Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:24/9/2024 - Nam Giang

Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sắp kết thúc cuộc chiến với NgaVào hôm thứ Hai (23/9), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố chắc chắn rằng Ukraine đang tiến “gần hơn đến ngày kết thúc cuộc chiến” với Nga, theo trích đoạn từ cuộc phỏng vấn với đài ABC News mới được công bố.Ông Zelensky nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đang tiến gần đến hòa bình [với Nga] hơn so với những gì chúng tôi nghĩ Chúng tôi đang tiến gần hơn đến ngày kết thúc cuộc chiến”.Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC News, ông Zelensky kêu gọi Washington và các đồng minh tiếp tục hỗ trợ khí tài lẫn tài chính cho Ukraine.
<!>
Tổng thống Ukraine khẳng định chắc chắn rằng chỉ khi Ukraine đạt được “vị thế mạnh mẽ” thì Ukraine mới có thể buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin “ngừng cuộc chiến lại”.

Vào ngày Chủ Nhật (23/9), ông Zelensky đã có chuyến công du Hoa Kỳ để tham dự các phiên họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York. Tại đây, ông tiếng kêu gọi các đồng minh chung tay hỗ trợ Ukraine đạt được “một chiến thắng chung [của cả Ukraine cũng như Phương Tây] cho một nền hòa bình thực sự công bằng”.

Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, Washington và các đồng minh đã cung cấp một chương trình viện trợ nhân đạo hàng tỷ đô la cho Ukraine, đồng thời áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Moskva.

Tổng thống Putin khẳng định chắc chắn rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine chỉ có thể diễn ra nếu Kiev lựa chọn từ bỏ những vùng lãnh thổ phía đông và phía nam của Ukraine cho Nga, cũng như từ bỏ ý định gia nhập liên minh NATO. Tổng thống Zelensky đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Nga rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine, đồng thời khôi phục đường biên giới thời hậu Xô-viết của Ukraine.

Kiev đã phát động một cuộc tấn công vượt qua biên giới Nga vào ngày 6 tháng 8 tại khu vực Kursk, miền tây nước Nga. Ukraine cho rằng cuộc tấn công này là một phần của kế hoạch nhằm ngăn chặn các lực lượng quân đội Nga tại khu vực này phát động một cuộc tấn công xâm nhập vào Ukraine.

Ông Zelensky chia sẻ suy nghĩ với đài ABC News rằng, ông Putin rất lo sợ chiến dịch ở Kursk của quân đội Ukraine.

“Ông ấy [Putin] đang rất lo sợ”, ông Zelensky nói. “Vì sao? Vì dân chúng Nga ủng hộ [Putin] nhận ra rằng ông ta không thể bảo vệ – rằng ông ta không có khả năng bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ Nga”.

Cả Ukraine lẫn phương Tây đều cho rằng Nga đang tiến hành một cuộc chiến kiểu đế quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Putin lại mô tả cuộc chiến với Ukraine là một động thái tự vệ trước một phương Tây thù địch và hiếu chiến.

Israel tấn công hơn 300 mục tiêu của Hezbollah


Hôm 23/9 vừa qua, hàng chục chiến đấu cơ của lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành một đợt không kích lớn, tấn công hơn 300 mục tiêu của phong trào Hezbollah.

Được biết, trước khi thực hiện làn sóng không kích, Israel đã cảnh báo người dân nhanh chóng di chuyển khỏi những nơi được cho là Hezbollah cất giữ vũ khí. IDF cho biết họ đã gửi tin nhắn văn bản cho người dân, cũng như gọi điện cho họ. Quân đội thông báo họ đã xác định được các thành viên Hezbollah đang chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel.

Trong khi đó, tại một cuộc họp đánh giá tình trạng sẵn sàng trong nước trước bối cảnh giao tranh lan rộng cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant lên tiếng trấn an người dân: “Những ngày sắp tới, công chúng sẽ phải thể hiện sự bình tĩnh, kỷ luật và tuân thủ hoàn toàn các chỉ thị của Bộ Tư lệnh Mặt trận trong nước”.

Tính đến 12:30 trưa 23/9, Không quân Israel (IAF) đã tấn công hơn 300 mục tiêu của Hezbollah ở Liban. Hàng chục máy bay chiến đấu từ tất cả các phi đội của IAF đã tham gia vào các cuộc không kích.

Hãng thông tấn quốc gia Lebanon (NNA) cho biết các cuộc không kích nhằm vào khu vực Thung lũng Beqaa phía Đông đã giết chết một người chăn cừu dân thường và làm bị thương 6 người khác.

NNA cho hay: “Máy bay chiến đấu của quân địch đã tiến hành… hơn 80 cuộc không kích trong nửa giờ đồng hồ, nhằm vào quận Nabatiyeh ở phía Nam Liban”. Giới truyền thông cũng ghi nhận âm thanh không kích dữ dội ở phía Nam và phía Đông Liban.

Giao tranh khốc liệt dọc biên giới phía Bắc Liban đã tăng đột biến trong những ngày gần đây, khi Hezbollah mở rộng phạm vi bắn rocket, phóng khoảng 85 quả rocket vào sâu phía Bắc Israel để đáp trả vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin, máy bộ đàm vào tuần trước khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Cho đến nay, Israel không xác nhận hoặc phủ nhận đứng sau vụ tấn công bằng máy nhắn tin, bộ đàm.

Nghịch lý kiểu Pháp


Mười một tuần sau ngày bầu cử quốc hội, nước Pháp thành lập được chính phủ và điều đặc biệt ở chính phủ mới này là bản thân nó trong tình trạng khó ổn định lâu dài.

Nguyên nhân ở chỗ chính phủ này do các đảng phái thành lập mà không có được đa số trong quốc hội. Điều nghịch lý nổi bật nhất ở đây là cả Tổng thống Emmanuel Macron và người được ông đề cử làm thủ tướng, ông Michel Barnier, đều ý thức được rất rõ điều trên ngay từ đầu nhưng vẫn quyết triển khai.

Nghịch lý hiếm hoi lần này ở chỗ đảng phái chính trị thắng cử ở Pháp không được giao cho quyền thành lập chính phủ mà quyền ấy lại giao cho người thuộc đảng chỉ giành về 47 ghế trong tổng số 577 ghế dân biểu ở quốc hội. Phe liên minh giữa ông Macron và ông Barnier tổng cộng chỉ có được 193 ghế dân biểu trong khi đa số tối thiểu cần thiết trong quốc hội là 289 ghế dân biểu.

Như thế có nghĩa là muốn làm nên chuyện lớn thì phía chính phủ phải phụ thuộc liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP) hiện là phe cánh chính trị lớn nhất trong quốc hội, là liên minh thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi hoặc phụ thuộc vào đảng Tập hợp quốc gia (RN) thuộc cánh cực hữu. Cả hai khối này đều đã lên tiếng không đồng thuận. Liên minh NFP thậm chí còn tuyên bố bất hợp tác. Đây sẽ là thách thức lớn bởi chính việc gây dựng và củng cố sự ổn định là một sứ mệnh của chính phủ.

Hỏa tiễn Trung Quốc chạy bằng dầu lửa hạ cánh bất thành


Deep Blue Aerospace, công ty vũ trụ tư nhân tại Trung Quốc cho biết hôm Chủ Nhật, 22 Tháng Chín, rằng hỏa tiễn vận hành bằng dầu lửa tái sử dụng đầu tiên, Nebula-1, thất bại trong chuyến bay thí nghiệm nhằm kiểm tra khả năng trở về bệ phóng theo phương thẳng đứng ở cao độ lớn thuộc khu vực Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc, và bị rơi ở cuối hành trình, theo Reuters.

Phi thuyền vũ trụ của công ty khởi nghiệp tư nhân chế tạo hỏa tiễn đã hoàn tất 10 trong số 11 nhiệm vụ, Deep Blue Aerospace cho biết trong một tuyên bố, với ba động cơ đẩy được khởi động như bình thường và phóng Nebula-1 lên bầu trời cao. Sau đó, hai động cơ trên hỏa tiễn ngưng kết nối như đã được lập trình và hỏa tiễn bắt đầu hạ cánh.

Nhưng khi Nebula-1 đang hạ xuống bệ phóng, hệ thống hạ cánh giở chứng và tiếp đất quá mạnh, khiến phần trên cùng của hỏa tiễn bị gãy vì ngã qua một bên còn phần vỏ thì bị bốc hỏa, hình ảnh chụp lại buổi thử nghiệm cho thấy.

Các nhà đầu tư và nhà phát triển hỏa tiễn cho biết nhiên liệu thay thế như dầu lửa, khí methane và oxygen lỏng có thể giúp giảm bớt chi phí và cho phép phóng hỏa tiễn sạch sẽ với môi trường hơn và hiệu quả hơn.

Một số công ty khởi nghiệp tư nhân chế tạo hỏa tiễn tại Trung Quốc từng thử nghiệm nhiều phi thuyền vũ trụ khác nhau trong năm 2023, nhằm chuẩn bị nguồn tài lực cho nhu cầu ngày càng gia tăng trong ngành công nghiệp vũ trụ thương mại ngày càng sáng sủa tại Trung Quốc, trong bối cảnh cạnh tranh gắt gao với tham vọng hình thành một chòm sao vệ tinh thay thế Starlink của Elon Musk

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hãng Boeing nghiên cứu đầu tư nhà máy linh kiện ở Việt Nam


Hôm 22/9, trong lúc tham dự “Tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc” tại New York, ông Tô Lâm, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam đã gặp ông Brendan Nelson – Phó chủ tịch hãng Boeing, kiêm chủ tịch Boeing Global và đề nghị hãng này đầu tư vào Việt Nam.

Tường thuật của VnExpress cho hay, ông Tô Lâm đề nghị hãng Boeing sớm nghiên cứu, khai triển đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, xây dựng trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực gắn với các phi trường lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Tô Lâm cũng đề nghị Boeing tiếp tục “phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để chuyển giao các đơn đặt hàng mua máy bay đã ký kết thời gian qua”.

Ông cũng nói Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định để các nhà đầu tư Mỹ, trong đó có Boeing, đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Theo ông Tô Lâm, Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng hàng không, trong đó nổi bật là dự án phi trường Long Thành tại tỉnh Đồng Nai, có tổng mức đầu tư khoảng 16,06 tỷ USD, với quy mô 5.000 hécta hướng tới là một trong những “trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực”.

Ngoài ra, phi trường Tân Sơn Nhất ở Tp HCM, cũng đang được mở rộng với dự án bổ sung nhà ga T3, có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng (khoảng 447,3 triệu USD).

Đáp lại lời kêu gọi của lãnh đạo Việt Nam, ông Brendan Nelson khẳng định trong thời gian tới hãng Boeing sẽ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam, trong đó chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng phi trường, cơ sở sửa chữa, bảo trì máy bay.

Ngoài ra, Boeing đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Vietnam Airlines, hai bên hứa hẹn trong năm 2028 hoàn thành hợp đồng đã ký kết về việc bán 50 phi cơ trong chuyến thăm của Tổng Thống Joe Biden tới Việt Nam vào năm ngoái.

Một cập nhật khác cũng liên quan đến chuyến đi Mỹ của nhà lãnh đạo Việt Nam.

Thông báo từ Tòa Bạch Ốc cho hay, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào thứ Tư, ngày 25/9 (theo giờ Mỹ).

Cuộc họp, được Reuters đưa tin đầu tiên, dự kiến sẽ diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York.

Trả lời BBC News vào ngày 23/9, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales (Úc) cho rằng, đây sẽ là một cuộc gặp quan trọng.

“Cuộc gặp này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau mà mỗi nhà lãnh đạo dành cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa mới được thiết lập. Tổng thống Biden đang ra hiệu rằng Việt Nam là một đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Thayer nói:

Ông Thayer cũng cho rằng sự kiện này sẽ “giúp nâng cao vị thế trong nước của ông Tô Lâm, với tư cách là người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng”.

Trước cuộc gặp với ông Biden, ông Tô Lâm, trên cương vị Chủ tịch nước, đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng Sáu khi ông Putin thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

Ông cũng đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng Tám.

Việc gặp đủ lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga – ba cường quốc có mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam – theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, là một thành tích đáng kể của ông Tô Lâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét