Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

California Từ Nay Có Xa Lộ ‘Little Saigon Freeway!’, Tổng Hợp Chung Quanh Chuyến Đi của Tô Lâm và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tin vui: Cửa cuối cùng! Thứ Tư vừa qua, Thống đốc California ký luật đặt tên xa lộ  *Hết khu phố thương mại, khắp nơi trên nước Mỹ, thị trấn, giờ thì có xa lộ, tên ‘Little Saigon Freeway!’-Dự Luật AB 2698, đặt tên một phần xa lộ 405 thuộc thành phố Westminster là “Little Saigon Freeway,” do Dân Biểu Trí Tạ (Cộng Hòa-Địa Hạt 70) đề nghị, vừa được Thống Đốc Gavin Newsom của California ký ban hành hôm Thứ Tư, 25 Tháng Chín, theo thông cáo báo chí của vị dân cử gốc Việt này đưa ra hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín.
<!>
“Hôm nay, chúng ta đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại. Việc đặt tên ‘Little Saigon Freeway’ có mục đích gìn giữ căn cước tị nạn, ghi nhận sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và đồng thời đem lại sự phồn thịnh cho khu vực Little Saigon. Tôi gửi lời cảm ơn sự ủng hộ của lưỡng viện, các vị dân cử, tổ chức, hội đoàn, và đồng hương khắp California đã viết thư cũng như tham dự điều trần để giúp dự luật này được thông qua,” Dân Biểu Trí Tạ được trích lời cho biết.


Bảng đường trên xa lộ 405, Westminster, chỉ lối vào Little Saigon. Đoạn xa lộ này sẽ được đổi tên thành “Little Saigon Freeway.”
Đây là lần đầu tiên tiểu bang California có một đoạn xa lộ được mang tên Little Saigon, biểu tượng của tập thể người Việt tị nạn.
Năm 1988, với sự tranh đấu của cộng đồng, danh xưng Little Saigon được Thống Đốc George Deukmejian công nhận. Kể từ đó, một số bảng có hàng chữ “Little Saigon Exit” được gắn trên hai xa lộ 405 và 22 để hướng dẫn mọi người vào khu vực có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại.


Văn phòng Dân Biểu Trí Tạ cho biết sẽ làm việc với cơ quan Caltrans để việc gắn bảng “Little Saigon Freeway” được thực hiện vào đầu năm 2025.


San Jose: Hội Đồng Hương Thân Hữu Sài Gòn Tái Hoạt Động!


-Trong thời gian qua, 2 thành viên trụ cột Nhóm Thân Hữu Sài Gòn San Jose đã qua đời, nhất là Niên Trưởng Hải Quân Đại Tá Trần Thanh Điền, vừa mất năm qua, Ông lại là Hội Trưởng, nên nhóm đã ngưng hoạt động!
Hôm qua, Thứ Năm, qua sự vận động của Anh Thăng, những thành viên còn lại của nhóm, đã gặp lại nhau, tại Nhà hàng Cao Nguyên, quyết định thực hiện tiếp tục ý nguyện của những người quá cố. Trong thời gian này, đang kiếm cách bổ sung nhân sự cho đủ túc số, trước khi có những hoạt động trở lại.
Nhóm đã từng thành công, tổ chức những sinh họa dính dáng đến tên Sài Gòn, trong đó có buổi Mừng Tân Niên rất thành công, gần 500 Quan khách tham dự!
Nhóm dự tính sẽ buổi ra mắt Tân Ban Chấp Hành và công bố những hoạt động trong thời gian gần đây.
Tên Sài Gòn, cũng như Cờ Vàng, là những biểu tượng, rất khó chịu với CSVN, chúng luôn luôn kiếm cách triệt hạ!

Vài cảnh sinh hoạt Sài Gòn năm xưa:


CẢNH GIÁC CAO, ĐÃ CÓ VÀI TRƯỜNG HỢP, NẠN NHÂN LÀ NGƯỜI VIỆT, XẢY RA TẠI SAN JOSE: LOẠI THUỐC GÂY MÊ ĐÁNG SỢ NHẤT THẾ GIỚI...HƠI THỞ CUẢ QUỶ!


-Gần đây có một số đồng hương, nhất là mấy chị bị bỏ bùa & bị điều khiển làm những việc như đưa hết tiền bạc, hoặc thậm chí bị hiếp. Thật ra đây chẳng phải bùa mê thuốc lú gì, nhưng chính là tác hại của một loại cây phát xuất từ Columbia.


Theo lời một số nạn nhân thì bọn gian thường xuất hiện ở Costco, hoặc ngay tại nhà thờ và thường hỏi thăm cách thức trao tặng tiền bạc cho các hội từ thiện. Thường khi nghe những tin lành như thế, giới phụ nữ thường hân hoan giúp đỡ tận tình, Và kết quả là nạn nhân bị mê đi, ra xe, hay đưa hắn về nhà, lấy hết tiền bạc và nữ trang giao cho hắn. Khi tỉnh thuốc thì hỡi ôi. Mất hết! mà không nhớ gì để khai!
Đã có 2 người đàn bà VN (ở ngay tại San Jose), chưa kể nạn nhân các sắc dân khác, mà tôi quen biết, là nạn nhân của loại thuốc mê này. Bị mất tiền bạc, nữ trang và đã khai báo với cảnh sát. Theo lời nạn nhân, nên cẩn thận nếu một người đàn ông da ngăm ngăm (Trung đông, Nam Mỹ) tiến đến gần hỏi thăm, làm thế nào để trao tiền cho các cơ quan từ thiện, hoặc nhờ đưa đến gặp cha xứ để trao tiền cúng nhà thờ. Bọn hắn thường cầm một bọc lớn, hé hé cho thấy bên trong toàn tiền. Nên báo cho các bà ngay để đề phòng.


Về loại thuốc đáng sợ nhất thế giới!
Một cuốn phim tài liệu mới đây đưa ra tiết lộ về loại thuốc đáng sợ nhất thế giới, đó là loại thuốc mà bọn tội phạm thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân.
Loại thuốc có tên Scopolamine hay còn gọi là ‘Hơi thở của quỷ” có nguồn gốc từ cây Borrachero, loại cây dại mọc phổ biến ở Bogota, Colombia.
Trong tự nhiên, loại cây này tự sản sinh và phát tán chất Scopolamine. Các bà mẹ nơi đây thường dặn con phải cẩn thận với những bông hoa màu vàng và trắng rất đẹp của loại cây này bởi phấn hoa có khả năng gây ra “những giấc mơ kì lạ”. Chiết xuất từ hạt Borrachero không màu, không mùi và không vị không chỉ tạo ra “những giấc mơ kì lạ”. Đặc tính dễ tan trong nước, những tên tội phạm dùng chất này cho vào thức ăn, nước uống của nạn nhân.

Hãng tin Reuters cho biết, nạn nhân rơi vào trạng thái vô thức và trở nên ngoan ngoãn nghe lời, ra xe, về nhà lấy hết của cải hay đến ngân hàng rút sạch tiền để đưa cho những tên tội phạm. Đặc biệt, những người phụ nữ bị bỏ thuốc “hơi thở của quỷ” trong nhiều ngày, bị hãm hiếp và bán vào nhà chứa.
Anh Ryan Duffy, phóng viên của hãng tin VICE đã đến Bogota, Colombia làm một phóng sự mang tên “Loại thuốc đáng sợ nhất thế giới”. Đoạn phóng sự dài 35 phút của anh được đăng trải trên Youtube vào hôm 11-5 đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
Tiến sỹ Stephen M.Pittel, nhà tâm lý học pháp y và cũng là người tiên phong nghiên cứu về văn hóa thuốc ở San Francisco có viết: “các báo cáo hàng ngày cho thấy, nhiều vụ cưỡng hiếp, trộm cắp, bắt cóc… ở Mỹ và Canada có liên quan đến thuốc Burundanga, một dạng khác của Scopalamine vốn được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua ở Columbia, trong các nghi lễ bản địa”.
Tiến sỹ cho biết thêm: “Thông thường, những tên tội phạm bí mật bỏ thuốc vào nước, hoặc vẩy bột thuốc vào mặt của nạn nhân. Nạn nhân đưa toàn bộ trang sức, tiền, chìa khóa xe, thậm chí còn rút cả tiền ngân hàng, để đưa cho chúng. Khi tỉnh lại họ mới nhận ra đã mất đồ và hoàn toàn không kẻ đó là ai”. Đó là lý do tại sao những năm gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cảnh báo đối với du khách, cẩn thận với “những tên tội phạm ở Colombia sử dụng thuốc vô hiệu hóa tạm thời khách du lịch”.

Chỉ một lượng nhỏ thuốc là có thể “sai khiến” được nạn nhân, trong khi lượng lớn hơn có thể gây bất tỉnh ngay lập tức và gây mất trí nhớ. Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Canada cũng đưa ra lời khuyên cho du khách, đến các vùng nông thôn Colombia. Theo đó, du khách phải cẩn thận, tránh đến các quán bar một mình, cẩn thận với nước uống và đồ ăn nơi đây.
Ngay cả trên website của Bộ Ngoại giao Colombia cũng có lời cảnh báo, khách du lịch đến Colombia “cẩn thận với chất Scopolamine, thường được gọi là Burundanga, khi chúng được hòa với sữa, nước, thuốc lá hay qua đường hô hấp”. Thuốc thường được những tên trộm và bắt cóc dùng trong các quán rượu địa phương. Colombia cũng nổi tiếng là đất nước có tỉ lệ bắt cóc, đòi tiền chuộc, cao nhất thế giới!



Tổng Hợp Chung Quanh Chuyến Đi của Tô Lâm:


 
Hoa Kỳ và Việt Nam Củng Cố Hợp Tác An Ninh Mạng

 

(VOA: Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về Kỹ thuật Mạng và Mới.)
-Hôm 24/9/2024, Văn phòng Phát ngôn viên thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về Kỹ thuật Mạng và Mới nổi Anne Neuberger và Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lương Tam Quang mới có cuộc gặp, trong đó hai bên "cam kết hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau" trong lĩnh vực an ninh mạng và kỹ thuật mới nổi.
"Nhận ra lợi ích chiến lược chung trong các lĩnh vực này, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác trong một loạt các hoạt động kỹ thuật, chính sách và xây dựng năng lực để đạt được các mục tiêu chung về an ninh quốc gia và kinh tế", Văn phòng cho biết trong một thông cáo.

Phía Hoa Kỳ cho biết thêm rằng hai bên "cùng cam kết tiếp tục thúc đẩy tiến độ thông qua các cơ chế hiện có" như Nhóm Công tác An ninh Mạng, Đối thoại Kinh tế, Đối thoại Thực thi Pháp luật và An ninh và Sáng kiến chống Nhu liệu điện toán Tống tiền.
Văn phòng Phát ngôn viên thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm: "Với mục tiêu cuối cùng là tăng cường khả năng chống chịu của mạng lưới cơ sở hạ tầng quan trọng và xây dựng nền kinh tế số cho tương lai, quan hệ đối tác an ninh mạng tăng cường sẽ tìm cách mở ra các cấp độ hợp tác song phương mới và thúc đẩy an ninh mạng và tăng trưởng số rộng rãi hơn trên toàn khu vực".

Thông báo về hợp tác song phương về an ninh mạng và kỹ thuật mới nổi được đưa ra một ngày trước cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm tại New York chiều ngày 25/9 bên lề Phiên họp thứ 79 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Cổng thông tin của Bộ Công an dẫn lời ông Quang nói tại buổi làm việc nhân dịp tháp tùng ông Lâm tới dự cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc rằng sự phát triển của kỹ thuật thông tin và sự mở rộng của không gian mạng hiện nay "đang đặt ra nhiều nguy cơ, trực tiếp đe dọa đến an ninh, trật tự của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam".
Ông cũng được dẫn lời nói thêm rằng tội phạm mạng, tội phạm kỹ thuật cao tại Việt Nam "ngày càng phức tạp với nhiều phương thức tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng"".
Theo Cổng thông tin này, hai bên "nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp để thường xuyên chia sẻ thông tin về những hiểm họa trên không gian mạng" cũng như "chủ động ứng phó với những thách thức từ không gian mạng một cách hiệu quả".
Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi năm 2023 nhân chuyến thăm của Tổng thống Biden có đoạn nói rằng "hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và Tư pháp hình sự hai nước", trong đó có "chống tội phạm xuyên quốc gia, nạn cướp biển, rửa tiền, nạn mua bán người, buôn bán trái phép chất ma túy và tiền chất ma túy, tội phạm mạng và tội phạm kỹ thuật cao".


Ông Tô Lâm Kêu Gọi Mỹ Bỏ Cấm Vận Cuba


(AP Photo/Pamela Smith: Chủ tịch Tô Lâm phát biểu tại Liên Hiệp Quốc hôm 24/9/2024.)
-Trong bài đọc tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tối 24/9/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi Hoa Kỳ bỏ cấm vận đối với Cuba - nước cộng sản anh em với Việt Nam, đồng thời "quyết liệt phản đối các hành vi cô lập và cấm vận đơn phương".
Bài phát biểu của ông Tô Lâm được thực hiện tại Lễ khai mạc phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Khóa 79 với chủ đề "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Hành động đoàn kết để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, phẩm giá con người vì các thế hệ hôm nay và tương lai".
Người đứng đầu Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài phát biểu của mình đã chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hòa bình, ổn định... trong đó có "tôn trọng thể chế chính trị mỗi nước đã lựa chọn và được Nhân dân ủng hộ" và "quyết liệt phản đối các hành vi cô lập và cấm vận đơn phương đi ngược lại với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc".
"Khẳng định đoàn kết với Nhà nước và Nhân dân Cuba, kêu gọi Hoa Kỳ gỡ bỏ các biện pháp bao vây, cấm vận đơn phương chống lại Cuba và đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Đây là những hành động cụ thể, thiết thực vì sự phát triển bình đẳng, hạnh phúc của các quốc gia, cần thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới", ông Tô Lâm đọc phát biểu của mình trước lãnh đạo các quốc gia tại Liên Hiệp Quốc.
Hoa Kỳ đã bắt đầu có các biện pháp cấm vận mạnh mẽ đối với Cuba từ đầu những năm 1960. Các doanh nghiệp Mỹ đã không được có hoạt động kinh doanh với Cuba từ năm 1958. Dưới thời của Tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã nới lỏng một số cấm vận với Cuba nhưng vào tháng 11/2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cho áp dụng các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt trở lại với Cuba.
Chủ tịch nước Tô Lâm theo dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba trong tuần này ngay sau chuyến làm việc tại New York, Mỹ, nơi ông có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.


Ông Tô Lâm Gặp Các Đại Diện Doanh Nghiệp Mỹ, Meta Cam Kết Mở Rộng Đầu Tư Vào Việt Nam


(VNN: Chủ tịch Tô Lam găp ông Nick Clegg - Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Tập đoàn Meta - ở New York hôm 23/9/2024.)
-Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm trong cuộc gặp với các đại diện tập đoàn lớn ở Mỹ tại New York đã cam kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế số nội địa, kêu gọi các hãng lớn của Mỹ đầu tư vào nghiên cứu ở Việt Nam.
Ông Tô Lâm gặp gỡ các đại diện tập đoàn Mỹ hôm 23/9/2024 bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Theo báo Nhà nước, tại cuộc gặp giữa ông Tô Lâm với đại diện của Meta (Facebook), Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Tập đoàn Meta, ông Nick Clegg cho biết tập đoàn này có kế hoạch sản xuất các sản phẩm kính thực tế ảo Metaverse tại Việt Nam.

Ông Tô Lâm đề nghị Meta tiếp tục trao đổi với các cơ quan, đối tác phía Việt Nam, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để thúc đẩy khai triển các hoạt động hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực khoa học công nghê, đổi mới sáng tạo, AI, Internet vạn vật (IoT).
Trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu của Tập đoàn Apple, ông Nick Ammann, ông Tô Lâm đề nghị Apple và các đối tác hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực sản xuất và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; nghiên cứu thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC); nghiên cứu khả cung cấp các suất học bổng tài năng cho các sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật thông tin, lập trình, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)....

Tại một diễn đàn doanh nghiệp nằm trong loạt sự kiện được tổ chức ở New York nhân chuyến làm việc này, ông Tô Lâm đã ký một loạt các thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn năng lượng, trí tuệ nhân tạo và trung tâm dữ liệu của Mỹ, theo thông tin từ Chính phủ Việt Nam.
Trong các thỏa thuận được ký kết có bản ghi nhớ về chuyển giao kỹ thuật giữ Tập đoàn Kellogg Brown & Root và PetroVietnam, hợp tác khí hóa lỏng giữa PetroVietnam và Exelerate Energy, xây dựng trung tâm dữ liệu và trí tuệ thông minh giữa Tập đoàn Sovico và Supermicro.
Nhân dịp này, Tập đoàn Vietjet của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký thỏa thuận hợp tác 1,1 tỉ Mỹ kim với Honeywell Aerospace Technologies. Theo đó, công ty của Mỹ sẽ cung cấp các thiết bị điện tử hàng không và dịch vụ kỷ thuật hàng không cho đội tàu bay của Vietjet.


Tổng Thống Biden Nói Về Việt Nam Trong Bài Phát Biểu Cuối Cùng ở Liên Hiệp Quốc


(Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng ly tại buổi tiệc trưa cấp nhà nước do Chủ tịch Việt Nam khi đó Võ Văn Thưởng chủ trì tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 11/9/2023.)
-Tổng thống Joe Biden nhắc đến việc Mỹ và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện như một thành tựu trong sự nghiệp của ông trong bài phát biểu cuối cùng của người đứng đầu Tòa Bạch Ốc tại Liên Hiệp Quốc, khi ông đã rút lui khỏi cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Biden thăm Việt Nam vào tháng 9 năm 2023 và cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó nâng cấp hai nước, vốn là cựu thù trong Chiến tranh Việt Nam, lên tầm đối tác cao nhất mà Hà Nội đã có với Trung Quốc và Nga, vốn là hai đối thủ lớn nhất mà Hoa Thịnh Ðốn muốn kiềm chế.

Trong bài phát biểu trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 24/9, mà ông Biden nói "là lần cuối cùng của tôi", Tổng thống Mỹ nói về những bất ổn trên thế giới, gồm cả chiến tranh Việt Nam, kể từ khi ông bắt đầu sự nghiệp Thượng Nghị sĩ Mỹ năm ông 29 tuổi vào năm 1972.
"Hoa Kỳ đang tham chiến ở Việt Nam, và tại thời điểm đó, là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ", ông Biden nói, nhắc đến Việt Nam ngay trong phần đầu của bài phát biểu dài khoảng 15 phút.
Sau khi nói rằng "Chúng ta đã chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam", Tổng thống Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay.
"Năm 2023, tại Hà Nội, tôi đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đã nâng quan hệ đối tác của mình lên mức cao nhất", ông Biden nói trước hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới tại phiên toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
"Đó là minh chứng cho sức bền bỉ của tinh thần con người và khả năng hòa giải rằng ngày nay Hoa Kỳ và Việt Nam là đối tác và bạn bè, và đó là bằng chứng cho thấy ngay cả từ những nỗi kinh hoàng của chiến tranh vẫn có một con đường phía trước", ông Biden nói và nhắc nhở rằng "mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn".

Người đứng đầu Tòa Bạch Ốc đề cập đến sự hàn gắn quan hệ giữa hai cựu thù để trở thành những đối tác chiến lược tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Việt Nam trong bối cảnh có các cuộc xung đột lớn đang diễn ra trên thế giới. Ông Biden nhắc tới các cuộc chiến hiện tại ở Ukraine, Gaza hay Sudan và nguy cơ xung đột lớn ở Biển Đông.
Với chỉ 4 tháng nữa là hết nhiệm kỳ, ông Biden đã kêu gọi ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga và kêu gọi giải pháp ngoại giao cho tình hình thủ địch gia tăng ở Trung Đông.
Đây không phải lần đầu tiên ông Biden nhắc đến hình mẫu quan hệ Mỹ-Việt trước các lãnh đạo thế giới tại Liên Hiệp Quốc.
Cũng tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 2023, diễn ra chỉ hơn 1 tuần sau khi ông Biden thăm Hà Nội, người đứng đầu Tòa Bạch Ốc đã ca ngợi việc Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ở mức cao nhất là hình mẫu của việc "kẻ thù trở thành đối tác".
Khi hai nước thiết lập quan hệ cao nhất vào ngày 11/9/2023, các nhà lãnh đạo hai bên đã đưa ra phương châm 16 chữ là "khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".

Châm ngôn này đã được Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam nhắc lại trong một bài phát biểu tại Đại học Columbia hôm 23/9, trong đó ông Lâm, người trở thành nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được mời làm diễn giả tại trường Đại học Mỹ, nói rằng Việt Nam đã "chọn đối thoại thay vì đối đầu" với Mỹ dù còn có những khác biệt.
Trước các sinh viên Mỹ và quốc tế, ông Lâm nêu bật "thiện chí hợp tác" là nền tảng để đưa Việt Nam và Hoa Kỳ từ cựu thù thành đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao đến kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, trong số nhiều mặt khác.
Ông Lâm nói rằng "câu chuyện thành công của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ" là đã "biến điều không thể thành có thể".
Trước đó, vào chiều ngày 22/9 tại New York, ông Lâm đã dự lễ kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện và hướng đến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trước cử tọa với sự có mặt của Thượng Nghị sĩ Dan Sullivan cùng cựu Ngoại trưởng John Kerry, ông Lâm đã điểm lại lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, gọi đó là "quá trình hiếm có và là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh", theo Tuổi Trẻ.

Trong ngày làm việc cuối cùng ở New York, ông Biden sẽ gặp ông Lâm bên lề tại Liên Hiệp Quốc vào chiều 25/9.
Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ tại Á Châu-Thái Bình Dương, nơi Hoa Thịnh Ðốn đang mở rộng sự hợp tác với các đồng minh và đối tác để kiềm chế sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực và trên thế giới.
Dù Việt Nam vẫn tiếp tục quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga theo chính sách ngoại giao đa phương hóa và "4 Không", Hà Nội vẫn được chính quyền Biden chọn vào danh sách các đối tác hàng đầu trong khu vực" của Mỹ trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2022. Việt Nam cũng đã được nhắc đến trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời năm 2021 của Mỹ. Hoa Kỳ cũng chọn Việt Nam là một điểm đến để "friendshoring", tức là chuyển sản xuất đến các quốc gia hữu hảo để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trích dẫn lời của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, ông Biden nói khi kết thúc bài phát biểu của mình hôm 25/9 rằng "mọi thứ dường như luôn bất khả thi cho đến khi nó trở thành hiện thực", và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau hợp tác để "không có gì nằm ngoài khả năng của chúng ta".


DW: Trung Quốc Trong Chương Trình Nghị Sự, Khi Ông Tô Lâm Gặp Ông Biden



(AP: Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/9/2024.)
-Tân Chủ tịch nước của Việt Nam, ông Tô Lâm, một cựu Bộ trưởng Công an đã củng cố quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi người tiền nhiệm qua đời vào tháng 7/2024, tuần này có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Trong bài phát biểu, ông Tô Lâm đã thảo luận về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu, theo hãng tin DW của Đức.
"Những thách thức chưa từng có đối với hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững và phẩm giá con người đang ảnh hưởng đến thế hệ này và thế hệ tiếp theo", ông Tô Lâm nói. "Chúng buộc chúng ta phải đoàn kết, hành động và làm việc cùng nhau, duy trì vai trò của các thể chế quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Liên Hiệp Quốc".

Bài phát biểu của ông đánh dấu một thời khắc quan trọng, vì ông là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng, theo DW.
Ông Tô Lâm cũng gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chiều ngày 25/9. Cuộc họp này được coi là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á như một đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tòa Bạch Ốc nói cuộc gặp là "cơ hội quan trọng để hai nhà lãnh đạo thảo luận về mối quan tâm chung của chúng ta đối với sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á".
Một Đồng Minh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á?
Giới phân tích tin rằng ngay cả một cuộc tương tác ngắn ngủi với ông Biden cũng sẽ giúp ông Tô Lâm chứng minh sự trung lập của Việt Nam trên trường quốc tế khi đất nước này duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các đối thủ của Hoa Kỳ là Trung Quốc và Nga, vẫn theo bài phân tích đăng trên DW.

Đầu năm nay, ông Tô Lâm đã có chuyến đi quan trọng tới Bắc Kinh, nơi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông cũng đã tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hà Nội để hội đàm vào tháng 6.
Theo DW, chuyến đi của ông Tô Lâm tới New York phản ánh hành động cân bằng tinh tế của Việt Nam trên trường thế giới khi nước này nỗ lực định vị mình là một bên có ảnh hưởng trong địa chính trị toàn cầu.
"Mong muốn duy trì khoảng cách cân bằng giữa các siêu cường của Việt Nam khiến ông Tô Lâm tự nhiên muốn gặp ông Biden sau chuyến thăm Trung Quốc và gặp Tập Cận Bình", ông Nguyễn Khắc Giang từ Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Tân Gia Ba, nói với DW.
Tháng 9 năm 2023, ông Biden đã đến thăm Việt Nam, nơi Việt-Mỹ đã đạt được các thỏa thuận quan trọng về chất bán dẫn và nâng quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, thứ hạng ngoại giao cao nhất của Việt Nam.
Bản tin của DW đề cập tới việc trước chuyến đi của ông Tô Lâm tới Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam đã thả một số nhà hoạt động nổi tiếng khỏi nhà tù, bao gồm Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng.
Việc thả những tù nhân này được coi là một nỗ lực nhằm xoa dịu những chỉ trích quốc tế về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, đặc biệt là khi nước này đang thắt chặt quan hệ với các quốc gia phương Tây, vẫn theo DW.
Một Tuần Bận Rộn của Ông Tô Lâm Tại New York
Tuần này, ông Tô Lâm cũng đã gặp gỡ đại diện của các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, bao gồm cả Google và Meta, và chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận với các công ty Mỹ mà qua đó sẽ thúc đẩy ngành hàng không và chất bán dẫn của Việt Nam.


Tổng Bí Thư CSVN Tô Lâm Cảm Ơn Sự Ủng Hộ của Ukraine Trong Sự Nghiệp Thống Nhất Đất Nước


(X/Volodymyr Zelenskyy: Tổng thống Ukraine, ông Volodymir Zelensky bắt tay Tổng Bí thư-Chủ tịch Tô Lâm tại New York hôm 24/9/2024.)
-Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm trong cuộc gặp mới đây với Tổng thống Ukraine - Volodymir Zelensky – đã bày tỏ lòng biết ơn đối với người dân Ukraine vì đã ủng hộ Việt Nam trước kia.
Chiều 24/9/2024 (giờ miền Đông Hoa Kỳ), Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky bên lề hội nghị tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Tại cuộc gặp Tổng thống Ukraine, ông Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện vớiUkraine.
Mạng báo Vietnamnet dẫn lời ông Tô Lâm bày tỏ, Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình mà nhân dân Liên Xô, trong đó có Ukraine, đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong phát triển đất nước ngày nay.

Ông Tô Lâm nêu quan ngại về tình hình xung đột hiện nay; kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, tuy nhiên không nhắc trực tiếp đến Nga, nước đã xâm lược Ukraine từ đầu năm 2022.
Ông Lâm khẳng định lại lập trường: tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc,....
Ông cho hay, Việt Nam hoan nghênh, ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho xung đột... và sẵn sàng đóng góp vào quá trình thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình...
Đồng thời, người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi xung đột chấm dứt, Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế hỗ trợ công cuộc tái thiết tại Ukraine.

Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay luôn giữ lập trường trung lập trong cuộc chiến Ukraine – Nga và đã bỏ các phiếu trắng hoặc chống đối với tất cả các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine.
Báo Nhà nước tường thuật về cuộc gặp, cho hay Tổng thống Ukraine đánh giá cao lập trường của Việt Nam, đồng thời cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine; mong muốn Việt Nam ủng hộ tuyên bố của Hội nghị hòa bình (lần thứ nhất) tại Thuỵ Sĩ, cũng như giúp Ukraine trong việc rà phá bom mìn,khắc phục hậu quả xung đột.
Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine luôn bảo đảm an toàn cho cộng đồng người Việt Nam và Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Kyiv.
Viết trên mạng xã hội X vào sáng ngày 25/9 (giờ miền Đông Hoa Kỳ), Tổng thống Ukraine bày tỏ:
"Tại New York, tôi đã gặp Chủ tịch Việt Nam, Tô Lâm. Chúng tôi đã thảo luận về sự phát triển của quan hệ song phương và mở rộng thương mại giữa các nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ nhân đạo và sự sẵn sàng đóng góp (của Việt Nam-PV) cho việc tái thiết sau chiến tranh của Ukraine".


Ông Tô Lâm Gặp Gỡ Các Tập Đoàn Hoa Kỳ, Cam Kết Thúc Đẩy Nền Kinh Tế Kỹ Thuật


(AP: Chủ tịch nước Tô Lâm.)
-Chủ tịch nước Tô Lâm cam kết mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam trong các cuộc họp với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ tại New York, khi quốc gia Đông Nam Á này tìm kiếm thêm đầu tư từ các công ty Mỹ, nhất là về kỹ thuật.
Trong chuyến công tác đầu tiên tới Hoa Kỳ với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm dự kiến sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào chiều ngày 25/9/2024.
Ông Tô Lâm đã có các cuộc họp với một số công ty Hoa Kỳ, bao gồm các tập đoàn kỹ thuật Apple và Meta và các công ty tài chánh Blackstone và Warburg Pincus, theo hình ảnh ông Lâm bắt tay với đại diện của các công ty được công bố trên Cổng thông tin chính phủ Việt Nam.

Ông Tô Lâm, người cũng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, chức vụ quyền lực nhất của Việt Nam, có kế hoạch gặp đại diện Google vào cuối ngày 25/9, theo một người biết về lịch trình của ông, xác nhận một bản tin của thông tấn xã Reuters đăng tuần trước.
Tại cuộc họp với ông Lâm hôm 23/9, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, Nick Clegg, đã chia sẻ kế hoạch sản xuất kính thực tế ảo tại Việt Nam, theo cổng thông tin chính phủ Việt Nam. Meta, công ty có hàng chục triệu người dùng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam, đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Tại một diễn đàn kinh doanh riêng rẽ, ông Lâm đã ký các thỏa thuận hợp tác với các công ty Hoa Kỳ về năng lượng, trí tuệ nhân tạo và trung tâm dữ liệu, chính phủ cho biết.
Trong số người tham gia còn có đại diện của công ty kỹ thuật Amazon, công ty thanh toán Visa, công ty đa quốc gia về hàng tiêu dùng Procter & Gamble và công ty năng lượng AES.
Ông Lâm "đã nói rõ ràng rằng trong nhiệm kỳ Chủ tịch và Tổng Bí thư của ông, ông sẽ thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật", ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, nhóm vận động đồng tổ chức sự kiện này, nói với thông tấn xã Reuters.
Trong các cuộc họp với các công ty Hoa Kỳ, ông Lâm cho biết rằng Việt Nam coi chuyển đổi số là động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, theo cổng thông tin chính phủ.
"Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI là... một lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu", ông Lâm nói.


Ông Tô Lâm Chia Sẻ Tầm Nhìn VN Về Xóa Bỏ Áp Bức, Bóc Lột, Xây Dựng Thế Giới Hòa Bình


(AP Photo/Frank Franklin II: Ông Tô Lâm phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, 22/9/2024.)
-Trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 24/9/2024 ở New York (Mỹ), trong đó ông chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về xóa bỏ áp bức, bóc lột và xây dựng thế giới hòa bình, tốt đẹp.
Không chỉ nắm chức Chủ tịch nước, ông Tô Lâm hiện cũng là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, chức vụ có thực quyền quyết sách cao nhất của đất nước.
Việc ông kiêm nhiệm hai chức danh hàng đầu cùng một lúc khi đến Mỹ tham gia các hoạt động tại Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) và có lịch gặp Tổng thống Mỹ vào ngày 25/9 đã được Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang nêu bật trong một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam.

Ông Giang nhấn mạnh rằng "Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự trực tiếp kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu Liên Hiệp Quốc".
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng hôm 24/9, ông Tô Lâm lưu ý rằng ở vị trí hàng đầu, từ góc nhìn của Việt Nam, "hòa bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo tương lai thịnh vượng", vì vậy, "cần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc ở tất cả các quốc gia, trước hết là các nước lớn".
"Mỗi quốc gia cần hành xử có trách nhiệm, tuân thủ cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc; trong đó có các nguyên tắc cơ bản về giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau; tôn trọng thể chế chính trị mỗi nước đã lựa chọn và được nhân dân ủng hộ", ông Lâm nói.
Ông Tô Lâm không đề cập đến cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine, các hành vi hung hăng, lấn át của Trung Quốc ở Biển Đông, hay cuộc chiến mà Do Thái đang thực hiện ở Dải Gaza và ở biên giới với Lebanon...

Điều thứ hai được nhà lãnh đạo Việt Nam kêu gọi là cộng đồng quốc tế cần "chú trọng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển, đặc biệt về nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi về đầu tư, thương mại, giảm gánh nặng nợ cho các nước nghèo".
Tiếp đến, người đứng đầu đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đề nghị "sớm thiết lập những khuôn khổ quản trị toàn cầu thông minh với tầm nhìn dài hạn về khoa học-kỹ thuật, nhất là kỹ thuật mới nổi như trí tuệ nhân tạo".
Ông Tô Lâm cũng đề nghị "cải tổ các cơ chế đa phương, nhất là hệ thống Liên Hiệp Quốc và các thể chế tài chánh-tiền tệ quốc tế bảo đảm tốt hơn tính đại diện, công bằng, minh bạch".
Trong phần cuối bài phát biểu, nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh tới thông điệp "Chỉ khi đoàn kết, hợp tác, tin cậy, chung sức, đồng lòng, chúng ta mới có thể xây dựng thành công thế giới hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện tại và mai sau, để không ai bị bỏ lại phía sau".
Tiếp sau hoạt động tại Liên Hiệp Quốc, vào ngày 25/9, ông Tô Lâm sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo một bản tin của thông tấn xã Reuters, trong con mắt của chính quyền Mỹ thời ông Biden, Việt Nam được xem là một đất nước chiến lược ở Đông Nam Á kiêm một trung tâm sản xuất-chế tạo mà Mỹ muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ để làm đối trọng với Nga và Trung Quốc, trong khi chính Việt Nam vẫn duy trì quan hệ với hai nước đó.


Cơ Chế Chính Trị Là Rào Cản Lớn Nhất Ngăn Trí Thức Đóng Góp Cho Việt Nam?


(Báo QĐND: Tổng Bí thư Tô Lâm gặp trí thức Việt tại New York.)
-Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa kêu gọi trí thức Việt Nam ở ngoại quốc, đặc biệt là tại Mỹ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Một số trí thức Mỹ gốc Việt bày tỏ sự hoài nghi về khả năng hiện thực hóa lời kêu gọi này trong bối cảnh những rào cản chính trị vẫn tồn tại giữa cộng đồng hải ngoại và trong nước.
Vì Sao Chưa Thu Hút Được Trí Thức?
Trong chuyến đi Mỹ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79, hôm 22/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp gỡ một nhóm trí thức người Việt đến từ Houston, tiểu bang Texas. Tại đây, ông Tô Lâm nhấn mạnh rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng cộng đồng người Việt sinh sống ở ngoại quốc, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng trí thức Việt Nam tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới nên đoàn kết, đồng lòng và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, hướng tới một kỷ nguyên mới của đất nước.

Đáp lại lời kêu gọi của ông Tô Lâm, nhiều trí thức gốc Việt tại Mỹ mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn bày tỏ hoài nghi và chia sẻ những rào cản thực tế họ đã và đang gặp phải trong việc đóng góp cho quê hương.
Luật sư Linh Nguyễn, thành viên của Liên minh vì Dân chủ cho Việt Nam, người cũng có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc cho biết, nhà nước Việt Nam luôn muốn tận dụng nguồn trí lực của tri thức gốc Việt ở hải ngoại. Tuy nhiên, theo bà:
"Căn bản trí thức là tự do và khai phóng, còn cái căn bản của Cộng sản là áp bức, là giáo điều, coi người dân như là công cụ chứ thực sự ra cũng không biết tận dụng trí thức của con người cho nên chưa thể thu hút được nhiều người Việt đóng góp cho Việt Nam".

Chia sẻ quan điểm với RFA, ông Võ Ngọc Ánh, hiện đang sinh sống tại tiểu bang Hoa Thịnh Ðốn tin rằng đã là người Việt, dù sinh sống ở đâu, theo bất kỳ đảng phái nào thì cũng đều muốn góp sức xây dựng một Việt Nam phát triển hơn. Theo ông Ánh, các rào cản chính trị vẫn là trở ngại lớn nhất khiến nhiều trí thức hải ngoại không thể thích nghi khi trở về làm việc ở Việt Nam. Chính trị độc đảng và sự kiểm soát chặt chẽ từ Nhà nước đã khiến môi trường làm việc trong nước trở nên thiếu tự do, cản trở sự phát triển và đổi mới sáng tạo:
"Chính trị là cái trở ngại lớn nhất. Chính trị đã chi phối tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, khoa học... Nó rất là khó cho những người làm việc được tôn trọng, họ quen với cái môi trường giáo dục cũng như khoa học, kỹ thuật, một cái tự do độc lập ở các nước phát triển".
Cần Mở Không Gian Tự Do
Lời kêu gọi của ông tân Tổng Bí thư không có gì mới mẻ, điều đó được lặp đi lặp lại qua nhiều thời kỳ và qua nhiều đời lãnh đạo. nó còn được xây dựng thành đường lối, chính sách chung của Việt Nam, thông qua các Nghị quyết 36 hay Quyết định 1334 về "Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở ngoại quốc phục vụ phát triển đất nước".

Trong một bài phân tích về Quyết định 1334 của Giáo sư Nguyễn Văn Chữ được đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Việt-Mỹ thuộc Đại học Oregon, ông chỉ ra rằng, cộng đồng người Việt ở ngoại quốc không chỉ có vai trò quan trọng về mặt kinh tế mà còn có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Công dụng của số lượng ngoại tệ dự trữ là giúp ổn định nền kinh tế, giá trị của chính đồng tiền Việt Nam và hối suất giữ đồng tiền Việt Nam đối với các ngoại tệ; tất yếu là sẽ gián tiếp bảo vệ chế độ.
Mặc dù Quyết định 1334 mở ra nhiều cơ hội hợp tác, nhưng bài viết của Giáo sư Chữ cũng nêu ra nhiều thách thức mà người Việt ở ngoại quốc phải đối mặt như về pháp lý, văn hóa, và sự khác biệt trong cách tiếp cận quản lý. Điều này đòi hỏi những chính sách và môi trường làm việc cởi mở hơn từ phía chính phủ Việt Nam để kiều bào có thể yên tâm đóng góp.
Đồng tình với nhận định trên, ông Võ Ngọc Ánh nói thêm rằng, nếu Việt Nam không có những thay đổi cơ bản, ít nhất là tạo ra một không gian tự do hơn cho khoa học và giáo dục, thì rất khó để thu hút được sự tham gia của trí thức ngoại quốc:
"Cần phải thay đổi thì mới thu hút được trí thức. Ít ra thì Việt Nam phải mở một cái không gian tự do cho giáo dục có quyền tự chủ hơn, được kết nối khoa học kỹ thuật với ngoại quốc nó tốt hơn, độc lập hơn. Những cái điều đó may ra mới đem lại một sự khởi sắc cho Việt Nam. Bước đầu là như vậy.

Còn mình nghĩ để thay đổi chính trị với Việt Nam thì mình nghĩ đó là điều rất là nhiều người Việt ở hải ngoại trong đó có trí thức mong muốn, nhưng mà để làm được điều đó thì phải có một sự thay đổi đó nó rất là lớn, mà trong lúc này thì không dễ. Trí thức họ không muốn phải dấn thân vào con đường chính trị để thay đổi nó".
Trong khi đó, Luật sư Linh Nguyễn nhấn mạnh rằng nếu Việt Nam không thực sự cải cách, mở rộng tự do và dân chủ, thì việc thu hút trí thức từ ngoại quốc sẽ chỉ là những lời nói suông.
Luật sư này cũng cho biết cộng đồng người Việt ở Mỹ sẽ luôn ủng hộ Việt Nam, nếu Việt Nam là một quốc gia dân chủ pháp trị, độc lập với một hệ thống chính trị đa nguyên đa đảng; Quyền lực của Hiến pháp phải thuộc về ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp; Luật pháp phải bảo đảm nền Dân chủ và nhân quyền, tôn trọng quyền bầu cử tự do và công bằng....


Tin Quốc Tế Đó Đây

Lần Đầu Tiên Hezbollah Bắn Phi Đạn-Đạn Đạo Về Phía Tel Aviv, Do Thái


(REUTERS - Amir Cohen: Do Thái bắn chặn phi đạn được phóng đi từ Lebanon tại Tel Aviv, Do Thái, ngày 25/9/2024.)
-Hôm 25/9/2024, phong trào Hezbollah ở Lebanon, thân Iran và ủng hộ tổ chức Hồi giáo Hamas của Palestine, tuyên bố đã phóng phi đạn-đạn đạo về hướng Tel Aviv, Do Thái. Tuy nhiên, phía Do Thái cho biết đã bắn chặn được phi đạn này.
Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
Lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, lực lượng Hezbollah đã phóng một phi đạn về phía Tel Aviv, khiến các còi báo động vang lên khắp thành phố và hơn 1 triệu người Do Thái phải lui vào nơi trú ẩn vào đúng 6 giờ 30 phút sáng nay.
Theo quân đội Do Thái, phi đạn địa đối địa bắn đi từ Lebanon nhắm vào miền trung Do Thái, nhưng đã bị hệ thống phòng không David's Sling đánh chặn. Tổ chức Hồi Giáo Shia ở Lebanon đã nhận trách nhiệm về vụ bắn phi đạn và khẳng định là nhắm vào căn cứ tình báo Glilot ở phía bắc Tel Aviv, nơi có trụ sở của Mossad, cơ quan mật vụ Do Thái, được cho là đã kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của chiến binh Hezbollah vào tuần trước. Không quân Do Thái còn thông báo đã phát giác phi đạn được phóng đi từ Nafakhiyeh ở Lebanon và Nhà nước Do Thái đã phá hủy bệ phóng.
Trước những diễn biến leo thang căng thẳng này, Thủ tướng Do Thái đã quyết định rút ngắn hơn nữa chuyến đi New York. Ông Netanyahu sẽ đến Liên Hiệp Quốc vào ngày mai, và sẽ phát biểu trước Đại Hội Đồng vào thứ Sáu.
Nhân đi dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ, Ngoại trưởng ba nước Ai Cập, Irak và Jordanie, hôm nay, đã ra thông cáo chung lên án "Do Thái đang đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào một cuộc chiến toàn diện".


Lebanon Rơi Vào Hỗn Loạn Vì Cuộc Chiến Tranh Mới

-Cuộc xung đột tại Trung Đông giữa Do Thái và phong trào Hồi giáo Hezbollah bùng nổ dữ dội là thời sự chính được các báo Pháp ra hôm 25/9/2024 tập trung phản ánh.

Cuộc chiến Do Thái-Hezbollah phủ kín trang nhất hầu hết các báo. Báo Le Monde chạy tựa chính trang nhất: "Cuộc tấn công của Do Thái dìm Lebanon vào trong chiến tranh". Báo Le Figaro ghi nhận: "Chống lại Hezbollah, Do Thái chọn leo thang quân sự". Phủ kín trang bìa của La Croix là bức ảnh một tòa nhà cao tầng ở Beirut bị phi đạn Do Thái phá hủy tan nát với hàng tựa lớn: "Beirut: tiếng bom nổ". Nhật báo Libération trên nền bức ảnh người già và trẻ em Lebanon trong thùng xe vận tải chạy di tản khỏi cuộc tấn công của Do Thái là hàng tựa kêu gọi: "Hãy làm chiến tranh dừng lại ở Lebanon".

Báo Le Monde ghi nhận cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông vừa bùng lên đã vô cùng tàn khốc. Hôm thứ Hai Do Thái tập kích ồ ạt vào 1.600 vị trí liên quan đế Hezbollah và các kho đạn của phong trào này ở Lebanon đã làm ít nhất 500 người thiệt mạng. "Cuộc xung đột ở cường độ thấp với Hezbollah dai dẳng từ 11 tháng qua giờ đã bùng lên thành cuộc chiến tranh cường độ cao, lan ra nhiều vùng dân cư". Theo tờ báo, không loại trừ một cuộc chiến tranh trên bộ sắp tới khi mà Nhà nước Do Thái muốn tạo một vùng đệm ở miền nam Lebanon để cho 60 ngàn người dân Do Thái ở miền Bắc có thể trở lại nhà họ. Trong một bối cảnh khác, miền bắc Do Thái đặt trong tình trạng báo động cao nhất, mọi hoạt đồng đều ngừng trệ để đối phó với phi đạn, rốc két của Hezbollah đáp trả.

Trong khi đó nhật báo Le Figaro dành nhiều trang bài phản ánh cuộc chiến mới ở Trung Đông. Ghi nhận của tờ báo: "Lebanon chết đứng trước sự leo thang hiếu chiến của Do Thái. Trong sự hỗn loạn do hàng trăm cuộc oanh kích trút xuống miền nam đất nước, các gia đình hoảng loạn không còn thời gian để thương tiếc người thân đã bị chết". Yếu hơn về mọi mặt quân sự nhưng lực lượng Hezbollah vẫn bắn phá đáp trả vào miền bắc Do Thái. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc xung đột hạ nhiệt. Dù bị suy yếu đi nhiều sau loạt tấn công này, nhưng Hezbollah vẫn còn đủ phi đạn cho một cuộc xung đột kéo dài.

Xã luận của báo Le Figaro nhận định: "Ở giai đoạn này, chỉ có sự can thiệp ngoại giao mạnh mẽ mới có thể ngăn chặn được phản ứng dây chuyền hướng tới "chiến tranh toàn diện".

Hầu hết các báo đều có chung nhận định, khó có thể biết được liệu chiến dịch tấn công dữ dội này hay khả năng một cuộc tấn công trên bộ của Do Thái có thể đè bẹp Hezbollah hay không, nhưng hiện tại cuộc tấn công quân sự trên diện rộng của Do Thái lần này là một "chiến lược rủi ro cao" của Nhà nước Do Thái. Nguy cơ cuộc chiến tranh lan rộng khắp vùng Trung Đông là hoàn toàn có thể.


Mỹ Sắp Viện Trợ Quân Sự Thêm Cho Ukraine, Bao Gồm Bom Chùm


(Bom chùm.)
-Các viên chức Hoa Kỳ ngày 24/9/2024 loan báo Mỹ sẽ gửi cho Ukraine một số lượng bom chùm tầm trung và một loạt rốc-két, Pháo binh và xe bọc thép trong một gói viện trợ quân sự thêm trị giá khoảng 375 triệu Mỹ kim.
Các viên chức dự kiến sẽ có thông báo chính thức vào ngày 25/9, khi các nhà lãnh đạo toàn cầu họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy sử dụng sự xuất hiện của mình tại đó để củng cố sự ủng hộ và thuyết phục Hoa Kỳ cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào Nga. Ngày hôm sau, ông Zelenskyy gặp Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tại Hoa Thịnh Ðốn.

Theo các viên chức, khoản viện trợ này bao gồm bom không đối đất, có chứa bom chùm và có thể được máy bay chiến đấu của Ukraine bắn ra, cũng như đạn dược cho Hệ thống phi đạn Pháo binh cơ động cao (HIMARS), Javelin và các hệ thống chống thiết giáp khác, Xe Chống mìn và Bảo vệ Chống Phục kích, hệ thống bắc cầu và các loại xe khác cùng thiết bị quân sự.
Gói vũ khí mới nhất, được cung cấp thông qua thẩm quyền rút tiền của Tổng thống, là một trong những gói lớn nhất được phê duyệt gần đây và sẽ lấy hàng tồn trữ từ các kho của Ngũ Giác Đài để chuyển vũ khí nhanh hơn cho Ukraine.

Gói viện trợ được đưa ra giữa bối cảnh gần 6 tỉ Mỹ kim tài trợ cho Ukraine có thể hết hạn vào cuối tháng này trừ khi Quốc hội hành động để gia hạn thẩm quyền của Ngũ Giác Đài trong việc chuyển vũ khí từ kho dự trữ của mình đến Kyiv. Các nhà lãnh đạo Quốc hội tuyên bố rằng họ đã đạt được thỏa thuận vào ngày 22/9 về Dự luật chi tiêu ngắn hạn, nhưng không rõ liệu có bất kỳ điều khoản nào gia hạn thẩm quyền của Ngũ Giác Đài trong việc chuyển vũ khí đến Ukraine sẽ được thêm vào biện pháp tạm thời hay không khi các cuộc đàm phán với Quốc hội vẫn đang tiếp tục.

Lực lượng Ukraine và Nga đang giao tranh ở phía đông, bao gồm cả giao tranh tay đôi ở khu vực biên giới Kharkiv, nơi Ukraine đã đẩy Nga ra khỏi một nhà máy khổng lồ ở thị trấn Vovchansk đã bị chiếm đóng trong bốn tháng, các viên chức cho biết ngày 24/9. Đồng thời, quân đội Ukraine vẫn tiếp tục giữ vững vị trí ở khu vực Kursk của Nga sau một cuộc xâm nhập táo bạo vào tháng trước.
Thông báo viện trợ được đưa ra sau chuyến thăm được bảo vệ nghiêm ngặt của ông Zelenskyy vào ngày 22/9 tới một nhà máy đạn dược của Mỹ ở Pennsylvania để cảm ơn những công nhân đang sản xuất một trong những loại đạn dược cần thiết nhất cho cuộc chiến chống lại lực lượng trên bộ của Nga.
Bao gồm cả gói viện trợ mới nhất này, Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 56,2 tỉ Mỹ kim viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi lực lượng Nga xâm lược vào tháng 2 năm 2022.


Chiến Tranh Ukraine: Đường Dài Để Đến Đàm Phán Với Nga

-Nhật báo Le Monde có bài nói về giả thuyết một cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga vừa hé ra đã cho thấy một con đường đầy cạm bẫy.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với kế hoạch nhằm cố gắng đặt đất nước mình trên thế mạnh trước nhà lãnh đạo Ðiện Cẩm Linh Vladimir Putin, trong khi mà viễn cảnh các cuộc thương lượng vẫn còn ở đâu đó rất xa.
Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga đã kéo dài hơn ba mươi tháng, cả hai bên tham chiến đều không tỏ dấu hiệu sẵn sàng ngừng chiến và ý tưởng đàm phán vẫn chỉ là ở trong trứng nước.

Tuy nhiên, viễn cảnh đàm phán đang được giới ngoại giao nhắc đến trong các cuộc trao đổi hành lang Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 79, (từ ngày 22 đến 27/9) tại New York.
Sau bài phát biểu tại diễn đàn hôm nay, Tổng thống Ukraine sẽ được tới Tòa Bạch Ốc vào ngày mai (26/9) để trình bày với Tổng thống Mỹ Joe Biden, "kế hoạch chiến thắng" mà ông đã bí mật thảo ra từ nhiều tuần qua. Theo Le Monde, với Kyiv, vấn đề là thực hiện một nỗ lực quân sự mới với sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, để hy vọng buộc nước Nga của Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán. Trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC của Mỹ sẽ phát sóng ngày 14/9, ông Zelensky tuyên bố rằng Ukraine đang ở "gần với hòa bình hơn chúng ta nghĩ" và tin rằng mùa thu năm nay sẽ là "quyết định".

Nhưng theo Le Monde, giả thuyết về việc mở ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên tham chiến vẫn rất không chắc chắn, vì con đường này dường như đầy cạm bẫy cho dù các đồng minh của Kyiv cũng bắt đầu muốn nhưng vẫn chia rẽ về cách thức tìm lối thoát ngoại giao cho cuộc chiến. Trước mọi khả năng đàm phán, có ý kiến cho rằng cần phải làm tất cả để đặt Ukraine và thế mạnh. Thế nhưng, các yêu cầu của Ukraine cho hướng này lại khiến các đồng minh dè dặt. Một số nước như Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic, Lỗ Ma Ni tỏ lập trường cứng rắn, muốn tiếp tục nỗ lực hậu thuẫn khiến Vladimir Putin hiểu được rằng ông ta không thể thắng trong cuộc chiến. Bên kia là Anh, Pháp và Đức, những nước từ đầu tỏ ra kiên định nhưng bắt đầu suy nghĩ về những hướng khác thoát khỏi xung đột. Tóm lại, con đường dẫn hai bên tham chiến đến bàn đàm phán vẫn còn xa vời và nhiều chông gai. Đến lúc này cuộc chiến vẫn tiếp diễn khốc liệt.


Ukraine: Tù Nhân Tăng Viện Mặt Trận

-Nhật báo Công giáo La Croix có bài phóng sự có tựa đề đáng chú ý: "Những tù nhân Ukraine tăng viện trên mặt trận Pokrovsk".
Bài báo của La Croix cho thấy, để đối mặt với tình trạng thiếu quân, Kyiv bắt đầu tuyển mộ lính trong các nhà tù. Ít nhất 4.000 cựu tù nhân đã gia nhập quân đội Ukraine kể từ khi áp dụng biện pháp này từ mùa xuân vừa rồi. Theo La Croix, các binh sĩ đặc biệt này được đánh giá cao trên thực địa chiến trường, nhưng chắc chắn sẽ vẫn còn chưa đủ để xoay chuyển tình hình.

La Croix cho biết, cũng giống như tất cả những người đăng lính tình nguyện, các cựu tù nhân này đã ký một hợp đồng, theo đó họ sẽ có thể rời quân ngũ với tư cách là những người tự do nếu sống sót sau chiến tranh. Tuy nhiên, thật khó để nói họ cũng như những người lính khác. Họ bị cách ly trong tiểu đoàn hình sự, họ không có quyền nghỉ phép trong năm đầu tiên của hợp đồng và hầu như chỉ được khai triển cho các nhiệm vụ tấn công nguy hiểm.
La Croix nhận định, việc phải huy động đến các cựu tù nhân này chắc chắn không đảo người tình hình đang ngày càng khó khăn với Kyiv. Nhưng trên mặt trận Pokrovsk, những người lính tù nhân cũ này cũng giúp quân đội Ukraine, thiếu nhân lực thường trực, có được chút thời gian nghỉ để lấy lại sức.


Hung Gia Lợi Bị Chỉ Trích Vì Không Ưu Tiên Hồ Sơ Ukraine Trong Nhiệm Kỳ Chủ Tịch Luân Phiên Liên Hiệp Âu Châu


(AFP / Piero Cruciatti: Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban trả lời báo chí nhân chuyến đi tới Cernobbio, Ý Ðại Lợi, ngày 6/9/2024.)
-Sau gần 3 tháng làm Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu (nhiệm kỳ 6 tháng), đến hôm 24/9/2024, Hung Gia Lợi mới công bố các mối quan tâm của nhiệm kỳ Chủ tịch.
Trong cuộc họp cấp Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu, Budapest đã nêu lên 7 mối quan tâm, trong đó có dân số, di dân, nông nghiệp.... Chiến tranh Ukraine chỉ là một mục trong phần về "ngoại giao". Từ Brussels, thông tín viên Pierre Bénazet của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
"Như để trả đũa cho vụ gần như là vụ tẩy chay cuộc họp đầu tiên của các Ngoại trưởng (trong nhiệm kỳ Hung Gia Lợi làm Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu), Budapest đã giảm nhẹ tầm mức hồ sơ Ukraine trong danh sách các mối quan tâm của Liên Hiệp Âu Châu. Đây là thái độ nhạo báng của chính phủ Hung Gia Lợi. Budapest chỉ dành khoảng 10 dòng để nói về Ukraine, tương đương như phần nói về Thụy Sĩ.

Các Bộ trưởng của Bỉ, Latvia, Phần Lan, Thụy Điển và CH Séc đã nhanh chóng có phản ứng, nhấn mạnh rằng chiến tranh Ukraine bị Hung Gia Lợi "gạt ra bên lề". Adam Szłapka, Bộ trưởng Ba Lan phụ trách Âu Châu phát biểu:
"Mùa đông đang đến gần, Nga liên tục tấn công vào mạng lưới năng lượng, chính vì thế hỗ trợ về năng lượng cho Ukraine là một chủ đề đặc biệt quan trọng. Chủ đề này sẽ được thảo luận tại thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu, và điều mà tôi sẽ đại diện cho Ba Lan để nhấn mạnh, đó là chúng tôi hy vọng chính quyền Hung Gia Lợi sẽ cho thấy một quan điểm rất rõ ràng đối với nước Nga, rằng Budapest sẽ tiếp tục chính sách trừng phạt Nga và Hungagry cũng sẽ dành cho Ukraine một sự ủng hộ không gì lay chuyển được trong các nỗ lực chiến tranh của Kyiv chống lại Nga".
Thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 17 và 18/10 tới đây có nguy cơ một lần nữa trở thành nơi diễn ra cuộc đụng độ giữa Thủ tướng Hung Gia Lợi và các đối tác Âu Châu".
Xin nhắc lại sau khi chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu vào 1/7/2024, Thủ tướng Hung Gia Lợi đã nhanh chóng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai cuộc gặp này hoàn toàn không được Brussels ủng hộ. Các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu phản ứng bằng cách hủy cuộc họp đầu tiên của các Ngoại trưởng trong khối, dự kiến ban đầu được tổ chức ở Budapest.


Trung Quốc Phóng Thử Phi Đạn-Đạn Đạo Ra Thái Bình Dương


(REUTERS - Jason Lee: Các phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa DF-41 tại quảng trường Thiên An Môn trong cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 1/10/2019.)
-Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, hôm 25/9/2024, quân đội Trung Quốc thông báo đã bắn thử một phi đạn-đạn đạo liên lục địa ra Thái Bình Dương.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, được thông tấn xã AFP trích dẫn, Bắc Kinh đã "phóng một phi đạn-đạn đạo mang đầu đạn giả tới vùng biển khơi ở Thái Bình Dương vào lúc 8 giờ 44 phút và phi đạn đã rơi xuống khu vực biển dự kiến".
Ankit Panda, nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie nhận định, "đây là điều rất bất thường và lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ mới có một cuộc thử nghiệm như vậy". Ông Panda đồng thời nhấn mạnh "cuộc thử nghiệm này có thể nói lên quá trình hiện đại hóa nguyên tử của Trung Quốc". Lần cuối cùng Bắc Kinh bắn thử phi đạn-đạn đạo ra Thái Bình Dương là vào những năm 1980.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định cuộc thử nghiệm này "phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và không nhắm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào".
Trung Quốc hiện có hơn 500 đầu đạn nguyên tử tính đến tháng 5/2023 và có thể có hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Bắc Kinh đã tăng cường phát triển nguyên tử và tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây. Hồi tháng 10/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo, Trung Quốc đang phát triển kho vũ khí nhanh hơn so với dự đoán của Hoa Kỳ.
Vào tháng 11/2023, Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh đã tổ chức những cuộc đàm phán hiếm hoi về việc kiểm soát vũ khí nguyên tử, nhưng vào tháng 7 vừa qua, Trung Quốc thông báo đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Mỹ để đáp trả việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.


Số Tàu Trung Quốc Tại Các Vùng Tranh Chấp Với Phi Luật Tân Cao Nhất Từ Đầu Năm


(Hình AFP - Jam Sta Rosa: Tàu của Cảnh sát Biển Trung Quốc đi ngang qua tàu của Cảnh sát Biển Phi Luật Tân BRP Cape Engaño (T), trên biển Đông, ngày 26/8/2024.)
-Theo Hải quân Phi Luật Tân, số lượng tàu Trung Quốc tập trung tại Biển Tây Phi Luật Tân, tức khu vực mà Phi Luật Tân đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, trong tuần vừa qua, 17 đến 23/9/2024, tăng lên thành 251, "cao nhất từ đầu năm đến nay".
Trang mạng Bắc Kinh South China Morning Post hôm 25/9, dẫn lại thông báo của Chuẩn Đô đốc Roy Vincent Trinidad, phát ngôn viên của Hải quân Phi Luật Tân, theo đó đã có 28 tàu Hải cảnh, 16 chiến hạm của Hải quân, 204 tàu Dân quân Biển Trung Quốc và 3 tàu nghiên cứu và khảo sát. Số lượng tàu nói trên cao hơn hẳn so với 157 tàu trong tuần trước đó, từ ngày 10 đến ngày 16/9.

Phát ngôn viên Hải quân Phi Luật Tân cho biết, số lượng tàu Trung Quốc phát giác được gần khu vực bãi cạn Sa Bin là ở mức cao nhất, kể từ khi tàu Tuần duyên Phi Luật Tân BRP Teresa Magbanua rời đi vào giữa tháng 9/2024.
Bãi cạn Sa Bin, cách đảo lớn Palawan khoảng 146 cây số về phía tây, là điểm trung chuyển tiếp tế của Phi Luật Tân cho bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), cách đó khoảng 65 cây số.
Chuẩn Đô đốc Trinidad, phát ngôn viên của Hải quân Phi Luật Tân, tỏ ra không ngạc nhiên trước sự gia tăng về số lượng tàu thuyền Trung Quốc tại đây. Theo ông, số lượng tàu này nằm trong khả năng khai triển của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.
Tân Hoa Xã Trung Quốc hôm 25/9 tố cáo nhiều tàu của Hải quân và của Tuần duyên Phillippines áp sát một tàu khảo sát của Trung Quốc ở Biển Đông sáng hôm qua, nhưng không nói rõ là tại địa điểm cụ thể nào. Theo các nhân viên tàu Hải Dương Địa Chất 12 (Ocean Geology 12) của Trung Quốc, một pháo hạm Phi Luật Tân đã di chuyển ngoằn ngoèo xung quanh tàu.
Trước đó, vào ban đêm, một tàu Phi Luật Tân mang số hiệu 298 đã cố tình che tên trên mũi tàu, tắt đèn và hệ thống nhận dạng tự động, vượt qua trước mũi tàu nghiên cứu của Trung Quốc cách đó khoảng 300 mét với tốc độ cao và không trả lời liên lạc vô tuyến từ tàu Trung Quốc.


Thái Lan Chính Thức Trở Thành Nước Đầu Tiên ở Đông Nam Á Cho Phép Hôn Nhân Đồng Giới


(Hình AP - Sakchai Lalit: Cuộc tuần hành Pride Parade tại Vọng Các, Thái Lan, ngày 1/6/2024.)
-Được Quốc hội thông qua hồi tháng 6/2024 và được vua Maha Vajiralongkorn ban bố vào hôm 24/9/2024, đạo luật công nhận hôn nhân đồng giới chính thức có hiệu lực tại Thái Lan từ tháng 01/2025.
Thái Lan trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á và là nước thứ ba ở Á Châu, sau Đài Loan và Nepal, cho phép các cặp đồng giới kết hôn. Từ Vọng Các, thông tín viên Valentin Cebron của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Cô Matcha bày tỏ hy vọng: "Là người thuộc cộng đồng LGBTQ (đồng tính, chuyển giới, song giới...), chúng tôi sẽ được chấp nhận nhiều hơn, đặc biệt là được luật pháp chính thức công nhận. Chúng tôi sẽ được biết đến nhiều hơn trong xã hội, điều này cũng có nghĩa là được hưởng các cơ hội như tất cả những người khác".

Nhận con nuôi, thừa kế, được hưởng phúc lợi xã hội... Quả thực, văn bản được nhà vua ban bố hôm thứ Ba (24/9) dự kiến trao cho các cặp đôi đồng tính những quyền giống như mọi cặp đôi nam - nữ khác, bởi vì ẩn đằng sau vẻ bề ngoài cởi mở và nồng nhiệt, Thái Lan vẫn là một vương quốc bảo thủ và các nhà tranh đấu cho rằng từ lâu nay họ vẫn phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử.
Cô Matcha giải thích thêm: "Trước đây, cuộc sống hàng ngày của chúng tôi rất khó khăn. Chẳng hạn như có sự phân biệt đối xử mạnh mẽ mang tính thể chế trong lĩnh vực công. Nhiều người vẫn nghĩ rằng hôn nhân chỉ dành cho các cặp đôi nam - nữ".
Đây là đạo luật mang tính lịch sử đối với cả đất nước Thái Lan và khu vực Đông Nam Á. Đạo luật có hiệu lực từ tháng 01/2025.
Về phần Matcha, cô đã cầu hôn với người bạn đời của mình và nhận được câu trả lời đồng ý. Lễ kết hôn dự kiến diễn ra trong năm 2025".


Hồ Sơ Về Ukraine, Cận Đông, Biển Đông Bao Trùm Diễn Văn Cuối Cùng của Biden tại Liên Hiệp Quốc

 
(REUTERS - Mike Segar: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York, Hoa Kỳ, ngày 24/9/2024.)
-Hôm 24/9/2024, trong ngày mở đầu Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có phát biểu tại diễn đàn này. Theo thông tấn xã AFP, vị Tổng thống Mỹ hơn 80 tuổi đã kêu gọi lãnh đạo các nước bảo vệ nền Dân chủ, nỗ lực để tránh nguy cơ "chiến tranh toàn diện" tại Lebanon và ủng hộ Ukraine chống xâm lược Nga.
Tổng thống Biden mở đầu bài diễn văn với cuộc chiến tại Ukraine. Theo ông, "Putin đã thất bại trong cuộc chiến" xâm lược Ukraine. Ông nhấn mạnh "tin tốt lành là cuộc chiến của Putin đã không đạt được mục tiêu chính. Ông ta có ý định tiêu diệt Ukraine, nhưng Ukraine vẫn tự do. Ông ấy có ý định làm suy yếu Ukraine và Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng NATO lớn mạnh hơn và đoàn kết hơn bao giờ hết".
Về cuộc chiến giữa Do Thái và Hamas, Tổng thống Mỹ lên án Hamas về "những hành động bạo lực không bút nào tả nổi được này", và khẳng định: "chúng ta không được nhắm mắt làm ngơ trước nỗi kinh hoàng của (vụ khủng bố) ngày 7/10 (năm 2023)". Mặt khác nguyên thủ Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân Palestine, "những thường dân vô tội ở Gaza cũng đang phải trải qua địa ngục. (...) Họ không chịu trách nhiệm về cuộc chiến do Hamas khởi xướng". Joe Biden kêu gọi "hoàn tất ngay lập tức" một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và nhấn mạnh "một giải pháp ngoại giao hiện vẫn còn có thể" để ngăn chặn leo thang căng thẳng giữa Do Thái và Hezbollah, Lebanon.

Đà bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông cũng là một chủ đề chính trong bài diễn văn cuối cùng tại Liên Hiệp Quốc của ông Biden. Nguyên thủ Mỹ nhấn mạnh là Hoa Thịnh Ðốn "sẽ không bao giờ ngần ngại chống lại các hành động cưỡng ép ở Biển Đông" và khẳng định Hoa Thịnh Ðốn "muốn hợp tác với (Bắc Kinh)".
Ngày 26/9, Tổng thống Biden cùng Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ sẽ gặp lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Zelensky cũng muống gặp cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa. Hôm qua, trong một cuộc vận động tranh cử, Donald Trump tái khẳng định là Hoa Kỳ đang bị kẹt trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, và nếu đắc cử sẽ "đưa Mỹ ra khỏi cuộc chiến này".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét