Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

ĐIỂM TIN 21/9/2024 - Long Đỗ


Ukraine cấm cài ứng dụng Telegram trên thiết bị chính phủ Ukraine đã ban hành lệnh cấm cài đặt cũng như sử dụng Telegram trên các thiết bị chính phủ trước lo ngại bị do thám qua ứng dụng trên. Hiện có khoảng 33.000 kênh Telegram hoạt động ở Ukraine. “Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (NSDC) quyết định hạn chế sử dụng Telegram tại các cơ quan chính phủ, đơn vị quân đội và cơ sở hạ tầng quan trọng”, NSDC ngày 20/9 thông báo, thêm rằng đây là “vấn đề an ninh quốc gia”. Cơ quan này cho biết quy định trên không áp dụng với các nhân viên cần sử dụng Telegram do nhu cầu công việc, khi nền tảng vẫn là kênh liên lạc quan trọng của quân đội và giới chức Ukraine.
<!>
Andriy Kovalenko, người đứng đầu trung tâm phòng chống tin sai lệch của NSDC, xác nhận hạn chế chỉ có hiệu lực với thiết bị của chính phủ, không áp dụng với điện thoại cá nhân.

Lệnh cấm được ban hành sau khi Kyrylo Budanov, giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine (GUR), nộp lên NSDC bằng chứng Nga có khả năng do thám thông qua Telegram. Theo NSDC, bằng chứng của ông Budanov cho thấy lực lượng Nga có thể truy cập được tin nhắn trên nền tảng, trong đó có cả tin nhắn đã bị xóa, cũng như dữ liệu cá nhân của người dùng.

“Tôi luôn và sẽ tiếp tục ủng hộ quyền tự do ngôn luận, nhưng vấn đề với Telegram không phải tự do ngôn luận mà là an ninh quốc gia”, ông Budanov cho hay.

Một số quan chức an ninh Ukraine cũng cho biết Nga có thể sử dụng Telegram để “phát tán phần mềm độc hại và lừa đảo, xác định vị trí người dùng và chỉ thị mục tiêu tập kích tên lửa”.

Telegram có trụ sở tại Dubai và do Pavel Durov, người sinh ra ở Nga, thành lập. Ông Durov năm 2014 rời Nga sau khi từ chối đáp ứng yêu cầu đóng cửa các cộng đồng đối lập trên mạng xã hội VKontakte, nền tảng khác do ông sáng lập và đã bán.

Người sáng lập Telegram bị giới chức sở tại bắt khi hạ cánh xuống Pháp hồi tháng 8 trong khuôn khổ cuộc điều tra về các hoạt động tội phạm trên Telegram, như khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy và giao dịch lừa đảo. Ông Durov đã được tại ngoại sau khi nộp khoản bảo lãnh 5,5 triệu USD, kèm điều kiện phải đến đồn cảnh sát hai lần mỗi tuần và không được rời khỏi Pháp.

Telegram được sử dụng phổ biến ở Nga và Ukraine, đặc biệt sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát đầu năm 2022. Truyền thông Ukraine ước tính đến cuối năm ngoái, 75% người dân nước này đang sử dụng Telegram để liên lạc và 72% coi nền tảng này là nguồn thông tin chính.

Tổng thống Putin sẽ không tới lễ nhậm chức tổng thống Mexico


Bộ Ngoại giao Nga thông báo Tổng thống Nga Putin sẽ không tới dự lễ nhậm chức tổng thống Mexico dự kiến ngày 1/10 của bà Claudia Sheinbaum Pardo, nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Mexico là quốc gia tham gia Quy chế Rome. Trong tuần này bà Sheinbaum vừa từ chối lời mời tới thăm Ukraine của Tổng thống Zelensky.

“Chúng tôi đã nhận lời mời, chúng tôi cảm ơn Mexico vì điều này,” đại diện của Bộ Ngoại giao Nga Alexander Shchetinin nói, và sau đó cho hay Nga sẽ cử một một đại diện khác đi thay. “Sẽ có một người đại diện cho tổng thống tới, đại diện cho người đứng đầu nhà nước chúng tôi,”

Đầu tháng 6, bà Claudia Sheinbaum Pardo (62 tuổi) đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử tổng thống Mexico, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Bà tranh cử đại biểu cho đảng cầm quyền Morena (đảng Phong trào Tái sinh Dân tộc).

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng cho bà, và gọi Mexico là “đối tác thân thiện truyền thống của Nga” tại khu vực Mỹ La-tinh.

Tháng 8, bà đã gửi lời mời ông Putin tới dự lễ đăng quang của bà, dự kiến vào ngày 1/10 tới.

Tổng thống đương nhiệm, Andres Manuel Lopez Obrador đã nói rõ rằng chính quyền Mexico sẽ không thực hiện việc bắt ông Putin theo lệnh trát của ICC bất chấp hối thúc của chính quyền Kiev, đồng thời ông nhấn mạnh rằng Mexico ủng hộ giải pháp hòa giải cho cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở Ukraine.

Mexico là thành viên của Quy chế Rome, biểu tượng thành lập của Tòa án Hình sự Quốc tế ICC tại La Haye (The Hague). Vừa mới đầu tháng nay, ông Putin từng tới Mông Cổ nhưng Mông Cổ cũng không thực hành vai trò thành viên của Quy chế Rome của mình, bất chấp hối thúc của Mỹ và Ukraine. Lưu ý rằng Mỹ không tham gia Quy chế Rome, và Ukraine cũng không đồng ý hoàn sẽ thực hành lệnh trát của ICC nếu lệnh trát đó nhắm vào người của Ukraine.

Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, không có liên hệ việc ông Putin không tới Mexico với việc Mexico là thành viên tham gia Quy chế Rome.

Mới trong tuần, bà Sheinbaum đã từ chối lời mời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới thăm chính thức nước này.

“Tôi sẽ tham dự một số sự kiện quốc tế nhất định mà chúng tôi cảm thấy quan trọng, nhưng chúng tôi sẽ không di chuyển nhiều. Trách nhiệm của chúng tôi là ở [Mexico] nơi đây,” bà Sheinbaumgiải thích việc bà từ chối ông Zelensky.

Philippines bác yêu cầu từ Trung Quốc rút hệ thống Typhon của Mỹ


Hôm thứ Sáu (20/9), giới chức an ninh Philippines cho biết nước này chưa có kế hoạch ngay lập tức trả lại hệ thống Typhon do Mỹ triển khai, vì cần dùng để huấn luyện quân sự.
Theo Reuters, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines là Eduardo Ano cho biết, thời điểm Mỹ rút hệ thống tên lửa tầm trung Typhon khỏi Philippines vẫn chưa được xác định. Mỹ đang thử nghiệm tính khả thi của hệ thống tên lửa này để sử dụng trong các cuộc xung đột trong khu vực.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) viện dẫn nguy cơ đối đầu địa chính trị, yêu cầu Mỹ rút hệ thống tên lửa tầm trung khỏi Philippines.

Hệ thống tên lửa tầm trung Typhon có khả năng trang bị tên lửa hành trình giúp Philippines trong trường hợp bất khả kháng có thể tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc, hệ thống là một phần của cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines, vào tháng 4 được vận chuyển tới miền bắc Philippines – là lần đầu tiên hệ thống này được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên không có tên lửa nào được phóng trong cuộc tập trận.

Philippines là nước láng giềng phía nam của Đài Loan, là nước Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với chiến lược châu Á của Mỹ. Nếu ĐCSTQ phát động tấn công Đài Loan, Philippines sẽ là nơi tập trung quan trọng viện trợ quân sự của Mỹ cho Đài Loan.

ĐCSTQ đã lên án việc triển khai hệ thống này tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cáo buộc Washington kích động một cuộc chạy đua vũ trang.

Phát ngôn viên Lâm Kiên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (19/9) rằng “thực sự quan ngại” về các tin liên quan, cách tiếp cận đó “đe dọa nghiêm trọng đến an ninh khu vực và làm trầm trọng thêm đối đầu địa chính trị”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines là Eduardo Ano đáp lại: “Không ai có thể ra lệnh cho chúng tôi”. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Philippines về liên minh Mỹ-Philippines: “Chúng tôi biết điều gì là tốt nhất cho đất nước mình, vì vậy họ (ĐCSTQ) không thể ra lệnh cho chúng tôi, đặc biệt là về vấn đề triển khai dàn bệ phóng tên lửa này”.

Khi được hỏi hệ thống Typhon sẽ tồn tại ở Philippines trong bao lâu, Ano nói với Reuters: “Chúng tôi không có thời gian biểu (để loại bỏ hệ thống Typhon)”. Ông cũng lưu ý rằng hệ thống này đang được sử dụng để huấn luyện và nâng cấp năng lực của quân đội Philippines: “Hiện tại không có kế hoạch rút khỏi, tương lai vấn đề sẽ được quyết định bởi một hội đồng của cả hai nước”.

Bằng cách triển khai hệ thống Typhon trên đảo, bán kính hỏa lực sẽ không chỉ bao trùm toàn bộ eo biển Đài Loan và eo biển Luzon, mà còn tiếp cận các thành phố ven biển quan trọng của Trung Quốc như Thượng Hải và Quảng Châu, cũng như các căn cứ quân sự khác của ĐCSTQ trên Biển Đông.

Hình ảnh vệ tinh do Planet Labs – một công ty dữ liệu và không gian tư nhân ở Mỹ – chụp hôm thứ Tư (18/9) cho thấy, hệ thống Typhon đã được lắp đặt tại Sân bay Quốc tế Laoag ở mũi phía Tây Bắc của Đảo Luzon, hướng về Trung Quốc và cách eo biển Đài Loan khoảng 250 dặm.

Thảm họa lũ lụt làm tăng thêm căng thẳng tài chính ở Trung Âu.

Chỉ một tuần trước khi trận lũ lụt gây thương vong lớn quét qua miền trung châu Âu, Cộng hòa Séc dường như đã đạt được một chiến thắng nhỏ trong việc kiểm soát ngân sách, dự kiến sẽ là quốc gia đầu tiên trong khu vực đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP theo quy định của Liên minh Châu Âu.

Giờ đây, chiến thắng nhỏ nhoi đó đối với tài chính công đang bị đe dọa khi Cộng hòa Séc và Ba Lan, những quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của trận lũ lụt, đang phải tính toán thiệt hại do trận lụt tồi tệ nhất tấn công khu vực này trong ít nhất hai thập niên qua.

Dựa trên ước tính của các quan chức địa phương, thiệt hại về cơ sở hạ tầng có thể lên tới tổng cộng 10 tỷ USD chỉ riêng ở hai quốc gia này.

Bộ trưởng tài chính Ba Lan cho biết 5,6 tỷ USD được phân bổ từ các quỹ của EU sẽ trang trải một số, nhưng không phải toàn bộ chi phí phục hồi sau lũ lụt.

Sự kiện này làm trầm trọng thêm những thách thức tài chính mà miền Trung châu Âu phải đối mặt, bao gồm ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, lạm phát gia tăng sau cuộc chiến ở Ukraina, và chi tiêu quốc phòng tăng.

Kể từ khi xảy ra đại dịch, khi các quốc gia thành viên EU gạt bỏ điều khoản của khối là phải duy trì mức thâm hụt hàng năm ở mức 3% tổng sản phẩm quốc nội, thâm hụt ngân sách trong khu vực đã tăng vọt lên tới 9% GDP ở Romania và 7% ở Ba Lan và Hungary.

Lạm phát và bầu cử ở Ba Lan, Hungary và Romania càng cản trở việc các nước này cắt giảm thâm hụt.

Đầu tư quân sự cao hơn, chi tiêu cho lương hưu theo lạm phát và chi phí trả nợ tăng cũng đang làm căng thẳng ngân sách.

Hôm 19/9 theo giờ địa phương, Bộ tài chính Séc cho biết họ sẽ phân bổ 1,3 tỷ USD, tương đương 0,4% GDP, để khắc phục thiệt hại do lũ lụt trong sửa đổi ngân sách năm 2024, cao hơn 25% so với ước tính ban đầu của chuyên gia kinh tế David Havrlant vào đầu tuần này.

Điều này có thể đẩy thâm hụt của Séc lên gần mức 3% theo quy định của EU, tăng so với mục tiêu ban đầu là 2,5%, với mức thâm hụt của năm tới hiện cũng được dự báo cao hơn các kế hoạch trước đó.

Steffen Dyck, Phó chủ tịch cấp cao của Moody’s Ratings, cho biết, khu vực này dường như đã chuẩn bị tốt hơn so với trước đây để ứng phó với lũ lụt, nhưng nơi này vẫn phải đối phó với các sự cố và tác động kinh tế thường xuyên hơn từ lũ lụt.

Áp lực bất ngờ lên tài chính của Séc làm nổi bật quy mô thách thức mà các nước thành viên phía đông EU còn lại đang phải đối mặt, vẫn đang vật lộn với mức thâm hụt lớn hơn, từ gần 7% ở Romania đến hơn 5% ở Ba Lan và Hungary.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét