Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

‘Đêm Tưởng Nhớ Thuyền Nhân,’ đừng bao giờ quên mình là ai và từ đâu đến - Văn Lan/Người Việt



WESTMINSTER, California (NV) – Đêm “Tưởng Nhớ Thuyền Nhân,” là buổi chiếu phim “Thuyền Nhân-Hành Trình 50 Năm,” do Dân Biểu California Trí Tạ (Cộng Hòa-Địa Hạt 70) bảo trợ, diễn ra tại Lavender Venue, thành phố Westminster, vào chiều Thứ Sáu, 27 Tháng Chín, với hàng trăm người tham dự.Màn nhạc cảnh “Đôi Mắt Phượng” do CLB tình Nghệ sĩ trình diễn, nói về thảm cảnh của người Việt tị nạn. (Hình: Văn Lan/Người Việt) Chương trình “Tưởng Nhớ Thuyền Nhân ”gồm 3 phần. Phần đầu là vinh danh và trao tặng Nghị Quyết Thuyền Nhân từ Hạ Viện tiểu bang California cho một số nhân sĩ và nhà hoạt động từ nhiều năm qua giúp thuyền nhân Việt Nam.
<!>
Kế tiếp là phần trình diễn văn nghệ đặc sắc của hai nhạc sĩ Trần Chí Phúc và Cao Minh Hưng cùng Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ với những ca khúc do chính họ sáng tác nói về số phận bi thương của nhiều thuyền nhân Việt gần 50 năm qua.

Đặc biệt, đạo diễn Thanh Tâm đến từ Toronto, Canada, cho trình chiếu cuốn phim “Thuyên Nhân – Hành Trình 50 Năm,” đã và đang được nhiều nơi có cộng đồng Việt Nam hải ngoại tán thưởng, gây nhiều cảm xúc cho người xem và có thể tìm được hình ảnh của chính mình trong quá khứ.


Đạo diễn Thanh Tâm (phải) trả lời câu hỏi của khán giả. Kế bên là Dược Sĩ Cao Xuân Thanh Ngọc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đây là cuốn phim thứ hai của cô, sau phim “Bóng Quá Khứ,” đã gây tiếng vang năm rồi khi công chiếu.

Dân biểu Trí Tạ là tác giả Nghị Quyết HR 121, đã được Hạ Viện tiểu bang California chấp thuận và công nhận Tháng Chín hàng năm là “Tháng Thuyền Nhân,” để nhắc nhở và ghi nhận hơn 800,000 người Việt đã quyết tâm vượt biển tìm tự do bằng những chiếc thuyền mong manh, cho dù phải hy sinh chính mạng sống của họ.

“Thời gian vượt biên bắt đầu sau biến cố 30 tháng 4, năm 1975 kéo dài đến năm 1995, là dấu mốc lịch sử quan trọng của người Việt hải ngoại mà chúng ta khó quên những ngày tối tăm đó. Đây cũng là dịp cho thế hệ mai sau biết cha ông của họ đến từ đâu? Vì sao lại bỏ quê hương ra đi và cũng là thời gian để chúng ta tưởng nhớ đến những đồng bào đã bỏ mình dưới đáy biển sâu chỉ vì hai chữ Tự do,” Dân Biểu Trí Tạ chia sẻ

.

Dân Biểu Michelle Steel trao tặng bằng tưởng lục đến Dân Biểu Trí Tạ vì những đóng góp của ông cho lịch sử và văn hóa trong cộng đồng. Phía sau là cảnh quay bà Michelle trình bày về nghị quyết Tháng Chín Thuyền Nhân của bà được Hạ Viện Liên Bang thông qua. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong phần vinh danh các cá nhân đã đóng góp rất nhiều trong vấn đề thuyền nhân Việt Nam, Dân Biểu Trí Tạ đã trao bằng tưởng lục đến những người đã vượt thoát khỏi ách cộng sản và đến được bến bờ tự do, đã góp công sức để lại những chứng tích lịch sử về thuyền nhân Việt Nam cho các thế hệ sau, gồm nhà báo Thái Tú Hạp và thi sĩ Ái Cầm, đã sáng lập Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam tại nghĩa trang Westminster Memorial Park hoàn toàn bằng chi phí của mình; nhạc sĩ Trần Chí Phúc và Cao Minh Hưng qua những sáng tác âm nhạc về thuyền nhân; đạo diễn Thanh Tâm, với những bộ phim thuyền nhân được trình chiếu trên khắp thế giới; và luật sư Nguyễn Quốc Lân, nguyên chủ tịch Hội Trợ Giúp Pháp Lý cho Thuyền Nhân từ 1975.

Trong dịp này, một nghị quyết vào Tháng Chín hàng năm là tháng “Thuyền Nhân Việt Nam” do Dân Biểu Liên Bang Michelle Steelle (Cộng Hòa-Địa hạt 45) đệ trình được Hạ Viện Liên Bang phê chuẩn, cũng được trao đến Dân Biểu Trí Tạ, để vinh danh ông có nhiều đóng góp về ý nghĩa lịch sử và văn hóa cho cộng đồng.

Dân Biểu Trí Tạ (thứ hai, trái) trao tặng bằng tưởng lục vinh danh các cá nhân đóng góp trong cộng đồng trong nhiều lãnh vực của thuyền nhân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bộ phim “Thuyền Nhân – Hành Trình 50 Năm,” do đạo diễn Thanh Tâm đã thực hiện trong gần hai năm để hoàn thành, từ lúc viết kế hoạch gởi trước lên chính phủ Canada để xin một phần kinh phí, và trong quá trình đi tìm nhân chứng sống, thu thập những tài liệu cũng như đi về những trại tỵ nạn Đông Nam Á để quay phim, cũng như đi qua tất cả những tượng đài thuyền nhân ở khắp Canada.

Cô chia sẻ: “Sau khi công chiếu phim này ở hơn 80 thành phố lớn ở khắp nơi trên thế giới nơi nào có đông cộng đồng người Việt sinh sống, đây là lần đầu tiên em đến Nam California, được sự hỗ trợ của Dân Biểu Trí Tạ, em đã trình chiếu mời đồng bào đến tham dự. Hy vọng em sẽ trở lại nữa, khi hôm nay trong khán phòng không còn chổ trống, để đồng bào có thể đến xem nhiều hơn.”

Bộ phim nói về câu chuyện những người Việt Nam phải trốn chạy Cộng Sản sau 1975, liều chết trên những thuyền mong manh giữa đại dương, hoặc phải chiến đấu không để bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, giết người, hoặc những thuyền nhân trên đảo có người phải tự sát, mổ bụng, hoặc tự thiêu hoặc nhảy xuống biển để không bị trả về Việt Nam. Sau những chuyến thế giới cứu vớt thuyền nhân nổi trôi trên biển cả, được tạm cư trên các đảo tị nạn, với lý lịch là “vô tổ quốc” (Stateless) để sau đó được chính thức đến các quốc gia tiếp nhận.

Các khán giả ở lại đến giờ cuối buổi chiếu phim, để đặt câu hỏi với đạo diễn Thanh Tâm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cuốn phim dài gần hai hai giờ đồng hồ với nhiều cảnh thương đau khiến cả khán phòng chìm trong không khí buồn u uẩn với nhiều tiếng nức nở trong đêm, trong đó có không ít những người đã qua cảnh thuyền nhân mới thấu hiểu. Một lịch sử bi thảm của Việt Nam sau 30 Tháng Tư 1975 đã khiến thế giới kinh hoàng thức tỉnh.

Câu chuyện phim kể lại bắt đầu về lá cờ vàng ba sọc đỏ và thân phận lưu vong của họ, với những nỗi bất hạnh khốn cùng làm hàng triệu người Việt phải rời bỏ quê hương của mình, sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt năm 1975.

Nhưng cánh cửa hy vọng đã mở, những quốc gia tạm dung đã mở rộng vòng tay đón nhận, những thuyền nhân vượt biển sau 1975, cả những nạn nhân miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh cũng lần lượt bỏ nước ra đi.

Nhà văn Trịnh Khải Hoàng, một thuyền nhân năm xưa, hiện cư ngụ tại Nam California, nói: “Chúng ta đã có mặt tại các quốc gia hải ngoại từ sau 1975 đến nay. Những thước phim ngắn ngắn này tuy là những mảnh vỡ của một tập thể lớn rất đau khổ, nhưng đó là lịch sử của ngàn người viết, mỗi người chúng ta vừa là nạn nhân và cũng là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử, đây là điểm đặc thù của người Việt hải ngoại.”

Ca Sĩ Phong Dinh hát “Xác Em Nay Ở Phương Nào” trong đêm tưởng nhớ thuyền nhân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Sau 1975, dù đi dâu chúng ta cũng mang theo quê hương, và chính chúng ta là sự thật. Cộng Sản đã cố vùi dập hủy bỏ cả một nền văn hóa nghệ thuật của cả một đất nước Việt Nam tự do, nhưng nó là một nền văn hóa của người Việt tự do tị nạn Cộng Sản, đây là hai điểm lịch sử đặc biệt mà chúng ta có được, để lại cho mai sau.”

Cựu tù chính trị Phạm Gia Đại chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn phim tài liệu này rất mong muốn được trình chiếu trong học đường, để các học sinh lớn lên không biết gì về chế độ Cộng Sản có thể hiểu được những đau khổ mất mát thương đau, và những tranh đấu tột cùng của cha ông đã trải qua để các cháu có mặt hôm nay và thành công nơi xứ sở tự do này. Đừng bao giờ quên dù ở đâu chúng ta cũng là người Việt Nam, làm sao có ngày trở về xây dựng đất nước tự do dân chủ nhân quyền cho đất nước quang vinh.”

Luật sư Nguyễn Quốc Lân, phó chủ tịch Học Khu Garden Grove, nói: “Nhiều năm qua, những dân cử gốc Việt đã đẩy mạnh việc dạy về ‘Kinh Nghiệm về Người Mỹ Gốc Việt’ trong học đường. Đây là một phim tài liệu đặc sắc, nếu có thể cho phép chúng tôi được sử dụng bản quyền để giảng dạy cho học sinh về lịch sử người Mỹ gốc Việt, rất quý.”

Bộ phim tài liệu “Thuyền Nhân-Hành Trình 50 Năm,” nhằm vinh danh những người Việt tị nạn vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 để trốn thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam, cũng để tưởng niệm nửa triệu sinh mạng đã chết trên biển, trong rừng sâu núi thẳm trên hành trình tìm tự do. Bộ phim cũng nhằm tôn vinh lịch sử đa văn hóa của Canada và nhắc nhở về lịch sử bi thảm của những người “Thuyền Nhân,” “Bộ Nhân” Việt Nam. Họ đã hy sinh tất cả, bỏ lại quê hương đất nước, bỏ lại văn hóa, ngôn ngữ để mang đến một tương lai tốt đẹp hơn, họ là những người thật sự dũng cảm và kiên cường.

Nhà văn Trịnh Khải Hoàng, một thuyền nhân năm xưa, nói: “Mỗi thuyền nhân chúng ta vừa là nạn nhân và cũng là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bộ phim cũng là lời cảm ơn Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan, Hong Kong, Singapore, đã thiết lập các trại tị nạn tại Đông Nam Á cũng như tại Canada, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Tây Đức, Vương quốc Anh, Ý, Thụy Điển, Bỉ, Hòa Lan, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Nhật Bản và New Zealand, và nhiều quốc gia khác trên thế giới với lòng nhân đạo và lòng trắc ẩn, đã đón nhận người tị nạn Việt Nam làm quê hương thứ hai của họ.

Ngày nay những người thuyền nhân may mắn đến được bến bờ tự do ở khắp nơi trên thế giới đã hòa nhập vào cuộc sống mới, trong đó có những công dân Canada đã đóng góp rất nhiều cho quê hương mới về kinh tế, văn hóa, chính trị trong dòng chính, như cựu Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải với đạo luật S-219, còn gọi là đạo luật “Hành Trình Tìm Tự Do” được Thượng viện Canada thông qua ngày 8 Tháng Mười Hai năm 2014, bất chấp sự phản đối từ nhà cầm quyền CSVN.

Thông điệp quan trọng nhất của bộ phim chính là nhắc nhở đừng bao giờ quên mình là ai và từ đâu đến.

Mọi chi tiết xin liên lạc email: thanhtam@vietlive; hoặc phone: +1 647-983-7286. [kn]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét