Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

NHÀ TÔI - Lê Phương Lan


Mỗi khi sau những lần đi chơi xa khi về đến ngôi nhà của mình, lúc đó lòng tôi như muốn reo vui một cảm giác hân hoan được diễn tả bằng Anh ngữ “my home, sweet home” thật đúng với tâm trạng. Trong tiếng Anh, từ điển Webster định nghĩa haidanh từ để chỉ về “nhà” rất rõ nghĩa: House: a building for human habitation, là một nơi cho con người cư ngụ. Home: The social unit formed by a family living together, là một đơn vị xã hội hình thành bởi một gia đình chung sống với nhau. Tương tự như thế, người Việt chúng ta khi nói về “nhà” thường để chỉ một nơi cư ngụ và khi muốn nói đến một đơn vị xã hội nơi chung sống với nhau thì từ ngữ “mái ấm” hay “ gia đình” nghe rất thân thương được dùng để diễn tả.
<!>
Vì thế tôi vẫn yêu thích từ ngữ “sổ gia đình“ của miền nam Việt Nam hơn hẳn “sổ hộ khẩu” như cách dùng hiện nay!
Lại tra từ điển để minh chứng sự yêu thích và tiếc thương về cách dùng từ ngữ“sổ gia đình” của tôi là có lý do thì trong sách Hán Việt Từ Điển của học giả Đào Duy Anh:
“Gia đình” với chữ “gia” làm gốc được định nghĩa là “nơi gia quyến đoàn tụ với nhau”.
“Hộ khẩu” với chữ “hộ” làm gốc được định nghĩa “căn nhà và số người ở”.

Điều này cho thấy danh từ “gia đình” cho ta cảm giác ấm cúng của một gia quyến đoàn tụ với nhau. “Hộ khẩu” chỉ là một đơn vị gia cư với con số vô tình! Với tôi trong danh từ “gia đình” chứa đựng cả một tình yêu thương được tỏa sáng như tạo một sức sống cho một nơi mà chỉ cần có cái mái và những bức tường bao quanh là thành một căn nhà!

Từ thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành vì bố tôi là một sĩ quan của quân lực VNCH nên chúng tôi di chuyển qua rất nhiều chỗ ở hầu như là ở khắp bốn vùng chiến thuật. Trong những căn nhà đó gia đình chúng tôi tuy không hoàn hảo nhưng anh em tôi luôn được bao bọc bởi tình yêu thương của bà ngoại và của bố mẹ.

Thế rồi những ngày của tháng Tư định mệnh! “Nhà Việt Nam, Nam, Bắc, Trung sáng trưng Á Đông, bốn nghìn năm đó văn hóa xây đắp bao kỳ công!” “Ngôi nhà Việt Nam” mà người dân miền Nam Việt Nam đã xây dựng với biết bao hoài bão cho tương lai; hàng triệu chiến sĩ VNCH đã hy sinh bảo vệ, đã mất từ ngày tháng đó!

Nước mất thì nhà tan! Những “chủ nhân mới” đã tràn vào miền Nam để toàn quyền ”quản lý” nhà đất: các cơ sở kinh doanh, cơ sở tôn giáo, nhà đất của người dân đã bị mất vào tay “nhà nước” qua đợt di tản, tiếp theo là đợt đánh tư sản để cướp nhà, người dân thành phố thì mất nhà vì bị ép buộc phải đi đến các vùng đất hoang, rừng rậm được gọi là các vùng “kinh tế mới”. Trong cơn bách hại đó thì một sự kiện mà tôi đã ghi nhận là “phép lạ” vì trong cùng một ngày tôi nhận được giấy phép cho tôi được đi dạy học tại trở lại để được ở lại thành phố và lá thư báo tin “nhà tôi” đang bị giam tại Khám Chí Hòa để được đi thăm nuôi anh theo định kỳ của trại giam.

Khi sự thương lượng giữa chính phủ Hoa Kỳ và CSVN đã đạt được kết quả là các sĩ quan, viên chức của VNCH được định cư tại Mỹ thì chúng tôi đã ra đi hầu như với hai bàn tay trắng vì ngôi nhà tại khu Ông Tạ đã phải “bán chui”, phải chia gần hết số tiền bán nhà cho đám cán bộ để được ra đi an toàn!

Với quyết tâm tạo dựng lại cuộc đời, gia đình chúng tôi đã được đoàn viên tại quê hương thứ hai để tạo dựng được những mái ấm gia đình cho hai chúng tôi và lần lượt cho các con sau này.

Trở lại với nỗi vui mừng hân hoan khi được về nơi cư ngụ thường ngày với những người thân yêu thì quả là không sai. Cho dù các cuộc đi chơi có hào hứng vui vẻ đến đâu, nơi được chọn để ở là khách sạn 5 sao đi nữa cũng không thể nào có được cái cảm giác thoải mái với đầy đủ những vật dụng cần thiết và tiện nghi cho cá nhân và gia đình cho bằng ngôi nhà mà mình vẫn hằng sinh hoạt hàng ngày.

Và hạnh phúc của tôi trong ngôi nhà này bây giờ là được sống trong tình yêu thương của các con, các cháu và của “nhà tôi”.

Tôi rất yêu thích danh từ “ nhà tôi” mà người miền Bắc đã dùng để chỉ người bạn đời của mình, nghe nó tượng hình, gần gũi và thân thương làm sao! Nhưng rồi ngày nay từ này đã được thay bằng hai từ “ông xã, bà xã” nghe cũng ngộ nghĩnh và thân thương không kém!

Theo tôi thì cùng với tình yêu thương là yếu tố căn bản, cần thiết tạo nên “linh hồn” của một gia đình thì sự gọn gàng, ngăn nắp cũng giúp tạo nên một cảm giác thoải mái cho một nơi thật sự cần thiết cho nhu cầu sum họp trong các bữa cơm thân mật, trong những giờ phút nghỉ ngơi cho mọi thành viên trong gia đình. Đúng như thành ngữ ”nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”.

Trong căn nhà của mình thì tôi có được cái “may mắn” là “nhà tôi” là một người rất gọn gàng, ngăn nắp đến nỗi các con tôi không dám để các vật dụng của chúng một cách bừa bãi làm ngứa mắt bố. Lý do là vì một khi bố đã cất đi cho nó gọn thì đến khi cần đến với bộ nhớ ngày càng xuống cấp của bố, kết quả là sau một hồi nỗ lực tìm kiếm thì đây là câu trả lời “Bố còn không biết nó ở đâu nữa là chúng mày!”

Thế đấy, trong cái đơn vị là một nhân tố căn bản của xã hội này thì cái khó khăn nhất mà những người sống chung với nhau đều cần phải chấp nhận đó là sự khác biệt rất khó để sửa đổi trong mỗi cá nhân vì điều này đòi hỏi sự luyện tập, hy sinh buông bỏ “cái tôi” từng ngày trong đời sống.

Trong bài Phúc Âm của thánh Gioan, Chúa Giê Su đã dùng hình ảnh của hạt lúa mì để diễn tả sự hy sinh này:”Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình; nếu chết đi, nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt”.

Khi sự hiểu biết của tôi nhiều hơn, sâu hơn thì lời nói của nhà bác học Albert Einstein thật thấm thía ”Cái tôi và sự hiểu biết tỉ lệ nghịch với nhau: Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé; hiểu biết càng ít, cái tôi càng to.”

Tuổi đời thêm chín chắn giúp cho tôi nghiền ngẫm “lời hay ý đẹp” tâm đắc cho việc “sống chung hòa bình”. Đó là “Con người cần ba năm để học “tiếng” nói. Nhưng lại cần cả đời để học “lời” nói”.

Qua kinh nghiệm sống, tôi nghiệm ra rằng không chỉ là một mình tôi chịu đựng những khác biệt trong đời sống hôn nhân vì rằng đã là khác biệt thì khi chung sống với nhau “nhà tôi” cũng phải “chết đi như hạt lúa mì” không khác gì tôi đâu!

Mùa chay năm nay, trong ngày chúng tôi đến lãnh bí tích hòa giải, không hẹn mà hai đứa cùng nhìn nhau mỉm cười khi kể ra rằng cách làm việc đền tội được vị linh mục chỉ định cho cả hai là “Thay đổi bản thân trong mùa chay!” Mùa chay đến nay đã gần qua rồi để gìn giữ cho ngọn lửa yêu thương không tắt đi trong mái ấm gia đình, chúng tôi chắc là cần gia hạn thêm cho thời gian canh tân, thay đổi bản thân cho đến …cuối cuộc đời ?! Điều này nói dễ mà làm không phải dễ đâu!

Bài viết này lẽ ra dừng lại ở đây thì cô em lại gửi cho bài viết “Vợ Hiền” của tác giả Tràm Cà Mau. trong đó xin phép được trích dẫn phần kết của tác giả:

“... Nhiều khi nằm bên nhau, tôi hỏi Mai: - Sao hơn mười mấy năm sống bên nhau, chưa bao giờ em làm cho anh buồn lòng, chưa bao giờ em làm cho anh phải nổi giận. Em có khi nào buồn giận anh không? Nàng nói: - Sách dạy cho em biết rằng, người cho thì được nhiều hạnh phúc hơn người nhận. Không cầu thì sẽ được, không đòi thì sẽ có. Biết vui với cái tương đối mà mình đang có, thì trở thành kẻ sung sướng nhất trong đời. Cho đi tình thương chân thành, thì được nhận lại bằng tình thương. Nhiều người đàn bà đòi hỏi ở chồng quá đáng, ngoài khả năng của chồng. Bao nhiêu cũng không thỏa mãn cả. Họ không nhìn thấy sự hy sinh của người khác, mà chỉ cố bươi móc lỗi lầm cỏn con của chồng để mà trách móc, giận hờn. Làm thế không có lợi gì cả, mà chỉ là cách phá hoại hạnh phúc gia đình hữu hiệu nhất..

Ngoài song thân ra, người tôi biết ơn nhiều nhất là vợ tôi. Ðời sống tôi có ý nghĩa hơn, sung sướng hơn, hạnh phúc hơn nhờ vợ khôn ngoan dịu dàng. Nhiều đêm thức giấc tôi nhẹ hôn lên mắt vợ, thầm so sánh tấm lòng hiền chân của vợ với trái tim của một vị nữ thánh. Phần nàng, thì luôn luôn: "Em chỉ muốn làm cái bóng nhỏ và âm thầm bên đời anh thôi". Mai chưa hề đọc thánh kinh, nhưng nàng đã biết chọn chỗ ngồi thấp nhất để được nâng lên cao nhất trong lòng chồng.con.”

Cuối cùng, xin kể thêm câu chuyện trong bài giảng của linh mục Nguyễn Thiết Thắng để làm phần kết thúc. Chuyện kể rằng trong một bài giảng tại một xứ đạo tại miền Bắc Việt Nam với đề tài liên quan đến tình yêu trong hôn nhân khi nghe cha nói rằng không có hôn nhân nào hoàn hảo mà không có đau khổ và mâu thuẫn thì có hai ông bà đều đã hơn 70 tuổi góp ý là hai vợ chồng ông bà vẫn có giận nhau có khi là cãi vã nhưng vẫn không quên làm dấu thánh giá cho nhau trước khi đi ngủ. Nghe vậy cha mới hỏi :”Thế khi hai cụ giận nhau thì làm sao để mà làm dấu cho nhau được?” Cụ ông trả lời:” Được chứ cha vì mặt thì quay đi nhưng vẫn với tay lại để làm dấu cho nhau được cha ạ!”

Tình yêu và đức tin của đôi vợ chồng già này đã được gìn giữ cho nhau bằng những việc làm rất đơn sơ mà đầy ắp nghĩa tình sâu đậm như thế đó!

Lê Phương Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét