Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Phú Sơn Ngày Cuối Năm - -Trần Bạch Thu


Trời lạnh căm căm, gió thổi mưa phùn bay lất phất, tôi bước ra khỏi căn chòi nhỏ chứa dụng cụ cày bừa, cuốc xẻng của đội lao động, dắt trâu đi cày trong một buổi sáng cuối năm. Tổ cày gồm có ba người, anh Oánh là tổ trưởng; tôi và Phát là hai tổ viên do cán bộ chỉ định. Anh ta còn rất trẻ độ chừng 23, 24 tuổi là thợ cày của hợp tác xã trước khi gia nhập vào lực lượng công an. Ba anh em tôi thay phiên nhau, bữa thì ruộng nước, bữa ruộng khô. Dĩ nhiên cày ruộng nước tuy lầy lội bùn và nhiều đĩa, lạnh ớn người nhưng thời giờ ngắn hơn nên có thể về chòi sớm nghỉ ngơi hay nấu nướng linh tinh. 
<!>
Cày ruộng khô đất cứng, vất vả và mất nhiều thì giờ hơn. Nhưng đàng nào thì cũng cay đắng như nhau:

“Văn chương phú lục chẳng hay
Trở về làng cũ học cày cho xong.”

Tôi vác cày, dẫn trâu đi được một quãng ngắn chưa qua khỏi cây cầu gỗ bắc ngang một vũng nước cạn ở trước sân thì có tiếng gọi của anh bạn tù người địa phương, nói vọng lại bảo chờ. Anh chạy theo đến bên tôi nói nhỏ, hôm nay cày nửa buổi thôi, buổi chiều có người nhờ cày ở mảnh ruộng riêng cũng ở gần đó, cán bộ đã đồng ý. Tôi hỏi:
– Đám ruộng khô ở sát bên bờ suối của ông Chiến?
– Đúng đấy. Cậu thông minh thật.

Tôi tự nhủ thầm cứ đến phiên cày ruộng khô thì y như rằng thế nào tôi cũng có phần đi cày lẻ, không chỗ nầy thì cũng chỗ khác. Thật ra quanh vùng giáp với trại cải tạo nầy có vài gia đình tự khai phá những vạt đất hoang, có khi ở sát bên vách núi, có khi là một thẻo tí ti dọc theo bờ suối mà hợp tác xã lờ đi vì các chủ hộ nầy thường là bộ đội phục viên hay thuộc hộ nghèo neo đơn. Mảnh ruộng của ông Chiến là một khoảnh đất nhỏ nằm ở gần bờ suối. Ông ta góa vợ, nhà chỉ có một cha một con, đứa con gái mới lớn chừng 15, 16 tuổi, ít khi ra đồng.

Hợp tác xã nông nghiệp có trâu nhưng không đủ công để cày cho các mảnh đất cá nhân riêng lẻ không thuộc diện đất quy hoạch của xã, nên họ thường hay quan hệ với các tù nhân hình sự “tự giác” để môi giới với cán bộ quản giáo của đội cho tổ cày đem trâu sang cày cho họ. Mỗi lần như vậy, họ thường bồi dưỡng cho tổ cày một rổ khoai luộc, vài cái bánh bột gói lá và đôi khi một bánh thuốc lào. Dĩ nhiên phần bồi dưỡng cho cán bộ quản giáo như thế nào thì không ai biết. Nhưng nói chung thì họ nghèo nên cũng không thể nào “biếu” nhiều hơn được, ông Chiến thường lịch sự nói thế.

Sở dĩ họ thường hay đợi đến phiên tôi vì tôi còn trẻ khỏe và chịu khó nên cắt luống cày thẳng tắp và ít khi bị lỗi. Đất mới cày xếp lớp, chồng lên nhau trông như bát úp. Hơn nữa, anh Oánh vào những hôm như thế đều chọn cho tôi trâu khỏe và thuần rất dễ cày. Lâu dần thành quen nên tôi cũng thấy vui khi có dịp trà lá lúc giải lao, xong việc còn được phần khoai sắn đem về trong lúc đói rét triền miên. Có cái ăn là quý lắm.

Sau khi cày xong phần ruộng của trại, tôi dong trâu qua một thoi đê giáp ranh một bên bờ suối. Ông Chiến đã chờ sẵn nói ít lời chào hỏi rồi bảo tôi ngồi nghỉ uống nước, hãy thủng thẳng ra ruộng vì hôm qua ông đã mượn được trâu của đội kéo xe, cày được hơn phân nửa.
– Cứ thong thả, cuối năm vội chi.
– Cảm ơn bác, cứ cày sớm cho xong rồi nghỉ sau cũng được.
– Tùy anh.

Thông thường hai người chỉ gặp nhau và trò chuyện ngoài ruộng ít khi vào nhà, nhưng hôm ấy sau khi cày xong sớm ông ấy nhìn quanh quất xem có ai để ý không rồi rủ tôi vào nhà dùng tí bánh. Tôi cám ơn và từ chối vì sợ vi phạm kỷ luật “không được tiếp xúc” với dân. Vả lại, tôi nghĩ cũng không có gì để trò chuyện với thân phận của một người tù không có án. Tôi không muốn vào nhà nên ông bảo tôi cột trâu dưới bóng cây ngồi chờ, ông sẽ mang khoai sắn ra bồi dưỡng.

Thay vì như mọi khi ông hoặc đứa con gái mang ra một rổ khoai luộc phủ lá chuối đặt kín đáo dưới gốc cây ven đường cho anh em tổ cày tự nhiên đến lấy, nhưng lần nầy chính ông mang ra ruộng, ngoài rổ khoai còn có một nắm xôi đậu, một gói thuốc lào và đặc biệt có một chiếc bánh chưng dày, nhỏ, mỗi bề khoảng nửa gang tay còn xanh mượt. Ông bảo:
– Tết đến xin biếu các ông một chút gọi là quà.

Tôi cảm động lắm, đôi mắt đỏ hoe nói nghẹn lời:
– Cám ơn bác.

Đem trâu giao cho anh tù hình sự chăn dắt tôi vào trong chòi chờ đội lao động tan tầm để cùng về nhập trại, tôi đem quà và trưng cái bánh chưng cho anh Oánh xem rồi nói:
– Anh em mình ít ra cũng có chiếc bánh chưng vui nhau ngày Tết.

Trước khi tập họp điểm danh chuẩn bị về trại, xa non chừng hai cây số, đội trưởng luôn nhắc nhở mọi người phải “thanh toán” tất cả khoai sắn hay bánh trái gởi mua ngoài trại. Cấm mang thực phẩm tươi sống và các loại vào trong trại. Anh vừa nhắc nhở vừa liếc nhìn tổ cày như thầm cảnh giác riêng. Trước đó, tôi có bàn với anh Oánh về phần khoai sắn thì chia hết cho một số anh em, còn chiếc bánh chưng thì sẽ gởi trong thùng gánh nước của anh Bảng, người phụ trách đun nước giải lao cho đội. Trong chỗ thân tình, tôi cũng thường hay nhờ anh Bảng nhiều lần như thế.

Trên con đường về quanh co, ngoằn ngoèo qua các ngọn đồi thấp lửng, chiều cuối năm mà lòng rộn vui. Đến khi băng qua cây cầu treo bắc ngang trên con sông nhỏ, nước chảy xiết ở phía dưới, xa xa một guồng nước kĩu kẹt đang quay đều dẫn nước chuyến vào đội rau xanh của trại là tới bờ tường sắp đến cổng trại Phú Sơn, tôi đi chậm thụt lùi lại để phụ với anh Bảng sửa lại đôi quang gánh và chiếc thùng thiếc cho thật vững, đồng thời đè chặt chiếc bánh chưng nằm gọn dưới đáy thùng, trên phủ lon, hộp linh tinh và hai chiếc gàu múc nước uống làm bằng lon sữa bò có cán đưa lên trên quá miệng thùng cho an toàn khi qua cổng.

Sau khi đội trưởng báo cáo số hiệu tổ đội và số người nhập trại với cán bộ trực cổng, cả đội xếp hàng đôi lần lượt đi vào yên ổn. Khi vừa qua khỏi cổng, thình lình toán đi sau cùng khựng lại, anh Bảng vấp ngã quăng đôi gánh và thùng nấu nước đổ tung tóe… một số người quay lại giúp anh đứng lên rồi mọi người cùng nhìn rõ ràng, đập vào mắt là chiếc bánh chưng còn xanh mướt. Cán bộ lập biên bản tịch thu và yêu cầu anh Bảng làm kiểm điểm.

Cuối cùng anh Bảng nhận là có quan hệ “mua bán đổi chác” ngoài hiện trường lao động với các anh tù hình sự và vì tuổi già sức yếu ăn không hết nên mang vào trại chỉ vui trong ba ngày Tết. Vậy thôi chứ không có ý đồ tích trữ để trốn trại hay mua bán qua lại gì ở trong trại. Cán bộ xét cho qua và cảnh cáo anh Bảng lần tới nếu tái phạm sẽ bị đưa xuống đi lao động, không còn được chiếu cố chỉ đun nước giải lao cho đội.

Tối hôm ấy, anh em tụ họp trên sạp bàn luận chuyện phiếm về việc bị tịch thu chiếc bánh chưng, anh Oánh nói lời cám ơn anh Bảng đã nhận lỗi thay cho anh em chứ nếu nói thật ra thì cũng không thể giải quyết dễ dàng như vậy, nhẹ nhất cũng bị giữ ở nhà kỷ luật vài ngày hay giảm khẩu phần ăn, chưa kể là bị nghi ngờ quan hệ mua bán linh tinh có thể bị loại ra khỏi tổ cày. Anh Bảng cười bảo:
– Không sao cả, chuyện nhỏ, các anh vẫn còn đi cày là còn sướng chán.

Tôi nghĩ mà thương anh lắm, chẳng tiếc gì chiếc bánh chưng mà thật sự cảm kích trước sự việc anh dám nghĩ dám làm. Anh rất hiền lành, tử tế đối với mọi người, cả đội ai cũng đều biết nhưng không ngờ anh lại “dũng cảm” dám đương đầu với khó khăn như vậy.

“Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng.”

Thời gian lạnh lùng trôi, tiếp tục với những chuỗi ngày dài tăm tối không biết ngày về cho đến khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, tất cả tù nhân thuộc chế độ cũ được di chuyển về miền xuôi, đi các trại như Vĩnh Phú, Thanh Cẩm… Anh em tản lạc khắp nơi, tôi về trại Nam Hà (Ba Sao) ở thêm mấy năm nữa mới được chuyển về Nam ở trại Hàm Tân mãi cho đến cuối năm 1984 mới được thả cho về quản chế tại địa phương.

Thế rồi thời cuộc đổi thay, anh em bạn tù ai còn sống sót, ra tù kẻ vượt biên người đi theo diện bảo lãnh hay HO tản lạc tứ phương, khắp các châu lục. Năm 1993, tôi đi theo diện HO sang Mỹ định cư, xây dựng lại cuộc đời mới, thỉnh thoảng nhớ lại thuở đi cày mà buồn vui lẫn lộn.

Kể từ khi sang Mỹ, hàng năm gia đình mấy chị em bên vợ tôi ở gần nhau trong thành phố Long Beach thường hay xúm xít lại vào những ngày cuối năm để gói nấu hàng trăm cây bánh tét để biếu người quen thân thuộc, hoặc ai đặt mua thì cũng bán chút ít lấy vốn. Ngoài bánh tét, sau nầy tôi còn đề nghị gói thêm vài cái bánh chưng, tuy khó gói và khẩu vị cũng khác với bánh tét, nhưng ba chị em cũng cố gắng mở kênh YouTube để học cách gói. Thấy vậy tôi cười bảo:
– Bánh chưng chỉ để “chưng” thôi trong ba ngày Tết.

Nhưng thật ra là để tôi nhớ tới chiếc bánh chưng bị rơi rớt trong một buổi chiều cuối năm trong những ngày Tết ở Phú Sơn, cách nay hơn bốn mươi năm và tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói như một lời tiên tri của anh Bảng về số mệnh con người ngay trong buổi chiều hôm ấy:
– Không sao cả, số các anh vẫn sướng…

Ngoài hiên nhà, mùi bánh tét quyện với mùi lá chuối trong khói bay nghi ngút đang ngồi chờ vớt giữa đêm khuya thanh vắng, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về một thời lận đận trong cùng một nỗi buồn xa xứ, dù ở bất cứ nơi đâu. Nhớ nhà.

Trần Bạch Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét