Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :28/09/2024 - Duke Nguyễn


Tiếp Zelensky, Trump hứa chấm dứt chiến tranh Ukraina, nếu tái đắc cử Sau cuộc gặp với lãnh đạo Ukraina Zelensky tại New York, cựu nguyên thủ Mỹ, Donald Trump, ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, hôm 27/09/2024 hứa sẽ « giải quyết » cuộc xung đột tại Ukraina nếu ông tái đắc cử. Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump (P) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại Trump Tower, New York, ngày 27/09/2024. REUTERS - Shannon Stapleton Thùy Dương Reuters dẫn lời ứng cử viên Donald Trump: « Cuộc chiến tranh này lẽ ra đã không được xảy ra, nhưng chúng ta sẽ giải quyết nó », tuy nhiên không cho biết chi tiết. 
<!>
Donald Trump xem cuộc khủng hoảng này như « một trò chơi ghép hình phức tạp » và kêu gọi « một thỏa thuận công bằng cho tất cả mọi người ».

Bắt đầu cuộc trao đổi với tổng thống Ukraina, Donald Trump đã ngợi ca « quan hệ rất tốt » của ông với Volodymyr Zelensky và với cả tổng thống Nga Vladimir Putin. Phát biểu của Trump về quan hệ với tổng thống Nga đặt nguyên thủ Ukraina vào thế khó xử. Zelensky nói: « Tôi hy vọng chúng ta sẽ có những quan hệ tốt hơn ».

Trên thực tế, ông Trump thường xuyên chỉ trích việc chính quyền Biden cấp những khoản tiền lớn cho Kiev từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra hồi năm 2022. Mới đây, chính Donald Trump từng mỉa mai, gọi Zelensky là « doanh nhân giỏi nhất hành tinh », « cứ mỗi lần ông ấy đến đất nước chúng ta, ông ấy lại ra về với 60 tỉ đô la ».

Sau cuộc gặp, tổng thống Ukraina khẳng định đã giới thiệu với Donald Trump « kế hoạch giành chiến thắng » cho Ukraina và khen ngợi đây là một cuộc trao đổi « rất hiệu quả ».

Trump từng nhiều lần tuyên bố là nếu tái đắc cử tổng thống, ông sẽ giải quyết cuộc chiến Ukraina « trong vòng 24 tiếng đồng hồ », nhưng không nói rõ là bằng cách nào.

Về phía phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, đối thủ của Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, trong cuộc gặp với ông Zelensky, bà nói : « Một số người trong đất nước tôi muốn ép buộc Ukraina từ bỏ chủ quyền với nhiều vùng lãnh thổ lớn của mình (…) đó là những đề xuất đầu hàng vô điều kiện, rất nguy hiểm và vô trách nhiệm ». Dù không nêu đích danh, nhưng theo Reuters, phát biểu của bà Harris là nhằm lên án đối thủ Donald Trump. Tiếp đón Zelensky, phó tổng thống Mỹ đã khẳng định không gì có thể lay chuyển được sự ủng hộ của bà dành cho nhân dân Ukraina.

Mỹ : Kamala Harris cam kết siết chặt nhập cư nếu đắc cử tổng thống

Phó tổng thống Kamala Harris, hôm qua 27/09/2024, trong chuyến đi đầu tiên tới biên giới Mỹ-Mêhicô với tư cách là ứng cử viên tổng thống, đã cam kết sẽ siết chặt biên giới và cải cách hệ thống nhập cư có nhiều lỗ hổng của Hoa Kỳ.

 

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Đại học University of Arizona Douglas, bang Arizona, Hoa Kỳ, ngày 27/09/2024. REUTERS - Go Nakamura
Phan Minh
Ứng viên đảng Dân Chủ cố gắng trấn an cử tri về vấn đề nhập cư, khi đa số người dân Mỹ cho rằng ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump cứng rắn hơn Harris về một trong những hồ sơ quan trọng nhất đối với cử tri này.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

Đối với Kamala Harris, nhập cư là một điểm yếu trong chiến dịch tranh cử của bà. Đảng Cộng Hòa cũng nhận định như vậy. Theo các thăm dò dư luận, đảng Cộng Hòa đã khá thành công trong việc áp đặt quan điểm này. Phó tổng thống dường như là vật tế thần lý tưởng cho việc lên án nạn di dân vượt biên trái phép, mặc dù con số này đã giảm trong những tháng gần đây sau những biện pháp được chính quyền Biden thực hiện vào đầu năm.

Đây là lý do tại sao Kamala Harris tới Arizona, bang mà bà bị tụt lại đằng sau trong các cuộc thăm dò, và khẳng định sẽ tỏ ra cứng rắn về nhập cư nếu đắc cử tổng thống. Kamala Harris nói : « Để giảm bớt tình trạng vượt biên trái phép, tôi sẽ tích cực hơn trong việc siết chặt biên giới. Những người vượt biên trái phép sẽ bị bắt, trục xuất và cấm quay trở lại trong vòng 5 năm. Chúng tôi sẽ truy tố những kẻ tái phạm một cách nghiêm khắc hơn. Và với những người không xin tị nạn tại điểm nhập cảnh hợp lệ và vượt biên trái phép, chúng tôi sẽ không cho họ tị nạn. »

Đối với đảng Cộng Hòa, hành động của bà Harris là không đủ tầm mức và trên hết là quá muộn màng. Đội ngũ tranh cử của Trump nhấn mạnh chuyến đi Arizona của Harris được thực hiện chỉ 39 ngày trước cuộc bầu cử, diễn ra sau 44 tháng hỗn loạn ở biên giới rộng mở. Họ cũng cáo buộc ứng cử viên đảng Dân Chủ coi cử tri là những kẻ đần độn.

Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah của Liban, bị Israel hạ sát

Bất chấp những áp lực từ quốc tế, sáng hôm nay, 28/09/2024, quân đội Israel thông báo đã tiến hành những vụ oanh kích mới nhắm vào lực lượng Hezbollah ở miền đông Liban, sau những trận oanh kích dữ dội trong đêm qua vào khu ngoại ô phía nam Beyrouth, thành trì của Hezbollah.

 
Thành viên lực lượng Hezbollah giương ảnh thủ lĩnh Hassan Nasrallah, ngoại ô nam Beyrouth, ngày 25/09/2024. © Hassan Ammar / AP
Thùy Dương
Cũng vào sáng nay, quân đội Israel tuyên bố trong cuộc tấn công vào ngoại ô Beyrouth đã triệt hạ được Hassan Nasrallah, chỉ huy của phong trào Hezbollah tại Liban.

Chiều nay, theo Reuters, lực lượng Hezbollah mới xác nhận cái chết của thủ lĩnh Nasrallah. Trước đó, một nguồn tin thân cận với phong trào này khẳng định Hezbollah đã mất liên lạc với chỉ huy Nasrallah từ tối qua.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh sáng nay gửi về bài tường trình :

“Một đám mây khói dày đặc bao trùm khu ngoại ô đông đúc dân cư nằm ở phía nam Beyrouth. Sau khoảng 40 cuộc oanh kích trong đêm qua và sáng nay 28/09, nhiều khu phố đã biến thành những đống đổ nát. Trong khi đó, không quân của Israel tiếp tục oanh kích dữ dội vào miền nam Liban và vùng đồng bằng Bekaa, sau khi đã phá hủy nhiều cây cầu và con đường nối từ Liban sang Syria.

Các máy bay của Israel sáng hôm nay đã dội bom xuống vùng núi cao Kesrouan, nằm ở khu vực trung tâm Mont-Liban Chrétien, và khoảng 10 vụ oanh kích vào vùng Bhamdoun, thành trì của Walid Jumblatt, thủ lĩnh nhóm thiểu số tôn giáo Druze, ở phía đông nam thủ đô Beyrouth.

Bị giáng những đòn nặng, nhưng dường như phong trào Hezbollah vẫn hoạt động. Các đơn vị quân sự của lực lượng này sáng nay đã khởi động lại các vụ phóng rốc-kết, đặc biệt nhắm vào thành phố Safad ở vùng Haute Galilée và các vùng khác ở Israel.

Đài phát thanh, truyền hình của đảng Hezbollah vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Hezbollah cũng chưa đưa ra bất kỳ thông cáo nào về các cuộc oanh kích của Israel nhắm vào chỉ huy Hassan Nasrallah, làm lan truyền nhiều tin đồn - suy đoán và khiến những người trung thành với Hezbollah trở nên rất hoang mang”.

Lãnh tụ tối cao Iran được chuyển đến nơi trú ẩn
Về phía Iran, thế lực bảo trợ cho phong trào Hezbollah Liban, hãng tin Anh Reuters cho hay, theo hai lãnh đạo địa phương, hôm nay 28/09 lãnh tụ tối cao của Iran, giáo chủ Ali Khamenei, đã được chuyển đến một nơi an toàn trong nước, với các biện pháp tăng cường bảo vệ an ninh.

Chiến tranh Ukraina :Trung Quốc, Brazil và một số nước khác kêu gọi “không đe dọa hạt nhân”

Trung Quốc, Brazil và nhiều quốc gia phương Nam khác kêu gọi “không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”. Đây là nội dung tuyên bố chung của một cuộc họp cấp bộ trưởng về Ukraina, do Trung Quốc và Brazil chủ trì, diễn ra bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 27/09/2024.


Ảnh minh họa một tên lửa Iskander của Nga trong cuộc tập trận huấn luyện quân đội sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại một địa điểm không được tiết lộ ở Nga, ngày 21/05/2024. AP
Phan Minh
Theo AFP, Algeria, Bolivia, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Ai Cập, Indonesia, Kazakhstan, Kenya, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Zambia “kêu gọi kiềm chế sử dụng và đe dọa (sử dụng) vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học”. 12 quốc gia “quan ngại sâu sắc” về nguy cơ xung đột “leo thang” ở Ukraina.

Các nước nói trên cũng nhấn mạnh “cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm các cơ sở điện hạt nhân cùng với những cơ sở năng lượng khác, không nên trở thành mục tiêu của các hoạt động quân sự”. Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc hôm 25/09, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga muốn tấn công các nhà máy điện hạt nhân của Ukraina để gây ra “thảm họa”.

Tuyên bố của 12 nước được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả, trong trường hợp điện Kremlin phải đối mặt với “cuộc tấn công quy mô lớn trên không” hay bất kỳ cuộc tấn công nào được hậu thuẫn bởi một cường quốc hạt nhân.

Theo trang mạng thông tin độc lập về các hoạt động của Liên Hiệp Quốc Security Council Report, cuộc họp cấp bộ trưởng bên lề Liên Hợp Quốc hôm qua, có mục tiêu chính là thảo luận về sáng kiến Sáu điểm của Brazil và Trung Quốc nhằm chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraina. Ukraina và nhiều đồng minh của Kiev chỉ trích sáng kiến của Trung Quốc và Brazil. Tổng thống Ukraina coi đây là hành động “phá hoại” và bày tỏ thất vọng về việc Kiev không được tham gia vào tiến trình này.

Ngoại trưởng Trung Quốc gặp đồng nhiệm Ukraina
Trước đó, hôm 26/09, ngoại trưởng Ukraina, Andriy Sybiga và chánh văn phòng của tổng thống Volodymyr Zelensky, Andriy Yermak, đã có cuộc trao đổi với ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, “về những quan điểm đối với các nguyên tắc nhằm thiết lập một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraina trên cơ sở Hiến Chương Liên Hiệp Quốc”.

Trong cùng ngày, ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, và ông Vương khẳng định ngoại giao là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột ở Ukraina.

Biển Đông: Mỹ và 4 đồng minh ''hoạt động hàng hải chung'' vào lúc Trung Quốc tuần tra gần bãi cạn Scarborough

Trong khi ''hoạt động hàng hải chung'' của Philippines, Mỹ, Nhật, Úc và New Zealand đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông, hải quân và không quân của Trung Quốc hôm nay 28/09/2024 đã thực hiện các cuộc tuần tra ở Biển Đông, gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines.


Ảnh minh họa : Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc (phải) đi ngang qua tàu của Cảnh sát biển Philippines BRP Cape Engaño (trái), trên biển Đông, ngày 26/08/2024. AFP - JAM STA ROSA
Thùy Dương
Hiện giờ, vẫn chưa có nhiều thông tin cụ thể về cuộc diễn tập chung của 5 nước Philippines, Mỹ, Nhật, Úc và New Zealand. Tuy nhiên, hôm 26/09, báo chí Nhật và AFP đưa tin Tokyo điều tàu khu trục Sazanami đi qua eo biển Đài Loan theo hướng từ bắc xuống nam để ''tham gia một cuộc tập trận đa phương'' ở Biển Đông, 2 tàu chiến của New Zeland và Úc cũng đi qua eo biển Đài Loan, đến Biển Đông ''tập trận''.

Theo AFP, Hoa Kỳ ra thông cáo giải thích rằng các cuộc thao dợt hàng hải được thực hiện với các đồng minh thể hiện « cam kết chung trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Về phía Úc, bộ Quốc Phòng xác nhận rằng tàu khu trục HMAS Sydney và một máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Úc tham gia cuộc tập trận nhằm « thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không ».

Trong khi đó, theo AFP, các lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc hôm nay 28/09/2024 đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra ở Biển Đông, gần bãi cạn Scarborough, khu vực mà Trung Quốc và Philippines tranh chấp chủ quyền và những tháng gần đây đã xảy ra nhiều đụng độ giữa lực lượng tuần duyên, hải cảnh của hai nước. Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc ra thông cáo nhấn mạnh: « Một số quốc gia bên ngoài khu vực đang gây rắc rối ở Biển Đông, tạo ra sự bất ổn trong khu vực », đồng thời tái khẳng định « chủ quyền không thể tranh cãi của Bắc Kinh đối với đảo Hoàng Nham (tên Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborough) và vùng biển xung quanh ».

Các cuộc tuần tra của hải quân và không quân Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra vài giờ sau khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken có cuộc gặp bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, bàn về cách tránh xung đột trong khu vực này. Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói với người đồng cấp Blinken : “Hoa Kỳ không nên luôn gây rắc rối ở Biển Đông và không nên phá hoại nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định của các nước trong khu vực”. Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết ông đã đề cập đến “những hành động nguy hiểm và gây mất ổn định” của Bắc Kinh ở Biển Đông và thảo luận về việc cải thiện liên lạc giữa quân đội hai nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét