thiết bán. Chánh lúc tù mới ra phụ thợ hồ kiếm chút cháo cơm khắp nơi và cho có công ăn việc mà tránh những con mắt cú vọ công an “một năm quản chế”. Là một người linh hoạt, vài tháng sau Chánh dụ vợ mở quán Bún Bò Huế nhỏ nhỏ. Tôi không biết ổng bả người Nam chính gốc làm sao mà nấu cho được tô bún bò Huế rất Huế mà bán buôn với người ta nhỉ? Ổng cứ chỉ vào cái đầu tóc tai bù xù như người nghệ sĩ dính bụi giang hồ tứ chiếng và chỉ vào cái bụng đã bắt đầu có da có thịt mà nói: “cũng vì cái trí nghĩ ra và cái bụng đói phải bò”.Chúng tôi 2 gia đình dù Phan Thiết với Sài Gòn nhưng thường gặp nhau nói chuyện đời nay, nói chuyện đời xưa. 

Chuyện đời xưa hai đứa kết nghĩa anh em, đời con cháu “cho tụi nó lấy nhau”. “Ngôn dị hành nan”, người xưa nói đúng. Lấy nhau con khỉ khô. Tụi nó bây giờ lấy ai là tùy ý tụi nó. Mình làm cha mẹ “con đặt đâu, ngồi đó”, làm sao nói “cho tụi nó lấy nhau” được? Giữa tháng 11 năm 1992,hai vợ chồng tôi và 5 đứa con theo HO14 qua Mỹ, định cư ở thành phố Kansas City cho đến nay cũng đã 20 năm thêm gần 1 tháng. Chánh qua Mỹ khoảng tháng 7 năm 1993 tức sau tôi chừng 8 tháng. Ban đầu bồng bế nhau định ở lâu nơi tiểu bang Washington giàu, đẹp. Sau “cũng vì cái trí nghĩ ra và cái bụng đói phải bò”, 2 vợ chồng bỏ mấy đứa con đã lập gia đình ở lại, nắm tay nhau về xứ nóng chang chang Houston mở tiệm Phở sống đời ông bà chủ buôn bán “lấy công làm lời”. Tôi cũng chẳng lạ lùng gì cái tài xoay sở của ông bạn già của tôi khi hai đứa ở tù với nhau ngoài Bắc hồi đó. Ngày xưa trong Ðơn Vị 101, ổng đã nhờ khéo léo, mưu chước và kiên trì mà nhiều năm làm việc với những công việc kín,hở tưởng như không hoàn thành mà hoàn thành 1 cách xuất sắc, tốt đẹp là khác. Tiệm Phở không lấy tên những tên nổi tiếng như Phở
Hòa, Phở Pasteur, Phở Tàu Bay... mà chỉ là The Vietnamse Noodle như thể không có tên gì cả.“Cũng có đồng vô đồng ra với người ta, không giàu nhưng khắc khoải được”,Chánh thường nói như vậy.Nhưng tôi nghĩ, có làm ăn phát đạt tới cỡ nào, trước sau gì vợ chồng Chánh cũng sẽ về lại Washington, nơi có đầy đủ 1 đứa con trai, 2 đứa con gái và bây giờ thêm mấy đứa cháu ngoại. Ông Chánh, bà Quyền sao mà đi xa, đi biền biệt không về cho được, không về cho đành.
 
Và không sai chút nào, ông bà đã về lại Lynnwood, tiểu bang Washington mà yên bề tuổi già bên con bên cháu những ngày cuối đời thong dong, hạnh phúc. Nhìn lại những tấm hình Chánh mới gởi cho, thấy người bạn mình già đi nhiều nhưng nét cười vẫn lạc quan tươi trẻ đọng trên đôi môi dầy như thuở nào 3, 4 chục năm qua. Già, dĩ nhiên mình còn trẻ gì đâu. 2 đứa cuộc đời đang mon men bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi” một tuổi thêm rồi còn gì!

Gần 9 năm trong đời “Tù Học Tập Cải Tạo” ở Biên Hòa, ở Yên Bái, ở Lào Cai, ở Vĩnh Phú; ở Thanh Hóa và ở Thuận Hải thiếu ăn thì có,thiếu mặc thì có nhưng không thiếu bạn bè tù. Bạn bè tù không giống bạn bè thời học sinh cắp sách đi học là đồng song, đồng môn; không giống bạn bè cùng xông ra trận sống chết với kẻ thù hồi nào Quốc-Cộng là chiến hữu, là đồng đội. Bạn bè thời học sinh cắp sách đi học không thấy bao nhiêu tinh thần bất khuất với khuất phục kẻ thù là Việt Cộng. Bạn bè cùng xông ra trận sống chết với kẻ thù ai ai cũng thấy một lòng với Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm. Nhưng bạn bè tù có lẻ bắt chước và làm theo câu
nói học thuộc lòng ngày xưa học Pháp Văn, rằng “À Rome, fais comme les Romes” mà ông bà ta thường dạy “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nên hãy coi chừng những bạn bè của ta “nói dzậy mà không phải dzậy” mình chết như chơi. Con người khi vào ngõ cụt dễ suy bì hơn thiệt và chỉ làm những gì có lợi cho mình mà thôi, bất kể là ai và ra sao thì ra. Cho nên trong tù, người ta quen biết nhau đông thiệt là đông hằng trăm, hằng ngàn nhưng bạn bè nhất là bạn bè tri kỷ thì hiếm hoi đếm trên đầu ngón tay. Không phải vì “Ami de plusieurs, ami de nul” như năm 1967, ông bạn Huỳnh Hồng Quang, Biên Tập Viên Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia của tôi thường nói “bạn bè nhiều quá thì không có bạn bè nào”. 

Tôi có người bạn Huỳnh Ngọc Thuận, Ðại Ðội Trưởng Cảnh Sát Dã Chiến giữ Ðài Truyền Hình trên đường Hồng Thập Tự “vì đói quá chịu không nổi” đã vắt hết sức lực mình ra để đổi lấy phần ăn 23 kí lô 1 tháng. Tôi có người bạn đồng hương, Ðại Úy Trần Ngọc Nhã,Trưởng Phòng 2 Tiểu Khu đói thì đói cũng ráng nhịn đến chết đi được, lấy phần ăn đổi áo, đổi quần “để khi về có mà mặc với người ta”.Nhưng với Chánh, người xưa nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” thì không trật một chút nào. Chúng tôi trong tù, phản ứng trước nghịch cảnh, hai đứa gần như giống nhau hoàn toàn. Gần như giống nhau hoàn toàn có lẻ xuất phát tự đáy lòng lương thiện và tâm hồn sáng như trăng sao vằng vặc không cần phải khoe ra mà ai cũng đã thấy rồi. “Người ta có thể ghét mình vì bản tính nhưng không khinh mình vì bản chất”, hai đứa cứ nhắc nhở nhau mà giữ gìn. Và giữ gìn cho đến hôm nay, bạn bè ghét thì có nhưng chắc chắn bạn bè không có ai khinh. Và chúng tôi, tôi với Nguyễn Minh Chánh, tình anh em bạn tri kỷ vẫn không bao giờ biến dạng, thay đổi, suy suyển…

NGUYỄN THỪA BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét