Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

Vài Tin Đáng Chú Ý Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


(Nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách.)
Dân biểu Đức bảo trợ cho nhà hoạt động đấu tranh Đặng Đình Bách! -Ông Andreas Jung, Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức, vừa nhận bảo trợ cho ông Đặng Đình Bách trong chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội Liên bang Đức. Ông Bách là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường và khí hậu đang bị cầm tù ở Việt Nam. “Tôi dành sự kính phục lớn nhất cho ông Bách vì sự dấn thân dũng cảm và kiên quyết của ông”, Dân biểu Jung, đại diện cho địa hạt cử tri Konstanz, đồng thời là Phó chủ tịch liên bang của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc Đức (CDU), cho biết trong thông cáo hôm 23/8.
<!>
“Điều cốt yếu nhất mà tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam là cần trả tự do cho ông Bách ngay lập tức”, vị dân biểu Đức, cũng là một luật sư, nêu rõ.
Trong tư cách là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), một tổ chức phi chính phủ về môi trường, ông Bách đã bị kết án 5 năm tù vào tháng 1/2022 với cáo buộc “trốn thuế” liên quan đến số tiền tài trợ cho các hoạt động của tổ chức phi chính phủ của ông.
“Việc bắt giam ông đã bị các nhà quan sát độc lập xem là một biện pháp chính trị để triệt hạ các tiếng nói phản biện về chính sách khí hậu”, thông cáo của dân biểu Đức viết.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về thông cáo nêu trên của ông Jung, nhưng chưa được trả lời.
Trước khi bị bắt vào tháng 6/2021, ông Bách kêu gọi chính quyền cho phép các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tham gia vào chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), một chương trình hợp tác giữa G7 và Việt Nam để tạo năng lượng bền vững.
Ông Đặng Đình Bách được biết đến là một nhà hoạt động đã lên tiếng về nạn ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và những ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ các dự án điện than và dự án công nghiệp gây ô nhiễm khác.
Theo ông Jung, phát ngôn viên về Bảo vệ Môi trường và Khí hậu của khối liên kết hai đảng Cơ đốc Đức (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), trên thực tế, hiện ở Việt Nam đã không còn bất kỳ tổ chức xã hội dân sự độc lập nào dám công khai lên tiếng về chính sách khí hậu nữa.
“Những họat động của ông Đặng Đình Bách và LPSD có liên quan đến 2 vấn đề chung của Liên hiệp châu Âu (EU) và Đức: việc thành lập một mạng lưới của 21 NGO muốn làm việc trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) và mối quan tâm bảo vệ khí hậu toàn cầu”, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO! có trụ sở tại Đức, chia sẻ ý kiến với VOA.

“Điều này cho thấy Việt Nam không thể tách rời vấn đề nhân quyền của mình ra khỏi thế giới. Do đó, những quốc gia và tổ chức có quan hệ đối tác với Việt Nam cũng phải có trách nhiệm can thiệp cho những người như ông Bách đang bị giam cầm chỉ vì đã dấn thân bảo vệ các giá trị chung của nhân loại”, ông Dụng nêu nhận xét.
Chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” là một sáng kiến của Uỷ ban Nhân quyền Quốc hội Liên bang Đức.
Khi tham gia chương trình, các dân biểu nước này có được cơ hội bảo trợ chính trị cho các đồng nghiệp ở nước ngoài hoặc cho những người bị đe dọa hoặc đàn áp vì họ dấn thân cho dân chủ và nhân quyền.
Ngoài ra, thông qua chương trình này, các dân biểu sẽ hợp tác với bộ ngoại giao, tòa đại sứ cũng như các tổ chức phi chính phủ để công khai hóa các vụ việc và thúc đẩy cải thiện tình trạng của các nạn nhân.
Các nhà hoạt động Việt Nam trước đây được các dân biểu Đức bảo trợ trong chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” như nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, nhà báo Phạm Chí Dũng, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm, nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển.


Tin bầu cử 2024: Tắt micro hay không? Trump và Harris chưa tranh luận, đã tranh cãi nảy lửa!


(Hình ghép hai ứng cử viên tổng thống, Donald Trump (trái, chụp ngày 27 tháng Sáu, 2024 tại Atlanta) và Kamala Harris (chụp ngày 31 tháng Bảy, 2019 tại Detroit).
-Hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ — Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ bên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump — chưa từng gặp mặt hoặc thậm chí nói chuyện với nhau, nhưng họ đang cãi nhau về các điều khoản của cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên tại buổi tranh luận dự kiến diễn ra vào ngày 10 tháng 9.
Ban đầu hai bên đồng ý tham gia cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, được truyền hình toàn quốc trên ABC News tại thành phố Philadelphia, theo đúng các nguyên tắc và điều kiện từng áp dụng trong cuộc tranh luận giữa ông Trump với Tổng thống Joe Biden vào cuối tháng 6, nghĩa là micro của bên này phải được tắt trong lúc bên kia phát biểu.
Bây giờ, bà Harris đang tìm cách yêu cầu micro của cả đôi bên được bật lên trong suốt cuộc tranh luận. Đây là động thái có thể dẫn đến những phần trao đổi trực tiếp, sôi nổi hơn giữa hai ứng cử viên nhưng cũng có thể tạo ra hiện tượng nói chồng lấn khiến hàng triệu người xem có thể gặp khó khăn khi nghe quan điểm đối lập của các ứng cử viên.


Ông Brian Fallon, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của bà Harris, cho rằng “những người phụ trách của ông Trump thích micro bị tắt vì họ không nghĩ ứng cử viên của họ có thể tự mình hành động như một tổng thống trong 90 phút”. Ông nói rằng bà Harris “sẵn sàng đối phó với những lời nói dối và sự ngắt lời liên tục của ông Trump trong thời gian thực. Ông Trump nên ngừng núp bóng sau cái nút tắt của micro”.
Ông Trump dường như cho thấy rằng điều đó không tạo ra nhiều khác biệt đối với ông. Ông nói với các phóng viên hôm 26/8: “Chúng tôi đã đồng ý với các quy tắc tương tự. Chẳng hiểu sao, nhưng điều đó không quan trọng với tôi.” “Thỏa thuận ban đầu là sẽ giống như lần trước, nghĩa là tắt micro.”

“Sự thật là họ đang tìm cách quay xe,” ông Trump nói.


Bản thân ông Trump đã ám chỉ trong một bài đăng vào tối ngày 25/8 trên nền tảng Truth Social của mình rằng ông có thể sẽ không xuất hiện trong cuộc tranh luận của ABC. Ông Trump đã bày tỏ sự bất bình về talk show tin tức Chủ nhật của kênh này với “cái gọi là Nhóm những người ghét Trump.” Ông viết trên Truth Social rằng: “Tại sao tôi lại tham gia Cuộc tranh luận với Kamala Harris trên kênh đó?” và thúc giục những người theo dõi “Hãy chờ xem!!”
Cuộc tranh luận Trump-Biden hôm 27 tháng 6 đóng vai trò then chốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024. Ông Biden, 81 tuổi, đã vấp váp rất tệ, mất mạch suy nghĩ và không thể trực tiếp thách thức ông Trump, đến nỗi các đồng minh Dân chủ của ông ở Quốc hội đã kêu gọi ông chấm dứt chiến dịch tái tranh cử. Ông đã rút lui vào ngày 21 tháng 7 và ủng hộ bà Harris và các quan chức Dân chủ chủ chốt cũng nhanh chóng ủng hộ bà.
Bà Harris và ông Trump chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp hoặc nói chuyện qua điện thoại, mặc dù họ thường xuyên chế giễu nhau về mặt chính trị. Khi ông Trump làm tổng thống, bà Harris đã tham dự các bài phát biểu về Tình hình Liên bang của ông tại phòng họp rộng lớn của Hạ viện nhưng ngồi cách xa bục phát biểu của ông Trump.

Trong hầu hết các cuộc tranh luận tổng thống được truyền hình trước đây, micro đều không tắt đối với cả hai ứng cử viên.
Nếu bà Harris đạt được mục đích của mình và micro không tắt trong suốt cuộc tranh luận, triển vọng trao đổi văn minh giữa hai ứng cử viên có thể sẽ giảm đi.
Vào năm 2020, khi ông Trump và ông Biden lần đầu tranh luận, micro không được tắt và hai ứng cử viên thường xuyên ngắt lời nhau và nói át đi phát biểu của nhau. Các nhà phân tích chính trị gọi cuộc chạm trán này là một thảm họa, một trong những cuộc tranh luận tổng thống tệ nhất từ trước đến nay.
Cuộc tranh luận thứ hai năm 2020 với micro bị tắt được nhiều người ca ngợi là có ý nghĩa hơn so với cuộc đối đầu trước đó.


Đảng Cộng Hòa nhiệt tình, chào đón cựu Dân biểu từ cánh tả Tulsi Gabbard!
(Thiên Đức


(Cựu Dân biểu Tulsi Gabbard.)
-Cựu Dân biểu Tulsi Gabbard được nhắc đến khá nhiều gần đây trong giới truyền thông, sau khi rời bỏ Đảng Dân Chủ và liên tục có những biểu hiện ủng hộ đảng viên Đảng Cộng Hòa trong bối cảnh bầu cử giữa kỳ sắp tới. Đảng Cộng Hòa dường như đã nhiệt tình đón bà như một người bạn mới.
“Ngay giờ đây, người Mỹ chúng ta đang đối mặt với mối nguy hiểm về quyền tự do. Mối nguy này không phải đến từ quốc gia khác, mà đến từ những người lãnh đạo cao cấp trong chính chính quyền chúng ta, khi họ lạm dụng quyền lực để đạt lợi ích ích kỷ cá nhân của chính họ! Họ tước đoạt dần những quyền tự do của chúng ta! Thật nguy hiểm nhường nào khi những người lãnh đạo chúng ta ngồi ở Nhà Trắng và ở Quốc Hội cầm quyền lực trong tay và đang không ngừng nỗ lực bịt miệng, bôi nhọ, bóp méo tất cả những ai bất đồng quan điểm với họ. Vũ khí mà những người nắm quyền ấy được trang bị chính là bộ máy nhà nước chúng ta,…” Đó là phát biểu trước công chúng của bà Gabbard tại một cuộc vận động cho Herschel Walker, nghị sĩ Đảng Cộng Hòa. Từ khi rời khỏi Đảng Dân Chủ vào tháng trước, bà ngày càng có các phát biểu với nội dung kiểu như vậy.

Mặc dù trước đây từng chế giễu cựu Dân biểu Hawaii này, thậm chí như là “người theo chủ nghĩa xã hội đang tìm cách xoa dịu các nhà độc tài như Bashar al-Assad và Vladimir Putin,” nhưng nay các đảng viên Đảng Cộng Hòa đã chuyển hướng và nhiệt tình đón nhận bà như một người bạn mới, cũng mời bà tham gia phát biểu trong một số chiến dịch vận động của đảng của họ.
“Nhiều chiến dịch đang đón nhận cô ấy vì cô là một cựu đảng viên Đảng Dân chủ, người đã thức tỉnh trước các chính sách cực đoan của cánh tả”, một nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa giấu tên nói với tờ Politico. “Tuy trên thực tiễn quan điểm của cô ấy có xu hướng theo chủ nghĩa biệt lập, nhưng chúng tôi luôn có những cam kết dân sự và tôn trọng ở cấp độ cá nhân.”

Bà Gabbard (41 tuổi) đại diện cho Hawaii trong Quốc hội từ năm 2013 đến năm 2021. Bà là người theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đầu tiên trong Quốc hội, và cũng là người đầu tiên thuộc dân tộc Samoan-American làm dân biểu. Năm 2020, bà tham gia cuộc đua làm ứng cử viên tổng thống cho Đảng Dân Chủ, nhưng sau đó đã rời khỏi cuộc đua và ông Joe Biden vào vị trí này. Tháng trước (10/2022), bà rời khỏi Đảng Dân Chủ trở thành chính khách độc lập.
Về lý do rời khỏi Đảng Dân Chủ, bà Gabbard chỉ trích những gì mà bà coi là chủ nghĩa cực đoan ngày càng phát triển trong Đảng Dân Chủ về các chủ đề như giáo dục, giới tính, và chiến tranh. Chủ trương của bà bao gồm tuyên bố không để Hoa Kỳ tham gia vào “các cuộc chiến tranh vĩnh viễn” và rút nước này khỏi Afghanistan.
“Tôi không thể ở lại Đảng Dân Chủ của ngày nay nữa. Giờ đây, nó đang nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của bè đảng tinh hoa đầy những kẻ hiếu chiến được điều khiển bởi chủ nghĩa thức tỉnh hèn nhát, những kẻ chia rẽ chúng ta bằng cách phân biệt chủng tộc hóa mọi vấn đề và kích động phân biệt chủng tộc chống lại người da trắng, những kẻ năng nổ làm việc để phá hoại các quyền tự do mà Chúa ban cho chúng ta vốn được ghi trong Hiến Pháp của chúng ta, và những kẻ thù hận những người có đức tin và tâm linh, những kẻ bôi xấu cảnh sát, những kẻ bảo vệ tội phạm gây thiệt hại cho những người Mỹ tuân thủ luật pháp, những kẻ tin vào biên giới cởi mở, những kẻ vũ khí hóa chính phủ an ninh quốc gia để truy đuổi các đối thủ chính trị của họ, và trên hết, đang kéo chúng ta lại gần hơn với chiến tranh hạt nhân.”
Bấy giờ bà Gabbard cũng kêu gọi các thành viên Đảng Dân Chủ khác cùng bà rời khỏi đảng này. “Hôm nay, tôi kêu gọi các đồng sự Đảng Dân Chủ có tư tưởng độc lập cùng hành động với tôi. Hãy cùng tôi rời khỏi Đảng Dân Chủ,” bà nói. “Nếu quý vị không còn có thể chấp nhận được đường hướng mà cái gọi là ý thức hệ của Đảng Dân Chủ thức tỉnh đang lèo lái đất nước này đi theo, thì tôi mời quý vị tham gia cùng tôi.”


Bầu Cử Hoa Kỳ: Ban Vận Động Tranh Cử của Kamala Harris Khoe, Huy Động Được 540 Triệu Mỹ Kim Trong Vòng 1 Tháng!


(Hình REUTERS - Elizabeth Frantz: Phó Tổng thống Mỹ, Kamala Harris, gặp gỡ người ủng hộ bà tại tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, ngày 15/8/2024.)
-Hôm 25/8/2024, Ban Vận động Tranh cử Tổng thống của ứng viên đảng Dân chủ, Kamala Harris, thông báo đã huy động được hơn nửa tỉ Mỹ kim chỉ trong vòng 1 tháng.
Đây là một con số "kỷ lục", cao hơn so với "tất cả các chiến dịch tranh cử trong lịch sử" và đa phần đến từ phụ nữ và thanh niên, nhóm cử tri mang tính quyết định trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Kể từ khi Joe Biden rút lui khỏi cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc và nhường chỗ cho Kamala Harris, các nhà tài trợ đã ồ ạt đổ tiền cho ứng viên Tổng thống mới này. Trong 4 tuần, Phó Tổng thống đã huy động được hơn 540 triệu Mỹ kim, "một con số kỷ lục", theo đội ngũ tranh cử của bà Harris. Cũng theo đội ngũ này, phần lớn các khoản tài trợ đến từ những người lần đầu tiên mở ví để quyên góp cho cuộc bầu cử Tổng thống này năm nay, chủ yếu là phụ nữ và thanh niên, hai nhóm cử tri dường như sẽ có vai trò quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11.

Con số 540 triệu Mỹ kim cũng lớn hơn so với số tiền mà Donald Trump đã huy động được trong cùng khoảng thời gian 1 tháng. Không chỉ về mặt tài chánh, Kamala Harris còn đang nới rộng khoảng cách với ứng viên đảng Cộng hòa trong các cuộc thăm dò. Theo các ước tính gần đây, Phó Tổng thống đã lấy lại vị trí dẫn đầu ở nhiều tiểu bang quan trọng, trong khi Donald Trump vẫn đang loay hoay tìm kiếm các chủ đề phù hợp để tấn công đối thủ, trước sự ủng hộ lớn mà Kamala Harris đang nhận được.
Chỉ còn 2 tháng rưỡi nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống, cho nên số tiền huy động được lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là để chi trả tiền quảng cáo tranh cử và tài trợ các công việc vận động cử tri trên thực địa".


Tin không vui chút nào: Tác giả “Cha giàu cha nghèo” dự đoán bi quan về khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở California! vào những ngày sắp tới!
(Khương Lâm Đạt)


(Ông Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách bán chạy “Rich Dad Poor Dad”, được Đài truyền hình NTD của Anh phỏng vấn vào tháng 7/2024.)
-Mới đây, ông Robert Kiyosaki, chuyên gia tài chính từng dự đoán chính xác sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers năm 2008, và là tác giả cuốn sách bán chạy nổi tiếng “Cha giàu cha nghèo” (Rich Dad Poor Dad), đã dự đoán rằng California, “tiểu bang vàng” của Hoa Kỳ, đang đứng trước số phận khủng hoảng kinh tế.
Cuối tháng trước, ông Kiyosaki phát biểu trên nền tảng X rằng vấn đề ở California là bang này sắp phá sản. California sẽ bắt đầu tăng thuế và cắt giảm trợ cấp cho người nghèo, nhà tù, vấn đề môi trường và công đoàn giáo viên. Tội phạm sẽ lan rộng vì nguồn tài trợ của cảnh sát cũng sẽ bị cắt giảm.

Ông nói, bang California là một tiểu bang thống trị, điều đó có nghĩa là những gì xảy ra ở California cũng sẽ xảy ra ở các vùng khác của Hoa Kỳ.
Được mệnh danh là “Tiểu bang vàng”, California từng là bang đông dân nhất Hoa Kỳ. Đây là tiểu bang có nhiều cơ hội kinh tế và tự do nhất.
Năm 2015, bang này đã khẳng định vị thế là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Nhưng hiện nay, nhiều nhà kinh tế và chuyên gia tài chính đang bi quan về triển vọng kinh tế của California trong tương lai.
Vào tháng 6, Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom đã ký ngân sách gần 300 tỷ USD cho năm tài chính mới, cố gắng cắt giảm một số chi tiêu của dự án, và một lần nữa tăng thuế đối với các doanh nghiệp, để loại bỏ thâm hụt tài chính 46,8 tỷ USD.

Từ thặng dư tài chính gần 100 tỷ USD, đến thâm hụt khổng lồ hàng chục tỷ USD, cùng việc dân cư và doanh nghiệp rời đi, nhiều cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, người dân cho rằng tất cả những thay đổi này chủ yếu là do sự quản lý kém của chính phủ và việc triển khai chính sách cấp tiến.
Thống kê cho thấy, từ năm 2009 – 2016, tổng cộng 13.000 công ty đã rời khỏi California. Lý do di dời phần lớn là do gánh nặng thuế cao, giám sát chặt chẽ và các chính sách khác của California.
Ví dụ, năm 2021, ông Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã chuyển trụ sở chính của Tesla từ California đến Texas. Vì chi phí ở California quá cao và các chính sách của chính phủ đã hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngày 16/7 năm nay, ông Musk một lần nữa tuyên bố sẽ chuyển trụ sở của Công ty Công nghệ Khám phá Vũ trụ Mỹ (SpaceX) và công ty truyền thông xã hội “X” từ California đến Texas. Vì California vừa thông qua luật liên quan đến quyền riêng tư của học sinh vào ngày 16/7 năm nay.
Tỷ phú Musk: Đứa trẻ chuyển giới “bị virus tâm trí thức tỉnh giết chết” theo nghĩa bóng
Ngày 15/7, ông Newsom đã ký dự luật AB1955 gây nhiều tranh cãi và náo động. Luật mới cấm giảng viên tiết lộ sự thay đổi giới tính của học sinh cho phụ huynh, mà không có sự đồng ý của học sinh.
Một số tổ chức đã phát động các cuộc chiến pháp lý, với hy vọng các thẩm phán sẽ ngăn chặn việc thực thi luật mới. Theo quy định, nếu cuối cùng tòa án không can thiệp, thì luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Ngoài ra, một số người nổi tiếng có ảnh hưởng và các công ty nổi tiếng đã liên tiếp tuyên bố rời khỏi California, như Hewlett Packard Enterprise Co., Oracle Corp., siêu sao podcast người Mỹ Joe Rogan, ngôi sao điện ảnh Mark Wahlberg và siêu sao Hollywood Sylvester Stallone, v.v.
Dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ cho thấy, gần 800.000 người sẽ rời California vào năm 2022. Họ tìm cách sống ở những nơi có chi phí sinh hoạt thấp, gánh nặng thuế thấp và tỷ lệ tội phạm thấp.
Trong bài đăng, Kiyosaki cũng thừa nhận rằng ông đã rời khỏi California. Ông tin rằng California là tiền thân của các bang khác ở Hoa Kỳ có chính sách tương tự. Ông đặt câu hỏi, California là một bang thống trị và sắp phá sản, vậy bang nào sẽ tiếp bước?


Kính tế: Nối gót Mỹ, Canada áp thuế bổ sung 100%, đối với xe điện Trung Cộng!
(Trương Đình)


(Thủ tướng Justin Trudeau của Canada tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia hôm 16/11/2022.)
-Hôm thứ Hai (26/8), Thủ tướng Trudeau thông báo Canada sẽ áp dụng thuế bổ sung 100% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc và thuế bổ sung 25% đối với các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc.
Thông báo này khiến Canada nhất quán với những thay đổi chính sách thương mại gần đây của Mỹ. Mỹ tuyên bố vào tháng 5 rằng họ sẽ tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc từ 25% lên 100%, cũng tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Trudeau đã công bố mức thuế quan của Trung Quốc vào thứ Hai (26/8) trong một loạt cuộc họp về quan hệ kinh tế và đối ngoại với các thành viên khác trong nội các của ông ở Halifax. Các bộ trưởng Canada đang họp để phát triển chiến lược cho năm tới.

Thủ tướng Trudeau cho biết động thái này nhằm mục đích khuyến khích ngành sản xuất xe điện của Canada.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế 100% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất và mức thuế 25% đối với thép và nhôm Trung Quốc”, ông Trudeau nói, “Các nước như Trung Quốc chọn cách cạnh tranh trên thị trường toàn cầu bằng [trợ cấp nhà nước để có được] lợi thế không công bằng”.
Ông nói: “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết rằng Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc/ĐCSTQ) không chơi theo những luật lệ tương tự”.
Thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10. Thuế này cũng áp dụng cả cho một số loại xe ô tô chở khách, xe tải, xe buýt và xe tải giao hàng. Chính phủ Canada cho biết trong một thông cáo báo chí rằng thuế bổ sung sẽ được thêm vào mức thuế 6,1% hiện có đối với xe điện của Trung Quốc.
Thuế bổ sung đối với sản phẩm thép và nhôm từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10. Chính phủ Canada hôm thứ Hai đã công bố danh sách hàng hóa sơ bộ và công chúng sẽ có cơ hội bình luận trước ngày 1/10 khi công bố danh sách cuối cùng các hàng hóa chịu thuế bổ sung.

Ông Trudeau cho biết điều đó “tạo sân chơi bình đẳng cho người lao động Canada”, và giúp cho ngành công nghiệp xe điện non trẻ của Canada cạnh tranh trong nước, ở Bắc Mỹ và trên toàn cầu.
Chính phủ Canada cho biết trong một tuyên bố rằng ngành sản xuất ô tô Canada trực tiếp cung cấp cho Canada hơn 125.000 việc làm được trả lương cao, và tiềm năng chuỗi cung ứng xe điện của chúng tôi đứng đầu thế giới. Tương tự, ngành công nghiệp thép và nhôm của Canada cung cấp hơn 130.000 việc làm trên khắp đất nước. Tuyên bố cho biết, “Tuy nhiên, các công nhân ô tô và ngành công nghiệp ô tô Canada hiện đang phải đối mặt cạnh tranh không công bằng từ các nhà sản xuất Trung Quốc, họ được hưởng lợi từ các chính sách và hoạt động phi thị trường không công bằng, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây vấn đề bằng các chính sách dư thừa công suất mà họ chỉ đạo; họ cũng thiếu các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lao động và môi trường, đe dọa người lao động và doanh nghiệp trong ngành xe điện toàn cầu, và làm suy yếu thịnh vượng kinh tế bền vững của Canada. Các cuộc tham vấn gần đây với các bên liên quan xác nhận cần có các biện pháp đặc biệt để giải quyết mối đe dọa đặc thù này”.
Dự kiến hoạt động xuất khẩu sang Canada từ nhà máy Thượng Hải của Tesla sẽ bị ảnh hưởng. Tesla không tiết lộ việc xuất khẩu sang Canada từ các nhà máy ở Trung Quốc, tuy nhiên Reuters đưa tin rằng mã số nhận dạng xe cho thấy hai mẫu xe của Tesla là Model 3 và Model Y đang được xuất khẩu từ Thượng Hải sang Canada.
“Đây là mức thuế bổ sung 100% đối với tất cả các loại xe điện do Trung Quốc sản xuất”, một quan chức Chính phủ Canada cho biết, “Nếu các công ty hiện đang sản xuất xe ở Trung Quốc chọn chuyển sản xuất sang nước khác, họ sẽ không còn phải chịu mức thuế này nữa”.
Tesla đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Chiến lược gia Seth Goldstein về cổ phiếu tại công ty dịch vụ tài chính nổi tiếng Morningstar cho biết: “Để đối phó với thuế quan, tôi kỳ vọng Tesla sẽ chuyển dịch vụ hậu cần, và có thể xuất khẩu xe từ Mỹ sang Canada”.


Chính phủ Canada hôm 26/8 cũng bắt đầu giai đoạn tham vấn 30 ngày lần thứ hai đối với các ngành công nghiệp quan trọng khác, bao gồm pin và linh kiện pin, chất bán dẫn, sản phẩm năng lượng mặt trời và các khoáng sản. Các báo cáo tư vấn sẽ được ban hành trong những ngày tới để giúp chính phủ có những hành động tiếp theo.
Hôm Chủ Nhật (25/8), Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã tới Canada để gặp ông Trudeau trước chuyến đi Trung Quốc, sau đó ông Trudeau công bố thuế quan đối với Trung Quốc. “Mỹ tin rằng một mặt trận thống nhất và cách tiếp cận phối hợp trong những vấn đề này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta”, ông Sullivan nói với các phóng viên.
Nói về mức thuế mới, ông Trudeau cho biết Canada đang thực hiện các hành động tương tự giống như các nền kinh tế khác trên thế giới: “Đây là một thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt, chúng ta phải đứng lên nếu không muốn cùng nhau lao xuống vực”.
EU bắt đầu từ ngày 5/7 đã áp thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Cụ thể, với Tesla (Mỹ) sản xuất tại Trung Quốc bị mức thuế 9%; các hãng khác của Trung Quốc như BYD là 17%, Geely là 19,3%, SAIC Motor là 36,3%…


Tin Quốc Tế Đó Đây
Ngọn Lửa Paralympic Đến Pháp, Tài Tử Nổi Tiếng Thành Long, Tham Gia Rước Đuốc!


(Hình AP - Thomas Krych: Chủ tịch Ủy ban Thế Vận hội cho Người Khuyết tật Paralympic, ông Andrew Parsons (trái) và Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic Paris 2024, Tony Estanguet, ngày 24/8/2024 tại lễ thắp ngọn lửa thiêng ở Stoke Mandeville, Anh Quốc)
-Từ Anh, ngọn lửa Paralympic (Thế Vận hội cho Người Khuyết tật) đã được đưa đến Pháp vào hôm 25/8/2024, sau khi vượt đường hầm dưới eo biển Manche. Đuốc được rước vòng quanh nước Pháp trong vòng 4 ngày trước khi chính thức được thắp lên đài lửa tại lễ khai mạc ở quảng trường Concorde Paris vào thứ Tư (28/8).
Vào khoảng 1 giờ trưa hôm 25/8, Emmanuelle Assmann, vận động viên Pháp giành huy chương đồng môn đấu kiếm xe lăn tại Athens năm 2004, đã mang ngọn đuốc đến Coquelles, Pas-de-Calais, Pháp. Dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt, ngọn lửa tiếp tục hành trình chiều Chủ Nhật ở Calais và tới lễ hội Rock en Seine vào buổi tối. Mười hai ngọn đuốc, trong đó có ngọn đuốc chính, sẽ rực sáng trong 4 ngày trên khắp nước Pháp trước khi tề tụ vào thứ Tư (28/8) tại Paris. Sau đó, ngọn đuốc sẽ được thắp lên đài lửa Olympic, đặt tại vườn Thượng Uyển - Tuileries.


Lễ rước đuốc tại Paris sẽ có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ như nữ diễn viên người Pháp Elsa Zylberstein, biên đạo múa Benjamin Millepied và đặc biệt là nam diễn viên Thành Long (Jackie Chan). Ngôi sao võ thuật 70 tuổi, nổi tiếng với các pha hành động mạo hiểm, sẽ tiếp nối hành trình rước đuốc lúc 5 giờ 27 phút chiều tại phố Vieille du Temple, quận 4, vài tiếng đồng hồ trước lễ khai mạc Thế Vận hội Paralympic. Buổi lễ dự kiến diễn ra vào lúc 8 giờ tối thứ Tư (28/8) với sự tham gia của khoảng 4.400 vận động viên khuyết tật đến từ 182 đoàn. Các vận động viên sẽ diễu hành từ đại lộ Champs-Elysées đến quảng trường Concorde.
Theo bà Oudéa-Castera, Bộ trưởng Thể thao, Thế Vận hội và Thế Vận hội cho Người Khuyết tật (Paralympic) đã giúp "đưa thể thao vào trung tâm cuộc sống của những người khuyết tật". Bà cũng thông báo thêm rằng "hàng triệu Euro" đã được đầu tư "để sau Thế Vận hội, chúng ta (Pháp) có 3.000 câu lạc bộ được đào tạo để đón tiếp người khuyết tật".


Tham mưu trưởng Mỹ: Nguy cơ chiến tranh lớn giảm xuống sau khi Israel, Hezbollah tấn công nhau


(Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Brown đến Cairo, 25/8/2024)
-Nguy cơ về chiến tranh trên diện rộng hơn trong tương lai gần ở Trung Đông đã giảm bớt phần nào sau khi Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon tấn công qua lại mà không có thêm sự leo thang nào nữa, nhưng Iran vẫn tạo ra mối nguy đáng kể khi họ còn toan tính tấn công Israel, vị tướng hàng đầu của Mỹ đưa ra đánh giá hôm thứ Hai 26/8.
Tướng Không quân C.Q. Brown, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, chia sẻ nhận định của ông với Reuters sau chuyến đi 3 ngày tới Trung Đông, bao gồm chuyến bay đến Israel chỉ vài giờ sau khi Hezbollah phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái vào Israel, và quân đội Israel đã bắn phá Lebanon để ngăn chặn một cuộc tấn công lớn hơn. Đây là một trong những cuộc đụng độ lớn nhất trong hơn 10 tháng diễn ra chiến tranh ở biên giới, nhưng nó cũng kết thúc với mức độ thiệt hại hạn chế ở Israel và không có những lời đe dọa trả đũa ngay lập tức từ cả hai bên.

Ông Brown lưu ý rằng cuộc tấn công của Hezbollah chính là một trong hai cuộc tấn công lớn vào Israel đã được nêu ra trong những lời đe dọa xuất hiện trong những tuần gần đây. Iran cũng đang đe dọa tấn công sau vụ ám sát một thủ lĩnh Hamas ở Tehran vào tháng trước.
Khi được hỏi liệu nguy cơ trước mắt về một cuộc chiến tranh khu vực có giảm xuống không, ông Brown trả lời: "Có phần nào, có".
"Ta biết hai điều sẽ xảy ra. Một điều đã xảy ra rồi. Giờ đây, mọi việc tùy thuộc vào việc điều thứ hai sẽ diễn ra như thế nào", ông Brown nói trong khi bay ra khỏi Israel.
"Iran phản ứng như thế nào sẽ quyết định cách thức Israel phản ứng, điều này sẽ quyết định liệu có xảy ra xung đột trên diện rộng hơn hay không".

Ông Brown nói thận trọng rằng cũng có những nguy cơ khác do các đồng minh hiếu chiến của Iran ở những nơi như Iraq, Syria và Jordan gây ra, họ đã tấn công quân đội Mỹ, ngoài ra là nguy cơ từ Houthis ở Yemen, họ đã nhắm mục tiêu vào tàu thuyền trên Biển Đỏ và thậm chí đã phóng máy bay không người lái vào Israel.
Iran đã tuyên bố sẽ đáp trả quyết liệt cho vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, đã xảy ra khi ông này đến thăm Tehran vào cuối tháng trước và Iran quy trách nhiệm cho Israel.
Israel không xác nhận cũng không phủ nhận việc họ có liên quan.
Ông Brown nói rằng quân đội Mỹ hiện giữ vị trí tốt hơn để hỗ trợ cho việc bảo vệ Israel và lực lượng của Mỹ ở Trung Đông so với ngày 13/4, khi Iran phát động một cuộc tấn công chưa từng có vào Israel.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Israel, Mỹ và các đồng minh khác đã tiêu diệt hầu hết các loại vũ khí của Iran trước khi chúng đến được mục tiêu.


Hoa Kỳ Cảnh Báo Về 'Thảm Họa Sinh Thái' Sau Vụ Houthi Tấn Công Tàu Chở Dầu


(Hình REUTERS: Ảnh chụp màn hình từ video do lực lượng Houthis của Yemen công bố ngày 21/8/2024 cho thấy cảnh tượng mà họ cho là khói bốc lên từ đám cháy trên tàu chở dầu treo cờ Hy Lạp ở Biển Đỏ.)
-Hoa Kỳ đang cảnh báo về một thảm họa sinh thái tiềm tàng ở Biển Đỏ sau vụ phiến quân Houthi có trụ sở tại Yemen tấn công một tàu chở dầu vào tuần trước.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết vào cuối ngày 25/8/2024 rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc "phải lên án" vụ Houthi tấn công tàu MT Delta Sounion.
"Những hành động trắng trợn của Houthi đe dọa tạo ra một thảm họa sinh thái với hậu quả tàn khốc cho khu vực", bà Thomas-Greenfield cho biết trên X.

Đại sứ Mỹ nói rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên yêu cầu tuân thủ ngay lập tức Nghị quyết đưa ra hồi tháng Một, trong đó kêu gọi Houthi ngay lập tức ngừng tấn công các tàu ở Biển Đỏ.
Người Houthi được Iran hậu thuẫn cho biết hôm 22/8 rằng họ nhắm vào tàu chở dầu treo cờ Hy Lạp như một phần trong chiến dịch chống lại hoạt động vận chuyển thương mại trong khu vực để đoàn kết với người Palestine trong bối cảnh cuộc chiến giữa Do Thái và Hamas ở Gaza.
Lực lượng cấp cứu đã di tản thủy thủ đoàn của tàu chở dầu sau vụ tấn công khiến chiếc tàu bốc cháy.
Phái đoàn Hải quân Biển Đỏ Aspides của Liên Hiệp Âu Châu (EU) cho biết tàu chở dầu đang chở 150.000 tấn dầu thô.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết hôm 24/8 rằng Houthi "đã nói rõ rằng họ sẵn sàng phá hủy ngành đánh bắt cá và hệ sinh thái khu vực mà người Yemen và các cộng đồng khác trong khu vực dựa vào để kiếm sống, cũng giống như họ đã làm suy yếu việc cung cấp viện trợ nhân đạo sống còn cho khu vực thông qua các cuộc tấn công liều lĩnh của họ".
Chiến dịch của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, khiến nhiều công ty vận chuyển phải chuyển hướng tàu sang các tuyến đường dài hơn và tốn kém hơn.
(Một số thông tin trong bản tin này được cung cấp bởi AP và Reuters)


Iran Nói Cuộc Tấn Công của Hezbollah Cho Thấy Do Thái Mất Đi Sức Mạnh Răn Đe


(Hình AFP: Tổ hợp các bức ảnh, được chụp ngày 25/8/2024 từ một vị trí ở miền Bắc Do Thái, cho thấy các máy bay không người lái của Hezbollah bị lực lượng Không quân Do Thái đánh chặn trên không phận miền Bắc Do Thái trong cùng ngày.)
-Hôm 26/8/2024, Iran cho biết rằng Do Thái đã mất đi sức mạnh răn đe và rằng cán cân chiến lược trong khu vực đã chuyển sang chống lại họ, sau các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon.
Hezbollah đã phóng hàng trăm phi đạn và máy bay không người lái vào Do Thái vào sáng sớm 25/8, trong khi quân đội Do Thái cho biết họ đã tấn công Lebanon bằng khoảng 100 máy bay phản lực để ngăn chặn một cuộc tấn công lớn hơn, trong một trong những cuộc đụng độ lớn nhất trong hơn 10 tháng xung đột qua biên giới.
"Mặc dù có sự hỗ trợ toàn diện của các quốc gia như Hoa Kỳ, nhưng Do Thái không thể dự đoán thời điểm và địa điểm của một phản ứng hạn chế và có kiểm soát của lực lượng kháng chiến. Do Thái đã mất đi sức mạnh răn đe của mình", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, ông Nasser Kanaani viết trên X.

Ông Kanaani nói thêm rằng Do Thái "giờ đây phải tự vệ trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng" và rằng "cán cân chiến lược đã trải qua những thay đổi cơ bản" gây bất lợi cho Do Thái.
Bất kỳ sự lan tỏa lớn nào trong cuộc chiến, bắt đầu song song với cuộc chiến ở Gaza, đều có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột khu vực thu hút Iran, nước hậu thuẫn Hezbollah, và Hoa Kỳ, đồng minh chính của Do Thái.
Lãnh đạo Hezbollah, ông Sayyed Hassan Nasrallah cho biết cuộc tấn công của nhóm – một cuộc trả đũa cho vụ ám sát chỉ huy cấp cao Fuad Shukr vào tháng trước – đã hoàn thành "theo kế hoạch".
Với 3 trường hợp tử vong được xác nhận ở Lebanon và một trường hợp chết ở Do Thái sau các cuộc tấn công qua lại hôm 25/8, cả hai bên đều cho biết họ hài lòng để tránh leo thang thêm nữa vào lúc này, nhưng cảnh báo rằng có thể sẽ có nhiều cuộc tấn công hơn nữa.


Kyiv Tố Cáo Belarus Khai Triển Quân Tại Biên Giới Với Ukraine


(Hình REUTERS - Ukrainian Presidential Press Ser: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đi thị sát một công sự ở vùng Volyn, gần biên giới với Belarus, ngày 30/7/2024.)
-Hôm 25/8/2024, Bộ Ngoại giao Ukraine ghi nhận Belarus khai triển quân tại vùng Gomel, sát biên giới phía Bắc với Ukraine. Kyiv cảnh cáo chính quyền Minsk, một đồng minh của Mạc Tư Khoa, trước những hành vi "không hữu hảo" và yêu cầu Belarus rút quân ra khỏi khu vực sát biên giới hai nước.
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết "phát giác một số lượng đông đảo lính Belarus tập hợp tại vùng biên giới phía Bắc Ukraine" với lý do đây là một trong những "hoạt động" của quân đội nước này. Kyiv xem sự hiện diện và các cuộc diễn tập của quân đội Belarus là một "một đe dọa dọa đối với an ninh quốc tế". Biên giới phía Bắc Ukraine với Belarus là một khu vực "gần nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl". Theo hãng tin Anh Reuters, Belarus còn điều cả "nhiều trang thiết bị quân sự" như xe tăng, hệ thống phòng không và pháo cối đến Gomel.

Chính quyền Ukraine "cảnh báo các giới chức Belarus, dưới sức ép của Nga mà phạm một sai lầm nghiêm trọng", đồng thời yêu cầu Minsk "ngừng những hành vi thiếu thiện cảm đối với Ukraine, rút quân khỏi khu vực biên giới". Kyiv "chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có những hành vi bất hảo nhắm vào người dân Belarus".
Cũng thông tấn xã AFP nhắc lại là sau cuộc binh biến bất thành của lực lượng bán vũ trang Wagner hồi năm 2023, Belarus đón nhận một số chiến binh từng được đặt dưới trướng của ông trùm Yevgeny Prigozhin.
Hôm 18/8/2024, Tổng thống Belarus, ông Alexandre Loukachenko khẳng định Kyiv huy động 120.000 lính tại đường biên giới giữa hai quốc gia này.
Ông Alexandre Loukachenko lên cầm quyền từ năm 1994 và Belarus lệ thuộc cả về chính trị lẫn kinh tế vào Liên bang Nga. Năm 2022, trước khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraine, Minsk cho phép quân đội Nga đồn trú trên lãnh thổ Belarus dưới danh nghĩa đây là một cuộc tập trận chung.
Các sự kiện nói trên diễn ra vào lúc, từ đầu tháng hàng ngàn lính Ukraine tấn công vào Kursk trên lãnh thổ Nga, sát với biên giới hai nước. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua khẳng định tuy chậm nhưng quân Ukraine đã tiến sâu vào đến 3 cây số trên lãnh thổ của Nga.


Nga Dồn Dập Tấn Công Trên Toàn Lãnh Thổ Ukraine

-Tại Ukraine, sáng 26/8/2024, Thủ tướng Denis Chmyhal cho biết Nga mở chiến dịch tấn công nhắm vào 15 tỉnh thành của Ukraine, hệ thống điện tại ít nhất 4 vùng ở miền Tây Ukraine bị hư hại. Nhiều vụ nổ đã xảy ra tại thủ đô Kyiv vào sáng sớm nay.
Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
"Các vụ tấn công có phối hợp vẫn đang tiếp diễn ở quy mô lớn trên toàn quốc. Trong đêm qua đã có nhiều đợt báo động và đến sáng nay Nga kết hợp tấn công bằng drone và phi đạn. Nhiều vụ nổ được ghi nhận tại Lutsk, một người thiệt mạng. Rồi Kharkiv, Dnippro, Odessa, Krivuy Rih, Vinnytsaia và nhiều nơi ở thủ đô Kyiv. Một lần nữa, các cơ sở điện lực là mục tiêu, các nhà máy lọc nước cũng vậy, nhất là ở Kyiv. Nga thường nhắm vào các cơ sở điện nước của Ukraine và mọi người đoán trước thể nào Mạc Tư Khoa cũng ra tay vào dịp Ukraine kỷ niệm ngày Quốc Khánh 24 tháng Tám.

Ukraine bị tấn công hàng ngày. Hôm 25/8, một khách sạn ở Kramatosk bị trúng một quả phi đạn Iskanker, hai nhà báo của hãng tin Anh Reuters bị thương, một cộng tác viên bảo vệ thiệt mạng. Ở đâu cũng nguy hiểm và đây là mối đe dọa thường nhật".
Sát cạnh biên giới phía Đông Ukraine, Ba Lan cũng trong tình trạng báo động: Trên mạng xã hội X, tư lệnh chỉ huy quân đội Ba Lan, cho biết Không quân Ba Lan được đặt trong "tình trạng báo động", Warsaw đã khởi động "tất cả các quy trình cần thiết để bảo đảm an toàn cho không phận của Ba Lan".


Bắt Giữ Ông Chủ Telegram, Nga Lên Án Pháp "Độc Tài" Dưới Vỏ Bọc Tự Do


(Hình REUTERS - Yulia Morozova: Trước Tòa Ðại sứ Pháp tại Mạc Tư Khoa, Nga, ngày 25/8/2024, một người phụ nữ phản đối việc bắt giữ Pavel Durov, nhà sáng lập và cũng là Chủ tịch-Tổng Giám đốc của Telegram.)
-Hôm 25/8/2024, chính phủ Pháp đã thông báo gia hạn lệnh giam giữ ông chủ của Telegram, Pavel Durov, một ngày sau khi ông bị bắt tại một phi trường ở Paris.
Hành động này của Pháp đã gây ra những phản ứng dữ dội tại Nga. Với đa số các chính khách Nga, đây là cơ hội để lên án một nước Pháp "độc tài", đàn áp tự do. Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Jean-Didier Revoin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:

"Theo Thượng Nghị sĩ Alexeï Pouchkov, việc bắt giữ ông Pavel Durov là kết quả của một chế độ "độc tài tự do", không có sự khoan nhượng với những người đơn lẻ đòi quyền tự do và không tuân theo các quy tắc của chế độ này. Trong khi đó, Dân biểu Andreï Svintsov cho rằng nguyên nhân của việc bắt giữ Pavel Durov là do Telegram là mối đe dọa lớn đối với loại chính phủ theo chủ nghĩa toàn cầu, muốn bịt miệng tất cả những ai có thể gây hại cho họ.
Hầu như toàn bộ giới chính trị Nga đều bảo vệ vị tỉ phú này, dù trong quá khứ ông đã gặp một số vấn đề với các cơ quan chức năng. Đây là cơ hội để Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, một lần nữa lên án phương Tây nhất bên trọng nhất bên khinh. Bà đặt câu hỏi liệu 26 tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền của phương Tây có chỉ trích gay gắt chính quyền Pháp hay không. Trong khi mà chính những tổ chức này vào năm 2018 đã viện dẫn lý do bảo vệ "quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư cơ bản" để lên án Nga khi nước này định cấm mạng Telegram.
Cuối cùng, Mạc Tư Khoa cáo buộc Paris không hợp tác trong việc cho phép tiếp cận Lãnh sự hỗ trợ tỉ phú người Pháp gốc Nga. Tương tự như Nga, chính quyền Pháp cũng coi ông Durov là người Pháp và sử dụng lý do này để phản đối yêu cầu của Mạc Tư Khoa".


Tổng Thống Pháp Macron Tiếp Tục Tham Vấn Các Chính Đảng Để Thành Lập Chính Phủ


(Hình AP - Thomas Padilla: Bà Marine Le Pen, lãnh đạo của đảng cực hữu RN (nguyên Chủ tịch đảng) và Chủ tịch đảng đương nhiệm Jordan Bardella, sáng nay 26/8/2024 đến phủ Tổng thống Pháp để thảo luận với Tổng thống Macron về việc bầu chọn Thủ tướng.)
-41 ngày sau kết quả bầu cử Lập pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục tham khảo các chính đảng để thành lập chính phủ. Trong ngày 26/8/2024, nguyên thủ Pháp lần lượt tiếp tại điện Elysée, lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), Chủ tịch đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa đã nghiêng về phía RN, các Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện. Mọi người chờ đợi, sau các loạt tham khảo, ông Macron sẽ chỉ định Thủ tướng.
Sau kết quả bầu cử Âu Châu và Quốc hội hồi tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua, đảng cựu hữu Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement National - RN) đã nổi lên như một thế lực chính trị hàng đầu tại Pháp. Sau cuộc trao đổi với Tổng thống Macron, hai lãnh đạo đảng cực hữu RN là bà Marine Le Pen và ông Jordan Bardella tuyên bố đảng này vẫn thiên về khả năng "bất tín nhiệm" mọi chính phủ cánh tả, bất luận đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) của Jean-Luc Mélenchon có tham gia Nội các hay không.

Sau đảng RN, nguyên thủ Pháp tham khảo ý kiến của lãnh đạo cánh hữu, đảng Những Người Cộng Hòa Eric Ciotti. Ông này bị đa số đảng viên chống đối mạnh mẽ do liên kết với đảng RN có chủ trương bài ngoại của gia đình Le Pen.
Mục tiêu của tất cả các cuộc tham khảo đã mở ra từ thứ Sáu tuần trước là nhằm tìm người thay thế Thủ tướng Gabriel Attal đã từ chức sau kết quả bầu cử Quốc hội Pháp ở vòng nhì. Đến nay liên minh cánh tả - Mặt Trận Bình Dân Mới (Nouveau Front Populaire - NFP) đề cử một ứng viên, bà Lucie Castets, cho chức vụ Thủ tướng. Nhưng bản thân liên minh này có nhiều bất đồng và NFP không hội đủ đa số tuyệt đối để điều hành đất nước. Đảng cánh trung của Tổng thống Macron cũng như cánh hữu báo trước sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm thành phần chính phủ có sự tham gia của LFI, một trong bốn đảng thuộc liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP).

Sáng lập viên phong trào Nước Pháp Bất Khuất (LFI), ông Jean-Luc Mélenchon bị chỉ trích áp đặt đường lối cực đoan của đảng này với ba đối tác còn lại trong liên minh cánh tả NFP (đảng Xã Hội, đảng Xanh và đảng Cộng sản). Chương trình hành động của liên minh này bị cho là "nguy hiểm" và sẽ đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng cả về tài chánh, kinh tế lẫn chính trị.
Lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp Pháp họp hội nghị thường niên trong hai ngày 26 và 27/8/2024. Chủ tịch nghiệp đoàn đại diện cho giới chủ MEDEF ông Patrick Martin đánh giá: "Giới chủ lo ngại về tình hình chính trị tại Pháp và cần có một chính sách về kinh tế rõ ràng". Tuy nhiên, viễn cảnh liên minh cánh tả lên cầm quyền với chủ trương đòi tăng 43% lương tối thiểu đe dọa đến các hoạt động trong nhiều ngành nghề từ ngành khách sạn, nhà hàng đến xây dựng....
Trong bối cảnh này nghiệp đoàn giới chủ quyết định thành lập một tập hợp bao gồm nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và các cơ quan nghiên cứu để có một tiếng nói chung tránh để "các nhà lãnh đạo của Pháp đi trệch hướng", theo như tiết lộ của Chủ tịch MEDEF.


Kim Jong Un Giám Sát Thử Nghiệm Máy Bay Không Người Lái của Bắc Hàn


(Hình REUTERS: Lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn, ông Kim Jong Un thăm khu vực xây dựng của nhiều nhà máy công nghiệp ở Bắc Hàn.)
-Hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA đưa tin hôm 26/8/2024 cho hay lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát một cuộc thử nghiệm hiệu suất của máy bay không người lái do nước này phát triển.
Ông Kim hôm 24/8 đã đến thăm Viện Máy bay Không người lái thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng Bắc Hàn – và xem xét một cuộc thử nghiệm thành công máy bay không người lái có thể xác định và tiêu diệt chính xác các mục tiêu được chỉ định sau khi bay theo các tuyến đường khác nhau được thiết lập trước, KCNA cho biết.
Vẫn theo hãng tin của Bắc Hàn, ông Kim kêu gọi sản xuất nhiều máy bay không người lái tự sát hơn để sử dụng trong Bộ binh chiến thuật và các đơn vị tác chiến đặc biệt, chẳng hạn như máy bay không người lái tấn công tự sát dưới nước, cũng như máy bay không người lái trinh sát chiến lược và tấn công đa năng.

Đồng thời, ông Kim kêu gọi thử nghiệm nhiều hơn về ứng dụng chiến đấu của máy bay không người lái, để trang bị cho quân đội Cộng sản Bắc Hàn càng sớm càng tốt, KCNA cho biết.
Nhà cầm quyền Bình Nhưỡng đã tăng cường năng lực tác chiến chiến thuật của mình liên quan đến phi đạn tầm ngắn và pháo hạng nặng nhằm tấn công miền Nam, sau khi đạt được những tiến bộ đáng kể trong các chương trình phi đạn-đạn đạo tầm xa và nguyên tử.
KCNA cho biết thêm rằng ông Kim cũng đã kiểm tra các công trường xây dựng của nhiều nhà máy công nghiệp Bắc Hàn hôm 24 và 25 tháng Tám.


Biển Đông: Phi Luật Tân Lên Án Trung Quốc Về Những Hành Động "Bất Hợp Pháp"


(Hình AP - Aaron Favila, tư liệu: Tàu Hải cảnh Trung Trung Quốc (màu trắng) dùng vòi rồng tấn công tàu vận tải Unaizah của Phi Luật Tân làm nhiệm vụ tiếp liệu tại Bãi Cỏ mây, ngày 5/3/2024.)
-Hôm 26/8/2024, chính phủ Phi Luật Tân đã lên án Trung Quốc về những hành động "hung hăng, không chuyên nghiệp và bất hợp pháp" trên Biển Đông, sau nhiều sự việc trên không và trên biển giữa hai nước ở những khu vực đang có tranh chấp chủ quyền.
Theo Hội đồng Hàng hải Quốc gia của Phi Luật Tân, phi cơ Trung Quốc đã có những thao tác "nguy hiểm" đối với một tàu tuần tra dân sự của Phi Luật Tân gần bãi cạn Scarborough Shoal và Đá Subi. Cơ quan này cũng tố cáo các tàu của Trung Quốc hôm 25/8 đã "chặn, đâm hoặc bắn vòi rồng" vào một tàu của chính phủ Manila đang làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thuốc men và nhiên liệu cho các ngư dân Phi Luật Tân ở Bãi Sabin. Lực lượng Hải cảnh của Trung Quốc thì lại cáo buộc tàu của Phi Luật Tân là đã không nghe theo những cảnh báo của họ.

Đối với Hội đồng Hàng hải Quốc gia Phi Luật Tân, đó là những hành động "đáng báo động", khiến người ta nghi ngờ về cam kết của Bắc Kinh "làm giảm căng thẳng trong khu vực và tạo một môi trường thuận lợi cho đối thoại và tham vấn".
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Gilberto Teodoro hôm nay xem những hành động của Trung Quốc trong vụ va chạm tàu ở khu vực Bãi Sabin hôm 25/8 là hoàn toàn "bất hợp pháp". Bộ trưởng Teodore còn tuyên bố Phi Luật Tân sẽ tập trung tăng cường lực lượng quân sự để chống trả các cuộc tấn công vũ trang. Manila tuy vậy tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao để quản lý các vấn đề trên biển và kêu gọi Trung Quốc "trở lại con đường đối thoại xây dựng" về các vấn đề trên Biển Đông.
Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Manila hiện chưa trả lời yêu cầu của hãng tin Reuters bình luận về những cáo buộc nói trên của phía Phi Luật Tân. Hôm 26/8 là ngày nghỉ lễ ở Phi Luật Tân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét