Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

Chuyện của TÌNH - Nguyễn Hữu Huấn - Posted by GLN


Tháng 3 năm 1975 tôi bị VC bắt làm tù binh tại phi trường Đà Nẵng và được phóng thích vào cuối năm 1978. Không nghề không nghiệp, chẳng biết tương lai ra sao. Đi đâu cũng nghe bàn tán chuyện vượt biên bằng thuyền. Bạn bè cho biết ngoài Vũng Tàu có nhiều công ty xây dựng đang tuyển công nhân. Như cá gặp nước, tôi vội chạy ra đó xin việc và được nhận ngay với chức…“culi“, được làm chủ chiếc xe một bánh với hai tay cầm mà người ta thường gọi là "xe rùa“ hay "xe cút kít“ dùng để chuyên chở các vật liệu xây dựng như vôi, vữa, xà bần, gạch, đá…Công ty do anh TQK làm giám đốc, dân Mỹ Tho, sảng khoái, chịu chơi, thích nhậu nhẹt với đám "cu li“, các sĩ quan QL/VNCH nào ở tù mới về là anh nhận vào làm "cu li“ hết, không cần biết tông ti lý lịch. 
<!>
Công việc tuy cực nhọc nhưng tinh thần thì thoải mái vì chung quanh đều là đồng đội khi xưa từ nhiều binh chủng khác nhau mà hầu hết ra đây đều là đi tìm đường vượt biên, nhưng chẳng ai dám nói cho nhau nghe. Chính nơi này tôi gặp lại ông bạn "cu li“ lớn tuổi Huỳnh.T, Thiếu úy trong Tổng Cục Tiếp Vận VNCH, "cu li“ Trung úy Lê Văn H., đại đội phó Thủy Quân Lục Chiến và "cu li“ Thiếu úy Trần Bá H., trung đội trưởng Nhảy Dù. Cả ba hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ

Vũng Tàu vào cuối thập niên 70 qua đầu thập niên 80 thật nhộn nhịp với rất đông công nhân làm việc như một phong trào thi đua xây dựng lại thành phố, nhà ở, để chuẩn bị đón tiếp đám chuyên gia dầu khí Liên Xô và các nước CS Đông Âu sang VN khai thác dầu hỏa. Đây chính là quốc sách ưu tiên hàng đầu vào thời đó. Chính đích thân Đỗ Mười, lúc đó là phó thủ tướng kiêm phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng sau khi thị sát Vũng Tàu đã quyết định cấp toàn bộ khu khách sạn Lam Sơn cho xí nghiệp liên doanh Việt-Liên Xô mang tên Vietsovpetro thuộc Tổng Cục Du Lich VN toàn quyền xử dụng, Thêm vào đó, một số khách sạn và biệt thự tại Vũng Tàu từ trước năm 1975 bị CS tịch thu đều do công ty này tiếp nhận để sửa chữa. Khách sạn Thắng Lợi đường Lê Lai (bãi trước) là đại bản doanh của công ty Vietsovpetro và cũng là nơi cư ngụ của các kỹ sư Liên Xô và Đông Âu, cùng với gần 100 cán bộ xây dựng và an ninh từ miền Bắc, nhưng tất cả đều không có một chút kinh nghiệm gì trong lãnh vực đối ngoại, du lịch và xây dựng. Do đó chúng phải cần đến các công ty xây dựng của miền Nam từ trước năm 1975 giúp đỡ. 

Công ty của anh TQK (nơi tôi làm cu li) là một trong nhiều công ty từ Sài Gòn và Biên Hòa. Tất cả để đều nằm dưới sự chỉ đạo và kiểm soát an ninh bởi bọn cán bộ CS miền Bắc. Gần khách sạn Thắng Lợi có một khu đất trống được dành riêng cho đám công nhân "cu li“ buôn bán, ăn uống từ sáng đến tối. Đông nhất là mỗi buổi sáng có hàng trăm "cu li“ ngồi uống cà phê ăn sáng trước khi đi làm. Bọn cán bộ CS cũng thường xuyên gia nhập đông đảo thưởng thức cà phê "cái nồi ngồi trên cái cốc“ hay ly trà đá mát rượi. Chúng lân la gợi chuyện với đám "cu li“, ra vẻ hòa đồng thân thiện nhưng để kiểm soát rình rập theo dõi.

Ngày nọ, một thanh niên quần áo chỉnh tề, đầu đội nón cối, chân đi dép râu, vai đeo lủng lẳng cái cặp da bộ đội đã bạc màu dành riêng cho các sĩ quan bộ đội miền Bắc, ngồi xà xuống bàn còn ghế trống mà chúng tôi đang ngồi uống cà phê. Anh ta hỏi thăm đủ chuyện trên trời dưới đất, rất tự nhiên và cởi mở, khoe mới vào Nam được mấy tháng và hiện là quản đốc toàn bộ công trường thi công Vũng Tàu. Vừa lúc đó, anh TQK (ông chủ của tôi) đi ngang qua, thấy ông cán bộ liền vội cười toe toét "chào sếp“, tay kéo ghế, miệng kêu ly cà phê rồi ngồi chung bàn. Anh chỉ bọn tôi giới thiệu là nhân công của anh và dành bao hết cả bàn. Trước khi chia tay anh nói nhỏ với chúng tôi rằng: "Tên này là cán bộ thứ dữ đó, coi chừng mồm miệng nghe mấy cha nội“. 

Mấy ngày sau tôi đang phờ râu khệ nệ đẩy "xe cút kít“ đi đổ xà bần thì gặp lại anh chàng "cán bộ thứ dữ“ đang lững thững đi trên đường. Vẫn là vài câu xã giao cho xong chuyện. Vẫn ngày ngày không hẹn mà gặp, lại chuyện "xe cán chó, chó cán xe“ bên ly cà phê với tô cháo hột vịt hay ổ bánh mì trong khu chợ công nhân. Ngày tháng cứ thế trôi qua, việc ai người nấy làm, hồn ai người nấy giữ trong khoảng đất trống nhỏ nhưng đông người. Từ đó, tình cảm con người bỗng trở nên thân thiết và cởi mở hơn lúc ban đầu. Chàng "cán bộ thứ dữ“ thỉnh thoảng dúi vào tay tôi vài ba bao thuốc lá Thăng Long, loại thuốc lá chỉ dành riêng cho các quan chức, cán bộ cao cấp trong cái gọi là "thời bao cấp“ lúc bấy giờ: "Tớ tặng cậu đấy, đừng để người ta thấy nhé“. Tôi hơi chới với, không phải vì mấy bao thuốc lá, mà vì hai chữ "cậu cậu tớ tớ“ giữa hai thằng đàn ông nghe lạ tai quá, nhão nhoẹt như tô đậu hũ thiu và có vẻ…đàn bà, mặc dù chính tôi cũng là thằng Bắc kỳ lớn lên trong Nam. Thôi kệ ! cứ "cậu cậu tớ tớ“ để khỏi phải rít ống thuốc lào Lạng Sơn. Thằng Bắc kỳ 54 "cậu cậu tớ tớ“ với thằng Bắc kỳ 75 thì có chết thằng Tây nào đâu, miễn sao đạt được mục đích của mình, biết đâu đây là "cái dù che thân“ lợi dụng được chăng ? Thời gian này tìm được cái dù để “dựa hơi mà sống“ chẳng phải dễ, ai mà chẳng ham ! Vượt biên là trên hết !
- Tớ tên Nguyễn Văn Tình, gốc Hải Phòng, có vợ được 1 con đang sinh sống ngoài Hà Nội. Còn cậu trước khi vào Nam ở đâu, làm gì ?
- Quê tớ cũng Hải Phòng. Năm 54 theo bố mẹ chui vào tàu há mồm vào Nam, sống tại Sài Gòn, đi lính Không Quân/VNCH đóng tại phi trường Đà Nẵng, bị bắt làm tù binh, mới được thả về.
- Ấy ấy! bọn tớ tiếp thu phi trường Đà Nẵng đấy, đầy đủ tiện nghi, to đùng như cái mặt trăng.
- Thật không ? Cậu cũng là lính Không Quân miền Bắc hả ?
- Ừ! Lúc đó tớ là trung úy của lữ đoàn Công binh 28 thuộc quân chủng phòng không không quân vào tiếp thu phi trường Đà Nẵng do lính sư đoàn 2, quân khu 5 mới chiếm được. Vào đây mới thấy lính tàu bay trong Nam của các cậu làm việc trong phi trường sướng quá, nhiều văn phòng còn có cả máy lạnh mát rợi…
- Vậy sao các cậu cứ lải nhải bảo là „phồn vinh giả tạo“, giờ sáng mắt rồi hả ?

Thú thật, lúc này tim tôi như bị thắt lại, nuốt hận thù vào bụng, nhìn thẳng vào mắt thằng Bắc kỳ 75 ngồi đối diện, thấy nó vẫn bình thản tỉnh bơ, không xúc động, không lộ vẻ kiêu căng của "bên thắng cuộc“. Tôi hỏi tiếp:
- Cậu bên quân đội sao bây giờ lại làm trong công ty du lịch dầu khí này ?
- Sau khi thống nhất đất nước tớ được "phục viên“ và thuyên chuyển vào đây cùng với các cán bộ kỹ thuật để khai thác dầu khí và các dịch vụ khách sạn, cửa hàng, nhà ở cho các chuyên viên Liên Xô và Đông Âu. Hôm nào tiện, tớ dẫn cậu về nhà tớ "tham quan“. Thật tình lúc đó tôi chẳng hiểu "tham quan“ nghĩa là gì ? Nghe sao lơ lớ như tiếng Tàu pha tiếng Miên. Tình giải thích "tham“ là tham gia, tham dự, "quan“ là quan sát, là nhìn, là xem… À ra thế, tiếng Bắc của miền Bắc ta "sáng tạo tuyệt vời, đỉnh cao trí tuệ“. Tôi chả lả :
- Mới vào Nam mấy tháng mà cậu đã mua nhà ở đây rồi hả ?
- Làm gì có tiền mà mua, nếu có tiền mà mua cũng chẳng ai cho mua đâu. Nhà nước cấp cho đấy, nhà to đùng như cái "Vi La của Tây“ ấy, nghe họ bảo đây là nhà của ông tá ông tướng nào đó đã chay ra nước ngoài.

Cái "Vi La“ của Tình "bự bành ki“ thật, đầy đủ tiện nghi bàn ghế tủ giường, cây lá xum xuê vây quanh, có hồ bơi phủ là rong rêu, mấy cái máy lạnh bắt đầu sét rỉ vì từ lâu không xử dụng. Tôi hỏi Tình sao không mang vợ con vào đây cho sướng thân, Tình bảo:
- Mang thấy quái nào được, chịu vậy thôi. Nghĩ mà thương cho vợ con tớ phải sống chui rúc trong "nhà tập thể Kim Liên“ ngoài Hà Nội, mỗi hộ khoảng 30m2, cứ 4 hộ thì dùng chung 1 bếp và 1 cầu tiêu. Hộ bên cạnh nhà tớ của ông công an còn nuôi cả heo nữa đấy, mùi cứt heo quanh năm… Thời bao cấp mà !
- Trời ! nghe sao ghê quá vậy ! Cậu là "cán bộ thứ dữ“ mà ?
- Thì cán bộ mới được hưởng như thế đó, dân thường còn bi đát hơn nhiều. Cái ý tưởng xây các khu nhà tập thể này là do ông Hồ khi qua thăm nước Triều Tiên thấy bên đó có các khu tập thể như vậy, nên đề nghị Triều Tiên qua hỗ trợ xây dựng đấy.
- Tớ cứ tưởng ngoài Bắc đâu đến nỗi tệ như thế ?
- "Thời bao cấp“ mà cậu. Cái ở còn như thế, cái ăn, cái mặc càng tệ hơn nhiều. Lương thực, thjt thà, cá mắm muối gạo, vải vóc, tiện nghi…đều do nhà nước quản lý và cung cấp theo chế độ tem phiếu. Tớ là cán bộ mỗi tháng được mua 13 ký gạo, thịt lợn 3 lạng, dầu hỏa 4 lít. Mà gạo là gạo "bảy nổi ba chìm“ chứ ngon lành gì ? Còn vải thì 5 mét một năm, mà chỉ toàn một màu xam xám.
- Tớ không hiểu cậu nói gạo "bảy nổi ba chìm“ là gạo gì ?
- Này nhé, khi vo gạo thì 7 phần là gạo mọt, gạo mối nên nó nổi lều bều, còn lại chỉ có 3 phần là gạo nấu cơm được thôi. Ấy là gạo còn độn khoai độn sắn nữa đấy. Nói chung là cái gì cũng hiếm, cái gì cũng thiếu suốt.
- À ra thế. Miền Bắc các cậu đói nghèo như thế nên lôi cả thơ "cái bánh trôi nước“ của bà Hồ Xuân Hương ra mà ngâm cho đỡ đói…

Tình đứng lên vừa với tập sách cũ kỹ trên tủ, vừa cười vừa nói :
- Tớ đọc cho cậu nghe một bài thơ châm biếm ngoài Bắc người ta thường truyền tai nhau như thế này nhé : Một yêu anh có may ô (áo lót) / Hai yêu anh có cá khô để dành / Ba yêu rửa mặt bằng khăn / Bốn yêu bàn chải đánh răng hàng ngày / Năm yêu anh có đôi giầy / Sáu yêu anh có khăn quàng vắt vai / Bảy yêu có sẵn gạc nai (sừng con nai để nấu thành cao bồi bổ sức khỏe) / Tám yêu nước mắm cả chai ăn dần / Chín yêu anh rất chuyên cần / Mười yêu anh chỉ để phần cho em.
- Hay quá, chắc cậu đọc bài thơ này khoe cậu có "cái gạc nai“ nên mới lấy được bà vợ bây giờ hả ?

Tình cởi mở thật thà như thế và tôi dần dần cảm nhận trong Tình có cái gì khác lạ, có cái gì đong đưa so sánh pha lẫn chút uẩn ức chán chường mà không dám nói ra. Tuy thế tôi vẫn phải "đề cao cảnh giác“ vì đen trắng vẫn còn lẫn lộn. Tôi rủ Tình về Sài Gòn chơi, tiện thể ghé nhà thăm bố mẹ. Tình hớn hở nhận lời ngay. Tôi định mua vé xe đò thì Tình bảo "tớ có một con Honda“ do cơ quan cấp. Tôi hỏi sao không phải xe hơi. Tình bảo có chứ, nhưng đi Sài Gòn bằng "xe con“ lúc về phải làm "bản tường trình“ cho cơ quan, ấy là chưa kể "đồng chí lái xe con“ lại "ba hoa chích chòe“ thì phiền phức bỏ mẹ. Tôi giới thiệu ông "cán bộ thứ dữ“ họ Nguyễn tên Tình cho bố tôi. Bố tôi tiếp Tình bằng tách nước chè (trà) với đĩa kẹo lạc (kẹo đậu phụng) nhâm nhi gợi chuyện. Tôi khoe với bố, Tình là quản đốc cả công trường xây dựng Vũng Tàu, quyền hành bao la. Không biết có thật hay không mà bố tôi nói với Tình rằng tên công an phường nhà tôi cũng quê Hải Phòng, rồi viện cớ cùng quê, cùng làng, gởi gấm tôi cho Tình mong giúp đỡ. Tình nói coi bố tôi như bố mình, rồi biếu bố tôi một bao thuốc hàng ngoại 555 mới tinh và gói chè Tân Cương/Thái Nguyên trong gói giấy nhăn nheo vàng úa, khoe rằng chè Tân Cương quý nhất miền Bắc, trị bách bệnh, ổn định huyết áp, kéo dài tuổi thọ. Bố tôi vừa cười vừa nói „"Cậu rủa tôi chết sớm hay sao vậy hả ?“. Ông lên gác bê xuống một thùng đồ bà cô tôi từ Mỹ mới gởi về, lôi ra tặng Tình 1 bánh xà phòng Dove thơm phức và 1 xấp vải nhung đen may áo dài. Tình lắc đầu không dám nhận. Bố tôi quát:
- Cái này tôi cho vợ cậu chứ tôi thèm hối lộ cậu làm quái gì, đem về cho vợ đi.

Đang lúc Tình loay hoay dắt xe Honda nổ máy ra về, bố tôi kéo ngay tôi vào nhà bếp phía sau rồi nghiêm nghị bảoi: "Nếu khi nào thời thế đổi thay thì con nhớ phải tóm cổ thằng này đầu tiên nghe chưa!“. Tôi vâng vâng dạ dạ rồi leo ngay lên xe của Tình ra lại Vũng Tàu.

Trong thời gian này tôi âm thầm liên lạc được một mối vượt biên từ Bến Đá/Bà Rịa, nơi có làng chài Công Giáo Bắc Kỳ 54 rất lớn nằm cách không xa Chùa Thiếu Lâm với Thích Ca Phật Đài. Chủ ghe và cũng là người tổ chức lại là bố của người bạn học cũ từ những năm trung học, cũng là sĩ quan công binh ở tù mới về. Vì là bạn của con, bác thương tình cho tôi đi không lấy tiền, hẹn địa điểm, ngày giờ ra bến. Tôi báo tin vui cho bố mẹ và dĩ nhiên không cho Tình biết. Nào ngờ, ghe đang phom phom chưa ra đến cửa biển thì bị ghe của bọn công an biên phòng chiếu đèn pha chóa mắt, đụng rầm rầm ngang hông. Nước tràn vào ghe làm chao đảo như muốn chìm cùng với tiếng quát tháo la hét om trời trong đêm tối. Thế là già trẻ lớn bé trên dưới gần 100 mạng tay xách nách mang chui vào nhà tù Bà Rịa. Tôi nghĩ số mình đã tận, vừa thoát tù chưa lâu, bây giờ lại vào tù tiếp. Rõ chán ! Thôi thì phó mặc theo ý Trời.

Chưa đầy một tuần thì thằng công an cai tù tên Long gọi tôi lên làm…“giấy ra trại“. Tôi nghĩ mình nghe lầm nên cứ đứng tần ngần suy nghĩ. Thằng công an cai tù tên Long cầm một tờ giấy và cây bút quát tháo hối thúc tôi ký tên. Tôi chẳng thèm đọc, cúi xuống nguệch ngoạc ký vào, rồi bước vội ra cổng như sợ chúng đổi ý. Nhìn xa xa thấy có người đang khoác tay gọi. Lại gần chợt hết hồn vì thấy ông "cán bộ thứ dữ“ Nguyễn Văn Tình đứng chần dần ở đó. Tình chở tôi ra quán cà phê bên đường, mặt hầm hầm nói:
- Cậu liều lĩnh quá, sao dám vượt biên trốn ra nước ngoài hả.
- Sao cậu biết tớ vượt biên đang ở tù ?
- Mấy hôm không thấy cậu đi làm, hỏi thăm loanh quanh có người nói chắc cậu đi vượt biên rồi, nhưng tớ đâu có tin. Tớ ra đồn công an Bà Rịa dò la thì họ cho biết cách đây mấy ngày bắt được một ghe vượt biên đang nhốt trong tù. Đọc trong danh sách thì thấy tên cậu nên tớ làm giấy bảo lãnh cậu ra, viện cớ là anh em họ, bị chúng nó dụ dỗ đi theo. Lần sau có đi thì báo cho tớ biết trước để tớ lo liệu nghe chưa ?

Tôi cám ơn Tình rối rít. Dù sao đây cũng là „"cái ơn cứu nguy“ thoát nạn tù đầy. Hôm sau mọi việc vẫn như cũ, vẫn lái xe "cút kít“ đổ xà bần. Bạn bè hỏi thăm, tôi nói bị sốt rét chắc vì hậu quả hơn 3 năm đi tù trong rừng rậm miền Trung gần biên giới Lào. Chỉ thương ông sếp hãng thầu của tôi là anh TQK cứ tưởng thật, nên dúi vào tay tôi 10 viên thuốc "ký ninh“ bảo là thuốc trị sốt rét của bộ đội. Tôi mang về cho đứa em út bán chợ trời. Còn chuyện "Lần sau có đi thì báo cho tớ biết để tớ lo liệu“ như Tình nói thì „"tùy cơ ứng biến“ … tính sau.

Từ lúc này tôi thật sự có cảm tình với ông "cán bộ thứ dữ“ tên Tình này và nẩy ra ý định tìm cách „đổi đời“ cho Tình.
- Cậu lê lết cái đôi dép râu như thằng cán ngố trong rừng ra thành phố. Bụi bậm dán vào đầu ngón chân thấy mà khiếp, gái Sài Gòn chúng cười cho thối mũi. Cho cậu cái đôi "Bata“ vừa sạch vừa êm chân. Cho cậu cái "quần bò“ với cái áo T-Shirt hiệu "con cá sấu há mồm“ của Ba Tàu, thêm cả cặp "kính dâm“ vừa oai vừa lái xe Honda che bụi.

Tình soi gương ngắm nghía khen đẹp, nhưng lại cất hết vào tủ khóa lại nói: "Chỉ khi nào đi Sài Gòn thì tớ mới dám diện, còn đi làm thì vẫn phải ăn mặc bình thường“.

Một hôm rủ nhau ra biển dạo mát, nhìn Tình mặc cái "quần xà lỏn“ rộng thùng thình dài đến gần đầu gối, thấy có cái gì lắc lư như cái chuông, thật buồn cười. Về nhà Tình vẫn mặc tiếp, vẫn "lòng thòng toòng teng“ đi khắp nhà. Mấy hôm sau tôi đưa cho Tình ba cái quần "xì líp“ hiệu "Jocky“ của Mỹ mua ở đường Ta Thu Thâu gần chợ Bến Thành, nơi mua và bán toàn đồ từ ngoại quốc gởi về. Tình bảo „"quần gì mà lạ thế, tớ chưa thấy bao giờ“. Ép lắm thì Tình mới mặc thử cho tôi xem rồi lẩm bẩm:
- Mặc vào nó sao sao ấy, ngượng quá, cân cấn cái gì như bị ai bóp, lại còn ngứa ngáy khó chịu hai bên háng nữa…

Một hôm Tình lộ vẻ đăm chiêu lo lắng nói với tôi:
- Công ty tớ sắp đón một phái đoàn dầu khí từ LIên Xô và các nước Đông Âu, có cả Đức và Bỉ. Tớ được giao công tác tổ chức chiêu đãi, tiệc tùng…có cả nhảy đầm nữa. Tớ suy nghĩ mãi không biết phải làm sao ?
- Thì cậu cứ nói thẳng ra đi, tớ giúp ý kiến gì được thì giúp cậu ngay
- Mọi việc tớ thu xếp được, riêng cái …“khâu nhảy đầm“ thì tớ chẳng biết phải "chiêu đãi“ như thế nào đây ?
- Có phải ý cậu là muốn tìm…vũ nữ nhảy với mấy thằng Tây phải không ?
- Đúng vậy, cậu có biết ai, ở đâu không ?

Tôi mừng hết lớn, còn hơn con cá gặp nước. Đúng là có mối lớn đây rồi. Chuyện gì chứ chuyện này dễ như trở bàn tay. Ngày xưa các em vũ nữ phơi phới sang trọng lắm, nhưng kể từ khi „"nón cối tai bèo, miệng vẩu, môi chì, răng bừa cào“ tiến vào Sài Gòn làm các em sợ phát thét, bỏ nghề đi lang thang kiếm sống như ong vỡ tổ, đứa thì ôm xe thuốc lá bán từng điếu bên đường, đứa thì gác chân bên nồi trà đá trong sân ga xe lửa Lê Lai, đứa may mắn hơn thì lăng xăng mua bán đồ mỹ phẩm…Tôi bảo Tình :
- Tớ giúp cậu chuyện này, nhưng trong bao lâu ?
- Chỉ 2 ngày cuối tuần tới thôi, mỗi tối chỉ nhảy với khách vài ba tiếng, không được ngủ lại đêm, giao tiếp văn hóa đứng đắn, có xe đưa đón đàng hoàng.

Chưa đến một ngày tôi đã tìm được em Nga đang ngồi bán bánh cuốn ở đầu ngõ hẻm chợ Ông Tạ. Kể lại cho nó biết chuyện. Vừa nghe cái tên "công ty du lịch dầu khí Vũng Tàu“ nó la lớn mừng quýnh như nhặt được vàng. Mừng là phải, thời đó 99% nhân viên trong Công ty Du Lịch Dầu Khí đều là cán bộ hay con cháu từ Bắc vào, dân miền Nam chỉ được mướn làm nhân công bình thường. Ai đời thời gian này lại được mời đi nhảy với nhót, mà lại nhảy với khách Tây trên lầu 5 khách sạn, tha hồ…“mánh mum“, tha hồ "dở ngón nghề“ lâu nay không xử dụng. Em Nga rủ thêm được gần chục đứa nữa. Mai, Lan, Cúc,Trúc…đủ tên các loài hoa, trừ …Hướng Dương và Loa Kèn.Tất cả hàng ngũ chỉnh tề theo lời tôi dặn dò đến một điểm hẹn ngay trung tâm Sài Gòn. Tình khôn như rắn, cũng không đi đón, phái một ông tài xế già lái xe 12 chỗ ngồi đến đón "các tiên cô“ trực chỉ Vũng Tàu. Các em vỗ tay đồng ca….“hò kéo pháo“.

Mấy ngày sau, "các tiên cô“ xúm lại quanh tôi ăn mừng "đại thành công, vạn vạn đại thành công“. Bọn LIên Xô, Tiệp Khắc, Hung, Bun gì gì đó…ngu như con bò, ngơ ngơ ngáo ngáo như con nai tơ, tụi em nói cái gì là cứ răm rắp như nghe lệnh bà, dễ thương thiệt anh Hai à. "Các tiên cô“ kể rằng, mỗi lần ra vào đều bị "bọn cán bộ cái“ rà soát bóp nắn từng đứa như lùng khủng bố. Thậm chí có mấy đứa còn khoe đã móc nối được mấy thằng Tiệp, thằng Hung nào đó, hứa tìm cách giúp trốn theo tàu buôn đi nước ngoài. Có thành công hay không đến giờ tôi cũng chẳng biết. Có điều lạ là mỗi đứa đều…“đền ơn“ tôi một món „"chiến lợi phẩm“. Đứa thì 1 bao thuốc lá 555, đứa cái hộp quẹt gaz, thậm chí có đứa 1 tờ 5 đô la Mỹ. Tôi ngạc nhiên hỏi sao có thể qua lọt được „"bọn cán bộ cái“, tất cả chỉ cười xòa nói ..“nghề của nàng“ mà anh Hai“. Còn ông "cán bộ thứ dữ“ họ Nguyễn tên Tình của tôi cũng tìm đến tôi cám ơn rối rít, khoe „"chiêu đãi thành công, chan chứa tình hữu nghị“. Tôi tỉnh bơ, hỏi bao giờ tổ chức tiếp. Tình lắc đầu không biết, chờ lệnh trên.
- Tối đó cậu có vớ được em nào nhảy không ?
- Không được đâu, cấp trên tuyệt đối cấm chuyện này. Tớ chỉ đứng quan sát thôi. Mà từ nhỏ đến lớn bây giờ tớ mới nhìn người ta nhẩy đầm như thế nào.
- Thích không ? Tớ dậy cậu nhảy nhá.
- Thôi đi thôi đi, kỳ chết đi được ấy.

Cái "ngu“ lớn nhất và đứng đầu trong "4 cái ngu ở đời“ là "làm mai“ có lẽ không đúng với tôi trong lúc này. Thừa thắng xông lên, tôi rủ Tình về Sài Gòn giới thiệu con "Nga bánh cuốn“ làm "giáo viên nhảy“ cho cậu học trò Tình. Lần đầu gặp mặt, Tình ngồi bẽn lẽn cứng đơ như khúc gỗ, lắp bắp nói không nên lời. Con Nga láu cá quá, nó vừa cười vừa chọc Tình: "anh tên Tình, em tên Tang nè, tình tang đẹp đôi vừa lứa hén“. Tôi cười chảy nước mắt nhìn Tình tập nhảy điệu „xì lô“, hai chân chàng hảng ngọ ngọe như hai cái càng cua… Cũng từ đó Tình về Sài Gòn nhiều hơn, nhưng không bao giờ dám đưa con Nga ra Vũng Tàu. Có lần con Nga kể được Tinh dẫn vào Bến Nhà Rồng trong cảng Sài Gòn tham dự “Đêm liên hoan chiêu đãi các công ty tàu biển nước ngoài“. Chẳng hiểu ra sao mà nó làm quen được với một thằng thuyền trưởng tàu Ba Lan. Nó năn nỉ ỉ ôi thế nào mà thằng thuyền trưởng hứa sẽ tìm cách giúp nó trốn khỏi VIêt Nam. Vài ngày sau nó…“biệt tích kinh kỳ“. Mãi đến gần 10 năm sau con Nga từ bên Hòa Lan liên lạc được với tôi kể lể vắn tắt như sau:
- Thằng thuyền trưởng tên là "Bạc Tô Mi“ dấu em trong phòng của nó chở đến "Xing Ga Po“ nhưng bị đuổi. Nó liên lạc sao đó đưa em qua một tàu của Hòa Lan. Tàu Hòa Lan lại đưa em vào đảo Palawan của Phi Luật Tân, sau đó được định cư tại Hòa Lan. Má em hay tin vui quá…không bán bánh cuốn nữa.

Tôi cũng vui lây.Tháng 6 năm 1911 có một ông tên là Nguyễn Tất Thành xuống tàu tại Bến Nhà Rồng làm "culi“, đi tìm đường làm "cách mạng vô sản“. Gần 70 năm sau cũng tháng 6, có con nhỏ tên "Nga bánh cuốn“ cũng xuống tàu tại Bến Nhà Rồng làm "thuyền nhân“, chạy trốn "cách mạng vô sản“ đi tìm đường đến bến bờ Tự Do…. Ngộ quá !

Tôi lại có mối vượt biên, lần này rủ Tình cùng đi, bảo sẽ không đi từ Vũng Tàu mà từ bến phà Tân Thanh, Cần Giuộc. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ Tình bảo:
- Tớ muốn đi lắm chứ nhưng không dám đâu, vợ con tớ vẫn còn ngoài Hà Nội
- Thì cứ đi đi, sau này qua đó bảo lãnh vợ con sang
- Không được đâu cậu ơi. Cậu qua bên đó chắc sẽ được trọng dụng, còn tớ qua đó họ trả thù giết tớ chết mất.
- Ba láp nào, làm gì có chuyện đó mà lo
- Tớ mà đi, vợ con tớ còn ở lại chúng nó hành hạ chết mất thôi. Thôi chúc cậu đi bình yên may mắn nhé. Qua được bên đó thì báo cho tớ biết

Ngày chia tay, Tình dúi cho tôi 1 ký đường thẻ màu vàng, 1 nhúm thuốc say sóng và 1 tờ giấy ghi địa chỉ của Tình tại Hà Nội, Tôi được hạm đội Mỹ vớt rồi được định cư tại Tampa, Florida và thường xuyên gởi quà về „"nhà tập thể Kim Liên“ cho vợ chồng Tình. Hơn một năm sau thì hoàn toàn mất liên lạc với Tình. Thời gian cứ thế trôi qua, tôi vật lộn với "tiệm Neo“ làm kế sinh nhai nơi xứ người và hình ảnh lẫn dĩ vãng cùng với ông "cán bộ thứ dữ“ hoàn toàn biến mất trong tâm trí.

Một hôm đang ngồi ăn phở trong quán "Phở Quyền“ ngoài phố, nghe bàn bên cạnh có mấy ông Bắc Kỳ 75 đang huyên thuyên trò truyện có nhắc đến "nhà tập thể Kim Liên“, Tôi chợt nhớ đến Tình, nên tò mò xà lại làm quen hỏi thăm. Một ông kể hồi trước gia đình cũng từng ở "nhà tập thể …Kim Niên…Hà Lội“. Tôi đánh bạo hỏi có quen ai tên là Nguyễn Văn Tình ?
- Tình nào ? Có vợ tên là Mai ?
- Không biết tên vợ (có bao giờ tôi hỏi Tình tên của vợ nó đâu). Thì ông Tình trước là trung úy bộ đội, sau vào Sài Gòn làm việc.
- A ! Có phải là "Tình du lịch dầu khí Vũng Tàu“ không ? Căn hộ của tôi sát căn hộ của nó đấy.

Tôi giật nẩy mình, nhớ lại lời Tình kể "căn hộ bên cạnh của thằng công an nuôi heo“. Tôi phịa chuyện tìm cách dò la thêm
- Tôi với Tình là bà con bên nội. Nó bảo căn hộ cạnh hộ nó là của bác công an.
- Giời ơi, đúng thế đấy! Tôi đây. Gớm, sao mà "hữu duyên“ thế đi mất.
- Anh qua đây lâu chưa ?
- Thì thằng con đi vượt biên bảo lãnh tôi qua hơn một năm rồi. Ối giời ơi truân chuyên lắm đấy. Nó lần mò qua tận đến "Hồng Kông“ rồi mới qua được Mỹ.
- Anh biết Tình đang ở đâu không, bây giờ ra sao ?
- Nó chết cả mấy năm nay rồi. Vợ nó dọn đi chỗ khác không ai biết ở đâu.
Tôi sững sờ lặng cả người, rồi cố gắng lắp bắp hỏi tiếp:
- Sao nó chết, sao, sao vậy ?
- Khi nó về lại thì một thời gian sau công an Hà Nội xông vào nhà bắt nó vì tội "Suy thoái tư tưởng, chính trị và đạo đức cách mạng“, lại còn "thiếu thành khẩn, không tự giác nhận tội“. Nghe nói sau khi được thả, nó đi đạp xe xích lô chở bia cho "Công ty bia Hà Nội“, còn vợ nó thì đi bán khoai lang ngoài chợ, chẳng ai biết vợ chồng nó ở đâu. Chắc nó chết vì bệnh lao phổi…

Ông bên cạnh tự nhiên xía vào:
- Bây giờ thời thế thay đổi rồi bác ơi. Úy hay Tá Tướng gì cũng vứt đi thôi, tiền là trên hết, muốn gì được nấy, nên người ta cứ thế kéo nhau vào Nam hết rồi, bác nghe câu thơ này nhé:

„Đầu đường Đại Tá bơm xe / Cuối đường Trung Tá bán chè đỗ đen / Giữa làng Thiếu Tá bán kem / Trong làng Đại Úy thổi kèn đám ma / Thượng Úy chăn lợn đuổi gà / Trung Úy ở nhà vo gạo rửa rau / Hỏi thằng Thiếu Úy đó đâu / Ba lô lộn ngược xuôi tàu Bắc Nam“

Cả bọn xúm nhau cười hì hì…..

Thế là tôi thật sự mất Tình, thằng "cán bộ thứ dữ“ nhưng hiền hòa dễ thương và thẳng thắn trung thực. Cuộc đời cũng nhiều cái oái oăm trắc trở như mối tơ vò. Có tình bạn nào cao cả và quý báu bằng tình bạn của hai kẻ không cùng chiến tuyến năm nào bỗng trở thành tình bằng hữu, như anh em, mặc dù trước đây tôi quen Tình chỉ vì hai chữ…“lợi dụng“, làm "cái dù che thân“. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy có chút gì không phải và thương Tình xót xa, Tôi mong tìm được đứa con của Tình để trả ơn trả nghĩa cho những ngày tháng đó, nhưng vô phương. Chỉ biết chắc một điều là Tình không còn phải chui rúc trong cái "nhà tập thể Kim Liên“ khốn nạn ngoài Hà Nội nữa. Bỗng nhiên tôi thấy Tình đang vi vu phóng xe Honda trên đường Tự Do năm nào trong chiếc áo T-Shirt có "con cá sấu há mồm“, thêm cái quần bò đã bạc màu, nhìn đời qua đôi mắt "kính dâm“ và không còn ngứa ngáy khó chịu hai bên háng vì cái quần lót hình tam giác nữa. Tình bỗng dừng xe, đứng nhìn thẳng vào "dinh Độc Lập“ năm xưa, bàn tay đưa lên như muốn bấu víu một cái gì mà Tình chưa từng có được. Đó là sự TỰ DO, sự BÌNH ĐẲNG của một con người……

Nguyễn Hữu Huấn
30 tháng 4 năm 2023

Không có nhận xét nào: