Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :02/09/2024 - Nam Giang


Chọn tân thủ tướng Pháp: Tổng thống Macron sẽ gây bất ngờ?
Ngày 02/09/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục có các cuộc tham vấn để có thể tìm một tân thủ tướng. Ba tên tuổi báo chí Pháp nhắc đến gồm cựu thủ tướng Xã Hội Bernard Cazeneuve, chủ tịch vùng Hauts-de-France Xavier Bertrand, cánh hữu, hoặc ông Thierry Beaudet, chủ tịch Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường (Cese). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Élysée, Paris, Pháp, ngày 27/08/2024. © Sarah Meyssonnier / Reuter - Thu Hằng
<!>
Tổng thống Macron đã dành buổi sáng tiếp ông Bernard Cazeneuve, sau đó là cựu tổng thống François Hollande. Cả hai đều thuộc đảng Xã Hội. Buổi chiều, nguyên thủ Pháp tiếp hai chính trị gia cánh hữu thuộc đảng Những Người Cộng Hòa (LR) là cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và chủ tịch vùng Hauts-de-France Xavier Bertrand.

Trong những ngày gần đây, tên của ông Bernard Cazeneuve và Xavier Bertrand được nhắc đến như những ứng viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng. Tuy nhiên, theo AFP, những người thân cận với tổng thống không loại trừ khả năng một nhân vật thứ ba được chọn, vì ông Macron phải « xem xét liệu giả thuyết Cazeneuve và Bertrand có khả thi hay không về tiêu chí ổn định ». Các đảng đối lập đều khẳng định sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của hai nhân vật này.

Ngày 02/09, trang L’Opinion khẳng định tổng thống Macron có lẽ sắp sửa chỉ định ông Thierry Beaudet vào điện Matignon ( Phủ thủ tướng ). Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường (Cese) dường như đã được ông Macron gọi điện hôm 29/08 để đề xuất vị trí thủ tướng và ông Beaudet đã chấp nhận.

Thiery Beaudet được cho là giải pháp « an toàn » vì ông xuất thân từ « xã hội dân sự », không bị đấu đá chính trị. Ông đã được bầu làm chủ tịch Cese là nhờ sự ủng hộ của cựu tổng thư ký nghiệp đoàn CFDT Laurent Berger. Hội đồng này gồm nhiều đại diện các nghiệp đoàn, giới chủ, các hiệp hội, cũng như phụ trách về hội nghị khí hậu và về dự luật « trợ tử ».

Israel: Biểu tình, tổng đình công đòi chính phủ đạt thỏa thuận với Hamas trả tự do cho con tin

Ngày 02/09/2024, người dân Israel được kêu gọi tham gia « tổng đình công » để buộc chính phủ ký thỏa thuận trả tự do cho các con tin đang bị Hamas giam giữ ở dải Gaza. Để gia tăng sức ép, hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình tối qua sau khi thi thể của 6 con tin được tìm thấy trong một đường hầm ở Rafah, miền nam dải Gaza và được đưa về Israel.


Người biểu tình Israel kêu gọi chính phủ đạt thỏa thuận với Hamas để các con tin được phóng thích, Tel Aviv, Israel, ngày 01/09/2024. AP - Ohad Zwigenberg
Thu Hằng
Arnon Bar-David, lãnh đạo Histadrout, công đoàn lớn nhất Israel, cho biết « toàn bộ lĩnh vực kinh tế Israel sẽ tổng đình công » vì « chúng ta phải ngừng bỏ rơi các con tin ». Theo phía Israel, 6 con tin nói trên đã bị lực lượng Hamas hành quyết. Còn tổ chức Hamas khẳng định những nạn nhân xấu số đó đã thiệt mạng do bị quân Israel oanh kích.

Thông tín viên RFI Michel Paul tại Jerusalem cho biết thêm :

« Nỗi đau biến thành phẫn nộ », đó là tựa của nhật báo Haaretz sáng nay (02/09). Còn tối hôm qua, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có kể từ đầu chiến tranh đã diễn ra ở Tel Aviv, Jerusalem và nhiều thành phố khác của Israel. Trong suốt nhiều giờ, nhiều trục đường lớn đã bị phong tỏa. Vài chục nghìn người Israel đã xuống đường yêu cầu chính phủ đạt một thỏa thuận trả tự do cho các con tin, không được chờ đợi thêm.

Đến sáng hôm nay là cuộc tổng đình công theo lời kêu gọi của Histadrout, công đoàn lớn nhất ở Israel. Nhưng phải nói là phong trào này không được các thành phố liên kết với đảng Likoud của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hưởng ứng. Và Jerusalem nằm trong số này.

Nhưng cuộc đình công dự kiến sẽ làm tê liệt cả nước, trong đó có sân bay quốc tế Ben Gourion, lối ra-vào chính của Israel. Giao thông hàng không đã ngừng, khiến khoảng 60.000 hành khách cả hai chiều bị mắc kẹt.

Có thể thấy là sức ép rất mạnh trong xã hội dân sự. Hôm qua, nội các an ninh đã họp lại lần nữa. Bộ trưởng Quốc Phòng Yoav Galant đã yêu cầu thay đổi các ưu tiên trong cuộc chiến ở dải Gaza. Nhưng ông vấp phải sự phản đối của phe cực hữu trong liên minh, vốn vẫn xem bất kỳ thỏa hiệp nào cũng sẽ là một sự ân thưởng cho Hamas.

Biden và Harris gặp các nhà đàm phán Mỹ về con tin ở Gaza
Ngày 02/09, tổng thống Mỹ Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris gặp gỡ « nhóm đàm phán Mỹ về con tin ở Gaza » tại Nhà Trắng, do có một công dân Mỹ nằm trong số 6 con tin bị sát hại ở Gaza hôm 31/08. Hoa Kỳ cùng với Ai Cập và Qatar là ba nước trung gian từ nhiều tháng qua tìm cách thúc đẩy các bên liên quan đạt được thỏa thuận về trao đổi con tin bị Hamas bắt giữ và tù nhân Palestine bi giam ở Israel, cũng như về ngừng bắn ở dải Gaza.

Chiến tranh Ukraina: Nga tập trung hỏa lực oanh kích Kiev, Sumy và Kharkiv

Ukraina thông báo hệ thống phòng không đã bắn chặn khoảng 20 tên lửa của Nga nhắm vào thủ đô Kiev trong đêm qua, rạng sáng nay, 1-2/09/2024. Ở khu vực đông bắc, 18 người bị thương tại thành phố Sumy. Riêng Kharkiv ở miền đông tiếp tục là mục tiêu bị Nga tấn công trong suốt những ngày cuối tuần. Quân Nga chủ yếu nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina.


Khói trên bầu trời Kiev, Ukraina, sau một vụ oanh kích của Nga, ngày 02/09/2024. © Gleb Garanich / Reuters
Thanh Hà
Từ Kiev, thông tín viên Emmanuel Chaze tường trình :

« Thủ đô Ukraina một lần nữa là mục tiêu tấn công vào sáng sớm hôm nay. Nga phóng tên lửa và drone vào Kiev. Nhiều khu vực bị nhắm trúng, các đám cháy bùng lên khi các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống. Kharkiv bị tấn công khá nặng trong cả hai ngày cuối tuần. Hôm qua, một trung tâm thương mại, một trung tâm thể thao hoàn toàn bị phá hủy. Nhiều khu dân cư và các cơ sở hạ tầng năng lượng một lần nữa đã bị oanh kích. Trong số khoảng 50 người bị thương, có cả các bác sĩ và trẻ em. Một ngày trước đó, 7 đã người thiệt mạng và cả trăm người bị thương cũng tại Kharkiv.

Dân chúng Ukraina bức xúc và có phần phẫn nộ, chủ yếu là với Mỹ, vì Kiev vẫn bị cấm sử dụng tên lửa tầm xa do Washington viện trợ để bắn vào các căn cứ không quân của Nga, những nơi máy bay bom của Nga hàng ngày cất cánh để thực hiện các phi vụ oanh kích Ukraina.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng tỏ ra bực mình. Một lần nữa, ông kêu gọi các đồng minh của Ukraina hỗ trợ một cách tích cực hơn, tuyên bố ‘giúp đỡ Ukraina không đòi hỏi phải có những phương tiện ngoại hạng, mà chỉ cần một chút can đảm từ phía các lãnh đạo trên thế giới’.

Tối qua, Nga đã ném bom vào một cô nhi viện và một trung tâm giáo dục trẻ em ở thành phố Sumy làm 18 người bị thương, trong đó có 6 vị thành niên. Hôm nay cũng là ngày học sinh Ukraina tựu trường. Trong ngày khai giảng, hàng ngàn học sinh Ukraina đã phải trú ẩn trong những hầm tránh bom ».

Đến thăm một trường học tại Siberia hôm nay, tổng thống Vladimir Putin khẳng định việc Kiev tấn công vào tỉnh Kursk trên lãnh thổ Nga « không ngăn cản » Matxcơva tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraina.

Biển Đông : Bắc Kinh chỉ trích Liên Âu vì ‘lên án hành động nguy hiểm’ của Trung Quốc

Ngày 01/09/2024, một hôm sau vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines gần bãi Sa Bin ở Biển Đông, Liên Hiệp Châu Âu đã lên án hải cảnh Trung Quốc có những « hành động nguy hiểm » đối với hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines trong khu vực. Trung Quốc đáp trả, khuyến cáo Liên Hiệp Châu Âu cần « khách quan và công bằng » về vấn đề Biển Đông.


Ảnh trích từ video do Tuần duyên Philippines cung cấp: Một tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 (P) va chạm với tàu tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua, gần bãi Sa Bin, Biển Đông, ngày 31/08/2024. AP
Thu Hằng
Trong thông cáo ngày 01/09, được AFP trích dẫn, bà Nabila Massrali, người phát ngôn của lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell, cho rằng những hành động đó « gây nguy hiểm cho sự an toàn của những người hoạt động trên biển và vi phạm tự do hàng hải mà mọi quốc gia đều có quyền, chiếu theo luật pháp quốc tế ».
Ngoài ra, « Liên Hiệp Châu Âu cũng lên án mọi hành động bất hợp pháp, leo thang, dọa nạt, xâm phạm những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình và ổn định ở trong vùng », sẵn sàng « ủng hộ các đối tác thực thi quyền hợp pháp của họ trong khu vực và ngoài khu vực ».

Ngay lập tức, Bắc Kinh cho biết « không hài lòng » với « những cáo buộc » của Bruxelles. Trong tuyên bố được Reuters trích dẫn ngày 02/09, phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi khối 27 nước nên thận trọng trong lời nói và hành động về các vấn đề Biển Đông, vì « Liên Hiệp Châu Âu không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông và không có quyền chỉ trích vấn đề này ». Trước đó, bộ Ngoại Giao Mỹ cũng ra thông cáo lên án hành động của Trung Quốc và ủng hộ Philippines.

Cũng trong ngày 02/09, Bắc Kinh khẳng định đang bảo vệ « các quyền » của mình ở Biển Đông, sau khi Philippines công bố hai đoạn phim dường như cho thấy một tàu tuần duyên Trung Quốc đâm vào một trong những tàu của Philippines ở bãi cạn Sa Bin, cách Philippines 140 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến 1.200 km nhưng Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Trả lời báo giới, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mao Ninh tái khẳng định tuyên bố trước đó của Bắc Kinh rằng Philippines đã « cố tình đâm » vào tàu Trung Quốc, cáo buộc Philippines « cử tàu tuần duyên nán lại bãi Xianbin (tên gọi theo tiếng Trung Quốc) trong một thời gian dài và cố gắng chiếm đóng vĩnh viễn bãi cạn này ».

Vatican: Giáo Hoàng Phanxicô lên đường tông du Đông Nam Á - Thái Bình Dương

Hôm nay, 02/09/2024, Giáo Hoàng Phanxicô lên đường đến Indonesia, chặng đầu tiên trong chuyến tông du kéo dài 12 ngày. Thăm 4 nước Đông Nam Á và Châu Đại Dương ( Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore), vị Giáo Hoàng 87 tuổi sẽ cố thúc đẩy sự chung sống hòa thuận giữa các tôn giáo, giữa con người với con người (bác ái) và giữa con người với thiên nhiên (bảo vệ môi trường).


Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican ngày 01/09/2024. © Vatican media / Reuters
Minh Phương
Từ Roma, thông tín viên RFI Eric Sénanque cho biết cụ thể :

“Với hành trình gần 40.000 km, kéo dài 12 ngày, chuyến tông du thứ 45 của giáo hoàng Phanxicô gợi nhớ lại những chuyến tông du của người tiền nhiệm Gioan Phaolô II. Một cuộc hành trình khám phá nhiều quốc gia tại khu vực mà ngài yêu thích. Những điểm đến trong chuyến tông du cho thấy những nét chính trong đường lối lãnh đạo của vị giáo hoàng người Achentina.

Tu sĩ Dòng Tên Antonio Spadaro, một trong những người thân cận với giáo hoàng và đã đồng hành với ngài trong nhiều chuyến đi, cho biết : “Những quốc gia mà ngài sắp đến thăm là những quốc gia quan trọng, đồng thời nằm ở ngoại vi đối với quan niệm của chúng ta về thế giới, nhưng giáo hoàng coi những vùng ngoại vi này là trọng tâm.”

Chuyến đi trước hết sẽ mang tầm vóc liên tôn giáo ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới. Tại đây, ngài sẽ có bài phát biểu rất được mong đợi gửi tới những người Hồi Giáo Indonesia. “Đó là những chủ đề mà giáo hoàng Phanxicô đã phát triển trong suốt triều đại của ngài và chuyến đi này sẽ là dịp để ngài nhắc lại những điểm cơ bản này. Đó là những gì được viết trong thông điệp Fratelli Tutti, xuất phát từ văn kiện về lòng bác ái mà ngài đã ký ở Abu Dhabi với Đại Imam của Đại học Hồi Giáo Al Azhar.”

Chuyến thăm Papua New Guinea, khu vực Thái Bình Dương đang bị đe dọa hơn bao giờ hết bởi biến đổi khí hậu, sẽ mang ý nghĩa sinh thái. Giáo hoàng đã viết nhiều thông điệp để kêu gọi cứu lấy hành tinh của chúng ta. Cuối cùng, tại Đông Timor, Giáo Hoàng sẽ hoan nghênh sự hòa giải, vì đất nước này đã giành được độc lập sau một cuộc nội chiến kéo dài và đẫm máu".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét