Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:30/9/2024 - Nam Giang


Mỹ hoan nghênh việc hạ sát thủ lĩnh Hezbollah, nhưng kêu gọi các bên "xuống thang"Về vụ Israel hạ sát Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah, Nhà Trắng hôm qua, 28/09/2024, đã ra một thông cáo hoan nghênh, khẳng định ‘‘hoàn toàn ủng hộ Israel trong việc tự vệ trước Hezbollah, Hamas, Houthis và bất kỳ nhóm khủng bố nào được Iran hỗ trợ’’.Tuy nhiên tổng thống Mỹ một mặt hối thúc các bên nhanh chóng đạt được các thỏa thuận ‘‘ngừng xung đột tại Gaza và Liban thông qua các biện pháp ngoại giao’’, mặt khác chỉ đạo bộ Quốc Phòng ‘‘tăng cường thế trận phòng thủ của Mỹ tại khu vực để răn đe các tham vọng gây hấn và giảm nguy cơ chiến tranh lan rộng’’
<!>
Riêng về các biện pháp ngoại giao thúc đẩy hưu chiến, theo nhiều nhà quan sát, trên thực tế tổng thống Mỹ gần như không có ảnh hưởng gì đến các quyết định của thủ tướng Israel. Thông tín viên David Thomson tường trình từ Miami:

‘‘Nhà Trắng đã không được báo trước về cuộc oanh kích của Israel, và quan hệ với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang ở trong tình trạng hết sức tồi tệ. Tuy nhiên điều đó không ngăn cản tổng thống Mỹ hoan nghênh việc hạ sát Hassan Nasralla, thủ lĩnh Hezbollah. Tổng thống Joe Biden viết : ‘‘nhân vật này đã điều hành một tổ chức khủng bố, chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm người Mỹ, và đã gieo rắc nỗi kinh hoàng từ suốt 4 thập niên tới nay’’.

Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ nói thêm: ‘‘việc Hassan Nasralla bị giết cho thấy trời có mắt, đã trả lại công lý cho nhiều nạn nhân của ông ta’’. Nguyên thủ Mỹ nhấn mạnh là chính Nasralla ‘‘đã đưa ra quyết định định mệnh’’ khi mở ra ‘‘mặt trận phía bắc’’ chống Israel ngay sau vụ tấn công khủng bố của tổ chức Hamas trên đất Israel ngày 07/10/2023.

Joe Biden cũng tận dụng cơ hội này để kêu gọi xuống thang thông qua con đường ngoại giao. Hôm thứ Tư 25/09, tổng thống Mỹ từng tin tưởng là có thể đạt được một thỏa thuận hưu chiến 21 ngày nhờ sự trợ giúp của ngoại giao Pháp. Tuy nhiên, hy vọng nói trên ngay hôm sau đã bị thủ tướng Benyamin Netanyaou dập tắt. Kể từ một tháng nay, tổng thống Mỹ và thủ tướng Israel không còn nói chuyện với nhau. Họ không còn tiếp xúc trực tiếp từ tháng 08/2024. Chỉ có bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã trao đổi với đồng nhiệm Israel từ sau khi thủ lĩnh Hezbollah bị hạ sát.’’

Theo Reuters, sau vụ thủ lĩnh Hezballah bị hạ sát, Pháp đã kêu gọi Israel ngừng ngay lập tức các cuộc oanh kích nhắm vào Liban. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot và đồng nhiệm Liban, Najib Mikati, sau cuộc điện đàm đã ra một thông cáo kêu gọi lực lượng Hezbollah và Iran ‘‘tránh mọi hành động có thể làm bất ổn gia tăng và xung đột lan rộng toàn khu vực’’.

Nga ‘‘cực lực lên án’’ vụ hạ sát, Trung Quốc ‘‘quan ngại sâu sắc’’

Đài France Info dẫn thông báo của một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay, cho biết ‘‘Trung Quốc quan ngại sâu sắc’’ về tình hình tại Cận Đông, và ‘‘kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là Israel, có các biện pháp trực tiếp để bình ổn tình hình, tránh xung đột lan rộng có thể vượt khỏi vòng kiểm soát’’. Trong khi đó, bộ Ngoại Giao Nga ra một thông cáo trực tiếp lên án Israel : ‘‘chúng tôi cực lực lên án vụ sát hại chính trị mới do Israel tiến hành’’ và Israel ‘‘phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm’’ đối với ‘‘các hệ quả bi thảm mà vụ sát hại có thể gây ra cho toàn khu vực’’.

Netanyahu : Cái chết của thủ lĩnh Hezbollah là “bước ngoặt lịch sử” với Israel

 
Trong thông cáo báo chí hôm qua, 28/09/2024, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định cái chết của thủ lĩnh Hezbollah, Sayyed Hassan Nasrallah, là một “bước ngoặt lịch sử” có thể thay đổi cán cân lực lượng ở Trung Đông, đồng thời cảnh báo rằng những ngày tới sẽ rất “khó khăn”.

“Nasrallah không phải chỉ là một tên khủng bố, ông ta là đại diện cho chủ nghĩa khủng bố (…) Việc hành quyết Nasrallah là một bước cần thiết để đạt được những mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra, cho phép người dân ở phía Bắc trở về nhà an toàn và thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực trong nhiều năm tới", lãnh đạo chính phủ Israel phát biểu trước báo giới. Ông Netanyahu cũng mô tả cái chết của Hassan Nasrallah là một thất bại lớn đối với Hezbollah, nhưng cũng là đối với Iran, quốc gia sáng lập và hậu thuẫn cho phong trào này từ năm 1982. Theo ông, Iran hiện tại đang mất đi một đồng minh quan trọng.

Vậy vai trò của cố thủ lĩnh Nasrallah quan trọng thế nào với Hezbollah và đâu là những di sản mà ông để lại cho người kế nhiệm? Từ Beyruth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh giải thích cụ thể :

“Trong ba thập niêm lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah đã ba lần khiến quân đội Israel thất bại: vào các năm 1993, 1996 và 2006. Sau một cuộc chiến du kích kéo dài, ông đã buộc Israel phải đơn phương rút lui khỏi miền Nam Liban vào năm 2000. Với những chiến thắng này, Hassan Nasrallah đã biến Hezbollah thành một trong những lực lượng chính trị chủ đạo của Liban và là một trong những nhóm quân sự phi nhà nước mạnh nhất thế giới. Ảnh hưởng của Hezbollah lan rộng ra cả Syria, Irak và Yemen, và khiến lực lượng này trở thành một nhân tố quan trọng trong khu vực.

Tuy nhiên, di sản mà Nasrallah để lại cho người kế nhiệm đến vào một thời điểm quan trọng đối với cộng đồng người hệ phái Hồi giáo Shia ở Liban. Cộng đồng này đang phải trả một cái giá rất lớn cả về vật chất và nhân mạng trong cuộc xung đột đã kéo dài 11 tháng. Và cái giá đó đã tăng lên rất nhiều trong hai tuần qua. Nhiều làng ở miền Nam Liban, Bekaa và vùng ngoại ô phía Nam Beyruth bị tàn phá bởi các cuộc không kích của Israel. Hàng trăm nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa, chưa kể hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Thực tế đau đớn này cũng là một phần trong di sản của Hassan Nasrallah. Nếu Hezbollah thua trong cuộc chiến, ông sẽ để lại cho người kế nhiệm một gánh nặng khó lòng đảm đương.”

Israel và chiến lược diệt trừ giới lãnh đạo Hezbollah của Liban

 
Cái chết của Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của Hezbollah - Liban suốt từ khi phong trào này được thành lập vào năm 1982 đến nay, dường như là kết quả của một chiến lược mà Israel đã tiến hành trong vài tháng qua. Theo đó, Israel diệt trừ lần lượt, một cách có hệ thống, các chỉ huy cao nhất của Hezbollah. Phong trào Hồi giáo Hezbollah theo hệ phái Shia ở Liban, đã tiến hành nhiều chiến dịch chống lại nhà nước Do Thái, đặc biệt từ khi nổ ra chiến tranh Gaza từ tháng 10/2023.

Chiến dịch ném bom nhắm vào các nhân vật chủ chốt của phong trào Hezbollah bắt đầu từ tháng 01/2024, với vụ hạ sát Wissam al-Tawil, chỉ huy đơn vị tinh nhuệ al-Radwan. Theo thông tín viên RFI Paul Khalifeh từ Beyruth, Wissam al- Tawil đã « tham gia mọi cuộc chiến của Hezbollah trong suốt 30 năm qua ở Liban, Syria và Irak, và giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống quân sự ở miền nam Liban nhằm chống lại quân đội Israel ».

Tới ngày 30/07/2024, đến lượt chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah, Fouad Chokr, cánh tay phải của thủ lĩnh Hassan Nasrallah, bị Israel tiêu diệt trong một vụ oanh kích vào ngoại ô phía nam thủ đô Beyruth của Liban. Fouad Chokr bị quân đội Israel xem là người phải chịu trách nhiệm cho vụ oanh kích bằng tên lửa vào cao nguyên Golan ngày 27/07 khiến 12 thanh thiếu niên Israel thiệt mạng.

Từ giữa tháng 9, chiến dịch của Israel tiêu diệt giới lãnh đạo của Hezbollah được đẩy mạnh. Khởi đầu là 2 loạt vụ kích nổ hàng ngàn máy nhắn tin và máy bộ đàm, thiết bị liên lạc chính trong hàng ngũ Hezbollah trong hai ngày liên tiếp 17-18/09, khiến 30 người của Hezbollah thiệt mạng, hơn 3000 người bị thương và gây xáo trộn hàng ngũ Hezbollah. Vào ngày 20/09, một vụ đánh bom của Israel đã giết chết 15 thành viên đơn vị tinh nhuệ al-Radwan, trong đó có cả Ibrahim Aqil, chỉ huy đơn vị. Đến ngày 23/09, đến lượt Ali Karaké, được coi là nhân vật số 3 của Hezbollaz, bị hạ sát. Một hôm sau đó, đến lượt Ibrahim Koubaissi, chỉ huy chuyên trách các cuộc tấn công bằng tên lửa và rốc-kết của Hezbollah, mất mạng.

Theo giới quan sát, để lần lượt triệt hạ các chỉ huy cấp cao của Hezbollah, dường như Nhà nước Do Thái đã thâm nhập được vào bộ máy tổ chức của Hezbollah, xác định được những người chỉ huy chính của phong trào này và áp dụng chiến thuật tấn công, trừ khử lần lượt từng người. Theo RFI Pháp ngữ, cả một thế hệ những người thành lập phong trào Hezbollah vào đầu những năm 1980, đã bị Israel hạ sát.

Mỗi khi định vị được nơi ở hoặc nơi ẩn náu của những người này, Israel cho tiến hành những vụ đánh bom lớn, bất chấp tình trạng có rất nhiều nạn nhân liên đới là thường dân thiệt mạng hoặc bị thương.

Hezbollah : Ai sẽ kế nhiệm thủ lĩnh Nasrallah ?

Theo ghi nhận hôm nay 29/09 của thông tín viên RFI Paul Khalifeh tại Beyruth, Hachem Safieddine, một người anh họ ngoại của Hassan Nasrallah, là ứng cử viên nổi bật nhất. Chính Safieddine đứng đầu hội đồng điều hành của đảng Hezbollah, hoạt động như chính phủ, nhờ đó ông có được kinh nghiệm sâu rộng về chính trị, tài chính, hành chính và quân sự. Cũng giống như Nasrallah, Hachem Safieddine từng theo học thần học tại thành phố thánh Qom, Iran và được giới chuyên gia đánh giá là có đường lối cứng rắn, nên sẽ ít có xu hướng thỏa hiệp.

Ứng cử viên tiềm năng thứ hai là Naïm Qassem, phó tổng thư ký đảng. Không có nhiều kinh nghiệm quân sự, nhưng Qassem đại diện cho phe tôn giáo bảo thủ của đảng Hezbollah.
SpaceX phóng tàu vũ trụ lên đón hai phi hành gia mắc kẹt trên ISS


Hôm 28/9 vừa qua, tại bãi phóng Cape Canaveral ở bang Flordia (Mỹ), tập đoàn SpaceX đã phóng thành công một tàu vũ trụ có tên Crew-9 mang theo trọng trách đưa hai phi hành gia Suni Williams và Butch Wilmore của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) trở về Trái Đất.

Hai phi hành gia này trước đó đã được tàu vũ trụ Starliner của Boeing đưa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) nhưng do tàu gặp vấn đề nên hai phi hành gia phải ở lại ISS lâu hơn kế hoạch ban đầu 100 ngày.

Tàu vũ trụ Crew-9 cất cánh lúc 1:17 chiều 28/9 (theo giờ miền Đông nước Mỹ). Hai ngày trước, do ảnh hưởng của bão Helene trong khu vực, NASA đã buộc phải hoãn chuyến khởi hành.

Không giống các chuyến bay thường lệ khác đưa các phi hành gia đến và đi từ ISS theo Chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA, chặng bay khởi hành của tàu Crew-9 lần này chỉ chở 2 thành viên phi hành đoàn thay vì 4 người: phi hành gia NASA Nick Hague và phi hành gia Roscosmos Aleksandr Gorbunov.

Hai ghế khác dự kiến để dành cho hai phi hành gia Williams và Wilmore trở về vào tháng 2/2025. Kế hoạch này được NASA chọn triển khai vào cuối tháng 8 sau khi cơ quan vũ trụ hàng không của Mỹ cho rằng tàu vũ trụ Starliner quá rủi ro để đưa phi hành đoàn trở về.

Sau nhiều năm bị trì hoãn và vượt ngân sách phát triển, hồi tháng 6, tàu vũ trụ Starliner của Boeing đã đạt được dấu mốc thành tựu đỉnh cao khi đưa 2 phi hành gia Williams và Wilmore lên ISS và dự kiến ở lại đây chỉ 1 tuần. Tuy nhiên, nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành khi chặng đường về của hai phi hành gia này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Việc đưa hai phi hành gia NASA quay trở lại Trái Đất đã bị hoãn nhiều lần kể từ khi hai nhà du hành vũ trụ đặt chân lên ISS bằng Starliner vào ngày 6/6 do các vấn đề liên tục xảy ra đối với tàu vũ trụ trên đường đi, bao gồm rò rỉ khí heli và bộ đẩy đột ngột ngừng hoạt động. Hôm 7/9, tàu vũ trụ Starliner của Boeing đã trở về Trái Đất an toàn nhưng không mang theo phi hành gia.

Chiến tranh Ukraina: ‘‘Có bằng chứng hiển nhiên’’ về việc vũ khí Trung Quốc được bí mật cấp cho Nga


 
Truyền thông Anh Quốc dường như đang gia tăng áp lực lên Bắc Kinh liên quan đến các cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc bí mật trợ giúp Nga về vũ khí trong cuộc xâm lược Ukraina. Theo báo Anh The Times, ngày 27/09/2024, nhiều giới chức cao cấp phương Tây đã có trong tay các bằng chứng đáng tin cậy về việc này.

Cụ thể là IEMZ Koupol, một chi nhánh của công ty sản xuất vũ khí Nga Almaz-Antey, do Nhà nước sở hữu, đã phát triển một loại drone quân sự mới, có tên gọi Garpiya-3 (G3) tại Trung Quốc với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước này. Drone G3 có tầm hoạt động 2.000 km và có thể chuyên chở đến 50 kg.

The Times có trong tay một báo cáo của chi nhánh IEMZ của công ty Nhà nước Nga gửi đến bộ Quốc Phòng về dự án sản xuất drone G3 trên quy mô lớn tại Trung Quốc, và các sản phẩm sẽ được sử dụng trong ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’, tên gọi chính thức mà Matxcơva dùng để chỉ cuộc xâm lăng Ukraina.

Phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc tại Anh bảo đảm ‘‘không biết chi tiết về các cáo buộc này’’, nhưng riêng về drone, nhà ngoại giao này cam đoan Trung Quốc ‘‘luôn duy trì chế độ kiểm tra chặt chẽ đối với việc xuất khẩu drone, luôn kiểm tra chặt các drone quân sự hay các hàng hóa lưỡng dụng’’.

Theo The Times, các giới chức NATO đã ‘‘bày tỏ quan ngại sâu sắc’’ sau khi nhận được hai báo cáo về chủ đề này, trong đó có báo cáo về chi nhánh của công ty sản xuất vũ khí của Nhà nước Nga, và cho biết các đồng minh NATO hiện đang tìm hiểu kỹ hơn. Theo Fabian Hinz, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trung tâm tư vấn về quốc phòng có trụ sở tại Luân Đôn, nếu chính quyền Trung Quốc biết thì điều này cho thấy Bắc Kinh ‘‘đã nâng mức độ ủng hộ đối với nỗ lực chiến tranh của Nga’’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét