Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:3/9/2024 - Mỹ Loan


Quốc hội Mỹ có 3 tuần để thông qua luật chi tiêu nhằm tránh chính phủ đóng cửaVào thứ Hai tuần tới (9/9) Quốc hội Hoa Kỳ sẽ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tháng Tám. Các nhà lập pháp đang đối mặt với áp lực thời gian phải thông qua một dự luật chi tiêu nhằm duy trì hoạt động của chính phủ trước khi nguồn kinh phí cạn kiệt vào ngày 30 tháng 9, cũng là thời điểm hết năm tài khóa. Các lãnh đạo Đảng Cộng hòa Hạ viện cam kết thông qua các dự luật chi tiêu riêng lẻ nhằm kiểm soát chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên hiện tại, chỉ có năm dự luật được thông qua theo cách này, bắt buộc Hạ viện phải ban hành một Nghị Quyết Tiếp Tục (CR) tạm thời.
<!>
Tuy nhiên, việc thông qua CR lần này sẽ khó khăn hơn do Đảng Cộng hòa muốn bổ sung một dự luật về tính toàn vẹn bầu cử có tên là Đạo Luật SAVE vào dự luật chi tiêu sắp tới.

Vào tháng Bảy, Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã thông qua Đạo Luật SAVE nhưng dự luật này vẫn chưa được Thượng viện bỏ phiếu.

Đảng Dân chủ phản đối dự luật, khẳng định chắc chắn rằng chỉ có công dân Hoa Kỳ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang sắp tới.

“Sẽ là phạm pháp nếu những người không phải công dân đăng ký và bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang“, Dân biểu Joe Morelle (Đảng Dân chủ, New York) tuyên bố.

Theo văn bản chính thức, Đạo Luật SAVE “yêu cầu các công dân phải cung cấp bằng chứng chứng minh quốc tịch Hoa Kỳ để đăng ký bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang“.

Dự luật ngăn cấm “các tiểu bang chấp nhận và xử lý đơn đăng ký bầu cử trong các cuộc bầu cử liên bang trừ khi công dân nộp đơn xuất trình bằng chứng chứng minh quốc tịch Hoa Kỳ“.

Cựu Tổng thống Trump, đề cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024, kêu gọi Quốc hội bổ sung Đạo Luật SAVE vào CR sắp tới, ngay cả khi điều này có thể khiến chính phủ phải đóng cửa do CR không được thông qua.

“Tôi ủng hộ hoàn toàn và tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên thay đổi hệ thống bầu cử sang sử dụng phiếu bầu giấy. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt được nhiều điều từ đó“, ông Trump phát biểu trên podcast của bà Monica Crowley vào hôm thứ Năm (30/8). “Đảng Cộng hòa cần phải giành lại một số đòn bẩy giúp thay đổi [đất nước], cả Hạ viện và Thượng viện, họ nên cố gắng giành lại hai viện. Hai viện [hiện tại] chẳng làm được điều gì cả. Họ chỉ đang kéo dài mọi thứ“.

Ông Trump tuyên bố ông “sẵn sàng đóng cửa chính phủ ngay lập tức nếu Đảng Cộng hòa không đạt được điều đó và đưa [Đạo luật SAVE] vào dự luật chi tiêu“.

Dân biểu Andy Biggs (Đảng Cộng hòa, Arizona) cựu chủ tịch Freedom Caucus Hạ viện, nói rằng Thượng viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo sẽ loại bỏ Đạo Luật SAVE khỏi dự luật chi tiêu đã được thông qua tại Hạ viện.

“Tôi nghĩ [đạo luật SAVE] sẽ được thông qua nếu đó là một dự luật riêng lẻ, tôi thực sự tin vậy, nhưng tôi nghĩ rằng điều này thật phức tạp thay vì tuân theo cách thông thường với từng đạo luật riêng biệt được bỏ phiếu. Điều này có thể là một vấn đề“, ông Biggs cho biết trong chương trình “Just the News Not Noise” vào thứ Sáu (31/8). “Kết quả cuối cùng sẽ là một Nghị Quyết Tiếp Tục, một sự tiếp nối đơn thuần các chi tiêu hiện tại với các chính sách hiện tại. Và ai đó sẽ cố gắng nhét [đạo luật SAVE] vào. Vâng, hãy cứ thử xem. Thượng viện sẽ cố gắng loại bỏ nó“.

Dân biểu Scott Perry (Đảng Cộng hòa, Pennsylvania), cựu chủ tịch Freedom Caucus Hạ viện, cho biết “có một khả năng có thể xảy ra” là Hạ viện sẽ thông qua một Nghị quyết Tiếp tục bao gồm Đạo Luật SAVE, một quyết định khiến chính phủ phải đóng cửa.

Ông Perry đề xuất rằng Hạ viện nên thông qua Đạo Luật SAVE trong Nghị Quyết Tiếp Tục và sau đó rời khỏi Washington, D.C.

“Câu hỏi thực sự là, ai sẽ bị đổ lỗi khiến chính phủ phải đóng cửa? Theo tôi, Hạ viện nên thông qua CR, Nghị Quyết Tiếp Tục, hầu hết [những khoản chi tiêu] trong đó tôi không đồng ý vì [chính phủ] tiếp tục chi tiêu và nhiều thứ khác.Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta cũng đều biết rằng điều đó sẽ xảy ra“, ông Perry cho hay. “Bổ sung Đạo Luật SAVE không thể thiếu vào Nghị Quyết Tiếp Tục đó, và gửi nó ngay lập tức tới Thượng viện. Và rồi làm gì tiếp theo đây? Rời khỏi thành phố. [Các nhà lập pháp] phải rời khỏi [D.C. ngay lập tức]“.

Ông Perry bổ sung thêm: “Mọi người đều muốn trở về khu vực của họ để vận động tranh cử, phải không? Và nói với Thượng viện rằng, ‘đây là lựa chọn của các vị. Các vị hoặc thông qua hoặc loại bỏ nó’“.

Dân biểu Laurel Lee (Đảng Cộng hòa, Florida) nói rằng Quốc hội nên thông qua Đạo Luật SAVE để “đảm bảo rằng các quan chức bầu cử tiểu bang và địa phương có những công cụ cần thiết nhằm giữ cho danh sách cử tri sạch sẽ“.

Thống đốc Glenn Youngkin (Đảng Cộng hòa, Virginia) gần đây đã thông báo rằng khoảng 6.000 người không phải công dân đã bị loại khỏi danh sách cử tri của tiểu bang Virginia.

Hiện tại, Đặc khu Columbia cho phép người không phải công dân đăng ký bầu cử trong các cuộc bầu cử địa phương.

“Các cuộc bầu cử của chúng ta chỉ dành cho công dân Hoa Kỳ“, bà Laurel Lee nhấn mạnh. Bà nói: “#ĐạoLuậtSAVE sẽ bảo đảm rằng các quan chức bầu cử tiểu bang và địa phương có những công cụ cần thiết để giữ cho danh sách cử tri sạch sẽ, để người dân Hoa Kỳ giữ vững niềm tin vào hệ thống bầu cử, và [bảo vệ] những lá phiếu của cử tri không bị hủy bỏ bởi những người không phải công dân“.

Mỹ phác giác địa điểm phóng hỏa tiễn loại mới vận hành bằng nguyên tử lực của Nga


Hai nhà nghiên cứu Mỹ cho biết họ đã xác định được căn cứ bố trí loại hỏa tiễn mới của Nga, gọi là 9M370 Burevestnik, một loại hỏa tiễn hành trình chạy bằng nguyên tử lực mà Tổng Thống Vladimir Putin khoe là “không thể bị hủy diệt,” nguồn tin thông tấn xã Reuters cho hay hôm Thứ Hai, 2 Tháng Chín.

Tổng Thống Putin cho biết loại võ khí này — mà NATO gọi là SSC-X-9 Skyfall — có tầm bắn gần như vô giới hạn và có thể tránh né hệ thống hỏa tiễn phòng thủ của Mỹ. Tuy nhiên, một số chuyên gia Tây Phương bác bỏ tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga cũng như giá trị chiến lược của Burevestnik, cho rằng nó sẽ không thể bù đắp cho các kỹ thuật quân sự mà Moscow chưa đạt được và nó còn có nguy cơ dẫn đến thảm họa phóng xạ.

Căn cứ vào những hình ảnh được Planet Labs, một công ty vệ tinh thương mại, chụp vào ngày 26 Tháng Bảy, hai nhà nghiên cứu đã xác định một công trình xây dựng đặt kế bên một cơ sở chứa đầu đạn nguyên tử, mang hai tên gọi Vologda-20 và Chebsara, có thể sẽ là căn cứ của loại hỏa tiễn mới này, nằm cách thủ đô Moscow 295 mile (475 kilometer) về phía Bắc.

Decker Eveleth, một chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu và phân tích CNA, đã tìm thấy những hình ảnh vệ tinh cho thấy chín bệ phóng đang được xây dựng. Các bệ phóng này được bố trí thành ba nhóm bên trong các bờ ngăn để che chắn chúng khỏi bị tấn công hoặc để ngăn chặn một vụ nổ bất thình lình phát sinh khi các hỏa tiễn được kích hoạt từ các nơi khác gần đó, theo lời ông Eveleth.

Địa điểm này “dành cho một hệ thống hỏa tiễn cố định lớn, và hệ thống hỏa tiễn cố định lớn duy nhất mà Nga đang phát triển chính là Skyfall,” vẫn theo lời ông Eveleth.

Bộ Quốc Phòng Nga và Tòa Đại Sứ Nga tại Washington không trả lời yêu cầu bình luận về các đánh giá liên quan tới giá trị chiến lược của loại hỏa tiễn Burevestnik, hồ sơ thí nghiệm và những rủi ro mà hỏa tiễn có thể gây ra.

Việc xác định địa điểm bố trí loại hỏa tiễn này cho thấy Nga đang xúc tiến khai triển loại võ khí mới của họ sau một loạt các cuộc thí nghiệm đầy những trở ngại trong những năm gần đây, theo lời ông Eveleth và nhà nghiên cứu thứ nhì, là Jeffery Lewis, thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Middlebury tại Monterey.

Mỹ tịch thu máy bay của Tổng thống Venezuela Maduro vì vi phạm lệnh trừng phạt


Tại Cộng hòa Dominica, Mỹ đã tịch thu một phi cơ trị giá 13 triệu USD được dùng bởi Nicolas Maduro, Tổng thống Venezuela, sau khi xác định rằng việc mua chiếc máy bay này đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, cùng một vài tội danh khác. Ông Maduro không có mặt ở đó, và Mỹ đã lấy chiếc máy bay về phi trường tại Florida hôm 2/9. Venezuela gọi đó là hành động “ăn cướp”.

Tịch thu phi cơ Dassault Falcon 900EX là vụ việc mới nhất trong diễn biến Mỹ gia tăng áp lực lên Tổng thống Maduro ở cả trong và ngoài nước Venezuela. Đặc biệt là kể từ cuộc bầu cử 28/7 mà tại đó ông Maduro tuyên bố đắc cử, trong khi tiếng nói đối lập cho rằng ông đã gian lận bầu cử.

Chính phủ Venezuela đã xác nhận rằng đó đúng là chiếc phi cơ mà Tổng thống Maduro dùng, và gọi hành động của Mỹ là “ăn cướp trắng trợn”, là “bất hợp pháp”, và là “hành vi tái phạm tội.”

Ngoại trưởng Venezuela Yván Gil tuyên bố rằng Mỹ tự biện minh cho hành vi “ăn cướp trắng trợn” của chính mình “bằng các biện pháp cưỡng chế mà họ đơn phương áp đặt một cách bất hợp pháp lên khắp thế giới,” và cho hay chính quyền Venezuela “bảo lưu quyền sử dụng bất kỳ hành động hợp pháp nào để bù đắp cho tổn thất của quốc gia.”

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, chiếc Falcon 900EX mà Mỹ tịch thu tại Cộng hòa Dominica và sau đó chuyển về Miami thuộc tiểu bang Florida, vốn là chiếc máy bay của Mỹ. Nó được mua một cách bất hợp pháp tại Mỹ với giá 13 triệu USD và sau đó được tuồn lậu ra khỏi Mỹ.

Quan chức Mỹ tuyên bố rằng đây là tịch thu hàng hóa do vi phạm các luật trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Venezuela, và vi phạm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Bộ An ninh Nội địa, Bộ Thương mại, và Bộ Tư pháp đã phối hợp trong vụ tịch thu này.

Chưa rõ bằng con đường nào mà chiếc máy bay này xuất hiện ở Cộng hòa Dominica, một quốc gia trên đảo Hispaniota ở phía Đông Đông Nam nước Mỹ và trên vùng biển Caribe.

Quan chức Mỹ cho hay, theo điều tra của họ, chiếc phi cơ này là có liên quan tới ông Maduro, nhưng ông ta dùng một công ty vỏ bọc tại Caribe để tiến hành mua chiếc máy bay này từ tiểu bang Florida Mỹ vào quãng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Nó được đưa ra khỏi Mỹ vào tháng 4/2023. Một số hình ảnh và ghi chép lịch bay, cho thấy nó đúng là được dùng bởi ông Maduro.

Cũng vị quan chức đó của Mỹ nói rằng đây thuần túy là vụ tịch thu tang vật phạm pháp, chứ không phải chủ đích nhắm vào một vị tổng thống nào đó của nước khác.

Tuy nhiên, một người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc đã nói rằng đây là hành động biểu hiện “một bước tiến quan trọng để đảm bảo Maduro cảm thấy được hậu quả của việc làm sai trái của ông ta ở Venezuela.”

Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng “Tịch thu máy bay của nguyên thủ quốc gia một nước khác là điều chưa từng có” và người Mỹ đang “gửi thông điệp rất rõ ràng rằng không ai đứng trên luật pháp [Mỹ], và không ai thoát khỏi bàn tay [các lệnh] trừng phạt của Mỹ.”

Theo Markenzy Lapointe, một luật sư Mỹ tại Florida, giới chức Cộng hòa Dominica đã rất phối với người Mỹ, và đã có những “trợ giúp vô giá” trong việc tổ chức vụ việc tịch thu này.

Theo CNN, đây là hoạt động thông qua thủ tục tịch thu tài sản. Điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết, Venezuela có thể thách thức Mỹ trước tòa, nếu Venezuela có thể tìm ra cách lách các lệnh trừng phạt để làm như vậy.

Về kết quả bầu cử hồi tháng 7 tại Venezuela, người Mỹ không thừa nhận chiến thắng của ông Maduro. Washington cho rằng ông Edmundo González mới đúng là người chiến thắng, và lập luận rằng có nhiều bằng chứng “chuyên sâu” khẳng định sự thất bại của ông Maduro.

Vụ tịch thu máy bay này không phải là lần đầu tiên ông Maduro hoặc quan chức chính phủ Venezuela bị Mỹ nhắm vào.

Đây là máy bay phản lực thứ hai của Venezuela bị Mỹ thu giữ trong năm nay. Vào tháng 2, Argentina đã gửi cho Mỹ một chiếc máy bay chở hàng Boeing 747-300M bị tịch thu vào năm 2022 vì bị cáo buộc mua nó từ một công ty Iran bị trừng phạt. Ông Maduro gọi vụ tịch thu này là “hành vi ăn cướp trắng trợn” của chính phủ Tổng thống Argentina Javier Milei.

Năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội ông Maduro và 14 quan chức Venezuela về tội khủng bố ma túy, tham nhũng và buôn bán ma túy, cùng các tội danh khác.

Bộ Ngoại giao đã treo giải thưởng lên tới 15 triệu USD cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc kết án ông Maduro.

Một quan chức giấu tên nói với CNN rằng Washington đã tịch thu các tài khoản và tài sản ngân hàng trị giá 2 tỷ USD của Venezuela trong những năm gần đây.

Ông Tập sẽ tham dự ’Hội nghị Thượng đỉnh BRICS’ vào tháng 10

Trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) vào tuần trước, Putin đã gặp ông và nói rằng, ông sẽ hoan nghênh sự tham dự của Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga vào tháng 10.

Thông tấn xã Vệ tinh Nga tối ngày 24 đưa tin Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy (Zhang Hanhui) tiết lộ ông Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo BRICS lần này. Trả lời câu hỏi về việc liệu nhà lãnh đạo Trung Quốc có tham dự cuộc họp các nhà lãnh đạo BRICS lần thứ 16 vào tháng 10 hay không, “ông ấy có kế hoạch đến thăm và công du, và ông ấy sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh”, ông nói.

Vào ngày 26, tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao chính phủ Trung Quốc tổ chức, khi phóng viên TASS yêu cầu xác nhận câu hỏi này, người phát ngôn Lâm Kiến (Lin Jian) đã trả lời: Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các đối tác BRICS để cùng thúc đẩy Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 thành công trọn vẹn. Điều này ngụ ý rằng tuyên bố của Trương Hán Huy đã được xác nhận.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS là một tổ chức quốc tế bao gồm các quốc gia thị trường mới nổi. Chương trình nghị sự kinh tế quan trọng của nó là thúc đẩy thương mại và giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại và tài chính bằng tiền tệ của nhiều quốc gia.

Những năm trước, khi chủ tịch Tập tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, những điều kỳ lạ thường xuyên xảy ra.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi. Mọi người vẫn nhớ rằng Tập Cận Bình đi không vững trong suốt cuộc họp, trông có vẻ mệt mỏi, chớp mắt liên tục, nhắm mắt nhiều lần để nghỉ ngơi và ký một số văn bản hợp tác song phương với Nam Phi, bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tuy nhiên, ông đã lên lịch tham dự diễn đàn kinh doanh và có bài phát biểu, nhưng bất ngờ lại không xuất hiện. Thay vào đó, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã đọc bài phát biểu thay. Trong bài phát biểu của mình, Vương Văn Đào đã chỉ trích Tổng thống Hoa Kỳ Biden mà không nêu tên ông, lên án quyền bá chủ của Hoa Kỳ, chia thế giới thành hai phe: dân chủ và độc tài, đồng thời kêu gọi thế giới tránh mộng du và “rơi vào vực thẳm của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh, sau khi Tập Cận Bình bước vào địa điểm, đoàn tùy tùng phía sau cũng cố gắng bước vào, nhưng bị nhân viên Nam Phi chặn lại và cuối cùng phải dừng lại bên ngoài cửa. Tập Cận Bình do dự nhiều lần và quay lại nhìn. Có tin đồn rằng Vương Nghị đã viết bản tự phê bình sau khi trở về Bắc Kinh vì đã sắp xếp không đúng quy trình làm việc của cuộc họp.

Hơn nữa, điều kỳ lạ là sau khi chủ tịch Tập kết thúc cuộc họp với các nhà lãnh đạo BRICS, ông không quay lại Bắc Kinh mà bay thẳng đến Urumqi để nghe báo cáo công việc. Tập Cận Bình chỉ thị rằng (công tác Tân Cương) phải tập trung vào ổn định xã hội, bình thường hóa pháp quyền trong công tác duy trì ổn định, nhấn mạnh vào đức tin ĐCSTQ của người dân Tân Cương, xây dựng Tân Cương thành một biên giới rộng mở và cởi mở của “Một Vành đai, Một con đường”, mở cửa với thế giới bên ngoài, thực hiện chiến lược quản lý Tân Cương của ĐCSTQ trong thời đại mới.

Thế giới bên ngoài nhìn chung tin rằng nếu có bất kỳ vấn đề chính trị khẩn cấp nào ở Tân Cương vào thời điểm đó, ông Tập phải đích thân điều tra, khai triển và chỉ huy.

Trước những sự cố thường xuyên xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái và thực tế là tình trạng thể chất của ông Tập ngày càng trở nên tồi tệ hơn qua từng năm, các nhà quan sát thời sự sẽ tập trung vào loại tin tức mà ĐCSTQ sẽ đưa ra thế giới bên ngoài trong hội nghị thượng đỉnh này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét