Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Hoa Vông Vang - Chúc Thanh


Chú Phương là chú họ xa, nhưng rất thân tình với gia đình chúng tôi, tại vì xa quê hương bản quán, may mắn chú ở gần chúng tôi, cùng một cư xá râm mát. Tọa lạc trong vùng ngoại ô Saint Maur, kề bên là bờ sông Marne, hàng hiên ngang cửa nhà chú, chú đổ đầy đất đen đất vụn phải đi mua từng bao ở siêu thị bán cây trồng đất mua, chú đổ vào lưng một cái bac ciment rộng lớn chạy ngang hàng hiên nhà.Trong bac chú trồng đầy hoa vàng, hoa nở thì lớn bằng đồng 50 xu, có 5 cánh y hệt mai vàng ở Việt Nam, lá xanh non to bằng bàn tay con nít 5, 3 tuổi. Lá cũng rất thưa, hoa rất đẹp, vàng trông như mai ngày tết. Khi nắng gắt, màu vàng có đậm thêm tí chút, sáng hé nở, trưa ấm nở rộ. 
<!>
Chiều chiều hoa cúp lại ngủ, ngày mai sáng sớm lại mãn khai, thân cây hoa chỉ cao lắm là đến đầu em bé 5, 6 tuổi, nên hoa và cây không che vướng tầm nhìn từ trong nhà ra ngoài trời. Chú Phương yêu quý những cây hoa đó lắm. Vun tưới thường xuyên. Hỏi tên hoa đó là hoa gì? Chú trả lời ngon ơ: Đó là hoa vông vang của Đỗ Tốn. Chúng tôi không nhớ và cũng không biết ông Đỗ Tốn là ai. Nhưng cô Dung, vợ chú trả lời như giải nghĩa là, hoa Đỗ Tốn là đỡ tốn, vì không phải đi mua mỗi mùa, hạt hoa có rụng xuống nằm im dưới đất, qua một mùa đông, thân cây tàn tạ được gom lượm đi sạch sẽ, mùa xuân năm sau cây lại tự mọc lên, rồi nẩy mầm rồi nở hoa rực rỡ lóng lánh. Chẳng biết người Âu Tây gọi tên nó là gì, nó không có hương, nhưng sắc thì đẹp lộng lẫy và chú Phương nâng niu yêu quý nó lắm. Chú thường nói hoa vông vang là tình yêu đầu đời, rất hồn nhiên trong sáng dù không có đoạn kết. Hay đoạn kết phiêu bạt lung tung bay theo gió.

Chú nói vu vơ vậy chớ không phải là không có chủ ý. Là khi xưa, rất xưa, chừng nửa thế kỷ trước, khi chú mới chừng 20 tuổi, lúc chú được đi du học, chú đã bỏ lại quê hương Sài Gòn một người yêu đầu đời là cô Loan, bạn học suốt 6 năm trung học, không nhắc lại thôi, nhưng chắc không thể quên dễ dàng. Bằng cấp, coi như là thành đạt với sự cố gắng của bản thân và đem lại niềm vui cho ba mẹ gia đình mong đợi. Năm 1973-1974 chú hí hửng thu xếp hành trang tính trở về Việt Nam, cùng với hy vọng dạt dào gặp lại cố nhân. Nhưng gia đình quyết liệt phản đối không cho về cố hương, vì chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn thô bạo và giằng co quyết liệt giữa Việt Nam Cộng Hòa, cộng sản Bắc Việt và mặt trận Miền Nam. Chú đành ở lại Tây, xin việc làm rồi cũng an cư lần lần theo ý bà bác, mẹ chú. Rồi lần nữa nhiều năm độc thân qua đi, chú may mắn gặp được cô Dung là bạn đồng hương làm người yêu rồi thành vợ chồng. Họ sống hạnh phúc bên nhau cả bao tháng ngày. Chú làm công chức cho bộ tài chánh, cô là một dược sĩ hiền hòa xinh xắn. Họ mua sắm nhà cửa, xe cộ với cuộc sống đầy đủ ấm êm, chỉ tiếc là họ không có con cái chi cả. Họ đã thử chạy chữa nhiều lần mà không có kết quả tốt. Họ cũng bao dung tính đi xin con nuôi, nhưng rồi công việc làm bận rộn, vacances chênh lệch, nên cứ hẹn lần hẹn hồi mà chưa đi xin cho được một đứa con, họ dở ở điểm này. Mẹ chú ở Việt Nam cũng nói không có con hơi uổng, nhất là khi chú đã gần già rồi.

Cô Dung trông coi quản lý nguyên cả một tiệm thuốc tây nên cô bận rộn, bận luôn cả ngày thứ bảy. Cô làm việc nhiều thời gian hơn chú, chú có những cuối tuần dài hai ngày, nói chung là chú được rảnh rỗi hơn và do đó chú có nhiều thời gian mơ mộng suy nghĩ đến có lúc lẩn thẩn, là có lúc chú nói không chừng mà chú thành gia thất sớm thì chú đã có con cái rồi, cũng có thể con cái đã 20 hay ngoài 20 tuổi rồi, cũng có thể sắp được làm ông bà nội hay ngoại gì đó...
Đàn ông mà nói năng suy nghĩ đến lẩn thẩn. Cô Dung nói chồng cô vậy nhưng cô hiền, dễ tha thứ và dễ quên, cũng là bận một phần vì công việc luôn tay. Còn ông chồng, bên cạnh, mơ mộng, lúc rảnh, có lúc cũng lười làm việc nhà, mà cứ ngắm hoa vàng và tấm tắc khen: hoa vông vang như là tình yêu trong sáng, ngập ngừng, mong manh, có cũng như không, đó là thứ tình yêu ngây ngất dại khờ, của tuổi mới lớn lên, mà bất cứ ai cũng từng có rồi cũng từng quên.
Cô Dung hiểu, vì cô chú không có con, nên đôi khi chú buồn, trống rỗng và tiếc nuối... phải khi xưa thế này, thế khác... à, thì ra, không chỉ đàn bà, mà đàn ông, không con, có lúc họ cũng thiếu. Không chừng mà chồng cô còn nghĩ là nếu được sống chung với cô Loan, cuộc tình biết đâu đã đơm hoa kết trái?
Ý nghĩ của chú Phương, cô Dung đâu có thể hiểu hết. Chú luôn nhẹ nhàng, có lúc hơi lơ là trong câu trả lời. Dung bận rộn, nhưng cô biết chồng vẫn yêu quý cô và có khi người đàn ông buồn lẩn thẩn, cũng là bộc lộ một tình yêu sâu nặng, thấm thía với quê hương, vì đã ra đi và khi ra đi, đâu có nghĩ là một lần đi là mất lối quay về.
Tuy nhiên họ vẫn là đôi vợ chồng hạnh phúc. Cũng có lẽ vì không có con cái nên họ ít va chạm xung khắc. Hoàn cảnh nào cũng có cái giá của nó. Cũng có đôi lúc, rảnh cùng nhau, họ rủ nhau đi đánh cầu lông trên bãi cỏ rộng sau nhà, cùng đi bơi vùng vẫy trong piscine, hay đi dạo phố. Có lần đi chơi cùng nhau, Dung hỏi Phương:
- Anh muốn đi tìm tin tức của Loan không? Tụi mình đi Việt Nam đi, em cũng thích đi về đó.
Rồi cả hai thuận ý, họ sắp đặt lịch đi về quê hương.

Trước khi đi, Dung cẩn thận nhờ người thân, một cô em họ xóm cũ Nguyễn Huỳnh Đức dò tìm xem gia cảnh thân thế của Loan giờ ra sao. Dung được người quen tìm biết và cho hay Loan cũng đã lớn tuổi như Phương, ngoài 55 tuổi Loan đã lập gia đình và hiện tại góa bụa, sống một mình, bà không con cháu, chồng đã mất vì chiến trận đã nhiều chục năm qua. Phương nghe kể, thẫn thờ ngó qua song cửa, tia nhìn thấp xuống rặng hoa vàng đang vô tư đu đưa:
- Tội nghiệp, nếu mà như vậy, Loan với anh có sống chung cũng chẳng có con cái gì, không chừng anh còn chết ngắc từ lâu!
- Thôi, lớn rồi, già rồi, nói năng cho cẩn thận.
- Em nghĩ là mình lớn rồi, già rồi thì phải nói năng cho cẩn thận hả? Không cần đâu, vì khi chúng ta chưa phải là cha là mẹ, thì chúng ta vẫn chỉ là trẻ con.
- Ok, thôi không nói lăng nhăng nữa.Vậy tháng sau nghỉ 5 tuần lễ, dứt khoát đặt vé về thăm Việt Nam thăm ba mẹ, mình sẽ đi thăm chị Loan sau đó, Sau đó, mình coi kiếm ra cho tụi mình một đứa con nhe.
- Nè, mình kiếm con còn nhỏ, còn bế bồng trên tay được, thì sau này nó thương mình, mình thương nó...
- Anh không dại vậy, anh kiếm đứa con nuôi lớn lớn đặng còn giúp việc nhà cho mình chút chút...
Cứ thế, cả hai cười giỡn với nhau rất vui vẻ. Cho tới một bữa không lâu sau đó, xui làm sao, hôm đấy Dung leo lên một cái thang nhôm, xếp vài thùng thuốc mới giao lên cao cho gọn lối đi, chẳng may cho cô trượt chân té xuống đất, đầu va mạnh vô cái tủ gỗ đặc chắc chắn ở dưới thấp. Cô choáng váng một lúc, rồi cũng tỉnh lần, cũng nhức đầu sơ sài và cẩn thận vô bệnh viện rọi phim, phim không cho thấy có vết thương nào quan trọng. Nhưng từ đó, Dung nhớ nhớ quên quên không đúng lúc. Lúc cần nhớ thì quên, lúc nhớ ra điều gì thì nhớ lộn xộn như thể trạng thái rối loạn trong noãn cầu. Cũng tới lui bệnh viện chẩn đoán, cũng chữa trị, cả năm trời, bệnh quên quên nhớ nhớ ở Dung không giảm không tăng, cứ dùng dằng mãi. Họ phải bán pharmacie đi vì Dung như thành ngơ ngẩn dở người.
Phương phải mướn một người chăm sóc luôn bên cạnh Dung trong lúc anh đi làm việc. Thì anh vẫn phải làm việc để có tiền lương sinh hoạt hàng ngày. Có lúc Dung tự ý mở cửa đi ra ngoài đường, đi lang thang. Có lần chồng và chị Bé nuôi kiếm mãi mới ra, cô đang ngồi ở một ghế đá công viên khá xa nhà, chị Bé hỏi:
- Cô muốn đi đâu?
- Em phải đi kiếm anh Phương. Em phải đi kiếm ảnh!
Nhưng lúc tỉnh táo, trời sáng nắng đẹp, thì Dung không có biểu hiện gì bất thường. Cô vẫn có thể cùng chị Bé lau nhà, phơi quần áo, chuẩn bị nấu cơm cho cả ba người ăn và nói chuyện rôm rả.

Những lần ra ngoài, có lúc Dung nhờ Phương thoa hộ cô crème fond de teint lên mặt cô, sau đó nhờ Phương trang điểm dùm, cô nói là cô lo sợ rồi một ngày kia cô sẽ quên đi hết không tự làm được nữa. Phương sợ vợ quên lần mất thói quen, nên hay bắt cô làm lấy một mình, anh ngồi bên cạnh quan sát, chỉ ra chỗ đúng sai.
Anh buồn nhứt là có một lần, hai người đã sửa soạn xong để cùng đi shopping, anh đi đóng các cửa, thì quay vào, anh thấy Dung đang xỏ giày, mà xỏ ngược, chân phải cứ cố ấn vào giày bên trái, còn chân bên trái cố lồng vào giày bên phải. Làm mãi không xong, ôm mặt khóc hu hu. Phương phải đến giúp và vỗ về an ủi.
Cuộc sống cứ thế, đúng sai sai đúng, Phương chán nản buồn thấy tháng ngày vô vị, anh cũng như rơi vào trầm cảm vì không còn bám víu vào một hy vọng nào.
Anh đã nghĩ đến, có lẽ cả hai đứa phải ra đi một lần để giải thoát cho nhau và cùng được giải thoát.
Tuy nghĩ là vậy lúc chán nản, nhưng đâu phải ai cũng có can đảm đi đến cực điểm. Đang lúc anh lúng túng, thì mẹ anh, vẫn còn ở Việt Nam, bà cũng còn là hàng xóm với Loan, bà báo tin là thấy con và dâu không khỏe, bà đang lo giấy tờ sang Pháp thăm các con. Bà cũng hỏi ý hai con là nếu cô Loan muốn đi chơi sang thăm hai con và thăm Paris cho biết, thì có tiện không và các con có ưng ý không? Phương phải hỏi ý vợ, anh cũng không ngờ là Dung vui vẻ đồng ý ngay, có lẽ vì tò mò, muốn coi mặt người xưa của Phương ra sao. Phương hỏi kỷ hai, ba lần, sợ Dung lúc tỉnh lúc mơ, lỡ sau này sinh chuyện rầy rà. Nhưng không, Dung dứt khoát đồng ý:
- Tụi mình không về được thăm chị ấy, thì mời chị sang đây chơi... đi cùng má cho vui.
- À, đúng, có Loan đi về cùng má, anh yên tâm hơn, vì bà già bả già quá rồi, đã có lúc bà lẩn thẩn không nhớ cả lối nào đi ra, lối nào đi vô.
Rồi sau mấy tháng trời, gần nửa năm lo xong visas, hộ chiếu. Họ sang Tây gặp nhau. Bà mẹ và cô bạn xưa mang sang làm quà nhiều sản phẩm Việt Nam như cốm bỏng, thịt chà bông, hồng khô.

Phút đầu gặp gỡ nhau sau nhiều năm xa cách, họ hơi ngỡ ngàng, không ngờ còn có ngày tái ngộ, nhưng sau đó cả 3 Dung, Loan và Phương vui vẻ trò chuyện tâm tình như những bạn trẻ xa cách lâu ngày, cơ may gặp lại nhau, có bao nhiêu chuyện để nói với nhau, Loan kể lại chuyện chồng cô mất ở mặt trận. Phải mất 1 tuần lễ sau gia đình mới mang được quan tài về mai táng trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Dung nghe kể, mủi lòng, chậm nước mắt. Loan không muốn Dung buồn lây, sẵn biết họ có ý kiếm con nuôi, Loan đề nghị vợ chồng Phương hãy nhận nuôi một đứa cháu, con bà chị ruột cô, cháu nhà nghèo, con đông, ở với cộng sản tương lai mù mịt. Khi vợ chồng Dung gật đầu, thì Loan nói bà chị muốn là vợ chồng Phương phải nên về quê Việt Nam coi cháu ra sao, rồi làm giấy tờ ở tòa án.
Bà mẹ chồng có ý ngăn cản, viện cớ là đã trễ rồi, vả lại sức khỏe Dung không còn được như xưa, thì xin làm gì con người ta, ốc còn không mang nổi mình ốc, đèo bòng chi con sên, nhưng Dung có lúc rất tỉnh táo, cô còn đoan quyết với má là có con, con sẽ khỏe mạnh mà nuôi con.
Vì nghe Dung quả quyết như vậy, nên Phương thuận ý theo tháp tùng mẹ và cô Loan về quê, luôn tiện xin và mang con nuôi về cho Dung. Cô nàng yếu và sợ đi máy bay nên chịu ở nhà một mình và chờ.
Phương rất chu đáo tìm một trung tâm săn sóc người neo đơn, không tự sống một mình, trung tâm ở ngay cạnh nhà già. Phương muốn để Dung ở đó khoảng một thời gian ngắn hạn vài ba tuần lễ, nhiều là 1 tháng, để chờ chồng đi ViệtNam xin con và mang con về lại Paris. Cô cũng nói với chồng là cứ để cô ở nhà một mình, cô tự quản được:
- Em tỉnh rồi, đã trò chuyện với má, nhứt là với chị Loan, em đã hiểu ở cõi đời này, còn cơ mang là người khốn khó đau thương hơn mình.
- Nhưng mà em ở nhà 1 mình là anh không yên tâm, lỡ có lúc đi ra ngoài em đãng trí quên khóa cửa rồi sao, ai mà không có lúc lơ là, thêm xã hội lúc này nhiều bất an.
Và cuối cùng thì cô chịu vô tạm trú ở 1 trung tâm đón, trung tâm Cécile nhận nuôi người yếu và neo đơn trong ngắn hạn. Ở đỡ trung tâm và phải trả tiền ăn ở như ở khách sạn. Không rẻ đâu,Phương phải làm 1 số giấy tờ và ký 1 chi phiếu chi trả trước là 6000 euros. Bàn bạc rồi cũng đồng thuận.Riêng có bà má, bà hơi ngao ngán, bà ái ngại cho con trai nhiều thứ bấp bênh mà chính bà, bà cũng không biết sự thể nó bấp bênh ở chỗ nào.

Ngày mai ra đi, thì hôm nay Phương mang vợ đến gởi trung tâm tạm trú. Đó là một khu nhà sang trọng, tọa lạc ở rue Dombale quận 15, cổng ra vào có an ninh, caméra, bảo vệ và còn có căn phòng khách đặc biệt rộng rãi, vừa là nơi làm, ký mọi thủ tục giấy tờ hành chánh vừa là nơi trao gởi thân nhân.
Đến phút cuối cùng chia tay, Dung vẫn tươi cười vui vẻ nắm tay chồng khuyến khích đi sớm, lo công chuyện sớm và mau mau mang con cùng trở về với em. Rồi cô đẩy valise đi theo 1 ma sœur đi vào couloir phía trong, đi nhận phòng ở. Phương đợi vợ và sœur Anna quẹo khuất vào lối ngang, anh đứng im tần ngần 5, 3 phút. Anh thầm mong cho Dung ở yên đây và mạnh giỏi chờ ngày anh trở về. Rồi khi dậm bước chân đi, không hiểu sao, Phương chợt bùi ngùi thương Dung và xót xa cho nàng vừa kéo hành lý đi một mình lẽo đẽo theo sau sœur... chẳng biết rồi ở đây nàng có khóc mếu không?
Anh cứ nghĩ lẩn thẩn rồi không chủ định, chân bước lững thững vòng ra phía sau ngôi nhà đồ sộ và chỉnh trang ấy. Phía sau này, có nhiều cây râm bóng mát, hình như đó là một khuôn viên thu hẹp cho mọi người tạm trú đi ra đi vào dạo mát, đón gió.
Anh chợt tò mò và không vội, anh đi vòng ra phía sau một lần nữa, ở đây toàn là cửa sổ và cửa sổ. Chắc cứ 2 cửa sổ là một phòng riêng. Anh tò mò nhìn, chợt, anh khựng người lại, đau nhói trong ngực, anh vừa nhác thấy vợ anh, hai tay níu chặt lấy 2 chấn song cửa sổ và nàng đang nức nở khóc, khóc và người nàng rũ xuống!
Anh nhìn Dung mấy giây rồi quyết định quay lại phía trước, anh gõ cửa phòng tiếp tân, anh gõ có ý hối hả như thúc giục vì sắp đến giờ đóng cửa cuối ngày làm việc. Ma sœur giám đốc hiện ra, mau mắn hỏi anh còn thắc mắc gì nữa không?
Anh chỉ nhỏ nhẹ thưa rằng, anh không thắc mắc gì cả, anh chỉ xin ma sœur cảm phiền cho anh đón vợ anh về lại nhà ngay lúc này. Vì anh đồ chừng là Dung không thể ở đây, nàng đang khóc rất tuyệt vọng.
- Ai mới xa nhà cũng vậy mà. Mai là quen ngay!
Nhưng mà anh thưa, anh cầm lòng không đặng. Anh cũng xin không lấy lại chi phí đã đóng, vừa đóng.
Nhưng sœur cảm động trả lại anh tất cả và ưng bụng xóa bỏ contrat:
- Con có nhiều từ tâm như ý chúa!
Trước lúc chia tay, sœur giám đốc dặn theo:
- Khi nào cần thì quý vị lại trở lại nhe.
- Thưa sœur, có lẽ là không khi nào con bỏ vợ con lại một mình nữa đâu.
Đúng vậy, những ngày sau đó và sau đó nữa, Dung đã tìm được sự bình an, cơ thể đã tự có thể chữa lành sau nhiều giao động. Nàng khỏi bệnh.
Những cây hoa vông vang trước hàng ba bao lâukhông ai chăm sóc, nhưng theo mùa, chúng tàn tạ đổ rạp, rồi lại tự mọc lên, những cây non, cây mới mọc lên tươi tốt và rực rỡ đu đưa nở bông lóng lánh làm sáng cả một khoảng không gian sau những ngày đông hàn u ám.

Paris mùa thu 2024
Chúc Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét